18/06/2018, 16:36

Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt Nam Bộ- Sự đa dạng trong thống nhất

Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam tại Châu Đốc, An Giang (Nguồn: TTXVN) Huỳnh Thiệu Phong Từ thuở hồng hoang của lịch sử nhân loại, vai trò của người phụ nữ đã được đánh giá là rất quan trọng, con người chỉ biết có mẹ mà hầu như ít quan tâm đến người cha. Điều này là dễ hiểu, bởi lẽ người đàn ...

nui_sam_mieu_ba_chua

Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam tại Châu Đốc, An Giang (Nguồn: TTXVN)

Huỳnh Thiệu Phong

Từ thuở hồng hoang của lịch sử nhân loại, vai trò của người phụ nữ đã được đánh giá là rất quan trọng, con người chỉ biết có mẹ mà hầu như ít quan tâm đến người cha. Điều này là dễ hiểu, bởi lẽ người đàn ông phụ trách đi săn bắt thú rừng, trong khi đó, người phụ nữ lại đảm nhận việc ở nhà nuôi con và hái lượm hoa quả. Hai công việc này mang lại nguồn lương thực rất khập khiễng: Hoa quả thì luôn có – thịt thú rừng thì vô chừng. Vì lẽ đó, vai trò của người đàn ông/ người cha là rất mờ nhạt và do vậy, chế độ Mẫu hệ[1] được hình thành như một tất yếu.

Tiến trình của lịch sử văn minh nhân loại đã trải qua một khoảng thời gian rất dài. Bao biến cố đã làm đổi thay nhiều phương diện trong đời sống của con người dưới góc độ văn hóa, đặc biệt hơn cả là trong đời sống văn hóa vật chất – văn minh loài người đã có nhiều đổi thay (liên quan đến sự phát triển của khoa học kĩ thuật). Tuy nhiên, với đời sống văn hóa tinh thần, dường như nhận thức của con người hiện đại vẫn còn lại ít nhiều dấu hiệu của thuở xa xưa. Điều chúng tôi muốn đề cập chính là những tàn dư của chế độ Mẫu hệ mà hiện nay, rất nhiều tộc người thiểu số ở Việt Nam vẫn còn lưu giữ mà ta có thể quan sát được.

Việt Nam và người Việt Nam Bộ cũng không nằm ngoài quy luật vận động chung đó của nhân loại!

Văn hóa Việt Nam được hình thành và phát triển trên nền tảng nông nghiệp lúa nước; vị thế và vai trò của người phụ nữ càng quan trọng hơn. Có một thời gian trong lịch sừ, sự xâm nhập và ảnh hưởng của Nho giáo với vai trò là một hệ tư tưởng, đã chi phối sâu sắc nhiều phương diện trong văn hóa Việt, trong đó đáng kể nhất là thái độ khinh miệt và xem thường người phụ nữ. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, vị thế của người phụ nữ vẫn được giữ vững. Trong những lúc dân tộc rơi vào thế nguy biến, nhiều phụ nữ đã đứng lên thống lĩnh, thể hiện bản lĩnh của người con gái Việt trong tư thế sẵn sàng hi sinh, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Huyền Trân công chúa, Công nữ Ngọc Vạn, nữ tướng Nguyễn Thị Định… là những người như thế!

Với người Việt (người Kinh), trong đời sống tâm linh tín ngưỡng, người Việt vẫn còn thể hiện rất rõ thái độ trọng thị phụ nữ qua một loại hình tín ngưỡng rất đặc sắc, rất Việt Nam – tín ngưỡng thờ Mẫu. Với đặc thù về địa lý tự nhiên, văn hóa Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất trên cơ sở cấu thành bởi các vùng văn hóa. Chính vì vậy, dù rằng phát tích của loại hình tín ngưỡng này là ở Bắc Bộ, song những biến thiên của lịch sử đã kéo theo sự mở rộng biên độ không gian thờ Mẫu đến khắp các vùng miền khác nhau trên cả nước, trong đó có vùng đất Nam Bộ. Thêm vào đó, với đặc trưng là vùng đất mới, Nam Bộ đã giang tay đón nhận không chỉ cộng đồng người Việt, mà còn đón nhận cả nhiều tộc người khác: Chăm – Hoa – Khmer. Chính sự hỗn cư đa tộc người trong không gian văn hóa Nam Bộ đã tạo điều kiện cho loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu được tích hợp nhiều giá trị văn hóa tộc người. Những giá trị đó đã được tích hợp qua các hình tượng Mẫu để rồi trở thành một phần của bản sắc Việt. Chúng đã quyện hòa vào nhau, lan tỏa và thăng hoa trong toàn bộ không gian văn hóa Nam Bộ.

Như đã đề cập, sự khác biệt về văn hóa vùng miền đã dẫn đến thực trạng là các hình tượng Mẫu được thể hiện ra bên ngoài rất đa dạng. Do vậy, tìm hiểu về tín ngưỡng này cần đi sâu vào bản chất của sự hình thành chứ không đơn thuần là xem xét những yếu tố ngoại tại. Chỉ xét ngay tại vùng đất Nam Bộ, hàng loạt các dạng thức “tín ngưỡng nhánh” của loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu đã được hình thành, đó là các hình tượng Bà Ngũ hành (Ngũ hành Nương Nương), Bà Chúa động, Bà Chúa Xứ (Chúa Xứ Thánh Mẫu), Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu), Bà ThủyLong, Tứ vị Thánh Nương (Bà Đại Càn)[2], Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Thánh Mẫu), Cửu Thiên Huyền Nữ, Phật Mẫu Diêu Trì (Diêu Trì Kim Mẫu)… Đó chỉ là một trong số ít những vị nữ thần được thờ phổ biến ở Nam Bộ mà chúng tôi đề cập. Từ những vị thần này, ta có thể tạm chia ra làm hai nhóm: Nữ thần và Mẫu thần.

+ Nhóm thứ nhất là những vị nữ thần, đây chính là biểu hiện đầu tiên của sự kế thừa “nguyên lý Mẹ”[3]. Ở đây, cần phân biệt Nữ thần và Mẫu Thần (Thánh Mẫu). Một vị Mẫu Thần thì chắc chắn là nữ thần, song Nữ thần thì chưa hẳn đã là Mẫu Thần. Những vị nữ thần của vùng đất Nam Bộ có thể kể đến như: Bà Ngũ hành, Bà Đại Càn, Kim Giao Thần Nữ, Bà Thủy Long, Bà Chúa Động… Nam Bộ là vùng đất mới mà do vậy, ở đây, cư dân với đặc tính thoáng và mở trong tính cách đã làm cho đời sống tinh thần và tâm linh rất phong phú đa dạng. Việc tồn tại đồng thời nhiều vị nữ thần như đã liệt kê cũng có thể xem là một minh chứng rõ nét cho tính cách đó của người Việt Nam Bộ.

+ Nhóm thứ hai là những vị Mẫu thần, như đã nói, nếu nữ thần là những vị thần nữ thì Mẫu Thần (hay còn gọi là Thánh Mẫu) không đơn thuần chỉ vị những vị thần mang giới tính nữ (trái ngược với nam thần). Nếu nữ thần nhấn mạnh đến yếu tố giới thì Thánh Mẫu lại nhấn mạnh đến yếu tố tâm thức dân gian. Ngoài việc xác định giới tính của các vị thần, cách gọi “Thánh Mẫu” cũng cho thấy độ phủ rất lớn về vai trò tâm linh đối với cư dân vùng đất Nam Bộ. Có một sự khác biệt khá rõ nét khi so sánh tín ngưỡng thờ Mẫu Thần và nữ thần mà tác giả cũng muốn chỉ rõ, tục thờ nữ thần thực ra đã có từ thời nguyên thủy, tuy nhiên, một số Mẫu thần lại được “cung đình hóa” và “lịch sử hóa” để nghiễm nhiên trở thành Mẫu Thần [Ngô Đức Thịnh 2009: 39]. Điều này phản ánh một triết lý trọng nữtrong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam chứ không phải như một số người đã thô thiển cho rằng phong kiến Việt Nam tôn sùng Nho giáo đến một mức độ cực đoan (?).

Quay lại với các vị Mẫu ở Nam Bộ, một đặc trưng rất rõ nét mà ta thấy rõ của các hình tượng Bà, các Bà chính là sản phẩm văn hóa của sự giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người. Có một điều mà tác giả đã đề cập ở trên chính là nguồn gốc của nhân loại là theo chế độ Mẫu hệ, do đó, đối với các tộc người cư ngụ tại vùng đất Nam Bộ như Việt – Chăm – Khmer[4], tất cả đã hội tụ chung ở đặc điểm này để rồi hình tượng của các Bà đã xuất hiện như một quy luật tất yếu khi sự cộng cư đã diễn ra. Trong một công trình gần đây của tác giả [Huỳnh Thiệu Phong 2015: 80], tôi đã thực hiện một thao tác đối sánh về sự hỗn dung văn hóa qua đại diện của 3 vị Mẫu ở Nam Bộ, đó là: Chúa Xứ Thánh Mẫu – Linh Sơn Thánh Mẫu – Thiên Hậu Thánh Mẫu. Kết quả đã chỉ ra các lớp văn hóa hiện hữu trong từng hình tượng Mẫu là sự hỗn dung của văn hóa các tộc người. Cụ thể, với Chúa Xứ Thánh Mẫu là sự giao lưu văn hóa Việt – Chăm (Yang Po Inư Nưgar) – Khmer (Neang Khmau); với Linh Sơn Thánh Mẫu là sự giao thoa văn hóa Việt – Khmer; đối với Thiên Hậu Thánh Mẫu thì hơi cá biệt một chút. Tôi nói cá biệt bởi lẽ, Thiên Hậu Thánh Mẫu khi được đưa vào Việt Nam cùng cộng đồng người Hoa đã có sự thay đổi về chức năng thờ phụng. Trước đây, những người Hoa di cư vào Việt Nam sử dụng phương tiện tàu thuyền là chủ yếu, việc di chuyển nhiều ngày trên môi trường biển cả đã khiến họ thờ Thiên Hậu như một giải pháp tâm linh, trấn an và độ trì họ vượt qua những khó khăn trên đại dương. Song, về sau khi vào đến Việt Nam, Bà Thiên Hậu lại trở thành một vị nữ thần tổng hợp, không chỉ cộng đồng người Hoa mà còn có người Việt khi đến viếng Bà cũng đều cầu mong sức khỏe, tiền tài và quan lộc như hai vị Mẫu kia, chứ không còn đơn thuần là cầu mong bình an như trước đây. Sự chuyển đổi giá trị và chức năng của hình tượng Mẫu này cũng rất đáng lưu ý.

Đa dạng là thế, song các hình tượng Mẫu ở Nam Bộ được người Việt Nam Bộ tạo ra thực ra đều hướng đến việc lựa chọn cho mình một vị thần cai quản địa phương nơi mình cư trú. Hay nói cách khác, nếu đem những vị Mẫu này so sánh với các vị Mẫu trong Tam phủ, Tứ phủ thì thật ra, họ chính là hiện thân cụ thể của Mẫu Địa – vị Mẫu cai quản Địa Phủ. Ở ngày đầu đến vùng đất mới, những hiểm nguy nơi vùng đất này luôn là mối đe dọa cho những lưu dân Việt. Về vật chất họ vốn dĩ đã rất thiếu thốn và khó khăn. Do đó, việc tìm cho mình một vị thần để chở che về phương diện tinh thần là một nhu cầu chính đáng. Nhờ có các vị Mẫu này mà họ như được tiếp thêm sức mạnh để chung lưng đấu cật, cùng nhau vượt qua những khó khăn thuở đầu khai hoang vùng đất mới. Theo tôi, đây là giá trị về nhân sinh quan rất cụ thể, rất thực tế và đồng thời cũng rất Nam Bộ.

Với những lý do đó, tác giả đồng ý quan điểm với nhà nghiên cứu Phan An khi cho rằng nét đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ chính là tính tích hợp và dung hợp, điều này là hoàn toàn trùng khớp với đặc tính văn hóa Nam Bộ [Phan An 2015: 16]. Tích hợp biểu hiện ở tính đa lớp của hình tượng các vị Mẫu vì như đã nói, các hình tượng Mẫu chính là sản phẩm văn hóa của toàn bộ cư dân các tộc người hiện hữu trên vùng đất Nam Bộ. Dung hợp ở chỗ nó diễn ra như một lẽ tự nhiên. Không có sự xung đột trong việc tranh giành của cộng đồng cư dân nơi đây về nguồn gốc của các Mẫu; đây cũng là một biểu hiện rõ nét của tính thoáng mở mà tác giả luôn nhấn mạnh khi đề cập đến Nam Bộ.

Ngày nay, khi đến lễ hội của các Mẫu[5], thực khó để ta phân biệt một cách rạch ròi hay giới hạn thành phần tham dự lễ hội, tất cả người dân vùng Nam Bộ, từ người Việt đến người Hoa, từ người Chăm đến người Khmer, bất phân tuổi tác hay giới tính, tất cả đều có thể hòa mình vào không gian lễ hội đầy ý nghĩa, đầy sắc màu tại nơi đây nếu muốn một lần được đến chiêm bái các Mẫu, được thể nghiệm bản thân với những ước mong về cuộc sống hiện thực, về sức khỏe, về quan lộc… Hiển nhiên, có những giá trị tiêu cực đã và đang nảy sinh tại các lễ hội, song cần nhìn nhận những giá trị nhân văn ẩn chưa bên trong để ta thấy được tâm tư, tình cảm, triết lý về nhân sinh quan của cộng đồng người Việt và những tộc người khác ở Nam Bộ thông qua các lễ hội liên quan đến loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tóm lại, với sự hiện diện đồng thời của nhiều dạng thức của tín ngưỡng thờ Mẫu qua rất nhiều hình tượng Mẫu ở Nam Bộ cho thấy bức tranh đa dạng của loại hình tín ngưỡng này. Tuy nhiên, giữa chúng luôn có một sợi dây xuyên suốt, kết nối những giá trị đó với nhau, tạo thành một dạng tín ngưỡng thống nhất một thể. Những điểm nhấn đó đã góp phần tạo nên một bức tranh về đời sống tín ngưỡng trọn vẹn của vùng đất Nam Bộ, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cả dân tộc Việt Nam nói chung, của vùng đất Nam Bộ nói riêng./.

  H.T.P

Sài Gòn, 19-09-2016.

0