23/05/2018, 15:09

Kỹ thuật nuôi chim cút

Tìm hiểu về loài chim cút Chim cút (Chim cay) là một tên gọi chung cho một số chi chim có kích thước trung bình trong họ Trĩ (Phasianidae), hoặc trong họ Odontophoridae (chim cút Tân thế giới). Bài này chúng tôi chỉ giới thiệu về các loài sinh sống trong khu vực thuộc họ Trĩ. Các loài chim cút ...

Tìm hiểu về loài chim cút

Chim cút (Chim cay) là một tên gọi chung cho một số chi chim có kích thước trung bình trong họ Trĩ (Phasianidae), hoặc trong họ Odontophoridae (chim cút Tân thế giới). Bài này chúng tôi chỉ giới thiệu về các loài sinh sống trong khu vực thuộc họ Trĩ. Các loài chim cút hiện nay không có quan hệ họ hàng gần, nhưng chúng cũng được gọi là chim cút do bề ngoài và các hành vi tập tính gần giống với các loài chim cút ngày trước.

Các loài cút trước kia cũng đã được gọi là chim cút, nhưng chúng thuộc về họ Turnicidae và chúng không phải là chim cút thật sự, chúng chưa được con người nuôi chúng với mục đích lấy thịt hay trứng ở quy mô thương mại như các loài chim cút thực sự. cút Pharaohcút Pharaoh

Chim cút là các loài chim nhỏ, mập mạp sống trên đất liền. Chúng là các loai chim ăn hạt, nhưng cũng ăn cả sâu bọ và các con mồi nhỏ tương tự. Chúng làm tổ trên mặt đất.

Một số loài chim cút được nuôi với số lượng lớn trong các trang trại. Chúng bao gồm chim cút Nhật Bản, chúng cũng được biết đến như là chim cút coturnix, được nuôi giữ chủ yếu để sản xuất trứng và được bán rộng trên khắp thế giới.

– Chim cút có thị giác rất phát triển nên có khả năng nhận biết và chọn lọc thức ăn cao, nhưng vị giác và khứu giác của chúng lại kém phát triển nên khó nhận biết mùi vị thức ăn. Vì vậy, chim cút rất dễ bị ngộ độc thức ăn do ăn phải thức ăn ôi, mốc.

– Chim cút mặc dù đã được thuần hóa nuôi dưỡng từ lâu nhưng còn mang nhiều đặc tính hoang dã. Đáng chú ý là chúng vẫn sợ tiếng động, tiếng ồn nên thường bay lên va vào thành lồng mà chết.

Ngày nay, chim cút nuôi nhốt được cho ăn đầy đủ, chăm sóc tốt cho sản lượng trứng 300 – 360 trứng/năm, có con đến 400 trứng/năm. Tỷ lệ đẻ trung bình đến 80 – 90%, khối lượng trứng trung bình 10 – 15 g/quả. Tuổi bắt đầu đẻ trứng của chim cút khoảng 40 ngày, thời gian chim cút đẻ trứng từ 14 – 18 tháng.

-Nuôi chim cút đẻ không đòi hỏi nhiều diện tích chuồng nuôi, thức ăn chi phí không nhiều mà hiệu quả chăn nuôi lại cao. Mỗi ngày cho chim cút ăn 20 – 25gr thức ăn thì sẽ thu được một quả trứng nặng 10 – 11g cho thấy chim cút là loài gia cầm có năng suất tạo trứng cao.

Chuẩn bị lồng úm

Quy cách 1,5 x 1,0 x 0, 5m, cách mặt đất 0,5m. Xung quanh làm bằng lưới ô vuông 1cm. Những ngày đầu mới úm, đáy lồng và xung quanh phải lót giấy, che kín, để yên tĩnh và giúp chim không bị lọt chân xuống lưới.

Chuẩn bị chuồng nuôi

Có thể nuôi chim cút bằng lồng hay quây nuôi nền. Quy cách lồng 1,0 x 0,5 x 0,2m, nuôi được 20 – 25 chim cút mái. Nóc lồng được làm bằng vật liệu mềm, vì chim cút hay nhảy dựng đứng làm bể đầu. Đáy lồng nên làm dốc 2 – 3° để trứng lăn ra, làm bằng lưới ô vuông 1 – 1,5cm, để cút đi đứng thoải mái và phân lọt xuống dưới. Khi nuôi nhiều thì người nuôi có thể chồng các lồng lên nhau, cách nhau 10 – 12cm để đặt vỉ hứng phân. Quy cách quây nuôi nền, đường kính 1 – 1,5m, cao 0,4m, trên có bóng đèn và chụp sưởi, nuôi được 200 – 250 cút 1 tuần, 150 – 200 cút 2 tuần, 100 – 150 cút 3 tuần…

Bên cạnh đó, máng ăn, máng uống: Có thể làm bằng nhôm hay nhựa treo xung quanh chuồng, quy cách dài 0,5 hoặc 1m, rộng 6 – 7cm, cao 5 – 6cm. Máng để úm có thể làm nhỏ và thấp hơn đặt trong chuồng.

Chuẩn bị thức ăn cho chim cút

Mỗi ngày chim cút ăn từ 20 – 25gr thức ăn hỗn hợp và đẻ một quả trứng nặng 10 – 11gr (bằng 10% cơ thể), cho nên thức ăn của chim cút phải bảo đảm yêu cầu dinh dưỡng cao, nhất là đạm, khoáng và sinh tố…

Nước uống: Mỗi ngày chim cút uống từ 50 – 100ml nước, nhưng người nuôi phải cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho cút uống tự do.

Phương pháp chăm sóc nuôi dưỡng chim cút non

– Chọn chim cút con (1 – 16 ngày tuổi) để làm giống

+ Nặng từ 6 – 8g/con

+ Chọn chim nhanh, khoẻ, không dị tật hở rốn. Loại bỏ những con nở chậm.

Chuẩn bị lồng úm chim cút con. Có thể úm chim cút non trên sàn lưới 5 x 5mm hoặc úm trên sàn trấu.

Nên úm trên sàn lưới, ba ngày đầu tiên cần có lót giấy, có soi lỗ nhỏ (kim soi) để cút không bị kẹt chân.

– Nhiệt độ úm (giảm dần)

3 ngày: 38°C – 35°C.

7 ngày: 34°C – 32°C.

14 ngày: 31°C – 28°C.

Tuần thứ ba trở đi không cần sưởi cút trừ khi nhiệt độ bên ngoài xuống thấp hơn 24 – 25°C.

– Mật độ nuôi

+ Tuần thứ 1: 200 con/m².

+ Tuần thứ 2: 100 con/m².

+ Tuần thứ 3: 50 con/m².

+ Tuần thứ 4: 35 – 36 con/m².

Chuẩn bị máng ăn, máng uống

+ Chuẩn bị máng ăn cho chim cút

Dùng máng ăn 40 x 10 x 1,5cm cho chim cút ăn trong 2 tuần đầu. Để tránh cút con vào bươi làm rơi, nên khi cho cám vào nên đặt lên trên một cái vỉ lưới có ô vuông 10 x 1mm. Số lượng máng ăn cần thiết 1 máng/150 con tuần thứ 1 và 1 máng/80 con tuần thứ 2.

+ Chuẩn bị máng uống

Máng uống tròn 250cc: 50con/ máng tuần đầu tiên.

Máng uống tròn 1.000cc: 50 con/ máng tuần thứ 2.

+ Chuẩn bị dinh dưỡng cút con

Cách cho ăn: Cho cút ăn tự do.

Số lần cho ăn: 3 – 4 lần/ngày, lưu ý lần cho cám kế tiếp được thực hiện khi cám trong máng của lần trước đó đã hết.

Chủng loại thức ăn: Có thể dùng cám Con Cò C32, cụ thể là:

Thứ nhất cám dành nuôi cút con, cút hậu bị.

Thứ hai là khi độ ẩm thấp < 1, 2% nên cám giữ được lâu không bị hôi mổc.

Thứ ba cân đối giữa đạm và các acid amin giúp cho chim cút phát triển đều.

Thứ tư năng lượng trao đổi ở mức hợp lý giúp cho cút phát triển đều mặc dù không hạn chế thức ăn, cút không bị quá gầy hay quá mập.

Thứ năm là các chất vi lượng được tính toán đầy đủ giúp cho cút phát triển tốt về cơ thể lẫn tính dục làm cho cút phát triển song song về thể trọng và tính dục.

Với chim cút được  16 ngày tuổi có thể phân biệt dễ dàng trống và mái để chọn cho lúc nuôi đẻ và còn lại vỗ béo bán thịt.

Phương pháp chọn giống và phối giống

– Cách chọn giống: Chọn mua cút ở những cơ sở sản xuất giống bố mẹ. Cút giống phải khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, dị tật, nhanh nhẹn, háu ăn… Tỷ lệ đẻ, ấp nở, nuôi sống cao, tăng trọng nhanh, ổn định và đồng đều… Tuy nhiên, cần tránh chọn giống đồng huyết, dòng bố, dòng mẹ nuôi tách riêng để chọn lọc và ghép đôi giao phối…Từ ngày 25 thì bắt đầu chọn lọc những con đủ tiêu chuẩn làm giống nuôi riêng. Đối với chim cút trống cần phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông, da bóng mượt, thân hình gọn, nhỏ hơn con cái, đầu nhỏ, mỏ ngán, cổ dài, nở, lông ngực vàng, 25 ngày tuổi nặng 70 – 90gr. Còn cút mái, đầu thanh, cổ nhỏ, lông da bóng mượt, lông ngực có đôm trắng đen, xương chậu rộng, hậu môn nở, đỏ hồng và mềm mại… Trọng lượng con chim cút mái lớn hơn chim cút trống.

– Cách phối giống: Chim phải trên 3 tháng mới cho phối giống, bởi phối giống sớm quá sẽ làm cho chim cút mau tàn.

Phương pháp phòng bệnh

Với phương châm phòng bệnh là chính khi nuôi chim cút thì người nuôi cần thực hiện tốt chương trình 3 sạch: ở sạch, ăn sạch, uống sạch. Đặc biệt, khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi, cần phải vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng thật tốt, có thể bổ sung kháng sinh và vitamin cho chim cút 3 – 5 ngày để tăng cường sức đề kháng và chống stress gây hại cho chim cút.

Bên cạnh đó, người nuôi cần thường xuyên theo dõi chim cút để phòng và trị bệnh kịp thời, nhất là những bệnh thường gặp như: Ngộ độc thức ăn (Allatoxin), suy dinh dưỡng, sưng mắt, tiêu chảy và phân sáp, bệnh thương hàn, viêm ruột hoại tử…

0