25/05/2018, 17:49

Nhận thức và sự lựa chọn Nhật Bản của Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX

(ĐHVH HN) - Sinh thành trong một gia đình nhà Nho và vùng quê Sa Nam, Nam Đàn, Nghệ An giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, từ rất sớm, Phan Bội Châu (1867-1940) đã nổi tiếng là một người tài trí, học rộng, có chí lớn. Trong bối cảnh thực dân Pháp đã xâm chiếm, thống trị “Nam kỳ lục ...

 
(ĐHVH HN) - Sinh thành trong một gia đình nhà Nho và vùng quê Sa Nam, Nam Đàn, Nghệ An giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, từ rất sớm, Phan Bội Châu (1867-1940) đã nổi tiếng là một người tài trí, học rộng, có chí lớn. Trong bối cảnh thực dân Pháp đã xâm chiếm, thống trị “Nam kỳ lục tỉnh” và tiếp tục đánh ra miền Bắc, miền Trung, sự tồn vong của dân tộc được đặt ra như một thách thức chính trị nghiêm trọng. Với tinh thần yêu nước và ý chí kiên trung, bất khuất, người thanh niên giàu dũng khí ấy đã sớm ý thức được sứ mệnh của tuổi trẻ trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền và nền độc lập cho dân tộc. Chịu ảnh hưởng của tân thư, tân văn từ phương Tây và các quốc gia láng giềng truyền tới, thay vì lựa chọn con đường “cử nghiệp”, lo toan cho những lợi ích nhỏ hẹp của gia đình, cá nhân,... Phan Sào Nam và nhiều thanh niên yêu nước khác nữa đã sớm dấn thân vào các trào lưu cách mạng, đau chung với nỗi đau của một dân tộc mất nước!
Nhận thấy những hạn chế thời đại của phong trào Cần Vương và của cả cuộc khởi nghĩa Yên Thế,... Phan Bội Châu đã sớm nghĩ suy về việc kiến tạo một con đường cứu nước mới. Nhìn ra các quốc gia láng giềng khu vực, ông nhận thấy đế chế Trung Hoa sau nhiều nghìn năm tự coi mình là trung tâm văn minh của thế giới, đã bị các cường quốc phương Tây xóa bỏ “ánh hào quang thần thánh”. Sau các cuộc Chiến tranh thuốc phiện (1840-1843, 1858-1860), mô hình quân chủ Trung Hoa không còn phù hợp và hơn thế đã bị sụp đổ trong nhãn quan của giới chính trị, trí thức châu Á. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản với những thành công của cuộc cải cách Minh Trị và đặc biệt là thắng lợi của quốc đảo này trong cuộc Chiến tranh Nhật - Nga năm 1904-1905, đã thổi bùng lên lòng kiêu hãnh và niềm tin của nhiều dân tộc Đông Á về khả năng có thể tự giải phóng khỏi ách nô dịch của các cường quốc phương Tây nếu quyết tâm “thoát Á”, canh tân đất nước. 
Đến thập niên đầu thế kỷ XX, Nhật Bản đã trở thành một hình mẫu mới, mô hình lý tưởng của nhiều người yêu nước trẻ tuổi Việt Nam. Chính vì vậy, khi khảo sát lượng trước tác đồ sộ mà Phan Bội Châu còn để lại cho đến nay, điều chúng ta có thể nhận thấy là, Nhật Bản luôn là “tấm gương” đối sánh, xuất hiện khá thường xuyên trong các di thảo của ông. Vậy Phan Bội Châu nhận thức gì về Nhật Bản? Và tại sao ông lại lựa chọn Nhật Bản là điểm đến của Đông Du - Một phong trào yêu nước, cách mạng tiêu biểu của Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX? (1)
1. Là một người sống cùng thời đại với cuộc cải cách Minh Trị (1868-1912), với vốn kiến thức thực tế phong phú và tầm hiểu biết uyên thâm của mình, Phan Bội Châu từng có những nhận thức, kiến giải sâu sắc và hệ thống về Nhật Bản trước, trong và ngay sau cải cách Minh Trị. Trong đó, ông đã có những nhìn nhận, đánh giá khá chính xác về đất nước, phẩm chất con người Nhật Bản trong sự đối sánh với Việt Nam. Theo Phan Sào Nam: “Nhật Bản là nước mà đất đai rất hẹp, núi non kéo dài, biển cả bao bọc xung quanh. Không có đồng ruộng tốt tươi màu mỡ. Thế mà dân nước họ đã biến vùng đá sỏi thành đất trồng trọt. Đấy là do sức của nhà nông vậy… Nhật Bản là nước sản địa rất kém, chỉ có đường buôn bán là rộng rãi. Người nước họ biết dựa vào các bến cảng, các phụ đầu, coi đó là kho trời ban cho… “Xã hội châu thức” của họ đến nay đã rất phát đạt”. (2)
Trong cách nhìn nhận của Phan Bội Châu về diện tích lãnh thổ, dân số và đặc điểm nhân dạng thì Nhật Bản và Việt Nam rất tương đồng: “Diện tích nước An Nam rộng 26 vạn 3 nghìn dặm vuông Anh, cùng sánh bằng Nhật Bản.” (3); “nước ta có những 25 triệu đồng bào. Nhật Bản trước khi duy tân, nhân dân cũng chưa đông được như thế” (4). “Ôi! Tai mắt của người nước ta với tai mắt của người Nhật Bản cũng thế thôi; gan ruột của người nước ta với gan ruột của người Nhật Bản cũng thế thôi, cũng đạp đất, đội trời, cũng là con yêu của thượng đế cả, cũng do khí thiêng chung đúc nên, đều là bạn hiền của non sông, ngu hèn chẳng lẽ chỉ riêng phần cho nước ta hay sao?” (5). 
Trong bối cảnh phần lớn các quốc gia phương Đông đều nằm dưới ách cai trị của thực dân phương Tây, trong nhìn nhận của Phan Bội Châu, Nhật Bản vẫn giữ được độc lập và chủ quyền của mình: “Tôi thường lấy làm lạ, Nhật Bản chỉ có ba hòn đảo cỏn con ấy mà suốt 3.000 năm nay, chủ quyền vẫn như một ngày. Các nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha… đều không lớn bằng nước ta, thế mà trong buổi liệt cường cạnh tranh này, vẫn nguyên vẹn là một nước, tiếng độc lập vang khắp năm châu” (6). Phân tích tình thế chính trị trước khi quyết định đến Nhật Bản, trong Niên biểu, Phan Sào Nam viết: “Tôi tưởng tình thế liệt cường bây giờ nếu không phải là các nước đồng chủng, đông văn tất không ai chịu giúp ta. Nước Tàu đã chịu nhượng Việt Nam cho Pháp, lại thêm hiện nay quốc thể yếu hèn, cứu mình không xong thì cứu được ai?” (7).
Vậy thì điều gì trong phẩm chất con người Nhật Bản khiến họ có thể mau chóng tự cường đất nước và bảo vệ được thành công chủ quyền, độc lập dân tộc? Điều căn cốt nhất mà Phan Bội Châu luận giải, đó chính là lòng yêu nước sâu sắc của tuyệt đại đa số quốc dân Nhật Bản: “Tháng Năm ra đi, tháng Sáu mới đến nơi. May nhờ có bậc đại hiền giúp đỡ mà đã được mấy bước yên vui, thấy những phường hiền sĩ ở Kinh đô (tức thủ đô Tokyo, Nhật Bản - TG chú), thấy trên từ công hầu, dưới đến đàn bà con trẻ, về tinh thần yêu nước mà nói, thì đốt lòng nhiệt thành lên, bể có thể khô; về tinh thần lo việc công mà nói, thì đoàn thể có thể vá được trời, lùa muôn hồn Đại hòa thì thánh thần hiện ra giữa ban ngày, dạo một đạo Võ sĩ thì uy thế mạnh hơn gang thép” (8). Hơn thế, lòng yêu nước đó luôn mang đặc trưng và gắn bó mật thiết với tinh thần Nhật Bản: “Đến ngày nay, người Nhật… lại có cái gọi là hồn Đại hòa. Đó là một cái tính mệnh mà Dân đảng không thể thiếu được. Lúc bình thường sống với nhau thì tin yêu lẫn nhau, rất là nhân từ. Khi lâm nạn thì sống chết cùng nhau, rất là gan dạ. Một đồng tiền, một hạt thóc, đều có thể chia nhau cùng hưởng. Bởi thế cho nên sự nghiệp xã hội càng ngày càng như mặt trời dâng lên, làn sóng văn minh càng ngày càng ào ào tràn đến. Đó là một điều mà một nước văn hủ, võ man rợ không dám mong có được” (9).
Không những vậy, một trong những đặc tính quan trọng của người Nhật là, từ rất sớm họ đã có ý thức về độc lập dân tộc và tinh thần tự chủ cao trong thế ứng đối với các quốc gia láng giềng đặc biệt là Trung Hoa. Theo Phan Bội Châu, chính điều này đã tạo nên nét tôn quý của người Nhật: “Nhật Bản ngày xưa, nước không bằng nước ta, người không đông hơn ta; sản vật hàng hóa, tiền tài giàu có không bằng một phần trăm của ta. Nhưng nhà vua gửi thư cho Tùy, Đường thì vẫn xưng là “Thiên tử nơi mặt trời mọc kính hỏi thăm Thiên tử nơi mặt trời lặn”. Than ôi! Người ta sao tôn quý được như vậy, mà ta lại ty tiện nhường này! Đem so sánh thì thật là đau xót”! (10)
 Cùng với những phẩm hạnh trên, trong nhìn nhận của Phan Bội Châu, người Nhật còn có những phẩm chất nổi bật như trọng lòng trung, chữ tín, trọng thì giờ và đặc biệt là rất nhân văn, coi thương đạo (đạo đức kinh doanh) là nguyên tắc sống: “Người Tây và người Nhật hết sức tin nhau, họ gửi nhau muôn nghìn lạng vàng, tuy ở cách nhau ngoài ức vạn dặm mà kẻ nhận một mảy may cũng không suy suyển, người gửi một mảy may cũng không nghi ngại. Trong đạo hợp quần, đó là điều rất trọng yếu” (11). Và, “Người ở ngoài biển Đông (Nhật Bản) rất coi trọng thì giờ. Trong nhà trường, đương lúc thầy giảng dạy, dẫu có khách cực tôn quý tới cũng không tiếp vì sợ làm trở ngại đến việc học. Sĩ phu nước ta thì phung phí quá nhiều thời gian. Thật đáng tiếc! Thật là đáng tiếc”! (12); “Tôi đi sang nước lớn ở biển Đông (nước Nhật Bản), dưới nước đi thuyền, trên bộ đi xe, thấy trong thuyền, trong xe có bao pháp độ được đặt ra để đãi người nước họ; giá vé rẻ, đối xử lịch sự, cung cấp ăn uống đầy đủ, có y tá chăm sóc bệnh tật, lúc ngồi, lúc nằm, khi đi khi lại, đâu đâu cũng sạch sẽ, gọn gàng, vẫy gọi tiếp dẫn, việc gì cũng đều nhân từ… dùng đạo người để đối đãi con người hẳn phải là như thế” (13). 
Như vậy, chính sự gần gũi về vị trí địa lý và những tương đồng về cảnh quan văn hóa, xã hội “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”… giữa Việt Nam và Nhật Bản cùng những cảm mến, khâm phục về tính cách, phẩm chất ưu trội của người Nhật Bản là nguyên nhân thúc đẩy Phan Bội Châu hướng đến đất nước “Mặt trời mọc”.
2. Đất nước, con người Nhật Bản có ấn tượng sâu sắc đối với Phan Bội Châu, tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên nhân quan trọng khiến Phan Bội Châu sớm lựa chọn và hướng về Nhật Bản trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của mình chính là ấn tượng mạnh mẽ của chiến thắng Nhật Bản trước đế quốc Nga trong Chiến tranh Nga -Nhật (1904-1905). Ông viết: “Cách không bao lâu, bỗng dưng có tiếng súng nổ ở Lữ Thuận, Liêu Đông, lướt theo sóng gió vang dội tới đây làm cho rung động, chói chát lỗ tai anh em chúng tôi… Trận Nhật - Nga chiến tranh mà Nhật Bản đại thắng thật có chỗ hay cho chúng tôi rất lớn. Trong óc chúng tôi đến đây có một thế giới mới lại mở ra… Từ hồi bỏ đi nước ngoài, đầu óc, tai mắt mình mới bắt đầu biến đổi, nhưng không thể nào không bảo được rằng đó là nhờ trận Nhật - Nga đánh nhau đã làm cho vang bóng cho tâm não chúng tôi” (14).
Không chỉ ấn tượng bởi chiến thắng của Nhật Bản, Phan Bội Châu còn đưa ra những nhìn nhận sâu sắc về tình hình thế giới cũng như những phân tích nhạy bén về chiến tranh Nga - Nhật: “Ngày nay, người Nhật đã chiến thắng và sự thật họ đã thắng. Trận thắng đầu là ở Nhân Xuyên, trận thắng thứ hai ở Bắc Hán, trận thắng thứ ba ở Lữ Thuận, trận thứ tư ở Liêu Đông, Phượng Hoàng, Cửu Liên… Hải quân, lục quân, cờ xí tưng bừng, tin vui tiệp báo, truyền khắp mọi nơi. Báo chí Anh, Mỹ không ngớt tán dương, tin điện bốn bề tới tấp, cả nước như cuồng nộ, dạt dào khiến cho người đồng chủng đồng văn, những kẻ từng có quan hệ “môi răng” với nhau, ai là không ngẩng cao đầu mà nhìn về Nhật Bản đang chiến thắng! Và vui mừng phấn khởi tưởng như mình được bù đắp” (15).
Hơn thế nữa, Phan Bội Châu còn luận giải xác đáng nguyên nhân thắng lợi của đế quốc Nhật Bản: “Nhật Bản sở dĩ thắng Nga không phải là do công của quân sự, mà do hiệu quả của công đức. Súng ống của quân Nga nhiều gấp trăm lần Nhật Bản, mà Nga bại Nhật thắng. Người Nga thì tự tư, tự lợi nhiều. Nhật Bản thì công đức rộng khắp, công đức rộng khắp thì ai cũng có lòng yêu nước. Tự tư nhiều thì tiếc thân, coi mình làm trọng nên đi đánh nhau làm sao mà khỏi thua? Tất cả mà có lòng yêu nước thì đánh nhau sao lại chẳng thắng?” (16). Hay, “Nước Nhật Bản kia, khi chống với giặc ngoài thì cả nước như một người, họ dẹp lại một bên những thù riêng ngày trước, gác những hiềm khích vụn vặt, để dốc toàn tinh lực chống lại nước ngoài. Người nước ngoài muốn bắt họ làm nô lệ, làm bầy tôi, trừ phi chém phăng cả toàn dân một nhát, còn thì không sao bắt được. Lòng người đã như thế muốn không độc lập cũng không được” (17).
Trên thực tế, cùng với tấm lòng yêu nước nồng nàn, thì chính những ấn tượng sâu sắc về chiến thắng của Nhật Bản với một nước đế quốc da trắng là một trong những nguyên nhân khiến Phan Bội Châu mau chóng lựa chọn và quyết định xuất dương sang Nhật Bản. Ông từng tự sự: “Bội Châu này, thưở nhỏ học tập được ít nhiều, lớn lên thường tự phụ là người có khí phách, tự mừng là có một phần trách nhiệm làm người dân của nước, nhưng sức hèn trí kém, vừa thẹn, vừa lo. Nên nhờ tàu thủy trốn qua Đông Kinh. Sáng dậy khóc than, đêm nằm lo nghĩ, ruột gan trăm mối hầu như tan nát vì đồng bào” (18).
3. Không những vậy, theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng khác nữa khiến Phan Bội Châu lựa chọn và hướng về Nhật Bản chính là sự thành công của cải cách Minh Trị và những thành tựu văn minh quan trọng mà đất nước này đạt được. Đó là một đất nước vốn cũng “đồng cảnh ngộ” và “đồng bệnh” như Việt Nam. Theo Phan Sào Nam: “Nước Nhật Bản trước khi duy tân, các liệt cường Âu, Mỹ cũng đã từng chú mục vào ba hòn đảo đó. Lúc bấy giờ, trong đám chí sĩ Cần Vương, những kẻ ngoan cố cứ một mực chủ trương khóa cảng không phải là ít. May nhờ có các bậc hiền sĩ như Cát Điền Tùng Âm (Yoshida Shoin), Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi), Hậu Đằng Tượng Thứ Lang lớn tiếng hô to, thủ xướng việc học người Tây, cho việc bài xích người Tây là thất sách, cho việc mở toang cửa biển là thức thời. Do đó, tân học lên cao, tân trí tiến mạnh, làm thành cái cơ sở cho việc duy tân, đến nay họ đã phú cường hơn cả Âu Mỹ” (19).
Và ông đã lý giải những nguyên nhân thành công của cải cách Minh Trị: “Rồi xét đến trang sử “Nhật Bản duy tân”, xét chân tướng lúc bấy giờ, xem cánh buồm khi qua bến. Do từ lúc đầu, họ biết cho người đi du học nước ngoài để mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài, mới có được sự nghiệp rực rỡ vĩ đại như thế. Khi đề xướng lên thì chỉ có một mình Cát Điền Tùng Âm, mà sau có hàng triệu Cát Điền Tùng Âm hò hét ầm ĩ theo, nên tiếng thêm mạnh, vang thêm xa… Người nước ta như Cát Điền Tùng Âm há lại ít ư? Nghĩ đến đây, tôi lại vì đồng bào mà hớn hở, vì đồng bào mà nhảy múa quên chết” (20).  
Thực tế cho thấy, trong nhìn nhận của Phan Bội Châu, Nhật Bản trở thành tấm gương sáng để noi theo: “Tục ngữ có câu: Ở đời không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Ta muốn văn minh, thì văn minh tất đến. Nước Nhật Bản duy tân 40 năm, mà văn minh đã tiến đến cực điểm” (21). Và, Phan Bội Châu thể hiện quyết tâm: “Chân thành nhận thấy một nước ngăn dị chủng, không nước nào bằng Nhật Bản; nâng cao quốc thể không nước nào bằng Nhật Bản, coi trọng nhân quyền không nước nào bằng Nhật Bản, tôi muốn cùng con người thế kỷ XX luận bàn công lý và văn minh, không đến nơi đây thì còn đến nơi nào nữa”? (22)
Từ tấm gương tự cường của Nhật Bản, Phan Bội Châu đã cổ vũ, động viên thanh niên lên đường xuất dương du học: “Việc học tinh thông nghề nghiệp ở các nước Anh, Nhật, Đức, Mỹ nhanh cũng đến hai năm, noi theo đó chớ lấy làm khó; việc học tập thành thạo các ngành binh, công, nông, thương có nhanh cũng đến năm năm, ta chớ lấy làm lâu!... Người ta có tài hay như chân đi được ngàn dặm, ta phải cố đi cho được muôn dặm, trước thì ta lấy họ làm thầy, sau ta lại sẽ làm thầy cho họ. Nước Nhật bây giờ cũng như nước Việt Nam ngày sau vậy” (23). Phan Sào Nam hy vọng: “Không ngoài vài năm, thì những thiếu niên nước ta sẽ bay nhảy hò vang, khua cá sấu mà chống lại rồng trời, non sông gấm vóc của ta sẽ rực rỡ tốt tươi, tuy sấm sét sẽ đuổi hết lũ quỷ ma. Sự nghiệp duy tân thứ nhất của Cát Điền Tùng Âm, anh em đồng bào ta há chịu nhường bước?” (24).
“Xuất dương, lưu học”, hướng đến những giá trị văn minh tiên tiến trong quan điểm của Phan Bội Châu chính là nhân tố căn cốt nhất để Việt Nam hùng cường, qua đó có thể đạt đến mục tiêu giành được độc lập dân tộc. Ông cho rằng: “Sau khi đã duy tân rồi, thì trong nước không một người nào là không có lòng yêu nước, phụng sự việc công, hết lòng thương yêu nhau, biết phục tùng chính lệnh, biết theo đuổi văn minh. Như vậy thì cần gì phải đợi đến những hình pháp nhỏ nhen nữa. Tuy vậy, nếu không may mà còn có vài người phạm tội, thì cũng có những đạo luật hình văn minh để đối xử. Hình pháp văn minh ấy cũng bắt chước theo hình pháp của nước Nhật Bản và của châu Âu” (25). Theo chí sĩ họ Phan: “Sau khi đã duy tân rồi, thì trên triều đình, dưới xã hội đều hết lòng chăm lo về việc giáo dục, đức dục, thể dục, không sót sự gì. Học Trung Quốc, học Nhật Bản, học châu Âu, học đủ các điều. Các ấu trĩ viện, dục anh viện, các trường tiểu học, trung học, đại học khắp thành thị thôn quê chỗ nào cũng có. Khi mới duy tân, thì các thầy giáo dạy ở các trường còn phải mời người Nhật, người châu Âu, châu Mỹ về dạy. Khi đã duy tân kha khá rồi thì vừa người nước ta, vừa người ngoài cùng dạy. Khi đã đã duy tân xong rồi, thì người nước ta đã có trình độ hơn cả người châu Âu, châu Mỹ, khỏi phải mời người nước ngoài nữa. Cách thức mở trường, sắp xếp việc học, việc dạy và việc bổ nhiệm những người học đã thành tài, đều bắt chước theo cái hay, cái tốt của các nước như Nhật Bản và châu Âu. Học triết học, văn học, sử học, chính trị, kinh tế, luật pháp… Học công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, nữ nông, y thuật, lâm nghiệp… Tất cả mọi nội dung của sách chỉ nhằm mở mang lòng dân yêu nước và lòng tin yêu lẫn nhau, khi dân trí, giúp dân quyền, khiến cho ai ai cũng tiến bộ ngày ngàn dặm” (26).
Đồng thời, ông cũng phân tích thêm: “Sau khi đã duy tân rồi, thì tai mắt người nước ta càng lanh khéo, trí tuệ người nước ta càng mở mang. Các trường học bách công đầy khắp trong nước. Thợ tìm mỏ, thợ nấu vàng, thợ đúc sung, thợ chế tạo máy móc, thợ sản xuất hàng hóa để buôn bán, thợ tôi rèn dụng cụ để cày cấy; thợ vẽ khéo, thợ may giỏi, cho đến trăm vật gì cũng có thợ cả. Bao nhiêu các trường thợ đều dùng người tài giỏi của châu Âu và Nhật Bản” (27).
4. Cùng với những nhìn nhận về đất nước, con người, ảnh hưởng bởi thắng lợi cũng như thành tựu của văn minh Nhật Bản, một trong số những nguyên nhân quan trọng khác thôi thúc Phan Bội Châu hướng tới Nhật Bản chính là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của chính giới Nhật Bản đối với công cuộc giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Theo ông “Nhật Bản là giống da vàng, lại là nước tiên tiến... Bây giờ ta sang Nhật đem lợi hại thuyết phục họ tất nhiên họ sẽ vui lòng viện trợ cho ta; nếu họ không viện trợ bằng binh lính thì việc mua khí giới, lương thực cũng có phần dễ”, và ông khẳng định “sang Nhật là hơn cả” (28). Trên thực tế, trong thời gian hoạt động ở Nhật Bản, Phan Bội Châu đã tranh thủ được sự ủng hộ, thiện cảm và thiết lập được mối quan hệ mật thiết, tin cậy với nhiều tầng lớp xã hội và với cả giới trí thức, chính khách Nhật Bản.
Qua sự giúp đỡ, giới thiệu tận tình của nhà cải cách Trung Quốc là Lương Khải Siêu, Phan Bội Châu đã có dịp tiếp xúc, trao đổi với Bá tước Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) và Dân biểu Quốc hội Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) (29), một trong những lãnh đạo chủ chốt của Dân đảng. Chúng ta phần nào thấy được điều này qua bức thư mà Phan Bội Châu gửi đến Bá tước Đại Ôi: “Kính thưa ngài. Chúng tôi, một người Việt Nam mất nước, vì lòng thương nhớ Tổ quốc mà sang gửi thân quý quốc, hằng ngày ngửa mặt trông triều lớn với tấm lòng muôn vàn kính mong mà không biết cách tâu lên được… Nguyên ngày tháng Sáu dương lịch (1905) trước đây, được ngài Khuyển Dưỡng Nghị dẫn đến yết kiến Bá tước, đội ơn được Ngài an ủi thăm hỏi mọi tình hình, biết Bá tước có lòng thương xót đồng chủng, có cái nghĩa bảo toàn Đông Á. Quý quốc có đấng bầy tôi như thế thật là vạn hạnh. Mong rằng sóng thừa lan khắp, tệ quốc sẽ được nhờ vả nhiều. Chúng tôi xin trình bày tấm lòng ngu thành để báo đáp ơn tri kỷ” (30). 
Từ mối thiện cảm thân tình, Phan Bội Châu còn có những lời lẽ thống thiết, chân thành nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Đại Ôi Trọng Tín: “Đứng về nghĩa lý mà nói, hiện châu Á là châu lớn nhất trong năm châu mà đế quốc Đại Nhật Bản lại là thế lực lại đứng đầu châu Á. Vậy nỡ nào để những người Đông Nam như Miến Điện, Việt Nam bị nước Pháp cướp bóc hoành hành? Ôi! Há phải trong châu Á không có nước nào văn minh chăng? Ôi! Há phải trong châu Á không có nước nào hùng bá chăng” (31). Luận giải về vị thế của Việt Nam, Phan Bội Châu cho rằng, “nước Việt Nam không phải là nước Việt Nam của châu Âu, mà chính là nước Việt Nam của châu Á. Nước Việt Nam đã là đồng chủng của đế quốc, lại là nước đồng văn, đồng châu của đế quốc, thế mà bọn Pháp Lan Tây kia lại dám gieo rắc nọc độc, sài lang, không biết kiêng sợ gì cả. Thế là trong mắt bọn Pháp Lan Tây không biết châu Á có cường quốc rồi! Thế là trọng tâm của bọn Pháp Lan Tây không biết châu Á có nước Nhật Bản rồi! Kìa, oai phong của nước Nhật lan tràn đến tận Tây Bắc, đến tận nước Thanh, nước Nga như vậy, mà có lẽ nào để cho nước Việt Nam đồng chủng, đồng văn, đồng châu là bị người Pháp giày xéo mà không đến cứu?” (32). 
Nghĩ về vị thế của Việt Nam trong tương quan với Nhật Bản và để tranh thủ sự ủng hộ của giới lãnh đạo Nhật Bản, Phan Bội Châu thuyết giải: “Nước Việt Nam không nên để cho người Âu chiếm làm sở hữu. Như vậy, đứng về nghĩa lý mà nói, thì nước Việt Nam là đồng chủng, đế quốc nên thương xót mà bảo toàn. Đứng về phía lợi hại mà nói, thì nước Việt Nam là đồng châu, đế quốc nên giúp đỡ mà cứu viện. Hiện nay, hòa nghị đã thành, trong nước vô sự, bậc hùng bá mưu lược xa, nên khuếch trương kịp thời, sớm làm cái kế lo xa khâu viền cả miền Đông Nam. Như thế thì đã vặt được lông cánh người Nga, lại có thể giữ được hòa bình ở châu Á, khiến cho người châu Âu không dám coi người châu Á là đất thực dân của họ nữa. Như vậy thì danh dự của đế quốc Đại Nhật Bản sẽ chiếm địa vị ưu đẳng trong cả năm châu. Bá tước thực vinh hạnh được thi hành danh dự ấy… Mong rằng, ý kiến quyết định của Bá tước sẽ được truyền rộng ra tận triều đình, đề đạt đến cả Thiên hoàng… Có thể dùng được kẻ vong nhân này, khiến cho nòi giống người nước tôi được ơn nhờ đế quốc mà còn” (33).
Trên cơ sở phân tích tình thế chính trị thế giới và khu vực, Phan Bội Châu còn lưu ý Đại Ôi Trọng Tín về sứ mệnh của Nhật Bản đối với các nước “đồng chủng, đồng văn”: “Chúng tôi chợt nhớ lại rằng gần đây nước Nhật đã tự nhận sứ mạng cứu giúp nòi giống da vàng. Chúng tôi đã có kế hoạch đi cầu viện nước Nhật, nhưng còn lo ngại rằng không có ai chỉ bảo cho cần phải làm ra sao để trả lời câu hỏi người Nhật có thể đặt ra. Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này và trong bóng đêm yên tĩnh chúng tôi đã cầu khẩn ông trời… Hôm nay, ông trời lại rất muốn giúp đỡ nước Nam chúng ta bằng cách đưa ra một người cháu đời thứ 6 của vua Gia Long là Cường Để để trả thù. Ông này hết sức bất bình, đã đi sang Nhật và chúng tôi có dịp may được gặp ông tại đó. Cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi đã trộn lẫn niềm vui với nỗi đau khổ. Những lưu học sinh quê xứ Trung Kỳ và xứ Bắc Kỳ đã họp nhau để bầu Hoàng thân Cường Để làm Hội chủ Hội Duy Tân. Có trời đất chứng giám, chúng tôi đã thề cứu đồng bào trong cơn hoạn nạn này. Với mục đích đó, chúng tôi đã yêu cầu sự viện trợ của Nhật Bản. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không thể không lo ngại. Công việc hứa hẹn có nhiều khó khăn, mà dân chúng nước ta lại nghèo và yếu” (34).
Không chỉ thiết lập được mối quan hệ thân tình với Bá tước Đại Ôi Trọng Tín, Phan Bội Châu còn tranh thủ được tình cảm của Khuyển Dưỡng Nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thời kỳ này. Chúng ta phần nào thấy được điều này, qua bức “tâm thư” ông gửi cho Khuyển Dưỡng Nghị: “Vừa đúng một ngày sau khi yết kiến Chủ nhân lần đầu tiên, ngày 11, ta lại nhận được thư của Chủ nhân hẹn đến số 12 Lầu Kính Hải, nơi ở của Chủ nhân tiên sinh, để cùng hội kiến với hai vị khách người Hồ Nam và Quảng Tây. Ta đã viết thư trả lời rằng: “Tôi là một người dân lưu vong hậu học sơ sài từ nơi xa đến, nhờ ơn được ngồi bút đàm với Tiên sinh, biến nỗi buồn thành niềm vui, cả ngày không biết mệt mỏi. Tiên sinh chiếu cố đến kẻ hèn mọn phương xa này, không nề hà gì, đã lắng tai để mắt đến, giảng dụ tường tận một số điều, mà lúc về nhà trọ, tôi cứ trằn trọc mãi không thể nào chợp mắt được, nghĩ rằng: Tiên sinh thương xót đồng bào đến như thế! Như thế! Lòng tôi thật nôn nao, đợi có dịp viết lại những điều cần nói ra để khỏi xốn xang bất yên. Tôi thật đáng tội chết! đáng tội chết! Nay tôi mới đánh bạo đem cái khả năng thô vụng của mình viết mấy dòng xin kính gửi làm tin, kính vâng lệnh đến hội kiến tiên sinh. Kính thư” (35); hay “Ngày 18, đáp xe lửa từ Hoành Tân lên Đông Kinh, đến chào Khuyển Dưỡng Nghị tiên sinh, Tham Nghị trưởng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nhật Bản. Tiên sinh là nhân vật thứ hai của Đảng Tiến bộ, khí tượng siêu phàm, nói năng rành rọt trôi chảy, có phong độ như một thư sinh, mới đầu tiếp xúc không biết là đại thần của một nước. Vừa mới gặp, Tiên sinh đã kính cẩn mời cùng ngồi, không có sự phân biệt chủ khách. Rồi Tiên sinh cầm bút viết lời đàm thoại; người hỏi, người trả lời trong tình chân thật cởi mở. Người nước ta quen bị gò bó, quê mùa, đứng trước mặt con người này, chẳng khác gì có một khoảng cách xa nhau như một ở trên lầu cao, một dưới sàn nhà vậy”! (36)
 Trong số các chính khách Nhật Bản thời kỳ này, thì Cung Kỳ Thao Thiên (Miyazaki Toten) cũng dành nhiều mối thiện cảm đối với Phan Bội Châu: “Cung Kỳ tiên sinh các hạ nhã giám. Trước đây, trong một bữa tiệc của Tôn Dật Tiên tiên sinh (tháng 11 năm Minh Trị thứ 38, tức năm 1905), tôi đã một lần kính chào Ngài (tại nhà Đính Trí Trung Đường dưới chân núi Hoành Tân), tôi hân hoan cảm kích vô cùng. Sau đó, tại trụ sở của Quý Xã, tôi lại được gặp Ngài lần thứ hai (tháng 6 năm Minh Trị thứ 39, tức năm 1906). Ngài đã ân cần thăm hỏi tình hình của nước tôi với khí phách hào hùng, bàn bạc cao sâu làm cho tôi cũng có phong thái của bậc nam tử Phù Tang. Sau lần gặp gỡ đó, tôi đã chia tay Ngài để  trở về Tổ quốc. Đến nay đã hai năm, tôi vẫn mong được gặp Ngài để tỏ bày tâm sự như trước, để dốc hết hào khí dạt dào với nhau, song chưa biết được Ngài có thì giờ rỗi hay không”? (37)
5. Cuối cùng, theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất mà Phan Bội Châu hướng đến Nhật Bản chính là mong muốn tìm kiếm, học tập một “mô hình tổ chức nhà nước”. Điều này xuất phát từ tình cảm yêu nước ban sơ của người Việt trong giai đoạn đầu thế kỷ XX: “Mọi người đều biết độc lập thì nước ấy là độc lập. Nhưng xét đến nguồn gốc tôn chỉ của độc lập thì cũng chỉ ở chỗ biết yêu nước, yêu nòi mà thôi” (38).
Trong cách nhìn đối sánh với Việt Nam, Phan Bội Châu đã có những luận giải sâu sắc và xác đáng về mô hình nhà nước Quân chủ lập hiến tiến bộ của Nhật Bản. Trong đó, ông đã phân tích mối quan hệ giữa vua quan và quốc dân: “Chỗ dựa của một nước chính là sự thống nhất giữa vua với toàn dân. Người trong nước ủng hộ tôn thờ quân chủ hơn cả Chúa trời, mà hiện nay Minh Trị lại là một thủ lĩnh Biến pháp: bầu Nghị viện, lập Hiến pháp đưa đất nước tiến lên con đường mới sánh ngang hàng với các nước văn minh. Vua Minh Trị lại có chính sách khai phóng cho nhân dân, mở ra hàng loạt trường học, dạy về quân sự, đủ cả Hải, Lục quân và phái người đi các nước tìm tòi học hỏi thêm các thức, biết suy nghĩ lo xa, biết cách thám thính địch tình một cách có nghệ thuật khôn khéo” (39).
Đây là mô hình nhà nước kết hợp tài tình giữa thể chế “tam quyền phân lập” của phương Tây vào điều kiện thực tế của Nhật Bản. Phan Bội Châu đã viết: “Theo công pháp vạn quốc đã định, được gọi là một nước thì phải có nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách là một nước. Trong ba cái đó thì nhân dân là quan trọng nhất. Không có nhân dân thì đất đai không thể còn, chủ quyền không thể lập, nhân dân còn thì nước còn, nhân dân mất thì nước mất… Nhật, Anh, Đức, Pháp, Mỹ đều là những cường quốc, tức là đều là những nước mà dân quyền được đề cao. Hình pháp, chính lệnh, thuế khóa, tiêu dùng đều do nghị viện quyết định, mà nghị viện thì đều do nhân dân tổ chức nên, Chính phủ không can thiệp vào. Hàng năm đến kỳ nghị viện họp, các nghị viên tụ tập đông đủ. Nghị hội tức là nhân dân. Những điều nhân dân cho là phải, chính phủ không thể không làm; những điều cho là trái, chính phủ không được làm. Tuy rằng sắc chiếu của Hoàng đế là rất đáng tôn trọng, nhưng nếu nghị viện không đồng ý thì cũng phải thu hồi mệnh lệnh đó. Dân quyền đáng sợ đến như vậy đấy” (40).
Thực tế cho thấy: “Vua nước Nhật Bản kính dân như thầy, như cha, thương dân như mẹ như con, nuôi nấng con côi, giúp đỡ người tật bệnh; bệnh viện, trường học không cái gì là không dành phần trước cho dân, rồi sau đó mới đến mình. Ngay cái việc giảng hòa, khai chiến, hành quân, thu thuế, điều binh…, không việc gì là không do Nghị viện nhân dân quyết định” (41).
 Từ thực tế đó, Phan Bội Châu đã có “tâm thư” gửi đến vua Thành Thái ngõ hầu mong Việt Nam sớm học tập và noi gương: “Nếu Bệ hạ còn theo thói hoang dâm, không nghĩ rằng ngày kia, nước ấy đề xướng lên chủ thuyết “bảo tồn đồng châu” và đem quân “điếu phạt”, xử lý đến cả người đứng đầu nước ta, lúc ấy Bệ hạ ăn nói thế nào để gỡ tội? Kẻ thần dân này, tháng Ba năm nay đến Nhật Bản, được chứng kiến khí thế sục sôi của người nước họ tỏ lòng thương xót nước ta trong cảnh nước mất nhà tan, vừa uất hận, vừa hổ thẹn; Mơ mộng và lo nghĩ xua đuổi xen kẽ nhau, không một ngày đêm nào không mơ thấy mình lảng vảng ở hai bên tả hữu núi Ngự, sông Hương… Kẻ hạ dân này thân mềm yếu ở tận ngoài biển xa, xin bắt chước lòng trung thành của Bao Tư, mong sẽ có ngày khôi phục lại đất nước vẻ vang, thấy lại được mặt trời” (42).
Không những thế, Phan Bội Châu còn động viên tinh thần tự lực của những thanh niên trẻ yêu nước, xuất dương lưu học: “Ôi! Đọc sách sáng lẽ chỉ có kẻ sĩ, tư tưởng lớn lao chỉ có kẻ sĩ, gánh nặng đường xa chỉ có kẻ sĩ. Các anh em hãy đọc rộng những sách liệt truyện vĩ nhân mới của Âu, Á như các ông Ái Tô Sĩ, Lư Thoa, Cát Điền Tùng Âm, Đại Ôi Trọng Tín… đổi mới tạo ra thời thế, lẽ nào không phải là sức của kẻ sĩ? Anh em ôi! Anh em ôi! Nếu anh em ra sức gắng làm thì cũng như các người ấy thôi” (43). Nghĩ suy về một mô hình nhà nước, tháng 3 năm 1929, Phan Bội Châu đã thảo xong bản “Hiến pháp nước Việt Nam”. Qua đó, ông cũng nhận thức ngày một rõ ràng rằng: Điều quan trọng nhất là chủ quyền, điều quan trọng của chủ quyền là độc lập, chủ quyền hoàn toàn cả đối nội và đối ngoại. Phan Bội Châu không thừa nhận một chủ quyền danh nghĩa, giả hiệu. Với ông, chức năng căn bản của chính quyền nhà nước về đối nội là che chở cho đồng bào, ở ngoài thì tranh hùng được với các quốc gia khác, làm cho các dân tộc khác phải kính sợ. 
 
Một số nhận xét và kết luận: 
- Qua khảo cứu các trước tác của Phan Bội Châu, có thể thấy từ năm 1904-1905 đến 1908, trong khoảng 4 năm, Nhật Bản đã trở thành dòng mạch chủ đạo trong tư duy chính trị và tình cảm của nhà chí sĩ yêu nước. Nhận thức về Nhật Bản của Phan Bội Châu rất có hệ thống và tương đối sâu sắc và cơ bản về các lĩnh vực từ đất nước, con người, thể chế hành chính, tư duy chính trị, đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hóa, cách thức tổ chức xã hội, ý thức giáo dục tinh thần công dân đến những chiến công quân sự, các chính sách, biện pháp được thực thi trong công cuộc cải cách... để thúc đẩy sự phát triển và đạt đến những thành tựu quan trọng trên con đường hướng tới kiến dựng nền văn minh mới, văn minh công nghiệp tiến bộ. 
- Trên phương diện xã hội và đặc trưng văn hóa dân tộc, Phan Bội Châu từng nhiều lần bảy tỏ sự cảm phục, ngưỡng mộ những phẩm chất trung thực, tự trọng, tự tôn, ý thức kỷ luật và tinh thần cố kết cộng đồng chặt chẽ của người Nhật. Lòng nhiệt thành với đất nước, tinh thần yêu nước, tất cả đều sẵn sàng xả thân vì nước là những nhân tố hết sức quan trọng quyết định thành công. Tình cảm và suy nghĩ của ông về đất nước, con người Nhật Bản được thể hiện nhiều lần trong các di thảo: “Tôi đã từng đi lại ở Phù Tang, thấy trong nước không có chỗ nào là không có ảnh hưởng xã hội, không có người nào là không có tinh thần xã hội, không có một việc gì là không có hiệu quả xã hội. Cho nên bản thân tôi từng ngậm ngùi than thở mà nói rằng: Đất không có chỗ nào là giàu, là nghèo, hợp nhiều nhà lại để làm giàu, thì sự giàu sẽ có ngay. Người không có mạnh yếu khác nhau, góp sức nhiều người lại để làm mạnh, thì sự mạnh sẽ có ngay. Tụ cát lại mà làm nên núi, góp suối sông lại để mà thành bể. Nếu biết được như thế, thì cái đạo lý khôi phục lại nước ta là ở nơi người nước ta mà thôi. Người nước ta không phải ai khác, chỉ trong bốn giới sĩ nông công thương mà thôi vậy” (44).
- Có thể khẳng định rằng, để hướng đến mục tiêu giành lại chủ quyền và nền độc lập cho dân tộc thì việc lựa chọn Nhật Bản, hướng đến mô hình Nhật Bản, học tập phương thức cải cách, xây dựng, phát triển đất nước theo mô hình của một nhà nước hiện đại là tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong tư tưởng cách mạng của Phan Bội Châu những năm đầu thế kỷ XX. Qua nghiên cứu các trước tác của ông chúng ta thấy, Phan Bội Châu và các chí sĩ phong trào Đông Du hướng về Nhật Bản không chỉ vì mục tiêu cầu viện, tiếp thu kỹ thuật quân sự, mua sắm vũ khí... mà còn mong muốn học tập một cách căn bản, toàn diện con đường đi mới, mô hình phát triển của châu Á mà Nhật Bản là quốc gia tiên phong. Phan Bội Châu và các đồng chí của ông hy vọng rằng, với những đặc tính tự nhiên, xã hội và văn hóa có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, Nhật Bản có thể chia sẻ, hỗ trợ cho Việt Nam và bằng những nỗ lực của mình, Việt Nam có thể tiếp nhận, vươn tới để đạt đến trình độ phát triển đó nhưng trước hết là giúp Việt Nam đánh Pháp! Tuy nhiên, phải đến khi Phan Bội Châu và các chí sĩ yêu nước, do sự câu kết chính trị Nhật - Pháp, buộc phải dời khỏi Nhật Bản thì ông mới hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề! 
- Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Phan Bội Châu cũng nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tính chất đa dạng, phức tạp, phức hợp trong tư duy chính trị của giới cầm quyền khu vực. Từ đó, ông chủ trương rằng, để giành lại nền độc lập cho dân tộc điều cần thiết là phải xây dựng tình đoàn kết quốc tế rộng lớn, phải hòa nhập với dòng chảy chung của cách mạng thế giới. Bên cạnh đó, ông và những người cộng sự, đồng chí cũng thấm hiểu rằng, trong các mối quan hệ quốc tế, lợi ích của quốc gia (đặc biệt là của các liệt cường) luôn là nhân tố chủ đạo, chi phối các mối quan hệ quốc tế. Điều kiện chính trị - xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ luôn chịu sự tương tác quyền lực cùng những toan tính chung, riêng của các quốc gia, thế lực chính trị phương Tây có lợi ích liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. 
 
--
Tác giả: GS. TS. Nguyễn Văn Kim (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN) và TS. Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Văn hóa học – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội).
Nguồn: Tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế: Chí sỹ Phan Bội Châu – Bác sỹ Asaba Sakitaro và Quan hệ Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, Đồng tổ chức bởi Đại học Quốc gia Hà Nội, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản và UBND tỉnh Nghệ An, Nghệ An, 15.12.2017, tr. 127-137.
 
 
Admin4
-
CHÚ THÍCH:
(1). Trong công trình nghiên cứu của mình, nhà sử học Nhật Bản Shiraishi Masaya đã nêu vấn đề lực đẩy: Tại sao Phan Bội Châu lại phán đoán là phải xuất dương? Và lực hút (nhân tố kéo: Tại sao lại Nhật Bản chứ không phải nước nào khác? Theo đó, “Phan Bội Châu phủ nhận hoàn toàn tính chính thống, ách thống trị của thực dân Pháp. Do đó, con đường “cứu vãn” Việt Nam không thể nào khác là tìm con đường đấu tranh vũ trang nhằm đập tan thể chế thống trị thực dân… Để chống lại thể chế đó và ách thống trị của thực dân Pháp, không thể không gây dựng cuộc đấu tranh vũ trang có thể đối chọi hữu hiệu với bộ máy bạo lực của chúng, trong đó, vũ khí hiện đại là cái không thể thiếu nhưng lại bị chúng độc quyền quản lý, không thể có được ở trong nước. Do đó, cần xuất dương cầu viện nước ngoài để có vũ khí.” Shiraishi Masaya: Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và châu Á – Tư tưởng của Phan Bội Châu và cách mạng Thế giới, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 340-341.
(2). Phan Bội Châu: “Đề tỉnh quốc dân hồn” (Gọi tỉnh hồn quốc dân), trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Nxb. Thuận Hóa & Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2001, tr. 348.
(3). Phan Bội Châu: “Việt Nam vong quốc sử”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 81.
(4). Phan Bội Châu: “Khuyến quốc dân tư trợ du học văn” (Thư khuyên đồng bào trong nước giúp tiền cho thanh niên đi du học), trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 255.
(5). Phan Bội Châu: “Khuyến quốc dân tư trợ du học văn” (Thư khuyên đồng bào trong nước giúp tiền cho thanh niên đi du học), trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 254.
(6). Phan Bội Châu: “Việt Nam quốc sử khảo”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 62-63.
(7). Phan Bội Châu: “Niên biểu”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 76-77.
(8). Phan Bội Châu: “Khuyến quốc dân tư trợ du học văn” (Thư khuyên đồng bào trong nước giúp tiền cho thanh niên đi du học), trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 254.
(9). Phan Bội Châu: “Việt Nam quốc sử khảo”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 105-106.
(10). Phan Bội Châu: “Việt Nam quốc sử khảo”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 61.
(11). Phan Bội Châu: “Hải ngoại huyết thư”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 143.
(12). Phan Bội Châu: “Hải ngoại huyết thư”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 143.
(13). Phan Bội Châu: “Hải ngoại huyết thư”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 125.
(14). Phan Bội Châu: “Ngục trung thư”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 6, Sđd, tr. 26-27.
(15). Phan Bội Châu: “Bàn về chung cuộc chiến tranh Nga - Nhật”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 282.
(16). Phan Bội Châu: “Việt Nam quốc sử khảo”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 138-139.
(17). Phan Bội Châu: “Việt Nam quốc sử khảo”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 63.
(18). Phan Bội Châu: “Khuyến quốc dân tư trợ du học văn” (Thư khuyên đồng bào trong nước giúp tiền cho thanh niên đi du học), trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 253-254.
(19). Phan Bội Châu: “Việt Nam quốc sử khảo”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 132-133.
(20). Phan Bội Châu: “Khuyến quốc dân tư trợ du học văn” (Thư khuyên đồng bào trong nước giúp tiền cho thanh niên đi du học), in trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 254.
(21). Phan Bội Châu: “Việt Nam quốc sử khảo”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 66.
(22). Phan Bội Châu: “Kính gửi ngài Tiểu Thôn Thọ Thái Lang - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đế quốc Nhật Bản”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 274.
(23). Phan Bội Châu: “Tân Việt Nam”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 192.
(24). Phan Bội Châu: “Khuyến quốc dân tư trợ du học văn” (Thư khuyên đồng bào trong nước giúp tiền cho thanh niên đi du học), in trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 257.
(25). Phan Bội Châu: “Tân Việt Nam”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 183.
(26). Phan Bội Châu: “Tân Việt Nam”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 184-185.
(27). Phan Bội Châu: “Tân Việt Nam”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 188.
(28). Phan Bội Châu: “Niên biểu”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 6, Sđd, tr. 129. 
(29). Inukai Tsuyoshi sau này là Thủ tướng của Nhật Bản từ năm 1931 cho đến khi bị ám sát vào ngày 15.5.1932. Ông cũng là Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản.
(30). Phan Bội Châu: “Kính gửi Bá tước Đại Ôi Trọng Tín”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 244.
(31). Phan Bội Châu: “Kính gửi Bá tước Đại Ôi Trọng Tín”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 244.
(32). Phan Bội Châu: “Kính gửi Bá tước Đại Ôi Trọng Tín”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, tr.245. Tuy nhiên, kết quả của các cuộc “đàm phán” với Bá tước Okuma Shigenobu và Thủ tướng Inukai Tsuyoshi đã không đạt được kết quả như mong đợi. Họ khuyên Phan Bội Châu: “Bây giờ lấy danh nghĩa Dân đảng để viện trợ ông thì được, chứ lấy binh lực viện trợ thì không phải lúc. Hiện nay, tình hình thế giới, nếu gây ra chiến tranh thì vấn đề không phải đơn thuần Nhật - Pháp mà là vấn đề Âu - Á cạnh tranh. Nhật Bản muốn viện trợ quý quốc, tất phải khai chiến với Pháp thì ngọn lửa chiến tranh ở hoàn cầu sẽ bùng lên, mà ngay bây giờ thì Nhật Bản chưa đủ lực lượng để đấu tranh với tất cả các nước ở châu Âu. Vậy các ông có thể nhịn nhục để đợi cơ hội được không?”, Phan Bội Châu: “Niên biểu”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 6, Sđd, tr. 144. 
(33). Phan Bội Châu: “Kính gửi Bá tước Đại Ôi Trọng Tín”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 245-246.
(34). Phan Bội Châu: “Thư gửi những người anh em nước ta”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 247.
(35). Phan Bội Châu: “Gửi bạn tri kỷ”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 252.
(36). Phan Bội Châu: “Gửi bạn tri kỷ”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 253.
(37). Phan Bội Châu: “Thư gửi Cung Kỳ Thao Thiên” (Miyazaki Toten), trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 263-264.
(38). Phan Bội Châu: “Triết luận”, trong Phan Bội Châu toàn tập, Tập 1, Sđd, tr. 115.
(39). Phan Bội Châu: “Bàn về chung cuộc chiến tranh Nga - Nhật”, tron
0