25/05/2018, 17:49

Nhận thức của Nguyễn Trường Tộ về Nhật Bản và cải cách Minh Trị (1868)

Trong chuyên khảo nổi tiếng “Tại sao Nhật Bản “thành công”? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản”, học giả Michio Morishima có những nhận xét độc đáo về cải cách Minh Trị: “Ở một mức độ đáng kể, tôi hiểu Cách ...

 
              
 
          Trong chuyên khảo nổi tiếng “Tại sao Nhật Bản “thành công”? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản”, học giả Michio Morishima có những nhận xét độc đáo về cải cách Minh Trị: “Ở một mức độ đáng kể, tôi hiểu Cách mạng Minh Trị khác với đa số các sử gia Nhật Bản, nhưng lại giống nhiều với các sử gia phương Tây, mặc dù trọng tâm của sự luận giải có khác nhau. Ở một chừng mực nào đó, các quan điểm được chấp nhận rộng rãi ở Nhật Bản đi theo học thuyết lịch sử Mác, nhưng theo tôi, lịch sử Nhật Bản cận đại quá độc đáo nên khó có thể giải thích được một cách thích hợp bằng học thuyết Mác-xit”[1].

           Với cách nhìn so sánh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kim cũng chia sẻ thêm: “Đặt trong bối cảnh lịch sử châu Á thời bấy giờ, cải cách Minh Trị, với những thành công của nó, có thể coi là một hiện tượng dị biệt, là mẫu hình tiêu biểu của phong trào cải cách châu Á những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”[2]. Chính vì sự độc đáo, dị biệt của cải cách Minh Trị là nguyên nhân lý giải vì sao khi khảo luận về cải cách Minh Trị và sự thành công của cuộc cải cách, bên cạnh những quan điểm, vấn đề có ý kiến tương đối thống nhất thì đã có không ít những nhận định, đánh giá khác nhau của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu về cuộc cải cách này.
          Trong bối cảnh các quốc gia Đông Á đang chịu áp lực bành trướng mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân phương Tây nửa cuối thế XIX, thì cải cách Minh Trị với chủ trương tiếp thu văn minh phương Tây và đẩy mạnh công cuộc “cận đại hóa” đất nước được xem là một trong những phương thức ứng phó đúng đắn, phù hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Vì thế, là một trí thức yêu nước, luôn có tâm thức về về sự tồn vong của dân tộc, luôn trăn trở với sự nghiệp canh tân, tự cường đất nước và là người sống cùng thời điểm cuộc cải cách này diễn ra, Nguyễn Trường Tộ có những nhận thức tương đối sâu sắc, xác thực về cải cách Minh Trị. Những nhìn nhận, đánh giá của Nguyễn Trường Tộ về Nhật Bản và cải cách Minh Trị luôn được ông đặt trong sự liên tưởng, đối sánh với Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thời kỳ này.
1. Nhật Bản trước áp lực bành trướng của các thế lực phương Tây nửa cuối thế kỷ XIX
            Cũng như nhiều quốc gia châu Á, bước sang nửa cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản chịu áp lực bành trướng ngày càng mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Sau 215 năm “đóng cửa” dưới thời trị vì của chính quyền Tokugawa, Nhật Bản đối diện với áp lực buộc phải “mở cửa” đất nước khi Đô đốc hải quân Matthew Calbraith Perry (1794-1858) đưa 4 tàu chiến với những cỗ máy chạy bằng hơi nước khổng lồ và có khả năng chạy ngược chiều gió vào vịnh Uraga (Tokyo) năm 1853 khiến một bộ phận giới cầm quyền và dân chúng Edo vô cùng hoảng sợ. Phía Mỹ đã đưa ra 3 yêu cầu cơ bản buộc chính quyền Edo phải ký Hiệp ước Kanagawa. Theo đó: 1. Mở cửa đất nước để giao lưu thương mại và thiết lập quan hệ hữu nghĩ giữa hai nước; 2. Cứu trợ và chữa trị nhân đạo với các thủy thủ Mỹ bị đắm tàu hay gặp nạn ở vùng biển Nhật Bản; 3. Cho phép Mỹ được mở một trạm tiếp nhiên liệu cho các đoàn tàu qua lại định kỳ giữa California và Trung Quốc.[3]
          Khi chính quyền Tokugawa còn chưa đưa ra được một quyết định cụ thể và cuộc tranh biện cũng chưa đưa ra được một giải pháp tối ưu nhất, thì đội chiến hạm của đô độc M. C. Perry đã quay lại Nhật Bản với 9 tàu và 1.800 quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Điều này, buộc chính quyền Edo phải nhân nhượng và ký “Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị” với Mỹ ở Kanagawa năm 1854. Hiệp ước này chấm dứt 215 năm duy trì chính sách toả quốc của Mạc phủ Tokugawa và mở ra thời kỳ Nhật Bản phải “mở cửa” với hàng loạt các nước phương Tây khác thông qua các điều ước được ký kết với Nga, Hà Lan, Anh, Pháp.[4] Việc ký kết các điều ước với bên ngoài là cố gắng cuối cùng của chính quyền Mạc phủ trong việc duy trì thế chủ động về ngoại giao, nhưng nó cũng chứng tỏ sự bất lực tương đối của chính quyền Edo đối với sức ép từ bên ngoài và là tiền đề gây ra những bất ổn bên trong đe doạ “tuổi thọ” của chính quyền Mạc phủ cũng như nền độc lập của nước này. Trong quan điểm của một số nhà nghiên cứu, các hiệp ước này đều được xem là bất bình đẳng vì theo hiệp ước, Nhật Bản không được quyền đánh thuế vào các hàng nhập cảng của nước ngoài trên mức hải quan chiếu lệ, và người nước ngoài ở Nhật Bản hoàn toàn được hưởng quyền lãnh sự tài phán. Những điều khoản trong các hiệp định như vậy là mối đe dọa rất lớn đến nền kinh tế cũng như vi phạm chủ quyền của Nhật Bản, là nhượng bộ mà không một nước phương Tây nào chịu ký với nước phương Tây khác.[5] Và thực tế cũng cho thấy, “sự nhân nhượng của chính quyền phong kiến đã đẩy đời sống chính trị, xã hội ở Nhật Bản vào một tình trạng vô cùng phức tạp. Các khuynh hướng chính trị phân hóa rõ rệt và vận động với tốc độ hết sức nhanh chóng, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Mạc phủ”.[6] Và trên thực tế, đến năm 1867, với những vận động mau chóng của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, sau 267 năm tồn tại, chính quyền Tokugawa chính thức bị sụp đổ, Nhật Bản bước vào công cuộc cải cách Minh Trị và “cận đại hóa” đất nước.
            Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, tư duy lý tính và óc quan sát nhạy bén luôn là những đặc tính quan trọng để người Nhật đưa ra được những quyết sách và lựa chọn sáng suốt con đường phát triển của dân tộc mình. Thực tế lịch sử cho thấy, vào giữa thế kỷ XIX, trước áp lực bành trướng mạnh mẽ của các thế lực phương Tây và trước sự “bất lực” của chính quyền Tokugawa trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, thì “người Nhật phản ứng như người Phổ trước kia khi bị Napoleon đánh bại: Một nhóm nhỏ tầng lớp ưu tú quanh vua Minh Trị khởi xướng cuộc “cách mạng từ bên trên”. Các tướng quân bị truất quyền, các giai cấp cũ bị xóa bỏ, và một bộ luật mới về quyền sở hữu được ban hành”.[7] Trong quan điểm của nhiều sử gia phương Tây, việc Thiên hoàng Minh Trị kiên trì cải cách toàn diện đất nước trong thời gian trị vì của mình (1868-1912) chẳng qua là sự “phản ứng” của Nhật Bản trước những áp lực, tác động mạnh mẽ từ các nước Âu-Mỹ. Chính áp lực này làm cho chế độ phong kiến bị sụp đổ và đã “thức tỉnh” dân tộc Nhật Bản trên nhiều phương diện trong thời đại mà tư bản chủ nghĩa đã ảnh hưởng sâu rộng đến hầu khắp các châu lục.[8]
2. Nhật Bản và cải cách Minh Trị trong nhận thức của Nguyễn Trường Tộ
            Như vậy, có thể thấy rằng, trong làn sóng xâm thực mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân phương Tây ở phương Đông nửa cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản là chính thể duy nhất ở Đông Bắc Á đã bảo vệ thành công độc lập, chủ quyền dân tộc. Chính vì thế, cũng giống như nghiên cứu về tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX [9], nghiên cứu về cải cách Minh Trị của Nhật Bản[10] đã thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay, một chuyên luận chuyên sâu về nhận thức của Nguyễn Trường Tộ đối với Nhật Bản và cải cách Minh Trị thì chưa được chú ý một cách đúng mức.[11] Là một người sống cùng thời đại với cuộc cải cách này diễn ra, với vốn kiến thức thực tế phong phú và tầm hiểu biết uyên thâm của mình, Nguyễn Trường Tộ có những nhìn nhận, kiến giải khá sâu sắc và có tính hệ thống về Nhật Bản trước, trong và ngay sau cải cách Minh Trị[12].
            Nguyễn Trường Tộ (1830[13]-1871) vốn xuất thân trong một gia đình Công giáo, nhưng là người học thông Tứ thư, Ngũ kinh của đạo Nho, lại có điều kiện trải nghiệm thực tế, học tập và tiếp xúc với nền văn minh của nhiều nước phương Đông và phương Tây như Hương Cảng (Hong Kong), Singapore, Ý, Thụy Sĩ và Pháp. Chính từ vốn học vấn uyên thâm kết hợp với những trải nghiệm quý báu của bản thân, đã tạo cho ông nhãn quan sắc bén cũng như tầm nhìn sâu rộng với nhiều nhận thức vượt thời đại. Trong bối cảnh và khuynh hướng vận động chung của thế giới thời bấy giờ, Nguyễn Trường Tộ có những nhận định sâu sắc và xác thực: “Ngày nay các nước phương Tây đã bao chiếm suốt từ Tây Nam cho đến Đông Bắc, toàn lãnh thổ châu Phi cho tới Thiên Phương, Thiên Trúc,[14] Miến Điện (tức Myanmar – NTD chú), Xiêm La, Tô Môn Đáp Lạp (tức hòn đảo Sumatra thuộc Indonesia – NTD chú), Trảo Oa (tức đảo Java thuộc Indonesia – NTD chú), Lữ Tống (tức đảo Luzon thuộc Philippines – NTD chú), Cao Ly, Nhật Bản, Trung Quốc và các đảo ở ngoài biển, kể cả Tây châu, không đâu là không bị chẹn họng bám lưng. Nước Nga thì từ Tây Bắc đến Đông Nam gồm tất cả các nước Đại Uyển, Cốt Lợi Cán,[15] Mông Cổ và các xứ ở Bắc Mãn Châu, không đâu là không chiếm đất và nô dịch dân những nơi đó. Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời, mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân đến, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ”[16].
            Không những vậy, ông đã có những nhận định về vị thế và tình thế của Nhật Bản trong bối cảnh các thế lực phương Tây đang ngày càng đẩy mạnh bành trướng ở phương Đông: “Trong tờ nghị hòa năm trước tôi đã nói rằng người Nga từ Đông Bắc tiến về Đông Nam, Anh Pháp thì từ Tây Nam tiến về Đông Bắc, chúng đã bao trọn phương Đông rồi, giờ đây sẽ cùng nhau tóm lấy. Nay kênh đào Xu Ách (tức kênh đào Suez – NTD chú) của Ai Cập hoàn thành, các nước phương Tây vừa mới hưng thịnh chắc chắn sẽ sửa soạn chân tay, nối gót đàn anh mà quấy động can qua. Như thế liệu phương Đông có an nhiên vô sự được không?... Người Nga đã có đường điện tín từ thủ đô vượt Trường Thành ở phía Đông vào Bắc Kinh. Như vậy, phương Đông có cử động gì không đầy một ngày người phương Tây đều biết hết để bàn tính với nhau. Lại như các đảo lớn thuộc phía Bắc nước Nhật và Mông Cổ, Ngoại Minh giáp với Triều Tiên đều đã nhập hết vào bản đồ nước Nga”[17].
            Ông còn phân tích thêm về cách thức xâm nhập bằng đàm phán bằng ngoại giao kết hợp với đe dọa bằng “pháo hạm” của các thế lực phương Tây: “Trước đây, trong bài Lục Lợi từ tôi đã bẩm rằng cái kế mưu sinh của phương Tây, quá nửa do đoạt lấy từ nước ngoài… Phương pháp họ dùng để đoạt lấy, chủ yếu là ở xen lộn và thông thương buôn bán. Nếu sơ đầu mà không đạt được yêu cầu, họ sẽ không chiếm đất đai để làm chỗ bảo vệ việc thông thương buôn bán của họ. Nếu được ngay không có gì trở ngại, có thể cư ngụ yên ổn, họ không cần cưỡng bức chiếm cắt (Không phải bản tâm họ không muốn chiếm cắt, nhưng mới đầu, thế buộc phải làm như vậy). Trước tiên họ chỉ tiến hành thiết lập các phố buôn để tiện cư trú buôn bán mà thôi. Như gần đây bọn chúng đã làm ở Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm La vậy. Ý họ cho rằng nếu tranh chấp sớm kết oán càng sâu”[18].
        Và trong xu thế bành trướng, xâm lược mạnh mẽ của các đế quốc châu Âu nhìn chung các dân tộc “nhỏ yếu” phương Đông đều phải gánh chịu chung một số phận. Ông cho rằng: “Theo phép liên hoành và cân bằng thế lực trên thế giới mà cái gương thành công thất bại gần ta nhất như nguyên do Ấn Độ mất toàn lãnh thổ, Miến Điện bỏ một nửa đất đai, Xiêm La, Nhật Bản, Trung Quốc được lợi lớn, có thể thấy được đại khái là do không biết thời thế. Không biết thời thế thì tri thức câu chấp, tâm tính hẹp hòi”[19]; Hay: “Ấn Độ đã thuộc Anh không phải bàn nữa. Miến Điện và Xiêm La là thân cá chậu. Còn lại nước ta và Nhật Bản coi như đô thị lớn của vùng Biển Đông, Triều Tiên bên cạnh như một cái phố nhỏ chỉ đủ cho bọn chúng điểm tâm buổi sáng, chẳng quan trọng gì. Nhật Bản tuy cứng mạnh, hung hãn, nhưng các tiểu hầu phân chiếm từng mảnh, ý chí sức lực không đều nhau, trở ngại cho việc tiếp ứng. Hơn nữa nước này bốn mặt bể bao bọc, chẳng có hàng xóm láng giềng với ai, rốt cuộc cũng khó tranh hơn với các địch thủ lớn, chuyên vẫy vùng trên biển… Hợp Chúng Quốc xưa nay đối với thế giới có tiếng là “Ông già hòa bình” nhưng nay họ phải bỏ đường lối ấy. Họ lại thấy Nga và Pháp sắp sửa áo giáp ở Thái Bình Dương thì lý nào họ lại ngồi yên để xem miếng mồi ấy lọt vào tay ai. Chắc chắn họ cũng sẽ hươi gươm vác súng vào cái chợ lớn Trung Quốc mà đánh chén với các nước phương Tây. Còn nước ta và Nhật Bản như là hai con đường lớn của hai đầu chợ ấy, chắc chắn sẽ là nơi bọn chúng buông gánh nghỉ vai. Điều đó sớm muộn sẽ xảy ra không sao tránh khỏi”[20]. Như vậy, trong nhận thức của Nguyễn Trường Tộ, thế giới phương Đông rộng lớn hiện ra và có đầy sức hấp dẫn với thế giới tư bản phương Tây. Dù sớm hay muộn, các quốc gia phướng Đông đều trở thành miếng mồi béo bở để các thế lực tư bản phương Tây xâu xé, xâm chiếm. Nhật Bản là quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng, điều tất yếu là dân tộc này cũng khó nằm ngoài âm mưu thôn tính của các nước thực dân.
            Trong bối cảnh quốc tế giữa thế kỷ XIX, để lựa chọn cho mình con đường đấu tranh phù hợp, điều tiên quyết là mỗi quôc gia ở châu Á phải tự nhận thức vị trí của mình trên bàn cờ chính trị khu vực cũng như điều kiện thực tế, tiềm lực vốn có của mình. Quan điểm đó gắn với năng lực tự thân, tố chất và khả năng thích ứng của chính mỗi quốc gia. Trong quá trình vận động cải cách, người Nhật đã từng bước nhận thức đúng con đường cải cách và không ngừng phát triển, hoàn thiện con đường cải cách đó theo cách thức của dân tộc mình. Theo ông, sở dĩ người Nhật có thể chuẩn bị để tiến tới một cuộc thay đổi lớn là vì những phẩm chất tự nhiên mà họ có được. Theo đó: “Trên địa cầu, có giống tốt phước, có giống vô phước. Đó là lẽ tiền định của tạo vật, nếu không xét kỹ nguồn gốc trời, đất, người, vật, không thể nào hiểu thấu và tin tưởng lẽ ấy được. Tuy nhiên, cứ xem các nước xưa nay cũng có thể hiểu biết rõ chuyện ấy có thật. Giống tốt phước ở Đông Châu (Đông bán cầu của quả đất là Đông Châu, Tây bán cầu là Tây Châu) như người phương Tây, người Ấn Độ, người Mông Cổ, người Trung Quốc, người Nhật Bản và người nước ta. Những giống dân này mỗi ngày một thịnh, mỗi thế kỷ tăng lên hai lần rưỡi”[21].
            Không những vậy, trước bất kỳ một vấn đề hệ trọng mang tính bước ngoặt của mỗi quốc gia, dân tộc, với cách nhìn nhận của một trí thức Nho học, Nguyễn Trường Tộ cho rằng điều quan trọng là cần có sự đồng lòng, hòa thuận từ trên xuống dưới và của quân - thần cũng như vua - tôi. Đây không chỉ là cơ sở để mỗi quốc gia vượt qua khó khăn, thử thách mà còn tạo dựng nên sự trường tồn, bền vững của mỗi dân tộc. Và Nguyễn Trường Tộ đã luận giải vấn đề theo nhãn quang của một Nho sĩ: “Mọi quyền lực hành vi trong một nước phải do vua nắm, và cùng với quốc dân chia sẻ nỗi vui buồn. Ngoài quy luật này ra đều là tội cả. Tôi xem khắp các nước trong thiên hạ, hễ nước nào có một họ được bề tôi đời đời giúp rập thì tuy có đôi khi suy vi nhưng trong nước cũng không đến nỗi có loạn lớn. Như Nhật Bản đã mấy nghìn năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã nghìn năm, các nước phương Tây đều như thế cả, ở Nam Tây Châu cũng vậy. Sở dĩ dân ở đấy phần nhiều chỉ có loạn nhỏ mà không có loạn lớn là vì danh nghĩa đã xác lập ngôi vị ổn định, nghe thấy đã quen ít xảy ra việc thoán đoạn làm loạn”[22].
          Đứng trước áp lực bành trướng ngày càng mạnh mẽ của các thế lực phương Tây, để bảo vệ chủ quyền và độc lập quốc gia, theo cách nhìn nhận của Nguyễn Trường Tộ, Nhật Bản đã lựa chọn cho mình con đường tự vệ đúng đắn và cách ứng xử khôn ngoan đó là tích cực học tập phương Tây, tiến tới tự cường dân tộc. Trong di thảo Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), ông đã viết: “Nhật Bản và Trung Quốc dần dần đã rõ cơ hội đó, nên Nhật Bản đã cho nhiều người sang các nước phương Tây du học, đồng thời để dò xét tình hình. Hiện có một hoàng tử và 35 người đi cùng với một linh mục mới đến Ba Lê (tức Paris – NTD chú) và thiết lập ở đó một Đại học xá để phái người sang học”.[23] Cách thức tiếp nhận văn minh phương Tây của người Nhật cũng được xem là một sự tiếp nối từ “mạch nguồn” truyền thống, đó là lối tư duy đầy thực tế, quen thích nghi và hội nhập.[24] Mặc dù cũng đã từng theo đuổi Nho học và lấy Khổng giáo làm bệ đỡ tư tưởng, nhưng khác với người Việt, người Nhật đã tiếp nhận hệ tư tưởng này một cách đầy lý tính: “Ngày nay chúng ta, lúc nhỏ thì học văn, từ, thơ phú, lớn lên ra làm thì lại luật, lịch, binh, hình. Lúc nhỏ nào học Sơn Đông, Sơn Tây mắt chưa từng thấy, lớn lên ra làm thì đến Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Lúc nhỏ học nào thiên văn, địa lý, chính sự, phong tục tận bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác hết rồi), lớn lên ra làm thì dùng đến địa lý, thiên văn, chính sự, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn. Lúc nhỏ học những lễ nhạc, cách ăn uống, cư xử chiến đấu, doanh trại từ xa xưa của Tàu, lớn lên ra làm thì phải dùng lễ nhạc, cách chiến đấu, phép ăn ở theo quan dân nước ta ngày nay. Còn biết bao nhiêu những việc tương tự như thế, mòn bút khô môi cũng không kể hết. Xưa nay các nước trên thế giới chưa từng nước nào có nền học thuật như vậy. Quả thật lạ đời! Tuy Nhật Bản, Cao Ly cũng đọc sách Tàu nhưng chỉ để làm vui (Phải đọc sách của nước họ mới biết sự thật. Nếu xem sách Nho thì bao giờ cũng thấy nói khắp thiên hạ đều học theo phép Nho của mình cả. Đó chỉ là nói để khoe tốt, không đủ tin). Còn ra thì làm theo sách của nước họ, công việc của nước họ, chưa bao giờ thấy họ học và dùng những gì mà mắt không trông thấy, chân không đặt đến như lối học của nước ta”.[25]
            Không chỉ mời các chuyên gia nước ngoài về Nhật giảng dạy và tạo dựng cơ sở vật chất, việc cử chuyên gia sang nước ngoài học tập là hoạt động diễn ra liên tục và thường xuyên. Nhật Bản đã học tập kỹ nghệ phương Tây phong phú và trên nhiều phương diện, các di thảo của Nguyễn Trường Tộ cho biết: “Hiện nay Nhật Bản, Miến Điện cũng đã phái người đến kinh đô nước Pháp học kỹ nghệ. Đến như nước Nga ở phương Tây mà cũng cho người đến nước Anh, nước Pháp học tập. Tuy phải dụng công lâu dài, dụng công rất lớn, nhưng cũng thu hoạch được nhiều. Vì rằng muốn thành đại sự phải mất hàng trăm năm chứ đâu phải một ngày mà được. Cho nên người quân tử lo toan mọi việc chẳng những ở đời mình mà cho con cháu nữa”[26]. Từ đó tác giả liên hệ: “Tôi đã nhiều cách tìm hỏi các hội, về việc mấy lâu nay chia lợi như thế nào, thì không kể người trong hội hay ngoài hội, đều không chịu nói rõ. Tôi thiết nghĩ rằng tuy là người ngoài hội, nhưng đã làm việc cho người nước ngoài nhiều như hiện nay người nước Nhật Bản cũng mời họ (tức người Pháp – NTD chú) đến mở xưởng đóng thuyền, theo những phương pháp mới. Trung Quốc, Xiêm La, Miến Điện cũng vậy”[27]. Hay ở một di thảo khác, ông cho biết thêm: “Họ (tức người Pháp – NTD chú) còn hướng dẫn cho xem các cách làm súng, các giàn máy. Công trình rất là đồ sộ. Mỗi ngày xưởng (xưởng chế tạo súng hỏa mai ở ngoại ô Ba Lê, tức Paris ngày nay – NTD chú) có thể sản xuất  mười vạn cây súng. Công nhân trên ba trăm (Người Nhật hiện đến mua của xưởng một trăm vạn cây súng, mua các giàn máy và thuê hai công nhân về Nhật Bản lập xưởng)”[28]; “Ở đấy có một vị công tử đứng đầu hội (hội ở đây chính là xưởng đào mỏ đúc sắt – NTD chú), y là con một ông quan lớn nhất trong Viện Thứ Dân (ông này là Viện trưởng Viện Thứ Dân, như Tể tướng). Chúng tôi đã ở nhà công tử ấy một tuần và có nói chuyện nhiều với công tử rằng nước ta vốn muốn cộng tác với nước Pháp để được thịnh lợi chung, y rất thích. Tôi cũng nói với y rằng khi về nước sẽ đem hết những gì cơ xưởng của y có bẩm lên Triều đình để biết sau này có mua sắm gì sẽ nhờ y liệu biện cho, như Nhật Bản, Xiêm La vậy”[29]; “Vả lại, nếu muốn tìm các thứ máy móc theo kiểu mới thì khắp nước Pháp, không đâu hơn ở đây. Nếu các quan ta đi đến đây đính ước sự mua bán về sau như Nhật, có gì mà không được?”[30].
            Như vậy, những hoạt động tích cực trên đây của Nhật Bản tạo tiền đề quan trọng để Nhật Bản tiến hành thành công cải cách Minh Trị. Đây không chỉ là kết quả của sự thích ứng với bối cảnh lịch sử mới của quốc gia này, mà còn là thành quả kế thừa từ thời kỳ Tokugawa (1600-1868). Thực tế thì, “trải qua 267 năm tồn tại và phát triển, chế độ phong kiến Tokugawa mặc dù không tránh khỏi những hạn chế lịch sử, nhưng từ trong lòng xã hội phong kiến, nhiều nhân tố kinh tế - xã hội mới đã nảy sinh. Các nhân tố kinh tế - xã hội đó đã tạo nên tiền đề và động lực hết sức quan trọng để Nhật Bản có thể tiến hành cuộc cải cách xã hội rộng lớn đồng thời bảo đảm những cơ sở cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của một nhà nước tư sản đầu tiên ở châu Á”[31].
            Kết quả là, Nhật Bản đã bước đầu tiến hành thành công cải cách Minh Trị, điều này không chỉ giúp Nhật Bản thoát khỏi nanh nuốt đô hộ của các nước phướng Tây, mà quốc gia này còn thành công trong việc thực hiện mục tiêu cơ bản của mình là xây dựng đất nước trở thành “phú quốc cường binh”. Theo nhìn nhận của Nguyễn Trường Tộ, chính sự thành công bước đầu của cải cách Minh Trị cùng với đường lối ngoại giao đúng đắn, phù hợp, Nhật Bản bảo vệ thành công độc lập, chủ quyền của dân tộc mình: “Lại xem Nhật Bản xưa vốn là lũ người lùn, từ trung diệp nhà Minh mới bắt đầu giao hảo với Hà Lan, làm bạn với Bồ Đào Nha, kế đến mời Hợp Chúng Quốc giúp vào việc nước, mở mắt nhìn rộng rãi thiên hạ mới có chí hướng lớn như vậy. Từ đó họ đóng tàu bè, luyện tập võ bị, ưu tiên phát triển thương nghiệp, công nghiệp, đất nước mỗi ngày một mạnh, được khen với mỹ danh là Tiểu Tây và Trung Quốc khó bắt được Nhật Bản phải thần phục. Tuy gần đây Anh, Pháp thường hay quấy nhiễu nhưng nhờ có nền nội trị ngoại giao vững vàng mà họ không chịu hạ mình. Như trước đây ba năm Anh, Pháp đem binh thuyền đến toan đàn áp, nhưng nhờ có Hợp Chúng Quốc, Hà Lan phân giải mà việc đã không xảy ra. Đó không phải là công dụng của sự giúp đỡ của các nước hay sao? Còn như ngày nay nước ấy có những kế hoạch giao thiệp rộng rãi, những mưu cơ tân tiến thì đâu đâu người ta cũng đã nghe thấy rõ ràng, gương ấy không xa, không cần phải nêu ra nữa”[32].
            Sự thành công ban đầu của công cuộc cải cách của Nhật Bản được trí sĩ Nguyễn Trường Tộ luận giải và nhận thức trong một logic nhất quán: “Tôi xem khắp thiên hạ từ xưa đến nay, các nước sở dĩ bảo tồn được dài lâu, không nước nào không do hai điều kiện là giàu và mạnh. Mà sở dĩ được giàu mạnh thì không thể không bắt đầu bằng việc mở rộng đất đai làm đông dân chúng, thông thương qua lại và giao du với các nước. Sau đó lấy nhân nghĩa công bằng mà qua lại với các nước làm cho mình và người cả hai đều được lợi, thì mới đạt được sở nguyện. Đó là đường lối thông thường mà tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều tiến hành như thế, tập tành ham chuộng đường lối ấy, tìm cách thực hành đường lối ấy, mấy trăm năm càng ra làm càng có lợi mà không ai nghỉ tay, cũng vì bỏ đường lối này không còn phương sách nào khác”[33].
            3. Nhận xét
            Mặc dù là người đi khá nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả một số quốc gia ở phương Đông cũng như phương Tây, nhưng Nguyễn Trường Tộ vẫn chưa một lần có điều kiện đặt chân đến Nhật Bản. Tuy nhiên, trong tổng số 58 di thảo của mình, địa danh Nhật Bản được Nguyễn Trường Tộ đề cập đến 25 lần, với những nhìn nhận đánh giá khá sâu sắc và tương đối xác thực so với tư liệu và nguồn tri thức chúng ta có thể tiếp nhận được ngày nay. Điều này vừa cho thấy vốn kiến thức uyên thâm của cá nhân ông nhưng đồng thời cũng thể hiện khả năng nắm bắt và truyền tải thông tin tương đối chính xác thời bấy giờ. Nhật Bản hiện lên rõ nét trong nhận thức của Nguyễn Trường Tộ trước, trong, sau cải cách Minh Trị.
            Đêm trước của cải cách Minh Trị năm 1868, với vị trí địa chiến lược quan trọng, cũng như nhiều quốc gia khác ở phương Đông, Nhật Bản phải đối diện với âm mưu xâm lược bành trướng của thực dân phương Tây. Bằng ngòi bút sắc sảo và khả năng phân tích sắc bén của mình, Nguyễn Trường Tộ nhìn nhận người Nhật, dân tộc Nhật với tiềm lực và khả năng của bản thân đã quyết tâm hướng dân tộc dến sự lựa chọn cách thức học tập phương Tây với một nội dung phong phú, đa dạng, nhằm mau chóng đưa Nhật Bản thành một quốc gia cường thịnh. Đó là một sự lựa chọn hết sức khôn ngoan và đúng đắn. Mặc dù, trong toàn bộ di thảo của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta chưa thấy ông viết nhiều về sự vận động bên trong của phong trào cải cách, phân tích kỹ những đặc tính của một cuộc vận động cải cách đang diễn ra… song thông qua những trang viết ông luôn nhấn mạnh đến tinh thần, ý chí, quyết tâm, năng lực học tập, tính cầu thị của người Nhật. Theo ông đó là tấm gương hữu ích, thực tế, cần phải học tập.
            Từ một quốc gia có nguy cơ bị biến thành dân tộc nô lệ như nhiều nước khác ở Đông Á, sự thành công của cải cách Minh Trị khiến Nhật Bản có thể phát triển nền công nghiệp, thương nghiệp, từng bước trở thành một đất nước giàu mạnh. Cùng với chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo, biết lựa chọn những bước đi thích hợp, (vốn là đặc tính của xã hội thương nghiệp, lối tư duy giàu lý trí của xã hội võ sĩ…), Nhật Bản đã sớm duy trì được sự cân bằng quyền lực với các thế lực thực dân phương Tây cũng như bảo vệ thành công độc lập, chủ quyền dân tộc và lợi ích quốc gia. Nhận thức về Nhật Bản, về một đất nước có cùng bối cảnh, cùng tình thế, Nguyễn Trường Tộ luôn có những liên hệ và đặt trong tương quan so sánh với tình thế của Việt Nam. Tấm gương Nhật Bản được ông đưa vào trong các trang điều trần với nội dung đa diện, đa chiều và tâm thức tích cực nhưng qua đó cũng thể hiện không ít những cảm quan, thiên kiến của một nhà cải cách, một trí thức yêu nước sống giữa cuộc chuyển giao lớn của dân tộc và thời đại.

--
Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng, Giảng viên Khoa Văn hóa học – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5, 2017, tr.50-60

Admin 4

 
 

[1] Michio Morishima (1991), Tại sao Nhật Bản “thành công”? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản, Đào Anh Tuấn dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 75.
[2] Nguyễn Văn Kim (2007), Cải cách Minh Trị ở Nhật Bản (1868-1912); trong: Vũ Dương Ninh (Cb), Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á: Giữa thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 50 -51.
[3] Nguyễn Văn Kim (2003): Nhật Bản với châu Á: Những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế-xã hội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 486.
[4] Nguyễn Văn Kim (2003): Nhật Bản với châu Á: Những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế-xã hội, Sđd, tr. 487-488.
[5] R. H. P. Mason & J. G. Caiger (2008): Lịch sử Nhật Bản, Nguyễn Văn Sĩ dịch, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr. 303.
[6] Nguyễn Văn Kim (2003): Nhật Bản với châu Á: Những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế-xã hội, Sđd, tr. 488.
[7] Ulrike Herrmann (2014): Tây Âu trong tiến trình phát triển kinh tế - Con đường đưa đến thế giới thịnh vượng: Lịch sử tiến trình xã hội, lịch sử tiền tệ và những cuộc khủng hoảng, Võ Thị Kim Nga dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, tr. 113.
[8] Nguyễn Văn Kim (2003): Nhật Bản với châu Á: Những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế-xã hội, Sđd, tr. 451.
[9] Về Nguyễn Trường Tộ và những tư tưởng canh tân đất nước của ông, xin xem thêm: Trương Bá Cần (2002): Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh; Hoàng Thanh Đạm (2001): Nguyễn Trường Tộ: Thời thế và tư duy cách tân, Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Đinh Xuân Lâm – Nguyễn Văn Hồng (1998): Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội; Đỗ Bang - Trần Bạch Đằng - Đinh Xuân Lâm - Hoàng Văn Lân - Lưu Anh Rô - Nguyễn Quang Trung Tiến - Nguyễn Trọng Văn (1999): Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa,…
[10] Về cải cách Minh Trị của Nhật Bản, xin xem thêm: R. H. P Mason & J. G. Caiger (2008): Lịch sử Nhật Bản, Sđd, 2003, tr. 294-354; Fukuzawa Yukichi, Nhật Bản cách tân giáo dục thời Minh Trị, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 1995; Michio Morishima: Tại sao Nhật Bản “thành công”? công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản, Sđd, tr. 75 - 117; Nguyễn Văn Kim (2007): Cải cách Minh Trị ở Nhật Bản (1868-1912), Sđd, 50-161; Nguyễn Văn Kim (2003): Vai trò của các Tozama Daimyo trong tiến trình cải cách ở Nhật Bản thế kỷ XIX (Những vấn đề khoa học đang đặt ra), in trong Nhật Bản với châu Á những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, Sđd, tr.449- 478; Đặng Xuân Kháng (2004): Một số tư tưởng chủ đạo của cải cách giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị duy tân, trong: Đông Á - Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 179-188…
[11] Thực tế, cũng đã có một số công trình nghiên cứu đề cập đến nhận thức của Nguyễn Trường Tộ về Cải cách Minh Trị ở Nhật Bản, tuy nhiên, trong quá trình tham khảo phục vụ cho việc triển khai chuyên luận này, chúng tôi nhận thấy nội dung nghiên cứu của các công trình này vẫn còn tương đối khái lược và chưa thành một hệ thống. Xin tham khảo thêm: Trương Bá Cần (2002): Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo, Sđd, tr. 112-113; Nguyễn Tiến Lực (1997): Nhận thức về Meiji Duy Tân của các nhà tư tưởng cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX – Trường hợp Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1, tr. 76-80.
[12] Khi khảo sát tuyển tập công trình của Trương Bá Cần, chúng tôi nhận thấy trong toàn bộ 58 di thảo của Nguyễn Trường Tộ, danh từ Nhật Bản xuất hiện tổng số là 25 lần, tại 15 di thảo gồm di thảo số 1, 2, 4, 7, 13, 18, 26, 27, 35, 38, 41, 47, 50, 52, 55.
[13] Từ đầu thế kỷ XX, một số trí thức cho rằng Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, chúng tôi chọn năm 1830 theo như nguồn tài liệu cung cấp của ông Nguyễn Trường Cửu (trong Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ) - Con trai của Nguyễn Trường Tộ.
[14] Cho đến nay, về hai địa danh Thiên Phương và Thiên Trúc, chúng tôi vẫn chưa xác định được chính xác thuộc phần lãnh thổ thuộc quốc gia nào. Chúng tôi đoán định rằng, đây là khu vực nằm ở phía Đông của Ấn Độ và phía Nam của Trung Quốc.
[15] Cũng giống như hai địa danh Thiên Phương và Thiên Trúc, hai địa danh Đại Uyển, Cốt Lợi Cán, chúng tôi cũng chưa xác định được chính xác thuộc khu vực nào. Chúng tôi đoán định rằng, đây là khu vực nằm phía Đông của Nga và phía Bắc của Trung Quốc ngày nay.
[16] Nguyễn Trường Tộ, Thiên hạ đại thế luận, Di thảo số 1, tháng 3 – 4 năm 1863, in trong Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo, Sđd, tr. 122. Toàn bộ di thảo của Nguyễn Trường Tộ dùng trong bài viết này, chúng tôi sử dụng trong công trình tập hợp và biên dịch của nhà nghiên cứu Trương Bá Cần.
[17] Nguyễn Trường Tộ, Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), Di thảo số 27, ngày 15 tháng 11 năm 1867, Sđd, tr. 261-262..
[18] Nguyễn Trường Tộ, Bàn về việc cho Pháp thông thương để đổi lại sáu tỉnh, Di thảo số 41, ngày 30 tháng 3 năm 1871, Sđd, tr.392.
[19] Nguyễn Trường Tộ, Bàn về việc cho Pháp thông thương để đổi lại sáu tỉnh, Di thảo số 41, ngày 30 tháng 3 năm 1871, Sđd, tr.392.
[20] Nguyễn Trường Tộ, Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), Di thảo số 27, ngày 15-11-1867, Sđd, tr. 263-264.
[21] Nguyễn Trường Tộ, Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), Di thảo số 27, ngày 15-11-1867, Sđd, tr. 312.
[22] Nguyễn Trường Tộ, Ngôi vua là quí, chức quan là trọng. Tháng 5-1866, di thảo số 13, Sđd, tr. 203.
[23] Nguyễn Trường Tộ, Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), Di thảo số 27, ngày 15-11-1867, Sđd, tr. 264.
[24] Học giả Edwin O. Reischeur đã đưa nhận định khá xác đáng về tư duy lý tính và óc quan sát nhạy bén, trội vượt của người Nhật: “Họ đã rút ra ngay được một bài học về chứng tỏ một khả năng lạ lùng trong việc định hướng lại cách tư duy, họ từ bỏ mọi ý tưởng duy trì một chính sách biệt lập hẹp hòi và bắt tay tức khắc vào việc học hỏi các kỹ thuật chiến tranh đã làm cho phương Tây trở nên mạnh mẽ như vậy”, xin xem thêm: Edwin O. Reischauer (1994): Nhật Bản quá khứ và hiện tại, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 137.
[25] Nguyễn Trường Tộ, Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), Di thảo số 27, ngày 15-11-1867, Sđd, tr. 289.
[26] Nguyễn Trường Tộ, Về việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa thuyền máy, tr.157-158, di thảo số 7, tháng 2-1865, Sđd, tr. 182.
[27] Nguyễn Trường Tộ, Tờ trình về việc ký hợp đồng với hội nước ngoài, tr. 221, di thảo số 26, ngày 12 tháng 5 năm 1867, Sđd, tr. 255.
[28] Nguyễn Trường Tộ, Tám việc cần làm gấp (Tế cấp bát điều), Di thảo số 27, ngày 15-11-1867, Sđd, tr. 326.
[29] Nguyễn Trường Tộ, Nói rõ thêm về văn bản 16 – 2 Tự Đức 21, di thảo số 35, ngày 15-3-1868, Sđd, tr. 353.
[30] Nguyễn Trường Tộ, Nói rõ thêm về văn bản 16 – 2 Tự Đức 21, di thảo số 35, ngày 15-3-1868, Sđd, tr. 353.
[31] Nguyễn Văn Kim (2000), Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa: Nguyên nhân và hệ quả, Sđd, tr.228.
[32] Nguyễn Trường Tộ, Nên mở cửa chứ không nên khép kín, di thảo số 55, tháng 10-1871, Sđd, tr. 485.
[33] Nguyễn Trường Tộ, Nên mở cửa chứ không nên khép kín, di thảo số 55, tháng 10-1871, Sđd, tr. 484.
0