Việt Nam “Đổi Mới”: 1979-1986
Lữ Phương 1989 là thời điểm quan trọng đối với lịch sử Việt Nam từ sau ngày 30.4.1975. Tháng 12.1986, đường lối “đổi mới” do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam phát khởi đã tạo ra một bước ngoặt mà ba năm sau đó (Hội nghị Trung Ương 6, khóa VI, tháng 9.1989) đã ...
Lữ Phương
1989 là thời điểm quan trọng đối với lịch sử Việt Nam từ sau ngày 30.4.1975. Tháng 12.1986, đường lối “đổi mới” do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam phát khởi đã tạo ra một bước ngoặt mà ba năm sau đó (Hội nghị Trung Ương 6, khóa VI, tháng 9.1989) đã chuyển hẳn nền kinh tế Việt Nam từ chế độ “quan liêu bao cấp” sang cơ chế thị trường, và đường lối đó vẫn được tiếp tục duy trì đến nay. Nhưng những người nghiên cứu đã tìm thấy một thời điểm trước đó cũng không kém phần quan trọng: đó là Hội nghị Trung ương 6, khóa IV, tháng 9-1979 (sau đó thể hiện bằng Chỉ thị 100 của Ban bí thư về khoán nông nghiệp và Quyết định 25/CP của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý công nghiệp – cả hai đều xuất hiện vào năm 1981) cho phép phá vỡ một phần những ràng buộc khe khắt của mô hình cũ để “bung ra” sản xuất. Tính chất “đổi mới” thể hiện trong hai thời điểm ấy đã được những nhà nghiên cứu chú trọng đặc biệt đến khía cạnh kinh tế của chúng. Vấn đề đặt ra về phương diện lịch sử là phải giải thích ra sao về mối quan hệ của chúng, là xét xem cái lô gích phát triển từ thời điểm này sang thời điểm kia là gì. Trong khi đi tìm tài liệu tham khảo, tôi đã gặp hai cách trả lời dường như phổ biến – và hai cách trả lời ấy đều không thuần túy giới hạn trong những bàn luận kinh tế không thôi.
Đối với những nhà lý luận lấy nguồn cảm hứng từ sự giải thích chính thống của Đảng thì khoảng thời gian từ 1979 đến 1989 (đi qua 1986) là “ quá trình đổi mới tư duy” của Đảng về mặt kinh tế, cụ thể là hình thành ngày càng hoàn thiện luận điểm “phát triển kinh tế hàng hóa để đi lên chủ nghĩa xã hội”[1]. Cách giải thích này đã dựa vào tiền đề giáo khoa “cách mạng vô sản”: vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin vào những hoàn cảnh cụ thể, và trong trường hợp mà chúng ta đang bàn luận, theo cách diễn tả của một tác giả Việt Nam, là “bắt chủ nghĩa tư bản phải phục vụ chủ nghĩa xã hội, bắt nhà tư bản phải cày trên mảnh đất vô sản” [2]. Nghĩa là thay vì thực hiện những nguyên lý trước đây gọi là “khoa học” như nắm vững chuyên chính vô sản để biến toàn bộ xã hội thành một công trường [3] thì ngày nay người ta vẫn có thể nắm vững chuyên chính vô sản – có thể nói nhè nhẹ mấy chữ này đi một chút [4] – để làm kinh tế tư bản chủ nghĩa, cũng một cách “khoa học” không kém gì. Tác dụng biện hộ về mặt ý thức hệ cho sự cầm quyền độc tôn của một đảng là điều quá hiển nhiên, nhưng đứng về mặt nghiên cứu thì sự đóng góp lại chẳng có gì đáng kể.
Đối với những bài viết của những nhà nghiên cứu độc lập thì tất nhiên những giới hạn trên không có. Nhưng rất tiếc, do không thừa hưởng được những công trình nghiêm chỉnh trước đó (vì chưa có) nên về tài liệu lẫn luận giải đã không tránh khỏi ít nhiều bị ảnh hưởng bởi xu hướng quan phương nói trên. Và điều này thì cũng chẳng có gì là khó hiểu: trong khi những công trình độc lập trong nước hoàn toàn hầu như con số không [5] thì giới nghiên cứu Việt Nam ở ngoài nước cũng chỉ mới bắt đầu lại khoảng vài ba năm nay, và những người thật sự quan tâm cũng lại thường là những giới có liên hệ trực tiếp đến “đổi mới” (những chuyên viên cải cách kinh tế, những người đầu tư, ngoại giao…). Tuy thế do truyền thống nghiên cứu khách quan (những người Mácxít trước thường gọi là “khách quan tư sản”) nên các vấn đề nêu ra là khá phong phú và thường có ý nghĩa gợi mở hơn là khép lại bằng những định kiến ý thức hệ [6], dù rằng trong quá trình trao đổi không phải là đã không có những gặp gỡ chung trong nhận định. Thí dụ như ý kiến cho rằng rõ ràng là từ 1989, Việt Nam đã chuyển hẳn sang kinh tế thị trường một cách đồng bộ, “trọn gói”, và như vậy cũng giả định đã có sự tiến triển liên tục về mặt thừa kế những yếu tố “kinh nghiệm” giữa cái giả định bắt đầu và cái giả định kết thúc. Và thí dụ như ý kiến (đi ngược lại với quan phương) cho rằng “thời kỳ quá độ” [7] ấy đã chấm dứt vào năm 1989 rồi và do đó những cải cách đã “vượt xa khỏi khuôn khổ đổi mới xã hội chủ nghĩa” [8]. Rõ rệt mấy chữ “kinh tế thị trường” ở đây, trong quan niệm của những chuyên viên ấy, chỉ có nghĩa là một cơ chế tổ chức sản xuất chung nhất, chẳng dính dáng gì đến cái gọi là “thị trường xã hội chủ nghĩa” hay “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” cả!
Tuy vậy sự nhất trí ấy không phải là nhiều lắm, bởi vì liền sau đó thì hàng loạt những câu hỏi cũng được đặt ra, đặc biệt những câu hỏi xoay quanh mối quan hệ giữa “đổi mới kinh tế” với “đổi mới chính trị” chẳng hạn:
– Thực chất của những cải cách thời “bung ra” 1979 là gì? Đó có thể gọi được là công việc “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” dẫn đến kết quả cho Đại hội VI 1986 (và cả cho hôm nay) hay không [9] khi mà vào những năm đầu của thập kỷ 80, trong khi những “kinh nghiệm” thực tế đã khá đầy đủ để từ bỏ nhanh chóng mô hình cũ thì chiều hướng chính trị lúc ấy lại vẫn loay hoay trong bảo thủ [10] làm cho một dân tộc không kém năng động phí phạm đi mất 10 năm chậm trễ [11].
– Cuộc cải cách 1986 tuy có quan trọng thật nhưng quan trọng như thế nào khi mà “hoạt động của nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ vẫn không chứng minh được cải cách” – “một thứ thị trường không đồng nghĩa với thị trường thực sự và có hiệu quả” [12]– và như thế “động lực của các cải cách năm 1986 là gì và tại sao nó vẫn được tiếp tục mặc dù có những kết quả không mấy gì làm phấn khởi” [13].
Những câu hỏi trên đây đáng chú ý là vì không phải chúng chỉ ra những khoảng tối trong lịch sử để người ta rọi sáng mà còn có vẻ như muốn đụng chạm đến bản thân cái phương pháp truy tầm lịch sử trong những cách thức nhìn nhận như đã nói trên nữa. Thí dụ như liệu người ta có thể tách rời vấn đề kinh tế ra, phân tích mọi khía cạnh rồi sau đó mới bàn luận đến những ý nghĩa chính trị hay văn hóa của nó như trong một số công trình [14] hay là ngược lại phải tìm hiểu những đổi mới kinh tế trong cái tổng thể mà những người chủ xướng đã đề xuất từ đầu? Vấn đề rõ rệt đã trở thành vấn đề tiếp cận quá trình đổi mới ở Việt Nam xét như một dự phóng toàn diện. Chúng tôi cho rằng phân tích các hiện tượng kinh tế theo tính chất riêng biệt của chúng trong mục đích phục vụ những cải cách kinh tế xét như những chính sách, biện pháp là hoàn toàn cần thiết. Nhưng đứng từ một cái nhìn lịch sử xét như những tổng thể thì bản thân vấn đề kinh tế không bao giờ đơn thuần là nó mà còn là cái định chế xã hội trên đó nó tồn tại và cũng là cái ý thức hệ biện minh cho sự tồn tại đó. Vì vậy nếu không đặt những cải cách ấy vào sự chuyển động của chế độ cộng sản và cái ý thức hệ mácxít của Đảng cộng sản Việt Nam thì người ta không thể nào hiểu được thực chất của những cải cách kinh tế ấy. Chúng ta đừng quên rằng những Nghị quyết mà chúng ta đã nhắc đến và sẽ còn nhắc đến (như Nghị quyết Trung ương 6, tháng 9-1979 hoặc Nghị quyết Đại hội VI, tháng 12-1986) vấn đề kinh tế tuy quan trọng nhưng không bao giờ đặt ra một cách riêng rẽ cả.
Phương pháp mà chúng tôi đề nghị sử dụng là phải tìm hiểu vấn đề đổi mới ở Việt như một ý thức hệ đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam trước những tình thế không thể không đổi mới. Những nhân tố chủ quan trong bản thân sự lãnh đạo của Đảng (học thuyết Mác-Lênin, cơ chế phê bình tự phê bình, truyền thống yêu nước, não trạng cách mạng vô sản, tổ chức tập trung dân chủ…) sẽ được quan tâm đồng thời với những nhân tố khách quan thúc đẩy sự chuyển động trong Đảng (những đổi thay của thế giới, tác động của “phe” xã hội chủ nghĩa, sự phản ứng của dân chúng, sự phân hóa trong Đảng…), tất cả sẽ dẫn đến việc tìm hiểu sự tác động qua lại hết sức phức tạp của những nhân tố ấy, cuối cùng dẫn đến việc giải đáp cho những câu hỏi mà chúng tôi cho là cực kỳ quan trọng sau đây: động lực thật sự của những người lãnh đạo là gì khi họ chấp nhận cuộc chơi mệnh danh là “đổi mới”, trong chừng mực nào họ có thái độ “lắng nghe” cuộc sống và trong chừng mực nào họ phải phóng theo ngọn lao mà họ đã ném ra không cưỡng lại được? Xoay quanh hai thời điểm 1979 và 1986 để phân tích, chúng tôi hy vọng có thể tìm ra được câu trả lời cho vấn đề trên đây.
Giấc mộng vàng và đà trượt của cuộc chiến tranh
Việc chấm dứt chiến tranh năm 1975 đối với những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam là bước đột biến chưa từng có trong lịch sử để đất nước chuyển hẳn sang một trang mới hoàn toàn. Không phải vì Việt Nam đã thống nhất, độc lập để phát triển (điều này đã quá muộn) mà là độc lập, thống nhất để phát triển một cách vô cùng rực rỡ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản với học thuyết Mác-Lênin vạn năng: Việt Nam sẽ mau chóng trở thành một quốc gia hiện đại, hùng cường, văn minh không những giữ được vai trò làm “tiền đồn” cho phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á mà còn là hình mẫu về phát triển hết sức hài hòa tốt đẹp để các nước thứ ba noi gương nữa [15]. Và bí quyết của sự thành công đó cũng được các nhà lãnh đạo Đảng nói ra nhiều lần, ngay cả trong những ngày chưa chấm dứt chiến tranh [16], bằng công thức: Đảng lãnh đạo với chủ nghĩa Mác-Lênin, cộng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, cộng với khoa học kỹ thuật hiện đại (sẽ học tập của thế giới). Đại hội Đảng lần thứ IV (tháng 12-1976) đã mở ra triển vọng ấy trong khí thế chiến thắng “ngất trời” và lòng tin mãnh liệt vào tương lai (ông Lê Duẩn thường dự đoán trong khoảng 15 năm thôi).
Chúng ta nên đặc biệt lưu ý đến cái không khí ấy bởi vì tất cả đường lối “cách mạng” của Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ được đặt trên cơ sở đó, trong một thời gian khá dài [17]. Về mặt đối ngoại, Đảng sẽ tiếp tục chủ trương “độc lập tự chủ” của mình, không những tranh thủ những thuận lợi của “bạn bè” để xây dựng mà còn phất cao ngọn cờ cộng sản chân chính đế chống lại mọi thứ chủ nghĩa xét lại, từ tả sang hữu, lôi cuốn Đông Dương vào một khối thân hữu chặt chẽ với Việt Nam, làm bàn đạp phát triển phong trào chống đế quốc ở Đông Nam Á. Còn về mặt xây dựng trong nước thì cái khí thế chiến thắng đã biểu hiện ở chỗ áp dụng trên cả đất nước đã thống nhất cái mô hình nửa Stalinit, nửa Maoit đã từng áp dụng ở miền Bắc sau 1954, lý do: đó là một mô hình đã được thử thách trong chiến tranh, đã tạo ra được “tính ưu việt và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội”, “đã từng làm cho miền Bắc giữ được nhiệm vụ quyết định đối với sự phát triển của toàn bộ phong trào cách mạng ở Việt Nam” [18].
Trong chừng mực nào những ý tưởng trên đây là thực tế và trong chừng mực nào chúng tỏ ra quá “tếu” thì không phải đợi những người viết sử sau này thẩm định mà chỉ vài năm sau đó thôi mọi việc cũng đã bắt đầu lộ rõ. Bởi vì cũng chỉ một vài năm sau đó, tất cả những gì được hình dung ra một cách vô cùng tươi đẹp, hào hứng thì đều phát triển theo chiều hướng ngược lại, chẳng những không có đủ gạo ăn, thuốc uống mà còn đưa đất nước vào tình trạng tồi tệ cùng cực trên tất cả mọi phương diện. Tất nhiên những người lãnh đạo trong những trường hợp như thế bao giờ cũng tìm cách giải thích để biện minh cho lấy được sự lãnh đạo “tài tình” của mình. Nhưng điều đó đã chứng tỏ là không đúng và về sau chính họ cũng phải phần nào thừa nhận, bởi vì tất cả đã bị chi phối bởi cái não trạng đặc biệt do cuộc chiến thắng 1975 mang đến – ngạo mạn vì thắng lợi, say sưa với thắng lợi cho nên đã tự nâng mình lên quá xa vời cái tầm mà mình đang có. Thái độ ấy đã bị đánh trả trên tất cả các lĩnh vực.
Trước hết là về đường lối “cách mạng thế giới”. Ai cũng biết rằng trong chiến tranh, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn giữa sự giằng xé của các thế lực cộng sản quốc tế, đặc biệt về sau này với sự căng thẳng tột độ giữa Trung Quốc và Liên Xô: có lúc đã theo Liên Xô để chủ trương đường lối hòa bình (sau 1954), có lúc chống Liên Xô theo Trung Quốc để giải phóng miền Nam bằng bạo lực (sau 1960), có lúc hòa dịu lại với Liên Xô thì lại bắt đầu căng thẳng với Trung Quốc (sau Hiệp định Paris về Việt Nam). Tuy vậy do phải tập trung vào chiến tranh nên họ đã không đẩy những bất đồng đến chỗ rạn nứt. Nhưng khi đã thắng lợi rồi, tự tin quá mức vào uy tín cách mạng của mình [19], hy vọng sớm chiều có thể trở thành cường quốc, họ không cần phải theo đuổi chính sách cân bằng trên đây nữa. Với Hiệp ước hữu nghị 25 với Liên Xô (1978) mà tinh thần của nó là “hợp tác toàn diện”, Việt Nam đã ra mặt chống lại Trung Quốc. Kết quả của thái độ ấy như thế nào mọi người còn nhớ: muốn làm “tiền đồn” cho phe chủ nghĩa xã hội chống đế quốc, Việt Nam đã trở thành tiền đồn của phe Liên Xô để chống Trung Quốc, đưa đất nước vào một cuộc chiến tranh mới mà sự xâm lấn Kampuchia 1978 và nhân “bài học” của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc 1979 là kết quả. Những sự việc không thuận lợi gì cho phát triển đó đã được những người lãnh đạo gọi là một “sứ mệnh lịch sử”, nhưng trong thực tế đó chỉ là cái đà trượt của một cuộc chiến tranh vừa nóng vừa lạnh mà các phe liên hệ chưa tìm ra được giải pháp căn bản để giải quyết đến nơi đến chốn. Vì thế tuy đã thắng lợi hoàn toàn (cưỡng lại nhiều lần sự sắp xếp của những cường quốc), Việt Nam vẫn còn phải trả giá cho sự thắng lợi ấy.
Cái đà trượt ấy nếu đã gây ra những điều kiện bất ổn cho xây dựng (bị cô lập hoàn toàn) thì ở trong nước cái mô hình xây dựng mệnh danh là “chủ nghĩa xã hội” cũng không hề mang lại được chút kết quả nào. Đó chỉ là con đẻ của chiến tranh, nó theo con đường ủng hộ cuộc chiến tranh ấy của “phe” xã hội chủ nghĩa mà du nhập vào Việt Nam, hết Stalin, Mao Trạch Đông rồi đến Brejnev. Khi đem cái mô hình ấy ra xây dựng, nó không chứng tỏ một tí gì là “ưu việt”. Thực hiện ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, lại diễn ra trong điều kiện mà người dân luôn luôn phải thắt lưng buộc bụng hy sinh, nhiều lắm nó chỉ là một thứ sản xuất tự túc để thích ứng với chiến tranh, tất cả đều được “kế hoạch hóa” trên những gì mà “bầu bạn” đã viện trợ để tiếp tục cuộc chiến tranh ấy, nó không thể là một hình mẫu để thúc đẩy sự phát triển đưa xã hội vào thế giới hiện đại. Người ta thường nhắc đến Kim Ngọc, bí thư tỉnh Vĩnh Phú ở miền Bắc trước 1970 đã bị phê phán và trừng trị thích đáng vì đã dám qua mặt Trung ương cho phép “khoán chui” với lý do: “nếu cứ xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu này thì cháo cũng không có mà ăn”! Đối với những người lãnh đạo, thật ra không phải họ không thấy tính chất khó nuốt của cục xương gọi là “xây dựng chủ nghĩa xã hội” đó – ít nhất rất khó thuyết phục người dân hy sinh cho nó một cách dễ dàng như trong chiến tranh. Nhưng do lù mù lâu ngày trong cái đám lý luận sơ khai về cái “thiên đường hạ giới” gắn chặt với chiến tranh, lại nhờ nó mà lấy được chính quyền, không thể hình dung ra một con đường nào khác hay hơn, họ cứ phải bám vào đó, ngoài việc sơn cho nó những lớp sơn huyễn hoặc, họ còn thường xuyên khai thác lòng yêu nước của người dân để giúp nó thêm động lực .[20]
Khi được bê nguyên xi vào áp dụng ở miền Nam Việt Nam sau khi thắng lợi hoàn toàn, cái mô hình đó lập tức đã phát huy ngay sức mạnh tàn phá của nó đối với tất cả những thành quả mà miền Nam đã đạt được trong suốt quá trình công nghiệp hóa (dù còn ở bước đầu) và hiện đại hóa. Chỉ còn vài năm, bắt đầu là “tiếp quản” rồi sau đó là “cải tạo” tư sản ở thành phố, “hợp tác hóa” ở nông thôn, đời sống người dân đã bị đẩy lùi lại tình trạng trước đó khoảng vài ba chục năm, khốn khổ như chưa bao giờ đã xảy ra, dưới chế độ phong kiến, thực dân. Nền sản xuất hàng hóa mở rộng đã bị phá vụn thành những khu vực nhỏ bé, chiếm lĩnh bởi những cái gọi là “ngành” hay “lãnh thổ”; bất cứ cơ quan nào hay địa phương nào (kể cả xã, ấp) cũng có thể lập ra các hàng rào, trạm gác để chặn xe cộ lại xét hỏi, tịch thu, đánh thuế; còn nếu có gì gọi được là sản xuất thì cũng chỉ là những phong trào vận động ồ ạt người ta đi “lao động xã hội chủ nghĩa” (đắp mương, làm thủy lợi…) hoặc rủ nhau đi ra khỏi thành phố xin đất để làm rẫy kiểu “tự túc” như thời kháng chiến trong rừng, tốn không biết bao xăng nhớt, thì giờ mà kết quả chẳng đi đến đâu [21]. Còn những chương trình gọi là “kinh tế mới”, giãn dân về các miền nông thôn để sản xuất thì chỉ là việc “đem con bỏ chợ”, đày đọa con người qua mọi khổ sở, cuối cùng không chịu nổi nên đã nhếch nhác kéo nhau về lại thành phố, ngủ đường ngủ chợ sau khi đã tán gia bại sản. Trong khi nông thôn trở về nền kinh tế tự cung tự cấp (thiếu máy móc, phân, giống) dưới danh nghĩa “tập đoàn” thì thành thị lại bị biến thành một thứ nông thôn lạc hậu, đi đâu cũng thấy người ta phá các luống hoa để trồng rau, còn nhà cửa thì hầu hết đều bị biến thành những chuồng heo, chuồng gà, chuồng thỏ nồng nặc mùi cám, mùi phân. Các công sở, vốn là chỗ làm việc trang nghiêm, cũng đã biến thành một thứ chợ nho nhỏ: cả ngày người ta chỉ lo mua bán, cung cấp xăng dầu, nhu yếu phẩm (một tí gạo, một tí xà phòng, cá, thịt…). Là một cái vựa thóc, trong những năm tháng ấy, người dân miền Nam đã phải ăn độn với khoai lang, khoai mì và khủng khiếp nhất là với cái gọi là… bobo do Liên Xô viện trợ.
Từ sự phản ứng trong xã hội đến sự chuyển động trong Đảng
Sự phản ứng của xã hội đối với cái mô hình ấy là tất yếu: điều đó đã xảy ra từ lâu ở miền Bắc. Có điều gì cần nói thêm thì nên chú ý rằng cái phản ứng ấy đã diễn ra một cách khá đặc biệt mà chỉ có những người sống lâu năm trong chế độ cộng sản mới hiểu được: đó là thái độ hai mặt, bên ngoài thì vâng dạ, cảm ơn rối rít, nhưng trong lòng thì hoàn toàn nghĩ khác, trước mặt các “Anh”, các “Bác” thì ghi ghi chép chép tỏ vẻ “quán triệt” lắm nhưng về nhà thì lại làm ngược lại. Thái độ ấy thường bị xem là “tiêu cực”; nhưng đó chỉ là bước đầu – tất cả những thứ tệ hại khác như vô trách nhiệm, dối trá, báo cáo láo, trây lười… đều sẽ diễn ra tiếp theo. Thái độ ấy cũng tràn vào miền Nam sau 1975 một cách thật nhanh chóng: sau một thời ngắn ngủi “hồ hởi” đón chào “các anh”, đầu tiên người ta không biết làm gì hơn là “chà đồ nhôm” (“chôm đồ nhà” – nói lái – đem đi bán ăn dần), nhưng sau đó người ta cũng phải làm một cái gì đó để tồn tại (“chẳng lẽ lại lăn ra mà chết”). Và làm gì để tồn tại trong một khung cảnh cực kỳ khó khăn như vậy thì chỉ có Trời mới biết thôi. Nhờ hàng của gia đình ở nước ngoài gửi về? Xếp hàng mua giá chính thức đem ra bán lại cao hơn để lấy lời? Ăn cắp mọi thứ có thể ăn cắp được (điện, thuốc, xăng dầu, hóa chất…)? Trốn thuế? Buôn lậu? Tất cả đều có thể. Và tất cả đều diễn ra trong mối quan hệ giữa dân và nhà nước, giữa cái không chính thức và cái chính thức. Và nói theo ngôn ngữ kinh tế thì đó là mối quan hệ giữa thị trường và thị trường đen. Khi thị trường có gì khiếm khuyết thì thị trường đen sẽ bổ sung vào; nhưng vì ở Việt Nam, theo lý luận về chủ nghĩa xã hội, thị trường không được thừa nhận một cách hợp pháp cho nên trong thực tế nếu có gọi được là thị trường thì chỉ có thị trường đen. Một mặt nếu nó giúp người ta tìm ra được những thứ cần dùng với một giá cao mà chỉ có những người buôn lậu mới cung cấp được, nếu nó góp phần lưu thông hàng hóa giữa vùng này sang vùng khác, giữa nông thôn và thành thị, thì mặt khác nó cũng tạo ra một cung cách làm ăn đặc biệt, là việc đục khoét, moi móc tất cả những gì có thể moi móc được trong kho nhà nước, trong thương nghiệp và xí nghiệp quốc doanh để đưa ra bổ sung cho thị trường đen; tham gia lối làm ăn này không phải chỉ có những “con phe” mà còn bao gồm cả chính những cán bộ cách mạng ở trong guồng máy nhà nước nữa.
Có lẽ cũng nên dừng lại một chút ở một loại thị trường đen khá đặc biệt vào lúc bấy giờ: đó là thị trường vượt biển (một hình thức tổ chức vượt biên bằng thuyền, phổ biến hơn những hình thức khác). Muốn tham gia thị trường này người mua lẫn người bán phải có một số tiền khá lớn (tính bằng vàng). Cùng với những chi phí bỏ ra để đóng thuyền và chạy những giấy má để làm bộ hành nghề với chiếc thuyền ấy (chuyên chở, đánh cá), giá các suất vượt biên còn tùy thuộc rất nhiều vào chi phí mà những người tổ chức phải trả cho những viên chức liên hệ (quân đội, công an, ủy ban nhân dân…) gọi là để “mua bãi”. Cuộc mua bán khá tấp nập một thời nếu đã phá tan tành không biết bao sự nghiệp, cướp đi không biết bao sinh mạng thì nó cũng đã làm xuất hiện một lớp “nhà giàu mới” với những cuộc ăn chơi cực kỳ xa hoa (chủ yếu đãi đằng các quan chức) trong khung cảnh nhếch nhác chung của xã hội. Tại sao người ta lại bỏ xứ ra đi với những phương tiện mong manh, nguy hiểm như vậy? Có thể là vì lý do chính trị, là kinh tế, là thấy người ta đi cũng đi theo… nhưng với lý do nào đi nữa thì điều đó cũng là lời tố cáo không thể biện minh được đối với một chế độ thường hay khoe khoang về tính “ưu việt” của mình. Nhưng nó cũng chứng tỏ cái phản ứng của người dân lúc bấy giờ là tuyệt vọng đến như thế nào trước một chế độ mà họ hầu như không còn tin được vào sự đổi thay. Có thể nói đó mới chính là cái kết quả tổng hợp nhất giải thích sự thất bại của tham vọng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” của Đảng; góp phần làm thất bại tham vọng ấy gồm đủ tất cả những nhân tố, từ sự trả đũa của Mỹ và Trung Quốc về màn sau của cuộc chiến tranh đến sự ngạo mạn của những người chiến thắng cuộc chiến tranh ấy, từ sự phá sản trên thực tế không gì biện minh được của cái mô hình “chủ nghĩa xã hội” hoang tưởng đến những vùng vẫy đau đớn của những người dân bị trị, và về sau còn có sự suy thoái ngày càng táo tợn của chính cái guồng máy nhà nước thống trị nữa.
Những sự tệ hại nói trên đã tác động gì đến hàng ngũ những người lãnh đạo vào những năm tháng ấy khiến họ phải quyết định điều chỉnh đường lối? Về mặt này nếu ai có được những kinh nghiệm trực tiếp thì đều thấy rằng, ngoại trừ một số dường như chìm đắm trong những cơn mộng du, phần đông những đảng viên có liên hệ với thực tế đều bất mãn trước những gì xảy ra – ít nhất thì những cảnh tượng ấy cũng đã đi ngược lại với những gì mà họ đã ý thức rõ ràng khi vào Đảng. Nhưng guồng máy tổ chức của Đảng không được lập ra để đề ra những thay đổi kịp thời trước những đòi hỏi thực tế: sự tồn tại của guồng máy là để thực hiện những nguyện vọng lâu dài, bền vững của nhân dân và điều này thì chỉ có được khi nhân dân biết nghe theo Đảng để “tiến lên” chủ nghĩa xã hội. Căn cứ vào đó, Đảng phải có nhiệm vụ “uốn nắn” lại những gì tự phát, giáo dục lại những gì lệch hướng trong nhân dân và cả trong đảng viên cán bộ. Guồng máy cầm quyền vì thế cũng phải được tổ chức một cách thật chặt chẽ để có thể thực hiện nhanh chóng câu “nhất hô bá ứng” trong lãnh đạo và chỉ đạo. Tuy thế nếu căn cứ vào lý thuyết mà hình dung guồng máy ấy như một cái gì đó thật sít sao, ăn khớp răm rắp như cái máy cái kéo theo hàng loạt những máy con thì lại là điều không thực tế. Bởi vì cái guồng máy ấy đã chứa trong bản thân nó những mâu thuẫn không bao giờ có thể giải quyết được.
Trước hết là mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành. Trong lý luận về phát triển, chúng ta nên chú ý đến tính chất đặc biệt trong chủ nghĩa Mác, coi sự tăng trường kinh tế là quan trọng nhất, chỉ có giải quyết được một cách có hiệu quả thì mới có cơ sở để tạo nên những biến đổi trên mặt thượng tầng và ý thức. Tuy thế, với sự phát triển của Lênin đối với những nước chưa phát triển thì chính trị chính là khâu then chốt để xây dựng kinh tế: việc xây dựng ấy lại tỏ ra bất khả thi xét về lâu dài vì những biện pháp tập trung quá đáng, biểu hiện thành việc nhà nước khống chế toàn bộ đời sống kinh tế đã quay lại hủy diệt mọi động cơ phát triển. Chủ nghĩa tập thể ở đây, cùng đi chung với nó là sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất đã không thích hợp cho sự phát triển trong điều kiện xã hội đã vượt qua thời kỳ cách mạng để xây dựng trong hòa bình. Để duy trì được cuộc sống một cách tự nhiên, toàn bộ xã hội (kể cả trong Đảng), luôn luôn phải tìm cách leo lách để chống lại.
Một mâu thuẫn khác có ý nghĩa khá nghiêm trọng là mâu thuẫn giữa tập trung và dân chủ. Dân chủ là thừa nhận sự khác nhau của nhiều khuynh hướng, nhưng khi đã tập trung rồi thì những khác nhau ấy phải được giữ kín trong sự “bảo lưu”, không được truyền bá, không được nói ra. Điều đó nếu thích hợp với những hoạt động quân sự, cách mạng, chiến tranh thì lại hoàn toàn không mang đến hiệu quả trong những hoạt động kinh tế, văn hóa. Các tìm tòi về mặt khoa học và tư tưởng nếu không được tự do bộc lộ thì sẽ không tạo ra được không khí sáng tạo kích thích sự đổi mới liên tục. Do vậy các địa phương, cơ sở, các ngành nghề muốn có được những hậu quả tối thiểu trong hoạt động, trong khi bên ngoài vẫn làm ra vẻ tuân phục bên trên, trong thực tế đã phải tìm cách làm ngược lại, làm khác đi để tháo gỡ những khó khăn do cơ chế mệnh lệnh hành chính gò bó họ.
Những mâu thuẫn trên đây cho chúng ta thấy cái cơ chế tập trung đặc biệt cộng sản đã chứa trong bản thân những nhân tố làm vô hiệu hóa tính thống nhất của nó một cách dai dẳng: thay vì được bộc lộ ra ngoài để giải quyết nhanh chóng thì chúng lại luồn sâu vào trong làm cho nội bộ ngày càng ruỗng nát nhưng bên ngoài thì vẫn nguyên vẹn. Trong những trường hợp khủng hoảng thì những mâu thuẫn nội tại ấy sẽ tìm cách phá vỡ phần nào cái vỏ xơ cứng và bộc lộ ra bằng những hình thức mà người ta gọi là “xé rào”, “vô kỷ luật”, rất thường gặp trong cách nói năng, viết lách hoặc hành động không chịu theo những khuôn phép đã quy định. Thông thường những hành vi và lời nói như thế bao giờ cũng bị “phê phán”, trấn áp, nhưng sau đó thể nào cũng sẽ được đưa vào Nghị quyết mới, một phần nào đó và dưới một hình thức nào đó với tư cách là “tư duy của tập thể Đảng”. Cuộc vận động cải cách trong chế độ cộng sản vì thế bao giờ cũng chậm chạp và mang tính chất đấu tranh nội bộ rất gay gắt, nhiều khi đẫm máu.
Những hiện tượng xé rào
Vào thời điểm 1979, chúng ta thấy cơ chế trên đây đã bị quy định bởi một số tiền đề khách quan sau đây:
– Chính sách trả đũa của Mỹ đã gây cho Việt Nam những khó khăn trầm trọng, nhưng xét về tác động thay đổi thì lại không có gì đáng kể – dù sao Mỹ cũng tàn phá không thương tiếc Việt Nam và đã thất bại về sự tàn phá đó. Những người Việt Nam sang Mỹ hoàn toàn có lý do để phất cao ngọn cờ “chống cộng” nhưng đối với suy nghĩ chung của người trong nước thì những người Việt Nam ấy đã trở nên những con người của quá khứ – họ cũng chỉ là sản phẩm thất bại của Mỹ. Hành động có ý nghĩa của những người trong nước (được Mỹ cổ vũ) là vượt biên, nhưng chúng ta đã biết, đó chỉ là những hành động tuyệt vọng, mặt khác nó tạo ra một tâm lý xì hơi, một lối thoát ở ngoài cho những khó khăn bên trong.
– Cuộc chiến tranh với Trung Quốc cũng có một tác động tương tự. Tuy có tác động phân hóa hàng ngũ Đảng, nhưng đặt vào truyền thống chống Bắc phương của người Việt Nam thì vẫn được xã hội tán đồng. Xét về một mặt khác, điều đó cũng lại là một kích thích mới cho những canh tân tư tưởng và văn hóa. Nương theo đường lối chống “bành trướng Bắc kinh”, những trí thức và văn nghệ sĩ đã đặt vấn đề chống chủ nghĩa Mao ở Việt Nam, hệ tư tưởng này đã đè nặng lên đời sống tinh thần của Việt Nam từ lâu, nay nhân có chiến tranh với Trung quốc, đã có dịp bùng ra [22].
– Việc Việt Nam ngả hẳn sang phía Liên Xô, trong bối cảnh ấy, đã có tác dụng thuận lợi cho xu hướng cải cách: trong sự giới hạn về tư duy lúc bấy giờ, dù sao chủ nghĩa xã hội thực hiện theo kiểu Liên Xô vẫn cởi mở hơn [23] và điều đó đã giả định một thứ mô hình “chủ nghĩa xã hội” chân chính nào đó mà người ta có thể “vận dụng”, noi theo. Có hiểu điều này chúng ta mới hiểu được cái hướng cải cách bấy giờ ở Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cái mà người ta gọi là những “điều chỉnh” hoặc những “cải cách xã hội chủ nghĩa”. Và đây chính là hợp điểm để các xu hướng khác nhau trong Đảng tạo ra được Nghị quyết tháng 9-1979.
Tất nhiên, như chúng ta đã biết, để có được quyết định công khai ấy, trong Đảng và xã hội đã diễn ra không ngừng những hoạt động tạo áp lực ngày càng mạnh mẽ mà chúng ta có thể kê ra một số hiện tượng đáng lưu ý như sau:
Về mặt kinh tế: Cùng với phản ứng tiêu cực của toàn bộ xã hội (lãn công, ăn cắp…) các hành động chống lại đường lối chung (kiểu Kim Ngọc ở Vĩnh Phú hồi thời còn chiến tranh) vẫn tiếp tục. Những gì xảy ra ở miền Nam đã biểu hiện được thành một phong trào có quy mô lớn, diễn ra công khai và được những người lãnh đạo địa phương ủng hộ lúc khởi đầu. Nhiều người đã viết về đề tài này, ở đây chúng tôi chỉ dẫn ra một số thí dụ được ông Nguyễn văn Linh, Bí thư thành ủy lúc bấy giờ xác nhận:
“… đầu năm 1979 (tôi nhấn mạnh, LP) đã xuất hiện một số mô hình tháo gỡ trong một số cơ sở sản xuất công nghiệp như Công ty bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá, Dược phẩm 2-9, Nhà máy bia Sài Gòn, Xí nghiệp Dược thú y, Xí nghiệp dệt Thành công, Phong phú, Phước Long, Thắng Lợi, Dệt Đay 13, Xí nghiệp cơ khí Caric, Silico, Vinappo, Sinco, v.v… Điển hình là Công ty bột giặt miền Nam đã tổ chức lại sản xuất, liên kết với nhiều tỉnh miền Tây và miền Trung khai thác nguyên liệu, trao đổi thành phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch, pháp lệnh, nâng cao được thu nhập cho công nhân bằng áp dụng lương khoán, lương sản phẩm,vận dụng các chế độ thưởng linh hoạt hơn, giải quyết cho công nhân thêm cho nhiều mặt hàng ngoài 10 mặt hàng cung cấp theo định lượng, giải quyết bữa ăn…” [24].
Qua sự trình bày trên, người ta thấy nội dung “tháo gỡ” về mặt kinh tế đã mang ý nghĩa chống tập trung quá đáng theo mô hình “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” áp đặt vào miền Nam: đó chính là phản ứng tự nhiên của sản xuất muốn mở rộng, giao lưu, không chấp nhận đường lối bắt mọi thứ phải tập trung vào nhà nước. Đây chính là những cựa quậy ban đầu để dần dần tiến tới đòi quyền tự trị cho cơ sở được phát triển về sau. Chủ trương “tháo gỡ” này bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh đã mang ý nghĩa đặc biệt: nó xuất phát từ trung tâm kinh tế, văn hóa của một miền đất đã có truyền thống lâu năm về tiếp cận với những biến chuyển nhanh chóng của thế giới, đã từng một thời hội nhập với thế giới để phát triển.
Về mặt tư tưởng, nếp sống: Đồng thời với việc chống áp đặt kinh tế cũng đã xuất hiện xu hướng của những người tham gia cách mạng ở miền Nam, chống lại sự xâm nhập của lề lối quản lý mang từ miền Bắc vào đối với những vùng gọi là “mới giải phóng”. Vào lúc bấy giờ, đây là một hiện tượng đáng chú ý, đặc biệt với lệnh giải tán Trung ương cục R và sau đó không kèn không trống khai tử cái gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Tuy mang màu sắc “Bắc Nam” (vốn là vấn đề ngày càng tỏ ra giả tạo), nhưng bấy giờ ý nghĩa chính trị và tâm lý của sự phản ứng mang ý nghĩa văn hoá rõ rệt. Các hiện tượng sau đây có lẽ sẽ không bao giờ xóa được khỏi ký ức con người vào cái thời cực kỳ đen tối ấy: cùng với việc đi truy lùng, tịch thu (và cả phá phách) những thứ gọi là “chiến lợi phẩm”, người ta bắt đầu tiến hành những chiến dịch cải tạo rầm rộ như chặn đường cắt tóc, cắt quần thanh niên, chặn đường rút xăng trong xe gắn máy (để gọi là chống nguồn tiêu thụ xăng nhà nước), (có nơi) bắt xe đạp phải mang biển số, nhập kinh thánh vào hàng sách “đồi trụy và phản động” cần phải tịch thu… Tất cả đều nhân danh cho một cái gì đó gọi là “cách mạng”, “lành mạnh”, “tiến bộ” những mọi thứ đều tỏ ra kỳ quái đến chỗ khó tưởng tượng được.
Những người cầm bút ở miền Nam lúc bấy giờ (phần đông đều là những thành phần tham gia cách mạng “tại chỗ”) đã bày tỏ sự bất bình một cách công khai và gay gắt trong các cuộc họp hoặc trên báo chí. Nguyễn Trọng Văn (lúc bấy giờ ở Hội Trí thức yêu nước) đã phát biểu thẳng thừng rằng những hành vi trịch thượng, ngu dốt của những cán bộ luôn luôn gồng lập trường lên để dạy dỗ người khác đó chính là một thứ chuyên chính gọi là “chuyên chính vô học”. Tạp chí Đứng dậy của Nguyễn Ngọc Lan đã để hẵn một số đặc biệt [25] đả kích thái độ chụp mũ bừa bãi trong những cuốn sách, bài báo gọi là “phê phán văn hóa thực dân mới” nhưng nhìn đâu cũng thấy những “tàn dư” của “Mỹ Ngụy”, cố ý bôi nhọ cả một miền đất đã không ngừng biết giữ phẩm giá của mình trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Hiện tượng cán bộ Đảng biến chất, xa rời thực tế, xa rời nhân dân, đẩy đất nước vào nghèo khổ, lạc hậu cũng đã được báo Tin Sáng của Ngô Công Đức vạch ra trong mấy số [26]. Đó không phải là sự phê phán nhằm những sự kiện rời rạc mà còn muốn báo động với xã hội hiện tượng suy thoái của một đảng cách mạng khi bắt đầu nắm được chính quyền.
Những phê phán trên đây đã gây nên những phản ứng quyết liệt trong giới quan chức có nhiệm vụ gác cổng về mặt tư tưởng cho Đảng; tất cả đều đã bị kết án gay gắt như: “phản động”, “chống đảng một cách tinh vi” v.v…
Cũng về mặt văn hóa, vào lúc bấy giờ ở miền Bắc đã xảy ra hiện tượng chống chủ nghĩa Mao trong văn nghệ, mang tính lý luận mà ảnh hưởng của nó đã kéo dài mãi đến sau này. Khởi đầu là bài viết của Hoàng Ngọc Hiến đăng trên báo Văn nghệ [27] để tiếp ngay sau đó là Đề cương đề dẫn về sáng tác văn học do Nguyên Ngọc [28] trình bày tại Hội nghị đảng viên tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6-1979, cả hai đều thống nhất với nhau trên lập luận cho rằng phải đưa việc phê phán chủ nghĩa Mao trong lĩnh vực chính trị sang văn nghệ, phê phán luận điểm “văn chương phục vụ chính trị”, từ đó trả lại cho văn nghệ chức năng riêng biệt của nó là sáng tạo ra một thế giới có cá tính và tự do. Tất nhiên các bài viết này, xuất hiện vào lúc bấy giờ, vẫn chưa dám vượt khỏi ngưỡng cửa của đường lối chính thống, nó chỉ nhân danh đường lối ấy để chấn chỉnh những cái quá thô bạo; tuy vậy khi xuất hiện, chúng cũng bị những người lãnh đạo cao cấp coi là một thứ “tà khí” cùng với những thứ tà khí trước đó, góp phần “phủ định những thành tựu văn học trong chiến tranh”, và “dao động ngay trên những nguyên tắc cơ bản của nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa” [29].
Hiện tượng bị đả kích ấy thật ra quy mô không lớn lắm, sự phê phán không mang tính trực diện như những gì đã xảy ra trước đó (Nhân văn Giai phẩm) và sau đó (văn nghệ đổi mới sau 1986), nhưng sở dĩ nó làm cho những người lãnh đạo tức giận là do những thứ lý luận đó đang muốn đưa văn nghệ ra khỏi cái thân phận làm cần vụ cho chính trị, hoặc toan tính không thừa nhận tính chất “tuyệt vời” trong cái hiện thực “xã hội chủ nghĩa” do đảng tạo ra. Cùng với kinh tế, văn nghệ cũng đã góp phần tạo ra những áp lực buộc những người lãnh đạo phải điều chỉnh lại đường lối.
Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV, tháng 9-1979)
Nghị quyết này có phần nói hẳn về kinh tế mang tên Về phương hướng nhiệm vụ phát triển hàng công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp địa phươngnhưng có một phần khác toàn diện hơn gọi là Tình hình nhiệm vụ cấp bách [30], qua đó người ta thấy nổi bật lên mấy quan điểm nhận thức:
– Việc đánh giá tình hình đã trở nên thực tế ; đà trượt của chiến tranh cũng đã được tính đến (mất viện trợ Mỹ, chiến tranh biên giới) cùng với những hậu quả gay gắt (nạn thất nghiệp, đời sống sút kém…). Tiềm năng của miền Nam do Mỹ để lại có lúc được cán bộ “hồ hởi” đón nhận như là một thứ chiến lợi phẩm dùng đó làm bàn đạp tiến nhanh thì nay đã được đánh giá lại sau một thời gian làm cho thất thoát, hư hỏng.
– Việc đánh giá những sai lầm chủ quan của lãnh đạo cũng được đề cập thẳng thắn hơn: từ bệnh duy ý chí, muốn đốt giai đoạn, bất chất quy luật đến sự suy thoái của cán bộ và phương pháp quản lý thiếu hiệu lực đều được nêu ra. So với trước đây, đó là một bước tiến lớn vì đã phần nào đỡ huênh hoang hơn, đỡ ngạo mạn hơn.
Chính từ những đánh giá trên đây mà những biện pháp đưa ra cũng tỏ ra thiết thực hơn. Cùng với tư thế “sẵn sàng chiến đầu bảo vệ Tổ quốc” (chiến tranh với Trung Quốc), việc chống các hiện tượng tiêu cực (ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng) cũng được đặt biệt nhấn mạnh bên cạnh nội dung chính yếu về kinh tế với một số điểm căn bản sau đây:
– Tháo gỡ một số hạn chế trong các chính sách, chế độ quản lý để các khu vực quốc doanh, tập thể, lưu thông phân phối “bung ra” hoạt động. Nhưng việc “bung ra” ấy, theo Nghị quyết thì phải có kế hoạch, chứ không muốn làm gì thì làm. Thực chất đây chỉ là những biện pháp gỡ bí, cho phép các cơ sở sản xuất tự xoay xở tìm nguyên liệu, vật tư, thị trường, vốn liếng để chấm dứt tình trạng nhà máy bị đóng cửa, công nhân không có việc làm, sản xuất bế tắc, đời sống thấp kém vốn là những hiện tượng phổ biến vào lúc bấy giờ.
– Cho phép những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể hoạt động gọi là để “tận dụng” mọi khả năng về lao động, kỹ thuật, vốn liếng, có lợi cho sản xuất. Biện pháp này không mới nhưng nay nhắc lại cũng là để gỡ bí phần nào cho sự thất bại quá rõ rệt của khu vực quốc doanh trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết thực của xã hội. Cần chú ý là về mặt lý luận, những biện pháp này chỉ được chấp nhận trong thời kỳ quá độ, chứ không phải là vĩnh viễn. Vì thế ngay trong khi thừa nhận sự cần thiết của các thành phần tư nhân thì cũng chỉ trong lĩnh vực sản xuất thôi, hơn nữa chỉ cho phép những xí nghiệp loại nhỏ, vừa hoạt động chứ không phải là tất cả. Đặc biệt tư thương thì phải xóa bỏ. Nói chung nếu để cho các thành phần tư nhân, cá thể (gọi là phi xã hội chủ nghĩa) lấn áp, xói mòn những thành phần quốc doanh, tập thể (gọi là xã hội chủ nghĩa) là sai lầm về quan điểm.
– Những biện pháp trên đây đều dựa trên quan điểm lý luận về thời kỳ quá độ là vận dụng các quan hệ thị trường để bổ sung cho kế hoạch nhưng không để cho thị trường chi phối sản xuất một cách “tự phát” như trong chủ nghĩa tư bản, vì thế khi nói đến thị trường thì phải phân biệt thị trường có kế hoạch với thị trường ngoài kế hoạch để sử dụng cái thứ hai “bổ sung” cho cái thứ nhất. Còn cái gọi là “thị trường có kế hoạch” thì chỉ có nghĩa là để cho các cơ sở sản xuất quốc doanh tự xoay xở, tự kinh doanh theo cách thức của thị trường, có hạch toán lời lỗ chứ không hoàn toàn là mặt bằng thụ động, tùy thuộc vào cơ chế “giao nộp cấp phát” như cũ. Thị trường có kế hoạch chỉ là một cách diễn tả về mặt lý luận mấy chữ “kinh doanh xã hội chủ nghĩa” thôi: nó chỉ dừng lại ở chỗ trao đổi hàng hóa chứ chưa phải được quan niệm rộng rãi như hiện nay, ngoài thị trường hàng hóa còn có thị trường vốn, lao động, kỹ thuật…
Nghị quyết còn đề cập nhiều vấn đề khác (ngoại thương, quốc phòng, làm chủ tập thể…) nhưng trọng điểm của nó vẫn là kinh tế mà nội dung cốt lõi là hợp pháp hóa bằng cách đặt ra những giới hạn mang tính nguyên tắc để những hành động ấy không tái diễn nữa, hoặc không vượt qua. Theo ngôn ngữ của guồng máy, người ta gọi đó là “lãnh đạo”, nhưng thực tế chỉ có nghĩa là sau khi chạy theo sự kiện người ta liền gò các sự kiện ấy vào những định hướng mang tính ý thức hệ và kỷ luật của tổ chức. Đúng như Nghị quyết đã khẳng định: đó chỉ là một thứ nhiệm vụ “cấp bách” đưa ra để đối phó với tình hình đã bị đẩy tới chân tường.
Ý nghĩa đó của Nghị quyết tháng 9-1979 sẽ bộc lộ rõ hơn khi chúng ta đặt nó vào toàn bộ đường lối của đảng từ Đại hội IV (tháng 12-1976) đến cuối Đại hội V (cuối năm 1985) mà những nội dung sau đây là rất nhất quán:
– Trước sau vẫn coi Liên Xô là chỗ dựa vững chắc về mọi phương diện, cho nên những thay đổi về lý luận ở Liên Xô đều được giới thiệu, học tập ở Việt Nam. Trong khi đó thì Trung Quốc vẫn bị coi là kẻ thù “trực tiếp” lúc nào cũng phải chuẩn bị để đối phó. Do việc chiếm đóng Kampuchia kéo dài, Việt Nam tiếp tục bị cô lập trên thế giới, nên dù được Liên Xô viện trợ, việc xây dựng trong nước vẫn tiếp tục bất lợi. Chỉ khi sau Đại hội VI một thời gian, mối quan hệ giữa Liên Xô với Trung Quốc trở nên hòa hoãn lại, Việt Nam chấp nhận rút quân khỏi Kampuchia thì mối quan hệ của Việt Nam với thế giới mới được cải thiện, có lợi cho xây dựng.
– Trong xây dựng, vẫn tiếp tục đi theo chiến lược đã vạch, dựa theo đường lối ngoại giao đã nói trên. Thân Liên Xô cho nên mọi chuyển động từ Liên Xô đều được giới thiệu, vì vậy mô hình Stalin cũng dần dà bị pha loãng bớt vào thời Brejnew; chống Trung Quốc nên việc chống chủ nghĩa Mao về mặt dân tộc (bành trướng) đã có ảnh hưởng gỡ bớt những phần khác của chủ nghĩa Mao đã xâm nhập vào Việt Nam trong thực tế. Tuy vậy, tất cả những thuộc tính của một thứ “chủ nghĩa xã hội” du nhập vào Việt Nam từ thời chiến tranh và bị cuộc chiến tranh khuôn nắn khá nặng nề thì vẫn giữ nguyên “truyền thống” của nó: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, công hữu về tư liệu sản xuất, chủ nghĩa tập thể, tập trung dân chủ, não trạng vô sản bần cố nông, tư duy làng xã xa lạ hoàn toàn với những biến đổi của thế giới. Chính những thuộc tính mang tính hầu như “bản chất” của Đảng cộng sản Việt Nam đã giải thích việc mặc dù đã có Hội nghị tháng 9-1979 với những tháo gỡ nào đó, sau đó liên tục người ta vẫn đặt vấn đề đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa hoặc thúc đẩy phải hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp vào năm 1985.
– Về mặt ý thức hệ thì đường lối trên đây càng rõ ràng hơn. Mặc dù đã có không ngớt những cựa quậy trong giới văn nghệ sĩ (đặc biệt trong giới làm văn học) đòi nới lỏng vòng kiểm soát của Đảng đối với tư tưởng, mặc dù mô hình “chủ nghĩa xã hội” nửa Stalin nửa Mao đã bị sự cọ xát giữa Liên Xô Trung Quốc làm bớt đi tính cực đoan, nhưng những nguyên lý sơ khai về “chủ nghĩa xã hội” đối với Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là áp dụng vào lĩnh vực chính trị và văn hóa trong nước thì vẫn không hề suy xuyển. Tất cả những nỗ lực tìm tòi trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, một phần nào triết học để làm cho những giáo điều cũ bớt thô thiển đi, mang được một phần nào hơi hướng mềm mỏng hơn, vẫn bị những người lãnh đạo liệt vào những thứ “xét lại”, “tư sản”, “tiểu tư sản” thù địch với hệ tư tưởng Mác-Lênin. Có thể thay đổi về cách làm kinh tế, có thể bắt tay cả với những kẻ thù về mặt chính trị, nhưng nhất quyết phải dập tắt từ trứng nước những xu hướng khác nhau nảy sinh trong nội bộ – truyền thống mang tính “quốc tế” này, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam không bao giờ quên.
Như vậy nếu đặt Nghị quyết tháng 9-1979 vào đường lối chung của Đại hội IV và V, chúng ta thấy những cái gọi là “đổi mới” ở đây chỉ có nghĩa lànhân nhượng chiến thuật, qua những nhân nhượng ấy, Đảng vẫn hy vọng bảo vệ được những nguyên lý gọi là “khoa học” của mình. Nhưng vấn đề không đơn giản. Những nhân nhượng ấy đưa ra trong tình thế mà sự khủng hoảng đã đi đến tột độ, tuy có “tháo gỡ” được cái ngòi nổ, nhưng lại không có tác dụng giữ nguyên được những nguyên lý ấy. Những mâu thuẫn căn bản trong guồng máy quản lý càng trở nên căng thẳng hơn: một bên là cái nhu cầu về hiện đại hóa của đất nước ngày càng trở nên bức bách, một bên là một quan niệm về tổ chức dựa trên một ý thức hệ ngày càng tỏ ra lạc hậu, lỗi thời. Những gì diễn ra sau Nghị quyết tháng 9-1979 cho mãi đến trước Đại hội VI tháng 12-1986 đã chứng minh cho điều đó.
Ai thắng ai?
Chúng tôi có nhắc đến cuốn Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm của ông Nguyễn Văn Linh với đoạn ông ca ngợi hết sức cái mô hình “bung ra” năm 1979, với những bài học mà ông cho là sâu sắc giữa “cái mới và cái cũ”, giữa “tiến bộ và lạc hậu”, những bài học về “sức sống thường xuất hiện ở cơ sở”… và sau đó ông cũng đã ca ngợi hết mực Nghị quyết Trung ương 6 tháng 9-1979 tiếp đó là Quyết định 25/CP của Hội đồng Bộ trưởng năm 1981 về kế hoạch ba phần, trả lương khoán, lương sản phẩm trong xí nghiệp quốc doanh. Nhưng sau khi biểu dương như vậy trong chương “Phấn đấu giữ vững và phát triển vai trò trung tâm công nghiệp” của thành phố, thì khi sang chương gọi là “Cải tạo và tổ chức lại nền kinh tế”, ông đã làm cho người ta hết sức ngạc nhiên khi chính cái khoảng thời gian mà ông ca ngợi lại cũng là khoảng thời gian mà ông cho rằng “vì buông lỏng cải tạo” nên tình hình chủ nghĩa tư bản tự phát đã lan tràn thành những hiện tượng đáng lo ngại như sau:
Số hộ làm ăn phi pháp giàu lên khá nhanh, không phải từ sản xuất mà từ móc ngoặc, ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Trong công nhân, cán bộ kỹ thuật và trong nông dân tập thể đều có hiện tượng chân ngoài dài hơn chân trong. Trong thương nghiệp xã hội chủ nghĩa có tệ nạn tuồn hàng cho tư thương, xu hướng chạy theo lợi nhuận, tranh mua tranh bán không phục vụ tốt sản xuất và đời sống… [31].
Qua đoạn trích dẫn trên, chúng ta thấy tính chất dữ dội đến như thế nào của cái mà ông Linh gọi là “chủ nghĩa tư bản tự phát”; đó không phải chỉ là những hành vi móc ngoặc trong giới tư thương (đối tượng của cải tạo xã hội chủ nghĩa) mà còn là cung cách “kinh doanh” của các giám đốc quốc doanh (cơ sở chủ đạo của nền kinh tế quốc dân), và cách thức nâng cao đời sống của thành phần “tiên tiến” của xã hội mới (công nhân, nông dân tập thể…). Như vậy vấn đề ở đây không còn là quyền sở hữu (công cộng hay không công cộng) mà chỉ là phương thức hoạt động, và trong cách đặt vấn đề của những người lãnh đạo Đảng thì lý tưởng nhất vẫn là làm sao “bung ra” mà vẫn là xã hội chủ nghĩa, vẫn cho thị trường hoạt động nhưng vẫn xỏ mũi nó được như con ngựa bị khống chế bởi anh nài. Lý thì như vậy nhưng thực tế thì lại không phải như thế: hễ cải tạo thì sẽ đưa chủ nghĩa xã hội vào bế tắc mà bung ra (mượn những phương pháp tư bản chủ nghĩa) thì sớm muốn chủ nghĩa xã hội cũng sẽ không còn là chủ nghĩa xã hội nữa. Và đó chính là cái nan giải trầm kha của mọi ý hướng cải cách kinh tế vẫn còn nằm trong vòng giới hạn gọi là “cải cách xã hội chủ nghĩa”. Chính vì đã phải nhân nhượng nhưng không muốn nhân nhượng nhiều hơn cho nên những người lãnh đạo Đảng mới liên tục, sau Nghị quyết tháng 9-1979, đưa ra những đợt “điều chỉnh” để gò cá