23/05/2018, 15:15

Muốn dạy chim nhồng “nói” phải nuôi nhồng con

Trong việc thuần hóa chim rừng nói chung, và nuôi các giống chim biết nói, cũng như chim thả trong nhà, trong vườn, ông bà ta có kinh nghiệm là nên nuôi từ chim non (nhồng con), bắt về từ trong tổ. Điều này rất đúng, ta nên bắt chước. Chim con bắt từ tổ về, chúng còn non ngày tuổi, chưa tự biết ...

Trong việc thuần hóa chim rừng nói chung, và nuôi các giống chim biết nói, cũng như chim thả trong nhà, trong vườn, ông bà ta có kinh nghiệm là nên nuôi từ chim non (nhồng con), bắt về từ trong tổ. Điều này rất đúng, ta nên bắt chước.

Chim con bắt từ tổ về, chúng còn non ngày tuổi, chưa tự biết ăn mồi mà sống, và nhất là chưa hề biết… sợ người, vì vậy thuần hóa chúng rất dễ. Khi chim đã lớn khôn, chúng tỏ ra thân thiện ngay với chủ nuôi và mọi người chung quanh. Nếu sự tiếp xúc giữa người và chim càng ngày càng gắn bó thì mối quan hệ càng khắng khít, nhờ đó mà chim dạn dĩ và phát triển tài năng của nó (hót hay nói) được dễ dàng và sớm hơn.

Nói riêng về con Nhồng cũng vậy, ta nên nuôi từ Nhồng con, dưới một tháng tuổi mới tốt.

Ở nước ta, từ Nam chí Bắc, mùa sinh sản của các loại chim bắt đầu từ giữa mùa xuân cho đến tháng tháng đầu đông mới chấm dứt. Trong mùa sinh sản của chim, ở các chợ chim đều có chim con bày bán: vài tuần tuổi có, mà một hai tháng tuổi cũng có. Chim càng non ngày tuổi thì khờ dại, tuy nuôi nấng có phần nào vất vả, khó khăn, nhưng lớn lên chim mau “khôn”, dạn dĩ với người nên dễ lập luyện về sau này.

Với những chim lớn tháng tuổi, đừng nói chi chim bổi mà ngay chim chuyền cũng đã khó thuần hóa, vì chúng đã quen sống với đời sống tự do trong rừng sâu núi thẳm, nên không dễ gì quen được với môi trường sống quá chật hẹp trong chiếc lồng tre hay mây chật chội! Nhốt vào lồng, chim hễ thấy người đến gần là sợ.

Chim con tất nhiên giá đắt hơn chim bổi,  nhưng với chim biết “nói” như Nhồng thì chỉ nuôi từ chim con mới có lợi mà thôi. Nói rõ ra, Nhồng chỉ biết tập “nói” từ tháng tuổi thứ năm, thứ sáu mà thôi. Nếu để qua cái tuổi này mới bắt về nuôi thì ta không cách nào tập chúng “nói” được cả. Ngay những người nuôi Nhồng từ chim con lên, mà khi chim ở vào tuổi học nói mà mình không quan lâm chú ý đến việc luyện tập thì con Nhồng đó cũng “hư” luôn, sau này dù chuyên cần và khéo léo đến đâu trong việc tập luyện ta cũng không tài nào giúp cho chim đó… mở miệng “nói”  được! Ngược lại, nếu ta biết cách tạo cho chim vào nề nếp sớm, rồi dạy cho chim “nói” đúng vào tuổi của nó thì nó có thể tiếp thu được bài học đến ba bốn năm sau, và học được rất nhiều câu.

Do nước ta có Nhồng sinh sống nên vào mùa sinh sản của chúng, người nuôi chỉ việc đến các khu chợ chim hay các gian hàng bán chim kiểng tha hồ chọn lựa Nhồng con về nuôi. Đó là một điều vô cùng may mắn mà thiên nhiên đã ưu dãi cho ta, nhưng tiếc thay nhiều người chơi chim lại không biết đến điều đó.

Bạn có biết chăng, hiện nay có nhiều nước trên thế giới do trong lãnh địa của họ không có giống Nhồng sinh sống, nên họ phải nhập Nhồng con từ xứ khác về. Như vậy vừa phải mua với giá cao, và không dễ gì có được con chim non ngày tuổi về nuôi như chúng ta vậy.

Này nhé, Nhồng con tuy được lấy đi từ khỏi tổ khoảng ba tuần tuổi, nhưng các Nhồng con đó được vận chuyển ra nước khác bằng tàu gần lắm cũng mất vài tuần mà xa cũng cả tháng mới tới. Chim con được nhốt trong những chiếc thùng dài và rộng, các mặt bên là lưới kẽm cho thông thoáng giúp chim khỏi ngạt thở, vì các thùng đó được xếp trong các đông hàng hóa khác. Hằng ngày chúng được thương lái cho ăn bằng tay nên cũng quen dần với người. Thức ăn chủ yếu là gạo rang, cá thái nhỏ và rau xanh được nấu chín. Một người nuôi chim con chuyên nghiệp có thể đảm trách cho chim Nhồng con ăn mỗi ngày được vài trăm con.

Đến giờ ăn, chim con được tụ lập lại, chúng đòi ăn bằng những tiếng kêu khàn khàn phát ra từ cổ họng nhỏ xíu của chúng. Chúng thích được cho ăn bằng tay và dạn dĩ trèo lên cánh tay của người cho ăn, hoặc đậu trên gối, trên đầu và vai nữa. Con nào đang được đút mồi thì yên lặng rồi rướn cao cổ lên để nuốt lấy thức ăn một cách ngon lành…

Chim con đến bờ đến hến, thường đã sáu bảy tuần tuổi, nhưng chắc gì đã sớm được đến tay người nuôi. Vì vào tay nhà nhập khẩu, chúng còn bị kiểm tra sức khỏe, ít ra cũng vài ba tuần, sau đó mới đến tay người muốn nuôi chúng.

Đến lúc này tuy con chim mạnh khỏe thật, nhưng dù sao chúng cũng khó lòng chấp nhận ngay được với môi trường sống mới, tạo nên cái khó cho người nuôi dưỡng chúng…

Chúng ta dễ dàng mua được chim con vài ba tuần tuổi mà nuôi. Với những chú chim còn quá non tuổi này thường rất yếu ớt, ngoài những lúc đối khát há choạc mỏ đòi ăn, những lúc khác chúng chỉ biết chúi đầu vào nơi ấm áp mà ngủ ngon lành.

Do Nhồng khó phân biệt được trống mái, nhưng không phải vì vậy mà khi mua không có sự chọn lựa. Trái lại, chúng ta cần phải chọn lựa thật kỹ: nên chọn những con chim có sức vóc khỏe mạnh, thường há mỏ đòi ăn; nên quan sát kỹ các bộ phận trên mình như mắt, mỏ, cánh, chân… xem có bị thương tật gì không. Cần phải khắt khe tối đa với chính mình trong việc chọn lựa này, như vậy sau này mới có con chim vóc dáng tốt mà nuôi. Ngược lại, nếu ta thờ ơ trong việc chọn lựa thì sau này có thể chuốc lấy sự ân hận, và như thế là đã quá muộn.

Ai cũng biết nuôi Nhồng là để dạy “nói”, và giá trị con Nhồng cao hay thấp là cũng ở tài nghệ nhái giọng này. Nhưng, dù con Nhồng có biệt tài “nói” giỏi đến đâu đi nữa mà vóc dáng của nó quá xấu xí thì giá trị cũng bị giảm sút. Vì rằng nuôi Nhồng cũng với mục đích làm chim kiểng nữa, chứ không chỉ khai thác tài “nói” của nó không thôi.

Nếu trong tay có con Nhồng “tài sắc”  lưỡng loàn thì chắc ai cũng thích thú.

Nuôi Nhồng còn non ngày tuổi đòi hỏi người nuôi phải cổ chút kiên tâm trì chí trong việc chăm sóc và nuôi nấng chúng. Có thể nói người nào chịu khó chăm sóc thì người đó gặt hái được nhiều thành công.nhong con

Nuôi chim con cũng chẳng khác gì nuôi… con mọn, cũng phải “nâng như trứng, hứng như hoa mỗi khi cho ăn uống và ngủ ngáy. Nhưng, công việc này đâu có đòi hỏi thời gian quá lâu, chỉ độ vài tuần là nhiều. Vì khi chim con đã tự biết ăn uống (ngoài bốn tuần tuổi) thì ta đâu còn vất vả trong việc chăm lo cho chúng nữa!

Chim con đã biết ăn uống thì ta nên cho chúng sống vào nền nếp ngay: mỗi con Nhồng được nuôi riêng một lồng để chúng sống xa cách nhau, quen dần với nếp sống đơn độc, có như vậy sau này mới dễ tập “nói”.

Tóm lại, nuôi Nhồng để dạy “nói ” ta phải nuôi từ Nhồng con, con non ngày tuổi. Những chim chuyền dù là mới năm sáu tháng tuổi, dù bắt về nuôi riêng, dù có chế độ nuôi dưỡng và huấn luyện đặc biệt, chúng chỉ biết nói gió mà thôi. Ta nên thả những chim lớn ngày tuổi này trở về rừng để chúng tiếp tục sinh sản…

0