25/05/2018, 17:58

Một số trao đổi khi nghiên cứu về văn hóa tộc người thiểu số

(ĐHVH HN) - Nghiên cứu về văn hóa tộc người thiểu số là mảnh đất “màu mỡ” để khai thác các đề tài nghiên cứu của nhiều ngành như Văn hóa học, Quản lý văn hóa, Nhân học văn hóa... Trong đó, bằng cách tiếp cận tôn trọng sự khác biệt, đề cao tính bình đẳng, khẳng định bản sắc và bảo ...


(ĐHVH HN) - Nghiên cứu về văn hóa tộc người thiểu số là mảnh đất “màu mỡ” để khai thác các đề tài nghiên cứu của nhiều ngành như Văn hóa học, Quản lý văn hóa, Nhân học văn hóa... Trong đó, bằng cách tiếp cận tôn trọng sự khác biệt, đề cao tính bình đẳng, khẳng định bản sắc và bảo vệ các cộng đồng yếu thế, nhiều nghiên cứu theo hướng Nhân học văn hóa đã khẳng định được tính khách quan và sức hấp dẫn của việc nghiên cứu văn hóa tộc người. Một số trao đổi trong bài viết dưới đây được gợi ý từ các tài liệu Nhân học văn hóa và đồng thời, được người viết coi là nguyên tắc, định hướng khi bắt tay nghiên cứu văn hóa tộc người thiểu số.

1. Phân biệt khái niệm “tộc người”, “dân tộc”

Ở Việt Nam, đã từ lâu, người ta sử dụng thuật ngữ “dân tộc” để chỉ hai khái niệm cộng đồng người khác nhau: một cộng đồng được hiểu là dân tộc đồng nghĩa với vấn đề mang tính thâu thuộc về một quốc tịch - dân tộc Việt Nam, tương đương với cách hiểu là người Việt Nam; một cộng đồng được hiểu với nghĩa là nhóm người thiểu số trong cùng một quốc gia, có cùng quốc tịch nhưng có những khác biệt về văn hóa - hay được gọi là dân tộc thiểu số. Điều này đã tạo ra một thói quen, một niềm tin ăn sâu vào tâm thức người Việt, để rồi cho đến nay, họ khó có thể thay đổi nó. Thuật ngữ “dân tộc” này đôi khi còn mang nội hàm khinh miệt, coi thường bởi có những người dùng nó để gọi các cộng đồng, các cá nhân nào đó mà người gọi cho rằng hoặc tin rằng là thứ người kém văn minh. Sự coi thường ấy xuất phát từ tâm lý miệt thị của một bộ phận không ít những người tự cho mình là có văn hoá cao trong cộng đồng đa số. Những diễn ngôn thường nhật như “bọn dân tộc” hay “lũ nhà quê” đều có hàm ý coi thường, biểu hiện sắc thái phân biệt, là những ví dụ tiêu biểu cho lối suy nghĩ và cách hành xử mang tính phân tầng bậc cao – thấp, sang – hèn một cách phiến diện.

Trong nghiên cứu khoa học, khi việc sử dụng chỉ một thuật ngữ “dân tộc” đưa đến những cách hiểu khác nhau thì việc sử dụng đúng thuật ngữ là điều cần thiết và tránh được cả những ý nghĩa xấu của thuật ngữ đã được sử dụng sai theo thói quen.

Trong tiếng Việt, dân tộc (nation state) được hiểu là một cộng đồng dân tộc cho dù bao gồm những thành phần tộc người (ethnic group) khác nhau cùng cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, cùng nhận là công dân của nước Việt Nam. Và nó cũng được dùng để chỉ một cộng đồng tộc người cụ thể như tộc người Việt, tộc người Thái... Rõ ràng, hai cách hiểu ấy bản chất hoàn toàn khác nhau. Không phân biệt rạch ròi hai cách hiểu trên thường dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc[1]. Theo từ điển Oxford, dân tộc (Nation state) được hiểu là nhóm người có cùng văn hóa, ngôn ngữ… Họ được tạo thành từ một quốc gia độc lập, mang nghĩa Quốc gia dân tộc. Trong khi đó, tộc người (ethnic group) chỉ một cộng đồng được gắn kết hoặc thuộc về một quốc gia, chủng tộc hoặc là những người cùng chia sẻ một truyền thống văn hóa[2]. Theo cuốn Cultural Theory – The Key Concepts, tộc người/ tính tộc người (Ethnic/ Ethnicity) là thuật ngữ thường dùng để chỉ các nhóm chủng tộc hoặc dân tộc khác nhau với sự xác định các chia sẻ niềm tin trong thực tiễn, các chuẩn mực và hệ thống tín ngưỡng. Bằng cách gọi nhóm tộc người (ethnic), họ thường được ngầm nhận diện như là nhóm thiểu số. Mặt khác, tính tộc người (Ethnicity) biểu thị sự tự nhận thức dựa trên sự thâu thuộc về một nhóm riêng biệt về văn hóa. Còn thuật ngữ Nation dùng để chỉ cộng đồng chính trị, được phân biệt với các cộng đồng khác bởi tính tự trị của nó, thể hiện qua các quy tắc pháp luật và cơ cấu chính phủ, có người đứng đầu Nhà nước, biên giới, các hệ thống phòng thủ quân sự... Một quốc gia dân tộc có các biểu tượng thể hiện bản sắc quốc gia như lá cờ, quốc ca, một hình ảnh thiên nhiên phổ biến...[3] Như vậy, về ý nghĩa của cụm từ “dân tộc” và “tộc người” là khác nhau.

Trước hết, dân tộc với ý nghĩa là quốc gia dân tộc là một cộng đồng người có thể bao gồm nhiều tộc người khác nhau, cùng sinh hoạt kinh tế, văn hóa trong một phạm vi lãnh thổ với biên giới “cứng”, dùng chung một tiếng nói làm ngôn ngữ công sở, quan trọng là được điều hành bởi một Nhà nước dưới một chế độ chính trị chung và pháp luật chung.

Tộc người thì ngược lại. Nó đơn thuần chỉ một cộng đồng người có tính tộc người (ethnicity), không nhất thiết phải cư trú trên một lãnh thổ chung, có Nhà nước chung. Có thể nhận thấy một điều rằng, một tộc người có thể cư trú trên nhiều lãnh thổ hoặc sống “vắt” qua biên giới và họ không quan tâm đến biên giới quốc gia. Hai quốc gia có chúng biên giới ấy có thể vẫn công nhận tộc người đó trong danh mục những cộng đồng người khác nhau trên lãnh thổ của mình. Hơn nữa, tộc người cũng có thể không cùng một cộng đồng sinh hoạt kinh tế bởi cư dân sống phân tán, không tập trung cùng lãnh thổ.

Thứ hai, dân tộc có thể chỉ hình thành bởi tộc người duy nhất như trường hợp Triều Tiên nhưng đa phần các dân tộc là các quốc gia dân tộc đa tộc người. Điều đó dễ dàng được giải thích bởi sự vận động, biến đổi của tự nhiên, xã hội đã thúc đẩy quá trình giao lưu tộc người trong khu vực và toàn cầu. Như vậy, dân tộc bao gồm tộc người trong đó. Tộc người là thành phần của quốc gia dân tộc. Ở Việt Nam, người ta rất quen thuộc với câu “dân tộc thiểu số, một bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam”.

Thứ ba, dễ dàng xác định cá nhân thuộc dân tộc nào nhờ quốc tịch của người đó. Các cá nhân có thể thuộc về nhiều dân tộc khác nhau nhưng chỉ thuộc về tộc người cụ thể. Nhưng việc xác định thành phần tộc người gặp nhiều khó khăn, phức tạp bởi nhiều lý do, trong đó ở Việt Nam, các nhà khoa học dựa vào tiêu chí ngôn ngữ, văn hóa, ý thức tự giác tộc người để phân loại (dù có nhiều điểm hạn chế của các tiêu chí này).

Cũng cần khẳng định rằng, việc sử dụng thuật ngữ tộc người nhằm “chỉ các cộng đồng mang tính tộc người bất kì, kể cả các cộng đồng tộc người chủ thể của một quốc gia, các cộng đồng tộc người thiểu số ở các vùng ngoại vi”[4] cũng đã thể hiện được sự bình đẳng giữa những tộc người khác nhau trong cùng một quốc gia dân tộc. Ví dụ gọi: tộc người Việt, tộc người Tày, tộc người Khmer... sẽ tránh được các diễn ngôn mang tính miệt thị khi dùng từ “dân tộc” để gọi nhóm tộc người thiểu số.

2. Tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính bình đẳng, khác biệt của văn hóa

Văn hóa là một thuật ngữ có nội hàm trừu tượng bởi nó bao hàm hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người và trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, Nhân học văn hóa với sự phát triển không ngừng bằng việc bổ sung lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, các nguyên tắc... với sự tích hợp mang tính liên ngành, được coi là một cách tiếp cận hiệu quả để nghiên cứu về văn hóa một cách tổng thể, thông qua đó phản ánh được những câu chuyện, những vấn đề mang tính bản chất của con người và xã hội.

Trong quá trình phát triển của ngành Nhân học văn hóa, xuất hiện nhiều hướng lý thuyết khác nhau. Những lý thuyết sau phủ nhận/ bổ sung cho lý thuyết trước trên phương diện cách thức tiếp cận, các nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu. Trong đó, ngay từ sớm, bắt đầu từ thế kỉ XIX, Edward Burnett Tylor (1832 – 1917), Lewis Henry Morgan (1818 – 1881) đã đề cập đến biến đổi văn hóa khi họ phân chia xã hội theo thứ bậc đơn tuyến và có chung một mẫu hình biến đổi xã hội và biến đổi văn hóa. E.Tylor cho rằng “sự phát triển tiến bộ, tiến hóa của các nền văn hóa là xu hướng chính trong lịch sử loài người. Xu hướng phát triển này là rất hiển nhiên, vì rằng có nhiều dữ kiện theo tính liên tục của nó có thể sắp xếp vào trong một trật tự xác định mà không thể làm ngược lại”.[5] Lý thuyết này phân các nền văn hóa thành tầng bậc cao – thấp, văn minh – mông muội; cho rằng các thực hành kinh tế, văn hóa của một tộc người ngoài châu Âu đại diện cho cho một thang bậc phát triển ở tầm thấp, hay được coi là những tồn dư của những gì mà loài người văn minh đã trải qua trong quá trình tiến hóa. Điều này được áp dụng trong nhiều người cứu ở Việt Nam, khi các nhà nghiên cứu tìm đến các tộc người với các thực hành văn hóa mà họ coi là đại diện/ tồn dư từ xã hội nguyên thủy nhằm vạch ra các thang bậc tiến hóa theo hình thái kinh tế xã hội. Đây là cách tiếp cận có lẽ không đúng hoàn toàn bởi“mọi xã hội hiện thời, ngay cả những xã hội đơn giản nhất về kĩ thuật, đều có những lịch sử lâu dài và phức tạp. Chúng đã phát triển và tiến hóa hàng ngàn năm để đáp ứng với môi trường sinh thái, xã hội xung quanh, và đã xây dựng trên sự khôn ngoan của nhiều thế hệ. Không một xã hội nào được coi là “nguyên thủy” đích thực hay đại diện cho những giai đoạn xưa nhất của loài người”[6].

Phản bác lại những lập luận có tính chất “ghế bành” với cách tiếp cận của Tiến hóa luận, những nhà Nhân học nổi tiếng như Franz Boas (1858 – 1942) với chủ nghĩa Đặc thù lịch sử, Radcliffe Brown (1881 – 1955), Bronislav Malinowski (1884 – 1942) với Chức năng luận, Clifford Geertz (1926 – 2006) với Nhân học biểu tượng, Julian Steward (1920 – 1972) với Sinh thái văn hóa....đã tạo ra hệ thống những lý thuyết với đặc điểm chung là tôn trọng những đặc thù về tự nhiên, lịch sử, xã hội trong việc tạo ra những nền văn hóa khác nhau; tiếp cận văn hóa như một hệ thống gồm nhiều thành tố và những thành tố này có tác động qua lại, chi phối lẫn nhau; tiếp cận nghiên cứu với quan điểm tương đối văn hóa... Trải qua Tiến hóa luận, Đặc thù văn hóa, Cấu trúc – chức năng, Sinh thái học văn hóa, Sinh thái Chính trị... những nguyên tắc cơ bản được công nhận và trở thành vấn đề mang tính “tôn chỉ” khi nghiên cứu là tôn trọng tính đa dạng của các biểu đạt và thực hành văn hóa, xét các nền văn hóa theo chiều ngang, bình đẳng; không phân biệt cao – thấp. Đa dạng văn hóa “là khởi nguồn cho mọi giao lưu, đổi mới và sáng tạo, đa dạng văn hóa cũng cần cho nhân loại như đa dạng sinh học cho thiên nhiên. Vì thế đa dạng văn hóa chính là di sản chung của nhân loại và cần được công nhận và khẳng định vì lợi ích của các thế hệ hôm nay và mai sau”[7]. Mỗi một cộng đồng tộc người có cách diễn giải riêng về văn hóa với một thế giới biểu tượng của họ, gắn liền với những đặc thù của môi trường sống, những lựa chọn được đúc kết qua hàng ngàn năm trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội để tồn tại và phát triển. Do đó, sự đa dạng văn hóa cũng đồng nghĩa với sự đa dạng các cách thức tồn tại của loài người để phát triển một cách hiệu quả như sư đa dạng sinh học của thiên nhiên.

Bởi vậy, nguyên tắc khi nghiên cứu văn hóa tộc người là tránh cái nhìn của người ngoài cuộc qua lăng kính của người thuộc cộng đồng đa số, được “đắm mình” trong sự “văn minh” nên có cái nhìn phân biệt cao – thấp, dẫn đến các đánh giá, nhìn nhận, diễn giải sai lệch về các biểu đạt, các thực hành văn hóa và các biểu tượng văn hóa của các tộc người thiểu số. Thậm chí, ngay cả những cá nhân nhà nghiên cứu thuộc cộng đồng tộc người thiểu số cũng cần tránh cái nhìn tự định kiến mà cần có thái độ tự hào với chính nguồn gốc và nền văn hóa của mình.

Nếu nhìn theo góc độ lịch đại, đối với mỗi cộng đồng, văn hoá luôn là một dòng chảy, luôn biến đổi, sáng tạo, thích nghi với môi trường sống cũng đang biến đổi từng ngày. Do đó, ko thể phủ nhận sự phát triển/ tiến hoá văn hoá trong mỗi cộng đồng/ những nhóm người cùng chia sẻ một văn hoá chung để tự khẳng định bản sắc. Dù có những tương tác, những “va chạm” văn hóa, đối với những cộng đồng nhỏ, biệt lập, tiến bộ văn hoá vẫn là những nỗ lực tự thân của cộng đồng qua sự tích luỹ tri thức bản địa với những hiểu biết bằng thế giới quan của chính họ về thiên nhiên, con người, thần linh... để áp dụng vào quá trình sinh tồn.

3. Những vấn đề từ cách tiếp cận theo thang bậc tiến hóa

Như đã nhắc đến, lăng kính theo thang bậc tiến hóa đã tạo ra những diễn ngôn thường nhật, diễn ngôn khoa học mang tính phân biệt cao – thấp, có cái nhìn sai lệch về tộc người thiểu số và văn hóa của họ. Ngay trên các phương tiện truyền thông, PGS. TS Nguyễn Văn Chính đã phân tích để thấy cách nhìn phiến diện của báo chí, truyền hình về tộc người thiểu số và văn hóa của những cộng đồng này. Theo đó, tác giả đã phân tích 373 bài báo thu thập từ từ bốn tờ báo lớn (Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong và Công An Nhân Dân) và chỉ ra gần 66% số bài sử dụng thuật ngữ có ngụ ý tiêu cực. Các thông tin định hướng cho người đọc về tộc người thiểu số gắn với các hình ảnh tiêu cực như sự tồn tại phổ biến của những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, người thiểu số lười biếng, ngu dốt về lệ thuộc vào nhà nước và kêu gọi sự can thiệp, cứu vớt từ bên ngoài đối với các tộc người này[8]. Qua lăng kính của truyền thông, tộc người thiểu số hiện lên với hình ảnh thụ động, đói nghèo không lối thoát, ngây thơ, cả tin, thất học, thiếu hiểu biết và lệ thuộc nặng nề vào các tập tục bí ấn, lạc hậu, mê tín.[9]

Những nghiên cứu của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã chỉ ra nhiều vấn đề từ cách tiếp cận này của các nhà khoa học và các nhà quản lý trong việc đánh giá văn hóa tộc người và thực hành phát triển cộng đồng tộc người.[10] Nếu các diễn ngôn thường nhật phản ánh tâm lí phân biệt, coi thường của một bộ phận người tự cho mình là văn minh thì những diễn ngôn sai lệch trong khoa học và thực hành chính sách đã tạo ra hệ quả xấu đối với tộc người thiểu số, đó là: sự thay đổi bản sắc và sự tự định kiến. Người thiểu số tự định kiến rằng văn hóa của họ là thấp kém, cần thay đổi và học sao cho giống người đa số. Đây là hệ quả xấu bởi nó tàn phá sự đa dạng văn hóa, làm mai một tri thức bản địa vốn dĩ đã giúp tộc người thiểu số tồn tại và phát triển trong lịch sử đến đương đại của họ.

Đối với sinh viên ĐHVH HN, đặc biệt là sinh viên các khoa Văn hóa học, Văn hóa dân tộc thiểu số, những đề tài nghiên cứu về văn hóa tộc người rất đa dạng. Có thể nói, đây là mảnh đất màu mỡ để khai thác cho các đề tài nghiên cứu khoa học, khoá luận tốt nghiệp. Khi tiến hành nghiên cứu về văn hóa tộc người thiểu số, cần nắm được những quy tắc mang tính chất nguyên tắc, trong đó: xóa bỏ các định kiến về tộc người thiểu số; tiếp cận nghiên cứu văn hóa của họ trên quan điểm tương đối văn hóa, nhìn nhận các nền văn hóa theo bề ngang, bình đẳng; tôn trọng sự đa dạng, dị biệt; nhìn nhận, diễn giải các biểu đạt, thực hành văn hóa từ quan điểm của tộc người chủ thể; nhận diện những yếu tố trong các thực hành sinh kế, văn hóa góp phần vào phát triển bền vững tộc người; đề xuất những giải pháp phát triển cộng đồng trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa tộc người và kho tàng tri thức bản địa, tránh các áp dụng các thực hành phát triển máy móc theo quan điểm của xã hội công nghiệp.

Các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu của ngành học Nhân học văn hóa hiện cũng khá phổ biến. Sinh viên cần khai thác những tri thức của ngành học này để trang bị kĩ năng, phương pháp nghiên cứu cho mình.
 
--
Tác giả: Đoàn Văn Thắng (Văn phòng Tạp chí Nghiên cứu văn hóa – ĐHVH HN)
 

Admin 4

 
 

Chú thích
 
[1] Đặng Nghiêm Vạn, Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM, 2003, tr.16
[2] Oxford Advance Learner’s Dictionary, Nation state: a group of people with the same culture, language, etc. Who have formed); ethnic group: connected with or belonging to a nation, race or people that shares a cultural traditional
[3] Andrew Edgar and Peter Sedwick, Cultural Theory – The Key Concepts, published by Routledge 2 Park Square, Milton Park, Abingdon, Oxfordshire OX14 4RN, 2008, pp. 114 – 115 and pp.220
[4] Đặng Nghiêm Vạn, sđd, tr.34
[5] A.A Belik, Văn hoá học, Những lý thuyết nhân học văn hóa, Đỗ Lai Thuý, Hoàng Vinh, Huyền Giang dịch, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H, 2000, tr.35
[6] Lewis M. Hope –Mark R. Woodward, Các tôn giáo trên thế giới, Phạm Văn Liễn dịch, Nxb. Thời đại, H, 2011, tr.33
[7] Dẫn theo Hoàng Cầm -Phạm Quỳnh Phương, Diễn ngôn, chính sách và sự biến đổi sinh kế - văn hóa tộc người, Nxb. Thế giới, H, 2012, tr.5
[8] Nguyễn Văn Chính, “Định kiến tộc người trên truyền thông đại chúng”, http://tiasang.com.vn/-van-hoa/dinh-kien-toc-nguoi-tren-truyen-thong-dai-chung-9492, cập nhật ngày 4/11/2017
[9] Nguyễn Văn Chính (đã dẫn)
[10] Xem thêm Nguyễn Công Thảo, Định kiến tộc người: Vài nét khái quát và một số đề xuất cho các bước nghiên cứu tiếp theo, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), tháng 6/2010, H; Hoàng Cầm và các tác giả, “Thiểu số cần tiến kịp đa số” – Định kiến trong quan hệ tộc người ở Việt Nam, Nxb. Thế giới, H, 2013

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. A.A Belik (2000), Văn hoá học, Những lý thuyết nhân học văn hóa, Đỗ Lai Thuý, Hoàng Vinh, Huyền Giang dịch, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.
  2. Hoàng Cầm, Phạm Quỳnh Phương (2012), Diễn ngôn, chính sách và sự biến đổi sinh kế - văn hóa tộc người, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
  3. Hoàng Cầm và các tác giả (2013), “Thiểu số cần tiến kịp đa số” – Định kiến trong quan hệ tộc người ở Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
  4. Nguyễn Văn Chính, "Định kiến tộc người trên truyền thông đại chúng", http://tiasang.com.vn/-van-hoa/dinh-kien-toc-nguoi-tren-truyen-thong-dai-chung-9492, cập nhật ngày 4/11/2017
  5. Lewis M. Hope, Mark R. Woodward (2011), Các tôn giáo trên thế giới, Phạm Văn Liễn dịch, Nxb. Thời đại, Hà Nội.
  6. Robert Layton (2007), Nhập môn Lý thuyết Nhân học, Phan Ngọc Chiến dịch, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. HCM.
  7. Nguyễn Văn Sửu, Tóm lược một số lý thuyết nhân học, Tài liệu tham khảo của Bộ môn Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) (bản PDF)
  8. Nguyễn Công Thảo (2010), Định kiến tộc người: Vài nét khái quát và một số đề xuất cho các bước nghiên cứu tiếp theo, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Hà Nội.
  9. Đặng Nghiêm Vạn (2003), Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM, Tp. HCM.
  10. Andrew Edgar and Peter Sedwick (2008), Cultural Theory – The Key Concepts, published by Routledge 2 Park Square, Milton Park, Abingdon, Oxfordshire OX14 4RN.
 
0