Nhìn lại ứng đối của chính quyền Siam với thực dân Pháp dưới thời vua MongKut (1851-1868)
(ĐHVH) - Trong quá trình xâm nhập và “mở cửa” Siam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, Pháp là nước đi sau Anh và Mỹ, nhưng có thể thấy rằng, dưới thời trị vì của nhà vua Mongkut (cq: 1851-1868), quốc gia này cũng được xem là một trong những “trọng tâm” trong chính sách đối ...
(ĐHVH) - Trong quá trình xâm nhập và “mở cửa” Siam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, Pháp là nước đi sau Anh và Mỹ, nhưng có thể thấy rằng, dưới thời trị vì của nhà vua Mongkut (cq: 1851-1868), quốc gia này cũng được xem là một trong những “trọng tâm” trong chính sách đối ngoại của Siam. Khi luận giải vệ sự thành công của Siam trong tiến trình bảo vệ an ninh và độc lập dân tộc, phần lớn các học giả trong nước và quốc tế cho rằng sở dĩ Siam có thể giữ gìn chủ quyền của mình là do vị trí “vùng đệm” của quốc gia này nằm giữa hai thế lực của Anh và Pháp, cũng như tận dụng tốt sự mâu thuẫn, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nước đế quốc trên bán đảo Trung - Ấn.
Cùng với những ứng đối khôn ngoan, đúng đắn của Siam với thực dân Anh,[1] bài viết này nhìn nhận lại những ứng đối mềm dẻo, linh hoạt của chính quyền Siam với thực dân Pháp dưới thời trị vì của nhà vua Mongkut thay vì quan điểm cho rằng vị trí địa lý là nhân tố chính yếu giúp Siam thoát khỏi thân phận thuộc địa thời kỳ này.
1. Hiệp ước Pháp-Siam năm 1856 và những “nhượng bộ” của Siam trên khía cạnh tôn giáo
Là quốc gia “đến sau” và dù không thể cạnh tranh được với Anh trên phương diện thương mại, song ngay từ đầu, Pháp được chính quyền Siam dành cho sự trọng thị lớn, nhà vua Mongkut đã thiết lập mối quan hệ thân thiện với đất nước này. Năm 1856, Hoàng đế Napoleon III của Pháp đã cử phái viên đến Siam để tái thiết lập quan hệ ngoại giao và đàm phán hiệp ước. Nguồn sử biên niên của Siam cho biết rõ điều này: “Vào tháng 8 (tính theo lịch Siam), Hoàng đế Napoleon III của Pháp đã phê duyệt M. Charles Louis Nicholas Maximilian de Montigny là sứ giả của Pháp đến Siam. Sứ đoàn đi trên ba chiếc tàu là Catinat, Marceau và Capricieu. Tên người chỉ huy tàu là Dooddooliwce… Vào thứ Năm, ngày 8 tháng 8 (tính theo lịch Siam), nhà vua đã cử một chiếc thuyền hộ tống Montigny và các quý tộc Pháp khác đến Bangkok.[2] Vào thứ Hai, ngày 12 tháng 8 (tính theo lịch Siam)”, họ đã đến nơi trên chiếc tàu Marceau. Cả hai phía đã bắn 21 phát đại bác bên cạnh việc kéo quốc kỳ của mỗi bên để chào mừng”.[3]
Phái đoàn đàm phán của Pháp đã được chính quyền Siam dành cho sự trọng thị lớn và được tiếp đón trang trọng ở Bangkok. Nguồn sử biên niên của Siam cho biết thêm: “Thời gian này, những ngôi nhà gạch dành cho sứ đoàn nước ngoài đã được sứ đoàn Anh sử dụng. Những ngôi nhà khác dành cho sứ đoàn nước ngoài được làm bằng các cành cọ và xây dựng ở bờ sông Phadunkrunkaseem được xem là không trang trọng đối với sứ đoàn Pháp. Cho nên, sứ đoàn Pháp được sắp xếp lưu trú tại khu nhà khách trong dinh thự của vị Somdet già.”[4]
Sau những nghi thức ngoại giao tiếp sứ thông thường, “nhà vua Mongkut đã chỉ định một hội đồng đàm phán đại diện cho ông để thương thảo hiệp ước với Montigny. Các thành viên trong hội đồng đàm phán của Siam là: Hoàng thân Krom Luang Wongsa, Somdet trẻ, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh (Kralahom), Bộ trưởng Bộ Tài chính (Phrakalang) và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tổng cộng là 5 người.”[5]
Chỉ trong ít ngày thương thảo, hiệp ước Pháp và Siam nhanh chóng được thông qua, thực tế thì “các cuộc đàm phán hiệp ước được tiến hành tại tòa cung điện cũ. Hiệp ước gồm có 32 điều khoản. Vào ngày ký kết và đóng dấu hiệp ước, 21 phát đại bác chào mừng đã được bắn tại pháo đài Widchajeentharaprasid của Siam, và phía Pháp cũng bắn 21 phát đại bác chào mừng từ thuyền chiến của mình.”[6] Như vậy, với tổng cộng 32 điều khoản, hiệp ước giữa Pháp và Siam năm 1856 có số điều khoản gấp gần 3 lần so với hiệp ước mà Siam đã ký với Anh năm 1855; song về cơ bản, hai bản hiệp ước có nội dung tương tự nhau. Theo đó, Siam đồng ý và cho phép Pháp lập tòa lãnh sự ở Bangkok, các công dân Pháp được hưởng quyền lãnh sự tài phán; người Pháp có quyền cư trú và sở hữu đất đai trong phạm vi lãnh thổ như người Anh; thuế nhập khẩu của Pháp vào Siam cũng chỉ phải nhận một lần và không vượt quá 3%...[7]
Dù có những tương đồng về nội dung giữa Hiệp ước Anh-Siam năm 1855 và Hiệp ước Pháp-Siam năm 1856, song nếu như quan hệ Anh-Siam nổi trội trên phương diện thương mại, thì nét đặc trưng trong quan hệ Pháp-Siam là vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo. Trên thực tế, “các nhà truyền giáo người Pháp được tự do xây trường học, tu viện và nhà thờ, mặc dù vua và triều đình vẫn là những Phật tử nhiệt thành”.[8] Điều thú vị là, ngay từ khi nhà vua Mongkut mới lên cầm quyền thì ở Siam đã có khoảng 7.000 tín đồ theo đạo Cơ đốc, và những gì mà nhà vua ngưỡng mộ nhất đối với tín đồ đạo Cơ đốc là những đòi hỏi của họ trong việc duy trì những luật định nghiêm khắc về đạo đức, mặc dù, một trong những nội dung của luật định này đã tấn công trực diện vào chế độ đa thê trong vương quốc của ông. Những nỗ lực cải đạo tín đồ Phật giáo từ phía các nhà truyền giáo Cơ đốc chưa bao giờ khiến Mongkut lo lắng. Ông nhận thấy nội dung trong đức tin của tín đồ Cơ đốc chưa thật sự mãnh liệt, và ông hoàn toàn chờ đợi các tín đồ Phật giáo có thể cải đạo ngược trở lại các nhà truyền giáo phương Tây. Như nỗ lực của họ trong việc cải đạo nhà vua Mongkut đã được ông bày tỏ: “Mặc dù bạn nên thực hành nghi lễ rửa tội ở toàn bộ Siam, nhưng tôi thì sẽ không bao giờ phải rửa tội”.[9]
2. Xung quanh vấn đề lãnh quyền biên giới phía Đông của Siam
Ứng đối của Siam với Pháp dưới thời Mongkut không chỉ nổi bật về các chính sách liên quan đến tôn giáo, mà “nổi cộm” trong quan hệ hai nước còn là các vấn đề về lãnh quyền biên giới dọc theo tả ngạn sông Mekong ở Laos và đặc biệt là Cambodia.[10] Năm 1860, sau khi kết thúc Chiến tranh Nha phiến lần thứ 2 (1856-1860) và buộc Trung Quốc phải đưa ra nhiều nhượng bộ, trong khi Anh gia tăng ảnh hưởng của mình ở phía Tây của bán đảo Trung-Ấn, thì Pháp cũng đẩy mạnh hoạt động bành trướng của mình ở Đông Dương. Thực tế thì điều này đã gây nên rất nhiều xáo trộn đối với địa-chính trị khu vực, “bản đồ chính trị khu vực Đông Nam Á trở nên vô cùng chồng chéo và phức tạp với đường biên giới dài vào loại bậc nhất trên thế giới (ngoại trừ châu Âu và phía Tây châu Phi). Diện mạo đường biên của Myanmar, Thailand, Laos, Cambodia và Việt Nam bị chia cắt mà không tuân theo những phân định về địa hình. Biên giới phân định ở Đông Nam Á lục địa là sản phẩm tranh chấp của Anh và Pháp”.[11] Điều hiển nhiên là, trong thế cuộc thực dân Anh đã bành trướng mạnh mẽ ở Trung Hoa và vùng lãnh thổ phía Đông của Ấn Độ, thì không còn cách nào khác, Pháp buộc phải mở rộng thế lực của mình ở khu vực Đông Dương. Dưới cách nhìn của người Pháp thì “sông Cửu Long sẽ khẳng định cho sự hiện diện của người Pháp tại khu vực mà họ gọi là bán đảo Hoa-Ấn (Indo – Chine), một danh xưng chỉ vùng lãnh thổ ở Đông Nam Á nằm kẹp giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Dòng sông mang lại cho thế lực của Pháp ở Sài Gòn như những gì mà sông Dương Tử đã làm cho Thượng Hải, hay như những gì mà sông Mississippi có thể đã đem đến cho vùng đất New Orleans mà Pháp đã từng sở hữu trước đây. Đây sẽ là một lộ trình giao thương kết nối với thị trường nội địa Trung Hoa, cũng như mang đến một con đường vận chuyển quặng mỏ và các mặt hàng lâm thổ sản ở những vùng đất nằm kẹt sâu trong nội địa, đồng thời, nó mang đến một con đường khác thâm nhập vào lục địa châu Á. Như thế, đây là cách thức đền bù cho vốn liếng mà chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã chi trả cũng như tạo tiền đề cho Pháp kiến lập nên một đế chế ở Viễn Đông”.[12]
Trên thực tế, song song với quá trình tổ chức các đợt thăm dò và thám hiểm ngược sông Mekong[13], đe dọa đến quyền bá chủ của Siam ở Laos, thì người Pháp đã từng bước đẩy mạnh ảnh hưởng cũng như áp chế quyền lực của mình ở Cambodia. Và quan hệ hai nước đã rẽ sang chiều hướng xấu đi khi Pháp điều một lực lượng lớn hải quân và lục quân từ Trung Hoa đến Nam Kỳ cũng như ngay lập tức họ bày tỏ tham vọng của mình trong việc đặt chế độ bảo hộ ở Cambodia năm 1861.[14] Tuy nhiên, vào năm 1862, chỉ sau khi họ chiếm miền Đông Nam Kỳ của Việt Nam, người Pháp mới bắt đầu hiện thực hóa tham vọng của mình ở Cambodia, đánh dấu bằng việc vị thống đốc mới được bổ nhiệm là Louis Bonard dẫn đầu hai đoàn thuyền chiến thâm nhập vào Cambodia với mục đích yêu cầu quyền được bảo hộ và thúc đẩy các hoạt động tự do thương mại.[15]
Những “va chạm” giữa hai phía Pháp và Siam diễn gay gắt ra khi Pháp và Cambodia ký kết hiệp ngày 11/8/1863, theo đó, phía Cambodia thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp trên lãnh thổ đất nước mình. Là quốc gia có quyền bá chủ ở Cambodia trong một thời kỳ dài trước đó, cho nên điều dễ hiểu là gần như ngay tức khắc, phía Siam đã có những ứng đối tức thời để bảo vệ lợi ích của mình. Và “phản ứng tức thời của Siam đối với sự ký kết bản hiệp ước của Pháp năm 1863 về chế độ bảo hộ ở Cambodia là chính thức phản đối Drouyn de Lhuys tại Paris và Đô đốc Grandière tại Sài Gòn, nhưng đến tháng 12 có vẻ như họ chấp nhận đây là sự đã rồi. Chiến lược của ngài Phraklang không còn là tranh nghị về chế độ bảo hộ nữa mà đúng hơn là làm giảm bớt một phần tầm quan trọng của nó. Để làm được điều này, ông viện cớ rằng, điều này hướng đến việc thúc đẩy Pháp thừa nhận Cambodia như một quốc gia quân bình giữa họ và Siam. Trong một bức thư gửi cho Grandière, ông đã đề cập đến việc không ai có quyền chối bỏ Cambodia là một quốc gia độc lập”.[16]
Bên cạnh đó, với tư cách là Đại sứ đặc mệnh toàn của Siam ở Pháp, Phraya Montri Suriyawongse đã gặp gỡ Hoàng đế Napoleon III và nắm bắt được thông tin quan trọng về sự bất đồng trong triều đình Pháp đối với những vấn đề liên quan đến Cambodia, đặc biệt là thông tin về các phe phái phản đối chính sách của viên Thống đốc người Pháp ở Nam Kỳ. Có một chi tiết rất thú vị về “kỹ năng” ngoại giao của phía Siam đó là, lợi dụng những bất đồng của phía Pháp, ngay tại triều đình của Napoleon III tại Paris, Phraya Montri Suriyawongse đã dõng dạc đọc một văn bản bằng tiếng Siam để tái khẳng định quyền bá chủ của Siam tại Battambang và Angkor (tức Siem Reap – NTD chú) của Cambodia.[17]
Không những vậy, không lâu sau khi Hiệp ước Pháp và Cambodia được ký kết, ngày 1/12/1863, phía Siam cũng ký kết với Cambodia một mật ước với những nội dung tương tự. Theo đó, quốc vương Cambodia là Norodom đã thừa nhận quyền bảo hộ của Siam ở Cambodia, giống y như những gì mà họ đã trao cho phía Pháp. Trong mật ước này, Cambodia được xem là nước chư hầu của Siam và Norodom được phong quyền là Phó vương hay Kinh lược sứ (Viceroy). Lời tuyên nhận của Siam cũng xác định rằng Battambang cùng với Angkor và các phần lãnh thổ khác nhau của Cambodia nằm dưới quyền kiểm soát của Siam. Ngay các tỉnh Pursat và Kompong Svai cũng vẫn nằm trong tay Siam.[18] Mật ước này là bước đi đầy toan tính và bất ngờ của Siam trong ứng đối với Pháp về vấn đề Cambodia, điều thú vị là phải rất lâu sau khi mật ước được ký kết, có nghĩa là phải đến ngày 20/8/1864, phía Pháp mới biết đến bản mật ước khi được tờ báo nổi tiếng Straits Times của Singapore đăng tải toàn văn.
Để xóa bỏ mật ước giữa Siam và Cambodia, phía Pháp đã bổ nhiệm Gabrien Aubaret làm Đại sứ đến Bangkok để đàm phán hiệp ước. Gabriel Aubaret vốn là viên sĩ quan hải quân trẻ, rất am hiểu ngôn ngữ và văn hóa của một số nước phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam… Ông ta là người tán thành đối với những tuyên bố của Phraya Montri Suriyawong về lãnh quyền của Siam ở Battambang và Angkor, lại là người cổ xúy cho một chế độ bảo hộ hỗn hợp giữa Pháp và Siam trên lãnh thổ Cambodia, cho nên điều dễ hiểu là, các cuộc đàm phán giữa Aubaret và người đại diện của Siam là Kralahom đã nhanh chóng đi đến đồng thuận, và hai bên ký kết một hiệp ước mới vào ngày 14/4/1865.[19] Đây là bản hiệp ước đầy tranh cãi, và nhận được những phản ứng trái chiều từ cả hai phía Pháp và Siam. Bản hiệp ước gồm các nội dung:
“Điều 1: Quốc vương Siam thừa nhận sự bảo hộ của Hoàng đế Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Cambodia.
Điều 2: Hiệp ước ký kết giữa nhà vua Siam và quốc vương Cambodia vào tháng 12/1863 bị hủy bố và tuyên bố vô giá trị. Chính phủ Siam không có quyền viện dẫn hiệp ước này trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Điều 3: Hoàng đế Pháp tán thành Cambodia là quốc gia tự do và độc lập trong tương lai và xóa bỏ mọi quy chế chư hầu, cũng như cam kết không chiếm hữu đất đai của vương quốc này để sáp nhập vào phần lãnh thổ của Pháp tại Nam Kỳ - Việt Nam.
Điều 4: Biên giới các tỉnh Battambang và Angkor cũng như biên giới Laos thuộc Siam giáp ranh với Cambodia được thừa nhận và giữ nguyên hiện trạng vào thời điểm mà hiệp ước được ký kết. Ranh giới phân định sẽ được tiến hành bởi một ủy ban hỗn hợp giữa Siam và Cambodia với sự giám sát của các sĩ quan người Pháp. Sự phân định này có nhiệm vụ đặc biệt là ngăn chặn sự quấy nhiễu của người Cambodia vào lãnh thổ Siam và ngược lại.
Điều 5: Vương quốc Siam được thừa nhận là tự do và độc lập. Vương quốc này không phải chịu dưới bất kỳ quyền bảo hộ nào và nằm kẹp giữa hai phần lãnh thổ của Pháp và Siam.
Tuy nhiên, áp dụng theo nghi thức truyền thống, nhà vua Cambodia được quyền bày tỏ lòng tôn phục của mình đối với nhà vua Siam cũng như Hoàng đế nước Pháp, nhưng điều cần phải nhấn mạnh là sự tôn sùng này chỉ là một biểu hiện của lòng kính phục chứ không phương hại gì đến sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Cambodia.
Nếu như quốc vương Cambodia muốn gửi đồ cống phẩm của mình đến Siam như trước đây, thì chính phủ Pháp không có quyền gây bất cứ trở ngại nào. Chính phủ Pháp cũng không can thiệp vào bất kỳ quan hệ thân hữu nào mà phía Cambodia muốn thực thi với Siam.
Điều 6: Các hoàng tử Cambodia quen sinh sống ở Siam, chính phủ Pháp cũng không ngăn cản điều này trong tương lai. Và nếu các hoàng tử này muốn cư trú trên lãnh thổ Pháp thì phía Siam cũng không được quyền can thiệp bằng bất cứ hình thức nào.
Điều 7: Chính phủ Pháp cam kết buộc Cambodia phải tôn trọng thực thi mọi điều khoản của hiệp ước này.”[20]
Như vậy, đọc kỹ các điều khoản của hiệp ước Aubaret, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng, đây là một bản hiệp ước đầy mâu thuẫn và dường như là sự thỏa hiệp của cá nhân Aubaret đối với phía Siam. Nếu đọc thoáng qua các điều khoản, thì ngay trong điều khoản đầu tiên, chúng ta nhận thấy dường như Aubaret đã hoàn thành được sứ mạng mà chính phủ Pháp giao phó, có nghĩa là ông ta đã hoàn thành nhiệm vụ đến Siam để xóa bỏ thành công mật ước ký kết giữa Siam và Cambodia tháng 12/1863. Song đọc kỹ nội dung từng điều khoản, chúng ta thấy rằng dường như có sự chồng chéo và mâu thuẫn lẫn nhau. Chúng ta có thể liệt kê các nội dung mâu thuẫn của bản hiệp ước như: nếu điều 1 thừa nhận chế độ của Pháp ở Cambodia, thì điều 5 lại thừa nhận Cambodia là quốc gia độc lập hay vẫn cho phép Cambodia bày tỏ sự tôn phục đến Siam như cách thức truyền thống; hay trong điều 4, Pháp đã thừa nhận lãnh quyền của Siam ở Battambang, Angkor và nhiều phần lãnh thổ khác nhau của Cambodia.
Và một câu hỏi thú vị được đặt ra là, tại sao trên cương vị là đại sứ của Pháp, Gabriel Aubaret lại đồng ý ký kết một bản hiệp ước phương hại đến lợi ích của quốc gia mình như vậy? Nhiều giả định đã được đưa ra, song có lẽ nguyên nhân chính yếu khiến Gabriel Aubaret mạnh dạn thực thi quan điểm của bản thân trong việc ký kết hiệp ước là do ông nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phe cánh đồng minh trong chính phủ Paris hay cũng có thể là do ông ta muốn né tránh những rắc rối có thể xảy đến từ phía Anh. Song, dù nguyên nhân nào thì có một sự thực là bản hiệp ước này chưa bao giờ được chính phủ Pháp phê duyệt và hiếm khi được trích dẫn hay quan tâm tới sau này.[21]
Điều hiển nhiên là, với một bản bản hiệp ước chỉ đem lại lợi ích một chiều cho phía Siam thì chắc chắn phía Pháp sẽ mau chóng có những động thái nhằm ký kết một hiệp ước mới. Thực tế lịch sử cho thấy, sau một số cuộc đàm phán, một hiệp ước mới đã được ký kết tại Paris vào ngày 15/7/1867 giữa Hầu tước Marquis Léonel de Moustier, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Pháp và hai đại sứ của Siam do Phraya Montri Suriyawongse dẫn đầu. Hiệp ước bao gồm các nội dung cơ bản như sau: Thứ nhất, Siam thừa nhận sự bảo hộ của Pháp trên lãnh thổ Cambodia và hủy bỏ mật ước ký kết giữa Siam và Cambodia ngày 1/12/1863. Đổi lại, Pháp thừa nhận chủ quyền của Siam đối với Battambang và Angkor, bỏ đi điều khoản số 4 trong hiệp ước Aubaret; Thứ hai, Siam buộc phải khước từ mọi cống phẩm và xóa bỏ thân phận chư hầu của Cambodia cũng như phải xóa bỏ những điều khoản mơ hồ trong hiệp ước Aubaret về sự tự do và nền độc lập của Cambodia; Thứ ba, Pháp đảm bảo sự tôn trọng của Cambodia với bản hiệp ước; Thứ tư, sông Mekong và mọi phụ lưu của nó nằm trong lãnh thổ Siam được mở cửa cho tàu thuyền của Pháp tự do đi lại, tự do buôn bán; Thứ năm, người Cambodia tại Siam phải chịu thẩm quyền tài phán của Siam và ngược lại.[22]
Như vậy, có thể thấy rằng, hiệp ước Pháp và Siam năm 1867 đem lại cho Siam ít lợi ích hơn nhiều so với hiệp ước Aubaret năm 1865, một hiệp ước vốn vừa chấp nhận nhưng cũng vừa thủ tiêu chế độ bảo hộ của Pháp ở Cambodia. Thực chất của hiệp ước năm 1867 là sự thỏa thuận “man trá” của hai phía Pháp và Siam trong việc phân chia phạm vi ảnh hưởng và quyền lợi trên lãnh thổ Cambodia. Với việc ký kết hiệp ước này, Siam đã từ bỏ quyền bá chủ của mình và nhượng lại quyền bảo hộ Cambodia cho thực dân Pháp, để đổi lấy quyền quản trị ở hai tỉnh Battambang và Angkor. Sự nhượng bộ đó khiến Siam vừa tránh được cuộc đụng độ trực diện bằng vũ lực với thực dân Pháp, vừa đảm bảo được trọn vẹn chủ quyền và nền độc lập tại vùng đất bản bộ của mình.
3. Nhận xét
Trong ứng đối của chính quyền Siam với các thế lực phương Tây, nếu như quan hệ giữa Anh-Siam nổi trội trên phương diện thương mại, thì nổi trội trong quan hệ giữa Pháp-Siam thời kỳ này là các vấn đề liên quan đến tôn giáo cũng như hoạt động tranh giành ảnh hưởng ở Cambodia và lãnh quyền biên giới với phần đất Laos thuộc Siam.
Trước tham vọng bành trướng của thực dân Pháp ở bán đảo Đông Dương những năm 60 của thế kỷ XIX, vốn là quốc gia có quyền bá chủ lâu dài ở Cambodia, cho nên điều hiển nhiên là Siam đã có những hoạt động và phản ứng đầy tính linh hoạt nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Những ứng đối nhanh chóng, chủ động của Siam liên quan đến vấn đề bảo hộ của Pháp ở Cambodia được thể hiện rõ qua việc Siam thực thi ký mật ước với Cambodia năm 1863, hiệp ước Aubaret với Pháp năm 1865 hay những tuyên bố về chủ quyền đầy tính quyết đoán và bất ngờ của ngài Đại sứ Phraklang tại triều đình Paris năm 1864. Cuối cùng, với hiệp ước Pháp và Siam năm 1867, Siam đã buộc phải nhượng quyền bảo hộ của mình ở Cambodia cho thực dân Pháp, để đổi lại quyền quản trị hai tỉnh giáp ranh biên giới phía Đông của Siam là Battambang và Siem Reap. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hiệp ước này là sự thất bại lớn của Siam trong việc đương đầu với các thế lực phương Tây và cũng đã mở đường cho chính sách “đổi đất lấy hòa bình”.[23] Chúng tôi không thật sự đồng ý với quan điểm này, dù trên thực tế, để bảo vệ độc lập và chủ quyền của quốc gia mình, Siam đã nhượng cho Pháp quyền bảo hộ ở Cambodia với diện tích khá lớn là 124.000 km2 trên tổng số 513.000 km2 mà Siam phải nhượng bộ cho Anh và Pháp dưới thời hai vua Mongkut và Chulalongkorn.[24] Song, nhìn lại mối quan hệ giữa Siam và Cambodia trước đó thì có thể khẳng định rằng, Cambodia không phải là vùng đất “trực trị” của Siam mà đây thuần túy chỉ là mối quan hệ triều cống, ở một ý nghĩa nào đó thì gần tương tự như giữa “tôn chủ” và “bồi thần” mà thôi. Hơn ai hết, chính nhà vua Mongkut là người đã ý thức rõ rằng, để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng đất bản bộ thì Siam buộc phải “hy sinh” quyền lợi của mình ở các vùng lãnh thổ ngoại vi như Cambodia. Điều này được chính ông thừa nhận trong một trước tác của mình: “Điều thiêng liêng nhất với chúng ta là giữ gìn được “đất nước” và “quê hương”; mặc dù điều bắt buộc là chúng ta phải từ bỏ quyền lợi và ảnh hưởng trước đây của mình.”[25] Thực tế lịch sử cho thấy, cùng với những ứng đối khôn ngoan, linh hoạt với thực dân Anh, thì chính ứng đối đúng đắn, phù hợp của chính quyền Siam với thực dân Pháp là nhân tố quan trọng giúp Siam giữ gìn được nền độc lập của mình.
--
Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng (Giảng viên Khoa Văn hóa học)
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Số 6 (195) – 2016, tr. 49-55.
Admin 4
[1] Về ứng đối khôn ngoan, đúng đắn của chính quyền Siam với thực dân Anh, chúng tôi đã luận giải và phân tích trong một chuyên luận khác, xin tham khảo thêm: Nguyễn Tiến Dũng: “Ứng đối của chính quyền Siam với thực dân Anh dưới thời vua Mongkut (1851-1868), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3 (479) - 2016, tr. 51-65.
[2] Do các tàu của Pháp có trọng tải lớn nên không thể vượt qua được hàng rào chắn an ninh ở cảng Paknam và di chuyển dọc theo sông Chao Phraya để lên Bangkok, cho nên, nhà vua Mongkut buộc phải cử một chiếc thuyền nhỏ ra đón và hộ tống sứ đoàn của Pháp.
[3] The Dynastic Chronicles Bangkok Era – The Fourth Reign (1851-1868), Vol. 1, Translated by Chadin (Kanjanavanit) Flood, The Centre for East Asian Cultural Studies, Tokyo, Japan, Vol. 1 (1965), pp. 135-136.
[4] The Dynastic Chronicles Bangkok Era – The Fourth Reign (1851-1868), Vol. 1, Translated by Chadin (Kanjanavanit) Flood, op. cit., p.136.
[5] The Dynastic Chronicles Bangkok Era – The Fourth Reign (1851-1868), Vol. 1, translated by Chadin (Kanjanavanit) Flood, op. cit., p.137.
[6] The Dynastic Chronicles Bangkok Era – The Fourth Reign (1851-1868), Vol. 1, translated by Chadin (Kanjanavanit) Flood, op. cit., pp. 137-138.
[7] Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với bản đầy đủ của hiệp ước Pháp và Siam năm 1856. Ngay bản thân nguồn chính sử của Siam là bộ The Dynastic Chronicles Bangkok Era – The Fourth Reign (1851-1868), mặc dù cung cấp thông tin về việc ký kết hiệp ước nhưng cũng không cho biết chi tiết về nội dung cụ thể mà hai bên đã ký kết.
[8] D. G. E. Hall: Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 966.
[9] John Bloffld: King Maha Mongkut of Siam, The Siam Society, Bangkok, Thailand, 1987, pp. 72-74.
[10] Trong chuyên luận này, để thống nhất cách sử dụng thuật ngữ, chúng tôi dùng các tên quốc tế như Cambodia, thay vì tên phiên âm quen thuộc là Campuchia; Laos thay cho tên phiên âm quen thuộc là Lào…
[11] John Keay: “The Mekong Exploration Commission 1866-1868: Anglo – French Rivalry in Southeast Asia, Journal of Asian Affairs, Routledge: Taylor & Francis Group, Vol. XXXVI, No. III, November 2005, p. 289.
[12] John Keay: “The Mekong Exploration Commission 1866-1868: Anglo – French Rivalry in Southeast Asia, op. cit., p. 290.
[13] Về các chuyến thám hiểm và thăm dò ngược dòng sông Mekong ở bán đảo Đông Dương, xin tham khảo thêm: Louis de Carné: Travels on the Mekong: Cambosia, Laos and Yunnan, The Political and Trade Report of Mekong Exploration Commission (June 1866 – June 1868), White Lotus Press, Bangkok, Thailand, 2000; John Keay: “The Mekong Exploration Commission 1866-1868: Anglo – French Rivalry in Southeast Asia, op. cit., p. 289-312…
[14] Lawrence Palmer Briggs: “Aubaret and the Treaty of July 15, 1867 between France and Siam”, Journal of the Far Eastern Quarterly, The Association for Asian Studies, Vol. 6, No. 2 (Feb. 1947), p. 123.
[15] Patrick Tuck: The French Wolf and the Siamese Lamb: The French Threat to Siamese Independence 1858-1907, White Lotus, Bangkok, Thailand, 1995, pp. 17-18. Sở dĩ người Pháp cho rằng mình có quyền được bảo hộ ở Siam là vì sau khi ký kết với Việt Nam hiệp ước năm 1862, họ cho rằng mình được quyền thay thế Siam áp đặt chế độ bảo hộ ở đây.
[16] Ministèredes Affaires Étrangères, Asia XXIX, 1864-1866, Indo-Chine III, Phraklang sent to Grandière, December 11, 1863, pp. 84-85; dẫn theo R. Stanley Thomson: “Siam and France 1863-1870”, Journal of the Far Eastern Quarterly, Columbia University Press, Vol. 5, No. 1 (November 1945), p. 28.
[17] Lawrence Palmer Briggs: “Aubaret and the Treaty of July 15, 1867 between France and Siam”, op. cit., p. 128.
[18] Lawrence Palmer Briggs: “Aubaret and the Treaty of July 15, 1867 between France and Siam”, op. cit., p. 129.
[19] Đại diện phía Siam ký kết hiệp ước này là Phraya Montri Suriyawongse.
[20] Fernan Bernard: A L’ école des Diplomates: La Perte et le Retour D’ Angkor, Paris, 1933, pp. 44-45; dẫn theo Lawrence Palmer Briggs: “Aubaret and the Treaty of July 15, 1867 between France and Siam”, op. cit., pp. 130-131.
[21] Một số học giả Hoa Kỳ, tiêu biểu như Landon, cho rằng Hiệp ước Aubaret đã được phê duyệt năm 1867, song trên thực tế, nó chưa bao giờ được chính phủ Pháp phê duyệt và do đó thật khó để tìm thấy nó trong bất kỳ sưu tập tài liệu nào.
[22] Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện tiếp cận với bản đầy đủ của hiệp ước Pháp và Siam ngày 15/7/1867. Về nội dung của bản hiệp ước, xin tham khảo thêm: Patrick Tuck: The French Wolf and the Siamese Lamb: The French Threat to Siamese Independence 1858-1907, op. cit., pp. 28-31; Lawrence Palmer Briggs: “Aubaret and the Treaty of July 15, 1867 between France and Siam”, op. cit., p. 137.
[23] Khi nhìn nhận và đánh giá về hiệp ước giữa Pháp và Siam năm 1867, một số nhà nghiên cứu cho rằng, hiệp ước là bước nhượng bộ lớn của Siam đối với thực dân Pháp cũng như các nước phương Tây sau này và nó cũng mở đầu cho quá trình “dùng đất đai để mua lấy hòa bình” của Siam trong suốt nửa cuối thế thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Xin xem cụ thể: Đào Minh Hồng: Chính sách đối ngoại của Thái Lan (Xiêm) nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 65-66; Nguyễn Văn Tận: Nhìn lại chính sách ngoại giao “đổi đất lấy hòa bình” của Xiêm trong quan hệ với Anh, Pháp từ nửa sau những năm 50 của thế kỷ XIX cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, số 60-2010, tr. 175-181…
[24] Abbot Low Moffat: Mongkut, the King of Siam, op. cit., p. 18.
[25] Bản dịch bức thư của nhà vua Mongkut gửi đến Phraya Suriyawongse Vayavadhana, Đại sứ Đặc mệnh của Siam đến Paris, ngày 4/3/1867, in trong Pramoj MS, pp. 179-186; quotation p. 186; dẫn theo Abbot Low Moffat: Mongkut, the King of Siam, op. cit., p. 17.