Lịch sử quan hệ quốc tế cổ đại (bài 1)
PHẦN 1 : LỊCH SỬ QUAN HỆ QUỐC TẾ TRONG THẾ GIỚI HY LẠP CỔ ĐẠI – PHƯƠNG TÂY Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa Từ thế kỉ thứ VIII trước công nguyên ở phương Tây bắt đầu hình thành những nhà nước có giai cấp đầu tiên dưới hình thức những thành bang hay quốc gia thành thị. Chính từ giai ...
PHẦN 1 : LỊCH SỬ QUAN HỆ QUỐC TẾ TRONG THẾ GIỚI HY LẠP CỔ ĐẠI – PHƯƠNG TÂY
Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa
Từ thế kỉ thứ VIII trước công nguyên ở phương Tây bắt đầu hình thành những nhà nước có giai cấp đầu tiên dưới hình thức những thành bang hay quốc gia thành thị. Chính từ giai đoạn này, ở châu Âu nói chung và Hy Lạp cổ đại nói riêng đã bắt đầu xuất hiện những mối quan hệ quốc tế sơ khai, hay nói đúng hơn là quan hệ bang giao giữa các thành bang với nhau hay giữa toàn thể Hy Lạp với các quốc gia khác, nhưng nhìn chung vẫn là vai trò rất lớn của một thành bang chiếm ưu thế, chủ yếu thể hiện trên phương diện chiến tranh và xung đột.
Trong mối quan hệ bang giao giữa những quốc gia thành bang Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là trong giai đoạn từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên chứa đựng nhiều cơ sở lý thuyết về quan hệ quốc tế như những tư tưởng về chiến tranh, liên minh, trung lập, cân bằng quyền lực giữa các chủ thể bấy giờ. Chúng là những cơ sở và nền tảng của những lý thuyết quan hệ quốc tế sau này. Vì vậy, tìm hiểu mối quan hệ giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại giai đoạn thế kỉ VIII – IV trước công nguyên còn nhằm phục vụ cho việc hiểu rõ về những lý thuyết quan hệ quốc tế cổ đại, bên cạnh đó, thấy được nguồn gốc một số quan điểm quan hệ quốc tế giai đoạn sau.
Mối quan hệ giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại thời kì từ thế kỉ VIII – IV không chỉ là biểu hiện cho đặc điểm, bản chất quan hệ quốc tế trong một giai đoạn ở phương Tây cổ đại mà còn là cả quan hệ quốc tế cổ đại, tuy vẫn có những nét riêng biệt nhất định. Do đó, tìm hiểu đề tài còn nhằm chứng minh cho đặc điểm quan hệ quốc tế cổ đại.
Quan hệ các thành bang Hy Lạp cổ đại còn là một nội dung cực kì quan trọng trong lịch sử Hy Lạp và lịch sử châu Âu, nhìn chung khi nghiên cứu về lịch sử thời kì này không thể bỏ qua nội dung trên.
1. KHÁI QUÁT QUAN HỆ QUỐC TẾ Ở PHƯƠNG TÂY CỔ ĐẠI THẾ KỈ VIII – IV TRƯỚC CÔNG NGUYÊN
1.1 Quá trình hình thành các quốc gia thành bang.
Lịch sử Hy Lạp bắt đầu từ thiên niên kỉ III trước công nguyên gắn liền với nền văn minh Cret – Myxen và sau đó văn minh Homes. Đó là những nền tảng đầu tiên của cho sự ra đời xã hội có giai cấp ở Hy Lạp cổ đại.
Những quốc gia thành bang – polis ra đời vào khoảng thế kỉ thứ VIII trước công nguyên, dựa trên những cơ sở nhất định, cụ thể như sau.
Trước hết về địa lý, có thể nói chính việc chia cắt bởi những thung lung, núi, đồi, và các đồng bằng nhỏ hẹp cắt ngang, cùng với bờ biển kéo dài, là điều kiện đầu tiên để hình thành nên những quốc gia thành bang thay vì một Hy Lạp thống nhất.
Nhưng cơ sở đầu tiên mang tính quyết định để xã hội Hy Lạp hình thành nên nhà nước có giai cấp, đó là yếu tố kinh tế. Nếu như trong thời kì Homes, giai đoạn ngự trị của chế độ nô lệ và một xã hội thị tộc, nông nghiệp và chăn nuôi luôn chiếm một địa vị quan trọng, không chỉ quyết định mà còn là bản chất của nền kinh tếHy Lạp bấy giờ. Bên cạnh đó, những nghề thủ công vẫn còn là bộ phận của nông nghiệp và đã manh nha phát triển. Nhưng chỉ đến khi, thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp, tỉ trọng trong nền kinh tế có sự chuyển biến rõ rệt. Cơ sở cho sự tách biệt đó chính là việc khai thác ngày càng nhiều nguyên liệu đặc biệt là sắt và nghề luyện kim phát triển. Do đó trong nền kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều công trường thủ công với số lượng, chuyên môn hóa và chất lượng ngày càng tăng. Đến cuối thế kỉ XIX trước công nguyên, thủ công nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Chính những hàng hóa ngày càng được sản xuất nhiều và chất lượng được đảm bảo hơn trước đã kích thích việc buôn bán hay là hoạt động ngoại thương, đỉnh cao trong sự tác động này chính là việc ra đời tiền vàng trong buôn bán thay cho trao đổi ngang giá bằng vật trước đây. Những nơi đủ điều kiện về địa lý thuận lợi cho buôn bán trở thành những trung tâm thương mại, đó là các thành thị.
Kinh tế là yếu tố quyết định là cơ sở căn bản cho những thay đổi lớn về nhiều mặt, quan trọng nhất là về thể chế. Nói như vậy có nghĩa là chính yếu tố kinh tế đã làm tan rã chế độ thị tộc giai đoạn trước – Homes. Kinh tế phát triển kéo theo việc tư hữu ngày một phổ biến trong xã hội Hy Lạp cổ đại, nhưng nó chỉ tập trung ở một số ít người giàu, đó là tầng lớp quý tộc chủ nô sau này ở Hy Lạp. Những kể giàu có trong xã hội đã có những uy quyền chi phối toàn bộ mọi mặt, kể cả thống trị những người không có hoặc rất ít tài sản hay tư liệu sản xuất. Tình hình như vậy ngày càng phổ biến đã dẫn đến những thay đổi trong xã hội, sự phân hóa giai cấp rõ rệt, một xã hội – nhà nước có giai cấp manh nha ra đời trong non thế kỉ VIII trước công nguyên.
Khi sự phân hóa diễn ra sâu sắc người ta có thể nhận thấy rõ trong xã hội Hy Lạp cổ đại sau Homes đã có 3 tầng lớp. Thứ nhất là quý tộc chủ nô bao gồm cả quý tộc công thương và bọn quý tộc ruộng đất (mặc dù công thương nghiệp phát triển nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò nhất định, như một số vùng phía lưu vực sông Eurotas mà sau này tiêu biểu là thành bang Sprata). Thứ hai, tầng lớp bình dân có thể là nông dân hay thợ thủ công. Thứ ba là những người nô lệ hình thành từ những người phá sản và tù binh. Nhưng xã hội phân chia thành các giai tầng là chưa đủ để nhà nước có giai cấp ra đời, mà phải có mâu thuẫn mấu chốt trong những giai tầng đó. Giai đoạn sau Homes đã hội đủ điều đó, mâu thuẫn xã hội chủ yếu chính là giữa quý tộc với bình dân và nô lệ. Điều này cũng xác định thể chế chung với một “cái đuôi” là chủ nô, sau này là cơ sở cho dân chủ chủ nô Athens chẳng hạn.
Đến thế kỉ VIII trước công nguyên, việc bó hẹp trong những vùng đất nhỏ không còn phù hợp với sự phát triển nhanh chóng kinh tế. Những phong trào di dân và xâm chiếm thuộc địa những tổ chức tiền thành bang đến thành bang bắt đầu tạo ra những hệ thống thực dân. Quá trình thực dân thể hiện quan hệ hai chiều, một mặt phát triển kinh tế các thành bang, củng cố xã hội có giai cấp; một mặt giúp các vùng đất chưa văn minh đi đến văn minh.
Tóm lại đó là những cơ sở hình thành nên một nhà nước Hy Lạp có giai cấp, nhưng nhà nước nay không như Ấn Độ, Ai Cập, Ba Tư, mà nó với những đặc điểm riêng biệt cũng hoàn toàn khác với phần còn lại trong tổng thể thế giới của những nhà nước cổ đại (Có nét tương đồng với Babylon).
Hy Lạp là tập hợp nhiều quốc gia thành bang. Ở đây chính điều kiện địa lý tạo nên sự khác biệt trên, còn biến đổi kinh tế và xã hội là điều kiện cần của bắt kì nhà nước có giai cấp nào. Việc bị chia cắt về địa lý bởi những thung lũng, cao nguyên, đồi, núi, xen nhau. Nó không chỉ chia cắt các vùng của Hy Lạp mà còn tác biệt Hy Lạp với thế giới bên ngoài. Điều này có ý nghĩa gì trong việc hình thành các thành bang ở Hy Lạp cổ đại? Rất quan trọng, thứ nhất các thành bang hình thành là độc lập và như một quốc gia riêng biệt; thứ hai, việc phải chống ngoại xâm là không thường xuyên, nên “yêu cầu thống nhất các vùng đất Hy Lạp (vốn bị điều kiện địa hình tự nhiên xé nhỏ) thành một quốc gia thống nhất không được đặt ra một cách bức thiết.” [1]. Mặc dù các thành bang là tác biệt nhưng cư dân các thành bang vẫn xem tất cả là có chung nguồn gốc Helenes. Đây chỉ là một niềm tin xã hội hơn là một thể chế Hy Lạp duy nhất, cho dù thế nào Hy Lạp cổ đại từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên vẫn là tập hợp hơn 200 quốc gia thành bang.
Tóm lại các thành bang Hy Lạp ra đời khoảng thế kỉ thứ VIII trước công nguyên, mỗi thành bang có đặc điểm, có lãnh thổ, chính quyền, thể chế, kinh tế, luật pháp, hướng phát triển riên biệt. Mỗi thàng bang là một quốc gia, là chủ thể chính trong quan hệ quốc tế ở phương Tây cổ đại giai đoạn thế kỉ VIII – IV trước công nguyên, đến khi chúng suy yếu và bị thống nhất bởi đế chế ngoại – Macedonia.
1.2 Một số thành bang tiêu biểu.
Hy Lạp là thể chế gồm hơn 200 thành bang, nhưng nhìn chung có 3 loại chính cũng như chỉ có 2 đến 3 thành bang là có vai trò lịch sử quan trọng nhất, chi phối tất cả quan hệ quốc tế (quan hệ bang giao) bấy giờ ở phương Tây cổ đại.
Do những đặc điểm chi phối trong quá trình hình thành các thành bang ở phương Tây cổ đại, nên nhìn chung hơn 200 thành bang chỉ tồn tại ở 3 dạng chính sau:
Thứ nhất, các thành bang thực dân, chúng hình thành do quá trình thực dân của những thành bang mạnh hơn. Thành bang thực dân hình thành tương đối muộn nhất.
Thứ hai, loại thành bang hình thành từ sự tan rã dần dần của chế độ thị tộc, từ mâu thuẫn giai cấp trong xã hội thị tộc. Những quốc gia thành bang này tự nó hình thành như Athens chẳng hạn.
Thứ ba, những bộ tộc mạnh tiến hành chinh phục các bộ tộc khác để hình thành quốc gia. Điển hình loại này phải kể đến Sprata.
Nhưng trong những loại quốc gia thành bang kể trên chỉ có Athens và Sprata sau này còn có Thebes mới là những chủ thể tác động mạnh đến lịch sử phương Tây cổ đại từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên nói chung và quan hệ quốc tế thời kì đó nói riêng.
1.2.1 Thành bang Sparta.
Sprata có lẽ là thành bang hình thành sớm nhất ở Hy Lạp khoảng thế kỉ thứ IX trước công nguyên tại vùng Laconia phía nam bán đảo Peloponnesos, nơi đất đai màu mỡ thuận lợi cho nông nghiệp phát triển.
Cư dân chủ yếu ở Sprata là Dorians – Sparta, Periseci và Helot. Trong đó người Dorians là kẻ thống trị toàn bộ Sparta, người Periseci là dân tự do nhưng chịu nô dịch, còn người Helot là nô lệ và là tài sản của nhà nước. Periseci và Helot là lực lượng sản xuất chính của xã hội Sparta. Trong mối quan hệ giữa các giai cấp thì nổi lên nhất là chế độ bóc lột Helot, tức nô lệ vừa phải sản xuất vừa là lực lượng trong quân đội. Mâu thuẫn xã hội chủ yếu là giữa người Dorians thống trị với hai tầng lớp dưới.
Về chế độ chính trị, Sparta là nhà nước chuyên chính chiếm hữu nô lệ. Bộ máy gồm có Quốc vương, đại hội công dân, hội đồng bô lão, quan giám sát. Ban đầu quyền lực nằm trong tay quốc vương nhưng sau thế kỉ V trước công nguyên những quan giám sát đã nắm mọi quyền hành. Bộ máy nhà nước này chủ yếu thực hiện hai nhiệm vụ là đàn áp tầng lớp dưới và mở rộng lãnh thổ, mang tính phản động rõ nét.
Về kinh tế, ở Sparta nông nghiệp vẫn là chủ yếu, dựa trên sự bóc lột dân tự do và nô lệ, thương nghiệp và thủ công nghiệp đóng vai trò thứ yếu trong nền sản xuất.
Tóm lại “Sparta là một thành bang ở Hy Lạp, lạc hậu về kinh tế, bảo thủ và phản động về chính trị, một nhà nước quân phiệt.”[2].
1.2.2 Thành bang Athens.
Athens là thành bang đặc biệt, hình thành khoảng thế kỉ VII trước công nguyên trên bán đảo Attica miền trung Hy Lạp ngày nay, đất đai khô cằn, chỉ có những chỗ tương đối màu mỡ, ít mưa, nhưng có bờ biển dài và rất nhiều mỏ kim loại cũng như đá quý. Chính điều kiện tự nhiên đã khiến Athens không là Sparta.
Về dân cư, xã hội, người Athens chủ yếu là nhóm người Ionien. Sau khi hình thành nhà nước từ bốn bộ lạc chủ yếu ở Attica, xã hội Athens không mâu thuẫn gâygắt như ở Sparta, bởi lẽ chính cớ sở hình thành nên nhà nước của nó đã dựa trên sự liên minh hòa bình và không có sự can thiệp của thế lực phản động bên ngoài. Đến thế kỉ VI trước công nguyên, dân cư ở Athens được chia thành 4 đẳng cấp xã hội: đẳng cấp thứ nhất là công dân thu nhập 500 Medin thóc trở lên, đẳng cấp thứ hai có thu nhập từ 300 – 500 Medin thóc, đẳng cấp ba từ 200 – 300 Medin thóc, dưới 200 Medin thóc được xếp thành đẳng cấp thứ tư.
Về chính trị, sau cải cách của Thesee, Pericolet và sau này là của Salon vào khoảng thế kỉ VI trước công nguyên, đã cơ bản hướng Athens trở thành thể chế dân chủ chủ nô. Bộ máy nhà nước chia làm các cơ quan sau: Đại hội nhân dân, hội đồng bô lão, tòa án. Dựa trên cơ sở cải cách xã hội của Salon, chỉ những người đẳng cấp thứ nhất mới được giữ chức vụ cao trong xã hội, các đẳng cấp còn lại chỉ có quyền tham gia vào quân đội, nhưng ở các binh chủng và thứ bậc khác nhau. Tóm lại, tính dân chủ trong Athens thể hiện tương đối hơn so với bất kì thể chế nào thời cổ đại.
Về kinh tế, không cần bàn nhiều ở đây, vì chính điều kiện tự nhiên đã quy định Athens phát triển nền thương nghiệp và thủ công nghiệp một các đặc biệt nhất, và kinh tế công thương nghiệp cũng là nhân tố quyết định nên một Athens dân chủ hơn Sparta hay những đồng minh có cùng bản chất phản động như Sparta.
1.2.3 Những thành bang thực dân.
Những thành bang thực dân hình thành từ thế kỉ VIII – VI trước công ngyên kéo dài từ Biền Đen đến Địa Trung Hải, do quá trinh di dân hay xâm lược của những thành bang lớn mạnh đầu tiên ở Hy Lạp cổ đại. Trong quá trình thực dân chỉ hơn 40 thành bang thực hiện nhưng đã thống trị và hình thành thêm 130 thành bang mới, phụ thuộc hay liên minh với chúng.
Về kinh tế hay chính trị – xã hội điều tuân theo con đường của thành bang thống trị nó. Nhưng nhìn chung vẫn là một nhà nước có giai cấp và xã hội riêng. Tuy nhiên một số ít chỉ phụ thuộc về kinh tế nhưng độc lập về chính trị.
Các thành bang này như Syracuse, Tarentun, Massalia, Potidaea,… có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế văn hóa Hy Lạp cổ đai, và còn là cầu nối giữa các thành bang với nhau. Chúng có vai trò quan trọng trong chính sách bang giao các thành bang lớn như Sparta hay Athens trong suốt 4 thế kỉ từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên.
1.3 Những sự kiện tiêu biểu của quan hệ quốc tế ở phương Tây thế kỉ VIII – IV trước công nguyên.
1.3.1 Chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư và sự ra đời của những liên minh
Chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư diễn ra từ năm 492 – 448 trước công nguyên qua hai giai đoạn: từ thế kỉ VI trước công nguyên đến năm 492 và từ 492 đến 448. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến lần hai này có lẽ là xuất phát từ những điều sau:
Nguyên nhân sâu xa chính là tham vọng bành trướng của Ba Tư và các thành bang ở Hy Lạp bấy giờ, tất cả điều muốn chiếm trọn quyền thống trị tại những vùng biển quan trọng như Biển Đen, Địa Trung Hải và Caxpien. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc xâm lược các thành bang Hy Lạp ở Tiểu Á.
Còn nguyên nhân trực tiếp phải từ năm 492, những thành bang Hy Lạp bị Ba Tư chiếm từ thế kỉ VI trước công nguyên ở vùng Tiểu Á đã nổi dậy đấu tranh, đã kêu gọi các thành bang khác như Athens giúp đỡ. Sau vụ giết hại sứ giả của Ba tư ở Athens và Sparta, năm 490 Darius – vua Ba Tư phát động cuộc chiến lần hai tấn công Hy Lạp.
Cuộc xâm lược lần hai bắt đầu với ưu thế không lâu của Ba Tư khi chiếm được biển Aegean và Eretria, đổ bộ vào Marathon phía bắc Athens. Lúc này Athens đưa toàn bộ quân đôi của mình đến Marathon để chặn cuộc tiến công của Ba Tư. Với nghệ thuật, bố trí chiến thuật hợp lý, với quân trung tâm mang tính cầm cự sau đó dùng hai cánh tấn công Ba Tư với giáo dài và khiên – đó là đội hình phalăng – một loại bộ binh cực mạnh ở thời cổ đại. Cuối cùng Athens giành thắng lợi và đẩy lui quân Ba Tư ở phía Bắc. Sau trận chiến thế vận hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại cũng được ra đời.
Sau thất bại thảm hại ở Marathon, cũng với những mâu thuẫn nội bộ và việc Darius qua đời, Ba Tư ít quan tâm đến xâm chiếm Hy Lạp. Nhưng kể từ năm 486 Ba Tư tiếp tục công cuộc bành trướng sang phía Tây dưới sự chỉ huy của Xerxes. Lúc này mối quan hệ trở nên phức tạp hơn nhiều, một số thành bang như Thebes, Argos, Thessaly đã liên minh với Ba Tư nhằm chống lại Athens và Sparta. Số khác gọi là “Những người Hy Lạp có ý tưởng tốt đẹp nhất về Hy Lạp”[3] đã liên quân dưới sự chỉ huy của Sparta tiến hành cuộc chiến bảo vệ đế chế Hy Lạp.
Ở Thermopylae bộ binh Sparta đã kiên cường chống lại một ưu thế vượt trội về quân số với 200 ngàn bộ binh, cuối cùng quân Ba Tư bị cầm chân rất lâu ở Thermopylae. Lúc này lợi dụng tình hình đó, trên eo biển Salamis lực lượng hải quân Hy Lạp đã đánh bại 1000 chiến thuyền của Ba Tư. Đến năm 479 hầu như Ba Tư đã dần bỏ ý định xâm lược Hy Lạp.
Nhưng sau năm 479, tính chất bành trướng đã chuyển sang tay Athens, với uy lực về quân sự và sự yếu thế của Sparta, Athens đã lập nên liên minh Delos gồm các thành bang ở biển Agean, Tiểu Á để bành trướng ra bên ngoài. Từ chỗ 35 đã lên đến 200 thành bang trừ vùng Poleponeus không tham gia, đến năm 449 liên minh Delos chiếm được nhiều đảo ở biển Agean, cuộc chiến Hy Lạp và Ba Tư cũng chấm dứt với thắng lợi của Hy Lạp và sự vương lên mạnh mẽ của Athens, sự manh nha cho những xung đột tiếp theo, cuộc chiến tran mang tính quốc tế – Poleponeus.
1.3.2 Chiến tranh Poleponeus (431 – 404 trước công nguyên).
Chiến tranh Poleponeus xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưngđầu tiên phải kể đến yếu tố kinh tế, việc giành thắng lợi trong chiến tranh với Ba Tư khiếnn cho không chỉ có Athens mà còn có cả những thành bang khác muốn chiến vùng biển Agean và Địa Trung Hải. Thành bang Korinthos trong liên minh Poleponeus đã tìm mọi cách vương ra vùng Bắc Hy Lạp, Corsica, Tây Địa Trung Hải, chính điều này đã đe dọa đến sự bá quyền trên mặt biển của Athens. Cả hai điều muốn mở rộng quyền lực thương mại của mình.
Từ đó, kéo theo những mâu thuẫn khác, đó là mâu thuẫn giữa hai liên minh Delos và Poleponeus. Lúc này cả Athens và Sparta – hai kẻ đại diện cho hai con đường phát triển khác nhau, điều mong muốn mình mới chính là bá chủ thật sự của toàn Hy Lạp, và địa vị cao nhất trong khối liên minh của mình. Lớn hơn là mâu thuẫn giữa hai chế độ dân chủ của Athens với chế độ quí tộc ở Sparta.
Một nguyên nhân nữa, có lẽ xuất phát từ mâu thuẫn giữa những thành bang thuộc địa Athens với Athens.
Tóm lại, chính bá quyền mới là thứ quan trọng đã đưa đẩy các thành đến xung đột và chiến tranh suốt 27 năm.
Chiến tranh Poleponeus là những xung đột xuyên suốt, nhưng nhìn chung có thể chia nó thành hai giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất là cuộc chiến Archidamia từ năm 431 đến năm 427 trước công nguyên. Do bản chất chính trị của mình, lực lượng Sparta dễ dàng tập hợp và tỏ ra ưu thế hơn so với Athens, nên Sparta và liên minh Poleponeus của nó tiến hành nhiều cuộc vây hãm Athens suốt hơn một năm. Từ năm 430 – 426 trước công nguyên, do trận dịch hạch nên làm cho quân số Athens giảm nhanh chóng, tuy nhiên với thành lũy kiên cố, Sparta không chọc thủng vào bên trong Athens, ngược lại với chính sách lôi kéo của mình Athens đã tổ chức nhanh chống quân đội cùng với các thành bang thuộc địa của Sparta tiến hành nổi dậy. Hai bên bất phân thắng bại cho đến năm 421 buộc kí hòa ước Nicaea với kì hạn 50 năm, hai bên phải rút quân ra khỏi tất cả các lãnh thổ chiếm đóng, Athens và Sparta sẽ liên minh khi người Helot (nô lệ) nổi dậy.
Giai đoạn thứ hai, sau khi hòa ước Nicaea được kí kết hai bên không thực hiện theo cam kết, vẫn duy trì lực lượng quân đội tại những vùng chính yếu đã chiếm đóng. Lúc này phái chủ chiến ở Athens do Alicbiades giành được ưu thế trong chính quyền nên quyết tâm bành trướng ra bên ngoài. Quân Athens dần dần tiến vào Italia, Sicily và Cathage. Nhưng do mâu thuẫn nội bộ Alicbiades buộc phải bỏ trốn sang Sparta, do đó cuộc tiến công vào Sicily thất bại thảm hại. Với tài năng của Alibiades Sparta nhanh chóng tấn công vào Athens và đã chia cắt liên lạc giữa Attica với đảo Eubaea. Sparta tiến sát vào Athens khiến nội bộ trong Athens rối ren, nô lệ và thợ thủ công hơn 2000 người đã bỏ trốn, khó khăn càng khó khăn. Nhưng nhận thấy chưa đủ lực để tiêu diệt hoàn toàn Athens, Sparta buộc nhờ sự giúp đỡ của Ba Tư để tấn công hạm đội tàu chiến được cho là mạnh nhất Địa Trung Hải của Athens. Đến giai đoạn này “trước khi thảm họa đó chấm dứt thì chiến tranh Poleponeus đã trở thành một cuộc xung đột quốc tế”[4].
Trước tình hình Athens đang bị đe dọa, trong nước bọn quí tộc độc tài đã lập đổ chính quyền dân chủ, quyết định sẽ hòa hoãn với Sparta. Nhưng lúc này Alibiades sau khi rời Sparta đã từ Ba Tư trở về Athens tiến hành tiêu diệt bọn quí tộc độc tài và xây dựng quân đội tấn công Sparta. Năm 408 trước công nguyên bọn quí tộc độc tài bị lật đổ, trước đó Athens cũng giành thắng lợi to lớn ở Abydos và Cyzicus, tiếp theo chiếm được Byzantium, cuối cùng con đường thương mại đã được khai thông, Athens dần dần phục hồi sau nhiều năm khó khăn.
Nhưng có lẽ Alibiades là một tướng lĩnh không được Athens quý trọng, ông luôn bị chỉ trích và là mục tiêu bị các thế lực phản động nhắm đến để tiêu diệt. Cuối cùng, sau thất bại ở biển Tiểu Á năm 406, Alibiades phải sang lánh ở Tiểu Á và sau đó bị giết chết bởi quân Ba Tư. Athens lại một lần nữa trở nên khó khăn, sau những nổ lực cuối cùng ở Ageospotami và Lebos, với sức mạnh của Sparta và sự giúp đỡ của Ba Tư, Athens phải đầu hàng. Sparta buộc Athens chấp nhận xóa bỏ Liên minh Delos, xóa bỏ hệ thống phòng thủ, để lại 12 chiến thuyền canh phòng và nộp toàn bộ số tàu chiến. Hơn hết, Sparta lập nên chính quyền độc tài ở Athens, quyền công dân bị giới hạn còn trên 3000 dân, phái dân chủ bị giết hoặc lưu đày. Mặc dù năm 406 trước công nguyên những người dân chủ có chiếm lại được Athens nhưng nhìn chung vẫn phụ thuộc vào Sparta.
Nguyên nhân thắng lợi và thất bại của hai phe Athens và Sparat như Thucydic nhận định, là xuất phát từ thủ đoạn và lôi kéo liên minh như thế nào, có thể thấy Athens đã yếu đi không phải do Sparta nhiều lần công kích mà do những liên minh của nó đã chống lại nó.
1.3.3 Những cuộc xung đột và chiến tranh đầu thế kỉ IV trước công nguyên.
Trước khi Hy Lạp là của Macdonia, giữa các thành bang với nhau và có cả Ba Tư đã diễn ra những xung đột quan trọng.
Sau chiế tranh Poleponeus Sparta đã làm bá chủ Hy Lạp, nhưng chính chính sách phản động và bạo lực của nó khiến những kẻ như Athens khó lòng chịu được. Cùng với đó, Sparta mong muốn bành trước sang Tiểu Á, nhưng lại gặp cản trở bởi Ba Tư. Như vậy, một cuộc xung đột đã diễn ra, giữa Sparta với các thành bang thuộc địa được Ba Tư hỗ trợ, giữa Sparta với Ba Tư.
Từ năm 399 – 394 trước công nguyên chiến sự diễn ra trên lãnh thổ của Korithos. Athens, Thebes, Korithos,.. đã liên kết với nhau và cùng với sự giúp đỡ của Ba Tư tiến hành chống lại Sparta. Cuối năm 394 trước công nguyên, hạm đội Sparta thất thủ, và từ đó không còn thống trị trên mặt biển được nữa.
Kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ những cuộc chiến này chính là Ba Tư, sau khi dùng sức mạnh của mình giúp các thành bang chống Sparta, Ba Tư buộc các quốc gia thành bangHy Lạp kí kết hào ước Susa. Nội dung hòa ước như sau: Hy Lạp chỉ có liên minh Poleponeus là duy nhất, các thành bang ở Tiểu Á thuộc Ba Tư. Cuối cùng Ba Tư đã làm chủ được tình hình của Hy Lạp.
Năm 379 trước công nguyên Thebes đã đánh bại Sparta để xây dựng nhà nước dân chủ và trở nên mạnh mẽ hơn Sparta rất nhiều. Sau hội nghị toàn các nước ở Hy Lạp, mối bất đồng về việc duy trì đồng minh Poleponeus và đồng minh Beotia đã khiến hai thành bang Thebes và Sparta tiếp tục chiến sự. Từ năm 370 – 368 trước công nguyên Thebes tiến vào Poleponeus chiếm Mesenia, Arcadia, và khối liên minh Poleponeus bị giải thể. Thebes đã làm bá chủ Hy Lạp nhưng chỉ vỏn vẹn có 10 năm từ 371 – 362 trước công nguyên.
Một thế lực nữa trong cuộc chiến này, không ai khác là Athens, sau cuộc chiến ở Korrithos năm 394, Athens đã bắt đầu vụt dậy. Với tham vọng làm bá chủ mặt biển như trước, Athens lại tổ chức một liên minh trên biển lần hai. Nhưng một lần nữa, chính sách lôi kéo lại làm cho chính những đồng minh bất mãn, nổi dậy chống Athens. Cuối cùng đến năm 355 trước công nguyên Athens nối gót Sparta, Thebes bị đánh bại và bắt đầu suy yếu.
Chiến sự chỉ yên ổn ở Hy Lạp cho đến khi Alexander của Macedonia thống nhất toàn bộ Hy Lạp và bắt đầu thời kì Hy Lạp hóa những năm 334 trước công nguyên
Xuyên suốt mấy thế kỉ diễn ra quan hệ bang giao giữa các thành bang và giữa Hy Lạp với Ba Tư, đã xuất hiện nhiều lý tưởng, quan điểm của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ quốc tế lúc bấy giờ. Có lẽ đối thoại Melos thể hiện đầy đủ nhất những lý tưởng trên. Nội dung của nó về quan hệ quốc tế ra sao, dưới đây sẽ chỉ ra một vài điểm nổi bật nhất.
Đầu tiên, khái niệm về danh dự và nhận thức. Melos đã cho rằng mình là một bộ phận của Sparta, và chính Athens mới là kẻ đã dùng vũ lực để đánh chiếm họ. Do đó, họ cho rằng, danh dự và vị trí của mình là không thể liên minh với Athens được.
2. ĐẶC ĐIỂM, BẢN CHẤT, ĐÓNG GÓP TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ Ở PHƯƠNG TÂY THẾ KỈ VIII – IV TRƯỚC CÔNG NGUYÊN.
2.1 Đặc điểm, bản chất quan hệ quốc tế ở phương Tây thế kỉ VIII – IV trước công nguyên.
Đặc điểm và bản chất quan hệ quốc tế ở phương Tây từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên cũng nằm trong đặc điểm và bản chất quan hệ quốc tế cổ đại, nhưng chắc chắn ở mức độ nào đó, sẽ có những nét riêng biệt rõ ràng. Cả hai có mối quan hệ biện chứng với nhau, vì vậy hiểu cái riêng này để củng cố cho những đặc điểm chung. Trở lại vấn đề về đặc điểm và bản chất quan hệ quốc tế ở phương Tây giai đoạn từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên, cụ thể như sau:
2.1.1 Đặc điểm quan hệ quốc tế ở phương Tây thế kỉ VIII – IV trước công nguyên.
Thật sự mối quan hệ quốc tế lúc này xét về bản chất chưa phải là quan hệ quốc tế đúng nghĩa, mặc dù có những lúc chiến tranh mang tính quốc tế như Poleponeus, nhưng tóm lại các mối quan hệ đó chỉ là quan hệ bang giao. Phương diện quan trọng trong mối bang giao giữa các thành bang với nhau là sự đối lập chính trị, chiến tranh và xung đột. Một dẫn chứng cụ thể để làm rõ những nhận định trên chính là những cuộc chiến quan trọng trong thời gian từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên. Chẳng hạn trong cuộc chiến Poleponeus là hàng loạt những xung đột về chính trị, từ chính sách bành trướng và mối mâu thuẫn về thể chế chính trị, mà Athens và Sparta là hai đại diện chính cho hai con đường khác nhau. Và chỉ có chiến tranh mới giải quyết được những bất đồng và khát khao vươn lên của mỗi quốc gia thành bang. Việc Ba Tư tiến hành xâm lược cũng nằm trong những đặc điểm đó.
Những quyết sách của các thành bang không phải xuất phát từ ý chí nguyện vọng của đại đa số dân chúng hay chính quyền mà là từ một người có quyền lực, một cá nhân có ý chí cầm quyền. Mặc dù Athens là dân chủ nhưng nhìn lại sẽ thấy, Alibiades đã dùng ý chí của mình như thế nào để tiến hành những cuộc tấn công Sparta khi ông còn nắm quyền.
Và trong suốt những cuộc chiến tranh ở phương Tây lúc này đã xuất hiện nhiều thỏa thuận nhưng chỉ là đối thoại không văn bản hay là hòa ước bằng miệng giữa các bên tham gia. Cùng với đó, những hòa ước này không có cơ sở vững chắc để các bên tuân thủ, như trong trận chiến Poleponeus cả Athens và Sparta đã bội ước hiệp ước Nicaea, và để duy trì liên minh, hay đảm bảo chắc chắc trong đàm phán, các bên thường dùng con tin có giá trị trong mỗi quốc gia làm giao kèo.
Tóm lại những phân tích trên nhằm để khẳng định những biểu hiện đó chính là biểu hiện cho đặc điểm của một mối quan hệ bang giao hơn là quan hệ quốc tế thật sự đúng nghĩa.
2.1.2 Bản chất quan hệ quốc tế ở phương Tây thế kỉ VIII – IV trước công nguyên.
Xét về bản chất quan hệ quốc tế ở phương Tây giai đoạn này hoàn toàn phù hợp với thuyết hiện thực mang tính cực đoan, mà chính một người từng tham gia vào chiến tranh Poleponeus đã viết trong The Median Dialouge, với cuộc đối thoại của người Athens và thành bang Melos đã chứng minh cho điều đó. Cụ thể bản chất quan hệ quốc tế thời kì này như sau:
Đầu tiên, các thành bang là những quốc gia và là chủ thể quan hệ quốc tế bấy giờ và đang tồn tại trong một thế giới, một môi trường quan hệ quốc tế mang đặc tính hay bản chất vô chính phủ.Điều mà mỗi quốc gia lưu tâm là làm thế nào để tồn tại trong môi trường luôn phải cạnh tranh với nhau và đối mặt với nguy cơ bị thôn tính luôn rình rập. Để sống sót, mỗi quốc gia thành bang luôn phải xây dựng một nền quân sự vững chắc để đảm bảo an ninh.Nhưng cứ khư khư phòng thủ vẫn mất nước, vì thế bành trướng cũng là một cách để bảo vệ mình. Chính điều này lại vô tình làm cho tình trạng cạnh tranh giữa các thành bang trở nên phổ biến và gay gắt hơn.
Thứ hai, lợi ích quốc gia và chủ quyền quốc gia là điều thiên liêng nhất, nên để sống trong môi trường vô chính phủ, mỗi thành bang buộc phải tự bản thân nó bảo vệ nó, còn bằng cách nào, liên minh hay xin trợ giúp là điều mà chính quyền mỗi nước sẽ thực hiện.
Thứ ba, lí trí quốc gia mách bảo mỗi thành bang phải tìm cho mình một quyền lực nhất định trong môi trường vô chính phủ. Ngoại giao sẽ được thực hiện để tìm đến quyền lực và quyền lực sẽ chi phối mọi chính sách ngoại giao. Chẳng hạn để thực hiên quyền bá chủ hay sức mạnh quyền lực trên biển của mình, Athens bất chấp mọi thủ đoạn để lôi kéo liên minh trên biển, Melos là một mục tiêu bị nhắm đến, người Athens một là dùng sức mạnh để ép buộc liên minh, nhưng Melos một mực không đồng ý, Athens buộc thay đổi chính sách ngoại giao của mình, tiến hành vây hãm bằng vũ lực với Melos.
Thứ tư, việc theo đuổi quyền lực trong mối quan hệ quốc tế, khiến “nền chính trị quốc tế sẽ là “cuộc đấu tranh vì quyền lực”. Vì mọi quốc gia đều tìm cách tối đa hóa quyền lực của mình nên xung đột và cạnh tranh là tuyệt đối, là bản chất của QHQT. Cạnh tranh quyền lực rất dễ dẫn đến xung đột và chiến tranh.”[5].
Thứ năm, hệ thống quốc tế lúc này là một hệ thống tuân theo sự sắp xếp sức mạnh hay quyền lực của từng quốc gia thành bang. Do đó mà không có một siêu quốc gia thống trị toàn bộ mà là sự vươn lên và thay thế nhau giữa những thành bang. Chẳng hạn, có thời kì quyền bá chủ Hy Lạp là của Athens nhưng sau chiến tranh Poleponeus lại rơi vào tay Sparta, sau đó là Thebes.
Thứ sáu, chiến tranh và xung đột còn là biện pháp để các thế lực duy trì cân bằng quyền lực, thông qua liên minh và ảnh hưởng của mình. Chẳng hạn trong giai đoạn trước chiến tranh Poleponeus, liên minh Poleponeus và liên minh Delos là hai thế lực giúp Athens và Sparta duy trì ổn định và quyền lực của mình ở Hy Lạp.
Tóm lại, bản chất quan hệ quốc tế ở phương Tây thế kỉ VIII – IV trước công nguyên là tình trạng vô chính phủ, các thành bang vươn lên giành lấy quyền lực và không có một siêu quốc gia nào có thể thiết lập trật tự quan hệ quốc tế, nên dẫn đến tình trạng đối nghịch không thể hòa hợp được.
2.2 Nguyên nhân chiến tranh và xung đột ở phương Tây thế kỉ VIII – IV trước công nguyên.
Ở đây chỉ trình bày những nguyên nhân chung dẫn đến chiến tranh và xung đột giữa các quốc gia thành bang với nhau và giữa Hy Lạp với các quốc gia cổ đại khác trong giai đoạn từ thế kỉ VII – IV trước công nguyên.
2.2.1 Nguyên nhân chiến tranh và xung đột giữa các quốc gia thành bang ở Hy Lạp.
Chiến tranh và xung đột giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại không như tình trạng của các tiểu quốc ở Đức thế kỉ XIX. Điều này là sự khác biệt đầu tiên khi phân tích nguyên nhân chiến tranh và xung đột ở thời kì này giữa các thành bang. Tóm lại nhu cầu về một Hy Lạp thống nhất là không có và không được nêu ra một cách rõ nét (Xem thêm trong phần 1 chương 1).
Vậy câu hỏi đặt ra chính là nguyên nhân thật sự của những cuộc chiến dai dẳng suốt từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên ở phương Tây là gì? Ở đây sẽ trình bày những nguyên nhân chính nhất dựa trên phân tích hàng loạt những cuộc chiến tranh tiêu biểu như cuộc chiến Poleponeus, còn chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư là một dạng khác sẽ phân tích ở phàn sau . Cụ thể đó là:
Thứ nhất, mâu thuẫn trong phát triển kinh tế, chính sự tranh giành việc buôn bán ở Địa Trug hải giữa các thành bang thương nghiệp đã dẫn đến những xung đột nhất định, từ đấy kéo theo những bất đồng về chính trị, bang giao. Những thành bang trong liên minh Poleponeus của Sparta luôn muốn một vị thế thống trị toàn thương mại trên mặt biển với Athens. Kinh tế là nguyên nhân đầu tiên quyết định mọi vấn đề khác.
Thứ hai, chính sách bá quyền và thực dân của những thành bang lớn như Athens và Sparta đã tạo nên 2 mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa thành bang thuộc địa với thành bang mẫu quốc, mâu thuẫn giữa hai thành bang cùng thi hành và muốn thi hành chính sách bá quyền.
Thứ ba, mâu thuẫn về thể chế chính trị, đó là sự đối đầu giữa hai con đường đại diện cho tất cả các thành bang, giữa dân chủ chủ nô và quí tộc chủ nô mà Athens và Sparta là hai đại diện tiêu biểu nhất. Nhưng mâu thuẫn này chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất vẫn là về kinh tế và chính sách bá quyền của các quốc gia thành bang.
Đó là ba nguyên nhân dẫn đến chiến tranh và xung đột giữa những quốc gia thành bang Hy Lạp từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên.
2.2.2 Nguyên nhân chiến tranh và xung đột giữa Hy Lạp với các quốc gia cổ đại.
Quan hệ quốc tế ở phương Tây cổ đại thế kỉ VIII – IV trước công nguyên không thể không nhắc đến cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư, và nguyên nhân của nó chính là nguyên nhân chiến tranh và xung đột giữa toàn Hy Lạp và các quốc gia cổ đại khác. Nguyên nhân cụ thể là:
Đầu tiên vẫn là yếu tố kinh tế, chính sách bành trướng của Ba Tư vào Tiểu Á và Hy Lạp đã cắt đứt những tuyến giao thông quan trọng trong nền kinh tế thương nghiệp của các thành bang Hy Lạp bấy giờ nên đấu tranh là điều tất yếu để giành lại quyền lợi kinh tế.
Ngoài ra, chiến tranh chống ngoại xâm cũng là bảo vệ bản thân nền chính trị, sự tự do của các thành bang Hy Lạp, và bảo vệ cho quan niệm cùng một nguồn gốc trong xã hội các thành bang Hy Lạp và những liên minh của mình.
Đây là hai nguyên nhân chính yếu nhất dẫn đến cuộc chiến giữa Hy Lạp và Ba Tư trong thế kỉ VI – IV trước công nguyên.
2.3 Những đóng góp cho quan hệ quốc tế.
2.3.1 Quan điểm chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế qua đối thoại Melos.
Từng là một quan chỉ huy của Athens trong cuộc chiến tranh Poleponeus, Thucydic sau khi bị bắt ở Amphipolis năm 425 và sau đó lưu đày trên lãnh thổ Sparta, ông đã viết cuốn “Lịch sử cuộc chiến tranh Poleponeus”. Trong đó có phần nói về cuộc đối thoại giữa Athens và Melos. Đây là tác phẩm “chứa đựng những thành phần thiết yếu của quan điểm chủ nghĩa hiên thực được trình bày có lẽ dưới hình thức mạnh mẽ và cực đoan nhất.”[6].
Chủ nghĩa hiện thực mà Thucydic đề cập qua đối thoại Melos tập trung những điểm sau:
Thứ nhất, một quốc gia luôn nhận thức được vị trí của mình trong mối quan hệ quốc tế là như thế nào, Athens cho rằng, họ là bá chủ và Melos cho rằng mình là một phần của Sparta. Hai quan điểm trái ngược nhau dẫn đến một mối quan hệ không thể liên minh được. Tức là theo chủ nghĩa hiện thực, để tồn tại mỗi quốc gia cần tự lực hoặc bằng cách nào đó, nhưng cách thức để bảo vệ sự sống còn của quốc gia xuất phát từ nhận thức của quốc gia đó, ở đây, cụ thể Melos đã cho rằng Athens là kẻ thù của mình.
Thứ hai, về lợi ích bản thân, cuộc đối thoại cho ta thấy, cả Athens và Melos điều theo đuổi một lợi ích nhất định. Đối với Athens chính là quyền lực (power), Melos chính là sự sống còn của mình. Do đó chính sách ngoại giao giữa hai bên là khác nhau, điều này chứng minh, quyền lực là mục đích của ngoại giao và ngoại giao phục vụ cho việc đạt được quyền lực.
Thứ ba, về việc cân bằng quyền lực, Athens một mực muốn thâu tóm Melos dù cho bằng hình thức nào, người Melos có nói lý hay không lý lẽ đến đâu, bởi vì mục đích chính của Athens là tạo ra một liên minh vững chắc, tăng cường sức mạnh và quyền lực trên biển cũng như ở Hy Lạp để đối trọng và tạo nên thế cân bằng với liên minh Poleponeus của Sparta.
Thứ tư, trung lập là hình thức khác ngoài liên minh và tự lực để bảo vệ quốc gia trước sức mạnh bên ngoài, đó là lý lẽ mà Melos yêu cầu Athens đồng ý.
Thứ năm, hệ thống thứ bậc trong quan hệ quốc tế dựa vào quyền lực là một yếu tố khiến kẻ mạnh áp đặt ý chí của mình lên kẻ yếu, nếu như không đồng ý trước những yêu cầu của kẻ đứng trên trong hệ thông đó, chỉ có một con đường là dùng sức mạnh bạo lực để chinh phục, đó là trong cuộc đối thoại ở Melos. Có thể so sánh một cách đơn giản với chính sách ngoại giao của Mĩ trong thế kỉ XX, những quốc gia theo ý chí của người Mỹ sẽ trở thành những đồng minh thân cận, như là Nhật Bản và Philipin, không sẽ là sự trừng phạt có thể là chiến tranh hoặc cấm vận.
Tóm lại, đối thoại Melos là một quan điểm, một đóng góp to lớn cho lý thuyết quan hệ quốc tế, đặc biệt là về chủ nghĩa hiện thực, về các khái niệm như nhận thức, lý trí, đạo đức, danh dự, quyền lực, cân bằng quyền lực, liên minh…Bao trùm lên toàn bộ những quan điểm đó chính là “Kẻ mạnh làm những gì mà họ có quyền lực để để làm và kể yếu chấp thuận những gì mà họ phải chấp thuận”[7]
2.3.2 Những đóng góp khác.
Ngoài mặt lý thuyết,quan hệ quốc tế phương Tây giai đoạn thế kỉ VIII – IV trước công nguyên còn đóng góp nhiều khía cạnh khác như:
Về kinh tế, việc giao lưu buôn bán đã làm cho phương Tây trở thành một khu vực thương nghiệp và dần dần hạn chế vai trò nông nghiệp. Chính sự phát triển này làm cho lịch sử phương Tây trở nên riêng biệt so với phương Đông.
Về quân sự, đội hình bộ binh Phalang và hạm đội tàu chiến của Athens hay Sparta là những đóng góp quan trọng trong lịch sử quân sự nói chung và quan hệ quốc tế trong lĩnh vực quân sự nói riêng. Đây là một mô hình, kĩ thuật được áp dụng sau này cho chủ yếu lực lượng vũ trang phương Tây cổ trung đại, đến trước khi cơ giới hóa chiến tranh.
Về văn hóa, có hai đóng góp, thứ nhất là văn hóa Hy Lạp từ một số thành bang trung tâm đã truyền nhanh chóng ra toàn Hy Lạp và Tiểu Á thông qua chiesn tranh và di dân hay quá trình thực dân. Thứ hai, rõ nét nhất là thông qua các liên minh hai mối quan hệ thành bang mẹ và thành bang phụ thuộc, văn hóa chính trị đã được ảnh hưởng rất nhiều, mà tiêu biểu là hai dòng dân chủ và quí tộc bảo thủ. Đây cũng là cơ sở để các quốc gia kế tục hoàn thiện thể chế chính trị và văn hóa của mình. Nhưng tư tưởng Phục Hưng cũng từ sự truyền bá rộng rãi văn hóa Hy Lạp thời kì này.
Tóm lại trong giai đoạn thế kỉ VIII – IV trước công nguyên, trong mối quan hệ giữa các thành bang đã để lại nhiều đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhưng tất cả là để viết tiếp lịch sử những giai đoạn sau này.
KẾT LUẬN
Lịch sử quan hệ quốc tế ở phương Tây giai đoạn từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên là một bộ phận của lịch sử quan hệ quốc tế cổ đại, nên nó không thể thoát khỏi những quy luật và những đặc điểm bản chất trong các mối quan hệ thời kì này.
Việc chế độ thị tộc bắt đầu tan rã và do những nguyên nhân về kinh tế và xã hội, một nhà nước có giai cấp đã bắt đầu xuất hiện ở phương Tây, sớm hay muộn đều từ thế kỉ VIII – VI trước công nguyên. Những quốc gia này tồn tại dưới hình thức những thành bang, và chúng là chủ thể chính trong quan hệ quốc tế lúc bấy giờ.
Trong suốt từ thế kỉ VIII – IV trước công nguyên, quan hệ quốc tế ở phương Tây chủ yếu là mối quan hệ bang giao, biểu hiện qua những đối lập về chính trị, cạnh tranh, xung đột và chiến tranh. Những mối quan hệ đó đã phần nào thể hiện nên chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế, nhưng là một dạng cực đoan hơn. Quyền lực và sự sống còn của bản thân mỗi thành bang là điều quan trọng nhất trong một môi trường vô chính phủ, luôn cạnh tranh như vậy; hơn là nhu cầu thống nhất Hy Lạp như nước Đức thế kỉ XIX đã làm. Quyền lực là yếu tố chính chi phối mọi hoạt động của các thành bang, trong đó quan trọng nhất phải là chính sách đối ngoại. Hàng loạt cuộc chiến tranh như Hy Lạp – Ba Tư, Poleponeus và nhiều xung đột khác trong thời gian này điều xuất phát từ quyền lực và lợi ích quốc gia.
Suốt mấy thế kỉ từ khi các thành bang ra đời đến khi bắt đầu thời kì Hy Lạp hóa, xung đột và chiến tranh là điều diễn ra thường xuyên ở phương Tây. Trong quá trình đó, từ những mối bang giao giữa các quốc gia, chính sách và tư tưởng của những nhà cầm quyền đã để lại cho ngành quan hệ quốc tế, lịch sử quan hệ quốc tế, và đóng góp cho lịch sử rất nhiều thành tựu. Quan trọng nhất, những vấn đề về danh dự, liên minh, lí trí, đạo đức, cân bằng quyền lực và quyền lực của chủ nghĩa hiện thực được nêu một cách đầy đủ nhất, mà chính đối thoại Melos trong tác phẩm chiến tranh Poleponeus của Thucydic đã phản ánh rõ nét nhất. Bên cạnh đó, đội hình Phalang, kĩ thuật đóng tàu và nền văn hóa Hy Lạp là những đóng góp cực kì quan trọng không chỉ cho quan hệ quốc tế mà còn là lịch sử phát triển loài người giai đoạn bấy giờ và những thời kì sau.
Tóm lại, lịch sử quan hệ quốc tế ở phương Tây giai đoạn thế kỉ VIII – IV trước công nguyên là một biểu hiện sinh động nhất cho những đặc điểm và bản chất của quan hệ quốc tế cổ đại. Đồng thời, nó chứng minh cho quan hệ quốc tế cổ đại là một bộ phận quan trọng của lịch sử quan hệ quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đào Minh Hồng (2013), Tập bài đọc: Lịch sử quan hệ quốc tế cổ đại, Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
- Geoffrey Parker (2004), Lịch sử chiến tranh, Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
- Hoàng Khắc Nam (2009), Nhập môn quan hệ quốc tế, Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
- Lương Ninh (2008), Lịch sử thế giới cổ đại, Nhà xuất bản Giáo Dục.
- Norman Davies (2012), Lịch sử châu Âu, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa.