Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) là tác giả bài Hịch Sát Tả Bình Tây?
(Vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt tại Quảng Bình) Nguyễn Văn Nghệ Bài viết “ Đất và người Bình Định với chữ Quốc ngữ” của tác giả Nguyễn Thanh Quang đang công tác tại Sở VHTT&TT Bình Định đăng trên trang 65 Tạp chí Xưa& Nay số 461 tháng 7 năm 2015 có ...
Nguyễn Văn Nghệ
Bài viết “ Đất và người Bình Định với chữ Quốc ngữ” của tác giả Nguyễn Thanh Quang đang công tác tại Sở VHTT&TT Bình Định đăng trên trang 65 Tạp chí Xưa& Nay số 461 tháng 7 năm 2015 có viết về Linh mục Đặng Đức Tuấn, người đã theo phái bộ Phan Thanh Giản vào Sài Gòn thương thuyết với thực dân Pháp để xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ: “Với các tác phẩm bàn về kế sách đánh giặc Pháp: Hoành mao hiến bình Tây sách, Sát Tả bình Tây hịch, Minh đạo bình Tây sách…Đặng Đức Tuấn có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà và để lại những tác phẩm giá trị bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ”.
Trước đó cũng trên tạp chí Xưa& Nay số 455 tháng 1 năm 2015 từ trang 30-31 có bài viết “ Đặng Đức Tuấn một trí thức Công giáo yêu nước tiêu biểu” cũng của tác giả Nguyễn Thanh Quang, tác giả đã trích dẫn Thông báo Hán Nôm học năm 2003 (tr. 210-222),của hai tác giả Vũ Thu Hà – Phạm Ngọc Quỳnh (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) viết: “Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) là một trí thức Công giáo tiêu biểu thời cận hiện đại. Đặng Đức Tuấn trước tác rất nhiều, được các bậc thức giả thời bấy giờ coi ông là người có kiến văn, là một trang quốc sĩ… Bên những tác phẩm như Nguyên đạo, Minh đạo là những tác phẩm trình bày bản chất, giáo lí đạo Công giáo nhằm giải tỏa những sự ngộ nhận, hiểu lầm của các nhà Nho đối với đạo, là những sách bàn về kế sách đánh giặc như: Hoành mao hiến bình Tây sách, sát tả bình Tây hịch, Minh đạo bình Tây sách… Ngoài ra, Đặng Đức Tuấn còn để lại nhiều bài thơ văn chữ Hán, Nôm liên quan đến vấn đề quốc sử và giáo sử…”
Tác giả Nguyễn Thanh Quang lại tiếp tục dẫn chứng từ bài viết: “Sự thống nhất giữa “kính Chúa” và “yêu nước” trong tư tưởng Đặng Đức Tuấn” (Tạp chí Triết Học số 2[112] tháng 4-2000, tr.29-32), Đỗ Lan Hiền (Viện Triết học) nhận xét về Linh mục Đặng Đức Tuấn : “ Ở Đặng Đức Tuấn tư tưởng “Minh Đạo” đi liền với “Bảo Quốc”. Những tư tưởng của ông về “nội trị” và “ngoại trị” chiếm khá nhiều trong tư tưởng của ông. Theo ông, để trị quốc, trước hết, “Việc chính trị sự sắp xếp phải an hòa” (Minh đạo bình Tây sách”. Muốn an hòa, phải bỏ việc cấm đạo và tàn sát đạo để tạo nên cái thế “đánh Tây tám cõi đều ưng” (sát tả bình Tây hịch)”.
Câu “đánh Tây tám cõi đều ưng” thuộc liên thứ 20 trong bài hịch Sát Tả bình Tây bằng chữ Nôm: “Vả sức cọp trăm người khôn địch, phận hiếu nhi còn xá nhứt sanh/ Huống đánh Tây tám cõi đều ưng, lòng nghĩa sĩ chi từ vạn tử”.
Như vậy theo các tác giả trên ,Linh mục Đặng Đức Tuấn chính là tác giả của bài hịch Sát Tả bình Tây.
Sát Tả bình Tây là gì?
Sát Tả là giết người theo Tả đạo. Tả đạo là từ ám chỉ những người dân Việt theo đạo Công giáo. Bình Tây là dẹp giặc Tây dương. Tây dương là thực dân Pháp.
Trước năm 1870 triều đình gọi những người theo đạo Công giáo là “Tả đạo” hoặc “Dửu dân”. Đó là hai từ miệt thị , nên “ Giám mục Đông (nguyên ở Hà Nội giảng đạo), Giám mục Hậu, Giám mục Bình( Pierre- Marie Gendreau Đông;Jean- Denis Gauther Hậu; Joseph- Hyacinthe Sohier Bình – TG) đệ đơn đến Bộ Lễ đổi bốn chữ “Tả đạo”, “dửu dân”. Bộ Lễ cho là triều đình thương dân như một, vốn không có phân biệt, phàm kính làm sổ sách, hoặc khi có giấy tờ, cho đổi viết là “giáo dân”, dùng để cho nhớ mà thôi. Vua y cho” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb. Giáo dục, tr. 1149). Bên dưới trang sách có 2 chú thích: (1) Tả đạo : đạo bất chính, tà đạo, trái với đạo chính; (2) Dửu dân: chữ “dửu” nghĩa đen là cây cỏ lồng vực, giống cây mọc xen trong khóm lúa làm hại lúa. Nghĩa bóng là xấu; tập nhiễm thói xấu, thói ác gọi là “dửu”; dân tục thiện gọi là “lương”, ác gọi là “dửu”. Thời Tự Đức dùng chữ “dửu” này chỉ bên giáo.
Năm 1858 khi thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, vua Tự Đức ban hành lệnh Phân sáp, chia lìa những người trong cùng một gia đình Công giáo đem ghép vào các gia đình ở các xã thôn không theo Công giáo để tiện quản thúc. Trên má trái của người bị phân sáp thích hai chữ “ Tả đạo” để mọi người dễ nhận biết. Thực dân Pháp mượn chiêu bài “giảng đạo tự do” là cốt để ly gián người Công giáo Việt Nam với triều đình.Chúng gieo sự bất hòa trong nội bộ dân tộc ta để chúng dễ bề trục lợi.Triều đình nhà Nguyễn đã lọt vào kế ly gián của thực dân. Giáo dân Việt Nam không hề can dự vào âm mưu xâm lược của thực dân Pháp nhưng bị triều đình nhà Nguyễn nghi ngờ là những phần tử phản quốc, làm tay sai , ám thông cho thực dân Pháp. Nỗi nghi ngờ ấy được khắc sâu trong tâm khảm tầng lớp lãnh đạo và sĩ phu trong một thời gian khá lâu của lịch sử dân tộc Việt Nam. Phong trào Cần vương cũng không thoát khỏi não trạng ấy nên đã đưa ra khẩu hiệu : Tiên sát Tả, hậu bình Tây (Việc trước tiên giết hết bọn Tả đạo (Công giáo), sau đó mới đánh đuổi Tây dương). Hịch “Sát tả bình Tây” ra đời trên cơ sở ấy.
Hịch Sát Tả bình Tây
Có hai bài hịch Sát Tả bình Tây: một bản bằng chữ Hán và một bản bằng chữ Nôm.
Bài Sát Tả bình Tây hịch bằng chữ Hán có tất cả 29 liên. Liên mở đầu: “ Cái văn: Thệ đồng cừu nhi bào trạch, ngô nho địch khái chi hùng phong/ Tạm đầu bút nhi nhung hiên, quân tử dụng quyền nhi năng sự” ( Thường nghe: Chung áo xiêm đuổi giặc an dân, trang quân tử vốn sôi lòng quyết chiến/ Xếp nghiên bút ra tài cứu nước, bạn nho lưu đà quyết chí tranh cường – Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ dịch).
Tác giả bài hịch đã có cái nhìn về người Công giáo không chút thiện cảm: “ Thẩn tư Da tô du nhập ngã quốc : Ngữ kỳ thuật tắc xưng thiên xưng thánh, lung cổ ngu manh/ Quan kỳ hành tắc vô phụ, vô quân, khuyển dương tộc loại” (Kể từ lúc đạo Da tô lẻn vào đất Việt: Xét trí thuật xưng Trời, xưng Thánh, lừa bọn đui ngu/Xem hành vi bỏ nước, bỏ cha, cùng loài dê chó). Nghi kỵ giáo dân Công giáo là tay sai dẫn đường cho giặc xâm lược để hại giống nòi: “Hồ mạo hổ oai, dẫn chiên cừu vu quốc ấp/ Kê thê phụng tập, nhập xú loại vu môn đình/ Phụ khuyển mẫu phệ chi phong, tự khoa binh giáo/ Chúa Trời, Chi thu chi thuyết, phục uế thính văn” (Cáo mượn oai hùm, dẫn thù nghịch tanh hôi giày đất nước/ Gà leo nhánh phụng, dắt man di tàn ác hại quê nhà/ Cắn càn, cắn bậy khoe binh giáo viễn dương/Tin nhảm, tin xằng, bịa đặt Chúa Trời tây vực); “ Sử Tây tặc vô môn khả nhập/ Tắc dương di hà xứ đắc lai?” (Nếu Tây di không kẻ dắt vào/ Thì Mọi biển tài gì đến được?)
Bài Sát Tả bình Tây hịch bằng chữ Nôm có tất cả 48 liên . Liên mở đầu bài hịch: “ Tưởng thuở thái bình tại võ, bề khuôn tương để mặc khách thiên chung/ Đến nay Di Địch loạn Hoa, lòng tiết nghĩa phải xướng lời lục quán”. Nội dung bài hịch cũng có cái nhìn người theo Công giáo là nội ứng cho thực dân Pháp: “ Giận Tây Di đem thói cữu Châu/ Ghét Tả đạo tìm mưu trợ Kiệt/ Vả Tả đạo cưu nhờ tổ thước, ơn chưa đền chấu lại chống xe/ Mà Tây Di cáo giả oai hùm, lớn chi lắm rắn toan nuốt tượng”.Để bảo vệ Nho giáo cần phải sát Tả bình Tây: “ Nếu để Tây Di đắc chánh thời Ngũ kinh chi khỏi lửa Tần/ Bằng cho Tả đạo trưởng dân, ắt Thập ác lại treo cửa Khổng!”
Ai là tác giả hai bài hịch sát Tả bình Tây?
Linh mục Đặng Đức Tuấn khi bị đưa ra chất vấn ở Bộ Binh, Linh mục Đặng Đức Tuấn đã phân tích rõ bản chất của đạo Công giáo và bọn thực dân để triều đình khỏi lọt vào kế ly gián của thực dân mong thoát khỏi cảnh nồi da xáo thịt: “ Như giặc bởi nước Rô ma/ Thì tôi cam chịu đạo qua quấy rầy/ Vốn nay chẳng phải làm vầy/ Lang sa nước khác đến gây chiến trường/ Giặc này tôi chẳng biết tường/ Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh/ Vậy nên gây cuộc chiến tranh/ Nếu đi giảng đạo hoành hành sao nên?/ Xin suy lấy việc năm trên/ Đạo mà nội ứng với tàu Lang sa/ Thì khi tàu ấy mới qua/ Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây/Bởi đạo không có lòng này/ Đâu đó bình tĩnh xưa nay như thường/Phụng công, thủ pháp mọi đường/ Binh thuế như chúng, kiều lương như người/ Không lòng mạn phép dể ngươi/Không làm trộm cướp, không lời khinh khi/Đạo chẳng dám xuất, bỏ đi/ Là trọng Thiên Chúa , đâu vì Lang sa/ Triều đình là lượng mẹ cha/Bắt bớ thời chịu , thứ tha thời nhờ”. Người Công giáo Việt Nam thời bấy giờ ước ao: “Phải mà trên xuống chiếu ban/ Truyền cho bổn đạo tùng đoàn cự Tây/ Cam lòng liều thác bỏ thây/Ơn vua trả đặng lòng này mới ưng/ Kẻo rằng: trở mặt, sấp lưng/ Ở trong vương thổ trông chừng Tây dương”. Trong bài Minh đạo bình Tây sách dâng lên vua, Linh mục Đặng Đức Tuấn viết: “ Chí nhược Phú lãng sa tứ bạo xâm lăng, tức sắc lệnh cai đạo nhân vị quốc lập hiệu. Hữu công giả thưởng, hữu dị tâm giả tru kỳ tộc, cai đạo nhân tuy phấn cốt toái thân, diệc đồ báo nhi bất nhị kỳ tâm. Năng giả hiếu kỳ năng, dũng giả hiếu kỳ lực, tất trí bình Dương tặc nhi hậu dĩ” (Đến như việc giặc Pháp xâm lấn bờ cõi thì nhà vua sắc lệnh cho lũ người theo đạo Da tô phải vì nước lập công. Ai có công thì thưởng, đứa nào có lòng bất trung thì giết cả họ nó đi. Lũ theo đạo kia dầu xương nát thịt tan, quyết cũng giữ tấm lòng trung kiên báo đền ơn nước. kẻ có tài năng thì hiến dâng tài năng, kẻ có sức mạnh thì hiến dâng sức mạnh, tất phải cố gắng đến chừng nào đánh tan bọn giặc Biển mới thôi- Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ dịch)
Những lời tâm huyết của Linh mục Đặng Đức Tuấn đâu có được giới sĩ phu chấp nhận. Nội dung của hai bài hịch Sát Tả bình Tây đều bôi nhọ đạo Công giáo và kết tội giáo dân Việt Nam là tay sai làm nội ứng cho thực dân Pháp cho nên cần phải giết sạch giáo dân Công giáo mới mong đánh đuổi giặc Pháp được! Nếu khẳng định như các tác giả Nguyễn Thanh Quang, Đỗ Lan Hiền, Vũ Thu Hà, Phạm Ngọc Quỳnh chính Linh mục Đặng Đức Tuấn là tác giả bài Sát Tả bình Tây hịch thì thật là ấu trĩ , chưa hiểu ý nghĩa của hai chữ “Sát Tả” là gì! Chẳng lẽ Linh mục Đặng Đức Tuấn lại viết bài hịch kêu gọi mọi người đứng lên giết người đồng đạo vô tội của mình?
Theo Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim : “ Tháng giêng năm Giáp Tuất (1874) là năm Tự Đức thứ 27, đất Nghệ An có hai người Tú tài là Trần Tấn và Đặng Như Mai hội tập tất cả Văn thân trong hạt, rồi làm một bài hịch gọi là “Sát tả bình Tây” đại lược nói rằng: “ Triều đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo dân, rồi sau đánh đuổi người Tây cho hết, để giữ lại cái văn hóa của ta đã hơn 1000 năm nay,v.v”. Bọn Văn thân cả thảy độ non 3000 người, kéo nhau đi đốt phá những làng có đạo”( Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin,1999, tr. 549). Bài Sát Tả bình Tây hịch được cụ Trần Trọng Kim nhắc đến chính là bài hịch bằng chữ Hán; bài Sát Tả bình Tây hịch bằng chữ Nôm hiện chưa biết ai là tác giả và có nơi gọi là Sát Tả bình Tây Quảng Nam văn thân hịch.
Nếu nói tác giả Minh đạo bình Tây sách hoặc Hoành mao hiến bình Tây sách là Linh mục Đặng Đức Tuấn thì không ai phản đối, còn nếu ai đó cho dù có học vị cao, làm việc ở Viện này, Viện nọ mà khẳng định tác giả Sát Tả bình Tây hịch là Linh mục Đặng Đức Tuấn thì đó là người nghiên cứu còn hời hợt. Rất tiếc là những bài viết gán ghép cho Linh mục Đặng Đức Tuấn là tác giả bài hịch Sát Tả bình Tây của các tác giả được nêu trên lại được đăng tải trên những Tạp chí có uy tín đã gây nên một sự hiểu nhầm trầm trọng cho nhiều độc giả.
Nguyễn Văn Nghệ
Diên Khánh – Khánh Hòa