18/06/2018, 16:47

Người Khmer ở Nam Bộ

Lễ hội đua ghe ngo Nam Bộ Lịch sử cộng đồng người Khmer ở Nam kỳ trước thế kỷ XIX Những phát hiện khảo cổ học vào thời tiền sử ở Campuchia cho biết : đến thời kỳ đá mới, văn hóa tiền sử Campuchia mang sắc thái địa phương được tập trung và phát triển tương đối nhanh hơn ở vùng Đông – ...

wherry_competition_ok_om_bok_festival_vietnam

Lễ hội đua ghe ngo Nam Bộ

Lịch sử cộng đồng người Khmer ở Nam kỳ trước thế kỷ XIX 

Những phát hiện khảo cổ học vào thời tiền sử ở Campuchia cho biết : đến thời kỳ đá mới, văn hóa tiền sử Campuchia mang sắc thái địa phương được tập trung và phát triển tương đối nhanh hơn ở vùng Đông – Bắc Biển Hồ. Sự hiện diện có tính tiếp nối các di chỉ khảo cổ học được xếp vào văn hóa đá mới (Laang Spean), đá mới – đồng thau (Samrong Sen) rồi đến đồng thau – sắt sớm (Mlu Plây) đã chứng tỏ sự có mặt của một bộ phận cư dân cổ Đông Nam Á trên đất Campuchia. Dựa vào sự phân bố các di chỉ khảo cổ học có thể đoán định rằng những bộ phận cư dân này tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc Biển Hồ và lưu vực sông Sê-mun chảy qua Cò-rạt (Thái Lan ngày nay). Cũng những tài liệu khảo cổ học này cho biết rằng những cư dân cổ sinh sống ở đây chủ yếu là cư dân nông nghiệp, sống bằng nghề trồng trọt, săn bắn, đánh cá,… Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Khắc Cảnh, đây chính là tổ tiên chung của người Khmer và các tộc ít người bản địa của Campuchia mà hậu duệ còn lại tới ngày nay là người Pnông cư trú ổ vùng Đông Bắc Campuchia[1].

Ở những thế kỷ trước và sau Công nguyên là thời kỳ biến động mạnh mẽ trong quá trình hình thành tộc người Khmer. Cư dân “tiền Khmer – Pông” đã chịu tác động sâu sắc của hai lần “Ấn Độ hóa” về văn hóa và con người với những đợt thiên di của các tầng lớp quý tộc, thương nhân, tăng lữ, trí thức từ Ấn Độ tới; cùng với những đợt Nam tiến của nhiều tộc người từ Bắc Đông Dương và Nam Trung Quốc xuống. Trong bối cảnh của những biến động về văn hóa và tộc người đó mà loại hình Khmer đã hình thành cùng với quá trình hình thành nhà nước Campuchia sơ kỳ (Chân Lạp cổ đại). “Từ một khối chung là “tiền Khmer – Pnông”, một bộ phận chủ yếu quan trọng nhất chịu tác động pha trộn của nhiều thành phần cư dân (trong đó chủ yếu là thành phần Ấn) đã hình thành nên loại hình Khmer. Bộ phận còn lại, do những nguyên nhân khác nhau, ít chịu ảnh hưởng của sự pha trộn đã bảo lưu thành phần nhân chủng gốc cho đến ngày nay, đó là người Pnông”[2]. Người Khmer không phải là tộc người ngoại lai từ nơi khác di cư đến Campuchia mà họ có tổ tiên chung từ một bộ phận cư dân cổ ở Đông Nam Á. Từ đây, người Khmer bước vào quá trình liên kết và cố kết tộc người. Quá trình này gắn liền với sự hình thành nhà nước Campuchia sơ kỳ.

Quốc gia Chân Lạp cổ đại thời kỳ đầu là thuộc quốc của Phù Nam. Sau đó Chân Lạp mạnh lên, chẳng những thoát khỏi sự xâm lấn của Phù Nam mà còn quay trở lại thống trị Phù Nam, sáp nhập thành một bộ phận lãnh thổ của mình. Nước Phù Nam dần diệt vong. Việc chinh phục Phù Nam đối với Chân Lạp không những là sự mở rộng lãnh thổ mà còn là sự mở đường cho cuộc Nam tiến của người Khmer, rồi dần đi vào lãnh thổ Nam bộ Việt Nam.

Trước khi người Khmer có mặt ở Nam bộ, nhiều tài liệu khảo cổ học đã chứng minh sự tồn tại của một nhà nước Phù Nam ở đây dưới sự ảnh hưởng sâu sắc của làn sóng văn minh Ấn Độ giáo – Phật giáo ở nhiều vùng khác nhau của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Nam bộ Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Đây là giai đoạn hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo. Trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội cuối thời kì đồng thau, sơ kì đồ sắt, dưới tác động của văn minh Ấn Độ, khoảng đầu công nguyên, vùng đất Nam bộ bước vào thời kỳ lập quốc. Theo thư tịch cổ của Trung Quốc thì quốc gia đó có tên gọi là Phù Nam. Nước Phù Nam là một thực thể lịch sử được ghi chép trong thư tịch cổ Trung Hoa và trên những minh văn phát hiện được ở vùng châu thổ sông MeKông. Vị trí của nước Phù Nam là phía Nam bán đảo Đông Dương, phía Nam quận Nhật Nam và Lâm Ấp[3].

Phù Nam là một quốc gia ven biển mà trung tâm là vùng Nam Bộ ngày nay của Việt Nam. Cư dân chủ thể là người Mã Lai đa đảo có truyền thống hàng hải và thương nghiệp khá phát triển. Phù Nam đã mở rộng ảnh hưởng chi phối trên toàn bộ vùng Vịnh Thái Lan và kiểm soát con đường giao thông huyết mạch từ Nam Đông Dương sang Ấn Độ qua eo Kra.

Sau một thời kỳ phát triển rực rỡ, đến cuối thế kỷ VI, đất nước Phù Nam bắt đầu suy yếu và tan rã. Trong khi đó, nước Chân Lạp của người Khmer – một thuộc quốc của Phù Nam trước kia đã phát triển nhanh chóng. Lợi dụng sự suy yếu của Phù Nam để tấn công chiếm lấy một phần lãnh thổ của đế chế này vào đầu thế kỷ VII. Vương quốc Phù Nam đến đây chấm dứt sự tồn tại. Từ chỗ một quốc gia độc lập, vùng đất Nam Bộ bị phụ thuộc vào Chân Lạp.

Sau khi đánh bại Phù Nam, do những mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến vào đầu thế kỷ VIII, Chân Lạp bị chia thành hai miền các cứ: “Nửa phía Bắc vùng núi đồi và thung lũng gọi là Lục Chân Lạp. Nửa phía Nam có biển bao vây và đầm lầy gọi là Thủy Chân Lạp. Thủy Chân Lạp về đại thể tương ứng với vùng đất thấp của Phù Nam cũ (tức phần lãnh thổ của Phù Nam trên vùng đất Nam Bộ) còn Lục Chân Lạp là vùng đất gốc của Chân Lạp”[4]. Trong khi đó việc cai quản vùng lãnh thổ mới đối với Chân Lạp hết sức khó khăn. Bởi vì truyền thống của người Khmer là quen khai thác các vùng đất cao, dân số ít hơn. Họ khó có khả năng tổ chức khai thác trên quy mô lớn vùng đồng bằng mới bồi đắp, còn ngập nước và sình lầy. Hơn nữa, việc khai thác đất đai trên lãnh thổ Lục Chân Lạp còn đang đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Việc cai trị xứ Thủy Chân Lạp chưa được chú ý.

Vào nửa sau thế kỷ VIII, quân đội Srivijaya của người Java đã liên tục tiến công các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Kết cục là Chân Lạp bị quân Java chiếm. Cả vương quốc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào Srivijaya trong vòng một thế kỷ, cho đến năm 802. Trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ IX đến thế kỷ XI, Chân Lạp trở thành một quốc gia cường thịnh tạo dựng nên nền văn minh Ăngkor rực rỡ, đồng thời mở rộng lãnh thổ lên tận Nam Lào và trùm lên cả khu vực sông Chao Phaya. Tuy nhiên, người Khmer lúc này muốn dồn sức phát triển các vùng trung tâm truyền thống của họ ở khu vực Biển Hồ (TonleSap), trung lưu sông MéKông và hướng nỗ lực bành trướng sang phía Tây, vùng lưu vực sông Chao Phaya. Nhưng khảo cổ học đã cho thấy ảnh hưởng của văn minh Ăngkor trên đất Nam bộ khá mờ nhạt[5].

Trong đợt biển tiến cuối cùng của thời kỳ Toàn Tân kéo dài 800 năm (350 – 1150), cả Nam bộ chìm trong nước biển nên con người không thể sinh sống ở đây được. Sau khi biển thoái, Nam bộ hiện lên một vùng đồng bằng mênh mông nhưng lại là một vùng sình lầy, khí hậu ẩm thấp, nhiều thú dữ sinh sống, dân cư thưa thớt. Đó là tình trạng hoang hóa của vùng đất Nam bộ kéo dài trong nhiều thế kỷ, một vùng đất “điểu thủ quần hoang, tuyệt vô nhân tích” mà những tư liệu như “Chân Lạp phong thổ ký” của Châu Đạt Quan (thế kỷ XIII), “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII), “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức (thế kỷ XIX),… đã phản ánh khá rõ.

Từ thế kỷ X trở đi, cùng với sự rút dần của nước biển thì ở đồng bằng Nam bộ cũng hiện lên một số giồng đất cao màu mỡ, rất thuân lợi cho cư dân cư trú và sản xuất. Vào lúc này, những người nông dân Khmer nghèo khổ, do không chịu được sự bóc lột hà khắc cùng các loại thuế khóa nặng nề của các thế lực phong kiến Angkor, đã bỏ trốn, tìm đến sinh sống ở những giồng đất cao của đồng bằng Nam bộ. Tại đây, họ tập trung sinh sống ở những giồng cát lớn, cư trú theo từng khu vực, dựa trên mối quan hệ dòng họ và gia đình[6]. Từ thế kỷ XIV, Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các vương triều Xiêm từ phái Tây, đặc biệt là từ sau khi vương quốc Ayuthaya hình thành. Trong gần một thế kỷ, Chân Lạp phải liên tục đối phó với những cuộc tiến công từ phía người Thái, có lúc kinh thành Angkor đã bị quân đội Ayuthaya chiếm đóng. Trong hoàn cảnh đó, để tránh khỏi sự đàn áp và bóc lột của các thế lực phong kiến Thái Lan, nhiều nhóm người Khmer, trong đó có cả những sư sãi và trí thức Khmer đã di cư đến khu vực đồng bằng Nam bộ sinh sống. Đến đây, họ lại hòa nhập với những lớp người Khmer đến trước, tiếp tục khai phá và biến những vùng đất này thành những điểm tụ cư đông đúc. Nhìn chung, vào đầu thế kỷ XVI, ở đồng bằng Nam bộ cơ bản đã hình thành các điểm dân cư tập trung của người Khmer. Tuy nhiên, về phía triều đình Chân Lạp, từ thế kỷ XVI, và nhất là thế kỷ XVII, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc, đất nước suy yếu, khả năng kiểm soát và quản lý của Chân Lạp ở vùng đất Nam bộ giảm sút dần.

Vào thời điểm này, người Khmer là thành phần dân cư chủ yếu sinh sống ở vùng đồng bằng Tây Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long). Trên đại thể, người Khmer đồng bằng sông Cửu Long và người Khmer ở Campuchia là những người đồng tộc có chung ngôn ngữ, tôn giáo và về những đặc trưng tộc người. Tuy nhiên từ khi đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long sinh sống, nhóm người này đã sống độc lập và không có mối quan hệ với bất kỳ một quốc gia nào thời đó. Do sống tách biệt với người Khmer ở Campuchia trong một thời gian lâu dài, nên người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đã tạo ra những đặc điểm cho cộng đồng mình về cư trú, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Sau đó, cùng với quá trình cộng cư với các tộc người mới diễn ra liên tục từ những năm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII càng làm tăng sự khác biệt giữa cộng đồng người Khmer đồng bằng sông Cửu Long và người Khmer ở Campuchia. Đặc biệt từ khi các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn xác lập và thực thi chủ quyền cũng như đưa ra những chính sách trong việc quản lý vùng đất Nam bộ, người Khmer đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung cho thấy người Khmer là một bộ phận hợp thành của cộng đồng đa dân tộc, đa văn hóa Việt Nam. Người Khmer Nam bộ đã cùng chung sống và phát tirển với người Việt, người Hoa, người Chăm. Họ đã thể hiện sự gắn bó, tinh thần đoàn kết trong cuộc sống cũng như torng cuộc chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.

Địa bàn cư trú và đời sống xã hội của người Khmer ở Nam kỳ

Đến cuối thế kỷ VIII, văn hóa Óc Eo bắt đầu suy tàn. Các công trình văn hóa rực rỡ một thời bị vùi lắp trong lòng đất phèn, mặn của đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân chính làm hoang phế và vùi lắp nền văn hóa này có lẽ là nạn ngập lụt triền miên và sự tàn phá của những đội quân người Khmer Campuchia trên đường Nam tiến (sau khi chinh phục được Phù Nam).

Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Nam bộ nói chung trở nên hoang vu. Đến cuối thế kỷ XIII, vùng đất Nam bộ về cơ bản là một vùng hoang dã, chưa được mở mang, khai phá bao nhiêu: “Bắt đầu vào Chân Bồ (vùng biển Vũng Tàu ngày nay) gần hết cả vùng đều là bụi rậm cùng rừng thấp, những cửa rộng của những con sông lớn chảy dài hàng trăm dặm…Khắp nơi vang tiếng chim hót và tiếng thú kêu. Vào nửa đường trong sông, thấy những cánh đồng hoang không có một gốc cây. Xa nữa tầm mắt chỉ thấy toàn cỏ cây đầy rẫy…”[7].

Từ thế kỷ X trở đi, biển rút dần, những giồng đất lớn nổi lên ở vùng Sóc Trăng, Trà Cú, Đồng Tháp Mười, Giồng Riềng đã trở thành những vùng đất đai màu mỡ. Vào thời kỳ này, người Khmer đang bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ dưới triều đại Angkor. Những người nông dân Khmer nghèo khó tìm cách trốn chạy sự bóc lột hà khắc và nạn lao dịch nặng nề của giai cấp phong kiến thống trị, đã di cư về vùng châu thổ sông Cửu Long ngày một đông.

Tiếp theo, từ thế kỷ XIII – XIV, đế chế Angkor bắt đầu khủng hoảng. Đặc biệt từ thế kỷ XV (1434) trở đi, khi đế chế Angkor sụp đổ, người dân Khmer lại càng rơi vào cảnh đói nghèo và bị đàn áp nặng nề bởi phong kiến ngoại tộc Thái Lan. Trước tình hình đó, người Khmer ngoài số đông là những người nông dân nghèo trốn chạy chiến tranh, còn có cả quan lại, thậm chí hoàng tộc, sư sãi, trí thức tiếp tục di cư đến đồng bằng sông Cửu Long.

Cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long về đại thể đã hình thành 3 vùng dân cư tập trung lớn:

  • Vùng Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau (chủ yếu là Sóc Trăng, Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi).

Ở đây các vùng Kế Sách, Long Phú, Mỹ Xuyên là đất Phù Sa lẫn nhiều cát và có các giồng ven biển. Ngược lại ở các huyện Thạnh Trị, Hòa Thuận là vùng đất sét có nhiều phèn nên không canh tác được lúa mà chỉ có rừng Chổi, rừng Tràm. Vùng bờ biển ở đây thuộc loại đất bùn. Mùa khô nước mặn lên tới tận Đại Ngãi nên các xã, ấp xung quanh đất đai bị nhiễm phèn nặng.

Giữa các giồng là bờ biển, đất thấp và lầy lội, nên chưa thu hút được đông cư dân cư trú. Đất đai ở đây ít màu mỡ, chỉ thuận lợi cho cuộc sống nghề biển, nhưng do thói quen làm nông nghiệp nên nghề đánh cá biển của người Khmer kém phát triển. Đặc trưng nổi bật của vùng này là sự cư trú đan xen giữa người Khmer, Việt, Hoa dẫn đến sự hòa nhập một cách sâu sắc về văn hóa giữa các dân tộc, tạo nên yếu tố văn hóa chung của vùng.

  • Vùng An Giang – Kiên Giang (chủ yếu là Vọng Thê, Tri Tôn, Nhà Bàng, sau đến phía Tây Bắc Hà Tiên)

Vùng này còn được gọi là vùng núi Tây Nam bao gồm: vùng tứ giác Long Xuyên với diện tích khoảng 300.000 ha[8]; vùng núi cao dọc biên giới Campuchia thuộc dãy Bảy Núi và một số núi nhỏ khác như: núi Sập, núi Ba Thê. Vùng Hà Tiên có một ít núi đá vôi chạy dài theo vịnh Thái Lan. Thiên nhiên ở đây đa dạng và cũng rất khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng cư trú, sinh hoạt, sản xuất của người Khmer và người Việt trong vùng. Các tư liệu sưu tầm được chủ yếu là ghi chép về công cuộc sinh sống và khai khẩn của người Việt, còn người Khmer thì chưa được chú ý ghi chép đầy đủ. Tác giả Sơn Nam trong công trình biên khảo Lịch sử khẩn hoang miền Nam cho rằng: “Những con số trên chỉ ghi những thôn xã do người Việt thành lập. Phía Hậu Giang ruộng nương chưa đến nổi ít oi, dân số không quá thưa thớt, chỉ vì phần Cương Vực Chí không ghi lại dân số, diện tích các sóc Cao Miên, tập trung ở vùng Trà Vinh, Bạc Liêu, Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng. Riêng về vùng Hà Tiên ghi 6 phố, sở của người Tàu, 26 sóc Cao Miên và 19 xã thôn Việt Nam”[9].

Cư dân Khmer ở vùng này thuộc 2 tỉnh biên giới Tây Nam là An Giang và Kiên Giang. Người Khmer ở đây xây dựng phum sóc trên đồi hay trên các giồng ven kênh trong những vùng đất thấp hoặc ven chân núi quanh dãy Bảy Núi. Ngoài ra, người Khmer còn cư trú ven các thị trấn, thị xã như Tri Tôn, Hà Tiên, Rạch Giá, mặc dù sống ven quanh các thị trấn, thị xã nhưng họ theo thói quen, vẫn cư trú theo từng phum, sóc và làm ruộng nước.

  • Vùng Trà Vinh – Vĩnh Long (còn gọi là vùng nội địa)

Địa hình vùng này phẳng thấp, có những sống đất dọc theo hai bờ sông Tiền, sông Hậu và những gờ đất chạy song song với bờ biển cao một vài mét. Những sống đất và gò đất này được người Khmer gọi là “phno” (giồng). Những giồng hay gò đất là vùng đất phù sa cổ, trên mặt là đất cát pha thịt, dưới sâu là đất sét, dễ thoát nước. Đây là những dải duyên hải xưa cũ mà đồng bằng trong quá trình tiến dần ra biển hình thành nên. Đây là một trong những vùng cư trú cổ xưa nhất của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long mà minh chứng là những chùa tháp được xây dựng từ khoảng 400 năm về trước, hiện còn được bảo lưu ở đây. Phum sóc của người Khmer phần lớn được xây dựng trên các dải đất giồng, một số cư trú xen kẽ trong các trũng đồng ruộng mênh mông gọi là “ô”, một số cư trú ven kênh và ven bờ biển.

Trong số đó, vùng Khmer Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu là địa bàn cư trú cổ xưa nhất của người Khmer[10]. Theo nghiên cứu của một tác giả người Pháp thì vào khoảng năm 1886, người Khmer ở Trà Vinh chiếm khoảng 30% dân số, ở Sóc Trăng chiếm 27%, Rạch Giá 26%, Châu Đốc 18%, Bạc Liêu 18%, Cần Thơ 8%[11]. Do đó ta thấy người Khmer cũng chiếm một tỉ lệ dân số khá cao nhưng chưa phải là chiếm tỉ lệ tuyệt đối trong dân số Nam kỳ.

Đến thế kỷ XVII, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nên những cộng đồng dân cư do bàn tay những người nông dân nghèo Khmer tạo nên. Bên cạnh đó, những lớp cư dân người Việt từ vùng Thuận Quảng đến khai khẩn đất hoang ở đồng bằng sông Cửu Long và lập những làng người Việt đầu tiên ở Nam bộ. Vùng cư dân người Việt, người Khmer đã phát triển nhanh chóng. Để trực tiếp quản lý cư dân, năm 1698, chúa Nguyễn thiết lập ở đây bộ máy cai trị. Năm 1757, công cuộc Nam tiến của người Việt dần dần hoàn tất và tiến sâu đến vùng tận cùng Cà Mau. Dưới triều Nguyễn, tổng số người Khmer tuy không đến 150.000 người nhưng vẫn được coi là một sắc dân có đủ quyền lợi như người Việt[12].

Vốn là cư dân nông nghiệp, khi tới vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer đã tập hợp nhau lại thành những tập thể láng giềng nhỏ và tổ chức nó thành những đơn vị xã hội tự quản. Mỗi tập thể định cư trên một địa điểm bám sát đất trồng trọt gọi là phum. Đơn vị cao hơn phum và bao gồm nhiều phum gọi là srok (theo Việt hóa là sóc). Phum sóc không phải là đơn vị hành chính nhà nước, mà là những đơn vị xã hội cổ truyền, ràng buộc nhau bởi các phong tục, lễ nghi mà ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa.

Trong đời sống của các dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, phum là đơn vị cư trú thường bao gồm từ 5 – 7 gia đình, sống quây quần trong một khoảnh đất nhất định, trên những dải đất cao (được gọi là những “giồng đất, giồng cát”). Xung quanh phum thường trồng tre gai (loài tre có gai) bao quanh thay cho việc làm tường bao để bảo vệ các gia đình trong phum. “Lập phum, người ta chọn nơi đất tốt, cao ráo, xác định khuôn viên, trồng tre xung quanh để làm rào khép kín, quay mặt ra đường cái, có cổng ra vào, bên trong ngăn nắp, nhà ở theo thứ tự, từng hộ có nơi làm chuồng trâu, bò, heo, nơi chất rơm khô. Phum rộng còn có chút đất ở phía sau để mỗi hộ có thể trồng trọt chút ít rau, đậu, hành, ớt…”[13]. Các gia đình trong phum hầu hết đều có quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân với nhau. Thông thường gồm gia đình của cha mẹ, gia đình của các con gái và con rễ. Ngoài ra, có thể còn thêm một vài gia đình không có quan hệ huyết thống, kể cả gia đình người Hoa và người Kinh.

Quản lý và điều hành phum do một người lớn tuổi có uy tín trong đồng bào đảm nhận, bất kể là đàn ông hay đàn bà và thường được gọi là “Mê phum” (trong tiếng Khmer me-ftech nghĩa là mẹ, là người cai quản gia đình. Về sau mở rộng ra nghĩa là trưởng, là người đứng đầu[14]) “Mê phum” có trách nhiệm chăm lo công việc nội bộ của phum và quan hệ với bên ngoài phum. Những công việc đó thường nặng về các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, như cúng Neakta, cúng Arăk, tổ chức lên chùa trong các ngày lễ, các công việc liên quan đến chu kỳ đời người như cưới hỏi, tang ma, vận động các gia đình giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt…

Sinh hoạt của phum mang tính chất cộng đồng tự quản của một tập hợp người vừa có quan hệ cùng huyết thống lại vừa có quan hệ lãnh thổ láng giềng. Thành viên cấu trúc nên phum là những gia đình bà con huyết thống, nhưng đồng thời mỗi gia đình thành viên là một đơn vị kinh tế hoàn toàn độc lập. Mặc khác, nếu xét theo quan hệ huyết thống, thì tính liên kết huyết thống trong phum cũng rất lỏng lẻo, nó không đủ dể tạo nên những dòng họ có tính kế thừa lâu đời, nó cũng không có những loại của cải chung như đất hương hỏa, nhà từ đường… để làm cơ sở liên kết kinh tế chung.

Trong quá trình tụ cư, các phum của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hòa nhập với làng xóm của người Kinh và người Hoa, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu văn hóa, đoàn kết, gắn bó, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sóc của đồng bào Khmer cũng là một đơn vị cư trú, lớn hơn phum, tương tự như làng của người Việt. Mỗi sóc gồm nhiều phum và một ngôi chùa, những sóc lớn hơn có thể có hai ngôi chùa. Ngôi chùa là bộ mặt của phum sóc nên được xây dựng rất công phu, khang trang, thoáng mát. Việc quản lý sóc được giao cho ban quản trị sóc, mà người đứng đầu được gọi là “Mê sóc” do ban quản trị sóc bầu ra. Những thành viên trong ban quản trị được nhân dân tuyển chọn trong số những đàn ông lớn tuổi có uy tín, có trình độ học vấn, hiểu biết phong tục, tập quán, có tinh thần trách nhiệm với đồng bào. Cùng với ban quản trị, “Mê sóc” trông coi điều hành các công việc chung thuộc nội bộ của sóc, thay mặt cho các thành viên trong sóc thực hiện các công việc đối ngoại, duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa nhà chùa với dân sóc.

Do ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Theravada (Phật giáo tiểu thừa hay Phật giáo Nam tông), bên cạnh bộ máy tự quản phum, sóc còn có hệ thống tổ chức nhà chùa. Đứng đầu mỗi chùa có một vị sư cả (lục gru) là người trụ trì ngôi chùa, vị lãnh đạo tôn giáo cao nhất của một hoặc vài sóc. Trong tâm thức người Khmer, sư cả được coi là đại diện cho đức Phật, những lời giáo huấn của ông được nhân dân tôn trọng và thực thi một cách nghiêm túc. Trong mỗi chùa cùng với sư cả và các sư sãi chuyên lo các việc tôn giáo còn có tổ chức của tín đồ là ban quản trị chùa (Knã kô ma ca wat) gồm có ông chủ chùa (Nhôm wat), thầy phụ trách nghi lễ (Acha wat) và các vị khác phụ trách về tài chính, Phật sự. Ban quản trị chùa thay mặt nhà chùa đứng ra tổ chức, hoạch định chương trình các buổi lễ, định địa tô cho chùa, giải quyết những vấn đề Phật sự như sửa sang, trùng tu chùa, tìm kiếm những ngân khoản chi tiêu cho nhà chùa…

Cho đến trước khi có lưu dân người Việt, người Hoa, và sau đó là người Chăm đến vùng đồng bằng sông Cửu Long thì người Khmer là thành phần cư dân duy nhất cư trú ở đây. Họ quần tụ theo từng phum, sóc đầu tiên trên các giồng đất, giồng cát. Phum sóc không phải là đơn vị hành chính chính thức. Xã hội người Khmer lúc bấy giờ là hoàn toàn tự quản với bộ máy quản lý điều hành hết sức giản đơn. Đặc biệt, khi quần cư ở đâu, người Khmer đều lập chùa thờ Phật. Mỗi sóc có một chùa, sư sãi được đề cao. Mọi mâu thuẫn trong xã hội đều do các sư dàn xếp, phân xử. Tình hình biệt lập và tự quản như thế kéo dài cho tới khi triều đình phong kiến nhà Nguyễn vươn tới kiểm soát và thiết lập hệ thống hành chính nhà nước tại đây. Trong khuôn khổ bộ máy cai trị của các vua chúa nhà Nguyễn, phum sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long đã bị tích hợp vào các xã ấp chính thức của chính quyền. GS. Mạc Đường đã nhận xét rằng: “Cho đến thế kỷ XVII, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn sống khu biệt và không có mối quan hệ hành chính với bất cứ quốc gia nào thời đó”[15]. Xã hội truyền thống của người Khmer trước đây là sự kết hợp giữa tổ chức tự quản của cộng đồng với sự tham gia của tổ chức nhà chùa. Sự đan xen hỗn hợp này đã tạo cho xã hội truyền thống của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long một đặc tính xã hội riêng biệt khác với nhiều tộc người khác.

[1] Theo Nguyễn Khắc Cảnh (2000), “Quá trình hình thành tộc người của người Khmer từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIII”, In trong Văn hóa Nam bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. HCM, tr. 205.

[2] Nguyễn Khắc Cảnh (2000), “Quá trình hình thành tộc người của người Khmer từ thế kỷ VI đến thể kỷ XIII”, Bđd, tr. 206.

[3] Võ Sĩ Khải (2007), Giai đoạn chuyển tiếp từ Phù Nam đến Chân Lạp, in trong Khoa học xã hội Nam Bộ, Sđd, trang 148.

[4] Võ Sỉ Khải (1987), Đất Gia Định thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, in trong Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên), Địa chí văn hóa TP HCM, tập 1, Sđd, trang 82. Và Vũ Minh Giang (chủ biên, 2008), Lược sử vùng đất Nam Bộ, Sđd, trang 23

[5] Vũ Minh Giang (2007), Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ, in trong Khoa học xã hội Nam Bộ, Sđd, trang 209.

[6] Theo Võ Văn Sen (chủ biên, 2010), Một số vấn đề cấp bách trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. HCM, trang 22.

[7] Dẫn theo Huỳnh Lứa (1987), Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb. Tp.HCM, tr.49.

[8] Nguyễn Khắc Cảnh (1998), Phum sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Giáo dục, tr. 36.

[9] Sơn Nam (2009), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb. Trẻ, Tp. HCM, tr. 66.

[10] Nguyễn Khắc Cảnh (2000), Sự hình thành cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, In trong Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, Nxb. ĐHQG TPHCM, tr. 221.

[11] J. Bouault (1930), Géographie de L’Indochine, Vol  III: La Cochinchine, Imprimerie D’Extrème Orient, Ha Noi, tr.20.

[12] Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Sài Gòn, tr. 28.

[13] Thạch Voi (1988), Khái quát về người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, in trong Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang, tr. 22.

[14] Nguyễn Khắc Cảnh (2000), Sự hình thành cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sđd, tr. 222.

[15] Nguyễn Khắc Cảnh (2000), Sự hình thành cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sđd, tr. 225.

Đặc điểm loại hình cư trú của người Khmer ở Nam bộ

Các hình thái quần cư của mỗi dân tộc phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố: điều kiện địa lý môi sinh, lịch sử tộc người, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, các loại hình kinh tế, sự phát triển dân số, sự phân bố dân cư của các dân tộc trên một khu vực cụ thể, sự tác động của các tổ chức chính quyền nhà nước và mối quan hệ giữa các dân tộc trong lịch sử.

Căn cứ vào đặc điểm địa lý môi sinh, nhìn một cách tổng quát toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có người Khmer sinh sống, có thể quy thành các loại hình cư trú chủ yếu của người Khmer như sau:

– Hình thái cư trú trên đất giồng

Đây là hình thái cư trú phổ biến nhất cũng là hình thái cư trú sớm nhất của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ. Giồng có hai loại giồng: giồng duyên hải và giồng ven sông. Đất giồng là loại phù sa cổ, trên mặt là đất cát pha thịt, dưới sâu là đất sét dễ thoát nước, đất đai khô ráo, và không bị nhiễm mặn. Đây là những dải đất duyên hải xưa cũ trong quá trình tiến dần ra biển hình thành nên.

Có thể nói đất giồng là nơi cư trú đầu tiên của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời kỳ lịch sử xa xưa, khi đồng bằng sông Cửu Long chưa được khai phá, phần lớn nơi đây còn hoang vu, ngập lội thì chính đất giồng là nơi dừng chân thích hợp đầu tiên của con người để sau đó dần dần mở rộng việc khai phá ruộng đất ra xung quanh.

Trên đất giồng, hình dáng của sóc Khmer thường có hình cung dài, uốn theo kích thước và chiều hướng của đất giồng. Loại hình này thường gặp ở những vùng Vũng Liêm, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Kè,  Cầu Ngang, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh). Ở Sóc Trăng cũng vậy, tuyệt đại đa số các phum, sóc của người Khmer là ở trên đất giồng. Trên các giồng này cư dân tập trung hết sức đông đúc. Sự có mặt của các ngôi chùa cổ trên dưới 4 – 5 trăm năm tuổi cùng với những câu truyện cổ tích về quá trình định cư khai khẩn đất hoang có thể coi là những minh chứng cho sự có mặt lâu đời của người Khmer ở đây.

– Hình thái cư trú trên đất ruộng

Vào thế kỷ XVIII – XIX, công cuộc khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được đẩy mạnh. Năm 1787, Trịnh Hoài Đức đã mô tả tình hình khai khẩn ở Trà Vinh, Trà Cú như sau: “Nhờ sự sắp đặt có thưởng trị phân minh nên dân (người Khmer và người Việt) đều an cư lập nghiệp mà chính vì chỗ gò hoang đất trống đều được khai hoang thành ruộng vườn trồng tỉa”[1]. Cùng với việc di cư của người Việt vào sâu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và chính sách mộ dân khai khẩn ruộng đất của triều Nguyễn, đất đai canh tác ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vùng “đất hãy còn nhiều chỗ rậm rạp, chưa khai thác hết”[2]. Phải đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do áp lực của việc tăng nhanh dân số của người Khmer và việc đất đai hoang hóa ngày càng hiếm, những vùng đất tốt, màu mỡ đã khai phá gần hết, rừng hoang, bưng bãi hẹp dần, người Khmer phải đi xa hơn khai phá những mảnh đất cằn cỗi là bưng phèn ở các vùng ngập mặn chỉ có thể cấy lúa một vụ. Dưới áp lực dân số,  những giồng đất không còn đủ sức chứa vì mật độ cư dân ngày càng đông, mặt khác để tiện lợi trong việc gần đất canh tác, những phum sóc chật chội được chia ra, người Khmer bắt đầu chuyển xuống đất ruộng để thành lập các phum, sóc mới.

Ở những vùng này, người Khmer tập trung thành các khu quay tròn hoặc trải dài theo các dải ruộng nằm giữa các giồng. Hình thức này thường được gặp ở các vùng Trà Vinh, Trà Cú, Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), Đại Tâm, Phú Tân (tỉnh Sóc Trăng). Một số nơi đồng bào cư trú phân tán hoặc thành từng cụm nhỏ trên đất ruộng phù sa. Càng sâu vào nội địa, các cụm phum sóc, hầu như cô lập giữa vùng trũng. Tuy cư trú trên đất ruộng nhưng người Khmer vẫn đắp đất thành các giồng nhân tạo để xây dựng phum sóc mới trên đó. Hình thức này thường được gặp ở các vùng đất trũng, ngập lụt ở An Giang, Kiên Giang, một phần ven biển Vĩnh Châu, và ở các vùng quanh Sóc Trăng, Trà Cú, Vũng Liêm. Đây là một kiểu cư trú độc đáo, phản ánh một tập quán cư trú đã thành thói quen và khả năng thích ứng sáng tạo của người Khmer trong cuộc đấu tranh sinh tồn và khai phá vùng đất mới.

– Hình thức cư trú ven theo kênh và các con lạch nhỏ

Ở đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nên một nền văn minh kênh rạch, bưng biền của vùng sông nước. Cũng như người Việt và người Hoa, một hình thức cư trú khá phổ biến của người Khmer là cư trú dọc theo ven sông, kênh và các con rạch nhỏ. Những phum, sóc được xây dựng theo ven kênh tự nhiên là nơi sinh cơ lập nghiệp khá lâu đời của người Khmer, so với loại hình cư trú trên đất ruộng. Ở đây còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa cổ truyền với sự có mặt của những ngôi chùa cổ kính. Phum, sóc ở đây bị biến dạng không còn đậm đặc như ở đất giồng. Dọc theo hai bờ kênh các ngôi nhà của người Khmer được xây dựng nối tiếp nhau quay mặt ra kênh, trông giống như làng xóm của người Việt, phía sau có mảnh vườn nhỏ, có khi có ao cá, xa hơn là đất ruộng. Khuôn viên của gia đình được bao bọc bởi một vòng mương làm ranh giới giữa các hộ. Mỗi phum, sóc có thể có 2 hay 3 lớp nhà như vậy nằm song song dọc theo kênh. Hình thức cư trú này mang tính phân tán hơn.

Ven theo những con kênh nhân tạo, người Khmer thường lấy đất đào từ dưới lòng mương, đắp lên hai bên bờ và cư trú trên đó. Số lượng phum sóc tương ứng với những mảnh ruộng được tưới nước dọc theo kênh. Hình thức cư trú dọc theo kênh đào này có lẽ mở ra từ lúc Thoại Ngọc Hầu đào cảng Đông Xuyên (1818) trở về sau và phát triển nhanh chóng cùng với việc người Pháp đào kênh Xáng. Hình thức cư trú này được thiết lập muộn hơn nhưng những phum, sóc trên kênh đào phát triển nhanh và vững chắc hơn, bởi kênh đào mang lại nước ngọt và sự giao thông thuận lợi hơn.

Hình thái cư trú dạng “vành khăn” ven chân núi

Ở vùng biên giới Campuchia thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, nơi có các dãy núi Thất Sơn, núi Sập, núi Vọng Thê, phum, sóc của người Khmer được thiết lập quanh sườn đồi, ven chân núi thành từng lớp hình “vành khăn” từ chân núi tiến dần ra những phần ruộng và những con kênh chung quanh. Tại đây, từ rất lâu đời người Khmer đã “ở sườn núi, bờ khe làm nghề cá và săn bắn”[3], cùng với người Hoa, Kinh, Chà Và (Chăm) “nhà ở liền nhau, cùng kinh dinh những mối lợi rừng núi, sông chằm”[4]. Cũng tại đây, người Khmer Việt Nam và người Khmer ở Campuchia thường xuyên đi lại giao lưu, tiếp xúc với nhau, vì vậy, trong lối sống và văn hóa của họ có rất nhiều ảnh hưởng qua lại nhưng vẫn giữ được những bản sắc riêng rất rõ nét.

[1] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Tập Trung, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Sài Gòn, tr.83

[2] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Tập Trung, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Sài Gòn, tr.131

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí,  phần tỉnh An Giang và tỉnh Hà Tiên, Nxb. KHXH, tr. 16.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh An Giang và tỉnh Hà Tiên, Nxb. KHXH, tr. 10.

Đặc điểm hoạt động kinh tế của người Khmer ở Nam kỳ 

Người Khmer là một dân tộc ít người của nước ta, có địa bàn cư trú trên vùng đồng bằng sông Cửu Long và là một cư dân nông nghiệp. Nền kinh tế của người Khmer chủ yếu dựa trên việc chuyên canh lúa nước. Người Khmer có truyền thống sản xuất nông nghiệp từ khá sớm và phong phú. Nền kinh tế của người Khmer mang tính chất sản xuất nhỏ và độc canh, kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế. Đó là một nền kinh tế mang tính chất tự cấp tự túc và còn lệ thuộc nặng nề vào thiên nhiên.

Sản xuất nông nghiệp

Trước hết có thể khẳng định rằng nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực thực phẩm chủ yếu cho đời sống con người, cho chăn nuôi và trao đổi hàng hóa của người Khmer.

Ngay từ khi định cư và khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer nước ta đã sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Đó là kỹ thuật gieo trồng lúa nước (Orysa Sativa) và các cây lương thực, hoa màu. Bên cạnh đó, qua quá trình chung sống với người Việt, người Khmer đã tiếp thu thêm một số kinh nghiệm gieo trồng của nông dân Việt, làm phong phú thêm vốn sản xuất nông nghiệp của mình.

Trong sản xuất nông nghiệp, người Khmer đồng bằng sông Cửu Long đã biết phân biệt các loại ruộng đất để gieo trồng, lựa chọn các loại giống thích hợp và tiến hành nhiều biện pháp, kỹ thuật canh tác, thủy lợi…để đem lại hiệu quả trong sản xuất.

– Các loại ruộng và đất

Người nông dân Khmer phân chia đất đai gieo trồng thành hai loại: ruộng và đất rẫy. Căn cứ và việc gieo trồng cây lúa nước hay hoa màu mà nông dân Khmer gọi là đất ruộng (srê) hay đất rẫy (chămka). Ruộng dành để trồng các loại lúa nước (kể cả nếp), còn rẫy trồng hoa màu, cây lương thực phụ (một vài nơi trồng lúa rẫy). Có nơi cùng mảnh đất đó vụ này trồng lúa gọi là “srê”, nhưng vụ tiếp theo trồng dưa hấu, rau đậu thì gọi là “chămka” của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long tương đối cố định, gần như đất vườn, đất rẫy của người Việt, đất chămka ở quanh phum sóc, gần nơi cư trú để tiện chăm sóc cây trồng.

Đất ruộng (Srê) của người Khmer chia thành các loại chủ yếu sau đây:

+ Ruộng gò (Srê toul): loại ruộng này nằm trên các vùng đất cao hoặc ven các giồng (phno), độ cao so với mặt bằng bên dưới từ 1-1,5m. Ruộng gò là lớp đất thịt pha cát, dễ bị bào mòn và thoát nước. Srê toul thường hay bị khô hạn, năng suất lúa thấp. Loại srê toul chỉ thích hợp với các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn và thường chỉ gieo cấy một năm một vụ vào thời gian có mưa.

+ Ruộng thấp (Srê tưnếp): đây là loại ruộng tương đối phổ biến ở vùng nông thôn Khmer. Srê tưnếp thường là những cánh ruộng trải dài như vùng Khmer Sóc Trăng. Bề mặt của Srê tưnếp gồm nhiều lớp đất thịt pha cát, bên dưới là lớp đất sét giữ nước khá tốt nhưng dễ bị chua phèn. Ở những vùng gần biển, srê tưnếp còn chịu ảnh hưởng ngập mặn của nước triều vào mùa khô. Srê tưnếp thích hợp với lúa vụ mùa từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Nếu có đủ nước, srê tưnếp có thể gieo trồng mỗi năm 2 vụ.

+ Ruộng rộc (Srê lattô): đây là loại ruộng đặt biệt chỉ có ở vùng Khmer cư trú lâu đời như Trà Vinh, Sóc Trăng… Srê lattô là những mảnh ruộng nằm giữa hai giồng gần nhau và chạy song song nhau. Việc tưới nước cho Srê lattô khá thuận tiện, vì vậy Srê lattô được gieo trồng quanh năm. Ngoài hai vụ lúa hàng năm, người nông dân Khmer còn trồng các loại rau, hoa quả…Trong thời gian này, Srê lattô trở thành các mảnh chămka.

+ Ruộng bưng (Srê chumrơn): ruộng Srê chumrơn vốn hình thành từ các bưng, bàu trũng đã khô cạn dần. Srê chumrơn thường gặp ở các vùng đất đai tương đối thấp và ứ đọng nước. Ruộng Srê chumrơn là loại ruộng tốt của người Khmer, mỗi năm có thể cấy hai vụ. Loại ruộng này khi gieo trồng thường không cần phân bón, nhờ lớp bùn hữu cơ rất dày của cỏ mục nên lúa rất tốt.

+ Ruộng lúa nổi (Srê lơntưk): srê lơntưk còn gọi là srê prươ (ruộng sạ). Srê lơntưk chỉ có trong vùng tứ giác Long Xuyên, là nơi ngập nước từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm.

Chămka (rẫy): mỗi gia đình Khmer thường có một phần đất chămka nho nhỏ ở gần nơi cư trú để trồng hoa màu, rau đậu. Ở Ba Thê, Bảy Núi (An Giang) chămka của người Khmer nằm trên các sườn đồi và trồng loại lúa rẫy. Nông dân Khmer ở một số vùng đã gieo trồng trên đất rẫy nhiều loại hoa màu có giá trị kinh tế cao như hành đỏ, tỏi (Vĩnh Châu), dưa hấu (Sóc Trăng)…

– Các vụ mùa và giống lúa

Vụ mùa của người Khmer thường bắt đầu từ tháng 4 hàng năm là thời gian khởi đầu của mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long. Tùy theo điều kiện thổ nhưỡng, thủy lợi, thời tiết…của từng địa phương cư trú, mà người Khmer có các vụ mùa như:

+ Lúa mùa (Sơrâu rơđâu): đây là vụ lúa chính của nông dân Khmer và phổ biến ở hầu hết các vùng có người Khmer tụ cư ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ sau tết Chol Thnam Thmei (Tết mừng năm mới) cùng với những cơn mưa đầu mùa, nông dân Khmer bắt tay vào làm đất, gieo mạ…Vụ mùa kéo dài suốt từ đầu mùa mưa cho đến đầu mùa khô, tức là từ giữa tháng 4 đến tháng 12 và tháng Giêng năm sau. Lúc vụ mùa có năng suất cao, chất lượng thơm ngon.

+ Lúa sớm (sơrâu sơral): ở một số nơi, nông dân Khmer còn gọi vụ lúa này là sơrâu prapei (lúa nhẹ). Vụ lúa sơrâu sơral thường gieo trên các ruộng gò (srê toul), và gieo vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch, thu hoạch vào khoảng tháng 6, tháng 7 trong năm.

+ Lúa muộn (sơrâu thơuôl): các giống lúa dùng cho vụ sơrâu thơuôl có thời gian sinh trưởng kéo dài và cho năng suất cao. Sơrâu thơuôl được gieo cấy trên những ruộng bưng (srê chumrơn) là những cánh đồng ngập nước kéo dài, nhiều mùn, cho nên cây lúa phát triển rất thuận lợi.

+ Lúa nổi (Sơrâu lơntưk): đây là vụ lúa duy nhất trong năm được gieo sạ trên các cánh đồng ở tứ giác Long Xuyên. Lúa được gieo vào cuối tháng 6, sơrâu lơntưk thu hoạch vào đầu tháng 11 khi nước bắt đầu rút.

– Vài nét về kỹ thuật canh tác

Cũng như nhiều cư dân nông nghiệp ở nước ta, người Khmer đồng bằng sông Cửu Long từ sớm đã hình thành nên một hệ thống kỹ thuật canh tác lúa nước thích hợp với điều kiện tự nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long và cũng chịu ảnh hưởng kỹ thuật trồng lúa nước của người Việt. Một số khâu kỹ thuật gieo trồng lúa nước của người Khmer được tiến hành như sau:

+ Làm đất: kỹ thuật làm đất chiếm một vị trí quan trọng trong việc gieo cấy lúa và ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Khâu làm đất bao gồm: làm đất mạ, dọn ruộng cấy và dọn ruộng sạ. Sau những ngày vui tết Chol Thnam Thmei, nông dân Khmer bắt tay vào công việc cày bừa dọn đất. Nông dân Khmer sử dụng một loại cày (nolkal) tương đối thô sơ nhưng có phần chắc chắn hơn cày của người Khmer ở Campuchia, thích hợp với đất đai đồng bằng sông Cửu Long ít pha cát và nhiều đất thịt. Ruộng được cày vỡ sau khi đã phát bờ, sửa chữa bờ ruộng chu đáo, tránh sụt lỡ, rò rỉ nước. Đất cày lần đầu được để một thời gian ngắn cho khô và ải, sau đó mới bừa vỡ ra. Người nông dân Khmer không chỉ cày bừa một lần mà thường nhiều lần.

+ Làm mạ: cũng giống như người Việt, ruộng (hoặc đất) gieo mạ của nông dân Khmer thường là mảnh đất chuyên dụng, ở gần phum sóc, thuận tiện nước tới (để đưa nước vào và ra). Ruộng mạ đòi hỏi phải thật bằng phẳng, tránh lồi lõm để đừng có nơi đọng nước hoặc khô nước. Đất gieo mạ được dọn trước khi dọn ruộng gieo cây, thường là sau khi ăn Tết Chol Thnam Thmei. Thóc giống để cách vụ được ngâm nước và ủ cho nẩy mầm trên các nong, hoặc liếp đan bằng tre. Vào hôm gieo mạ, ruộng mạ được tháo cạn nước, chỉ còn lớp bùn mỏng trên mặt ruộng, hạt thóc gieo xuống vùi nông vào lớp bùn đó. Vài hôm sau, khi rễ mầm bén xuống mặt ruộng, nhân dân Khmer lại tháo nước lấp xấp giữ cho hạt mầm phát triển bình thường. Phải khoảng một tuần, sau khi cây mạ cao hơn đốt ngón tay, ruộng mạ mới được tháo thêm nước cho ngập chân mạ. Cứ như vậy cho đến khi mạ trưởng thành, nước luôn luôn ngập chân mạ.

+ Cấy lúa: đất ruộng cấy đã được dọn sẵn, và mạ cũng đã đến tuổi. Mạ được nhổ lên, rủ sạch bùn đất và bó thành từng bó nhỏ. Đầu ngọn mạ được cắt bằng, sau đó rễ mạ được dầm vào các vũng nước phân trâu qua một đêm trước khi đưa ra ruộng cấy. Thường mạ chỉ để qua đêm là cấy ngay, kéo dài, mạ sẽ úa vàng và hạn chế sức phát triển của cây lúa về sau.

+ Chăm sóc: trong quá khứ, người Khmer không biết dùng phân bón và làm cỏ lúa, việc chăm sóc lúa chủ yếu là giữ nước và ngăn không cho chuột bọ, sâu rày phá lúa. Hệ thống thủy lợi của người Khmer đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên đến nay hầu như đã bị quên lãng và không còn tác dụng. Một vài nơi gần sông, người Khmer biết sử dụng các bờ đập (thnôp) để giữ nước hoặc tiêu nước, chủ yếu là để cải tạo đất và giữ nước làm mùa. Nguồn nước làm mùa của người Khmer chủ yếu là nước mưa.

+ Thu hoạch: vào khoảng cuối mùa thu, đầu mùa khô, tức cuối tháng 11-12 đến đầu tháng Giêng năm sau, những cánh đồng lúa ở vùng nông thôn Khmer đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu chín vàng, rộ nhất là vào giữa tháng 12, đó cũng là vào mùa thu hoạch lúa của nông dân Khmer.

Việc gieo trồng cây lúa chiếm vị trí chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp của người Khmer ở Nam bộ. Ngoài ra việc canh tác các loại cây lương thực như khoai, sắn, ngô (bắp),… và các loại rau đậu, hoa màu cũng được chú ý. Việc gieo trồng các loại cây này được tiến hành rộng rãi trên các đất “chăm ka”, hoặc xen canh trên ruộng giữa các vụ lúa. Phổ biến ở các vùng Khmer là việc trồng bắp, khoai lang, khoai mì, các loại rau đậu… có một số ít vùng chuyên canh hoa màu của người Khmer. Tại những vùng chuyên canh, nông dân Khmer đã nắm vững kỹ thuật gieo trồng các loại đặc sản như việc chọn giống, để giống, tưới nước, dùng phân bón hữu cơ. Nguồn nước tưới cho các rẫy chuyên canh một phần dựa vào nước mua, một phần do các giếng của người Khmer đào tại nơi ruộng rẫy.

Tập quán canh tác nông nghiệp của người Khmer có nhiều mặt đáng chú ý, nhưng nổi bật hơn hết là cách vần đổi công (yôdei). Hình thức “yôdei” rất phổ biến ở vùng nông thôn Khmer để tập trung sức người kịp hoàn thành công việc gieo trồng, thu hoạch đúng thời vụ. Hình thức “yôdei” không chỉ áp dụng trong công việc sản xuất, nông dân Khmer còn “yodei” trong các việc quan trọng khác như làm nhà, tang ma, cưới xin,…[1]

Các hoạt động kinh tế khác

Ngoài sản xuất nông nghiệp chiếm phần chủ yếu và quan trọng, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long còn có một số hoạt động kinh tế khác.

+ Thủ công nghiệp: hoạt động thủ công nghiệp của người Khmer chủ yếu là cung cấp những vật dụng sinh hoạt trong gia đình như đan lát, chế tạo các đồ dùng, bằng tre, bằng mây…như các loại thùng múng, rổ rá, bàn ghế, nông cụ (cày, bừa, cối xay…) Nghề thủ công được thực hiện trong những lúc rảnh rỗi công việc đồng áng và gắn với những sinh hoạt gia đình. Mọi người, mọi lứa tuổi, đều có thể tham gia công việc. Nghề dệt chiếu phát triển rộng rãi ở Vĩnh Châu (Hậu Giang). Ở Tri Tôn (An Giang), Sóc Xoài (Kiên Giang) có nghề làm gốm, đặc biệt là nồi đất và cà ràng được người Khmer đánh giá cao, có thời sản phẩm bán sang tận Campuchia. Nghề chăn tằm dệt lụa và dệt sợi bông cũng từng có thời phát triển ở vùng nông thôn Khmer như Cầu Kè, Cầu Ngang (Cửu Long), An Giang.

+ Chăn nuôi: chăn nuôi ở vùng Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long chưa tách hẳn khỏi nông nghiệp, vẫn còn mang tính chất gia đình và nhằm tận dụng nguồn nông sản dư thừa, vương vãi. Hầu hết các gia đình nông dân Khmer đều có chăn nuôi trâu, bò, heo, gà, vịt…

+ Đánh cá: vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi cư trú của người Khmer nhiều kênh rạch, ven bờ biển như các huyện Vĩnh Châu, Trà Cú, Bạc Liêu, ven các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, là nơi có nhiều cá tôm, thủy sản. Người Khmer đã sớm biết được các kỹ thuật đánh bắt cá nước ngọt, nước lợ và ven biển.

+ Thương nghiệp: số người Khmer sống bằng buôn bán rất ít, phần nhiều là những người sống ở tỉnh lỵ, thị trấn và có quan hệ hôn nhân với người Hoa. Trong lĩnh vực buôn bán, hầu hết người Khmer buôn bán nhỏ, với các cửa hiệu tạp hóa, dịch vụ vụn vặt, vừa ít vốn lại ít hàng. Hàng hóa của người Khmer buôn bán bao gồm các nhu yếu phẩm trong đời sống, một số sản phẩm thủ công, thực phẩm…Một số gia đình Khmer buôn bán tuy có cửa hàng ở thị trấn, thị tứ nhưng nguồn sống lại trông vào sản phẩm nông nghiệp, họ vừa buôn bán vừa làm ruộng.

Người Khmer Nam kỳ là cư dân nông nghiệp. Nghề nông là hoạt động kinh tế chủ yếu, chiếm vai trò quan trọng, chi phối toàn bộ đời sống xã hội, văn hóa của vùng Khmer. Trong sản xuất nông nghiệp, người Khmer có kỹ thuật canh tác khá phong phú và hiệu quả. Đó chính là kết quả của người nông dân Khmer trong quá trình chinh phục vùng đồng bằng sông Cửu Long và sự giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em Việt, Hoa, Chăm…cùng định cư tại vùng đất Nam bộ này.

Cùng với hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính, người Khmer còn có một số hoạt động kinh tế phụ khác như thủ công nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi, thương nghiệp…

Tuy nhiên, nhìn chung nền kinh tế của người Khmer ở Nam kỳ từ trước thế kỷ XIX nổi lên một số đặc điểm:

  • Sản xuất nông nghiệp của người Khmer mang tính chất độc canh. Việc gieo trồng cây lúa là chủ yếu, chiếm hết đất đai và công sức của nông dân Khmer, còn hoa màu và cây ăn quả chưa được chú ý nhiều và thỏa đáng. Việc độc canh cây lúa rõ ràng chưa
0