“Thiên hạ đại thái bình”: Nguyễn Phước Tuấn (18/5/1916- 6/11/1925)
Vũ Ngự Chiêu N guyễn Phước Tuấn, vua thứ tư tắm gội thiên mệnh Đại Pháp—cũng vua thứ mười hai nhà Nguyễn—là nhân vật “bị bỏ quên” trong thời Nguyễn mạt. Hầu hết các tác giả chỉ vắn tắt nêu lên bốn đặc điểm của Nguyễn Phước Tuấn: hợp tác chân thành với Pháp, (1) thích ...
Vũ Ngự Chiêu
Nguyễn Phước Tuấn, vua thứ tư tắm gội thiên mệnh Đại Pháp—cũng vua thứ mười hai nhà Nguyễn—là nhân vật “bị bỏ quên” trong thời Nguyễn mạt. Hầu hết các tác giả chỉ vắn tắt nêu lên bốn đặc điểm của Nguyễn Phước Tuấn: hợp tác chân thành với Pháp, (1) thích dùng chữ Hán trong các Dụ hay diễn văn,(2) bị Phó Bảng Phan Chu Trinh công kích qua Thất điều thư ngày 15/7/1922,(3) và nghi án về phụ hệ với Thái tử Vĩnh Thụy, tức vua Nguyễn Phước Điện (8/1/1926-25/8/1945), thường chỉ được biết đến qua niên hiệu Bảo Đại. (4)
Đầu năm 1926, nhóm trí thức Việt ở Pháp còn riễu cợt vua với những “Nhời viếng” của “Nguyễn Văn Ánh,” trên“Tự do diễn đàn của Học sinh và Lao động Việt Nam” “bằng tiếng ta, tiếng Pháp và bằng chữ Hán”:
“Nhưng tiếc cho Bệ Hạ tuổi xanh đương độ, khí huyết phương cường, cuộc truy hoan đang buổi nồng nàn, trị thiên hạ đã có người quản lý, đến việc nhà đã có văn võ bá quan, Thực là thanh nhàn số một, cao quí ít kẻ bì, sao Bệ Hạ Dương trần vội lánh.” (5)
Hết sức hợp tác với Pháp là điều kiện cần để Nguyễn Phước Tuấn được chọn lên ngôi. Nhưng vua còn đi xa hơn nữa, được lòng cả Albert Sarraut, mới trở lại cầm quyền, tới Pasquier—một cựu sinh viên trường Thuộc Địa, ngạch chính qui Pháp, từng phục vụ đắc lực ở Đông Dương từ năm 1898 khi mới 21 tuổi, năm 1907 hoàn tất một biên khảo về “An Nam cổ thời” [Annam d’autrefois], trải qua nhiều chức vụ lên tới Công sứ Vinh, rồi Giám đốc Thanh tra Chính trị, trực tiếp điều khiển kế hoạch diều kiện hóa giới trẻ bằng văn hóa—từ nhóm Nam Phong ở miền bắc, La tribune indigène ở miền nam năm 1917, tới Tiếng Dân ở Huế (với tôn chỉ chống Cộng) từ năm 1927. Trong những báo cáo về Phước Tuấn, Toàn quyền Sarraut ghi nhận vua cố gắng xé tan bức màn cách biệt giữa Hoàng cung và tòa Khâm sứ do các triều thần gìa nua dựng lên, quyết tâm thực hiện đổi mới.(6)
Đích thân Nguyễn Phước Tuấn còn xin Pháp cử Pasquier làm Khâm sứ thay Honoré Tissot, mang cả ngôi vua ra làm áp lực; coi Pasquier như một bạn thân, gửi gấm vương triều và Hoàng thái tử Vĩnh Thụy vào tay Pasquier.
Vua cũng liên kết chặt chẽ với Nguyễn Hữu Bài, nhân vật quyền thế nhất triều đình, ít nữa từ năm Tôn Thất Hân về hưu. Sau lưng “Phước Môn Bá” Bài, dĩ nhiên, còn Hội Truyền giáo—con vật đen của mọi kế hoạch hiện đại hóa Đông Dương. Năm 1885, chính Giám mục Caspar đã đề cử Ưng Kỹ (Nguyễn Phước Biện) với Palasne de Champeaux và Roussel de Courcy, sau khi Nguyễn Văn Tường không kịp thuyết phục Ưng Lịch (Nguyễn Phước Minh) trở lại Huế trong vòng 30 ngày, kể từ biến cố 5/7/1885. Dù Bửu Đảo chưa phải một con chiên Ki-tô, nhưng chấp nhận một tín đồ Ki-tô đứng đầu nội các, kiêm nắm hai bộ Bộ Lại (nhân viên) và Hộ (tức tài chính, thu hẹp lại chỉ còn lương bổng, xuất nhập của vua). Bởi thế, dù lên ngôi giữa lúc chiến tranh Thứ nhất đang sôi nổi ở Âu châu—chiến lũy Verdun biến thành máy xay thịt người của cả hai phe; Liên Bang Mỹ chính thức nhập cuộc, nhưng “Nikolai” hay V. I. Lenin (1870-1924) và Leon Trotsky làm cách mạng Bolshevick (7/11/1917) ở Nga, rời phe Đồng Minh—triều Nguyễn Phước Tuấn được một Khâm sứ ví von là “đại định,” hay “thiên hạ đại thai bình,” đúng với cái tên “An Nam” (Sud pacifié) thông dụng, thoái hóa từ quốc hiệu Đại Nam (Trung quốc to lớn miền nam) thời còn tự chủ ngược tới An Nam đô thống sứ ti (1541-1647) mà nhà Minh (1368-1644) và chư hầu An Nam (1667-1802) nhà Thanh (1644 1912) “phong” cho các vua Việt. (7)
Dưới triều Nguyễn Phước Tuấn, lối thi cử cũ bị bỏ. Chữ quốc ngữ mới—dựa theo mẫu chữ cái Latin cùng 5 dấu âm điệu [lên giọng, xuống giọng theo tiếng Portugal và Espania]—được chính thức giảng dạy từ bậc hương học đến những kỳ thi chọn lựa quan lại. Kỳ thi Hương cuối cùng tổ chức tại Bắc Kỳ năm 1915 và Trung Kỳ năm 1917, Cuộc thi Đình cuối cùng tổ chức tháng 5/1919. Tuy nhiên, trước đó các kỳ thi Hương và Hội đã được hiện đại hóa dần. Các khóa sinh phải trả lời thêm những câu hỏi về tiếng Pháp, quốc ngữ mới, sử địa An Nam, thế giới cùng sử Pháp, và khoa học tự nhiên. [Có người dẫn sách của Khang Hữu Vi về thú say rượu của người Pháp]. (8)
Từ thế kỷ XXI nhìn lại, nền thái bình to lớn của triều Nguyễn Phước Tuấn chỉ là sự yên tĩnh trước những cơn giông bão và động đất sắp đến, tràn ngập cả bán đao Đông Dương với những đổi thay khó ước lường—một khoảng thời không khai sinh một câu tục ngữ thấm thía, “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới hy vọng sống còn.”
I. “THIÊN HẠ ĐẠI THÁI BÌNH” (18/5/1916-6/11/1925):
Nguyễn Phước Tuấn, tự Bửu Đảo, sinh ngày 8/10/1885, là con thứ bảy Nguyễn Phước Biện, đã bị Thái Hoàng thái hậu Từ Dụ và các đại thần gạch tên trong cuộc tuyển vua năm 1889. Ngoài lý do nhỏ tuổi, và nỗi e sợ sẽ phải hứng gánh nặng di sản của cha—theo đúng nghĩa đen, tức bệnh não; và nghĩa bóng, tức dụng cụ của Pháp để chống lại Nguyễn Phước Minh và “tinh thần trung quân” kháng Pháp, theo đạo học ông cha, của các lãnh tụ Cần Vương như Phan Đình Phùng, v.. v.. trong thập niên 1890, hay Phan Bội Châu—trước khi chuyển sang “ái quốc” [lòng yêu nước, yêu dân] rộng rãi hơn vào những năm đầu thế kỷ XX. (9)
Rất ít chi tiết khả tín về Nguyễn Phước Tuấn được lưu truyền trong thời gian từ 1889 tới 1916. Theo nhiều nguồn tin, khi chưa lên ngôi, Bửu Đảo sống chật vật về tài chính tại lăng tẩm Nguyễn Phước Biện. Một trong những người đỡ đầu của Bửu Đảo là Trương Như Cương, Thượng thư Bộ Lại, Cơ mật viện trưởng từ 1906 tới ngày 19/4/1917.
Năm 1906, Khâm sứ Levecque, khi nghiên cứu những người có thể kế vị ngai vua, đã loại bỏ Bửu Đảo ngay từ vòng đầu. Theo Levecque:
Đó là một thanh niên vô giá trị, bị bệnh điên bí hiểm và sự thác loạn di truyền [perversion générique] theo quan điểm An-nam-mít. Bề ngoài dễ bảo và hòa nhã khiến ông ta có một số bạn người Âu ở Huế. Nhưng không tiền bạc, không có ý chí tuyệt đối, nếu chẳng muốn nói là một sự hèn nhát nổi loạn, trên thực tế đó là loại vô tư cách [dégénéré] với đủ tật tội. Bửu Đảo có một đảng mà ông ta biết rõ, đang trông chờ ông ta lên nắm quyền, gồm phần đông những thủ hạ của cha ông ta đã bị Thành Thái [Nguyễn Phước Chiêu] loại bỏ, và họ nuôi hy vọng nếu Bửu Đảo lên ngôi thì họ sẽ có trong tay một dụng cụ ngoan ngoãn…. Họ chỉ bị lôi kéo bằng lợi lộc.
Tể tướng hiện nay [Trương Như Cương] là cha vợ của cả Hoàng đế [Nguyễn Phước Chiêu] và Hoàng tử Bửu Đảo. Cựu Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải cũng hy vọng trở lại triều cương khi ứng cử viên của ông ta lên ngôi….
Hội Truyền giáo, đã đề cử Đồng Khánh, cũng yểm trợ con Đồng Khánh với hy vọng thực hiện những gì mà người cha chưa làm được. Chắc chắn là sự lựa chọn Bửu Đảo sẽ rất tai hại [deplorable] và đại đa số những người biết rõ những chàm tật [tares] của tiền nhân và của chính Hoàng tử sẽ không thể hiểu nổi tại sao Thành Thái bị loại bỏ để thay bằng một người còn điên khùng hơn.
Thêm một lý do không kém quan trọng khác là Bửu Đảo không có con, và cũng không có khả năng để có con.(10)
Tuy nhiên, năm 1913, “chim loan” bỗng cất tiếng gáy trên nóc nhà Bửu Đảo—Hoàng tử có con trai, Vĩnh Thụy (13 [22]/10/1913-1/8/1997), chính thức ghi vào sổ bộ Tôn Nhơn Phủ. Người mang đến tin mừng không thuộc hàng vợ hay thiếp—mà chỉ là người hầu của vợ lớn Bửu Đảo, con gái Trương Như Cương. Cuộc hôn nhân chính trị và kinh tế này đổ vỡ sau khi Bửu Đảo lên ngôi và Cương phải về hưu. Tối 3-4/5/1916, chuyến xuất giá của Nguyễn Phước Hoãng bỗng mở cho Bửu Đảo, lúc này đã 31 tuổi, một cơ hội mới. Ngay ngày 4/5, Khâm sứ Charles đã điện báo với Toàn quyền Roume rằng triều thần—hiểu theo ý nghĩa chính Charles—quyết đề cử Bửu Đảo lên ngôi. Charles cũng ra sức bảo vệ sự đề cử Bửu Đảo khi Roume vào Huế điều tra. Ngay Nguyễn Hữu Bài—người đưa ra ứng cử viên thượng hạng Hàm Nghi [Ưng Lịch] và Cường Để mà Bài biết chắc Pháp không chấp thuận, rồi đồng ý ủng hộ Bửu Đảo, lá bài hạng nhì, vì Charles đã chọn Bửu Đảo. Sáng 10/5, đại diện Hội đồng Tôn Nhơn Phủ, Phủ Phụ Chính, và các quan văn võ đồng ký thỉnh nguyện thư xin lập Bửu Đảo. Buổi họp Phủ Phụ chính cùng ngày—với sự tham dự của Miên Lịch, Phụ chính thân thần (đại diện Hoàng tộc); Trương Như Cương, Tôn Thất Hân, Thượng thư Bộ Hình; Nguyễn Hữu Bài, Bộ Binh và Công; Huỳnh Côn, Bộ Lễ; Hồ Đắc Trung, Bộ Học; và, Đoàn Đình Nhàn (Duyệt), Bộ Hộ—cũng nhất trí phế ngay Nguyễn Phước Hoãng để lập Bửu Đảo.
Ngày 18/5, sau hơn ba thập niên cơ hàn, Bửu Đảo dời địa chỉ từ Lăng Nguyễn Phước Biện về Cấm Thành, với tên thánh Nguyễn Phước Tuấn, niên hiệu Khải Định. Để chào mừng một kỷ nguyên đại thái bình sắp tới, ngày hôm trước, 17/5, Viện Cơ Mật đã mở một phiên tòa đặc biệt để làm án các lãnh tụ cuộc nổi dạy đêm 3-4/5/1916 tại kinh thành và Quảng Ngãi. Hoàng Quảng [Trọng?] Phu, Tham tri Bộ Hình; Võ Liêm, Tham tri Bộ Binh; Ưng Ân, Thị lang Bộ Hình; và, Ngự sử Tôn Thất Uyển được ngồi ghế chung thẩm. Suất đội Nguyễn Siêu và Tam đẳng thị vệ Tôn Thất Đề bị kết tội đã thông đồng với Thái Phiên và Trần Cao Vân xúi dục Nguyễn Phước Hoãng xuống hịch nổi loạn. Sau đó Siêu sẽ chịu trách nhiệm trấn thủ kinh thành, trong khi Đề hộ tống ấu vương xuất giá. Ngoài ra, còn 15 người khác bị nghị án: Tứ đẳng thị vệ Dương Đức Tuyên, Ngũ đẳng thị vệ Lê Đình Thưởng, 6 cấm quân (Hoàng Văn Tri, Nguyễn Soạn tự Năm Hưu, Lê Châu Hàn, Phạm Thanh Chương, Lê Cảnh Vận, Nguyễn Khoan tức Ấm Vệ), 2 đội cảnh sát (Lê Viết Kinh, Nguyễn Duy tự Xã Dụng), Thất phẩm đội trưởng Tôn Thất Quyền, Bát phẩm đội trưởng Võ Dan, Cửu phẩm Mai Trí, Võ Ngô và Lại Hà. Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Siêu và Tôn Thất Đề bị tội chém bêu đầu, giảm còn xử chém tức khắc.(11)
Tại các địa phương, một cuộc lùng bắt sâu rộng diễn ra suốt tháng 5/1916. Tại Quảng Nam, số tù nhân lên tới 360 người; 240 ở tòa Nam, 120 ở Tòa Khâm; quá đông nên ngày 30/6 quan địa phương xin gửi bớt tù lên Lao Bảo. Các quan Việt hăng say trừng trị loạn đảng đến độ vào tháng 6/1916, Charles cấm cho kết thêm một án tử hình nào nữa.(12)
Trong số các quan lập công lớn có Trần Tiễn Hối, con cựu Thượng thư Thành, gốc làng Minh hương, Thừa Thiên.
Đích thân Nguyễn Phước Tuấn cũng rất tích cực trừng trị “loạn đảng.” Vua nộp cho Pháp nhiều bằng chứng việc Nguyễn Phước Hoãng đã mưu “làm loạn” từ năm 1915. Ngày 18/2/1917—theo gương cha đối xử với Nguyễn Phước Minh—Nguyễn Phước Tuấn ra Dụ giáng Bửu Lân xuống Hoài Trạch công. Phần Vĩnh San, vua nghiêm khắc lên án những việc làm của “đứa con mất tư cách” [fils denature] của Bửu Lân, và cũng cháu họ mình, là hình tội. Bởi thế, cách xuống hàng Hoàng tử, vì Vĩnh San là
một kẻ tội phạm đối với tổ tiên và xã tắc. Tội ác của Vĩnh San đáng lẽ phải chịu cực hình, dẫu có đầy đi xa cũng chưa đủ.(13)
II. PHÁP-VIỆT ĐỀ HUỀ:
Tại Đông Dương, chiến thắng của phe Đồng Minh sau Thế chiến thứ I khiến Pháp quyết định rút bỏ những biện pháp đặc biệt, trở lại với chính sách “hợp tác” đã đề xướng từ năm 1909. Chính sách này thường được biết như Pháp-Việt đề huề. Sarraut và Pasquier là hai trong những kỹ sư chính của kế hoạch trên.
A. SARRAUT & CUỘC CẢI CÁCH 1917:
Đầu năm 1917, Loật sư Sarraut trở lại Đông Dương làm Toàn quyền. Trong năm 1917, Sarraut thực hiện nhiều cải cách quan trọng.
Về kinh tế-tài chính, Sarraut tận thu giảm chi. Phong trào “Rồng Nam Phun Bạc,” tức hô hào dân Đông Dương quyên góp và mua trái phiếu (bond) đóng góp vào nỗ lực chiến tranh ở mẫu quốc được phát động rầm rộ. Cuối năm 1918, tổng cộng trái phiếu chiến tranh đã bán ra ở Đông Dương lên tới 176.5 triệu francs, chiếm 57% trên toàn đế quốc Pháp. (14)
Ngoài ra, còn một số bạc chôn dấu trong lăng Nguyễn Phước Thời và hoàng thành được khai quật.
Đồng thời, Sarraut tìm cách thu hút vốn đầu tư để phát triển nền kinh tế xuất cảng Đông Dương. Ngoài những quặng mỏ như than đá, vàng, bạc, thiếc, chì, phốt phát đã khai thác từ lâu, Sarraut hướng việc phát triển các loại nông nghiệp kỹ nghệ như cao-su, hoặc cà-phê, trà, ca-cao tại các cao nguyên. (15)
Kế hoạch khai khẩn [mise en valeur] thuộc địa này là mục tiêu chiến lược quan trọng của các cường quốc thực dân, bất kể màu da, chủng tộc hay ý thức hệ. Tìm tòi các tài nguyên thiên nhiên rồi tung chúng ra thị trường thế giới kiếm lợi nhuận là động lực chính.
Về chính trị, Sarraut tái thiết lập Hội đồng tư vấn và Hội đồng tỉnh ở Trung Kỳ. Tại Bắc Kỳ, mở rộng thêm cử tri đoàn. Cuộc bầu cử Hội đồng Nghị viên Hà Nội năm 1919, chẳng hạn, số cử tri Pháp lên tới 990 người, nhưng chỉ có 359 người thực sự bỏ phiếu, và người đắc cử cao nhất được 302 phiếu, so với 282 phiếu cho người thứ bảy. Cử tri Việt lên tới 1,096 người, nhưng chỉ có 717 người đi bầu. Nguyễn Văn Vĩnh được 502 phiếu, Phạm Duy Tốn, 495 phiếu, Bùi Duy Tín, 418, và Đỗ Thận, 360 phiếu. (16)
Nhưng thực chất không khuyến khích tinh thần dân chủ, hay sự tham gia chính trị của đám đông, mà chỉ gây thêm một hủ tục mua bán phiếu trong giới quan viên và hương chức. Viên chức bảo hộ Pháp cũng thi hành một thủ thuật ưu đãi những tay chân bằng cách ban thưởng phẩm hàm và chức tước—vừa duy trì an ninh, trật tự, vừa theo chính sách chia để trị. Không những từ chối việc truyền bá các phương thức bầu cử dân chủ, tự do của Âu-Mỹ, viên chức thuộc địa Pháp còn vô tình biến những đại diện dân thành những nhân vật “nghị gật” hay “xã xệ,” “lý toét” trên báo chí. (17)
Ngày 28/6/1917, Sarraut còn ký nghị định thành lập Nha Liêm Phóng (Sureté), một ngành cảnh sát chính trị khá hữu hiệu. Trong chính sách “chiêu hồi” hay “Pháp-Việt đề huề” của mình, Sarraut và Pasquier từng gửi Thanh Tra Néron [Nê-dung] qua Hàng Châu, Chiết Giang, đưa điều kiện cho Phan Bội Châu về nước, sau khi Cử Nhân Châu soạn tập Pháp-Việt đề huề luận, và giao cho Phan Bá Ngọc “phụng thảo.” Đáng sợ hơn nữa, Mật thám Pháp sau này còn cấy được nhân viên nằm vùng hải ngoại như vợ chòng “Pinot” Nguyễn Công Viễn (Lâm Đức Thụ)-Lương Huệ Quần tại Quảng Châu rồi Hong Kong, hay “mouchard” Dương Hạc Đính trong ban lãnh đạo Việt Nam Thanh Niên Kách Mạng Đồng Chí Hội nội địa, và rồi Đảng Cộng Sản Đông Dương (Hà Nội, chi bộ Hàm Long, 1929). Anh em “Thomas” Đặng Đình Thọ, Đặng Văn Thụ còn ghi danh học trường Stalin [KUTV hay KUTB] ở Mat-scơ-va, hay làm Bí thư chi hội dân đi biển tại Pháp. Trước năm 1925-1926, nhân viên hoạt động hữu hiệu nhất gồm cựu học sinh Đông Độ như Lê Dư, Nguyễn Thái Bạt, Nguyễn Bá Trác (từng bị tử hình khiếm diện năm 1913), tác giả bài “Hồ trường” nổi tiếng một thời.
Nhưng Nha Mật Thám Đông Dương cũng tạo nên những trường chuyên nghiệp về tra tấn, ngụy tạo cung từ—phần nào chứng thực những bằng tốt nghiệp “đại học tù đầy” của cán bộ các đảng phái bí mật chưa bị hủy diệt, với nhà tù Côn Đảo [Poulo Condore] như một đại học danh tiếng nhất. Hạ tuần tháng 9/1945, từ Côn Đảo, hơn 1,800 tù nhân chính trị đã được tàu Phú Quốc và 25 thuyền đưa về Đại Ngãi, Sóc Trăng, rồi tung ra khắp lục tỉnh như nòng cốt của cuộc chiến kháng Pháp và Bri-tên, với sự ép buộc tham dự của tù binh Nhật—một tội ác chiến tranh của Louis Mountbatten, nhưng thế giới chỉ quay mặt làm ngơ. (18)
Những người như Nguyễn Hữu “Tiến què” hay Giáo Hoài—ngày 22/5/1931, bị bắt ở Hà Nội, tra tấn què chân, kết án 20 năm khổ sai; thang 4/1935, vượt ngục Côn Đảo, hoạt động tại miền Tây Nam Kỳ, sau lên Sài Gòn, Chợ Lớn hoạt động; năm 1939 vào Thành ủy Sài Gòn cùng Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Oanh—hay Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột “Fan Lan” Nguyễn Thị Vịnh, vợ đầu tiên của Võ Giáp (1911-2013)—và ngay cả Lý Quí, tức Tràn Phú (1904-1931), Tổng thư ký chỉ định đầu tiên của Đảng Cộng Sản Đông Dương [CSĐD] (14/10/1930-11/11/1945) chỉ là một số ít trong hàng trăm ngàn nạn nhân vô danh của nhục hình tra tấn ở các phòng thẩm cung tại Nha Liêm Phóng hay cảnh sát, an ninh Pháp. (19)
Về phương diện xã hội, Sarraut xây cất thêm nhiều bệnh viện, nhà hộ sinh, phòng khám bệnh. Ngoài ra, còn thiết lập những toán y tế lưu động đi chữa bệnh ở vùng nông thôn. Viện Pasteur—một trong số ít điểm son của chế độ Bảo hộ Pháp—cũng tiếp tục việc nghiên cứu các chứng bệnh nhiệt đới và phương pháp điều trị, phổ biến những thuốc chủng ngừa có hiệu lực. (20)
Ngày 10/6/191?, Sarraut còn ký nghị định thành lập Nha Thanh Tra Lao động. Tuy nhiên, điều kiện làm việc và lương bổng của nhân công cải thiện rất chậm. Các mỏ than ở miền Bắc cùng những rừng cao su ngút ngàn ở Nam Kỳ và Căm Bốt —gia tăng từ 15,000 hectares năm 1920 lên tới 100,000 hectares năm 1932—vẫn còn là những địa ngục trần gian. Từ những trung tâm tập trung khoảng 100,000 “công nhân vô sản” này, guồng máy tuyên truyền về ảo tưởng một thiên đường hạ giới mô phỏng theo xã hội nguyên thủy của nhân loại sẽ tìm đường xâm nhập, tạo nên một chuỗi những cuộc khủng bố đỏ đầu thập niên 1930.
A. Quốc Ngữ Mới & Giáo Dục:
Về giáo dục, Sarraut mở lại trường Đại học Hà Nội năm 1917. Trường này gồm ba phân khoa chính là Luật, Thuốc (Y khoa-Dược), và Kỹ thuật.
Trường Luật (Ecole de Droit), nhằm đào tạo tham tá hành chính (commis) hay tri huyện, được cải tổ với học trình ba năm (dành cho những ngừoi có bằng Cao Đẳng tiểu học (Diplôme). Sau khi tốt nghiệp, học viên phải tập sự một thời gian trước khi được bổ nhiệm. Jean Baptiste Ngô Đình Diệm, gốc Quảng Bình nhưng định cư ở Huế, cũng theo học phân khoa Huế của chương trình Cao Đẳng Hành chính, và ra Hà Nội hoàn tất năm thứ ba trường Luật năm 1922. Một trong những sinh viên xuất sắc là Nguyễn Văn Ninh [tự An Ninh] (1900-1943), gốc Hóc Môn, Gia Định, được qua Pháp tu nghiệp, hoàn tất Cử nhân năm 1921, nhưng đơn xin học bổng Tiến sĩ bị René Robin bác vì—nói theo Thống sứ Maurice Cognacq—Nam Kỳ không cần trí thức. Từ năm 1924, tất cả các ứng cử viên quan lại bản xứ phải học ngay tại trường Cao Đẳng Pháp Chính.
Trường Thuốc (Ecole de Médecine et de Pharmacie)—đã hoạt động từ năm 1902, cùng với các trường Thú Y (Ecole vétérinaire), và trường Lục lộ (Ecole des Travaux Publiques) —cũng được cải tổ. Học viên phải có bằng Cao Đẳng tiểu học và qua một kỳ thi tuyển. Tốt nghiệp trường Thuốc được gọi là médecin indigène (cán sự y tế bản xứ), sau đổi thành médecin auxiliaire (cán sự y tế trợ tá), hoặc “y sĩ Đông Dương” để phân biệt với các “Bác sĩ”, tức những Tiến sĩ Y khoa tốt nghiệp tại Pháp. (21)
Ngoài ra còn các trường sư phạm (Ecole de Pédagogie), đào tạo các giáo viên cấp Cao đẳng tiểu học; trường Cao đẳng thương mại (Ecole supérieur de Commerce); trường Cao đẳng Canh nông, đào tạo tham tá canh nông; và trường Mỹ thuật (Ecole des Beaux Arts). Sarraut còn mở cửa trường Trung học công lập Hà Nội (Lycée de Hanoi)—nguyên là Collège Paul Bert, và năm 1923 cải danh thành Lycée d’Albert Sarraut—đón một số học sinh người Việt.
Tại An Nam, từ năm 1919 Sarraut bỏ lối thi cử cũ (Dụ ngày 6/12/1918 của Nguyễn Phước Tuấn; rồi Dụ ngày 14/7/1919; thông tư ngày 30/7/1919). Khoá thi Hương cuối cùng tổ chức năm 1917 tại Thanh Hoá, Vinh, Huế và Bình Định. Các khoá sinh, kể cả các Tú Tài, đều không quá 30 tuổi. Số Tú tài lấy gấp ba số Cử nhân. Các môn thi gồm ba [3] thứ tiếng, Hán (Văn sách, pháp chính, chiếu, dụ, tấu, sớ, tư văn [văn thư]), quốc ngữ mới (sử, địa, luận và đo lường), và Pháp (hai bài dịch từ Pháp qua Việt, và Việt qua Pháp).
Khóa thi Hội cuối cùng tổ chức năm 1919—ngày 28/4/1919, ra bảng thi Hội; ngày 15/5/1919 thi đình—lấy đỗ 7 Tiến sĩ và 16 Phó Bảng. Một trong những người trúng tuyển, Đình Nguyên Nguyễn Phong Gi, tên mới của Nguyễn Thái Bạt, từng tham dự phong trào Đông độ—khởi đầu bằng nghề “ăn mày” ở Nhật, như Sào Nam ghi lại trong tập Niên Biểu đầy rẫy những “tiên sinh.”.(22)
Theo chính sách thắt lưng buộc bụng, Sarraut và Charles cắt giảm bớt tiền lương của Hoàng gia. Nguyễn Phước Tuấn được hưởng lương hàng năm 48,000 đồng, ngân sách An Nam [Trung Kỳ] đóng góp 36,000 đồng, phần còn lại do các quĩ khác bù thêm. Viện Cơ Mật cũng thu bóp lại. Ngày 19/4/1917, Trương Như Cương cùng Huỳnh Côn về hưu vì đã trên 70 tuổi. Hai ghế Thượng thư vừa bị bỏ trống không được điền thêm người mới, mà chỉ tái tổ chức lại triều đình. Bộ Lại và Hộ được gom dưới quyền Nguyễn Hữu Bài, trong khi Đoàn Đình Nhàn (Duyệt) nắm Bộ Công và Binh. Bộ Học và Lễ ghép chung dưới quyền Hồ Đắc Trung. Tôn Thất Hân vẫn cầm đầu Bộ Hình; kiêm Cơ Mật Viện trưởng. (Ngày 2/5/1917, Sarraut ký nghị định phê chuẩn Dụ trên của Nguyễn Phước Tuấn).
Theo Sarraut, đáng lẽ Cương và Côn đã bị về hưu sớm hơn nếu Thế chiến thứ I không xảy ra. Họ đã trở thành những “hộ pháp nhiệt tình, nhưng quá mỏi mệt” trước nhịp suy thoái của truyền thống và các cơ cấu cũ. Từ buổi qua chào Sarraut tại Tòa Khâm sứ Huế lần đầu tiên vào tháng 2/1917, Nguyễn Phước Tuấn đã muốn thay Cương và Côn. Vua muốn xé bỏ lớp màn ngăn cách mà Viện Cơ Mật muốn giăng ra giữa vua và Bảo hộ, để làm việc trực tiếp với các viên chức Pháp. Vua muốn hành động và tự tay mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, trong sự thỏa thuận của Pháp. (23)
Bốn đại thần trong Viện Cơ Mật, vẫn theo Sarraut, chẳng có bao lăm giá trị và ảnh hưởng với đám đông. Tôn Thất Hân được chức Cơ Mật Viện trưởng thuần vì lòng trung thành với Bảo hộ. Pierre Bài có bề ngoài biết nhìn sự việc theo quan điểm giống Bảo hộ, tuy nhiên liên hệ với Hội truyền giáo khiến lòng trung thành chao đảo [ostensoire]. Bài muốn trở thành “một cái gì đó, nhưng thiếu chiều cao của nhận thức và bề rộng của toàn cảnh.” Mọi khôn khéo của Bài đều nhằm vào những mưu mẹo vặt ở triều đình. Khi còn là Tổng đốc Nam-Ngãi (1903-1906), Bài từng khuyến khích việc mở mang hương học và hội Hiệp Thương. Tài liệu Mật Thám Pháp và Hồi ký Cường Để đều ghi Bài tham gia Duy Tân Hội. Trong thời gian Nguyễn Phước Hoãng rời kinh thành (3-6/5/1916), thái độ Bài khiến người ta tin rằng Bài không xa lạ gì với những mưu mô đưa đến sự tuột dốc chết người của vua. Sarraut cho rằng Bài chỉ có thể tin được ở mức nào đó, và sẽ theo dõi Bài chặt chẽ.
Hồ Đắc Trung đã có một sự nghiệp làm quan sáng lạn. Trung khiến người ta chú ý qua việc biểu lộ một năng lực hiếm có trong việc đàn áp cuộc chống sưu dịch năm 1908. Từ ngày đó, Charles hết sức chú ý đến Trung. Dĩ nhiên vì thế Trung không được mọi người ưa thích. Đoàn Đình Nhàn (Duyệt) mới vào Viện Cơ mật từ tháng 1/1916 với phương vị Thượng thư Bộ Hộ (Tài chính). Lòng trung thành với bảo hộ của Nhàn không thể ngờ vực.
Nhưng cả bốn đại thần đều lớn tuổi, với nền học vấn và huấn luyện cổ, khó đáp ứng với nhu cầu hiện đại hóa. Đây là sự “va chạm” giữa các đại thần với ông vua chỉ bằng nửa tuổi họ, và có nền học vấn mới. Việc họ bác bỏ dự thảo tu chính Bộ hình luật Gia Long (hoàn tất năm 1814) là một thí dụ. Bởi vậy, Sarraut nghĩ đến việc xen đan vài quan trẻ.
Để quảng cáo cho vương quyền của Nguyễn Phước Tuấn, Sarraut và Khâm sứ Pháp cử vua tuần du đó đây. Đồng thời, cũng để cổ võ chính sách “Pháp-Việt đề huề” hay tinh thần quốc gia “ôn hoà.” Chính sách này được Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Lê Bổng, Phạm Quỳnh ở Hà Nội và Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Charles Nguyễn Phú Khai trong Nam ra sức yểm trợ. Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phú Khai qui tụ một nhóm khoa bảng miền Nam có quốc tịch và từng du học Pháp lập nên nhóm Lập Hiến, với cơ quan ngôn luận là tờ La tribune indigène [Diễn đàn bản xứ] ở Sài Gòn. Họ chủ trương tiến hóa [evolution], tức thay đổi các kiến trúc xã hội một cách ôn hòa, tiệm tiến, cho tới ngày dân tộc Việt san bằng được hố ngăn cách sâu, xa về khoa học và kỹ thuật. Nguyễn Phan Long (1889-1960), một nhà văn/ký giả có năng khiếu đặc biệt về Pháp văn cũng gia nhập nhóm năm 1923 sau khi từ Bắc vào Sài Gòn. Những trí thức trẻ huấn luyện tại Pháp hay Đông Dương như Dương Văn Giáo (1890-1945), Diệp Văn Kỳ theo khuynh hướng này. Từ thập niên 1920, một chi nhánh Lập Hiến thành hình ở Paris, được sự cộng tác của Phó bảng Trinh, Trần Văn Khá, Nguyễn Khắc Vệ, v.. v..(24)
B. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BÁO CHÍ VÀ NGÀNH ẤN LOÁN:
Tại Hà Nội, sau một thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tháng 7/1917, Louis Marty, Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác trình làng nguyệt san song ngữ Nam Phong, với Marty làm chủ nhiệm. Phạm Quỳnh—thư ký hạng 5 của Nha Thanh Tra Chính trị và Hành chính dưới quyền Pasquier—phụ trách phần quốc ngữ mới. Cử Nhân Trác—chánh lục phẩm [VI-1], một cựu đoàn viên Duy Tân Hội Quảng Nam, trốn qua Nhật giữa cuộc dân biến 1908, từng bị kết án tù, rồi tử hình khiếm diện ngày 5/9/1913—phụ trách phần Hán văn, cũng làm việc dưới quyền Pasquier. Ngày 11/6/1918, Trác được đề nghị tăng lương từ 100$ lên 120$ mỗi tháng vì mới thăng lên tòng ngũ phẩm [V-2]. Nha Chính trị và Hành chính cấp phát mỗi tháng 500 đồng. Trong số yểm trợ hay ủng hộ viên có Sarraut và Nguyễn Phước Tuấn. Ngay từ bài “Mấy nhời nói đầu” trong số ra mắt ngày 1/7/1917 đã phải chịu sự kiểm duyệt của Nha Liêm phóng và Thống sứ Bắc Kỳ. (25)
Một trong những đóng góp quan trọng của Nam Phong là những người cộng tác đã làm giàu hơn chữ quốc ngữ, khác xa văn phong và lối diễn tả, nghị luận của thế hệ cầm bút miền nam trên các tờ Gia Định báo hay Lục Tỉnh tân văn.
Những điều nhóm “Pháp-Việt đề huề” cổ võ chẳng khác biệt bao lăm với chủ trương “thờ người Pháp làm bậc thày để cầu tiến bộ” của Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, v.. v… Ngay đến Phan Bội Châu, sau Thế chiến thứ I chấm dứt (11/11/1918) nghiêng dần về chủ trương này—đặc biệt là sau khi nhiều cộng sự viên đắc lực cũ đầu thú. Qua môi giới Phan Bá Ngọc, Lê Dư, Phan Bội Châu hoàn tất tài liệu ký tên Độc Tinh Tử, nói về nhu cầu hợp tác Pháp-Việt cùng có lợi, trước mối đe dọa “hung hiểm” của Nhật, gấp trăm ngàn lần ông bảo hộ hiện tại.”.(26)
Theo Thực Nghiệp Dân Báo (20/1/1926) nguyên bản tài liệu này là Pháp-Việt đề huề luận, và bản dịch có nhiều chô sai ý tác giả. Vẫn theo Phan Bội Châu, tài liệu viết năm 1918, do Phan Bá Ngọc và Lê Dư thúc dục; sau đó Thanh tra Néron [Nê Dung] đến Hàng Châu, tiếp xúc, và mang theo thư Sarraut về điều kiện hợp tác. Ngày 26/7/1919; PBC thư cho Sarrau, nói đã gặp Néron; hẹn sẽ nói chuyện nhiều. (27)
Tuy nhiên, sự tương cận giữa hai nhóm hô hào hợp tác chỉ là dụng (pathos), bề ngoài, hơn thể (ethos). Những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác—với sự tài trợ của ngân sách Bảo hộ, và sự góp ý của Nha Mật Thám (Liêm Phóng), dù thực lòng tin tưởng ở những gì đã viết hay thuần nhận lệnh từ thượng cấp—chỉ thực thi chính sách dùng văn hoá để điều kiện hoá giới trẻ. Việc thành lập Khai Trí Tiến Đức Hội năm 1919 tại Hà Nội của một nhóm quan lại Bắc Kỳ và thông phán, thư ký trong chính phủ Bảo Hộ là một thí dụ tiêu biểu—nhằm huấn luyện mọi giới biết ơn công lao khai hóa của Pháp.
Nhiều tác giả nghiên cứu Nam Phong còn nhắc đến công Phạm Quỳnh khám phá ra Truyện Kiều—tác phẩm văn vần của Nguyễn Du bằng chữ nôm rất quen thuộc trong đại chúng. Ít ai để ý đến việc người phụ trách phần Hán tự của Nam Phong còn đưa ra ánh sáng nhân vật Nguyễn Trường Tộ (1827?-1871)—một trong những thông ngôn đầu tiên của quân viễn chinh Pháp dưới trướng Đô đốc Charner năm 1861. Thân cận của Giám mục Đường Ngoài Nam Gauthier [Ngô Gia Hậu], Tộ từng qua Hong Kong, rồi trong những năm cuối thập niên 1860 gửi cho triều đình nhiều biểu, tấu xin canh tân và có chính sách đối xử với Ki-tô giáo hợp lý hơn. Tộ còn khuyên Nguyễn Phước Thời liên minh với Giáo hội Vatican và Bri-tên để chống lại kế hoạch tầm thực của Pháp. Như đã lược thuật ở những chương trước, Nguyễn Phước Thời còn ủy thác thày trò Tộ cùng hai linh mục thuộc Hành nhân ti/Thương Bạc qua Pháp tìm huấn luyện viên mở một trường Quốc Học tại Huế, nhưng không thành công. Năm 1871, sau khi Napoléon III thua trận Phổ và bị bắt, Nguyễn Phước Thời còn có kế hoạch sử dụng Tộ qua Âu Châu tìm liên minh Bri-tên, nhưng bị bỏ dở, vì cái chết đột ngột của Tộ mà theo Gauthier có thể vì thuốc độc. Đốc học Lê Thước qua loạt bài công bố một số di thảo của Tộ cổ võ việc cầu hòa với Pháp vì đó là “cơ huyền diệu” của “Tạo vật” (thượng đế Ki-tô). Lê Thước cũng đề nghị dùng tên Tộ đặt cho trường tiểu học Franco-Annamite Vinh. (28)
Sự vinh danh những phần tử hợp tác với mẫu quốc từ buổi đầu này cũng diễn ra ở Sài Gòn khi Petrus Ký [Key] được đúc tượng, dùng tên đặt cho trường trung học công lập lớn nhất miền nam tại Sài Gòn. Trong hạ bán thế kỉ XX, Tộ và Ký được huyền thoại hóa thành những “vĩ nhân văn hóa,” khác hẳn với sự thực và vai trò lịch sử hay trọng lựợng tác phẩm của họ—giống như việc Chu Lệ (Minh Thành Tổ, 17/7/1402-12/8/1424) khen thưởng, ban bằng sắc Đại Minh [Ta Ming] cho các “trung lương” Mạc Thúy, Nguyễn Huân, Lương Nhữ Hốt, v.. v… dưới thời Minh thuộc (5/7/1407-2/1/1428). (29)
Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền hay Nguyễn An Ninh rõ ràng đi trên những con đường quang minh hơn; đó là ao ước cho người Việt thấm nhuần văn hoá Pháp hầu tìm lại một căn cước mới, chuẩn bị ngày giải phóng đất nước—và, có thể với ước mơ trở thành những Tôn Dật Tiên của Việt Nam như Sarraut phỏng đoán năm 1913. Bản thân họ trải qua những trăn trở khủng hoảng trên hành trình tìm một ý thức hệ và khuôn mẫu tổ chức một nước Việt Nam mới. Điều những trí thức sinh hoạt khá lâu ở ngoại quốc này cùng san xẻ là nỗi bối rối trước ngã ba, ngã tư đường hiện đại hóa và toàn cầu hóa—nên phân vân, lưỡng lự giữa tư bản tả phái [xã hội] và Quốc tế Vô Sản, cộng hòa, dân chủ Pháp và quân chủ chuyên chế, rồi quân phiệt Trung Hoa. Nhưng tả hay hữu phái, họ đều có dịp chứng kiến, hoặc tham dự, sinh hoạt chính trị, văn hóa, tôn giáo và đặc biệt kinh tế tại những quê hương tạm thời. Họ cũng được chứng kiến hoặc tham dự các nghiệp đoàn hay ái hữu của giai tầng lao nông đặc thù của thời đại họ như Hội Nấu Bếp An Nam (tháng 3/1922), Đông Pháp Thân Ái (1923, 108 hội viên; 20/2/1927, đổi tên tiếng Pháp; ngày 29/1/1929, thay đổi nhân sự CS, như Đặng Văn Phúc, tức Đặng Văn Thụ, bí danh Louis Văn Thụ, sinh ăm 1908, Bắc Ninh; 29/1/1930, chi nhánh Le Havre giải tán); Tổng Công Đoàn Lao Công Le Havre (năm 1928, Đặng Văn Phúc, tức Đặng Văn Thụ, chủ tịch; 1932, đổi tên thành Đông Dương Tổng Hợp Hội), Việt Nam Khuyến Học Hội, (13/1/1928), Liên Minh Di Dân Đông Pháp (17/5/1930), Hội Ái Hữu Sinh Viên, Hội Duy Nhất Dân Đông Pháp (1930), trong nỗ lực liên minh giữa sinh viên du học và dân đi tàu của nhóm Hồ Tá Khanh, Nguyễn Khánh Toàn, với sự trợ giúp của Đảng Marxist-Leninist Pháp, cùng Nguyễn Ái Quốc “đang ở Nga,” Phan Văn Trường, v.. v…) Việt Nam Hội trợ Áu Nhi hội (30/6/1939), (30)
Chỉ những người có cơ hội rời quê hương Việt Nam, thoát khỏi cánh cổng khép kín của nhà tù khổng lồ Pháp, hướng về những cường quốc đang lên, mới tri nghiệm được yếu tố địa lý-chính trị-kinh tế tiếp cận lân bang khổng lồ phía bắc.
Tại Trung Hoa, cuối năm 1920-đầu 1921, qua sự giới thiệu của Thái Nguyên Bồi, Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, và bản dịch qua Hán ngữ bài nghiên cứu về nước Nga của một tác giả Nhật, Cử nhân Châu tiếp xúc hai cán bộ Nga và CSQT—tức trưởng đoàn Lao Nông [Krestintern], Iunix hay Grigorij Voitinskij, đang tham quan Trung Hoa, và người phiên dịch tiếng Trung Hoa [Khodorov] của Đại sứ Lạp Gia Hãn [Đại sứ L M Karakhan]. Tuy nhiên, không đi đến kết quả nào vì Phan Bội Châu không quen người thạo tiếng Anh, và có phần ngại ngần trước đòi hỏi phải tuân theo và rao giảng thuyết Cộng Sản. (31)
Bốn năm sau—khi Tôn Dật Tiên đã ký tuyên cáo chung ngày 26/1/1923 với Abram Adolph Joffe [tức Adolph Abramovitch], về lại Quảng Châu vào tháng 2/1923, đón nhận Mikhail Borodin làm đặc sứ, và Vaxilij Bljukher (tức Galin), cố vấn quân sự; rồi triệu tập Đại hội THQDĐ lần thứ nhất vào cuối tháng 1 đầu tháng 2/1924, chính thức khởi đâu liên minh Quốc Cộng (Chủ tịch đoàn: 5 người, kể cả Lý Đại Chiêu. BCHTƯ, 24 người (3 CSTH) ; 17 UV/DK : 7 CSTH).và rồi ký hòa ước hữu nghị Nga-Trung 31/5/1924, nhận viện trợ của Nga để tái tổ chức chính phủ liên hiệp Quảng Đông với các cá nhân của Đảng CSTH— Phan Bội Châu bỏ nhiều thời gian đọc về Lenin và Trotsky, đồng thời dùng bài học cổ sử Trưng Nữ Vương, cùng huyền thoại Phạm Hồng Thái (Phan Đài, 1896-1924)—để dự đoán một cuộc cách mạng xã hội của liên minh lao động và nông dân, dưới sự lãnh đạo của giới trí thức giác ngộ.(32)
Trong một tác phẩm in năm 1923 tại Thượng Hải, với tựa Thiên hồ, Đế hồ [Trời Ơi, Đế Hỡi], Phan Bội Châu còn vạch mặt nạ thực dân Pháp lợi dụng Ki-tô giáo để chinh phục các lãnh thổ xa lạ, và tận diệt những chủng khác giống—một lời tố cáo mạnh mẽ của Karl Marx và chủ thuyết cách mạng [revolution] con hoang của Giáo Hội La Mã. (33)
Những viên chức thuộc địa như Sarraut, Charles, Pasquier, và rồi Alexandre Varenne v.. v… —dù bảo thủ hay tiến bộ, chống hay theo Giáo hội Ki-tô—khó thể liên kết với những cá nhân thực sự “văn minh” hay “Pháp hoá.” Cảm tình cá nhân trở thành vô nghĩa trước sứ mệnh và nhiệm vụ thực dân, và quan điểm cá nhân đã phải hy sinh cho quyền lợi quốc gia Pháp, tiếng nói lương tâm và lẽ phải bị tắt lịm trước trách nhiệm và quyền lợi. Sự mâu thuẫn giữa nỗ lực truy tìm thiện, mỹ và chân lý của các học thuyết tư tưởng tư sản Tây phương, và nhu cầu cùng trách nhiệm xâm chiếm thuộc địa, mang lại lợi nhuận cho quốc gia Bảo hộ cùng danh vọng cho chính bản thân, phe nhóm và gia đình mình, khiến những kẻ đi khai hoá và người bị khai hoá ngày càng xa cách, hoài nghi nếu không phải thù hận, dù hố cách biệt văn hoá ngày một thu hẹp.
Dẫu vậy, chính sách tương đối cởi mở của Sarraut không làm hài lòng phe bảo thủ thuộc địa. “Hầu tước” Henri de Montpezat, Chủ báo La volonté indochinoise [Ý chí Đông Dương], Nghị sĩ đại diện An Nam/Tonkin, là một trong những người công kích mãnh liệt nhất. Vấn đề khiến Montpezat cực kỳ khó chịu là Sarraut đã mở cổng Lycée Hà Nội, tức cho phép các thanh thiếu niên Việt được ngang hàng với trẻ em người Pháp trong lãnh vực học vấn. Montpezat càng bất mãn hơn về việc mở lại Đại học Hà Nội, vì các khuôn viên Đại học sớm muộn sẽ trở nên những trung tâm tạo loạn.
Một sát thủ vô danh đã bắn Sarraut tại một chợ phiên Hà Nội, nhưng Sarraut may mắn thoát chết.(34)
B. MAURICE LONG (2/1920-4/1922):
Ngày 20/5/1919, Sarraut về nước nghỉ. Maurice Monguillot, Tổng Thư Ký Đông Dương, tạm xử lý thường vụ cho đến ngày Dân biểu Maurice Long qua nhiệm chức vào tháng 2/1920. Charles cũng về hưu vào tháng 5/1919, và Honoré Tissot tạm quyền chức Khâm sứ cho tới khi Pasquier thay Charles ngày 5/5/1921.
Đại cương, Long, cũng thuộc Đảng Xã hội Cấp tiến như Sarraut, tiếp tục chính sách hợp tác, nhưng thận trọng hơn, vì sự chống đối của Pháp kiều như phe nhóm Ernest Outrey và Henri Chavigny, một người lai Martinique, chủ bút L’Impartial [Trung Lập] từ năm 1917. Long tuyển những giáo sư Pháp có bằng giáo dục (agrégé) qua giảng dạy. Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ được tăng từ 6 tới 10 đại biểu (“Hội đồng”) người Việt. Long còn thiết lập ngạch công chức thuộc địa, gọi là “cadres latéraux.” Long cũng bán quốc trái để sửa lại cầu Doumer bắc ngang sông Hồng, nối Gia Lâm với Hà Nội—nguyên trước kia chỉ dùng cho đường xe lửa—nay có đường đi cho xe hơi và xe đạp.
Long còn nghĩ đến việc chấn chỉnh quan trường. Ngày 27/10/1919, Nguyễn Phước Tuấn được lệnh ra Chỉ cấm các quan lại An Nam thâu lễ vật, đồ biếu xén, sêu Tết. Để chuẩn bị cho chỉ dụ này, Tổng đốc Thân Trọng Huề—một phò mã, vai chú rể Nguyễn Phước Tuấn—phải trích dẫn cả lời “thống trách thời sự” của một người dân rằng, “Than ôi! Than ôi! Sanh buổi đời nầy, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!”(35)
Sau khi chỉ dụ ban ra, Tổng đốc Phạm Văn Thụ viết một bài tán tụng với những câu biền ngẫu:
Than ôi! Mọt gặm cứt sắt, bọ bỏ nồi canh, nói ra thẹn mặt, nghĩ đến giật mình…. Vậy thì vâng lời chiếu đỏ, rửa tấm lòng đen, ấy là trách nhiệm quan lại ta phải kíp sửa mình…(36)
Ngày 19/4/1920 Nguyễn Phước Tuấn còn ra Dụ thành lập Viện Dân biểu. Bầu cử tại các tỉnh bắt đầu ngày 22/8/1920.(37)
Ngày 15/4/1922, sau khi Sarraut lên làm Bộ trưởng Thuộc địa, Long về Pháp tham khảo, nhưng trên đường trở lại Đông Dương chết bệnh ở Colombo ngày 15/1/1923. Francois Baudoin, Khâm sứ Căm Bốt, được xử lý thường vụ cho tới ngày 10/8/1923, khi Martial Henri Merlin đến Hà Nội. Baudoin tiếp tục những công trình của Long như xây cất đường xe lửa nối liền Đà Lạt với miền duyên hải, sửa sang cảng Sài Gòn và cầu Doumer ở Hà Nội, lập các phòng thương mại hỗn hợp. Ngoài ra, Baudouin bãi bỏ tục “lương điền” ở Bắc Kỳ.(38)
Trường Hậu Bổ, thành lập năm 1911, cũng được cải tổ. Từ tháng 10/1919, Huế mở phân khoa Pháp-Chính của Đại học Hà Nội để thay trường Hậu bổ. Tuy nhiên, trường chỉ dạy tới năm thứ hai; lên năm thứ ba, học viên ngành Hành chính phải ra Hà Nội chuẩn bị thi mãn khoá. Số học viên ứng tuyển mỗi năm một đông. Từ năm 1920, lần đầu tiên số người ứng tuyển nhiều hơn số ghế dự định tuyển chọn. Cửu phẩm văn giai Ngô Đình Diệm—người từ năm 14 tuổi đã nhận được ơn trên cai quản dân Việt, nên xin tập ấm, trở thành một trong những học viên, tốt nghiệp năm 1922.(39)
Việc dạy chữ quốc ngữ mới cũng được thống nhất, từ nay đặt dưới quyền điều động của Tổng Nha Học chính Công lập (Dụ ngày 14/7/1919). Mỗi làng sẽ chịu trách nhiệm thành lập trường hương học bằng cách trích ra một phần thuế thân và thuế ruộng đất; ngân sách tỉnh chi phí cho các trường huyện và tỉnh. Tại Huế, năm 1917 Sarraut đặt viên đá xây dựng trường nữ trung học Đồng Khánh, chính thức khai giảng ngày 24/9/1920—một diểm son của chế độ Pháp, vì suốt các triều vua Việt tự chủ, đại đa số phụ nữ không được đến trường. Hai quận chúa của Trần Nguyên Đán, hay Nguyễn Thị Lộ, vợ nhỏ Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, hay Học phi của Nguyễn Phước Thời là những trường hợp ngoại lệ. Tục ngữ có câu: “Đàn ông chớ đọc Phong Trần; Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều.” Dù trên thực tế, không ít phụ nữ Việt thuộc lòng cả hơn 2,000 câu thơ của Nguyễn Du. Một trong những nữ sinh vào trường Đồng Khánh được chú ý nhất là Phan Thị Mê—con gái Phó bảng Trinh được tiếp tục hưởng học bổng giống như anh trai, sau khi Dật chết năm 1921.
Tại các trường ở Vinh, Qui Nhơn và trường nữ Đồng Khánh, bắt đầu từ năm 1920, mở thêm một lớp tiểu học bổ túc cho những người có bằng tiểu học để đào tạo hương sư, và những người xuất sắc có thể vào năm thứ hai trường Quốc học. Một số phụ nữ tân thời đã gia nhập ngành thuốc hay y tá. Không thiếu tiểu thư khuê các—như trường hợp Hoàng Thị Nga, hay Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan—còn sang tận Pháp du học.
Tuy nhiên, nói chung, việc giáo dục công lập còn rất hạn chế. Tại các tỉnh miền Trung, vào năm 1920, mới có ba trường có lớp nhất (cours supérieur) tại Bình Định, Sông Cầu [Tuy Hòa], Quảng Nam), và 5 trường có lớp nhì (cours moyen) tại Thanh Hoá, Phan Rang, Kontum [Pháp và thổ ngữ dân bản xứ], Ban Mê Thuột [Pháp và Ê-đê hay Rhadé]).
Tuy nhiên, giao tình giữa Tissot và Nguyễn Phước Tuấn gặp nhiều trở ngại. Ngày 10/7/1920, Nguyễn Phước Tuấn làm đơn xin từ chức từ ngày 14/7 năm đó, để nhường ngôi cho Vĩnh Thụy. Do sự can thiệp của Long, vua đồng ý rút lại đơn thoái vị, đổi lấy điều kiện thay Tissot bằng Pasquier càng sớm càng tốt.(40)
Tại Huế, năm 1922, Pasquier—dù đã được bổ nhiệm từ tháng 10/1920, nhưng ngày 5/5/1921 mới nhiệm chức, với món quà tặng của Long cho Nguyễn Phước Tuấn là chiếc ô-tô Limousine—lại tái tổ chức Viện Cơ Mật. Thân Trọng Huề, một phò mã thuộc phòng Hường Cai, thay Đoàn Đình Nhàn (Duyệt); nhưng trông coi hai bộ Binh và Học, trong khi Hồ Đắc Trung cai quản bộ Lễ và Công. Thái Văn Toản, một phò mã khác, Tham tá hạng hai từ ngày 1/1/1921, làm Ngự tiền Tổng lý. Năm sau, Tôn Thất Hân về hưu. Do sự vận động của Giám mục Huế và Vinh, Pierre Bài được thăng tước Đông Các, thay Hân làm Cơ Mật viện trưởng, kiêm Thượng thư Bộ Lại. Trung chỉ còn giữ bộ Lễ. Huề vẫn nắm hai bộ Binh và Học. Ba tân Thượng thư coi bộ Hộ (Phạm Văn Thụ), bộ Công (Võ Liêm), và bộ Hình (Trần Đình Bách). Như thế, triều đình lại có 6 Thượng thư, trông coi 7 bộ.
Ngày 25/10/1922, Pasquier đổi tên Phân khoa Pháp chính của Đại học Hà Nội tại Huế thành Trường Sĩ Hoạn An-Nam [Ecole des Hautes-Etudes du gouvernement Annamite], nhưng chỉ hoạt động tới năm 1924, khi tất cả các công chức và quan lại đều phải tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Pháp-Chính Hà Nội—một học hiệu được các tiểu thư xinh đẹp xếp hạng ưu tiên trong việc hôn nhân, qua câu ca dao, “phi Cao Đẳng bất thành phu phụ.”.(41)
III. SỰ SUY TÀN CỦA VƯƠNG QUYỀN:
Tháng 6/1919, giữa men say chiến thắng “Đức tặc,” các giới chức Pháp xôn xao vì một biến cố nhỏ, nhưng đáng lo ngại: Ngày 18/6/1919, báo L’Humanité [Nhân Đạo] của Đảng Xã Hội Pháp đăng thỉnh nguyện thư của “Một đoàn người An Nam yêu nước.” Bản thỉnh nguyện này gồm 8 điểm: Xin ân xá tù nhân chính trị; cải cách pháp luật để người An Nam được bảo đảm các quyền pháp định tương tự như người Âu; Tự do báo chí và tư tưởng; Tự do lập hội và hội họp, Tự do di trú và du lịch ra ngoại quốc; Tự do giáo dục; và đòi hỏi thành lập trường dạy nghề ở các tỉnh; Thay đổi chế độ cai trị với sắc luật bằng chế độ pháp trị; và, Được bầu một phái đoàn thường trực bên cạnh Quốc Hội Pháp. Cũng ngày 18/6/1919, thỉnh nguyện trên được gởi đến các phái đoàn đồng minh đang họp ở Versailles để giải quyết số phận Germany [Đức], Hungary [Hung] và Austria [Áo]. (42)
Từ đầu tháng 7/1919, xuất hiện ở khu vực Mutualités và phố Ecoles (Quận V, Paris) một người trung niên mảnh khảnh với một quản [thượng sĩ] lính thợ Việt, hang hái phân phối một số truyền đơn với nội dung tương tự. Điểm khác biệt là trong truyền đơn này “Đoàn người An Nam yêu nước” được đại diện bằng “Nguyễn Ái Quấc.” (43)
Nhân vật Nguyễn Ái Quấc nói trên cuối cùng được an ninh Pháp khẳng định là Nguyễn Sinh Côn (1892-2/9/1969), gốc Nghệ An; con thứ ba Phó bảng Nguyễn Sanh Huy và Hoàng Thị Loan (chết năm 1901). Tài liệu tuyên truyền CSVN khai sinh cho Côn tên Nguyễn Sinh Cung, nhưng chưa ai tìm thấy dấu vết tên này trong các văn khố. (44)
Theo Tiến sĩ Anatoli A Sokolov, trong đời hoạt động, Côn dùng đến hơn 150 bí danh và bút hiệu. Nổi danh nhất là Nguyễn Ái Quấc, Hồ Chí Minh, Lý Thụy, Trần Dân Tiên. (45) Ngày sinh của Côn cũng biến đổi từ 15/1/1895 tới 1899. Sinh nhật 15/1/1895 tìm thấy trong thông hành mang tên Chen Vang [Trần Vương], thợ ảnh người Tàu sinh ở Đông Dương. Năm sinh 1899 được Linh Mục/Cao Ủy Georges Thierry d’Argenlieu ghi trong nhật ký sau cuộc gặp mặt đầu tiên ở Vịnh Hạ Long ngày 24/3/1946. (46)
Năm sinh 1892 được Côn ghi trong hai lá đơn xin vào tắt trường Thuộc Địa Pháp năm 1911. Riêng ngày sinh 19/5/1890 được công bố ngày 17/5/1946, kèm theo lời kêu gọi dân chúng treo cờ đỏ sao vàng trong ba ngày—đúng dịp Linh mục Cao Ủy Thierry d’Argenlieu đến thăm Hà Nội. Khi viết di chúc ngày 19/5/1965, Côn còn ghi “tôi đã 75 tuổi.” (47)
Tuy nhiên, có dư luận cho rằng Côn đã công bố ngày sinh nhật 19/5/1890 chỉ nhằm mục đích bắt dân Hà Nội treo cờ suốt thời gian d’Argenlieu ở Hà Nội và miền Bắc. Đồng thời, ngầm biểu dương sức mạnh chính trị của “Hồ Chí Minh.” Bởi vậy, chúng tôi ghi năm sinh 1892 đi đôi với tên Nguyễn Sinh Côn; trong khi ghi ngày sinh nhật 19/5/1890 đi với bí danh Hồ Chí Minh.
Về học vấn, Tướng Léon Normet, một thanh tra Y khoa Pháp—người ký vào giấy khai tử Nguyễn Phước Tuấn ngày 7/11/1925—dẫn lời một linh mục từng ở Đông Dương rằng thuở nhỏ Nguyễn Sinh Côn theo Linh mục Theodore Guignard tu học, rồi bỏ tu sau khi Guignard chết. (48)
Chúng tôi đã tham khảo tài liệu về nhà truyền giáo xứ Mường này tại Rue de Bac nhưng chưa phát hiện được dấu vết Nguyễn Sinh Côn. (Chỉ có thông tin năm 1904, Guignard là một cử tri Pháp tại Vinh).
Bernard B Fall—người viết rất nhiều về Đông Dương—cho Côn theo học “lycée de Vinh.” Việc này khó thể xảy ra, vì mãi tới năm 1898 mới thiết lập tòa công sứ Vinh; và cũng năm này mới có trường tiểu học Pháp-Nam [Franco-Annamite] Vinh. Số trẻ Pháp quá ít để có “lycée de Vinh.” Năm 1904, tại Vinh chú bé người Pháp lớn nhất mới 4 tuổi, vẫn chưa thể có “lycée;” trong khi trường Pháp-Nam có 24 học trò Việt. Họa sĩ Lê Văn Miên phục vụ tại trường này từ năm 1898, gián đoan một thời gian ngắn ở Huế năm 1904—nên rất ít có cơ hội dạy bảo Nguyễn Sinh Côn.(49)
Thông tin duy nhất về học vấn thuở thiếu thời đã phát hiện là văn thư ngày 7/8/1908, của Giám đốc trường Quốc học gửi Phòng Nhân viên [số 1] Tòa Khâm sứ An Nam, để trả lời thư ngày 4/8/1908: chính thức cho biết có thể nhận Nguyễn Sinh Côn vào trường Tây Tự Quốc Học từ niên khóa 1908-1909. Nguyễn Sinh Côn là cựu học sinh trường Pháp Nam Thừa Thiên tại Đông Ba. Bên lề ghi chú: “Le né Nguyễn Sinh Côn est admis comme élève au Quốc Học;” [Nguyễn Sinh Côn được nhận vào Quốc Học]. Kèm theo là con dấu ngày 8/8/1908. (50)
Có lẽ Côn được nhận vào ngôi trường danh tiếng này—nơi Phan Chu Trinh từng theo học lớp Hậu Bổ từ 1903 tới 1905, nhưng sau cuộc cải cách năm 1906, phân khoa Hậu Bổ đã chuyển sang trường Hậu Bổ—vì cha Côn, Phó bảng Huy, đang giữ chức Thừa biện Bộ Lại [tước tòng thất phẩm, VII-2, từ năm 1906]. Như thế Côn được vào Quốc Học sau cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Huế (xảy ra trong khoảng 9-14 [17] tháng 4/1908), nên không thể bị đuổi khỏi trường vì tham gia biến cố trên như các huyền thoại “nhân dân” hay ngoại quốc hoang tưởng. Cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Công Lương—với sự tham dự của Nguyễn Ngạc, tức Cậu Cả, con trai Nguyễn Tri Phương; một chủ sự về hưu—xảy ra khoảng ba tháng trước ngày Côn được nhận vào trường Quốc Học. Trong số 25 người bị coi như thủ lãnh, Danh Ngan, một cựu lính khố đỏ, đã trói và đe dọa các lính lệ ở Công Lương, bị làm án tử hình. Đỗ Huyên, lý trưởng làng Tây Phú, bị bắt ở An Cựu khi đang xúi dục dân biểu tình trở lại thành phố; Nguyễn Ngạc, tức Cậu Cả, con trai Nguyễn Tri Phương; một chủ sự về hưu; một võ quan ngũ phẩm; một cựu phụ đạo của Nguyễn Phước Biện [Đồng Khánh], Huỳnh Bá Đảm; Nguyễn Can Định, cựu Tri huyện, và Hoàng Thông, một quan tứ phẩm, cựu học sinh Quốc học, giáo sư trường Pháp-Việt, chủ nhân sở buôn ở Bảo Vĩnh; Trần Trọng Cảnh, Đốc học ở Phan Rang; (51)
Ngày 17/1/1910, sau khoảng nửa năm ngồi Tri huyện Bình Khê (từ 1/7/1909) tỉnh Bình Định—nơi những cuộc biểu tình của “giặc đồng bào” mùa Xuân 1908 dữ dội và kéo dài lâu nhất—Phó bảng Huy bị cách chức điều tra vì tội nghiện rượu và tàn ác với dân chúng [ngộ sát]: Trong cơn say, Huy lỡ tay đánh một nông dân c