23/05/2018, 16:00

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chôm chôm

Chôm chôm có nguồn gốc ở Malaixia và Sumatra. Ở nước ta được trồng nhiều ở Nam Bộ: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai…quả thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8. Quả chín ăn ngọt, thơm nhất là các giống có thịt tróc. Phân tích thành phần dinh dưỡng trên 100g phần ăn được cho ...

Chôm chôm có nguồn gốc ở Malaixia và Sumatra. Ở nước ta được trồng nhiều ở Nam Bộ: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai…quả thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8.

Quả chín ăn ngọt, thơm nhất là các giống có thịt tróc. Phân tích thành phần dinh dưỡng trên 100g phần ăn được cho thấy: Nước 82,1g; protein 0,9g; chất béo 0,3g; tro 0,3g; glucoza 2,8g; fructoza 9,9g; axit xitric 0,31g; Niacin 0,5mg; Canci 15mg; kali 140mg; Fe 0,1 – 2,5mg; Vitamin C 70mg; Thiamin 0,01mg; riboflavin 0,07mg. Xét về mặt dinh dưỡng chôm chôm cung cấp nhiều đường và các loại vitamin.

Quả chôm chôm thường dùng để ăn tươi, chế biến thành xirô hoặc đóng hộp, hạt chôm chôm dùng làm nguyên liệu để chế biến sôcôlát, ở Malaixia rễ cây chôm chôm được nấu để uống trị sốt, lá dùng để đắp lên chỗ sưng và vỏ cây dùng trị bệnh sưng lưỡi.

cây Chôm chôm

Chôm chôm cùng họ với vải và nhãn, tuy giá trị kinh tế không cao bằng vải nhãn, nhưng dễ trồng.

Sản lượng ổn định, cho năng suất cao, sản phẩm dễ tiêu thụ, cho thu nhập cao nên được trồng khá rộng rãi.

Đặc tính sinh học và yêu cầu ngoại cảnh

Cây cao trung bình khoảng 10 – 15m. Có cây cao đến 25m. Tán cây rộng khảng 2/3 chiều cao, hình dạng tán cây thay đổi tuỳ giống. Nhánh non có lông nâu. Lá kép có 2 – 4 cặp lá chét xếp xen kẽ hay hơi đối nhau, hình bầu dục, dài 5 – 20m, rộng 3 – 10cm.

Hoa chôm chôm cùng trên một cây có 3 loại: hoa đực, hoa cái và một ít hoa lưỡng tính. Tỷ lệ các loại hoa trên 1 cây thay đổi tuỳ giống, tuỳ mùa. Lúc hoa nở nhụy có khả năng tiếp nhận hạt phấn trong vòng 48 giò. Thời gian hoa nở trong vườn có thể kéo dài trong vòng 24 giờ. Tỷ lệ đậu quả trung bình chỉ đạt 1 – 3%, và trên 1 chùm lúc thu hoạch có khoảng 12 – 13 quả.

Khoảng 3 ngày sau khi hoa nở hoàn toàn thì quả phát triển. Từ khi thụ phấn đến lúc thu hoạch quả tuỳ theo giống và thời tiết khí hậu, trung bình khoảng 100 – 120 ngày.

Quả chôm chôm có trọng lượng từ 20 – 60g trong đó vỏ chiếm 40 – 60%, hột 4 – 9%, thịt quả 30 – 58%.

Thịt quả khi chín có màu trắng trong đến trắng ngà. Hạt có khả năng nảy mầm sớm vì vậy nếu chậm thu hoạch sẽ làm quả kém phẩm chất.

Chôm chôm là cây ăn quả nhiệt đới, thích hợp ở những vùng có điều kiện nóng ẩm. Trồng có hiệu quả kinh tế ở vĩ độ 15 trở vào, và ở độ cao so mặt biển dưới 700m. Ở Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) độ cao trung bình 500m so mặt biển trồng chôm chôm có hiệu quả tốt.

Lượng mưa hàng năm khoảng 2.000mm phân bổ đều trong năm là tốt.

Chôm chôm rất mẫn cảm với ánh sáng. Những quả mọc ngoài tán khi chín vỏ quả có màu đỏ đẹp, phẩm chất quả ngon hơn những quả mọc trong tán.

Độ ẩm không khí cũng có ảnh hưởng đến gai quả. Không khí khô và gió nhiều trong giai đoạn quả phát triển thì gây mất nước nhanh, kém phát triển. Chôm chôm ưa đất thịt pha cát, tầng canh tác dày, giàu đinh dưỡng và thoát nước tốt. Cây rất sợ úng. Độ pH: 4,5 – 6,5.

Các giống chôm chôm

Chôm chôm Java: Có nguồn gốc từ Inđonexia, gồm có loại gai ngắn và gai dài. Loại gai ngắn được trồng phổ biến hơn vì vận chuyển chậm héo, quả màu đỏ, ngọt, thơm, mọng nước, thịt quả tróc. Loại gai dài có màu đỏ nhạt, quả hơi hẹp, phẩm chất kém hơn.

Chôm chôm xiêm: Quả rất to, khi chín màu đỏ sẫm, ăn rất ngọt, thịt giòn, tróc, nhưng quả dễ bị lép.

Chôm chôm nhãn: Nguồn gốc ở Inđonexia, quả thơm mùi nhãn, quả tròn, kích thước nhỏ hơn các giống khác, hai bên có rãnh dọc kéo dài từ đỉnh quả đến đáy quả giống như 2 phần úp lại, vỏ quả dày, cứng, gai ngắn khi chín có màu xanh vàng hay đỏ. Thịt dày nhiều nước rất ngọt, tróc vỏ.

Chôm chôm ta: Quả tròn, nhỏ, khi chín có màu vàng đến đỏ nhạt, thịt quả mỏng, không tróc, ngọt có vị chua.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Nhân giống

Hạt chôm chôm rất chóng mất sức nảy mầm. Tốt nhất là nên gieo ngay sau thu hoạch. Để sau 1 tuần tỷ lệ nảy mầm còn khoảng 50%, cần gieo trong túi li nông vì khi bứng cây con dễ làm tổn thương rễ.

Trồng bằng hạt cây chậm cho quả (6 năm sau trồng), phân ly mạnh, cây không đồng đều, nên ngày nay người ta chú ý đến chiết cành và đặc biệt là ghép cây.

Khi chiết chọn cành từ 12 – 18 tháng tuổi, chiết sau khoảng 3 tháng thì ra rễ, cắt xuống đem gây trong vườn ươm giống cho ra rễ thứ sinh rồi hãy đem trồng.

Ghép cây: Khi gốc ghép có đường kính 12 – 18mm thì có thể ghép được. Mắt ghép nên chọn trên cành 1 năm tuổi trở lên, da màu xanh nhạt đến nâu sáng. Có thể dùng phương pháp ghép kiểu chữ u, ghép nêm…sau khi cắt ngọn gốc ghép khoảng 4 – 5 tháng có thể đem trồng.

Chuẩn bị đất trồng:

Ở đồng bằng sông cửu Long chôm chôm được trồng trên líp. Líp rộng 8 – 10m, mương rộng 3 – 4m, sâu 1 – 1,2m. Sau khi lên líp dừng đất vườn cũ, đất bãi sông, đất ruộng phơi khô làm thành các mô rộng 0,6 – 0,8m, cao 0,3 – 0,5m. Bón lót phân chuồng hoai.

Thời vụ trồng: Vào đầu mùa mưa là tốt nhất.

Cách trồng: Đào hố giữa mô vừa đủ kích thước bầu cây con, đặt cây vào lấp đất, cắm cọc buộc cho cây không bị gió lay, sau đó tưới nước. Cần có cây che bóng cho cây con năm đầu (chuối, …)

Khoảng cách trồng: Khoảng cách 8 x 8m hoặc có thể trồng thưa hơn (10 x 10m) tùy loại đất và mục đích khai thác vườn.

Chăm sóc

Trồng xen các cây họ đậu, rau, hoa màu ngắn ngày khi vườn chôm chôm còn nhỏ để tăng thu nhập.

Tưới nước, làm cỏ bảo đảm cho cây sinh trưởng khoẻ mạnh. Không bị hạn và không bị ngập úng.

Cắt tỉa, tạo hình làm cho cây có khung tán cân đối bộ tán lá dày, phân bố đều, thông thoáng, cắt bo các cành vượt, cành sâu bệnh, cành khô, cành mọc lộn xộn trong tán.

Bón phân

Cây chôm chôm cần nhiều nhất là đạm và kali. Lượng bón cho 1 gốc như sau:

Năm thứ 1: Urê 100 – 200g, lân 500 – 1.000g, sulfat kali 100 – 200g. Chia làm 2 lần bón: Tháng thứ 1 và tháng thứ 6 sau trồng.

Năm thứ 2, 3: Urê 200 – 300g, lân 1.000g, sulfat kali 200 – 300g. Chia làm 2 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa.

Năm thứ 4 trở đi bón theo sản lượng bình quân mỗi gốc 1kg phân mỗi loại (1kg urê, 1kg lân, 1kg K2SO4. Lương phân vô cơ được chia bón từ 2 – 3 lần/năm. Lần bón 30kg/gốc, vôi bột 1 – 2kg/gốc nếu đất bị nhiễm phèn. Ở cây lớn bón tăng lượng phân NPK khoảng 4,5kg/năm, cần theo dõi cây, thời tiết, sản lượng quả trên cây để thêm bớt sao cho cân đối.

Ở cây trưởng thành có thể phân bổ lượng phân như sau:

Lần 1: Phục hồi cây sau khi hái quả và tỉa cành. Bón 100% lân, 1/3 đạm, 1/3 kali. Bón thêm bùn, phần chuồng ủ hoai, phân rác, vôi bột.

Lần 2: Bón đón hoa trước khi trổ 1/3 đạm, 1/3 ka li.

Lần 3: Bón nuôi quả khi quả đầu có đường kính khoảng 1 – 2m: 1/3 đạm + 1/3 kali.

Khi trổ hoa có thể phun bổ sung vi lượng và chất tăng đậu quả lên hoa.

Phòng trừ sâu bệnh

Những loại sâu hại chính đối với chôm chôm như rệp dính xanh, rệp sáp, rầy mềm, sâu đục cành, đục quả. Để phòng trừ nên phun các loại thuốc Sevin, Trebon, Appland, BI58 với nồng độ 0,1 – 0,2%. Với ruồi đục quả thì đặt bả (dùng bả chuạ, ngọt hay dùng cây ê tía giã nhỏ trộn với Furadan, Azodrin …Chú ý vệ sinh đồng ruộng).

Bệnh trên chôm chôm có: Bệnh thối quả dùng Derosal 0, 5%, Rovral 0,1%, Mancoreb 0,1 – 0,2%. Khi dùng thuốc trừ bệnh thối quả và sâu đục quả phải chú ý ngừng sử dụng trước khi thu hoạch 2 tuần.

Bệnh xỉ mủ thân do Phytophthora dùng Alliette 80WP 0,25%, Ridomyl 0,2% để phun. Không để đất vườn quá ẩm, nhất là trong mùa mưa.

Thu hoạch, bảo quản

Căn cứ vào màu sắc quả để thu hoạch. Trên cây quả chôm chôm không chín cùng một lúc, vì vậy nên thu hoạch làm nhiều đợt, làm thế này sẽ có lợi là kéo dài thời gian cung cấp quả cho thị trường, nhưng lại tốn nhiều công lao động. Không nên để quả quá chín vì vỏ quả sẽ có màu đỏ bầm, cùi quả bị đục, khô và cứng hơn bình thường, phẩm chất kém.

Về mặt hoá tính: Khi quả chín có độ ngọt 17 – 21%, hàm lượng axit 0,07 – 0, 55%, độ pH khoảng 4 – 5.

Thời gian thu hoạch quả có thể kéo dài 20 ngày đến 1 tháng. Hiện nay nhờ có các tiến bộ của khoa học kỹ thuật người ta đã điều khiển được thời gian ra hoa, cho quả chín sớm vào mồng 5 tháng 5 âm lịch để bán được giá hơn.

Năng suất quả tươi trên cây thay đổi tuỳ giống, tuổi cây và điều kiện chăm sóc. Cây 3 tuổi có khả năng cho 15 – 20kg quả, 6 năm tuổi: 30 – 100kg, 9 năm: 55 – 200kg, 12 năm: 85 – 300kg, 21 năm: 300 – 400kg quả/cây.

Trong điều kiện nóng ẩm ở miền Nam sau khi thu hoạch 3 ngày màu gai và vỏ biến màu làm màu quả xấu, giảm giá trị thương phẩm.

Bảo quản quả trong túi nilông dày 0,056mm ở nhiệt độ 10°C có thể giữ được quả sau 12 ngày mà không đổi màu.

Ở nhiệt độ 31°C bảo quản trong 6 ngày trọng lượng quả giảm 46% trong khi đó ở 7°C chỉ giảm 28%.

0