23/05/2018, 15:50

Kỹ thuật trồng xương rồng bát tiên

Nói chung, Xương rồng Bát Tiên rất dễ trồng và dễ sống. Tuy vậy nó cũng đòi hỏi nhiều cách thức, nếu không áp dụng đúng thì cũng dễ dàng gặp thất bại. Đây là giống cây không “trái tính trái nết”, nhưng có nhiều điều ta phải cần biết: 1/ Đất trồng Cây Xương rồng Bát Tiên cũng kén đất ...

Nói chung, Xương rồng Bát Tiên rất dễ trồng và dễ sống. Tuy vậy nó cũng đòi hỏi nhiều cách thức, nếu không áp dụng đúng thì cũng dễ dàng gặp thất bại. Đây là giống cây không “trái tính trái nết”, nhưng có nhiều điều ta phải cần biết:

1/ Đất trồng

Cây Xương rồng Bát Tiên cũng kén đất trồng như đa số giống cây kiểng khác. Đất không những đòi hỏi phải nhiều chất dinh dưỡng mà còn phải tơi xốp nữa.

Đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất mùn rất phù hợp với sự phát triển của Xương rồng Bát Tiên. Thường thì ngoài tự nhiên không có sẵn thứ đất đủ chất màu mỡ này, vì thế ta phải pha trộn nhiều chất để có đủ thành phần bổ dưỡng giúp đất tốt hơn. Có nhiều công thức để pha trộn đất:

-Lấy đất thịt nhẹ trộn chung với phân chuồng hoai và phân rác mục, mỗi thứ một nửa.

-Dùng đất phù sa trộn với phân tro trấu, phân bò khô mỗi thứ một phần như nhau …

Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy, đất và phân trộn chung lại với nhau cho đều, rồi chất đống ủ suốt vài ba tháng cho thật hoai thì trồng mới tốt. Mỗi tháng một lần nên xới xáo, trộn lộn từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên để đất mau thuộc đem trồng mới tốt. Nhiều người còn cẩn thận, trước khi sử dụng, đất trồng được trải mỏng phơi nắng đợi ba ngày để tận diệt cho hết các mầm bệnh, như trứng của côn trùng, các bào tử nấm, cùng những mầm mống độc hại khác. Đây cũng là điều nên làm.

2/ Chậu trồng

Kiểng Xương rồng Bát Tiên thường được trồng trong chậu, vừa để trung bày mà cũng vừa để di chuyển. Đây là loại chậu có cỡ trung bình, có đường kính khoảng vài ba tấc là vừa, và là chậu sâu chứ không trồng trong chậu cạn.

Chậu trồng giống kiểng này không hiếm, mua đâu cũng có, lúc nào cũng sẵn. Ta có thể dùng chậu bằng đất nung cho rẻ tiền, hay chậu có tráng men hoặc trồng trong chậu nhựa cùng được.

Điều đòi hỏi khi chọn lựa là dưới đáy chậu phải trổ sẵn vài ba lỗ thoát nước khá rộng, có đường kính từ phân rưỡi đến hai phân, như vậy mới bảo đảm được lượng nước tưới dư thừa thoát hết ra ngoài.

Xin được nhắc lại Xương rồng Bát Tiên không hợp với môi trường úng thủy. Ta có thể dùng vài loại chậu có kích cỡ khác nhau: với chậu nhỏ thì trồng cây nhỏ, còn chậu lớn thì trồng cây lớn. Dù sao thì ta cũng phải thay chậu theo định kỳ, khi đất trồng trong chậu đã hết màu mỡ.

3/ Cách trồng

Để đảm bảo sự thoát nước hữu hiệu, trước khi cho đất vào chậu, ta nên dùng một miếng gạch hay ngói, hoặc miếng sành có tiết diện lớn hơn lỗ thoát nước ở đáy chậu một chút, che phủ lên các lổ thoát nước đó để sau này không để đất hoặc rễ cây mọc dài ra bít kín, khiến ước tưới thừa không còn lối thoát ra. Có người còn cẩn thận xé một ít xơ dừa lót một lớp dày dưới đáy chậu độ vài ba phân để tạo độ thông thoáng giúp nước tưới thừa thoát hết ra ngoài.

Việc kế tiếp sau đó là đổ đất vào chậu. Đất cho vào chậu trồng không được đầy tràn, mà phải thấp hơn mặt chậu độ vài ba phân để khi tưới, nước tươi không bị trào ra ngoài, vừa tốn nước vừa hao đất do nước thừa cuốn trôi theo … Mật đất chậu cũng vừa ngang tầm với cổ rễ mới tốt. Lớp đất này sau vài ba ngày sẽ giẽ dần xuống vài ba phân, do nước tưới làm cho đất chặt lại, vì vậy ta cần phải thêm đất vào cho cây.

Cây mới trồng vào chậu nên dùng tay ấn nhẹ cho chặt gốc, và tốt nhất là dùng những thanh tre nhỏ chống đỡ trong vài tuần đầu để cây không bị nghiêng ngã mất đẹp.

Trồng xong, ta có thể tưới nước ngay để cây có sức mà tươi tỉnh lại? nhưng không nên tưới nhiều, chi giúp đất trồng đủ ẩm mà thôi. Cách tưới nước sương sương như vậy kéo dài khoảng vài tuần, cứ mỗi ngày tưới một lần vào cữ sáng là đủ. Sau thời gian đó, khi cây đã bén rễ, đã ra lộc non thì tưới ngày hai lần, nếu gặp mùa nắng hạn. Trong mùa mưa, một hai ngày tưới nước một lần mà thôi.

Cây mới trồng, dù là cây non hay cây trưởng thành không ít thì nhiều cùng bị mất sức, nếu không biết cách chăm sóc cũng dễ chết. Trong tuần đầu ta nên dời chậu vào nơi thoáng mát, sau đó tập cho cây quen ánh sáng dần dần: nghĩa là càng ngày càng bưng chậu ra nắng nhiều giờ hơn… Tóm lại, do cây Xương rồng Bát Tiên dễ sống, nên cách trồng cũng dễ, ai ai cùng có thể làm được.

Phòng ngừa bệnh hại cho xương rồng Bát Tiên

Trong việc bài trừ sâu rầy cho tất cả các loại nói chung, và kiểng Xương rồng Bát Tiên nói riêng, nên đặt lên hàng đầu, không nên xem thường được. Và phải áp dụng đúng câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Phòng bệnh có nghĩa là biết ngăn ngừa trước những loại sâu bệnh hại nào phá hại bằng cách phun thuốc phòng ngừa theo đúng định kỳ hàng tháng hay hàng quí … Như vậy sau này cây trồng có bị sâu hại tấn công ta cũng không đến nỗi phải lo, do cây đã có sức đề kháng mạnh.

Nếu ta cứ chờ các loại bệnh hại xâm nhập thô bạo vườn kiểng của mình rồi mới chịu ra tay, thì công việc bài trừ không những khó khăn vất vả, tốn kém tiền bạc cũng như công sức nhiều hơn, mà đôi khi còn thu gặt được kết quả không đúng như ý muốn của mình nữa !

Cách phòng bệnh tốt nhất là chuyên cần vun phân tưới nước và chăm sóc kỹ để giúp cây sống mạnh, tạo cho cây có sức đề kháng tiềm tàng, mạnh me, như vậy dù có bị nhiễm bệnh cũng dủ sức lướt qua được.

Có điều may là cây Xương rồng Bát Tiên ít bị các loại bệnh hại tác hại. Thê nhưng, nếu không có biện pháp phòng ngừa trước, thì kiểng Xương rồng Bát Tiên vẫn bị chết trong một sáng một chiều.

Thường thì giống cây này chỉ bệnh các bệnh sau đây:

-Bệnh đốm lá: Bệnh này do nấm Cercospora chrỵsanthemi gây ra trên lá. Khi bị nấm này tấn công, giữa phiến lá hoặc cạnh rìa lá, hay dọc theo gân lá nổi lên những đốm nhỏ hình tròn hay các hình dạng khác với màu nâu đen. Khi bệnh nặng thì nấm làm mô lá bị thối nhũn ra, phần lá còn lại trở nên vàng úa và rụng.

Bệnh đốm lá thường xảy ra trong mùa mưa, có khí hậu ấm ướt. Bệnh thường xuất hiện ở tầng lá dưới gốc rồi mới lan dần lên tận ngọn.

Cách phòng ngừa là thường xuyên tỉa bớt những cành nhánh rườm rà và các lá già; nhặt bỏ hết những hoa lá rụng cùng rác rến vương vãi chung quanh gốc để đem lại sự thông thoáng cho cây trồng. Mặt khác, không nên tưới cây ban đêm, vì sự ẩm ướt trên lá là môi trường tốt cho nấm Cercospora chrysanthemi xâm nhập.

Khi cây bị bệnh thì dùng thuốc diệt nấm để phun khắp tán lá, từ ngọn đến gốc. Có thể dùng Anvill 5SC hoặc thuốc Topsin M – 70 WP theo đúng liều lượng chỉ dẫn cách dùng,

-Bệnh thối nhũn: Bệnh này cũng thường thấy xuất hiện vào mùa thu, cũng do nấm gây ra. Chúng tấn công không những trên lá mà cả trên thân cây nữa. Vết bệnh có kích thước và hình dạng khác nhau, thường có màu xám mốc, và cũng xâm nhập từ phần gốc trước rồi đến phần thân sau.

Lá và thân hễ bị bệnh này trở nên mềm nhũn do các mô bị thối, và những phần đó coi như đã chết, không còn phương cách chữa trị được. Lá bị bệnh thì lá rụng, thân bị bệnh thì gãy gục. Khi thân cây bị bệnh này ta chỉ còn cách vạt bỏ phần đó và đem ra khôi khu vực trồng đốt bỏ.

Cách phòng ngừa là không nên để đất trồng quá ẩm. Việc kế đó là nên tạo tán tránh để cây rườm rà, cành lá gây trở ngại cho việc quang hợp. Nếu cây bị bệnh nặng thì tốt nhất nên sang chậu, thay thế đất trồng … Mặt khác nên phun thuốc trừ nấm theo định kỳ hàng tháng trong suốt mùa mưa.

-Rầy bông: Rầy bông còn gọi là “Rệp Sáp” tên khoa học là Pseudococcus. Có thân hình bầu dục, thân phủ lớp sáp màu trắng như bông, và nhờ lớp sáp đó mà thân chúng không thấm nước.

Giống rầy này chuyên hút nhựa cây để sống, vì vậy thấy chúng xuất hiện ta phải cấp thời trừ tuyệt ngay, nếu để dây dưa chúng sẽ sinh sôi nẩy nở rất nhanh, không những làm cây đó kiệt sức mà chết, mà còn gây họa nhanh cho những cây kế cận nữa.

Trong nhiều giống cây trồng khác, như cây Mai chẳng hạn, rầy bông trước tiên xuất hiện ở phần đọt cây, sau đó lây lan đến lá, cành nhánh và thân cây. Kế đó là từ cây này sang cây khác …

Giống rầy bông sống cộng sinh với lũ kiến. Kiến ra sức tha rầy bỏng từ dưới gốc cây lên đến tận ngọn cây, ngọn cành để rầy hút nhựa các lá non mà sống. Từ đó các đọt non cứ lần lượt rủ xuống. Rầy bông trả công cho kiến bằng cách tiết ra chất dịch có vị ngọt vốn là thức ăn khoái khẩu của kiến.

Vì vậy cách phòng ngừa hữu hiệu giống rầy này là phải diệt kiến khi thấy chúng xuất hiện gần khu vực trồng Xương rồng Bát Tiên hay ngay làm tổ trong chậu trồng Bát Tiên bằng cách sử dụng thuốc Basudin. Kinh nghiệm cho thấy hễ thấy kiến kéo đến làm tổ dưới gốc cây thì trước sau gì rầy bông cũng xuất hiện phá hại cây đó.

Cách phòng ngừa kế đó là nên tỉa bỏ hết những cành lá rườm rà sát mặt đất, đồng thời tạo tán giúp cây tránh được sự rậm rạp, vừa ảnh hưởng xấu cho việc quang hợp, lại vừa tạo môi trường sống tốt cho giống rầy tai hại này.

Khi cây kiểng Xương rồng Bát Tiên mới bị rầy bông tấn công thì cách tốt nhất là ngắt bỏ ngay những cành lá có rầy, đồng thời phun trừ rầy mỗi tuần vài ba lần cho đến khi chắc chắn đã tận diệt được hết.

0