23/05/2018, 15:49

Chuẩn bị vườn sản xuất giống chuối

Chọn vị trí phù hợp để thiết kế vườn sản xuất cây giống phù hợp với từng hình thức nhân giống chuối và các yêu cầu kỹ thuật chuẩn bị vườn sản xuất cây giống tương ứng với mỗi hình thức nhân giống chuối. Chuẩn bị vườn nhân giống từ tách chồi Nhân giống chuối bằng tách chồi là phương pháp được ...

Chọn vị trí phù hợp để thiết kế vườn sản xuất cây giống phù hợp với từng hình thức nhân giống chuối và các yêu cầu kỹ thuật chuẩn bị vườn sản xuất cây giống tương ứng với mỗi hình thức nhân giống chuối.

Chuẩn bị vườn nhân giống từ tách chồi

Nhân giống chuối bằng tách chồi là phương pháp được người áp dụng khá phổ biến vì:

–  Yêu cầu kỹ thuật đơn giản, dễ tiến hành.

–  Chồi con tách khỏi cây mẹ có thể dùng trồng ngay.

–  Không đòi hỏi đầu tư nhiều cho quá trình thực hiện.

–  Thuận tiện cho những nơi có diện tích vườn chuối trồng mới không lớn.

Tuy nhiên, nếu nhân giống bằng tách chồi để có thể đáp ứng cây giống trồng với diện tích lớn, đảm bảo độ đồng đều cao thì cần phải có vườn ươm chồi con tách ra trước khi đưa ra trồng ở vườn sản xuất.

Chọn vị trí làm vườn giâm chồi

–  Vườn ươm chồi cần bố trí gần nguồn nước tưới, đảm bảo đủ nước cho quanh năm, nhất là mùa khô hạn.

– Gần đường giao thông thuận tiện cho việc chuyên chở cây giống.

– Nếu có thể được thì nên bố trí ở trung tâm các vùng trồng chuối.

– Đất có độ bằng phẳng, dễ thoát nước.

– Đất tơi xốp, thông thoáng. Tầng đất mặt sâu (ít nhất 40 – 60 cm).

– Đất thịt nhẹ, độ màu mỡ cao.

– Độ pH từ 5 – 7, mực nước ngầm thấp dưới 0,7 – 0,8m.

Thiết kế và xây dựng vườn giâm chồi

  Vườn giâm chồi được bố trí như sau:

– Khu thực liệu

+ Là khu vực dự trữ các loại phân bón, chất xử lý chồi và các vật liệu khác dùng cho giâm chồi.

+ Cần bố trí chỗ để các loại phân, đất và các dụng cụ cần thiết được che đậy cẩn thận, tránh thất thoát dinh dưỡng trong phân bón khi thời tiết không thuận lợi.

– Khu tập kết chồi trước khi giâm

+ Chồi con được tách ra tập kết về khu này trước khi đem giâm.

+ Nơi bố trí dụng cụ để xử lý chồi trước khi giâm.

– Khu giâm chồi

+ Chồi con tách ra từ nhiều nơi khác nhau nên chưa đồng đều và chưa thích ứng cao với môi trường sống độc lập.

+ Giâm chồi nhằm chăm sóc và rèn luyện cây giống trước khi đem trồng.

– Đai bảo vệ có thể làm bờ rào kết hợp trồng các loại cây chắn gió tạo thành vành đai bảo vệ xung quanh vườn, mặt khác còn có tác dụng cách ly mầm bệnh, hạn chế phát tán của côn trùng gây hại từ các vùng lân cận.

Chuẩn bị đất để giâm chồi

– Dọn sạch cỏ dại… đưa ra khỏi khu vực vườn hoặc đốt cháy để tiêu diệt tàn dư cỏ dại và sâu bệnh.

– Khu giâm chồi:

+ Cày xới đất, cày sâu khoảng 20 – 25cm, bừa tơi đất.

+  Lên liếp

* Mặt liếp rộng 1,0 – 1,2m.

* Liếp dài tùy theo chiều dài của vườn ươm, nhưng không nên vượt quá 20m.

* Chiều cao liếp khoảng 0,2 – 0,4m.

* Rãnh liếp rộng khoảng 0,4m.

+ Cuốc hố nhỏ, kích thước hố 20 x 20cm hoặc 20 x 25cm, khoảng cách hố khoảng 30 – 40 cm.

+ Bón phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai theo hố để chồi giâm chóng bén rễ và sinh trưởng nhanh, đat tiêu chuẩn của cây giống đem trồng.

Chuẩn bị vườn nhân giống bằng củ

  – Phương pháp nhân giống chuối bằng củ (thân ngầm) được áp dụng khá phổ biến ở Trung quốc, châu Phi, châu Mỹ.

– Hiện nay ở nước ta đã bắt đầu áp dụng phương pháp này.

Chọn vị trí làm vườn giâm củ

–  Vườn giâm củ cần bố trí gần nguồn nước tưới.

–  Gần đường giao thông thuận tiện cho việc chuyên chở cây giống.

–  Đất có độ bằng phẳng cao, dễ thoát nước.

–  Đất tơi xốp, thông thoáng. Tầng đất mặt sâu (ít nhất 40 – 60 cm).

–  Đất thịt nhẹ, độ màu mỡ cao.

–  Độ pH từ 5 – 7, mực nước ngầm thấp (dưới 0,7 – 0,8m).

Thiết kế và xây dựng vườn giâm củ

  Vườn giâm củ được bố trí như sau

– Khu thực liệu

+ Là khu vực dự trữ đất, các loại phân bón, chất xử lý củ và các vật liệu khác dùng cho giâm củ.

+ Cần bố trí chỗ để các loại phân, đất và các dụng cụ cần thiết được che đậy cẩn thận, tránh thất thoát dinh dưỡng trong phân bón khi thời tiết không thuận lợi.

– Khu tập kết củ và xử lý củ trước khi giâm:

+ Củ chuối chọn lọc từ các nguồn khác nhau được tập kết về khu này để cắt thành các mảnh và xử lý phòng trừ mầm bệnh.

+ Cần bố trí các dụng cụ để cắt củ chuối, xử lý mảnh củ trước khi giâm.

+ Cần thiết kế có mái che, đảm bảo cho việc bảo quản củ chuối trong thời gian xử lý và thuận lợi cho người làm việc.

– Khu giâm củ:

+ Củ chuối khi tách ra thành nhiều mảnh để giâm thì có thể tăng hệ số nhân giống

+ Khu giâm củ phải có mái che để hạn chế tác động của môi trường tự nhiên trong giai đoạn mảnh củ chưa nẩy chồi, giảm lượng mảnh củ bị thối do úng hay nấm bệnh.

+ Khu này được bố trí thành các liếp khác nhau, thuận tiện cho việc chăm sóc theo dõi trong thời kỳ tại vườn ươm củ.

– Đai bảo vệ:

Có thể làm bờ rào kết hợp trồng các loại cây chắn gió tạo thành vành đai bảo vệ xung quanh vườn, mặt khác còn có tác dụng cách ly mầm bệnh, hạn chế phát tán của côn trùng gây hại từ các vùng lân cận.

Chuẩn bị đất để giâm củ

– Dọn sạch cỏ dại… đưa ra khỏi khu vực vườn hoặc đốt cháy để tiêu diệt tàn dư cỏ dại và sâu bệnh.

– San đất có độ bằng phẳng, phân khu khác nhau.

– Khu giâm củ:

+ Cày xới làm tơi đất.

+ Xử lý độ pH đất bằng cách bón vôi bột.

+ Trộn thêm phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai vào đất, trộn đều.

+ Lên liếp giâm chồi

Chuẩn bị vườn nhân giống bằng nuôi cấy mô Invitro

(Giai đoạn ra ngôi và chăm sóc cây con)

Đối với cây chuối, hiện nay nhân giống bằng kỹ thuật cấy mô đang được áp dụng khá phổ biến ở Việt Nam.

Nhân giống chuối bằng nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm (nghiên cứu nội dung trong bài “ thực hiện nhân giống chuối”). Tuy nhiên, giai đoạn đầu từ các mô để phát triển hình thành cây con phải được tiến hành trong môi trường của phòng nuôi cấy mô, do các nhà chuyên môn thực hiện.

Nhà nông chỉ có thể tiến hành giai đoạn ra ngôi và chăm sóc cây con đến khi đủ tiêu chuẩn xuất vườn để trồng.

Chọn vị trí làm vườn ra ngôi

– Vườn ra ngôi cần bố trí gần nguồn nước tưới, đảm bảo đủ nước tưới cho cả năm, nhất là mùa khô hạn.

– Gần đường giao thông thuận tiện cho việc chuyên chở cây giống.

– Nếu có thể được thì nên bố trí ở gần các vùng trồng chuối.

– Đất có độ bằng phẳng, dễ bố trí các liếp cây khi ra ngôi.

– Đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Tầng đất mặt sâu (ít nhất 40 – 60 cm).

– Độ pH từ 5 – 7, mực nước ngầm thấp.

– Vườn phải có diện tích tương đối rộng để dễ bố trí hệ thống các khu khác nhau

Thiết kế và xây dựng vườn ra ngôi và chăm sóc cây con

 Khu vực ra ngôi

– Khu thực liệu bao gồm đất, bột xơ dừa, phân chuồng hoai, phân hữu cơ vi sinh, vôi, lân.

– Khu để cây con lấy ra khỏi bình nuối cấy mô.

– Cả 2 khu này phải được bố trí có nhà mái che để bảo quản tốt phân bón, cây con khi mới đem về.

– Khu giâm cây con mới ra ngôi khu này phải bằng phẳng, đất tơi xốp để dễ lên liếp, có mái che hạn chế cường độ ánh sáng mặt trời, giảm bốc hơi nước và ngăn cản côn trùng gây hại xâm nhập, thích hợp cho cây con mới ra ngôi.

Khu vực chăm sóc và rèn luyện cây giống trước khi đem trồng

– Khu này dành riêng cho giai đoạn chăm sóc, huấn luyện cây giống để đảm bảo cây giống đủ tiêu chuẩn trước khi xuất vườn .

– Các cây con sau giai đoạn giâm ở khu vực ra ngôi trên trong thời gian 1 tháng, được nhổ lên cho vào bầu PE.

– Các bầu PE được xếp thành liếp tiện cho việc chăm sóc cây con.

– Khu này phải có mái che hạn chế ánh sáng, giảm bốc hơi nước, hạn chế sâu bệnh xâm nhập.

– Cây con chăm sóc đến khi đạt tiêu chuẩn mới xuất vườn đem trồng.

Đai bảo vệ

Có bờ rào và lưới dày tạo thành vành đai bảo vệ xung quanh vườn, mặt khác còn có tác dụng cách ly mầm bệnh, hạn chế phát tán của côn trùng gây hại từ các vùng lân cận.

Chuẩn bị đất và các thực liệu khác để ra ngôi

Ở khu ra ngôi

+ Cày xới đất cho tơi, sạch cỏ dại.

+ Trộn đất với bột xơ dừa, phân hữu cơ hoai, phân vi sinh, vôi bột (nếu đất có pH thấp).

+ Lên liếp đất cao khoảng 20cm – 25cm, rộng khoảng 80 cm – 1m. Bố trí khu vực ra ngôi chăm sóc cây chuối con cấy môBố trí khu vực ra ngôi chăm sóc cây chuối con cấy mô

Ở khu chăm sóc cây con

+ Đất được đánh tơi xốp.

+ Trộn đều đất với phân hữu cơ hoai, phân vi sinh, vôi bột. Với tỷ lệ 1/2 đất, 1/2 còn lại gồm phân, vôi, bột xơ dừa, tro trấu (nếu có)

+ Đóng đất được trộn đều vào bao PE (bịch nilon) có trọng lượng bầu khoảng 400g để chuẩn bị trồng cây con.

 

0