23/05/2018, 15:55

Kỹ thuật chăm sóc vườn điều

Việc chăm sóc vườn điều phải nói là công việc với nhiều đa đoan và không kém phần nặng nhọc. Nếu ai xem thường công việc này, cho đó là việc không lấy gì làm cấp thiết phải giải quyết dưới dạng cập nhật hóa, thì người đó sẽ chuốc lấy sự thất bại! Những vườn điều đạt năng suất quá kém trước đây ...

Việc chăm sóc vườn điều phải nói là công việc với nhiều đa đoan và không kém phần nặng nhọc. Nếu ai xem thường công việc này, cho đó là việc không lấy gì làm cấp thiết phải giải quyết dưới dạng cập nhật hóa, thì người đó sẽ chuốc lấy sự thất bại!

Những vườn điều đạt năng suất quá kém trước đây của ta, đa phần cũng là do người trồng không chịu (hay không biết ?) đầu tư chăm sóc chu đáo. Đó là chuyện chắc chắn ai cũng nhận ra. Theo cách trồng điều cổ lỗ trước đây thì không mấy ai nghỉ đến việc chăm sóc chu đáo cho vườn cả. Nếu có quan tâm thì cũng chỉ mấy tháng đầu, khi cây con vừa trồng xuống hố. Thời gian đầu này nhà vườn mới chịu khó tưới nước vô phân, vun gốc, nhổ cỏ…để giúp cây điều sớm bén rễ mà vươn lên… Sau đó, người ta cứ để mặc cho cây tự sống …

Công việc chăm sóc vườn điều rất nhiêu khê, nhưng tựu trung cũng là những việc sau đây :

Chăm sóc cây ương

Đã là cây concòn nằm trong bầu ương, liếp ương, thì dù là giống cây gì cũng yếu ớt dễ chết cả, nếu không được bàn tay chủ vườn chăm sóc chu đáo.

Đừng nói chi cảnh nắng táp mưa sa, mà chỉ cần một sự đụng chạm nhẹ thân cây cũng đủ gãy đôi do thân nó chỉ nhỏ bằng cái que và mềm như cọng bún ! Vì vậy, việc che chắn nắng mưa, gió bão và vun phân tưới nước cho cây con cần phải được quan tâm chú ý thường xuyên.

Công việc đó tuy vất vả nhưng chỉ qua ba bốn tuần đầu, khi cây con đã cứng cáp thì ta có thể xao nhãng dần được.

Trồng giặm kịp lúc

Cây điều con được đem trồng ra hố vĩnh viễn, tuy đã được hơn tháng tuổi, thân cao vài ba tấc, nhưng trồng xuống mười cây chắc gì đã sống được đủ cả mười ? Thường thì số cây hao hụt sau khi trồng được vài ba tuần đầu, chiếm khoảng mười phần trăm đã được đánh giá là thành công rồi. Chính vì lẽ đó nên khi trồng, ai cùng phải trồng vài ba cây để sau hy vọng chừa lại một cây mạnh mẽ nhất.

Trồng cây con xuống hố xong là hàng ngày phải siêng năng lui tới để …chăm lo sức khỏe cho nó. Việc tưới nước và nhổ cỏ dại quanh gốc là việc nên làm thường xuyên, cỏ dại hễ thấy lú mầm lên là ta phải nhổ triệt hết, vì nếu để dây dưa cỏ sẽ tranh ăn hết chất màu trong đất với cây non. Những hố nào có cây con bị chết yểu ta nên kịp thời trồng giặm ngay vào đó một cây con khác. Nhờ đó mà vườn điều sau này có sự tăng trưởng đều nhau.

Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán

Cây điều khi đã bén rễ thì ít khi chết yểu và lớn rất nhanh. Khoảng chừng một năm tuổi cây đã bắt đầu phát triển tán lá, nhờ đó mà qua thời gian vườn điều cứ rậm rạp thêm ra.

Khi mới trồng ta thấy khoảng cách quá thưa, nhìn đâu cũng trống trải. Nhưng khi cây nào cành nhánh cũng vươn tỏa ra chung quanh, thì cơ hồ giữa các hàng cây không còn kẽ hở nữa.

Trong điều kiện trồng với khoảng cách thưa, khoảng cách từ tám đến mười thước giữa hai cây thì các nhánh điều có đủ không gian rộng mà thoải mái vươn dài ra đến bốn, năm thước với nhiều cành rậm rạp. Ngược lại, nếu trồng với khoảng cách dày thì các cành không đủ không gian để phát triển nên tán hẹp, cành ít và nhỏ, thân cây cứ phát triển mạnh về chiều cao.

Kinh nghiệm cho thấy nếu cứ để mặc cho cành nhánh điều phát triển tự nhiên, có nghĩa là không có bàn tay uốn nắn, sắp xếp của người trồng, thì sau này vườn cây sẽ có năng suất thấp, không đúng với ý mình mong muốn. Vì lẽ cành nhánh của cây sẽ ít, lại có nhiều cạnh mọc khuất nên không công hiệu trong việc ra hoa kết trái sau này. Nhất là những cành mọc gần sát gốc, la đà sát mặt đất, do thường xuyên bị che khuất ánh sáng nên hoàn toàn mất khả năng ra hoa đậu trái …Thế nhưng, những nhánh ở gốc mà cao khỏi mặt đất chừng năm sáu tấc trở lên thỉ nên để lại vì có khả năng trổ hoa.

Vì vậy, chỉ những cây được tỉa cành, được tạo hình đúng kỹ thuật, giúp cây có bộ tán rộng với nhiều cành mọc đúng chỗ, hợp lý thì cây đó mới sai hoa nhiều trái.

Với cách trồng đúng kỹ thuật, mật độ thưa thì việc tỉa cành tạo tán không những thuận lợi mà còn đem lại kết quả tốt đẹp. Còn trồng với mật độ dày thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sửa cành cạo tán.

Ai cũng biết, những cành nào được đón nhận nhiều ánh sáng thì cành đó sẽ có khả năng ra hoa đậu trái nhiều. Khi đó, chính những cành vươn lên trên ở phần giữa và phần đỉnh cây bao giờ cũng thu được sản lượng trái cao. Ngược lại, những cành bị che khuất, ánh sáng không rọi tới thì theo cách nói bình dân của một số nhà vườn, đó là “cành ăn hại” vô dụng, mùa nào cũng…điếc đặc không trổ được một chùm hoa nhỏ nào. Những cành này tất nhiên phải chặt bỏ, vì chúng là “gánh nặng” cho việc nuôi dưỡng của cây mà thôi.

Tóm lại, công việc tỉa cành tạo tán nên bắt đầu từ khi cây được gần một năm tuổi. Và công việc này vẫn phải tiếp diễn trong nhiều năm kế tiếp …Có điều càng về sau công việc chăm sóc này có phân nhẹ hơn, ít hơn…

Việc tỉa cành tạo tán trước đây nông dân mình ít người chú trọng đến. Họ đâu ngờ rằng công việc này lại khá hữu ích, có thể làm tăng năng suất của cây lên đến mức gấp rưỡi, gấp hai …Ngày nay, bất cứ ai trồng điều cũng đều áp dụng kỹ thuật mới này, chứ không dám coi thường nữa.dat trong cay dieu

Làm cỏ dại

Đất trồng điều thường là đất khô hạn, nghèo nàn chất dinh dưỡng đến nỗi cỏ dại cùng không mọc lên được. Mà dù cỏ dại có mọc được trên đất này cũng chỉ được mấy tháng mưa, vì qua mùa nắng chúng cũng bị chết khô. Thế nhưng khi đất đã được cuốc xới, vô phân tưới nước rồi thì cỏ dại mới bắt đầu phát triển mạnh. Chỉ khi nào vườn cây khép tán phủ kín đất trồng khoảng ba bốn năm sau, thì nạn cỏ dại trong vườn mới tự tiêu diệt !

Trong vườn điều cỏ dại phát triển rất nhanh, nhất là trong sáu tháng mùa mưa. Chúng tranh ăn chất màu trong đất với cây, khiến sức tăng trưởng của cây điều bị trì trệ lại.

Chỉ cần có một vài cơn mua đầu mùa xuất hiện, cỏ dại khắp vườn đã nhất loạt từ đất nẻ chui lên. Chúng mọc tràn lan, phát triển nhanh, chỉ tuần trước tuần sau đã xanh um khắp vườn! Do ai cũng biết cỏ dại gây hại cho vườn cây, nhưng trừ tuyệt được chúng không phải là việc dễ. Hễ giẫy sạch đám này xong thì đám khác đã mọc lên không sao trừ tiệt nổi ! Có điều may là qua mùa nắng thỉ chúng đều bị chết khô. Nhưng việc này cũng thường gây ra sự bất lợi, vì nếu gặp phải mồi lửa, cả vườn điều rộng lớn có thể bị thiêu rụi không sao cứu chữa được ! Chính vì lẽ đó nên ta phải diệt trừ cỏ dại trong những ngày đầu mới lập vườn mới tốt …Trong những tháng năm đầu khi cây điều còn non chưa khép tán đầy đủ, nghĩa là tán lá chưa đủ sức che phủ khắp mặt đất trồng, thì đó là lúc cỏ dại khắp vườn có cơ hội tốt để sinh sôi nảy nở mạnh. Trong lúc này mà nghĩ đến việc làm cỏ, dù là với phương tiện cơ giới cũng khó lòng làm xuể, vì chẳng lè mỗi tháng mỗi phải cày bừa ?

Cách tốt nhất là cày cuốc đất lên để trồng các loại họ đậu, hay tỉa bắp, trồng khoai sắn hoặc những cây ăn trái ngắn ngày khác. Nhờ vào tán lá của những cây này phủ xanh đất, lấn bớt đất sinh trưởng của cỏ dại nên nguy cơ giống ăn hại này cũng bớt lần đi. Mặt khác, hễ có trồng thì có chăm sóc, cứ mỗi ngày một ít, trong khi làm cỏ cho đậu, khoai, sắn, bắp, gặp cỏ ta cũng nhổ bớt đi.

Để tiêu trừ cỏ dại trong những năm đầu cho vườn điều, có nhiều nhà vườn đã tính và đã thực hiện bằng cách trồng điều với mật độ dày, cách khoảng chỉ bốn hay năm thước, để qua một vài năm tán điều đã đủ sức che phủ hết mật đất trồng, thì cỏ dại không còn cơ hội phát triển được…Kết quả cho thấy họ đã thành công trong mưu sự của mình, nhưng lại chuốc thảm bại cho việc tỉa cành tạo tán cho vườn điều đúng với kỹ thuật trồng trọt !

Họ nghĩ một cách đom giản rằng, khi cây điều đã có tán rộng, họ sẽ bứng bỏ cách khoảng những sai qui cách, để các cây còn lại có khoảng cách rộng rãi hợp lý. Nhưng, điều này đã vấp phải một sai lầm tai hại, vì cây điều bắt đầu tạo tán từ lúc được mười tháng tuổi trở đi. Do đó, nếu trước đây vườn đã trồng với mật độ dày thì, theo luật hướng động thuận, cây không dồn sức phát triển cành nhánh bề ngang mà chỉ phát triển chiều cao. Tán cây sẽ bị thu hẹp. Với một vườn điều mà sự phát triển không cân đối như vậy, không ai tài nào sửa đổi được cành nhánh của nó theo ý muốn để có lợi về sau. Vì như quí vị đã biết, hình dáng cưa cây đã “đúc khuôn” như thế rồi, nếu sửa đổi lại thì chỉ còn cách …cải tạo lại cả vườn mà thôi.

co dai vuon cay dieu

Vô phân vun gốc

Vô phân, vun gốc cho vườn điều là việc làm hàng năm, và nên thực hiện đúng định kỳ. Chẳng hạn, trước mùa mưa một tháng và sau mùa mua một tháng.

Vô phân ở đây có nghĩa là bón thúc cho cây, giúp cây tiếp nhận được nhiều chất bổ dưỡng hơn để tăng trưởng mạnh, để đến mùa tăng năng suất thêm. Việc vun gốc cũng vậy, nhằm vào việc diệt cỏ dại tranh ăn chất màu của cây; đồng thời tạo cho gốc được im mát, giữ thế đứng vững chắc.

Đây cũng là việc mà trước đây ba bốn mươi năm ít người trồng điều chịu lưu tâm chú ý đến. Nhiều người cứ đơn giãn nghĩ rằng cây điều tự nó đã đủ sức mạnh để càn lướt tất cả mọi trở ngại mà vươn lên, cho nên không cần thiết phải vô phân vun gốc cho chúng, như cách trồng các giống cây ăn trái khác ! Tất nhiên, ai nghĩ như vậy là lầm to.

Kinh nghiệm cho thấy những vườn điều được chủ vườn chăm sóc chu đáo theo cách này đều tăng trưởng mạnh, và còn có khả năng kháng bệnh cao.

Theo dõi sức khỏe của cây

Vườn điều thường quá rộng lại lắm cây cao bóng cả, mà bước chân người trồng cũng đâu phải ngày nào cũng lui tới khắp vườn để chăm sóc, nhất là những tháng ngoài mùa thu hoạch, cho nên đây là môi trường sống tốt của các loài sâu bệnh. Mặt khác, bản thân cây điều tuy mạnh mẽ như vậy nhưng nó cũng bị nhiều loài sâu bệnh tấn công, từ lá, thân, rễ, hoa, trái…

Chính vì vậy, chủ vườn nên thường xuyên theo dõi sức khỏe cưa cây, để nếu cần thì chăm sóc kịp thời. Những cành lá bị khô, những cây bị “chết đứng” cần phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên do, và sau đó chặt bỏ …

Tóm lại, trồng điều, công việc chăm sóc không giản đơn và cũng không nhẹ nhàng như nhiều người lầm tưởng. Cây tuy có khả năng ưu việt (không kén đất, chịu hạn giỏi) nhưng ta không nên chỉ dựa vào bao nhiêu đó mà cả tin rằng không cần bỏ công chăm sóc cây điều vẫn sống mạnh được ! Hãy nhìn vào vườn điều trong những tháng mưa, ta thấy cỏ dại mọc ngút ngàn, có nơi cỏ mọc cao hơn thước thì mới thấy được rằng số lượng phân mà ta đã bón vào đất để tạo thêm sức sống cho vườn điều thì đã bị rừng cỏ dại kia “cướp” mất gần hết rồi ! Mà việc chăm sóc đâu phải chỉ có mỗi một việc trừ tuyệt cỏ dại thôi đâu …

0