Hoạt động trước khi nghe trong học tiếng Anh
(ĐHVH) - Nghe hiểu là một trong những kỹ năng quan trọng đối với người học tiếng Anh. Theo O’Malley, Chamot and Kupper (1989), nghe hiểu là quá trình người nghe chủ động và tìm ý nghĩa của những thông tin qua những gì họ tiếp nhận được từ thị giác và thính giác, liên hệ với kiến thức vốn có ...
(ĐHVH) - Nghe hiểu là một trong những kỹ năng quan trọng đối với người học tiếng Anh. Theo O’Malley, Chamot and Kupper (1989), nghe hiểu là quá trình người nghe chủ động và tìm ý nghĩa của những thông tin qua những gì họ tiếp nhận được từ thị giác và thính giác, liên hệ với kiến thức vốn có của bản thân nhằm hiểu được ý của người nói.
Việc dạy kỹ năng nghe là giúp người học rèn luyện kỹ năng nhận biết kiến thức ngôn ngữ trong quá trình rèn luyện kỹ năng nghe. Tuy nhiên đây là một kỹ năng khó và thực tế cho thấy sinh viên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghe hiểu và ảnh hưởng đến kết quả làm bài. Người ta đã tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra những nhân tố gây khó khăn trong quá trình nghe ngôn ngữ thứ hai – một kĩ năng khó đối với người học tiếng Anh. Theo nghiên cứu của Brown and Yule (1983), có bốn yếu tố ảnh hưởng là người nói, người nghe, nội dung thông tin và trang thiết bị hỗ trợ nghe. Buck (2001) thì cho rằng năng lực ngôn ngữ của người nghe, đặc điểm bài tập nghe và sự tương tác giữa người nghe với bài tập mới là nguyên nhân gây ra khó khăn trong quá trình nghe hiểu. Tác giả Hasan (2000) lại cho thấy đó là do việc sử dụng cách thức nghe không hiệu quả, trở ngại về chất lượng của ngữ liệu nghe bao gồm tốc độ nói, độ trong và giọng đặc trưng được sử dụng và khả năng về ngôn ngữ còn hạn chế của người học…
Các nhân tố gây ra khó khăn cho người học trong quá trình nghe hiểu ngôn ngữ thứ hai được chia thành 3 nhóm chính gồm đặc điểm bài nghe (tốc độ phát ngôn, sự ngập ngừng của người nói, tính phức tạp trong bài nghe như sự sắp xếp thông tin trong nội dung bài nghe và số lượng người nói trong bài, ngữ liệu bài nghe – đàm thoại hay bài giảng), dạng bài tập nghe – mỗi dạng bài lại gây ra những khó khăn riêng cho người nghe như việc không quen với đề tài nghe, và năng lực ngôn ngữ hạn chế (vốn từ vựng, khả năng nghe nhận biết từ, thiếu sự tập trung hay trí nhớ kém...)
Một bài giảng nghe để người học nghe có hiệu quả, theo quan điểm của Underwood (1989: 30-78), sẽ trải qua ba giai đoạn đó là:
(1) Pre-listening – giai đoạn trước khi nghe, mục đích của giai đoạn này là gợi mở hứng thú, đưa ra thành bài tập nghe và tạo được động lực nghe cho người học. Một trong những phương pháp được áp dụng ở giai đoạn này là đưa ra các câu hỏi, gợi ý liên quan đến chủ đề nghe nhằm giúp người học có những suy nghĩ, suy đoán về nội dung bài nghe. Bên cạnh đó có thể cung cấp thêm các tài liệu để bổ sung kiến thức về ngôn ngữ cho chủ đề này như tranh ảnh minh họa, bảng biểu, các bài báo, và tổng kết từ vựng.
(2) While-listening – giai đoạn trong khi nghe. Để sinh viên nghe và chủ động dừng lại ở những đoạn cần thiết ví dụ như tìm ra được từ khóa trong một đoạn và chủ đề của toàn bài nghe, từ đó có thể đoán nghĩa được cả câu thông qua ngữ cảnh, hay đoán được nghĩa qua nội dung của diễn ngôn, hoặc ngữ điệu và trọng âm; nhắc lại những phần khó hoặc phần quan trọng.
(3) Post-listening – giai đoạn sau khi nghe. Mục đích cần đạt được của giai đoạn này là tổng kết, và nhấn mạnh lại một lần nữa. Và kiểm tra lại xem độ hiểu bài của sinh viên tới đâu. Tổng kết về cấu trúc ngữ pháp, từ mới, pháp âm và có thể liên kết với một vài kỹ năng khác nữa.
Với nhiều nội dung, nhiều hoạt động cần thực hiện như vậy nhưng vì thời gian không cho phép nên thông thường kỹ năng nghe chỉ dừng lại ở việc tổ chức thực hiện phần while-listening, hai phần còn lại thường bị dạy lướt hoặc bị bỏ qua. Tuy nhiên, việc dạy lướt hai phần này thường làm cho người học thấy hụt hẫng, choáng ngợp, bị động và khó có thể nắm bắt, học được nhiều từ bài nghe, từ đó phát triển kỹ năng nghe. Bài viết tập trung vào bước pre-listening bởi nếu bước pre-listening được chuẩn bị tốt thì hai bước còn lại while-listening và post-listening sẽ là hoạt động nhẹ nhàng và hiệu quả đối với cả người dạy và người học.
Những hoạt động pre-listening (trước khi nghe)
1. Tại sao cần thực hiện những hoạt động trước khi nghe?
Trên thực tế, người ta ít khi nghe những vấn đề mà họ không biết họ sẽ nghe gì. Khi nghe một chương trình phát thanh, họ có thể sẽ biết vấn đề nào đang được thảo luận. Khi nghe một cuộc phỏng vấn với một nhân vật nổi tiếng, họ cũng có thể biết chút ít về người đó rồi. Một nhân viên phục vụ bàn biết về thực đơn mà từ đó thực khách lựa chọn món ăn cho họ.
Hiếm khi chúng ta gặp khó khăn khi nghe ngôn ngữ thứ nhất. Tuy nhiên, với ngôn ngữ thứ hai, nghe hiểu lại là một trong những kỹ năng khó cải thiện khi phải nắm bắt nhanh chóng những âm, từ ngữ và cấu trúc lạ. Việc này thậm chí còn khó hơn nếu chúng ta không biết chủ đề đang thảo luận là gì hay ai đang nói với ai.
Vì vậy việc yêu cầu sinh viên nghe vấn đề nào đó và trả lời một vài câu hỏi dường như hơi bất công đối với các em và khiến việc phát triển kỹ năng nghe càng khó khăn hơn nhiều.
Rất nhiều sinh viên sợ nghe và có thể thấy chán khi họ nghe được điều gì đó nhưng lại thấy không hiểu hoặc hiểu rất ít. Hơn nữa, việc tập trung khi nghe cũng khó nếu bạn ít quan tâm, hay không hứng thú với một chủ đề hoặc một tình huống.
Các hoạt động trước nghe nhằm mục đích giải quyết tất cả các vấn đề này. Chúng tạo ra sự hứng thú, xây dựng lòng tin và hỗ trợ cho việc nghe hiểu – làm cho người học có lý do để nghe, để so sánh với suy đoán của họ, dễ dàng giới thiệu chủ đề nghe, một số từ và cấu trúc bài nghe được giới thiệu và làm cho phần nghe dễ hơn, phát huy tính sáng tạo của sinh viên, nhiều hoạt động khác nhau được áp dụng giúp cho việc nghe có tính giao tiếp và tương tác tốt hơn.
2. Mục đích và các loại hoạt động trước khi nghe
- Tạo ngữ cảnh
Đây có lẽ là việc quan trọng nhất – phần lớn các bài kiểm tra để định hướng cho biết ai đang nói, ở đâu và tại sao. Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường biết về ngữ cảnh của vấn đề mà chúng ta đang nghe.
- Tạo hứng thú
Khơi dậy sự hứng thú, động viên sinh viên là nhiệm vụ cốt lõi chúng ta cần thực hiện. Nếu họ nghe hiểu về thể thao thì việc nhìn một vài bức tranh sống động về vận động viên thể thao hoặc các sự kiện thể thao sẽ khiến họ hứng thú hơn và có thể cũng khiến họ nhớ lại về lý do họ thích thể thao. Những hoạt động mang tính cá nhân hóa rất quan trọng trong việc tạo sự quan tâm hứng thú ở sinh viên. Một cuộc thảo luận theo cặp về những môn thể thao mà họ chơi hay xem, và nguyên nhân, sẽ khiến họ gắn với chủ đề và làm cho họ tự tin hơn để sẵn sàng nghe.
- Vận dụng kiến thức đã có – bạn biết gì về…?
“Các em sẽ nghe một người đi tham gia chiến dịch sinh thái nói về việc phá hủy rừng nhiệt đới”. Bản thân chỉ dẫn này đã tạo ra ngữ cảnh, nhưng nếu bạn lập tức bắt đầu nghe luôn thì sinh viên không có thời gian liên hệ hay vận dụng kiến thức của họ (mà có thể đã được học bằng ngôn ngữ thứ nhất) sang ngôn ngữ thứ hai. Họ có những hiểu biết gì về rừng nhiệt đới? Rừng nhiệt đới là gì? Chúng ở đâu? Những vẫn đề mà rừng nhiệt đới đang phải đối mặt là gì? Tại sao rừng nhiệt đới quan trọng? Một người tham gia chiến dịch sinh thái có thể làm gì? Các tổ chức nào tham gia, vận động chiến dịch liên quan đến các vấn đề sinh thái?
- Thu nhận kiến thức
Sinh viên có thể có những hạn chế về kiến thức cơ bản, hay những kiến thức nền về một chủ đề nào đó. Việc cung cấp kiến thức này sẽ xây dựng sự tự tin ở sinh viên khi họ nghe. Việc này có thể được thực hiện thông qua việc giao một đoạn văn liên quan đến chủ đề đó cho sinh viên đọc hay thú vị hơn thì có thể đố vui, giải ô chữ.
- Vận dụng từ vựng / ngôn ngữ
Vì việc vận dụng kiến thức liên quan đến chủ đề quan trọng nên việc vận dụng ngôn ngữ có thể được sử dụng trong bài nghe cũng quan trọng không kém. Những hoạt động chủ yếu liên quan đến kiến thức có thể được đưa ra nhằm mục đích này, nhưng cũng có thể thực hiện những hoạt động khác. Nếu sinh viên chuẩn bị nghe một đoạn hội thoại giữa một phụ huynh và một thiếu niên - người muốn ngủ qua đêm tại nhà một người bạn, thì tại sao không để sinh viên đóng vai tình huống này trước khi nghe. Họ có thể động não về ngôn ngữ trước và sau đó thực hiện đóng vai. Qua việc dành thời gian để suy nghĩ về ngôn từ được sử dụng cho tình huống, họ sẽ được chuẩn bị kỹ càng để làm bài nghe.
- Đoán nội dung
Một khi chúng ta biết về văn cảnh của một vấn đề nào đó, chúng ta sẽ có thể dự đoán được nội dung. Hãy cố gắng đưa ra những phương án lựa chọn mà họ có thể hoặc không thể đoán trước được khi nghe, và yêu cầu họ chọn những thứ mà họ nghĩ sẽ đề cập tới. Đoán nội dung có thể là:
· Đoán chủ đề
· Đoán người tham gia hội thoại
· Đoán địa điểm xảy ra hội thoại
· Đoán những từ xuất hiện trong bài nghe trong số những từ cho sẵn
· Đoán Đúng / Sai
· Đoán trình tự các sự kiện xảy ra trong bài nghe
- Học trước từ vựng
Khi nghe bằng ngôn ngữ thứ nhất, chúng ta thường tập trung vào toàn bộ nghĩa bởi vì chúng ta biết nghĩa của từ. Đối với sinh viên, nhiều từ họ không biết thường gây cản trở khi nghe hiểu và tất nhiên làm cho họ không tự tin. Hãy chọn một vài từ để cho sinh viên học trước khi nghe, có thể cho sinh viên làm bài tập ghép từ với nghĩa, sau đó làm một bài thực hành đơn giản như điền từ vào chỗ trống.
- Kiểm tra / Hiểu các bài nghe
Thông qua việc cho sinh viên thời gian đọc và hiểu các bài tập nghe hiểu chủ yếu, bạn tạo điều kiện cho sinh viên hiểu chút gì đó về nội dung của bài nghe và thậm chí họ có thể dự đoán được câu trả lời trước khi nghe.
3. Các tiêu chí lựa chọn
Khi lập kế hoạch bài giảng và đặc biệt là chuẩn bị cho các hoạt động trước nghe, bạn nên chú ý tới một vài nhân tố sau:
- Thời gian
- Nguồn tài liệu
- Khả năng của sinh viên trong lớp
- Sở thích hay những vấn đề mà sinh viên trong lớp thường quan tâm
- Bản chất và nội dung của bài nghe
Việc chọn hoạt động trước nghe cho bạn cơ hội để xếp loại bài nghe cho những trình độ, khả năng khác nhau. Nếu bạn có một lớp nhìn chung sinh viên rất cố gắng, chăm chỉ nghe thì càng tăng cường những hoạt động trước nghe càng tốt. Tuy nhiên nếu bạn muốn bài tập có độ khó hơn, đòi hỏi cao hơn, bạn có thể đơn giản tổ chức hoạt động về nội dung của bài nghe. Vì vậy, cùng một bài nghe có thể có nhiều hoạt động cho những trình độ, khả năng khác nhau.
Lưu ý: Hoạt động pre-listening phải vừa phải, không được quá nhiều và chủ yếu gợi ý và kích thích sự tò mò với chủ đề là chính.
Tóm lại, việc đưa các hoạt động trước nghe vào một bài nghe là giai đoạn quan trọng và cần thiết. Vì trình độ ngoại ngữ của sinh viên trong một khoa và giữa các khoa không đồng đều, nghe hiểu lại là một kỹ năng khó nên giáo viên cần linh hoạt trong việc áp dụng các hoạt động này tùy theo mục đích, khả năng ngôn ngữ của các em. Với các khoa Di sản Văn hóa, Quản lý Văn hóa Nghệ thuật hay Văn hóa Dân tộc thiểu số, thời lượng giờ dạy tiếng Anh cơ bản quá ít (105 tiết) trong khi trình độ tiếng Anh đầu vào không cao nên việc đưa các hoạt động trước nghe vào bài học là chưa thực sự phù hợp và thiết thực đối với sinh viên. Nhưng với sinh viên các khoa Văn hóa Du lịch, Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế, trình độ ngoại ngữ khá hơn, đồng thời, thời lượng dạy và học tiếng Anh nhiều hơn (ngoài tiếng Anh cơ bản còn có tiếng Anh chuyên ngành) nên việc thực hiện các hoạt động trước nghe này giúp tạo hứng thú, khả năng ngôn ngữ và giúp các em đạt hiệu quả hơn khi làm bài nghe.
Tài liệu tham khảo
1. Peterson. P.W. (1991). “A synthesis of methods for interactive listening”. In M. Celce-Murcia (Ed.) “Teaching English as a Second or Foreign Language” (2nd ed.). Boston: Newbury House
2. “Teaching listening better” , ABAX ELT Publishers
3. http://www.teachingenglish.org.uk/articles/pre-listening-activities
4. http://giaoan.violet.vn/present/show?entry_id=393732
Bài: Phạm Thị Tuyết Nhung - GV khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế
Admin2.
hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip