18/06/2018, 16:12

Mục tiêu đào tạo tiến sĩ: Xưa và Nay (tiếp)

Phần 2. Đào tạo tiến sĩ thời nay Bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Nguyễn Ngọc Lanh Mục tiêu đào tạo tiến sĩ: Xưa và Nay (Phần 1) “Thời nay” là kể từ khi nào? – “Thời nay” là từ 1919, cách nay 96 năm . Đó là thời điểm nền cựu học bị ...

Phần 2. Đào tạo tiến sĩ thời nay

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Nguyễn Ngọc Lanh

Mục tiêu đào tạo tiến sĩ: Xưa và Nay (Phần 1)

“Thời nay” là kể từ khi nào?

– “Thời nay” là từ 1919, cách nay 96 năm. Đó là thời điểm nền cựu học bị chấm dứt, kết thúc vĩnh viễn chuyện đào tạo các tiến sĩ nho học – nguồn nhân lực cho ngạch hành chính (các quan văn) thời xưa. Nền học mới (tân học) – do người Pháp áp đặt – chính thức lên ngôi, với nhiều ngành học, nhiều cấp học, do vậy nhiều loại văn bằng. Tất nhiên, các văn bằng này viết bằng tiếng Pháp, cần sớm được dịch sang tiếng Việt. Cách dễ nhất là gán cho bằng cấp tân học những cái tên Việt sẵn có của nền học cũ; và chỉ cần thêm “ta” và “tây” để phân biệt. Ví dụ, tú tài “ta’ và tú tài “tây”; cử nhân “ta” và cử nhân “tây”… Loại khẩu ngữ này rất phổ biến một thời, nay không ai còn dùng, bởi vì ngày nay chẳng cần phân biệt “tây – ta” nữa.

Mọi việc có vẻ ổn, trừ một điều tai hại không ngờ. Đó là tấm bằng docteur (tiếng Pháp) bị gọi là “tiến sĩ” – dù có phân biệt tiến sĩ “tây” và tiến sĩ “ta”. Lúc đầu cứ tưởng chẳng qua, đây chỉ là cái tên, vô hại, cứ dùng rồi sẽ quen. Nhưng không phải. Cái hại ngót trăm năm sau mới bộc lộ.

– Cũng có thể coi “thời nay” bắt đầu từ năm 1935, cách đây 80 năm. Đó là khi trường đại học Y-Dược Đông Dương – tọa lạc ở phố Lê Thánh Tông, Hà Nội – tổ chức bảo vệ luận án và cấp các văn bằng docteurs (tiếng Anh là doctors) đầu tiên. Nói bằng tiếng Việt thời xưa, đó là những tiến sĩ “tây”, chuyên ngành Y khoa. Như vậy, điều khác nhau đầu tiên là tiến sĩ “ta” chẳng có chuyên ngành (trần sì một chuyên ngành) còn tiến sĩ “tây” có rất nhiều chuyên ngành, thậm chí còn chuyên ngành rất sâu. Ngay năm 1935, trong số 12 docteurs ngành Y, đã gồm 10 chuyên ngành sâu. Để phân biệt tiến sĩ “ta” và “tây”, bài này dùng hai từ: tiến sĩ nho học và doctor.

– “Thời nay” có thể chia thành 2 giai đoạn: lành mạnh và lệch lạc.

Lẽ ra, chẳng cần chia bơi làm gì, nếu không có sự lệch lạc đưa đến những tác hại mà hiện nay chưa thể đánh giá đầy đủ: Coi chúng lớn đến mức nào.

          Giai đoạn đầu, hầu hết các docteurs làm việc ở đúng nơi (viện nghiên cứu, trường đại học) và làm đúng nghề (nghiên cứu khoa học và đào tạo). Được vậy, là nhờ ban đầu (trước 1945) các docteurs y khoa người Việt được cùng làm việc có các docteurs người Pháp; còn các docteurs khác được đào tạo từ châu Âu (đa số từ Pháp), nay về nước làm việc, họ vẫn đầu tư xứng đáng công sức cho nghiên cứu khoa học. Ví dụ: các vị Nguyễn Văn Chiển, Phạm Duy Khiêm, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Huy Liệu, Trần Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Văn Huyên… vân vân. Có lẽ, sử học nước nhà cần kê đủ mọi danh tính cho cái vốn ban đầu – tuy còn ít ỏi – mà rất quý giá này.

         Giai đoạn sau, trong số (ngày càng đông đảo) các doctors tuy vẫn có các vị thật sự làm nghiên cứu, không kể già hay trẻ (Hoàng Tụy, Lê Kinh Duệ, Hoàng Thủy Nguyên, Phan Thị Phi Phi, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Huệ Chi, Hồ Ngọc Đại, Hoàng Xuân Phú…), nhưng tính bằng tỷ lệ (%) thì ngày càng thiểu số.

Phải nói ngay rằng một nhà khoa học lãnh đạo một cơ quan khoa học là rất bình thường. Đó không phải là “quan” (theo nghĩa quan văn ngày xưa). Ví dụ, BS Tôn Thất Tùng đứng đầu một bệnh viện; BS Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng đại Học Y-Dược…. Khi số doctors còn quá hiếm, một số được đặt vào các vị trí “quan” cũng là bình thường, nhưng họ không bỏ hẳn sự nghiệp khoa học. Vũ Đình Hòe hoặc Nguyễn Văn Huyên, dù làm bộ trưởng Giáo Dục, họ vẫn là những nhà khoa học. Cũng là bình thường…

Tới lúc xu thế lệch lạc bắt đầu hiện rõ, ngày càng rõ và trở thành lấn át xu thế lành mạnh. Ngày càng nhiều doctors cứ hành xử như tiến sĩ nho học: làm quan, và chỉ làm quan, làm quan suốt đời.

Sử học nước nhà rất nên xác định cái thời điểm tai hại này. Có thể tra cứu các kho lưu trữ để tìm ra một-vài vị quan chức (ví dụ, cấp vụ, cấp thứ trưởng hay bộ trưởng) được ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, có được tấm bằng doctor “thật”, “xịn”; nhưng về nước (năm nào, cần xác định) lại không nghiên cứu khoa học, mà “thăng quan, tiến chức” cho đến khi về hưu. Các vị này xứng đáng là người mở đầu cho sự lệch lạc. Tuy nhiên, khi quy kết nguyên nhân, các vị này chưa hẳn đã có lỗi. Xu thế chung như vậy, thì đáng trách là cái cơ chế (và tác giả của nó), chứ đâu cần trách những cá nhân suôi theo cơ chế.

Hiện nay (2014), theo những tin tức chính thức, nước ta đang có 24 ngàn doctors. Trong số 24 ngàn vị doctors này, có tới trên 50% bỏ nghề nghiên cứu khoa học. Đó là về lượng. Để hình dung sự lệch lạc về chất, có thể lấy ví dụ trường hợp cực đoan nhất, là tiến sĩ Dương Chí Dũng.

Bởi vậy, bài này tuy nói về lịch sử (đề cập những gì thuộc quá khứ), nhưng vẫn phải liên hệ và nói tới những gì liên quan trong hiện tại.

Cách đây 100 năm: Docteur bị gọi nhầm là “tiến sĩ”

Đó cũng là thời điểm lịch sử ra đời một quan niệm sai lầm, dẫn tới sự lệch lạc lớn hôm nay. Chẳng cần nghĩ nhiều, các cụ ta dưới thời vua Khải Định – khi muốn tìm tên Việt cho tấm bằng docteur (tiếng Pháp) – các cụ chỉ việc bắt nó phải nhận cái tên “tiến sĩ” – mà ta đã quá quen sử dụng từ ngàn năm trước. Tất nhiên, các cụ cũng có những căn cứ để gán ghép. Trước hết, hai tấm bằng này giống nhau ở chỗ… đều là những học vị cao nhất của 2 nền học. Thứ hai, chúng đều đòi hỏi học sinh phải “dùi mài kinh sử” khoảng 15-20 năm. Hết. Chế độ phong kiến chưa có khái niệm về nghiên cứu khoa học.

Tai hại. Bằng cấp, chẳng qua là tờ giấy chứng chỉ cho phép chủ nhân làm một nghề cụ thể. Vậy có thể “tóm lại” bằng một câu: “tiến sĩ ta” được đào tạo để làm nghề quan; còn docteur (tiến sĩ “tây”) để làm nghề nghiên cứu khoa học… Ở nước ta, sự nhầm lẫn giữa hai nghề này kéo dài cả trăm năm.

– Tai hại đầu tiên là tên gọi “tiến sĩ tây” được cả dân chúng và nhiều người “có học” vẫn coi y như “tiến sĩ ta”, lưu truyền đến tận hôm nay. Xã hội tiểu nông rất trì trệ, do vậy nếp nghĩ cũng không dễ thay đổi. Dân cứ mặc nhiên gọi ông tiến sĩ luật Hồ Đắc Điềm là “quan trạng”, gọi ông đốc-tờ Nguyễn Xuân Nguyên là “quan đốc”… Trách sao được, ngay thời nay vẫn có những xã tập hợp danh sách các tiến sĩ (doctor) của làng mình, để ghi vào bia đá sắp dựng. Họ nhiều nhan nhản, vì chỉ trong 30 năm mà chế độ XHCN đã đào tạo được số doctors nhiều gấp 8 lần số tiến sĩ nho học do chế độ phong kiến đào tạo trong cả ngàn năm. Cứ tưởng một quan niệm lạc hậu thì ít gây tác hại. Nhưng không.

– Tai hại ở khúc giữa (xin không nói nhiều) là người ta đưa bằng cấp vào tiêu chuẩn đề bạt quan chức. Phải nói ngay, nếu bằng cấp thể hiện đúng chất lượng đào tạo; còn chủ nhân của tấm bằng làm đúng nghề…, tiêu chuẩn này không sai. Bắt đầu tác hại, khi một quan chức hành chính nhờ cái bằng “chuyên nghiên cứu khoa học” mà được đưa lên một chức vụ cao hơn.

Nghe nói, người lãnh đạo ở một tỉnh phải là ủy viên trung ương? Nếu đúng thế, sẽ thật là tuyệt, khi – dưới sự lãnh đạo của đảng – một tỉnh nọ chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ”. Điều này thể hiện đảng CS bắt đầu coi trí thức là thành phần nằm trong khối “Công-Nông-Trí” đứng quanh đảng. Các tỉnh khác cũng thông báo rộng rãi (trong cả nước) chuyện trọng đãi “hiền tài”. Dù tỉnh không có trường đại học, không có viện nghiên cứu, nhưng vẫn thông báo cả nước: Tỉnh đang chiêu mộ tiến sĩ, với đãi ngộ vật chất ban đầu khá lớn (tặng tiền, đất thổ cư, nhà ở…). Thật khó hiểu, các doctors về những tỉnh này sẽ làm gì. Té ra, họ làm quan chức. Tin tức trên báo chí cho biết: Có TS (được đào tạo ở nước ngoài hẳn hoi) đã về tỉnh, nếu chấp nhận “làm quan” sẽ trụ được suốt đời; nhưng nếu cứ thích làm đúng nghề, sẽ lập tức bị hẫng hụt. Thực tế, vị doctor này đã…bỏ chạy“.

Chú thích. Chắc chắn chẳng có tỉnh nào chiêu mộ phi công. Chỉ cần nhận thức ở mức sơ đẳng, ai cùng thấy rằng phi công được đào tạo để làm một nghề rất chuyên – không thể kiếm được việc ở tỉnh? Ngoài ra ngân sách tỉnh không thể đủ để xây được phi trường và sắm được các loại phi cơ. Chỉ cần lãnh đạo tỉnh hiểu rằng việc đào tạo tiến sĩ cũng chuyên nghiệp cao độ như vậy, tác hại sẽ bớt đi nhiều.

– Tai hại nhãn tiền. Nhưng chưa phải là tai hại ở khúc cuối. Đó chính là tỷ lệ bỏ nghề quá cao trong số 24 ngàn tiến sĩ mà nước ta đang có.

Đánh giá sự nghiệp

Có loại lao động đơn giản, có loại lao động phải qua đào tạo. Lao động cao cấp phải qua tuyển sinh, qua đào tạo bài bản, công phu, tốn thời gian và tiền của – và rất chuyên nghiệp. Đánh giá sự nghiệp của loại này – cứ tưởng phúc tạp lắm – thật ra khá đơn giản.

          – Tóm tắt sự nghiệp một tiến sĩ nho học

Tiến sĩ nho học sinh ra để làm quan văn; do vậy sự nghiệp gói gọn trong hai câu hỏi: a- đậu tiến sĩ khoa nào? và b- làm quan đến chức gì?. Thế là đủ. Và hết.

Đến nay, chẳng còn vị tiến sĩ nho học nào còn sống để chúng ta hỏi 2 câu trên. Nhưng vẫn có thể hỏi google. Thú vị ra phết. Chỉ cần gõ hai cụm từ (đặt trong ngoặc kép): “đậu tiến sĩ khoa” và “làm quan đến chức” ta sẽ có 5 ngàn kết quả – trong đó, các nhân vật đáng kính từ quá khứ xa xưa lại hiện về với con cháu thời nay. Nhiều gia đình, gia tộc nếu có những nhân vật như vậy, đều có ý thức đưa các cụ “lên mạng” để tôn vinh và giới thiệu với bàn dân, thiên hạ. Chỉ cần nhớ: Các cụ là tiến sĩ, chứ không phải doctor. Ai đòi hỏi các cụ phải nghiên cứu khoa học, coi chừng các cụ mẳng cho vài mắng… méo mặt.

Có thể đặt các câu hỏi cụ thể hơn, ít từ hơn, để có câu trả lời chi tiết hơn. Ví dụ “thám hoa” + “chức thượng thư” ta sẽ biết tên rất nhiều vị đậu thám hoa và từng leo tới chức thượng thư…

Chú thích. (đây là lời khuyên và lời răn).

– Khuyên nhủ: Không nên tra hỏi google bằng các cụm “tiến sĩ” + “bộ trưởng” (hoặc “thứ trưởng”, “vụ trưởng”) – vì kết quả mà google cung cấp có thể khiến chúng ta dễ nhầm lẫn các doctor thời nay (đang sống sờ sờ) với các quan văn thời xưa (đã khuất bóng từ lâu). Chẳng vẻ vang gì cho đương sự.

– Răn đe: Tuyệt đối cấm tra hỏi google bằng các từ: “tiến sĩ” + “ủy viên bộ” – vì google rất vô chính trị, chẳng biết kiêng nể ai. Không những thi doctor để làm quan, google cứ vô tư nói rằng không thiếu các quý vị kiếm cái bằng doctor để làm… vua. Nó ngầm bảo: Đây là  những tấm gương dẫn đến những tai hại mà cả nước đang thấy.

          – Sự nghiệp một doctor

– Doctor được đào tạo để sản xuất các sản phẩm khoa học. Trước hết, đó là: Số công trình nghiên cứu (đăng trên các tạp chí khoa học “thứ thiệt”). Thế là đủ. Nơi doctor hành nghề phải là các đơn vị nghiên cứu, có đủ các điều kiện và trang thiết bị cho loại lao động đặc trưng này – chứ không phải là các văn phòng cơ quan…

Tuy nhiên, các doctor làm việc ở trường đại học (cũng phải có cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm…) – ngoài các công trình như nói trên – còn có thêm một loại sản phẩm khoa học nữa: Đó là số doctors được ông ta đào tạo. Đây là nhiệm vụ xây dựng lớp người kế nghiệp. Nếu làm tốt điều này, vị TS có thêm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Cuối cùng, sách khoa học cũng được coi là sản phẩm khoa học mà TS hay GS có thể viết ra. Bài này không nêu cách thức đánh giá chất lượng các sản phẩm khoa học, vì lạc đề. Tóm lại, có ba loại được coi là sản phẩm khoa học, trong đó số 1 là các công trình.

– Hái quả khác với trồng cây đợi quả (trái). Giai đoạn vất vả học hành của các nho sinh thời xưa được ví như trồng cây và chăm bón. Nhiều người thất bại ngay từ giai đoạn này (thi hoài, chẳng đậu). Khi thi đậu tiến sĩ nho học được ví như giai đoạn kết thúc thành công sự phấn đấu – tức là bắt đầu được hái quả. Dù không làm quan, cũng được ghi danh vào bia đá. Đây được xem là quả lớn nhất. Quá trình làm quan được ví như liên tục “hái quả”. Quá trình lên chức (thăng quan), nói lên cái cây càng trĩu quả.

Trong khi đó, có bằng doctor chỉ là giai đoạn mở đầu sự nghiệp khoa học – tức là bắt đầu trồng một cây non. Trước mắt vị doctor, còn 30 hoặc 40 năm lao động vất vả, say mê, nhưng phải sáng tạo. Đó là quá trình vun sới, chăm bón. Nhiều vị doctor thất bại, hoặc ít thành công, mặc dù sự nỗ lực không nhỏ.

Chú thích. – Khi nói hoặc viết cụm từ “GS. TS” người ta hàm ý rằng vị TS này (ngoài công việc nghiên cứu), còn tham gia đào tạo doctor thế hệ sau. Nhiều người coi đây là vinh dự. Không hẳn thế đâu. Cần thấy rằng… không vì có thêm danh hiệu GS mà ông doctor này “oai” hơn các ông doctor khác. Trên thực tế, số doctor được giải Nobel nhiều hơn số GS. Một nguyên nhân là, doctor có thể chuyên tâm nghiên cứu; còn GS đã đầu tư nhiều thời gian cho đào tạo và viết sách. Do vậy, thực chất, ai “oai” hơn ai, là do số lượng và chất lượng các sản phẩm khoa học đã sản xuất ra.

– Khi nói (ví dụ), kính thưaGS.TS. Bộ trưởng“… thì đó là hai chức danh khác nhau đang được quàng lên vai một con người. Chức danh GS.TS dành cho con người làm nghề nghiên cứu và đào tạo. Còn chức danh bộ trưởng, dành cho con người đang làm nghề hành chính (hoặc chính khách). Đây là cách tâng bốc một con người “ba đầu, sáu tay” – một lúc làm được hai chức danh. Nếu làm cho chu đáo thì hai chức danh này đều “trăm công, ngàn việc” – không những bên tây, mà ngay Tề Thiên Đại Thánh cũng không thể kiêm nhiệm. Đố ai tìm được ông bộ trưởng Âu, Mỹ nào kiêm nhiệm GS.TS (!). Chẳng lẽ, đây là món đặc sản Việt Nam?

– Khi “kính thưa GS.TS. bộ trưởng“…, mà cả người kính thưa và người được kính thưa đều không cần ngượng, thì thói háo danh đã di truyền khó gột tẩy.

Vậy, nói thế nào mới chính xác? Nếu đối tượng (mà ta đang nói tới) đang là bộ trưởng (đương chức) nhưng đã từng có thời là GS.TS… ta phải nêu “bộ trưởng” lên trước. Câu nói sẽ thành: Kính thưa bộ trưởng đã có thời là GS.TS... Xin ngừng bàn tiếp, vì sắp thành khôi hài rồi. Nhưng nghĩ kỹ, những người còn chút lương tri không thể cười nổi.

          Đánh giá sự nghiệp một phi công

Đây là người lao động được đào tạo rất chuyên nghiệp (giống như nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ…v.v.), do vậy vẫn chỉ cần hai câu hỏi, ví dụ: Có bằng năm nào? và (đến nay) đã bay bao nhiêu giờ an toàn… Xin không dài dòng thêm nữa.

Chú thích. Phải nói rằng, chuyện bỏ nghề không có gì mới lạ. Bất cứ ngành đò tạo nào cũng có một tỷ lệ bỏ nghề. Một người học nghề lái xe tải, thi xong, có bằng, vẫn có thể bỏ nghề, chọn nghề khác nếu nghề mới đem lại thu nhập cao hơn. Tiến sĩ bỏ nghề vẫn gặp. Nhưng tấm bằng tiến sĩ đòi hỏi cá nhân và xã hội phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền của; mà đông đảo tiến sĩ cứ bỏ nghề… soành soạch, thì không thể coi bình thường nữa rồi. Hiện nay 24.000 tiến sĩ mà quá nửa không làm nghiên cứu khoa học, không thể coi là “bình thường”. Cứ cho là số này đang làm công chức (không thất nghiệp) cũng là rất bất thường.

Cái vòng tai quái cứ tự nuôi dưỡng và tự lớn lên

Cái vòng luẩn quẩn nay đã lớn lên, đang chứa trong nó 24 ngàn doctor, với câu hỏi mà báo chí đã nêu: Họ đang làm gì?. Câu trả lời là họ bỏ nghề quá nhiều.

Yếu tố nào khiến cái vòng cứ tự quay, tự lớn lên qua thời gian, để nay tới con số trên? Theo số liệu đã công bố, từ cấp thứ trưởng trở lên, số tiến sĩ của Việt Nam nhiều gấp 5 lần ở Nhật Bản. Máu làm quan đến thế là cùng. Liệu cái vòng quay này có cùng cơ chế với cái vòng tham nhũng hiện nay – nghĩa là rất khó chống?.

– Háo danh có phải là điểm bắt đầu?

Đã là cái vòng khép kín, tự duy trì, thì khó biết điểm khởi phát từ đâu. Hãy tạm bắt đầu từ thói háo danh. Ngày xưa, một gia tộc, thậm chí một làng, nếu có một vị tiến sĩ đã đủ vênh vang với thiên hạ. Xã hội tiểu nông là vậy. Nước Cộng hòa XHCN của chúng ta, sau 35-40 năm mang tên, thành phần tiểu nông vẫn chiếm 2/3 dân số (Karl Marx không tưởng tượng nổi đây là nước XHCN). Không dễ mà gột rửa cho hết thói háo danh. Đã vậy, nó còn được nuôi dưỡng để tự duy trì và phát triển. Các vị lãnh đạo văn hóa ở nhiều tỉnh đã nêu gương những làng tự quyên góp tiền để khắc bia cho tiến sĩ thời nay. Vừa thi xong doctor, đã in vào danh thiếp (carte visite) hai chữ TS trước tên, mặc dù nghề nghiệp đang làm là… giám đốc dở, hoặc mở công ty dệt-may.

– Hiểu sai về năng lực tiến sĩ.

Mà không biết rằng TS được đào tạo rất chuyên, rất sâu về một chuyên ngành khá hẹp. Họ phải có nơi làm việc và trang thiết bị phù hợp. Do vậy, ta thấy đầy rẫy các thông báo cấp tỉnh và thành phố: Tuyển dụng tiến sĩ… dù không có nơi làm việc thích hợp với trang thiết bị cần thiết.

– Do quan niệm cố hủ còn sót lại: học tiến sĩ để làm quan

Đó là, tình trạng hễ có bằng tiến sĩ (doctor) thì quá khó để nghiên cứu khoa học, lại quá dễ để làm quan. Thậm chí, coi đó là tiêu chuẩn để thăng quan. Hà Nội từng đưa ra dự án: Các cán bộ do thành ủy quản lý phải có bằng TS. Trên thực tế, một giáo sư cặm cụi hàng chục năm, nếu đào tạo được (vài ba) tiến sĩ, nếu tiến sĩ này làm quan (chỉ cần chức phó vụ trưởng) lập tức sẽ thu nhập hơn thầy nhiều lần. Trách gì chuyện ào ào xông lên làm luận án tiến sĩ? Trách gì chuyện sẽ có bằng giả và “bằng thật, học giả”?

– Lại còn chuyện nêu gương mới thật bất ngờ. Cứ tưởng thi tiến sĩ để làm quan đã đủ giống thời phong kiến; nhưng thi tiến sĩ để làm vua mới kinh. Có vị (vua) bản thân đã thi TS, nay thản nhiên nhìn các tiến sĩ tranh giành nhau các chức vụ hành chính (công chức), và nhận định rằng… ‘Việc tiến sĩ, thạc sĩ thi trượt công chức là bình thường‘  Đáng nói, là cái ý “tiến sĩ, thạc sĩ thi công chức”.

Nguyên nhân của nguyên nhân

Tất cả những nguyên nhân kể trên – dù có kể thêm nữa – chung quy là tàn dư quá nặng nề của chế độ phong kiến ngàn năm. Dù nhãn hiệu dán ngoài, chúng ta đang cố bắt chước các nước văn minh hơn ta, nhưng bên dưới cái nhãn, cái căn cốt phong kiến vẫn rất nặng nề. 

0