25/05/2018, 17:58
Trò diễn bài chòi Hội An - Một sinh hoạt văn hóa, một sản phẩm du lịch độc đáo
(ĐHVHHN) - Với dáng vẻ yên bình, xinh đẹp, cổ kính, Hội An luôn đem đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời mà ở đó, họ có thể tìm thấy sự thoải mái, nhẹ nhàng và thực sự thanh thản. Không gian văn hóa Hội An không chỉ hấp ...
(ĐHVHHN) - Với dáng vẻ yên bình, xinh đẹp, cổ kính, Hội An luôn đem đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời mà ở đó, họ có thể tìm thấy sự thoải mái, nhẹ nhàng và thực sự thanh thản. Không gian văn hóa Hội An không chỉ hấp dẫn bởi những công trình kiến trúc cổ, những món ăn truyền thống, những nếp sinh hoạt thường nhật của người dân, mà còn bởi sự góp mặt của một sinh hoạt văn hóa độc đáo, đó là Trò diễn dân gian bài chòi. Từ một thú chơi dân dã, một món ăn tinh thần của người dân phố cổ, Trò diễn bài chòi đã từng bước trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, một điểm nhấn cho du lịch Hội An.
(Ảnh minh họa)
1. Đôi nét về Hội An
Trên dải đất Quảng Nam, Hội An xinh đẹp và cổ kính nép mình cuối dòng sông Thu Bồn. Đây là mảnh đất được đất trời ban tặng cho những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt diệu như bãi biển Cửa Đại nước xanh trong vắt, sóng biển êm đềm hiền hoà với bờ cát trắng phau. Phía xa khơi là Cù Lao Chàm với 7 hòn đảo nhỏ có khí hậu đại dương quanh năm mát mẻ và một hệ động thực vật vô cùng phong phú. Hội An còn nổi tiếng với con sông Thu Bồn từng là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, nhạc, họa…
Mảnh đất này mang trong mình một số phận lịch sử đặc biệt với những cái tên Lâm Ấp Phố, Faifo, Hoài Phố, và cuối cùng là cái tên Hội An như ngày nay. Với những di sản khảo cổ học được khai quật, có thể khẳng định đây là nơi đã từng in dấu sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh. Từ thế kỷ II đến thế kỷ XIV, Hội An thuộc đất Chăm Pa, là một thương cảng sầm uất thu hút nhiều thương gia Ả Rập, Ba Tư, Trung Quốc… đến trao đổi, buôn bán. Cảnh giao thương phồn thịnh của thương cảng Lâm Ấp Phố xưa kia đã từng được ghi nhận trong các sử liệu cũ, tàu thuyền nhiều đến nỗi “ như rừng tên xúm xít” ( Thích Đại Sán - Hải ngoại ký sự), còn hàng hóa thì “ không thứ gì không có, nhiều đến mức trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” ( Lê Quý Đôn - Phú biên tạp lục). Thật đáng tiếc, từ nửa cuối thế kỷ XIV, do đoạn sông Thu Bồn nối với biển bị bồi cạn, tàu bè ra vào khó khăn nên thương cảng này bị suy thóai dần rồi mất hẳn, nhường lại cho Đà Nẵng, cảng mới được người Pháp mở. Nhưng cũng nhờ vậy mà Hội An đã tránh được sự biến dạng của một thành thị trung - cận đại dưới sự tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ độc đáo.
(Ảnh minh họa)
Hội An tuy chỉ là một không gian nhỏ bé nhưng có một sức hấp dẫn đặc biệt bởi những di sản văn hóa gần như được bảo tồn nguyên vẹn dẫu đã trải qua bao biến thiên lịch sử và bị phủ mờ bởi những lớp bụi thời gian.
Trước hết, nói đến phố Hội ta không thể không nhắc tới những công trình kiến trúc cổ kính. Hội An có tới 1.360 di tích, danh thắng bao gồm nhà cổ, giếng cổ, nhà thờ tộc, miếu thờ thần, đình, hội quán, ngôi mộ cổ. Trong đó riêng đô thị cổ chiếm tới 1.100 di tích. Trong đó có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa mang dáng nét kiến trúc của sự giao lưu với Nhật và Trung Hoa. Không thể không kể đến các di tích như Chùa Cầu, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Quá Thắng, nhà thờ tộc Trần, tộc Trương, hội quán Phúc Kiến, đình Hội An, chùa Chúc Tánh, giếng đá Trà Quế. Hội An không chỉ đặc biệt bởi sự cổ kính của các công trình kiến trúc, mà còn hấp dẫn bởi các món ăn truyền thống. Đặc sắc nhất phải kể tới Cao lầu, một món ăn được chế biến theo phương pháp bí truyền, hiện chỉ có một vài gia đình tại đây biết chế sợi Cao lầu và sợi mỳ chỉ khi được ngâm và nấu từ nước giếng Bá Lễ thì mới thực sự đúng hương vị và thơm ngon. Các loại bánh xèo, bánh đập, bánh vạc, bánh bao ở Hội An cũng rất ngon và mang hương vị đặc biệt. Ở Hội An hiện nay vẫn còn duy trì được nhiều làng nghề truyền thống như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, nghề yến Thanh Châu, và đặc biệt nơi đây có nghề thủ công sản xuất đèn lồng rất phát triển, phục vụ đắc lực cho du lịch phố cổ. Cũng như bao vùng đất khác trên đất nước, Hội An cũng là nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều di sản nghệ thuật quý giá. Đó là các điệu hò, điệu lý, hát séc bùa ngày xuân, hát Bội, trò diễn dân gian bài chòi của người Việt. Bên cạnh đó, nơi đây còn là nơi bảo tồn và phát huy một kho tàng nghệ thuật múa và nhạc cụ truyền thống đặc sắc của cư dân Chăm. Những di sản nghệ thuật này đang ngày đêm dược các nghệ sỹ thể hiện đầy đam mê và nhiệt huyết để phục vụ cho người dân phố cổ và khách du lịch dến với Hội An…
(Ảnh minh họa)
Nhìn lại, có thể thấy, Hội An là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn giao thoa văn hóa giữa nhiều dân tộc. Dù đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, Hội An vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn dáng vóc cổ xưa của mình, tĩnh lặng, lắng sâu bởi các dấu tích văn hóa độc đáo. Với các tiêu chí: biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế và là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo, ngày 4/12/1999, Đô thị cổ Hội An đã được UNESCO trao tặng danh hiệu cao quý “Di sản văn hóa thế giới”.
2. Trò diễn Bài chòi Hội An - một sinh hoạt hoạt văn hóa hấp dẫn
Trò diễn bài chòi, còn gọi là Trò chơi bài chòi, Hô bài chòi, Hò bài chòi, Hội bài chòi, là một hình thức vui chơi của người miền Trung, được hình thành vào khoảng thế kỷ XV tại Bình Định, sau đó lan toả ra các tỉnh lân cận như Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Quảng Nam,Thừa Thiên - Huế. Sự xuất hiện của Trò diễn bài chòi đến nay chưa có kết quả khẳng định chính thức. Có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu về sự ra đời của trò diễn này. Theo lời cụ Phan Đình Lang (Bình Định) thì chính cụ đã từng nghe ông nội và nhiều người khác kể là Trò diễn bài chòi do ông Đào Duy Từ (1571 - 1634) sáng lập. Nhà thơ Quách Tấn lại cho rằng: “Bài chòi đã có từ lâu. Nhưng bày ra điệu hô thì mới độ 50, 60 năm nay” (Quách Tấn, Non Nước Bình Định, NXB Nam Cường, SG 1967)…
Nguyên thuỷ, hội Bài chòi ở Hội An có 9 chòi (giống như ở Bình Định), còn những nơi khác thường là 11 chòi, được bố trí thành hai dãy, một dãy 4 chòi, còn một chòi nằm ở giữa nối liền hai dãy tạo thành hình chữ U. Ngày nay, để phù hợp với không gian nhỏ bé của phố cổ bên bờ sông Hoài thơ mộng người ta chỉ dựng 5 chòi, vẫn tuân thủ cách bố trí hình chữ U theo truyền thống, trong đó chòi trung tâm dành cho các nghệ sỹ tổ chức trò diễn, bốn chòi ở hai dãy dành cho người chơi.
(Ảnh minh họa)
Bộ bài chòi ở Hội An gồm có 30 quân. Trong trò diễn, có 3 bộ bài giống nhau về tên các quân bài. Một bộ dành cho người chơi, một bộ dành cho anh hiệu, và bộ còn lại dành cho anh chạy hiệu. Trong đó, chỉ bộ bài dành cho người chơi là được ghép thành các thẻ bài có 3 quân, đây là một kiểu biến tấu thẻ bài chỉ riêng ở Hội An mới thấy. Đó là:
Thẻ 1: Tuyết (Bạch Tuyết), Dọn (Thất Vung), Thầy (Cửu Chùa).
Thẻ 2: Sưa (Bảy Sưa), Suốt (Sáu Suốt, Sáu Hột, Sáu Ghe), Rún (Năm Rún).
Thẻ 3: Mỏ (Đỏ Mỏ), Tám Tiền , Giày (Bảy Giày).
Thẻ 4: Xe (Xe Khô), Đượng (Dượng Hắn, Nọc Thượt, Chín Cu), Tám Giây (Bát Nứt).
Thẻ 5: Đấu (Nhì Bí), Tử (Thái Tử), Ngủ (Ngũ Dụm, Ngũ Trợt, Ngủ Trưa).
Thẻ 6: Quăn (Tam Quăn), Trò (Nhứt Trò), Ầm (Âm Ầm).
Thẻ 7: Liễu (Bảy Liễu), Gà (Ba Gà), Voi (Tứ Tượng).
Thẻ 8: Hương (Tứ Cẳng), Bồng (Bát Bồng), Xơ (Xơ Rế).
Thẻ 9: Gióng (Tứ Gióng), Ba (Bánh Ba, Ba Lát), Nghèo (Nhì Nghèo).
Thẻ 10: Sáu Tiền, Gối (Chín Gối), Hai (Hai Lát, Bánh Hai).
Trong Trò diễn bài chòi, anh hiệu (có thể là nam hoặc nữ) giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Anh hiệu chính là người điều khiển cuộc chơi. Đây là người có giọng tốt, có tài ứng khẩu linh hoạt tại chỗ, có khả năng diễn xuất nhạy bén, duyên dáng, hài hước, là người có tài thuộc lòng hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng nghìn câu ca dao, phải biết những làn điệu dân ca đặc trưng của địa phương… Anh hiệu vừa quản trò, vừa đạo diễn, dẫn chương trình, đồng thời là sợi dây gắn kết giữa người diễn với khán giả. Nhiều nhà nghiên cứu gọi quá trình biểu diễn, ứng tác của anh hiệu là các nghệ sỹ hát bài chòi dân gian với lối kể chuyện giàu tính nghệ thuật. Vậy nên, người đến với hội bài chòi nhiều khi không phải vì “nghiền” chơi mà cốt để được xem anh hiệu trình diễn các làn điệu dân ca, đối đáp và ứng biến tài tình hấp dẫn. Cuộc chơi bài chòi có sinh động, có rôm rả hay không dường như phụ thuộc hoàn toàn vào tài hô hát của các anh hiệu. Giọng hát ngọt ngào truyền cảm, ứng tác tài tình những câu thai khi lâm ly khi hài hước những đạo lý ở đời, những giận thương nhân tình thế thái cùng với tiếng trống tiếng đàn náo nức khiến cho đêm hội bài chòi Hội An thật cuốn hút, làm say mê lòng người.
Hội bài chòi được hình dung như sau: Để mở đầu cuộc chơi, một hồi trống vang lên giục giã báo hiệu cuộc vui bắt đầu, và anh hiệu hát rao những câu ca dao điểm lượt tên một số quân bài theo tiếng đàn nhị và nhịp trống:
“ Gió xuân phảng phất nhành tre
Bà con cô bác lắng nghe bài chòi
Bài chòi bài tới là ba mươi lá
Giang tay sớn sá là cái gã Âm Ầm (Ầm)
Rợt té xuống hầm là cái anh Tứ Cẳng ( Hương)
Nước da trăng trắng là chị Bach Huê (Tuyết)
Một cổ hai kê là anh chàng Chín Gối (Gối)
Ba chìm bảy nổi là chị Sáu Ghe (Suốt)
Lập bạn lập bè là cái anh Ngũ Dụm (Ngủ)
Lùm đùm lụm đụm xách bị đi xin là cái anh Nhì Nghèo (Nghèo)
Đã nghèo lại càng khổ
Hay bươi hay mổ là cái chị Ba Gà (Gà)
Có ngọng có ngà là mấy anh Tứ Tượng (Tượng)
Che màn phủ trướng là cái chị Tam Quăn (Quăn)
Đỏ đỏ đen đen đó Dượng Hắn kia kìa!”…
Sau đó, anh hiệu xóc ống thẻ, rút quân bài, trúng tên quân nào, hô tên quân đó. Điều thú vị là, thay vì hô tên quân bài trọc lóc, anh hiệu sẽ hát theo làn điệu bài chòi những câu ca dao mang nội dung ý nghĩa của tên quân bài đó. Chẳng hạn khi xướng tên quân Tam Quăn, anh hiệu sẽ hát:
“Quờ mà quớ quơ quớ quơ
Quờ nhằm thì vợ chửa
Ba bốn tháng rày thì thổi lửa
Quăn là quăn râu, quăn quơ là Tam Quăn”.
Người chơi hưởng ứng bằng cách hễ ai có quân bài vừa được xướng tên thì hô to “có”. Ngay lập tức anh chạy hiệu sẽ cho đem một lá cờ màu vàng đưa cho người vừa thắng trong lần hô đó, và cho treo quân bài có tên vừa hô lên chiếc dây chăng khá cao giữa sân. Nếu ai có tên quân bài vừa được xướng tên nhưng không nhận ra là mình có và không hô “có” thì anh chạy hiệu sẽ bỏ qua. Anh hiệu sẽ lại tiếp tục xóc ống và bốc ngẫu nhiên một quân bài và hô. Nếu người nào trúng được tên 3 quân ghi trong thẻ của mình trước thì đó là người thắng cuộc và kết thúc một ván bài chòi. Và một chiếc đèn lồng Hội An nhỏ xinh sẽ được Ban tổ chức trao tặng cho người thắng cuộc, tuy chỉ là một món quà nhỏ nhưng khiến người chơi vô cùng hoan hỉ và thích thú.
Nội dung các câu hát trong Trò diễn bài chòi thường mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao, đó có thể là những lời tự sự về nhân tình thế thái, những niềm vui trong cuộc sống, về những sinh hoạt thường nhật, đó có thể là sự ngợi ca tình làng nghĩa xóm, ngợi ca tình vợ chồng, tình yêu quê hương, cách đối nhân xử thế... hay phê phán những thói hư, tật xấu ở đời. Đây được xem là nét khác biệt căn bản để có thể phân biệt Trò diễn dân gian bài chòi với các trò chơi cờ bạc khác.
Cùng là bài chòi, nhưng câu thai ở các địa phương miền Trung lại mang những nét khác biệt. Chẳng hạn khi hát về con Nhì Nghèo, câu thai của Bình Định ngắn và mang âm hưởng buồn bã, trách than:
“Chắp tay với chẳng tới kèo
Cha mẹ anh nghèo chẳng cưới được em”.
Thì ở Hội An, câu thai thể hiện sự bạo liệt mang đặc trưng cốt cách của con người xứ Quảng:
“Một, anh để em ra / Hai, anh để em ra
Em bồng con về / Đi buôn đi bán
Trả nợ bánh tráng / Trả nợ bánh xèo
Còn dư, trả nợ thịt heo
Em không cam chịu / Cảnh nghèo anh cho
Là cái con Nhì Nghèo”.
Người ta thường nói nhiều về tính cách “ăn cục nói hòn”, thô tháp, ít trau chuốt, cứng cỏi và góc cạnh của người Quảng Nam. Qua dân ca Bài chòi, ta còn thấy rõ sự hài hước, bông đùa dí dỏm. Chẳng hạn như : “Con cu ăn lúa ăn mè / Ăn chi của chị mà chị đè cu tôi”.( Chín Cu)...
Cảnh sắc hữu tình và tâm tư con người xứ Quảng cũng đi vào câu thai bài chòi thật thân thương và trìu mến:
“Anh trai Bàn Thạch, đi bán chiếu bông
Gặp em gái nhỏ bên sông Thu Bồn
Thương ai lòng thấy bồn chồn
Đêm nằm thao thức chiếu bông gối đầu”. (Chín Gối).
Về phương diện âm nhạc, Trò diễn cài chòi Hội An sử dụng 4 làn điệu chính: Xuân nữ, Cổ bản, Xàng xê, hò Quảng. Làn điệu Xuân nữ có hai loại là Xuân nữ cổ và Xuân nữ mới. Xuân nữ cổ có tiết tấu khá nhanh đắc dụng cho lối hát có tính kể chuyện, tranh đấu sôi nổi, hoặc hài hước dí dỏm. Điệu Xuân nữ mới nhịp độ hơi chậm, thường để thể hiện nội dung thương nhớ, hoài mong, nhắn gửi. Điệu Xàng xê và Xàng xê luỵ và Xàng xê dựng. Xàng xê luỵ được sử dụng với các trạng thái tình cảm ở mức độ cao trào, thường thể hiện sự đau thương, bi luỵ, than thân trách phận. Xàng xê dựng nhịp độ hơi nhanh, dứt khóat, dùng khi câu thai diễn tả sự căm thù, tố cáo, đấu tranh, hùng dũng, trong sáng. Cổ bản nhịp điệu vừa phải, thường xuất hiện nở những câu thai có sắc thái kể chuyện, răn dạy, phân giải, đôi khi dí dỏm, vui tươi. Còn điệu Hò Quảng, giai điệu thường ở các khu trung, cao và dựng, ít khi xuống khu trầm,thường để thể hiện tính chất vui tươi, trong sáng, tưng bừng. Chỉ với hai nhạc cụ là trống cái và đàn nhị, nhưng với sự phối hợp ăn ý, tài tình của các nhạc công, cùng diễn xướng đầy say mê nhiệt tình của các anh hiệu, đêm hội bài chòi Hội An cũng đủ khiến cuộc vui náo nức, rộn ràng từ đầu chí cuối, không một phút giây tẻ nhạt, đơn điệu.
Người miền Trung xưa kia thường hát: “Rủ nhau đi đánh bài chòi / Để cho con khóc đến lòi rún ra”. Chỉ chừng đó thôi cũng phần nào thấy được sức thu hút của thú chơi bài chòi mạnh mẽ đến mức nào. Trước đây, sinh hoạt văn hóa này thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới, mỗi khi tết đến, xuân về, hay những ngày hội hè trọng đại của các làng xã. Được ra đời và nuôi dưỡng từ làng quê, từ những người nông dân mộc mạc, chất phác, Trò diễn cài chòi từ bao đời nay vẫn là một thú chơi dân dã. Dù gắn bó với làng quê, đồng ruộng, luỹ tre đình làng hay nơi phố thị, di sản văn hóa này vẫn hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ của một lối tư duy và mỹ cảm rất đỗi bình dị và thân thuộc. Từ khi đô thị cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, với ý thức giữ gìn những di sản văn hóa quá khứ, người Hội An đã tạo dựng lại thú chơi xưa của ông cha, và dần đần, Trò diễn bài chòi đã trở thành một điểm nhấn cho du lịch phố cổ.
3. Trò diễn bài chòi Hội An - một sản phẩm du lịch độc đáo
Từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cái dáng vẻ trầm mặc, lặng lẽ, yên bình của đô thị cổ Hội An đã phần nào thay đổi để bắt nhịp với tính chất của một thành phố du lịch hiện đại. Đến với Hội An, du khách không chỉ được hoà mình vào không gian kiến trúc cổ kính, được thả hồn trên các con phố đèn lồng lộng lẫy, mà còn được thưởng thức những hình thức giải trí vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt, phải kể tới thú chơi bài chòi.
Trò diễn bài chòi là sự kết nối tài tình giữa các di sản nghệ thuật với hoạt động du lịch ở phố cổ Hội An. Có thể khẳng định, việc đưa Trò diễn bài chòi từ một thú chơi bình dân ra giới thiệu rộng rãi, phục vụ đông đảo khách du lịch là một thành công trong chiến lược phát triển của du lịch Hội An. Trước đây, Hội An tổ chức trò diễn vào mỗi đêm rằm phố cổ hàng tháng hoặc vào các ngày hội, lễ, Tết. Bắt đầu từ tháng 9/2009, hình thức vui chơi giải trí này được tổ chức vào các tối thứ hai, ba, tư, sáu và thứ bảy hàng tuần để phục vụ người dân và khách du lịch. Nhưng từ ngày 1/1/2010 hoạt động này được tổ chức vào tất cả các ngày trong tuần, thông thường từ 19h đến 22h hoặc 22h30. Sự thay đổi về lịch hoạt động qua các thời kỳ đã cho ta thấy được sức hút đối với khách du lịch của Trò diễn bài chòi đã ngảy càng trở nên mạnh mẽ.
Hàng đêm, trên một khoảng sân giữa phố Hội và sông Hoài mà người dân nơi đây gọi là bùng binh Hội An, du khách náo nức kéo đến tham dự hội bài chòi. Đến với đêm hội bài chòi phố cổ, du khách sẽ được thưởng thức một chương trình biểu diễn đặc sắc, với những anh hiệu ưu tú nhất của Hội An, như các nghệ sỹ Lương Đáng, Dương Quý, Lệ Nga, Ngọc Huệ, Thu Hương…
Sản phẩm du lịch văn hóa này của phố Hội mang một nét hấp dẫn đặc biệt, khác với các sản phẩm du lịch được khai thác từ sân khấu, dân ca nhạc cổ truyền ở những điểm du lịch khác trên đất nước. Nếu ai đã từng tham gia trò chơi bài chòi ở phố cổ Hội An, người đó sẽ thấy cảnh tượng nơi đây thật lạ, có ca sỹ, nhạc công, có sân khấu hẳn hoi, nhưng khán giả chẳng hề ngồi không thưởng thức như thường thấy. Nếu như với sân khấu Múa rối, Quan họ, hay Ca trù ở Bắc Bộ, Ca Huế trên sông Hương, Đờn ca tài tử ở miền Tây Nam Bộ, du khách chỉ đóng vai trò là khán thính giả, là người tiếp nhận, thì với Trò diễn bài chòi Hội An, khách du lịch không chỉ là người thưởng thức, mà còn trực tiếp tham gia vào trò chơi, là một thành phần không thể thiếu của trò chơi đó, cũng đầy hứng khởi, nhiệt tình và đam mê không kém gì các nghệ sỹ biểu diễn. Chỉ phải bỏ ra 20.000 đồng, du khách đã có được một trải nghiệm tuyệt vời trong một không gian văn hóa vô cùng độc đáo. Trong cái không gian đó, các anh hiệu thì trổ hết tài diễn trò và hát, anh chạy hiệu (được cải trang thành những anh lính lệ) lăng xăng bán thẻ, trao cờ, còn người chơi thì cầm trên tay các thẻ bài mong chờ kết quả với một tâm trạng náo nức hiếm có. Để rồi nếu thắng, họ sẽ được ban tổ chức cuộc vui trao tặng một cái đèn lồng Hội An xinh xắn, còn nếu thua thì cũng chẳng lấy đó làm cái sự thất vọng não nề. Đến với hội bài chòi, quan trọng không phải là sự thắng thua mang tính sát phạt mà là để được giao lưu, được vui vẻ, được thả hồn cùng các câu thai, được xem các anh hiệu trình diễn, được sống trong một không gian thẩm mỹ khác lạ nơi phố cổ. Trong không khí đó, du khách đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, vừa lắng đọng cùng những câu thai da diết nỗi niềm, lại có thể ngay sau đó cười nghiêng ngả bởi tính hài hước vui nhộn trong hô hát diễn trò của anh hiệu.
Hiện nay, số lượng khách du lịch tham gia Trò diễn bài chòi ngày càng đông đảo. Vì vậy ban tổ chức hoạt động giải trí này cũng đã nghiên cứu nhu cầu, sở thích của các đối tượng khách, không ngừng sáng tạo đổi mới cung cách trình diễn, nội dung các câu thai, làm sao để có thể đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức của khách nội địa cũng như khách quốc tế. Chương trình biểu diễn cũng chú trọng việc phiên dịch ra tiếng nước ngoài nên cho dù là lần đầu tiên tham gia trò chơi thì khách du lịch nước ngoài vẫn nắm bắt được cách chơi và tham gia rất hào hứng.
Hội An vốn hiền hoà, yên ả với những ngôi nhà cổ rêu phong ẩn mình trong các con phố hẹp, những hội quán, chùa Cầu trầm mặc, những cửa hiệu quần áo lụa là, những con phố đèn lồng huyền ảo… bỗng như bừng dậy rộn ràng về đêm, ấy là nhờ có Trò diễn bài chòi náo nức. Cái âm thanh rộn rã lòng người đó không hề phá vỡ những giá trị vốn có của một đô thị cổ, mà trái lại, càng làm cho Hội An trở nên hấp dẫn hơn trong cảm nhận của khách du lịch. Bởi vì, phàm là những gì dù rất đẹp, nhưng nếu chỉ giữ mãi một sắc thái cũng sẽ đem lại cảm giác đơn điệu và tẻ nhạt. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo này không những không bị suy thóai mà ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Có thể nói, Hội An, tuy đã và đang chào đón du khách bằng nhiều sản phẩm du lịch khác nhau như các công trình kiến trúc cổ, các lễ hội, các làng nghề truyền thống, ẩm thực đặc trưng…nhưng nếu thiếu đi Trò diễn bài chòi sôi động, thì du lịch Hội An dường như thiếu đi cái sức lửa nồng nhiệt. Hoạt động giải trí về đêm này đã là một sản phẩm du lịch có tác dụng níu giữ bước chân khách du lịch ở lại với Hội An lâu hơn. Thực tế cho thấy, nhiều du khách thăm thú các di tích sau một ngày thì đã hết nhẵn. Lẽ ra họ đã lên ô tô đi tiếp đến với thành phố Đà Nẵng hiện đại và sôi động hay cố đô Huế đẹp và thơ, nhưng chính đêm hội Bài chòi hấp dẫn đã níu chân họ. Và dĩ nhiên, không chỉ bản thân hoạt động này được thu lợi, mà nhiều dịch vụ vệ tinh khác cũng được hưởng theo, đặc biệt là hệ thống nhà hàng, khách sạn…Hàng năm, Trò diễn bài chòi đã đóng góp 40% thu nhập của mình cho ngân sách địa phương, góp phần vào công cuộc “đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” của Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Cũng cần phải nói thêm, vì muốn phát huy vốn cổ của địa phương một cách tối đa phục vụ sự phát triển của du lịch, Hội An đã xây dựng một điểm biểu diễn mang tên “ Nhà Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An” tại số nhà 66 Bạch Đằng / 39 Nguyễn Thái Học. Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền được thành lập từ năm 1996. Đội nghệ thuật cổ truyền Hội An đã dàn dựng và biểu diễn hàng trăm tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Trong đó, nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc như hô hát bài chòi, các tiết mục dân ca Quảng Nam, dân ca Trung Trung Bộ và cả các làn điệu dân ca quốc tế của 12 nước có mối quan hệ bang giao với Hội An trong quá khứ. Như vậy, ngoài điểm biểu diễn ở bùng binh về đêm, Bài chòi còn được biểu diễn ở một điểm khác. Nhưng chỉ có Trò diễn bài chòi mà chúng ta giới thiệu ở trên mới đích thực là một trò diễn, một thú chơi trọn vẹn, còn trong Nhà Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền hoạt động theo cầu của du khách thì bài chòi chỉ là những tiết mục hô hát ngắn gọn được xen kẽ giữa các loại hình nghệ thuật khác.
Tóm lại, Trò diễn bài chòi là một sinh hoạt văn hóa độc đáo và hấp dẫn của phố cổ Hội An. Khi Hội An được xác định là một trung tâm du lịch của đất nước, di sản văn hóa độc đáo này cũng dần thay đổi chức năng sinh hoạt của mình để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Từ một thú chơi dân dã, Trò diễn bài chòi đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, Hội An đã đặc biệt chú trọng việc khai thác những giá trị to lớn của di sản văn hóa địa phương. Và những đêm hội bài chòi cũng không là ngoại lệ. Điều quan trọng, là các nghệ sỹ Hội An, những người gồng gánh niềm đam mê lẫn trách nhiệm đối với những di sản của cha ông để lại, phải không ngừng vun đắp và sáng tạo, làm cho sinh hoạt văn hóa quý báu này ngày một hoàn thiện và hấp dẫn hơn, để thú chơi bài chòi sẽ luôn là một trải nghiệm đẹp đẽ cho những ai yêu mến, trân trọng Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa của nhân loại.
Tài liệu tham khảo
Sách
1. Hoàng Lê (2001), Lịch sử ca kịch và âm nhạc bài chòi, Quy Nhơn, Sở Văn hóa Thông tin Bình Định.
2. Trương Đình Quang (2008), Ca nhạc bài chòi, ca nhạc kịch hát bài chòi, Nxb. Đà Nẵng.
3. Nguyễn Thế Thiên Trang, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Quốc Minh, Stephen S. Thomas, (2001), Hội An - Di sản thế giới, Nxb. Trẻ.
Tạp chí
1. Hải Châu (1998), Bài chòi phố Hội, tạp chí Xưa và Nay, số 41.
2. Nguyễn Quang Thắng, Ngày xuân nói chuyện bài chòi, tạp chí Xưa và Nay, số 254/2006, tr.82
Internet
1. http://www.doanhnhancuoituan.com.vn
Hồ Thị Thu Hà - Khoa Văn hóa du lịch