Nghi vấn lịch sử thời Bắc thuộc
Đặng Thanh Bình 1 . Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo khoảng năm 1856-1884 chép: “Năm Giáp Ngọ (34 s.c.ng.) (Hán, năm Kiến Vũ thứ 10). Triều Hán dùng Tô Định làm thái thú Giao Chỉ. Năm Canh Tí (40 s.c.ng.) ...
Đặng Thanh Bình
1 . Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo khoảng năm 1856-1884 chép:
“Năm Giáp Ngọ (34 s.c.ng.) (Hán, năm Kiến Vũ thứ 10). Triều Hán dùng Tô Định làm thái thú Giao Chỉ.
Năm Canh Tí (40 s.c.ng.) (Hán, năm Kiến Vũ thứ 16). Tháng 2, mùa xuân. Người con gái quận Giao Chỉ là Trưng Trắc khởi binh đánh đuổi thái thú Tô Định; tự lập làm vua.
Vương vốn họ Lạc, lại có một tên họ nữa là Trưng. Là con gái quan lạc tướng huyện Mi Linh, quận Giao Chỉ và là vợ Thi Sách người huyện Chu Diên, bà là người rất hùng dũng. Lúc bấy giờ thái thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo, giết mất chồng bà. Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm chỗ châu lỵ. Tô Định phải chạy về Nam Hải. Quân Bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy. Các dân tộc man, lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Lấy lại và dẹp yên được 65 thành ở đất Lĩnh Nam. Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mi Linh. Các thứ sử, thái thú ở quận Giao Chỉ đều chỉ bảo toàn được mình thôi.
Lời chữa – Huyện Chu Diên: Đặt từ đời Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Đường đổi làm Diên Châu; nhà Lê đổi làm phủ Tam Đái. Bây giờ là đất phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây.
Năm Tân Sửu (41 s.c.ng.) (Hán, năm Kiến Vũ thứ 17). Tháng 12, mùa đông. Nhà Hán phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm Phó tướng, đốc xuất bọn Lâu Thuyền Tướng quân là Đoàn Chí, sang đánh Trưng Vương.
Nhà Hán cho rằng Trưng thị tự xưng làm vua, đem quân đánh các thành ấp, làm cho các nơi biên giới bị khổ sở, bèn bắt các đất Trường Sa, Hợp Phố và Giao Chỉ sắm sửa đủ xe, thuyền, sửa sang cầu đường, khơi thông các khe suối, chứa sẵn lương thóc; phong Mã Viện làm Phục ba Tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm Phó tướng, đốc xuất bọn Lâu thuyền Tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng Vương.
Năm Nhâm Dần (42 s.c.ng.) (Hán, năm Kiến Vũ thứ 18). Tháng 3 mùa xuân. Quân Mã Viện đến Lãng Bạc, cùng quân Trưng Trắc đánh nhau và phá tan được. Trưng Trắc lui giữ đất Cấm Khê.
Mã Viện ven theo đường biển tiến quân, qua núi đốn cây, đi hơn nghìn dặm đến Lãng Bạc, đánh nhau với quân Trưng vương. Trưng vương thấy thế quân bên Hán mạnh nhiều, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không thể chống lại được. Quân của bà cũng cho rằng bà là đàn bà, không địch nổi với Hán; vì thế quân bà tự tan vỡ.
Lời chữa
– Lãng bạc: Còn có tên là Dâm Đàm, ở về phía Tây con đường mặt Tây thành Đại La. Về đời Lê, đổi gọi là Tây Hồ tức là Hồ Tây tỉnh Hà Nội ngày nay.
– Cấm Khê: Sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên chua rằng: Theo sách Việt chí, Cấm Khê là Kim Khê, ở phía Tây Nam huyện Mi Linh. Theo sách Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn, Trưng Trắc chạy vào trong hang Kim Khê, hai năm mới bắt được. Theo sách Phù Nam Ký của Trúc Chi, trên chỗ khe núi nước chảy xói vào gọi là hang. Chương hoài thái tử Lý Hiền chua rằng tức là đất huyện Tân Xương, thuộc Phong Châu bây giờ. Theo thế, thì Cấm Khê phải ở vào địa hạt Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây, nhưng chưa rõ đích là nơi nào. Sử cũ cho là ở huyện Chân Lộc thuộc Nghệ An là nhầm.
Năm Quý Mão (43 s.c.ng.) (Hán, năm Kiến Vũ thứ 19). Tháng Giêng, mùa xuân. Trưng Trắc cùng em gái là Nhị cự chiến với quân án. Hai bà bị thua và mất.
Trưng vương cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán, quân vỡ, thế cô, đều bị thất trận chết. Mã Viện đuổi đánh tàn quân của hai bà là bọn Đô Dương (chữ “Dương” trong Hán thư chép chữ là dê), đến huyện Cư Phong thì hàng phục được họ. Mã Viện lập cột đồng để ghi địa giới tận cùng của nhà Hán. Khi Mã Viện về rồi, người trong nước thương nhớ Trưng vương, lập đền thờ bà.
Lời phê – Hai bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng cũng mặt dày thẹn chết lắm dư!
Lời chữa
– Cư Phong: Tên đất, do Hán đặt ra, thuộc quận Cửu Chân. Đời Tam Quốc, nước Ngô (222-280) đổi làm huyện Di Phong. Từ sau đời Tống (420-479), đời Tề (479-502), đây là lỵ sở của quận Cửu Chân. Nhà Tùy (581-619), bình được triều Trần, bỏ quận Cửu Chân, lấy huyện ấy cho thuộc Ai Châu. Đầu đời Đường (618-907), đất ấy lệ thuộc Nam Lục Châu. Đầu niên hiệu Thiên Bảo (742-755) bỏ tên đất ấy, cho vào huyện Nhật Nam. Theo sách Giao Châu ký của Tăng Cổn, ở huyện Cư Phong có núi, cứ đến đêm thường thấy trâu vàng hiện ra. Lại nói trên núi ấy có hang gió, cửa hang thường có gió thổi. Bây giờ ở về địa hạt tỉnh Thanh Hóa. Sử cũ chép là ở địa giới châu Vũ Ninh thuộc Bắc Giang là lầm.
– Cột đồng: Sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên chép rằng: Mã Văn Uyên (Mã Viện, tên tự là Văn Uyên), dựng cái mốc đồng để làm giới hạn cuối cùng của đất phía nam Trung Quốc. Mốc đồng ấy tức là cột đồng. Theo Tùy sử, Lưu Phương khi đi đánh Lâm Ấp, qua cột đồng của Mã Viện, đi về phía nam tám ngày thì đến quốc đô Lâm Ấp. Trong khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (806-820) đời Đường, An Nam đô hộ là Mã Tổng lại lập hai cột đồng ở chỗ Mã Viện dựng cột đồng trước, để tỏ ra mình là dòng dõi con cháu Phục Ba. Theo sách Thông điển của Đỗ Hữu, từ nước Lâm Ấp đi về phía nam, đi thủy, đi bộ hơn hai nghìn dặm đến đấy có nước Tây Đồ Di là chỗ Mã Viện dựng hai cột đồng để nêu địa giới đấy. Theo Tân Đường thư, ở châu Bôn Đà Lãng của Lâm Ấp, phía Nam là năm bãi lớn, có núi “cột đồng” (đồng trụ sơn), hình núi như cái lọng dựng nghiêng, về phía Tây có nhiều núi đá, phía Đông là biển lớn. Cột đồng đó là do Mã Việndựng lên. Theo sách Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống, Mã Viện đi đánh Lâm Ấp, đi từ Nhật Nam hơn 400 dặm đến Lâm Ấp, lại đi hơn 20 dặm nữa có nước Tây Đồ Di. Viện đến nước ấy rồi lập hai cái cột đồng ở nơi phân giới giữa Tượng Lâm và Tây Đồ Di. Về đường thủy, đi từ Nam Hải hơn 3000 dặm đến Lâm Ấp, rồi đến cột đồng ở Giao Châu phải 5000 dặm nữa. Sách Nhất Thống chí nhà Đại Thanh có chép: Tương truyền (cột đồng) ở về động Cổ Sâm châu Khâm, Mã Viện có thề rằng: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là “Cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt”, nên người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao. Đó vì sợ cột đồng ấy bị đổ gẫy.
Nay xét dã sử thấy có chép tỉnh Phú Yên có sông Đà Diễn. Phía Nam sông ấy có bãi lớn. Phía Tây Nam bãi ấy có núi Thạch Bi. Núi này chu vi tới mười dặm; phía Tây tiếp Đại Lĩnh, nhiều rặng trùng điệp, phía đông ra mãi bờ biển. Trên đỉnh núi ấy có một phiến đá trơ trọi cao hình như bị chẻ dọc. Thao lời ghi chép trong các sách Thông điển, Đường thư, ngờ rằng cột đồng có thể ở chỗ ấy. Chỉ có một điều, một phiến đá trơ trọi ở trên đỉnh núi ấy, cao chừng 10 trượng, rộng tới 6,7 trượng. Nhân dân ở quanh núi ấy nói rằng phiến đá ở trên đỉnh núi là một chỏm đá tự nhiên, không phải của ai lập thành cả. Vậy e rằng ta không thể bảo đấy là cột đồng. Sách Thủy kinh chú có nói: núi sông biến đổi, cột đồng bị lở mất vào trong biển. Lẽ ấy có lẽ đúng.
– Đền Trưng vương: Ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ ngày nay.
Mã Viện nhà Hán đắp thành Kiển Giang.
Vì thấy huyện Tây Vu có đến ba vạn ba nghìn hộ, Mã Viện xin chia ra làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải. Vua Hán y cho Mã Viện lại lập thành quách, đặt tỉnh ấp (xóm làng), đắp thành Kiển Giang ở Phong Khê. Thành này hình tròn như cái tổ kén, nên gọi là thành Kiển Giang. Ba năm sau, Mã Viện về nước. Từ đấy về sau, trải qua các đời Minh đế (58-75 s.c.ng.), Chương đế (76-88), Hoa đế (89-105), Thương đế (106), An đế (107-125) gồm 5 đời vua, cộng tám mươi hai năm, mà chỉ thấy về đời Minh đế có Lý Thiện, người huyện Nam Dương, làm thái thú Nhật Nam có lòng yêu dân, làm chính sự có ơn huệ với dân, hấp dẫn được người phương xa. Về sau, Lý Thiện đổi đi làm thái thú Cửu Giang. Các quan lại có tài giỏi của mấy đời vua Hán chỉ thấy nói có một Lý Thiện. Đó có lẽ là những thiếu sót của việc ghi chép sử sách vậy.
Lời chữa
– Thành Kiển Giang: Theo Đại Thanh Nhất thống chí, thành Kiển Giang, thành Vọng Hải đều ở huyện An Lãng. Khoảng năm Kiến Vũ (25-56), trong khi Mã Viện nhà Hán sang bình Giao Chỉ, đắp hai thành ấy ở huyện Phong Khê và huyện Vọng Hải.
– Huyện Tây Vu: Do nhà Hán đặt, thuộc quận Giao Chỉ.
– Lý Thiện: Theo Độc hạnh truyện (truyện những người có đức tính đặc biệt) trong Hậu Hán thư, Lý Thiện là người có hạnh có nghĩa. Về thời Quang Vũ (25-57), Lý Thiện được triệu làm chức thái tử Xá Nhân. Về thời Minh đế (58-75), Thiện được cử làm quan ở Công phủ; vì có tài giải quyết việc phiền kịch, được thăng làm thái thú Nhật Nam. Vì làm chính sự theo đường ân huệ, yêu mến nhân dân, hấp dẫn được người phương xa, Thiện được thăng làm thái thú Cửu Giang, nhưng chưa đến nơi thì bị bệnh mất”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư do sử quán triều Hậu Lê khắc in và phát hành năm 1697 chép:
“Kỷ Hợi, [39], (Hán Quang Vũ Lưu Tú, Kiến Vũ năm thứ 15). Thái thú Giao Chỉ là Tô Định chính sự tham lam tàn bạo, Trưng Nữ Vương dấy binh đánh.
Trở lên là [kỷ] thuộc nhà Hán, từ năm Tân Mùi đến năm Kỷ Hợi, cộng 149 năm [110 TCN – 39].
Kỷ Trưng Nữ Vương
Trưng Vương. Ở ngôi 3 năm.
Vua rất hùng dũng, đuổi Tô Định, dựng nước xưng vương, nhưng vì là vua đàn bà, không thể làm nên công tái tạo.
Tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên. (Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau. Sách Cương mục tập lãm lấy Lạc làm họ là lầm). Đóng đô ở Mê Linh.
Canh Tý, năm thứ 1 [40], (Hán Kiến Vũ năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 2, vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng.
Tân Sửu, năm thứ 2 [41], (Hán Kiến Vũ năm thứ 17). Mùa xuân, tháng 2, ngày 30, nhật thực. Nhà Hán thấy họ Trưng xưng vương, dấy quân đánh lấy các thành ấp, các quận biên thùy bị khổ, mới hạ lệnh cho Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu ta sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi khe, chứa thóc lương, cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó sang xâm lược.
Nhâm Dần, năm thứ 3 [42], (Hán Kiến Vũ năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành, gọi là Lãng Bạc) đánh nhau với vua. Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê (Cấm Khê, sử chép là Kim Khê). Quân cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất.
Lê Văn Hưu nói: Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi ! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy.
Trở lên là Trưng Nữ Vương, bắt đầu từ năm Canh Tý đến năm Nhâm Dần thì hết, tất cả 3 năm [40-42].
Kỷ Thuộc Đông Hán
Quý Mão, [Trưng Vương, năm thứ 4], [43], (Hán Kiến Vũ năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, đều thua chết. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì [bọn Đô Dương] đầu hàng, [Viện] bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán. (Cột đồng tương truyền ở trên động Cổ Lâu châu Khâm. Viện có câu thề: “Cột đồng gãy thì Giao Châu diệt”. Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy. Mã Tổng nhà Đường lại dựng hai cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán ghi công đức của Mã Viện để tỏ ra mình là dòng dõi của Phục Ba, nay chưa rõ ở chỗ nào. Hai sông Tả Giang, Hữu Giang mỗi nơi có một cột). Viện thấy huyện Tây Vu có 3 vạn 3 nghìn hộ, xin chia làm hai huyện Phong Kê và Vọng Hải, vua Hán nghe theo. Viện lại đắp thành Kiển Giang ở huyện Phong Khê. Thành đắp tròn như hình cái kén, cho nên lấy [chữ Kiển] làm tên. Nước Việt ta lại thuộc vào nhà Hán. Ba năm sau, Viện trở về. Người địa phương thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có).
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư ?
Giáp Thìn, [44], (Hán Kiến Vũ năm thứ 20). Từ đây về sau, trải các đời Hán Minh Đế, Chương Đế, Hòa Đế, Thượng Đế, An Đế, gồm 5 đời, cộng 82 năm, duy thời Minh Đế có Lý Thiện người huyện Nam Dương làm Tháu thú Nhật Nam, làm việc chính sự có ân huệ yên dân, khiến cho người khác phong tục cũng mến chuộng tìm đến. Sau Thiện đổi làm Thái thú Cửu Chân”.
Sách An Nam chí lược do Lê Tắc soạn vào nửa đầu thế kỷ 14 chép:
“Năm Kiến-Võ thứ 16 (40 sau công nguyên), đời vua Hán Quang-Võ, có người đàn bà Giao-Chỉ tên là Trưng-Trắc làm phản, năm thứ 19 (43), sai Mã-Viện qua đánh dẹp yên, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn nhà Hán.
(…..)
Lưu-Chiêu nói: Giao-Chỉ tức là nước An-Dương. Mã-Phục-Ba đời Hán dẹp yên giặc ở Giao-Chỉ, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn cho nhà Hán. Đời nhà Đường, Mã-Tống làm chức An-nam đô-hộ, lại dựng hai cái trụ đồng, vì Tống là con cháu của Phục-Ba. Xưa có truyền lại rằng: ở nơi động Cổ-Sum, tại Khâm Châu có cái cột đồng của Mã-Viện và lời thề rằng: “Hễ cái trụ đồng nầy gãy, thì nước Giao-Chỉ tiêu-diệt”, vì thế, người Giao-Châu, mỗi khi đi ngang qua đều lấy đá, ngói, ném vào dưới chân cột đồng, nên chẳng bao lâu, nơi ấy hóa thành gò.
Đổ-Phủ có câu thơ rằng: “Vũ lai đồng trụ bắc, ý tẩy Phục-Ba quân” nghĩa là: “mưa phía Bắc đồng trụ, muốn rửa quân Phục-Ba”.
Ở cương-giới nước Chiêm-Thành cũng có cột đồng. Mạnh-Hạo-Nhiên có câu thi: “Đồng trụ Nhật Nam đoan”, nghĩa là cột đồng đứng đầu đất Nhật-Nam.
Sách Cửu-Vực-Chí nói: “cái giếng tại Giao-Châu không phải người đào”.
Mã-Viện khi đã dẹp yên Giao-Chỉ, có làm trâu bò, lọc rượu để đãi quân-sĩ, trong lúc yến tiệc, Viện thong thả nói với liêu thuộc rằng: “Người em họ của ta tên là Thiếu-Du thường hay thương tôi khẳng khái có chí lớn và nói: “kẻ sĩ sinh ở đời, miễn sao vừa đủ ăn mặc, đi cái xe tầm thường, cỡi con ngựa xấu xí, làm chức lại thuộc trong quận, giữ phần mộ của tổ-tiên, làng xóm cho là người hiền-lành, như vậy thì đủ rồi. Còn như ham muốn cho dư dũ, thì chỉ là tự mình làm khổ cho mình đó thôi”. Hồi ta ở giữa Lãng Bạc và Tây-Lý, chưa diệt được giặc, dưới thì nước lụt, trên thì khói mù, khí độc hừng hực, xem lên thấy diều bay là là xuống nước, nhớ lại lời nói bình thời của Thiếu-Du, ta tiếc không làm sao được như vậy”.
(…..)
Năm Kiến-Võ thứ 16 của Hán Quang-Vũ-Đế (sau công nguyên 40), người đàn bà Giao-Chỉ là Trưng-Trắc làm phản, quận Cửu-Chân và quận Nhật-Nam đều hưởng ứng theo, đánh các quận, ấp, cướp được 60 thành, rồi tự lập làm vua. Quang-Vũ-Đế bèn hạ chiếu các quận Trường-Sa và Hợp-Phố chuẩn bị thuyền bè, sửa cầu, đường, mở rộng khe hỏi, tích trữ lương thực, rồi cử Mã-Viện làm Phục-Ba tướngquân, Phò-Lạc-Hầu Lưu-Long làm Phó, Đoàn-Chí giữ chức Lầu-Thuyền tướng-quân, do thuỷ lục hai đường cùng tiến đánh Giao-Chỉ. Mã-Viện do đường duyên-hải tiến quân, gặp núi thì làm đường, trải hơn 1.000 dặm, kéo quân tới Lãng-Bạc đánh nhau và đại phá quân Trưng-Trắc, rồi đuổi theo tới đất Kim-Khê.
Đến năm Kiến-Võ thứ 19 (43), Mã-Viện chém yêu tặc là Trưng-Nhị (Nhị là em gái của Trưng Trắc) và đánh luôn cả dư đảng, bọn Đô-Lương, đến huyện Cư-Phong, bọn nầy chịu đầu hàng, đất Lĩnh-Nam đều được bình-định. Viện cùng người Việt thân minh chế-độ cũ để tiện việc cai-trị, từ đó Lạc-Việt phải tuân y quy-chế của Mã-tướng-quân.
Năm Kiến-Võ thứ 20 (44), Mã-Viện kéo quân về Kinh-sư. Bảy quận ở Giao-Chỉ, khi đi cống-hiến, đều phải do đường biển lên huyện Đông-dã (thuộc huyện Hầu-Quan Phước-Châu) mà dâng lễ vật.
(…..)
Đặng-Nhượng: Thân-thế thế nào chưa rõ, nhưng theo sách sử-ký của đời vua Quang-Võ trong Hậu-Hán-Thư, thời trong thời Vương-Mãng, các quận Giao-Chỉ, đều đóng cửa tự giữ lấy, có Sầm-Bành ngày thường có tình thân-mật với Đặng-Nhượng làm quan Mục ở đất Giao-Chỉ, đưa thư cho Nhượng, Nhượng bèn suất cả các Thái-Thú ở các quận, sai sứ đem lễ-vật về cống-hiến, sau đó đều được phong tước hầu.
Tích-Quang: Người Hán-Trung, trong thời vua Bình-Đế, làm Thái-Thú đất Giao-Chỉ, lấy lễ-nghĩa dạy dân. Nhậm-Diên Tự là Trường-Tồn, mới 12 tuổi đã thông hiểu Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Xuân-Thu, nổi tiếng trong trường Thái-Học, người ta gọi là Nhâm-Thánh Đồng, nghĩa là Ông thánh con nít họ Nhâm. Đầu niên hiệu Kiến-Võ (25 sau Công-Nguyên), làm Thái-Thú quận Cửu-Chân. Theo phong-tục tập-quán thì dân Cửu Chân chỉ làm nghề đánh cá và săn thú, chứ không biết cày cấy.
Nhâm-Diên: Dạy dân vỡ đất hoang, trồng lúa, đất mỗi năm mỗi mở rộng thêm, dân được no đủ giàu có. Còn hạng dân nghèo không có tiền cưới vợ, thì Nhâm-Diên bắt từ quan Trưởng-Sử trở xuống phải chịu bới lương bổng để giúp kẻ nghèo. Vì vậy, số người cưới vợ trong một lúc tới 2.000 người. Năm ấy, mưa gió thuận hoà, các giống lúa đều được mùa. Nhà nào sinh được con cũng đặt tên Nhâm. Cai-trị được bốn năm, Nhâm-Diên trở về Trung-Quốc, người quận Cửu-Chân lập nhà sinh-từ để thờ.
Tô-Định: Đầu năm Kiến-Võ, làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ, tính tham lam mà hung dữ, nên Trưng-Trắc giết Tô-Định làm phản. Sau đó, nhà Hán sai Mã-Viện qua dẹp yên cuộc loạn ấy.
Lý-Thiện: Tự là Thứ-Tôn, người đất Nam-Dương, làm chức Thái-Tử Xá-Nhân của nhà Hán. Trong thời vua Hiển-Tông, làm Thái-Thú quận Nhật-Nam, làm việc hay dùng ân-huệ, bác-ái đối với dân, nên dân ở các xứ khác cũng phục tùng, đổi làm chức Thái-Thú quận Cửu-Chân.
Trương-Khôi Trong triều vua Hiển-Tông, làm Thái-Thú Giao-Chỉ, vì ăn hối-lộ bị tội, của bị tịch thu vào kho. Vua nhà Hán ra lời chiếu lấy của ấy ban cho các quan”.
* Nhận xét:
– Các bộ sử nam đều viết về cuộc khởi binh của Hai Bà Trưng. Năm 40, bà Trưng Trắc và Trưng Nhị dấy binh đánh đuổi Thái thú Giao Chỉ bấy giờ là Tô Định. Định là người tham lam, hà khắc, dùng pháp luật để trói buộc lại giết hại chồng bà là ông Thi Sách. Cuộc khởi binh được các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố hưởng ứng. Chiếm được 65 thành ở Lĩnh Nam, bà Trưng Trắc tự lập làm vua. Tô Định chạy về Nam Hải.
– Năm 41 vua Hán lệnh cho các quận Trường Sa, Hợp Phố chuẩn bị quân thảo. Sai Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí nam phạt. Đoàn Chí tới Hợp Phố thì mất do bệnh. Quân Hán dùng thuyết tiến xuống Giao Chỉ, rồi vượt rừng núi. Năm 42 giao tranh xảy ra ở Lãng Bạc, Trưng Trắc rút lui về Cấm Khê. Năm 43, quân Hán tiến đánh, giết được Hai Bà. Rồi tiến đánh đồng đảng là Đô Dương ở Cửu Chân. Dựng cột đồng.
– Viện tấu xin chia đặt lại quận huyện, nói rõ luật cũ với hào trưởng Giao châu. Năm 44 Viện rút quân về bắc.
– Những bộ sử nam được ghi chép cách thời điểm xảy ra sự kiện tới hơn 10 thế kỷ. Tất cả những bộ sử này đều tham khảo những bộ sử bắc trước đó và ít nhiều thu lượm thông tin từ dã sử.
Sách Hậu Hán thư do Phạm Việp (398-445), người nước Tống (420-479) soạn vào thế kỉ thứ 5.
Phần Vũ Quang đế kỉ-hạ chép:
“Tháng Hai, mùa xuân năm thứ 16 [niên hiệu Kiến Vũ, tức năm 40], người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc làm phản, chiếm các thành ấp.
[…] Tháng Tư năm thứ 18 [42], sai Phục ba tướng quân Mã Viện chỉ huy Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí đánh bọn giặc Trưng Trắc ở Giao Chỉ.
[…] Tháng Tư năm thứ 19 [43], Phục ba tướng quân Mã Viện phá được Giao Chỉ, chém Trưng Trắc, nhân đó đánh phá được bọn giặc Đô Dương ở Cửu Chân, giặc hàng”.
Phần Nam man truyện chép:
“Năm [Kiến Vũ] thứ 16 [40], người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, tấn công vào quận. [Trưng Trắc là người ở huyện Mi Linh, con gái Lạc tướng, được gả cho Thi Sách người huyện Chu Diên]. Trưng Trắc là người rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật ước chế họ, Trắc căm giận nên làm phản. Vì thế người man ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Chiếm được 65 thành, tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ cùng các Thái thú chỉ biết tự giữ. Quang Vũ bèn xuống chiếu cho Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ chuẩn bị xe thuyền, tu sửa cầu đường, khai thông núi khe, trích trữ lương thảo. Năm thứ 18 [42], sai Phục ba tướng quân Mã Viện, Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí phát hơn vạn quân Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô đến chinh phạt. Tháng Tư năm sau [43], Viện phá được Giao Chỉ, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, dư đảng đều thua phải hàng. Tiến quân đánh bọn giặc Đô Dương ở Cửu Chân, phá được, chúng xin hàng. Dời hơn ba trăm tướng soái của y đến Linh Lăng, thế là đất lĩnh biểu thảy được bình định”.
Phần Mã Viện truyện chép:
“Lại có người đàn bà đất Giao Chỉ tên là Chinh [Trưng] Trắc cùng với em là Chinh [Trưng] Nhị làm phản, đánh chiếm quận này. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố [Quảng Ðông] đều hưởng ứng; chiếm nơi Lãnh ngoại [phía ngoài Ngũ Lãnh] hơn 65 thành trì; Trắc bèn lên làm Vương. Lúc đó [Thiên tử] ban tỷ thư phong Mã Viện làm Phục ba Tướng quân, dùng Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó, cùng Lâu thuyền Tướng quân Ðoàn Chí mang quân xuống phía Nam đánh Giao Chỉ. Khi quan quân đến Hợp Phố, Chí bị bệnh mất, chiếu thư sai Viện trực tiếp cầm cánh quân này.
Quân theo đường biển mà tiến, rồi men theo núi sẻ đường hơn ngàn dặm, vào năm [Kiến Vũ] thứ 18 [42 ] đến Lãng Bạc [Hồ Tây] giao chiến với giặc; đánh phá chém được mấy ngàn thủ cấp, hàng vạn người hàng. Viện truy kích Trắc tại Cấm Khê, đánh bại mấy lần, giặc tan bỏ chạy. Vào tháng Giêng năm sau, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị; gửi đầu về Lạc Dương. Viện được phong tước Tân tức hầu, ăn thực ấp 3000 hộ. Nhân giết trâu, lọc rượu khao thưởng quân sĩ; trong tiệc thung dung kể rằng:
“Em ta là Thiếu Du thường than phiền ta khẳng khái lo lập chí lớn, nên khuyên rằng: kẻ sĩ sống trên đời chỉ cần cơm áo no đủ, đi xe cửi ngựa, làm quan lại nơi địa phương, lo giữ phần mộ tổ tiên, được người làng khen hiếu thuận là đủ rồi; còn tham vọng nhiều, chỉ khổ thân mà thôi.
Khi ta ở Lãng Bạc, Tây Lý, giặc chưa diệt xong; dưới chân nước lụt, trên đầu mây mù giăng mắc, khí độc vần vũ, nhìn lên trời thấy chim diều hâu bay rồi đột nhiên rơi phịch xuống nước; nghĩ đến lời Thiếu Du nói, lúc ấy hoàn cảnh ta làm sao có được như vậy. Nay nhờ sức lực của Sĩ Ðại phu, được Thiên tử ban thưởng ấn vàng dây thao tía trước các ngươi, nên vừa mừng và cùng vừa thẹn”.
[Dứt lời] quan lại và quân sĩ đều tung hô vạn tuế.
Mã Viện lại đưa lâu thuyền lớn nhỏ hơn 2.000 chiếc, quân sĩ trên 20.000 người đánh dư đảng Trưng Trắc là bọn Ðô Dương từ [huyện] Vô Công đến Cư Phong chém 5.000 tên; vùng Kiều Nam đều bình định. Viện tâu rằng huyện Tây Ư khoảng 3.200 hộ, có nơi xa cách huyện lỵ hơn 1000 dặm, xin chia làm 2 huyện Phong Khê và Vọng Hải, được chấp thuận. Viện đi đến đâu đều chia đất thành quận huyện, xây thành quách, thông ngòi rạch để lợi cho dân. Tâu rõ luật Việt và luật Hán, bác bỏ hơn 10 khoản. Dựa chế độ xưa [của nhà Hán], thân sức cho dân Việt rõ, để ràng buộc; từ đó dân Lạc Việt chấp hành theo Mã Tướng quân.
Vào mùa thu năm Kiến Vũ thứ 20 [44] mang quân về kinh sư, quân sĩ và quan lại trải qua chướng lệ chết bốn, năm phần mười. Ban cho Viện một cổ xe, triều kiến đứng vào hàng Cửu khanh.
Mã Viện thích ngựa, giỏi phân biệt ngựa hay; tại Giao Chỉ lấy được trống đồng Lạc Việt, bèn cho đúc thành ngựa mẫu; lúc trở về dâng lên Thiên tử. Lại dâng biểu như sau:
“Phàm di chuyển trên trời không gì mau bằng rồng, dưới đất không vật gì bằng ngựa; ngựa là căn bản của giáp binh, đại dụng cho quốc gia. Khi thời bình sử dụng để phân biệt trên dưới, lúc biến dùng di chuyển xa gần. Xưa có ngựa Kỳ Ký một ngày rong ruổi một ngàn dặm, thấy Bá Nhạc cất tiếng hý vang. Gần đây có Tử Dư đất Tây Hạ giỏi về tướng pháp ngựa, Dư truyền cho Nghi Thường Phụ cũng đất Tây Hạ, Thường Phụ truyền cho Ðinh Quân Ðô đất Mậu Lăng, Quân Ðô truyền cho Dương Tử A đất Thành Kỷ; thần Viện, từng thờ Tử A làm thầy để học về mã cốt pháp, khảo về cách đi và thể nghiệm ở miệng.
Thần ngu cho rằng nghe kể không bằng chính mắt được nhìn, xem cảnh không bằng quan sát hình. Nay muốn vẽ hình ngựa sống, nhưng không hoàn bị về cốt pháp, không thể truyền cho hậu thế. Thời Hiếu Vũ Hoàng đế, Ðông Môn Kinh giỏi tướng ngựa, đúc ngựa cốt pháp bằng đồng hiến lên, chiếu chỉ cho đặt ngoài cửa Lỗ Ban, nên cửa Lỗ Ban được gọi là Kim Mã môn. Thần cẩn thận noi theo phép họ Nghi bàn về miệng, phép họ Trung Bạch về miệng răng, phép họ Tạ về môi miệng, phép họ Ðinh về thân hình; nhắm hoàn bị cốt tướng pháp của các nhà. Ngựa cao 3 xích 5 thốn, chu vi 4 xích 5 thốn.”Chiếu cho phép đặt tại dưới cửa Hoàn Ðức, để làm thể thức cho ngựa hay.
…
Buổi đầu Viện mang quân đánh đất Tuyển [tại Hồ Nam], có hai đường tiến quân. Ðường thứ nhất noi theo núi Hồ thì gần, nhưng đường thủy hiểm trở; đường thứ hai đi đến huyện Sung, tuy bằng phẳng nhưng chuyển vận xa; nên nhà vua còn do dự. Lúc quân đến, Cảnh Thư muốn đi theo đường huyện Sung; Viện cho rằng đi xa khó vận lương, không bằng đi theo đường núi Hồ, chặn yết hầu quân giặc, thì giặc tại huyện Sung cũng tự tan rã. Viện đưa việc đó tâu lên, được Thiên tử chấp thuận.Tháng 3 tiến vào núi Hồ, giặc từ cao điểm giữ cửa ải, nước chảy xiết, thuyền không tiến được. Chần chờ, quân sĩ bị dịch chết, Viện cũng bị bệnh, tình trạng khốn khó phải khoét sâu vào bờ sông làm nơi trú ẩn để tránh nóng nực. Giặc từ chổ hiểm quát tháo, Viện thường kiễng chân lên quan sát, quân tả hữu cho là hùng tráng, ai cũng cảm động chảy nước mắt. Cảnh Thư viết thư cho anh là Hiếu tự hầu Yểm rằng:
“Trước đây Thư dâng thư xin đánh vào huyện Sung, lương tuy khó vận chuyển nhưng quân có thể dùng được, quân sĩ mấy vạn muốn cùng phấn đấu. Nay theo ý kiến [Viện] quân tại núi Hồ tiến không được, bị chết, thực đáng thống hận. Buổi đầu khi đến Lâm Bang, giặc chưa kịp bố trí, nếu đánh ngay trong đêm có thể diệt sạch; Phục Ba dùng binh giống như dân buôn Tây Vức, đến nơi cho nghỉ ngơi; nay bị thất lợi, quân bị bệnh dịch, đúng như lời Thư tiên đoán.”
Yểm nhận được thư bèn tâu lên, Thiên tử sai Hổ bí Trung lang tướng Lương Tùng theo dịch trạm đến khiển trách Mã Viện và thay thế chỉ huy quân. Rồi Viện mất [năm 49], Tùng ôm mối bất bình, đặt điều vu hãm; Thiên tử giận tịch thu ấn Tân Tức hầu của Mã Viện.
Chuyện trước kia, khi Mã Viện tại Giao Chỉ, thường dùng hạt ý dĩ làm thuốc để thân thể được nhẹ nhàng, tiết dục, chống lại chướng khí. Nam phương hạt ý dĩ rất lớn, Viện muốn trồng loại này, tải một xe chở về. Lúc bấy giờ người ta cho rằng đất đai phương Nam có nhiều thứ trân quí, những người quyền thế đều ham chuộng; nhưng lúc Viện còn sống được sủng ái, nên không ai dám nói gì. Ðến khi Mã Viện mất, có người dâng thư lên vua sàm tấu rằng trước đây Viện chở về đều là trân châu và sừng tê giác có hoa văn. Mã Vũ cùng con Tăng Vũ hầu trình bày tội trạng khiến Thiên tử giận. Vợ con Mã Viện sợ hãi không dám đưa thi thể về chôn tại mồ mả đất nhà; đành tạm vùi tại mấy mẫu đất gai góc nơi phía tây thành; khách khứa bạn bè người quen cũ không ai dám phúng điếu. Nghiêm lệnh vợ con Viện có liên quan, bắt đến triều đình định tội.Thiên tử ra khỏi thư phòng để xem án, trước sau có 6 lần kêu oan lời hết sức thảm thiết, mới được cho chôn cất lại.
Lại có Chu Bột, nguyên trước kia làm Thú lệnh đất Vân Dương, quen thân với anh em Mã Viện đến kinh khuyết dâng thư bênh vực, lời thư như sau:
“Thần nghe rằng đức kẻ vương giả, chính trị của thánh nhân không quên công của bề tôi; chọn con người ở một điểm tốt đẹp, không cần phải hoàn bị. Bởi vậy nên [Hán] Cao Tổ tha Khoái Thông, lấy vương lễ chôn cất Ðiền Hoành, nên các đại thần an tâm không còn nghi ngờ.”
…
“Phàm Ðại tướng rong ruổi nơi cõi ngoài, lời sàm tấu thường xẩy ra nơi triều nội; một chút sai lầm nhỏ thì ghi vào, nhưng công lớn thì không thèm kể. Bởi vậy Chương Hàm sợ ghen ghét nên phải sang hàng Sở; tướng nước Yên hạ được thành Liêu, mà không trở về! Nào phải cam tâm không nghĩ đến vua, mà chỉ vì những lời xảo ngôn gây ra như vậy.Riêng [Mã] Viện phụng sự triều đình 22 năm, phía Bắc ra quân vùng quan ải sa mạc, phía Nam vượt biển sông, mạo hiểm nơi khí độc, rồi chết trong quân. Danh diệt, tước mất; nhưng trong nước không ai thấy sự sai lầm, không có lời hủy báng. Rồi như chuyện ba người đưa lời sàm tấu, người nhà bị cô lập, chết không được chôn vào mồ, tiếng oan dấy đất, bà con sợ hãi; đã đành kẻ chết không được trình bày mà người sống cũng không được kháng cáo, thần cảm thấy thương xót!”.
* Nhận xét:
– Theo như sách Hậu Hán thư thì năm 40 Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị, làm phản, các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng, chiếm được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vương. Quang Vũ xuống chiếu Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ chuẩn bị xe thuyền, lương thảo. Lệnh Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí xuất hơn vạn quân ở Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô nam phạt.
– Quân đến Hợp Phố, Chí bị bệnh mất, Mã Viện theo đường biển mà tiến, rồi men theo núi, vào năm 42 đến Lãng Bạc giao chiến với giặc; đánh phá chém được mấy ngàn thủ cấp, hàng vạn người hàng. Viện truy kích Trắc tại Cấm Khê, đánh bại mấy lần, giặc tan bỏ chạy. Vào tháng giêng năm 43, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị; gửi đầu về Lạc Dương. Viện được phong tước Tân tức hầu, ăn thực ấp 3000 hộ. Nhân giết trâu, lọc rượu khao thưởng quân sĩ.
– Mã Viện lại đưa lâu thuyền lớn nhỏ hơn 2.000 chiếc, quân sĩ trên 20.000 người đánh dư đảng Trưng Trắc là bọn Ðô Dương từ [huyện] Vô Công đến Cư Phong chém 5.000 tên; vùng Kiều Nam đều bình định. Viện tâu xin chia Tây Ư làm 2 huyện Phong Khê và Vọng Hải, được chấp thuận. Viện đi đến đâu đều chia đất thành quận huyện, xây thành quách, thông ngòi rạch để lợi cho dân. Tâu rõ luật Việt và luật Hán, bác bỏ hơn 10 khoản. Vào mùa thu năm 44 mang quân về kinh sư, quân sĩ và quan lại trải qua chướng lệ chết bốn, năm phần mười. Ban cho Viện một cổ xe, triều kiến đứng vào hàng Cửu khanh.
– Sách Hậu Hán Thư do Phạm Diệp soạn là bộ chính sử có độ tin cậy cao nhưng cũng cách sự kiện khoảng 400 năm.
Sách Tam quốc chí do Trần Thọ (233-297) soạn, chép:
“Lữ Đại từ Giao Châu được gọi về, Tống lo không có ai thay được Đại, dâng sớ nói: “Ngày xưa vua Thuấn đi tuần phía nam, chết ở quận Thương Ngô. Nhà Tần đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận, vậy thì bốn quân ấy đã nối thuộc rồi, truyền đến ngày nay. Triệu Đà nổi dậy ở Phiên Ngu, vỗ về quân trưởng của người Bách Việt ở tại phía nam quận Châu Quan vậy. Vũ Đế của nhà Hán giết Lữ Gia, lập chín quận, đặt quan Giao Chỉ Thứ sử để trông coi chỗ ấy. Sông sâu núi cao, phong tục không lành, tiếng nói đều khác, phiên dịch mới hiểu, dân như cầm thú, già trẻ không chia, tóc búi chân trần, đầu quấn cúc trái, dẫu đặt quan lại, dẫu có như không. Từ đấy đến nay, có dời tội nhân Trung Quốc đến ở lẫn chỗ ấy, dần dần đọc sách, biết qua tiếng nói, xe ngựa qua lại, hiểu biết lễ nghĩa. Sau đó Tích Quang làm Giao Chỉ Thái thú, Nhậm Diêm làm Cửu Chân Thái thú, bèn dạy dân ấy cày bừa, đội mũ đi giày, sắp đặt mai mối, mới biết cưới hỏi, dựng lập trường học, giảng dạy kinh truyện. Do đó chịu phục, hơn bốn trăm năm, có phần chuyển hóa. Từ thời trước thần làm khách đến đấy, người quận Châu Nhai bỏ phép cưới hỏi của châu huyện, đều hẹn đến tháng tám thì mở cửa, vào lúc người dân tụ tập, trai gái tự kén chọn nhau, nếu vừa ý thì làm vợ chồng, cha mẹ không cấm được. Ở hai huyện Mi Linh quận Giao Chỉ, huyện Đô Lung quận Cửu Chân, có tục anh chết thì em lấy chị dâu, nhiều đời cho đấy là thói thường, quan lại nghe biết cũng không ngăn được. Trai gái quận Nhật Nam cởi trần, không cho là thẹn. Do đó mà nói, có thể ví như sâu bọ có tai mắt mặt mũi vậy. Vậy nhưng đất rộng người đông, hiểm trở độc hại, dễ gây phản loạn, khó đến đánh dẹp. Quan lại chỉ ràng buộc, diễu oai vỗ về mà thôi, còn như tô thuế của ruộng nhà, chuyển chở cung cấp,chỉ thích các đồ ngọc trai, thuốc thơm, ngà voi, sừng tê, đồi mồi, san hô, ngọc sáng, chim vẹt, phỉ thúy, khổng tước, vật lạ, vật báu chất đầy, không chỉ có tô thuế để làm giàu cho Trung Quốc vậy. Lại ở ngoài chín điện, phép chọn quan lại không được kĩ càng. Phép tắc thời Hán rộng lượng, nhiều chỗ nới lỏng, cho nên nhiều lần làm trái phép cấm. Phế quận Châu Nhai là do quan lại ở đấy thấy tóc đẹp thì cắt tóc của dân để làm tóc giả. Lúc thần đến đấy, người quận Nam Hải là Hoàng Cái làm Nhật Nam Thái thú, xuống xe mà người hầu đỡ không đủ, liền đánh chết quan Chủ bạ, nhưng rồi cũng bị xua đuổi. Cửu Chân Thái thú Đam Manh giúp cha vợ là Chu Kinh bày hội tiệc, cùng mời các quan lại đến, rót rượu hát nhạc, quan Công tào Phan Hâm đứng dậy mời Kinh múa cùng, Kinh không chịu đứng dậy, Hâm vẫn ép buộc, do đó Manh giận đánh chết Hâm ở trong quận. Em Hâm là Miêu đem quân đánh phủ, lấy tên độc bắn Manh, Manh cũng bị chết. Giao Chỉ Thái thú Sĩ Tiếp sai quân đến đánh, rút cuộc chẳng thắng được. Lại nữa quan Thứ sử ngày trước người quận Cối Kê là Chu Phù nhiều lần dùng người cùng quê là bọn Ngu Bao, Lưu Ngạn chia nhau làm trưởng lại, xâm lấn trăm họ, đánh thuế nặng với dân, một con cá vàng dài một trượng mà thu một hộc lúa, do đó trăm họ oán giận mà làm phản, bọn giặc núi cùng kéo ra, đánh châu phá quận. Phù chạy vào biển, trôi nổi chết chìm. Sau đó người quận Nam Dương là Trương Tân, vốn có hiềm khích với Kinh Châu Mục là Lưu Biểu, quân yếu địch mạnh mà vẫn hằng năm phát binh, các tướng lo sợ, bỏ trốn hết cả. Tân nắm quyền trông coi nhưng uy vũ không đủ, bị kẻ dưới lấn lướt, bèn bị giết chết. Sau lại có người quận Linh Lăng là Lại Cung, nhân hậu cẩn thận nhưng không hiểu thời thế, Biểu lại sai người quận Trường Sa là Ngô Cự làm Thường Ngô Thái thú. Cự là kẻ vũ dũng cứng khỏe, không chịu kính phục, do đó oán giận nhau, xua đuổi Cung, xin cứu với Bộ Chất. Bấy giờ tướng cũ của Tân là bọn Di Liệu, Tiền Bác còn nhiều, do đó Chất đến sửa trị, lập lại phép tắc, vừa lúc lại gọi về. Rồi đó Lữ Đại đến, có cuộc biến của họ Sĩ, đem quân đánh phía nam, đến ngày dẹp xong, đặt lại quan lại, nêu rõ kỉ cương, diễu oai vạn dặm, lớn nhỏ cúi phục. Do đó mà nói, vỗ về biên giới, thực là người ấy. Làm quan ở phương xa phải nên trong sạch, ở ngoài cõi hoang phục thì họa phúc rất lắm. Ngày nay Giao Châu dẫu mới định nhưng ở huyện Cao Lương còn có giặc ẩn nấp; bốn quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Châu Quan vẫn chưa yên, dựa vào đó mà cướp bóc, trở thành nơi ẩn nấp của bọn phản loạn trốn tránh. Nếu Lữ Đại không còn ở phương nam, quan Thứ sử mới đến phải cẩn thận, trông coi tám quận, mưu lược phải rõ ràng mới dần dần dẹp được giặc ở Cao Lương, phải dựa vào oai sủng, cậy vào hình thế, noi theo phép tắc của Đại mới mong sửa sang được. Nếu chỉ dùng người tầm thường, chọn lấy phép tắc sơ qua, không có mưu hay kế lạ thì bọn giặc càng thêm đông, lâu ngày gây hại. Cho nên sự an nguy của nhà nước trông chờ vào việc dùng người, không thể không xét kĩ vậy. Thần lo triều đình coi thường việc kén chọn, cho nên dám bày tỏ ý ngu để nêu rõ đức thánh”.
Hậu hán thư chép:
“Thời Bình Đế (năm 1Tcn – năm 5), người quận Hán Trung là Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, dạy bảo dân chúng dần dần theo lễ nghĩa. Tên tuổi sánh ngang với Diên. Cuối thời Vương Mãng, đóng bờ cõi tự giữ. Đầu năm Kiến Vũ, sai sứ giả nạp cống, phong làm Diêm Thủy Hầu. Phong tục ở đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai quan Thái thú ấy”.
Hậu Hán thư chép:
“Nhâm Diên tự Trường Tôn, người huyện Uyển, quận Nam Dương. Năm mười hai tuổi làm học trò, học ở thành Trường An, hiểu rõ kinh “Thi”, “Dịch”, “Xuân thu”, tên tuổi lẫy lừng ở nhà Thái học” và “Đầu năm Kiến Vũ (năm 25 đến năm 56), Diên dâng thư lên nhà vua muốn xin về quê, quỳ bái ở triều đình. Chiếu lệnh đi làm Thái thú Cửu Chân. Quang Vũ sai dẫn đến gặp, ban cho ngựa, lụa, ra lệnh cho vợ con ở lại thành Lạc Dương” và “Diên coi việc được bốn năm, nhà vua gọi về thành Lạc Dương, bị bệnh ở lại đấy, rồi chuyển làm quan Lệnh huyện Tuy Dương, quan dân quận Cửu Chân dựng đền thờ sống Diên”.
* Nhận xét:
– Căn cứ vào bản tấu của Tiết Tống viết về Tích Quang và Nhâm Diên thì có thể xác nhận những ghi chép của Phạm Diệp trong Hậu Hán thư là đáng tin cậy.
– Bản tấu cũng xác nhận Tích Quang và Nhâm Diêm là những người phương bắc đầu tiên khai hoá cho dân bản xứ Giao Chỉ hay bắc triều cử quan sứ xuống phương nam từ sau công nguyên chứ không phải từ khi nước Nam Việt của Triệu Đà mất. Câu bình của Tiết Tống “dẫu đặt quan lại, dẫu có như không” đã mô tả được chính xác mức độ cai trị của phương bắc đối với phương nam.
– Chỉ tiếc rằng bản tấu không nói thêm về việc Trưng Trắc chiếm châu và Mã Viện nam chinh. Đây là một sự kiện lớn và chỉ cách thời điểm Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân có gần 10 năm.
– Có một điểm cần xem xét thêm ở đây là câu bình của Tiết Tống “sau đó Tích Quang làm Giao Chỉ Thái thú, Nhậm Diêm làm Cửu Chân Thái thú, bèn dạy dân ấy cày bừa, đội mũ đi giày, sắp đặt mai mối, mới biết cưới hỏi, dựng lập trường học, giảng dạy kinh truyện. Do đó chịu phục, hơn bốn trăm năm, có phần chuyển hóa”. Từ thời điểm của Tích Quang đến thời điểm của Tiết Tống không thể nào “hơn bốn trăm năm” được, chắc phải có gì đó nhầm lẫn! Vấn đề là: Tiết Tống nhầm hay Hậu Hán thư nhầm ?
Hậu Hán thư, phần Quận quốc chí chép:
“Quận Giao Chỉ thành lập thời Hán Vũ đế (143-87TCN), [tức là nước của An Dương Vương] cách Lạc Dương 1 vạn 1 ngàn dặm về phía Nam, gồm 12 thành: Long Biên, Liên Lâu, Yên Định, Câu Lậu, Mi Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Chu Diên, Phong Khê, đặt ra vào năm thứ 19 niên hiệu Kiến Vũ [43]; Vọng Hải, được lập vào năm thứ 19 niên hiệu Kiến Vũ [43].
Quận Cửu Chân lập thời Vũ đế, cách Lạc Dương 11.050 dặm, gồm 5 thành (46.513 hộ, 209.914 khẩu): Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Công, Vô Biên.
Quận Nhật Nam, thời Tần là Tượng Quận, Vũ đế đổi tên, cách Lạc Dương 13.400 dặm về phía nam, gồm 5 thành (18.263 hộ, 10.676 khẩu): Tây Quyển, Chu Ngô, Lư Dung, Tượng Lâm, Tỉ Cảnh”.
Hậu Hán thư, phần Quận quốc chí cho biết thêm:
Hợp Phố có “5 thành (23.121 hộ, 86.617 khẩu): Hợp Phố, Từ Văn, Cao Lương, Lâm Nguyên, Chu Nhai”
Nam Hải có “7 thành (71.477 hộ, 250.282 khẩu): Phiên Ngung, Bác La, Trung Túc, Long Xuyên, Tứ Hội, Yết Dương, Tăng Thành”.
Thương Ngô có “11 thành (111.395 hộ, 466.975 khẩu): Quảng Tín, Tạ Mộc, Cao Yếu, Phong Dương, Lâm Hạ, Đoan Khê, Phùng Thừa, Phú Xuyên, Lệ Phố, Mãnh Lăng, Chương Bình”.
Uất lâm có “11 thành: Bố Sơn, An Quảng, A Lâm, Quảng Úc, Trung Lưu, Quế Lâm, Đàm Trung, Lâm Trần, Định Chu, Tăng Thực, Lĩnh Phương”.
* Nhận xét:
– Như vậy toàn bộ Lĩnh Nam mới gồm 56 thành chứ không phải là 65 thành ?
– Theo như Hậu Hán thư thì Hai Bà khởi binh ở Giao Chỉ, các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố hưởng ứng. Như vậy không gian của cuộc chiến chỉ bao gồm 4 quận và như thế Trưng Trắc chỉ nắm giữ có 27 thành.
– Tuy nhiên Hậu Hán thư cũng chép rằng Thứ sử Giao Chỉ và các Thái thú chỉ biết tự giữ, như vậy thì rất có thể các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, ở các huyện trực thuộc cũng xảy ra tình trạng bất tuân chính quyền địa phương, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, các Thái thú thì vẫn tự giữ ở trị sở quận.
– Quang Vũ hạ chiếu các quận Trường Sa, Hợp Phố chuẩn bị xe thuyền, lương thảo rồi phát hơn vạn quân ở Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô, lệnh Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí nam chinh. Chí tới Hợp Phố thì bệnh mà chết.
– Trong hoàn cảnh này thật khó để tin rằng Chí chết vì bệnh. Rất có thể xung đột đầu tiên diễn ra ở Hợp Phố. Tuy nhiên do sự ngăn cách giữ Giao Chỉ và Hợp Phố, nên quân chống lại Mã Viện không thể nào là binh lính của Trưng Trắc (Hậu Hán thư chép rằng Hợp Phố hưởng ứng!). Chí có thể đã tử trận trong cuộc chiến ấy!
– Sau khi dẹp yên quân nổi loạn ở phía bắc Giao Chỉ bộ, Mã Viện dùng thuyền tiến xuống quận Giao chỉ, sau khi cập bờ thì hành quân theo đường rừng núi cả ngàn dặm, đến năm 42 thì tới Lãng Bạc, giao chiến với Trưng Trắc, chém mấy ngàn thủ cấp, hàng vạn người hàng. Viện truy kích Trắc tại Cấm Khê, đánh bại mấy lần, giặc tan bỏ chạy. Vào tháng giêng năm 43, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị; gửi đầu về Lạc Dương. Viện được phong tước Tân tức hầu, ăn thực ấp 3000 hộ. Nhân giết trâu, lọc rượu khao thưởng quân sĩ.
– Có những thông tin được ghi chép trong Hậu Hán thư là chưa chính xác hoặc chúng ta chưa hiểu đúng những ghi chép ấy.
Sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (446 hoặc 472-527) thời Bắc Ngụy (380-534) chép :
“Huyện Mi Linh bắt đầu được lập từ năm thứ 6 niên hiệu Nguyên Đỉnh thời Hán Vũ đế [tức năm 111], có quan Đô úy cai trị. Sách Giao Châu ngoại vực kí viết: ‘Quận Giao Chỉ cho đến châu, vốn trị sở ở đó, tên châu là Giao Châu. Về sau, con trai Lạc tướng tên là Thi Sách lấy vợ là Trưng Trắc con gái Lạc tướng ở Mi Linh. Trắc là người có đảm lược và dũng mãnh, cùng Thi Sách dấy binh làm giặc, đánh phá châu quận, thu phục các Lạc tướng, họ đều theo, Trưng Trắc lên làm vua, trị sở đóng ở huyện Mi Linh, dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân đều phải đóng thuế. Sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân Mã Viện đem quân đánh, Trưng Trắc, Thi Sách chạy vào khe núi Kim Khê, ba năm thì bắt được, lúc đó Tây Thục cũng đem quân cùng đánh Trưng Trắc, bình định được các quận huyện rồi lập ra quan Lệnh trưởng vậy”.
Và
“Tháng Chín năm thứ 19 niên hiệu Kiến Vũ [43], Mã Viện tâu rằng: ‘Thần kính xin cùng 1 vạn 2 ngàn tinh binh Giao Chỉ, cùng đại binh hợp lại thành 2 vạn, 2 ngàn lâu thuyền lớn nhỏ, tự mình vào Giao Chỉ, đến nay đã đầy đủ. Tháng Mười, Viện vào Cửu Chân, đến huyện Vô Thiết, bọn giặc hàng. Tiến đến Dư Phát, tướng giặc là Chu Bá bỏ quận, trốn vào rừng sâu. Nơi ấy tê tượng tụ hợp thành từng đàn. Viện lại chia quân tiến vào huyện Vô Biên, đình Cửu Chân của Vương Mãng, đến huyện Cư Phong, tướng không hàng, bèn chém mấy trăm thủ cấp, Cửu Chân bèn yên”.
* Nhận xét:
– Có sự khác biệt trong 2 cuốn sử phương bắc. Thuỷ kinh chú có chép về chồng bà Trưng Trắc, trong khi Hậu Hán thư thì không! Lịch Đạo Nguyên thì cho rằng: Ba năm sau Hai Bà mới bị bắt trong khi Phạm Diệp thì chép năm 43 Mã Viện chém và gửi thủ cấp về Lạc Dương.
– Bản thân Hậu Hán thư cũng có chút sai lệch với thời gian, trong Nam man truyện thì chép chém đầu Hai Bà vào tháng 4 trong khi trong Mã Viện truyện thì chép vào tháng giêng. Trong Mã Viện truyện thì chép Đô Dương là đồng đảng trong khi Nam man truyện thì chép Đô Dương là giặc. Có thể Đô Dương chính là người đứng đầu hưởng ứng (cuộc khởi binh của Hai Bà) tại Cửu Chân. Và sử sách cũng không cho biết giới tính của Đô Dương.
– Mã Viện dùng 2.000 thuyền lớn nhỏ cùng 20.000 quân tiến đánh Đô Dương ở Cửu Chân, chém hơn 5.000 người. Chia đất Tây Vu, tấu luật Việt khác luật Hán, được ban một cỗ xe, mùa thu năm 43 thì dẫn quân về phương bắc, chết đến bốn, năm phần.
– Khi đi Viện có hơn 10.000 lính, đi bằng thuyền, nhưng khi dẫn quân vào Cửu Chân cũng bằng thuyền thì có trên 20.000 người. Vậy thì số 10.000 người thêm này từ đâu? Có khi nào đó là quân lính mà Thứ sứ Giao Chỉ bộ nắm giữ để tự giữ tại trị sở đặt ở quận Giao Chỉ.
– Nói thêm về việc năm 111 TCN, nhà Hán diệt Nam Việt lập chín quận, sau này đặt thành bộ Giao Chỉ, đứng đầu là Thứ sử, đứng