25/05/2018, 17:58

Nơi cưu mang những mảnh vỡ quá khứ

(ĐHVH HN) - Có thể nói đây là một trong những “Bảo tàng” tư nhân lớn nhất Việt Nam phản ánh gần như đầy đủ các giai đoạn từ tiền, sơ sử đến văn hóa Champa và văn hóa Việt sau này của Thừa Thiên - Huế … “Bảo tàng” còn gìn giữ nhiều hiện vật độc đáo của văn hóa Champa ...

(ĐHVH HN) - Có thể nói đây là một trong những “Bảo tàng” tư nhân lớn nhất Việt Nam phản ánh gần như đầy đủ các giai đoạn từ tiền, sơ sử đến văn hóa Champa và văn hóa Việt sau này của Thừa Thiên - Huế … “Bảo tàng” còn gìn giữ nhiều hiện vật độc đáo của văn hóa Champa chưa từng được tìm thấy qua khai quật khảo cổ học.
 
Thừa Thiên - Huế là mảnh đất cực Bắc của vương quốc Champa trong lịch sử. Tại đây, từ thời tiền - sơ sử đến lịch sử có 3 cơ tầng văn hóa nối tiếp nhau phát triển liên tục: văn hóa Sa Huỳnh - văn hóa Champa - văn hóa Việt. Riêng văn hóa Champa đã giữ vai trò chủ đạo trong suốt một thời gian dài, từ cuối thế kỷ I-II đến đầu thế kỷ XIV, để lại trên mảnh đất này những dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực kinh tế -văn hóa - xã hội.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, các học giả người Pháp đã thống kê trên địa bàn Thừa Thiên - Huế có 14 di tích đền tháp Champa và gần 30 địa điểm còn lưu giữ dấu tích vật chất thuộc văn hóa Champa (Lê Đình Phụng  2007: 45-46). Vì nhiều lý do, gần một thế kỷ sau, công cuộc khảo sát, nghiên cứu các di tích văn hóa Champa ở Thừa Thiên - Huế mới được khôi phục lại. Tuy nhiên, diện mạo văn hóa Champa ở Thừa Thiên - Huế mới được phác dựng chủ yếu dựa trên khối tư liệu về những di tích đền tháp, kiến trúc, thành lũy, các tác phẩm điêu khắc đá (phù điêu, tượng, bệ thờ…), văn bia…(Nguyễn Văn Quảng 2011). Một nguồn tài liệu quan trọng bậc nhất, được coi như “hóa thạch chỉ đạo niên đại” đối với khảo cổ học là đồ gốm Champa thì đến nay ở khu vực Thừa Thiên Huế vẫn chưa có được những phát hiện và nghiên cứu mới.
 
Cho đến nay, ở Thừa Thiên - Huế, ngoài cuộc khai quật di tích thành cổ Hóa Châu và khảo sát khu vực Thành Lồi, chưa có thêm cuộc khai quật di tích cư trú thuộc văn hóa Champa hay phát hiện mới nào về đồ gốm Champa giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…. Kết quả khai quật thành Hóa Châu trong các năm 1997, 2010, 2011 mới chỉ tìm được gạch và gốm Champa niên đại thế kỷ IX-X nhưng không thể phục dựng được do mảnh gốm vỡ nhỏ (Phạm Như Hồ 1997, Lê Đình Phúc, Nguyễn Văn Quảng, Nishimura Masanari 2009).

Từ năm 2008, chúng tôi được tiếp xúc với sưu tập Hồ Tấn Phan (Tp. Huế)  - nơi lưu giữ những hiện vật được vớt từ dưới lòng các dòng sông ở Huế, đặc biệt là sông Hương.


Trước khi hẹn gặp ông Hồ Tấn Phan vào năm 2008, tôi đã được đọc nhiều bài viết về “vua đồ cổ xứ Huế” vốn nổi tiếng với nguyên tắc “chỉ mua chứ không bán”.Ông chưa bao giờ nói về giá trị bằng tiền của mỗi hiện vật mà chỉ nhớ đến hoàn cảnh đã đưa được chúng về trong khu vườn nhà mình. Đối với ông: “Những giá trị đó không tính được bằng tiền! Bởi đằng sau mỗi hiện vật là những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần của cha ông”. Do sẵn có vốn kiến thức về lịch sử - văn hóa, ông Phan hiểu rằng mỗi hiện vật tìm thấy dưới sông Hương đều mang trong mình một thông điệp của quá khứ, và ông tìm cách thu mua tất cả những gì người dân vạn đò vớt được.Chỉ tự nhận mình chỉ là“người giúp việc của dòng sông Hương” và coi khu vườn nhà là nơi cưu mang những mảnh vỡ của quá khứ, ông tâm nguyện phải gom góp, giữ gìn cẩn thận “kho báu dưới lòng sông Hương” để dành cho những ai quan tâm tìm hiểu.Cho đến năm 2017, số lượng cổ vật trong bộ sưu tập của ông Hồ Tấn Phan đã lên tới hơn 10.000 hiện vật gốm, sứ, đá, đồng… phản ánh cả ba giai đoạn phát triển của vùng đất Thừa Thiên - Huế: từ giai đoạn tiền - sơ sử đến văn hóa Champa và văn hóa Việt sau này.

Bộ sưu tập gốm của ông Hồ Tấn Phan có ba nhóm chính:

- Nhóm hiện vật tiền Sa Huỳnh – Sa Huỳnh (thiên niên kỷ II trước Công nguyên đến đầu Công nguyên), gồm đồ đá (rìu, bôn, bàn nghiền…); đồ gốm (đồ dùng sinh hoạt, đồ tùy táng, đồ gốm nghi lễ…), đồ đồng, sắt (đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, công cụ sản xuất...).

Cho đến năm 2017, số lượng cổ vật trong bộ sưu tập của ông Hồ Tấn Phan đã lên tới hơn 10.000 hiện vật gốm, sứ, đá, đồng… phản ánh cả ba giai đoạn phát triển của vùng đất Thừa Thiên - Huế: từ giai đoạn tiền - sơ sử đến văn hóa Champa và văn hóa Việt sau này.

Bộ sưu tập gốm của ông Hồ Tấn Phan có ba nhóm chính:

- Nhóm hiện vật tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh (thiên niên kỷ II trước Công nguyên đến đầu Công nguyên), gồm đồ đá (rìu, bôn, bàn nghiền…); đồ gốm (đồ dùng sinh hoạt, đồ tùy táng, đồ gốm nghi lễ…), đồ đồng, sắt (đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, công cụ sản xuất...).

- Nhóm hiện vật văn hóa Champa (thế kỷ II đến thế kỷ XIV) gồm hiện vật đá và đồ gốm Champa (đồ dùng sinh hoạt, đồ gốm nghi lễ, trang trí kiến trúc…).

- Nhóm hiện vật lịch sử (từ thế kỷ XIV đến thời Nguyễn và sau này), gồm hiện vật đồng, đồ sành, sứ…


Trong số khoảng 10 nghìn hiện vật gốm thuộc bộ sưu tập, đặc biệt phải kể đến những hiện vật gốm Champa thuộc giai đoạn Champa sớm (từ thế kỷ I-II đến thế kỷ III-IV) như bình hình trứng, kendi (loại bình có vòi nhưng không quai, có thể có chân đế hoặc không; chức năng khá đa dạng: có thể dùng trong các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng, sinh hoạt hoặc để tùy táng)…, và những hiện vật gốm khác tựa như những hiện vật điển hình cho lớp văn hóa dưới cùng của Trà Kiệu và lớp Champa sớm của di chỉ Gò Cấm (Quảng Nam) (Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung và Vũ Thị Ninh 1991; Lâm Mỹ Dung, Nguyễn Anh Thư, Võ Hồng Việt 2011; Nguyễn Chiều và Trần Đức 2009).

Bình hình trứng là loại hình gốm đặc biệt, chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn từ đầu hay giữa thế kỷ I sau Công nguyên đến muộn nhất là cuối thế kỷ II sau Công nguyên, không thấy có những cổ típ từ trước và sau đó cũng không thấy dấu vết của loại gốm này. Cho đến nay, mới chỉ tìm thấy bình hình trứng ở lớp cư trú sớm nhất ở trong một số di chỉ: Trà Kiệu, Gò Cấm (Duy Xuyên, Quảng Nam), Hồ Điều Hòa (Hội An - Quảng Nam), Quế Phú (Quế Sơn, Quảng Nam); Vườn Đình - Khuê Bắc (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Xóm Ốc và Suối Chình (Lý Sơn, Quảng Ngãi). Trong đó, Gò Cấm là nơi tập trung số lượng lớn nhất của loại bình hình trứng. Bình hình trứng được xếp vào nhóm gốm có chức năng chuyên biệt, nhiều khả năng là một loại bình đựng và chuyển chất lỏng bằng phương tiện đường thủy. Loại hàng hóa mà bình hình trứng đựng có nhiều khả năng dành phục vụ những nhu cầu riêng (có thể là tôn giáo, tín ngưỡng) để trao đổi giữa các nhóm cư dân trong vùng và liên vùng ở khu vực miền Trung trong giai đoạn đầu của lịch sử Champa.


Nhà sưu tập Hồ Tấn Phan và hai chiếc bình hình trứng trong bộ sưu tập của ông



Kendi và những hiện vật gốm Champa sớm (thế kỉ I đến thế kỉ IV-V AD)
trong bộ sưu tập Hồ Tấn Phan

Bên cạnh bình hình trứng, bộ sưu tập Hồ Tấn Phan còn có những loại hình gốm khác có hình dạng, chất liệu, kỹ thuật chế tác, xử lý bề mặt và độ nung tương tự những đồ gốm tìm thấy trong các lớp văn hóa Champa sớm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… như đồ gia dụng (nồi, cà ràng, vò, bình, hũ, âu, lọ hoa, đĩa, bát chân cao, bát, cốc…); gốm trang trí kiến trúc (trụ gốm…), gốm nghi lễ (kendi, vật đất nung hình tháp …), gốm phục vụ sản xuất (chì lưới, ống thổi dùng trong lò luyện quặng sắt…). Về niên đại có thể tương đương với lớp dưới Trà Kiệu (từ thế kỷ I đến thế kỷ IV-V sau Công Nguyên).

Sự có mặt của những hiện vật này cho thấy đồ gốm Champa trong sưu tập Hồ Tấn Phan không phải là những hiện vật đơn lẻ và được sưu tầm từ nơi khác đến. Có nhiều khả năng lưu vực sông Hương có những di tích Champa sớm kiểu Trà Kiệu - Gò Cấm, và khu vực Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa phân bố ở lưu vực sông như các trường hợp sông Thu Bồn, Trà Khúc, Đà Rằng.
 
Sưu tập Hồ Tấn Phan có giá trị nghiên cứu khoa học đặc biệt quan trọng vì:
Thứ nhất: Đây là một trong những “bảo tàng” tư nhân lớn nhất Việt Nam, nơi gìn giữ những di vật có giá trị, phản ánh gần như đầy đủ các giai đoạn lịch sử từ giai đoạn tiền, sơ sử đến giai đoạn Champa sớm (thế kỷ I, II – III), giai đoạn Champa (từ thế kỷ IV-V đến thế kỷ XI-XII) và giai đoạn Champa - Đại Việt (thế kỷ XIII-XIV), văn hóa Đại Việt (thế kỷ XIV trở về sau)… Thậm chí nơi đây còn bảo lưu được nhiều loại hình hiện vật độc đáo chưa từng được tìm thấy qua khai quật khảo cổ học.
Thứ hai: Đa phần hiện vật được sưu tập từ lòng sông Hương, trong một không gian không rộng lắm, do vậy nhiều hiện vật ở đây mang đặc trưng khu vực rõ ràng và phần nào giúp nhà nghiên cứu hình dung lại bối cảnh lịch sử - văn hóa của mảnh đất này trong khoảng thời gian kéo dài từ thời tiền - sơ sử đến hiện đại.
Thứ ba: Chủ nhân của bộ sưu tập có ý thức thu thập càng nhiều cá thể của một loại hình đồ vật càng tốt và của tất cả mọi hiện vật, không có bất cứ sự phân biệt theo kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh” những cổ vật theo bất cứ tiêu chí nào, loại hình, niên đại, chất liệu, nguồn gốc, tình trạng… Bộ sưu tập không chỉ lưu giữ đồ gốm và cổ vật mà nhiều đồ dùng dân gian và cung đình có tuổi đời không quá cổ xưa cũng có mặt trong sưu tập. Điều này đã làm cho bộ sưu tập càng thêm giá trị nghiên cứu cũng như giá trị bảo tồn, bảo tàng.
Dưới con mắt của các nhà khảo cổ học, những hiện vật trong bộ sưu tập Hồ Tấn Phan thực sự là một phần quan trọng phản ánh quá khứ khu vực Thừa Thiên - Huế nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung. Nghiên cứu khảo cổ khu vực miền Trung cần có thái độ đúng đắn và khoa học với bộ sưu tập này.
Hiện nay, trong điều kiện “nguồn cung” từ sông Hương đã cạn kiệt, nhiều hiện vật vớt từ lòng sông Hương và từ một số nơi khác ở Huế đã bị phân tán khắp nơi, những cổ vật của bộ sưu tập Hồ Tấn Phan càng trở nên quý giá. Vấn đề đặt ra là điều kiện trưng bày và bảo quản một số lượng khổng lồ hiện vật từ nhiều loại chất liệu đã nằm quá khả năng của chủ nhân bộ sưu tập. Nếu không sớm được tư liệu hóa và nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống những hiện vật của sưu tập này với cách tiếp cận và phương pháp phù hợp thì sẽ khó có thể nhận diện một phần quan trọng của quá khứ Huế nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung. 

TÀI LIỆU DẪN
Lâm Mỹ Dung, Nguyễn Anh Thư, Võ Hồng Việt 2011. Phát hiện bình hình trứng ở Huế và Hội An 2011. Trong Những Phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2009. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội: 708-711.
Lê Đình Phúc, Nguyễn Văn Quảng, Nishimura Masanari 2009. Báo cáo kết quả thám sát thành Hóa Châu 2009. Tư liệu Khoa Lịch sử, ĐH KH Huế
Lê Đình Phụng 2007. Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế. Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội: 45-46.
Nguyễn Chiều và Trần Đức 2009. Thêm một địa chỉ có bình hình trứng và gốm Chàm cổ. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ  học năm 2008. Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội.
Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung và Vũ Thị Ninh 1991. Đồ gốm trong cuộc khai quật di chỉ Chàm cổ ở Trà Kiệu năm 1990. Khảo cổ học, số 4.
Nguyễn Văn Quảng 2011. Các di tích văn hóa Champa ở Thừa Thiên-Huế. Luận văn thạc sĩ lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội.
Phạm Như Hồ 1997. Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Thành Hóa Châu (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tư liệu Viện Khảo cổ học Việt Nam, Hà Nội.

Mốt số hình ảnh
0