Trần triều nghi vấn: Cái chết của Trần Tự Khánh
Quân đội nhà Trần- Ảnh internet Đặng Thanh Bình (1) Việt sử lược chép: “Kỷ Tị [1209] Tháng 3 (…) Phạm Bỉnh Di lại đánh người ở vùng Hồng là Đoàn Thượng và Đoàn Chủ tại Vệ Kiều. Người vùng Hồng thua tan, Đoàn chủ bị hãm ở chỗ bùn lầy và bị Hà Văn Lôi đâm chết. Nhà vua ...
Đặng Thanh Bình
(1) Việt sử lược chép: “Kỷ Tị [1209] Tháng 3 (…) Phạm Bỉnh Di lại đánh người ở vùng Hồng là Đoàn Thượng và Đoàn Chủ tại Vệ Kiều. Người vùng Hồng thua tan, Đoàn chủ bị hãm ở chỗ bùn lầy và bị Hà Văn Lôi đâm chết. Nhà vua sai quan Chi hậu Phụng ngự là Trần Hinh đi triệu Phạm Du về kinh sư (…) Mùa thu tháng 7 (…) Phạm Bỉnh Di đến kinh sư (…) vua sai bắt lại và bắt cả người con của Di tên là Phụ đem cầm tù ở thủy viện. Bộ tướng của Phạm Bỉnh Di là Quách Bốc đem quân đến phá cửa thành vào cứu Bỉnh Di (…) Phạm Du cùng với em là Kinh đều trong ngự đường đi ra, cầm đồ binh khí của vua giết Bỉnh Di và Phụ. Quách Bốc nghe Bỉnh Di chết bèn sai quân sĩ đột nhập vào gác Lương Thạch, lấy những đồ dùng của vua là xe cân xa để khiêng thây Bỉnh Di, lấy chiếu của vua gói thây của Phụ rồi từ cửa Việt Thành đi ra và khiêng xuống bến Triều Đông. Xong quay trở lại cung Vạn Diên, đón Vương tử Thầm, Vương tử Sảm về Hải Ấp. Nhâm Dần, nguyên tổ [Trần Lý] đại soái dẫn lính giỏi về kinh sư, đón Vương tử Sảm cùng mẹ là nguyên phi Đàm thị và 2 em gái về nhà Đoàn thị ở Hải Ấp, tại đây đưa Vương tử Thầm lên ngôi”.
– Theo như ghi chép của Việt sử lược, thì vào tháng 3/1209, Phạm Bỉnh Di tấn công Đoàn Thượng và Phạm Du ở vùng Hồng, do yếu thế nên Đoàn Thượng và Phạm Du đã nhờ Trần Hinh tấu xin với Cao Tông. Như thế Trần Hinh có mối quan hệ với Đoàn Thượng và Phạm Du.
– Khi Phạm Bỉnh Di bị giết vào tháng 7/1209, bộ tướng là Quách Bốc làm loạn kinh sư, chống lại Cao Tông. Trước đó, vào tháng 3/1209, Bỉnh Di tấn công Đoàn Thượng, vậy thì đúng lý Quách Bốc không nên đưa vương tử Thẩm về nhà Đoàn thị ở Hải Ấp mới phải ? Hoặc là Đoàn thị không phải là Đoàn Thượng, hoặc là Quách Bốc tuy là bộ tướng của Bỉnh Di nhưng không phải là kẻ thù của Đoàn Thượng, hoặc là khi quyết định chống lại Cao Tông, Quách Bốc đã dẹp bỏ mối bất hòa để cùng liên kết với Đoàn Thượng chống lại Cao Tông, hoặc là Việt sử lược chép sai.
Toàn thư chép: “Nhâm Thân [1212] Mùa xuân, tháng 2, sai người cùng một vú nuôi là Đoàn Thượng chiêu mộ dân châu Hồng đi bắt giặc cướp. Bấy giờ thế nước suy yếu, triều đình không có chính sách hay, đói kém luôn luôn, nhân dân cùng khốn, [Đoàn] Thượng thừa thế tự tiện làm oai làm phúc, không ai dám nói gì. Sau tội trạng tỏ rõ, bị các quan hặc, phải giam vào ngục để hỏi tội. Thượng mới rút gươm, cởi trần chạy về châu Hồng, nhóm họp bè đảng, đắp thành xưng vương, cướp bóc lương dân, triều đình không thể ngăn được”.
– Theo ghi chép của Toàn thư thì Lý Huệ Tông và Đoàn Thượng có chung người vú nuôi, có khi nào vì mối quan hệ đặc biệt này mà vương tử Sảm được đón về nhà Đoàn thị ở Hải Ấp không ?
Việt điện u linh phần Tùng bổ của đạo nhân quán Tam Thanh chép: “Anh liệt chính khí Đoàn tướng quân. Tướng quân tên là Thượng, người làng Hồng thị huyện Trường Tân, con của bà vú vua Lý Huệ Tông, theo lệnh vua sai kéo vào Hồng Châu bắt cướp. Nhà Lý mất, Tướng quân vạch giới hạn của châu mà chiếm giữ, quan Thái sư nhà Trần là Trần Thủ Độ giả bộ làm hòa với Tướng quân nhưng thầm khiến Hiếu Võ Vương là Nguyễn Nộn đem trọng binh đánh úp”.
– Việc chúng ta bắt gặp truyện Anh liệt chính khí Đoàn tướng quân như Tùng bổ của đạo nhân quán Tam Thanh, cho thấy rằng: sử gia Ngô Sĩ Liên khi chép về Đoàn Thượng đã sử dụng một phần tài liệu dân gian. Nên rất khó để kiểm định thông tin: mẹ đẻ của Đoàn Thượng có phải là vú nuôi của Lý Huệ Tông hay không ?
Việt sử lược chép: “Kỷ Tị [1209] Mùa thu tháng 8, bọn đồ đảng ở Thuận Lưu sung sướng về cái việc Phạm Bỉnh Di chết mới rầm rộ đốc xuất thuyền bè, quân lính tiến đánh kinh sư. Tiền quân cho thuyền đậu lại ở Đông Bộ rồi từ cái cửa hông ở phía bên tả mà tiến thẳng vào trong cung cấm đánh cấp các đồ vật quí báu. Còn đại quân đậu thuyền lại ở bến Thiên Hà, sắp muốn theo cửa Thiên Thu mà vào quán Vũ Sư, nhưng vì quan Liệt hầu là Cao Kha núp ở cái khung xe bắn trúng vú một tên lính. Cao Kha vỗ tay cười la huyên náo. Bọn sĩ tốt (Thuận Lưu) chạy theo hướng Bắc mà trở về. Người ở trên thuyền (Thuận Lưu) ngờ là có quan quân đến đánh nên đều chèo thuyền rời bờ qua phía Bắc. Gió thổi mạnh, tất cả thuyền bè đều trôi giạt tản mát cả ra. Hai đội quân nghe tin ghe thuyền đã thất lạc mới bỏ chạy tán loạn cả. Người ở kinh thành đuổi theo giết chết hơn 300 tên”.
Toàn thư chép: “Canh Ngọ [1210] Mùa xuân tháng 3 [Bấy giờ] Trần Lý đã bị bọn giặc khác giết, con thứ là Trần Tự Khánh thay đem quân chúng về Kinh, được phong là Thuận Lưu Bá”.
– Trong bài Lý triều tân biên: Cao Tông và Huệ Tông, tôi cho rằng: năm 1210, Đàm Dĩ Mông tấn công làng Tức Mặc, bắt được 28 người đem nộp cho triều đình, hòng xin giảm tội trước kia nhận sắc phong của vương tử Sảm. Tôi cho rằng: trong số 28 người bị bắt này có Trần Lý, nhưng nay xem lại thấy rằng không phải.
– Như ghi chép của Toàn thư thì sử gia Ngô Sĩ Liên không biết chính xác Trần Lý chết như thế nào, mà chỉ biết rằng: bị giặc giết, chứ không phải triều đình và Trần Lý phải chết trước tháng 3/1210.
– Trong bài Lý triều tân biên: Cao Tông và Huệ Tông, tôi xác định Trần Lý giữ đất Thuận Lưu. Chúng ta thấy sau thất bại của người Thuận Lưu trong cuộc tấn công kinh sư vào tháng 8/1209 thì tháng 1/1210, Tô Trung Từ trở giáo, tấn công Hải Ấp, đón vương tử Sảm, nộp cho triều đình.
– Theo ghi chép của Việt sử lược thì liệt hầu Cao Kha, bắn trúng vú 1 tên lính mà lại vui đến nỗi vỗ tay cười la huyên náo, rồi sau khi tên lính đó bị bắn trúng ngực, người Thuận Lưu tan chạy, như thế tên lính bị bắn trúng ngực không phải dạng tầm thường. Tôi cho rằng đó chính là Trần Lý.
– Sau khi Trần Lý, Phạm Ngu, Lưu Thiện đưa Hạo Sảm về Lị Nhân, lập làm vua, rồi nhân bắt được Phạm Du, biết rằng Cao Tông liên kết với Đoàn Thượng, nên Trần Lý đã dẫn người Thuận Lưu tấn công kinh sư, nhưng không thắng, lại bị Cao Kha bắn tên trúng ngực. Cái chết của Trần Lý tác động quyết định tới Tô Trung Từ và Đàm Dĩ Mông trong việc trở giáo.
Việt sử lược chép: “Tân Tị [1211] Tháng chạp, Trần Tự Khánh rầm rộ kéo binh đến đóng ở bến Tế Giang. Thái hậu nghe quân đến, ngờ Trần Tự Khánh có ý mưu việc phế lập. Trần Tự Khánh bèn cắt tóc mà thề với trời đất rồi lại sai công chúa Thiên Trinh tâu với bà Thái hậu rằng là mình không có ý chi khác. Thái hậu cũng không tin. Một đêm bà Thái hậu sai bắt Nhân Quốc vương và hai vương tử là người con trai thứ sáu, người con trai thứ bảy, cả ba đều bị đem dìm xuống cái giếng trong khu nhà của vua, để vùi lấp cái manh mối của việc cải lập. Xong rồi sai khiêng những cái thây ấy để ở ngoài cửa cung Lâm Quang. Các quan viên theo hầu vua đều sợ Thái hậu nên không dám nhìn”.
– Sau cái chết của Tô Trung Từ vào tháng 6/1211, người vùng Hồng là Đoàn Thượng tấu “Trần Tự Khánh [muốn] đem binh về kinh sư, mưu phế lập”. Trước đó, vào tháng 12/1210, Quan nội hầu Đỗ Thế Qui, Chi hậu phụng ngự Đỗ Quảng, Tiểu thị vệ Phí Liệt mưu phế lập. Nên khi Trần Tự Khánh kéo binh đến đóng ở bến Tế Giang, thì hoàng thái hậu Đàm thị giết các con trai của Cao Tông, để ngăn việc cải lập.
Việt sử lược chép: “Giáp Tuất [1214] Tháng 2, Chương Thành hầu Trần Tự Khánh triệu tập các bậc vương tước và trăm quan để nghị bàn về việc cải lập. Rồi sai người đi đón con của vua Anh Tông là Huệ Văn Vương ở Hạc Kiều lập làm vua (…) Tháng 3, Huệ Văn Vương lên ngôi vua ở điện Thiên An. Đổi niên hiệu là Càn Ninh và lấy hiệu là Nguyên Vương (…) Canh Thìn [1220] Tháng 6, ngày kỷ tị là ngày mùng một, hai mặt trời cùng hiện. Giữa mùa thu cung mới xây cất hoàn thành (…) Tân Tị [1221] Tháng 6, Huệ Văn Vương tức là Nguyên Vương từ trần, nhà vua cho bãi triều 5 ngày, ăn chay 3 ngày”.
– Do Trần Tự Khánh không đón được Huệ Tông nên đã phải đưa con của Anh Tông là Huệ Văn vương lên làm hoàng đế. Không rõ Cao Tông có mấy hoàng tử, song việc Tự Khánh phải đưa con của Anh Tông lên làm vua, việc này cho thấy, vào thời điểm năm 1214 không có vị hoàng tử nào ở kinh sư. Tôi ngờ rằng vào thời điểm Đàm thị sát hại các hoàng tử, Cao Tông có 4 người con trai. Tháng 6/1221 Huệ Văn vương bị Trần Tự Khánh sát hại.
Việt sử lược chép: “Kỷ Tị [1209] Mùa thu tháng 7, Nguyên Tổ bèn cùng với Phạm Ngu đón Vương tử Sam về Lị Nhân lập làm vua, tôn xưng là Thắng Vương và giáng Vương tử Thẩm xuống làm tước vương (…) Canh Ngọ [1210] Tháng chạp, Tô Trung Từ bắt tên tiểu thị vệ là Đàm Nhập giết ở ngoài cửa Trường Quảng, vì cho là Đàm Nhập dựa vào Vương tử Thẩm”.
– Vào tháng 12/1210, vương tử Thẩm còn sống, vậy thì Nhân Quốc vương bị Đàm thị dìm chết vào tháng 12/1211 rất có thể là Lý Thẩm. Khi Trần Tự Khánh đóng quân tại bến Tế Giang, khiến Đàm thái hậu nghi ngờ, thì Tự Khánh liền cắt tóc mà thề với trời đất, rồi biểu công chúa Thiên Trinh tấu với thái hậu.
Bài Bổ sung nghiên cứu chữ húy thời Trần: Trinh (貞) và Thiên (天) của tác giả Ngô Đức Thọ viết: “Chữ Trinh là một chữ kiêng húy thời Trần, có [3] cách viết kiêng (…) Chủ nhân chữ húy là bà Thuận Trinh hoàng hậu (cũng gọi là Thái hậu, vợ cả của vua Trần Thái Tông). Tên của bà không được nêu trong lệnh kiêng húy của triều Trần, nhưng có người biết vẫn viết kiêng chữ húy ấy trên một số văn bản thời Trần”.
– Theo Việt sử lược và Toàn thư thì Thuận Trinh hoàng hậu người họ Trần, vợ của Huệ Tông, mẹ của Thuận Thiên công chúa và Chiêu Thánh công chúa. Như thế thì chủ nhân chữ húy là bà Thuận Trinh hoàng hậu theo xác định của tác giả Ngô Đức Thọ là không thỏa đáng. Vì nếu với vai trò là mẹ vợ của Trần Thái Tông thì đúng lý cha vợ của Trần Thái Tông là Lý Hạo Sảm cũng phải được kiêng húy, nhưng Toàn thư cho biết tháng 8/1304 có lệnh “cấm chữ huý miếu hiệu nhà Lý 8 chữ: Uẩn, Mã, Tôn, Đức, Hoán, Tộ, Cán, Sảm viết bớt nét”. Nếu cho rằng việc kiêng húy chữ Trinh vẫn tồn tại vào trước tháng 8/1304 là không đúng, vì Toàn thư chép năm 1318 “đem trưởng công chúa Thiên Chân gả cho Huệ Chính vương”. Trưởng công chúa Thiên Chân là con gái của Bảo Từ Thuận Thánh hoàng hậu và Trần Anh Tông. Theo Bia tháp Viên Thông chùa Thanh Mai [1362] cho biết: “Sư [Pháp Loa] ở chùa Siêu Loại, phụng sắc trao cho Tuyên Hoàng thái hậu, cùng với Đế cơ Thiên Trinh Trưởng công chúa, Bồ tát giới”. Như vậy Trưởng công chúa Thiên Chân, tên đúng là Trưởng công chúa Thiên Trinh, nhưng chắc vì lý do nào đó (kiêng húy chẳng hạn) mà đổi từ Trinh thành Chân.
– Như vậy theo tôi chủ nhân của chữ kiêng húy Trinh không phải là Thuận Trinh hoàng hậu, mà là nhân vật khác, tôi cho rằng đó là Thiên Trinh công chúa. Nhưng vị Thiên Trinh công chúa này có thể là ai ? Trước hết, Thiên Trinh chắc chắn là công chúa của nhà Lý và việc Trần Tự Khánh cử Thiên Trinh công chúa tấu với Đàm thái hậu, cho thấy rất có thể Thiên Trinh công chúa có mối quan hệ với người họ Trần. Tôi phỏng đoán Thiên Trinh là dâu họ Trần.
– Năm 1209, vương tử Sảm cùng 2 em gái và mẹ là Đàm thị được đưa về nhà Đoàn thị tại Hải Ấp, sau đó vương tử Sảm lấy con gái thứ của Trần Lý làm phi, không rõ Trần Lý có xin cưới 2 cô công chúa cho các con trai của mình không ? Nhưng nếu có, thì đúng ra không phải kiêng húy Thiên Trinh công chúa, vì mẹ của Trần Thái Tông người họ Lê chứ không phải người họ Lý. Hoặc sử sách chép sai ? Hoặc có gì đó mà chúng ta chưa rõ, như chủ nhân của chữ kiêng húy không phải là Thiên Trinh công chúa. Hoặc Thiên Trinh công chúa là phu nhân của Trần Lý và là mẹ của Trần Thừa chăng ? Chúng ta sẽ trở lại việc kỵ húy chữ Trinh và hành trạng của Thiên Trinh công chúa trong bài khác.
(2) Việt sử lược: “Canh Ngọ [1210] Tháng 11 (…) Quan minh tự ở Thuận Lưu là Trần Tự Khánh thống xuất thuyền bè và quân lính đóng ở bên Tế Giang để mời người cậu của y là Tô Trung Từ cùng đi viếng tang vua Cao Tông. Tô Trung Từ cũng ngờ Trần Tự Khánh hai lòng. Trần Tự Khánh bèn kéo quân về (…) vua sai đón người con gái thứ hai họ Trần, nhưng Trần Tự Khánh không cho (…) Nhâm Thân [1212] Mùa xuân tháng giêng (…) Quan Minh Tự ở Thuận Lưu là Trần Tự Khánh [được] phong (…) tước Hầu với danh hiệu là Chương Thành (…) Tháng 2 (…) Chương Thành hầu là Trần Tự Khánh đóng quân ở bến Đông Ngạn đón vua (…) trở về cung [vua] ra lệnh cho trăm quan văn võ đều phải nghe mệnh ở Chương Thành hầu (…) Quí Dậu [1213] Mùa xuân tháng giêng (…) Vương Thường và Phan Thế tiến đánh úp quân của Trần Tự Khánh ở ngoài cửa Đại Hưng và muốn nhân đó vào hậu cung bắt người mẹ là Tô thị. Phạm thị biết được cái mưu ấy bèn ngầm đem Tô thị leo qua thành rồi lên ghe mà đi trốn (…) Trần Tự Khánh ở tại bến Đại Thông không hay biết gì cả (…) Ất Hợi [1215] Ngũ nguyệt, Tự Khánh dĩ kỳ muội Trần Tam Nương thê ư Đường (…) Bính Tý [1216] Mùa đông tháng chạp tiến phong cho Thái Tổ [Trần Thừa] tước Liệt hầu (…) Trần Tự Khánh làm Thái úy (…) Con trưởng của Thái Tổ là Liễu làm Quan nội hầu. Con trưởng của Trần Tự Khánh là Hải làm tước Vương. Lại cho Thái Tổ làm Nội thị Phán Thủ (…) Mậu Dần [1218] Thái Tổ ta lãnh các đạo binh bao vây Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, đồng thời sai mở đê để đưa nước vào các làng ấp. Lại Linh theo cái thế nước ấy mà đánh. Quân của Nguyễn Nộn thua to (…) Dĩ quan nội hầu Lại Linh tri Nghệ An châu sự Thái tổ dữ thái úy Tự Khánh dĩ kỳ muội Trần Tam Nương giá Hồng hầu Đoàn Văn Lôi”.
Toàn thư chép: “Kỷ Tị [1209] Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước Minh tự, phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ (…) Bính Tý [1216] Mùa đông tháng 12, sách phong [Thuận Trinh] phu nhân làm hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Thái uý phụ chính, cho anh trai Tự Khánh là Trần Thừa làm Nội thị phán thủ”.
An Nam chí lược chép: “Hạo-Sám. Lúc ấy tướng giặc châu Quốc-Oai là Nguyễn-Niên, xưng hiệu Kim-Thiên Đại-vương, cùng với người Hồng-Lộ là Đoàn-Ma-Lôi nổi dậy làm phản. Trần-Thừa cùng em là Kiến-Quốc đánh không yên được, bèn giảng hoà với Ma-Lôi, hộp sức đánh Niên, bị Niên đánh bại (…) Cuối cuộc loạn đời Lý, Trần-Thừa cùng em là Kiến-Quốc đánh giặc có công, được phong chức Thái-Uý; Kiến-Quốc được làm đại-tướng-quân. Con trai lấy con gái của Lý-Huệ-Vương là Chiêu-Thánh, nhân đó được truyền ngôi”.
– Theo như Toàn thư thì Trần Tự Khánh là em trai của Trần Thừa và là anh của Trần thị. An Nam chí lược cũng cho biết Trần Tự Khánh là em của Trần Thừa. Sách An Nam chí lược được chép cách nhà Trần dựng nghiệp khoảng một trăm năm, tuy nhiên lối viết tóm tắt truyện của Lê Tắc rất có thể đã không mô tả được chính xác mối quan hệ giữa Trần Thừa và Trần Tự Khánh.
– Xem Việt sử lược cùng không thấy ghi chép về mối quan hệ giữa Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Mục năm 1215 cho biết Trần Tự Khánh có người em gái là Trần Tam Nương, mục năm 1209 cho biết Trần thị là con gái thứ của Trần Lý và qua việc phong Trần Lý làm nguyên tổ, cho phép chúng ta xác định Trần thị là em gái của Trần Thừa. Mục năm 1210 cho biết Tô Trung Từ là cậu của Trần Tự Khánh. Nhưng Việt sử lược lại không thấy chép về mối quan hệ giữa Trần thị với Tô Trung Từ hoặc Trần Tự Khánh.
– Sự kiện mục năm 1218, theo tôi có khả năng là ghi chép về mối quan hệ giữa Trần Thừa và Trần Thủ Độ. Tuy nhiên trong các bản dịch thường là “Lấy Quan nội hầu Lại Linh làm tri châu Nghệ An, theo giúp Thái tổ. Thái úy Trần Tự Khánh đem em gái Trần Tam Nương gả cho quan tước hầu người vùng Hồng là Đoàn Văn Lôi”. Tôi cho rằng cách dịch này phù hợp với nội dung mà tác giả của sách Việt sử lược muốn ghi chép vì như mục năm 1215, việc gả Trần Tam Nương cho Nguyễn Đường hay Đoàn Văn Lôi, đều là quyết định mang tính cá nhân của Trần Tự Khánh và cũng chỉ mình Trần Tự Khánh quyết việc này, không cần chép thái tổ Trần Thừa vào.
– Mục năm 1209 trong Việt sử lược cho biết Trần Lý được ban chức Minh tự, mục năm 1212 cho biết Trần Tự Khánh cùng là quan Minh tự ở Thuận Lưu. Như thế rõ rằng Trần Tự Khánh là người kế thừa của Trần Lý và cho đến khi mất, mọi việc của họ Trần đều do Tự Khánh quản lĩnh, trong khi theo Toàn thư thì Tự Khánh chỉ là thứ. Có khi nào Trần Tự Khánh là con của Trần Lý với Tô thị, còn Trần Thừa là con của Trần Lý với Thiên Trinh công chúa ? Hoặc có khi nào Trần Tự Khánh với Trần Thừa cùng giống như Trần Thừa với Trần Thủ Độ, là anh em con chú con bác.
– Năm 1213 khi Vương Thường và Phan Thế tấn công kinh sư, giải cứu hoàng đế thì mẹ của Tự Khánh là Tô thị được Phạm thị đưa đi trốn. Như vậy là sau khi có được Huệ Tông, Tự Khánh đã quản vua tại cung cấm, đồng thời để mẹ là Tô thị và Phạm thị ở lại trong cung, Phạm thị rất có thể là vợ của Tự Khánh.
Việt sử lược chép: “Tân Tị [1221] Mùa thu tháng 9 (…) vua đi thăm chơi nhà Thái úy ở Mỹ Lộc (…) Nhâm Ngọ [1222] Tháng 10 mùa đông, vua cùng Thái hậu ngự ở điện Thiên An xem con của Thái úy là Hiển Đạo Vương tên Hải dâng nạp lễ vật cầu hôn (…) Quý Tị [1223] Tháng giêng, Thái úy Trần Tự Khánh sai người bắt Bảo Tín hầu là Lại Linh. Lại Linh tự thắt cổ mà chết. Đầu mùa đông, Thái úy đánh quân Sơn Lão ở Sách Mông. Tháng chạp (…) Phụ quốc Thái úy Trần Tự Khánh lìa trần trong ngôi nhà ở Phù Liệt. Nhà vua cùng Thái hậu đến viếng tang rồi khóc hết sức thảm. Trần Tự Khánh được đặt cho tên thụy là Kiến Quốc Vương (…) Giáp Thân [1224] Mùa xuân, năm ấy cho Thái Tổ (Trần Thừa) làm Phụ quốc Thái úy (…) Ất Dậu [1225] Tháng 6, nhà vua nhường ngôi cho con thứ hai là Công chúa Chiêu Thánh (…) tháng chạp (…) con của Trần Thừa là Trần Cảnh nhân việc nhường ngôi mà lên làm vua ở tại điện Thiên An. Rồi tôn Vương hậu Thuận Trinh làm Thái Hậu và giáng Chiêu Vương xuống làm Vương Hậu Chiêu Thánh. Đổi niên hiệu là Kiến Trung. Thái Thượng Vương cùng với mẹ của ngài là bà Thái Hậu Đàm thị đi ra ở nơi chùa Phù Liệt, lấy hiệu là Huệ Quang Thiền Sư”.
– Cái chết của Trần Tự Khánh có mấy điểm nghi vẫn sau: vào tháng 12/1223 Tự Khánh chết tại tư gia ở Phù Liệt, nhưng trước đó khoảng tháng 10/1223, Khánh còn dẫn quân đi đánh Sách Mông và không thấy viết Tự Khánh bị thương mà chết nên rõ rằng Tự Khánh bị chết đột ngột.
– Sự kiện Bảo Tín hầu Lại Linh thắt cổ tự tử vào tháng 1/1223 do trước đó Trần Tự Khánh có lệnh bắt. Qua việc Lại Linh được phong tước hầu và theo họ Trần đánh nam dẹp bắc từ thủa còn hàn vi, cho thấy Lại Linh là tướng trung thành [hầu hết các tướng theo họ Trần đều chết] Nhưng trước đó, vào năm 1218 Lại Linh được cử theo Trần Thừa vào dẹp châu Nghệ An.
– Vào tháng 10/1222 con trưởng của Trần Tự Khánh là Hiển Đạo vương Trần Hải dâng lễ vật cầu hôn công chúa của Huệ Tông. Nhưng sau, 2 nàng công của của Huệ Tông là Thuận Thiên và Chiêu Thánh lại lấy các con của Trần Thừa là Trần Liễu và Trần Cảnh. Về quyền lực và đặc ân, Trần Tự Khánh và Trần Hải luôn trên Trần Thừa và Trần Liễu.
Bài So sánh vai trò Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần Thủ Độ của tác giả Nguyễn Lê Hiếu viết: “Khánh xuất-sắc, năng-động, thích đứng mũi, làm chỉ-huy, chức Thái-uý. Khánh lộ-liễu giỡn chơi với tả-hữu ngụ-ý sẽ cướp ngôi nhưng chưa kịp làm việc dữ. Năm Mậu-dần (1218) một hôm ngồi nghỉ ở trạm Nỗ, Khánh ngang-nhiên nói với tả-hữu: “Như ta làm vua, bọn các ông xem ta bắn cái cành cây nhỏ kia một phát thì trúng”. Rồi quả-nhiên bắn trúng. Quân tướng vừa sợ vừa phục. Thủ-Độ, ít học, chuyên việc binh-bị, nhiệm-vụ thiên-lôi, lo về an-ninh vương-quốc. Ông công-nhận không biết chữ-nghĩa gì, còn phải rong-ruổi đông-tây, chịu làm phận chó-săn nhận việc dữ như toan-tính giết Liễu khi Liễu nổi loạn; ấy là vì lo hậu-vận nhà Trần. Thừa kín-đáo; có lúc hành quân bên ngoài, nhưng chức-vụ chính là Nội-thị Phán-thủ, kiểm-soát việc kín trong cung-điện. Khánh làm thái-úy cả chục năm, nhà Lý vẫn còn. Thừa lên thay Khánh làm thái-uý được có hơn một năm mà nhà Lý mất, nhà Trần lập”.
Tôi đặt giả thuyết rằng: Khi họ Trần đã vượng, Tự Khánh mưu tính để Trần Hải cưới công chúa của Huệ Tông, nhân đó được truyền ngôi. Việc này, đã buộc Trần Thưa mưu cùng Lại Linh vào tháng 1/1223. Việc không thành nên Trần Thừa đã mưu tính lại, dẫn tới cái chết của Trần Tự Khánh vào tháng 12/1223.
An Nam chí lược chép: “Trần-Văn-Lộng. Con của Nhân-Thành-hầu Trần-Duyệt, cháu nội của quốc-thúc thái-sư Trần-Thủ-Độ, ở nước nhà được phong tước Chương-Hoài-Thượng-hầu, tính người khiêm tính ôn hoà, được quốc-vương dùng làm đại-tướng, trấn thủ sông Tam-đái”.
– Theo Lê Tắc thì Chương Hoài hầu Trần Văn Lộng là con của Nhân Thành hầu Trần Duyệt, cháu của Quốc thúc thái sư Trần Thủ Đô. Thủ Độ giữ quân quyền, nhưng khi anh em Trần Liễu và Trần Cảnh xảy ra xích mích, Thủ Độ cũng chỉ biết quẳng giáo mà bỏ đi, xem ra Trần Thủ Độ không có thực quyền khi Trần Thừa còn sống, nên những việc làm như mưu tính giết hại con cháu nhà Lý, e rằng chưa hẳn đã là chủ ý của Trần Thủ Độ.
(3) Toàn thư chép: “Đinh Dậu [1237] Lúc ấy vua đang ở trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Độ: Phụng Càn Vương [Phụng Càn là tên hiệu cũ của Liễu hồi còn nhà Lý] đến hàng đấy! Rồi lấy thân mình che đỡ cho Liễu. Thủ Độ tức lắm, ném gươm xuống sông nói: Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào ? Vua nói giải hòa, rồi bảo Thủ Độ rút quân về”.
– Như vậy không chỉ có Thiên Trinh công chúa, mà Phụng Càn vương cũng được sử dụng dưới cả triều Trần và triều Lý.
Việt sử lược chép: “Bính Tý [1216] Mùa thu tháng 8, Hiển Tín Vương Nguyễn Bát làm phản, công hãm binh lính, tướng ở Hợp ấp là Đỗ Tế phải chạy sang Đan Phượng”.
Bia chùa Thiệu Long viết: “Bài minh và lời tựa tạo dựng chùa Thiệu Long, hương Binh Hợp. Tiết cấp nhập nội Thái tử Đỗ Năng Tế và Tế quân Đặng Ngũ Nương, coi giữ ruộng cúng lưu lại cho con cháu. Bọn Đỗ Thị Hậu, Đỗ Thị Âm trông coi cày cấy, dựng bia (…) Từ khi có Thái tử Trung Tín, tuân theo lời dạy người trước, xử khéo mưu hay, rộng mộ gió lành, mở mang đất báu. Nay chùa Thiệu Long, tức do Tế quân của ông Thái tử mở ra vậy. Nghiêm khảo của ông Thái tử là người thuộc quận Kinh Triệu, lấy con gái lệnh tộc họ Trần, sinh hạ 4 người con 3 gái 1 trai, trai tức là ông vậy (…) Khi ấy, Kiến Quốc đại vương thấy được công lao của ông mà khen rằng: “Trời sinh bậc trí dũng cho nước, làm kỷ lại làm cương; đời nối dài như rừng trúc, có cây mà có gốc”. Rồi đem con gái lệnh tộc họ Đặng gả cho ông. Lại trao cho ông trông coi trấn giữ đất Binh Hợp, làm ấp thang mộc (…) Đến ngày mùng 8 tháng 3 năm Bính Tuất niên hiệu Kiến Trung thứ nhất, công việc đã hoàn thành”.
– Có lẽ tướng quân Đỗ Tế chép trong Việt sử lược mục năm 1216 là thái tử Đỗ Năng Tế trong bia chùa Thiệu Long, vì trước là trùng họ tên sau là trùng địa danh Binh Hợp.
– Theo như bia chùa Thiệu Long thì năm Bính Tuất là năm Kiến Trung thứ nhất và rõ ràng là lệnh tộc họ Trần đã có quan hệ hôn nhân với nhiều lệnh tộc khác, như trong trường hợp ghi nhận của bia chùa Thiệu Long là nghiêm khảo (cha) của Đỗ Năng Tế là rể của lệnh tộc họ Trần. Qua việc Trần Tự Khánh khen Đỗ Năng Tế, cho biết rất có thể nghiêm khảo của Đỗ Năng Tế cùng thế hệ với Trần Tự Khánh. Về hành trạng của lệnh tộc họ Trần tôi tạm nêu ra như vậy và sẽ xét kỹ trong bài sau.