23/05/2018, 15:45

Giới thiệu về cây nho

Nho có tên khoa học là Vitis vinifera. Nho là cây ăn quả của vùng bán ôn đới (ôn đới ấm), trồng chủ yếu ở châu Âu như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Nga… Ngoài ra còn trồng nhiều ở Bắc và Trung châu Mỹ. Các nước vùng nhiệt đới châu Á cũng có trồng nhưng chiếm một phần nhỏ như ở Ấn Độ, Thái Lan, ...

Nho có tên khoa học là Vitis vinifera. Nho là cây ăn quả của vùng bán ôn đới (ôn đới ấm), trồng chủ yếu ở châu Âu như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Nga… Ngoài ra còn trồng nhiều ở Bắc và Trung châu Mỹ. Các nước vùng nhiệt đới châu Á cũng có trồng nhưng chiếm một phần nhỏ như ở Ấn Độ, Thái Lan, Philippines… Theo thống kê năm 1983, sản lượng nho trên toàn thế giới khoảng 65 triệu tấn (hơn cả cam quít và chuôi), trong đó châu Âu chiếm khoảng 45 triệu, châu Mỹ khoảng 11 triệu, châu Á chỉ khoảng 7,5 triệu tấn. Năng suất dao động khá lớn, từ 5,2 – 27,0 tấn/ha, cao nhất là Hà Lan, Ấn Độ.

Quả nho chứa nhiều đường (khoảng 20%), tương đương với các loại quả ngọt như vải, nhãn, hồng, cao hơn nhiều loại quả ôn đới khác. Nho cũng chứa nhiều loại muối khoáng như kali, phốt pho, canxi, magiê, lưu huỳnh, nhưng về vitamin và lượng calo thì không bằng nhiều loại quả khác. Quả nho ngoài dùng ăn tươi, một lượng rất lớn dùng chế rượu vang, ngoài ra còn làm nho khô, nho đóng hộp và nước giải khát. Có những giống nho, những vùng chuyên trồng nho để làm rượu. Cây nho có tán lá dày và xanh, quả sai và treo thành từng chùm, màu xanh hoặc đỏ tím bóng láng nên còn trồng làm cây che bóng mát và .

Ở nước ta, nho trồng được từ Bắc tới Nam. Ở miền Bắc trồng lẻ tẻ, năng suất và chất lượng kém. Vùng nho tập trung nổi tiếng ở Phan Rang (Ninh Thuận) với diện tích 2.000 ha, ngoài ra có trồng khá phổ biến ở Bắc Bình Thuận và Nam Khánh Hòa. Nho ở nước ta chủ yếu dùng ăn tươi nội địa, khả năng xuất khẩu và chế biến còn rất thấp.

Ở Phan Rang, cây nho có thể thu hoạch quả một năm 2 vụ hoặc 2 năm 5 vụ. Vụ nho Đông Xuân thu hoạch tháng 2 – 3 cho năng suất và chất lượng tốt nhất, sau đó là vụ Hè Thu vào tháng 7 –  8; vụ Thu Đông vào tháng 10-11 năng suất và chất lượng thấp nhất do gặp mưa lớn. Năng suất nho ở Phan Rang đạt trên 20 tấn, cá biệt tới 60 tấn/ha, có thể so sánh với các nước đạt năng suất cao trên thế giới, nhưng lại không ổn định do chưa được đầu tư kỹ thuật đúng mức. Vườn nho phan rangVườn nho phan rang

Đặc tính thực vật học cây nho

Cây nho thuộc họ Nho (Ampelidaceae), là loại cây ăn quả lâu năm.

Thân cây nho thuộc loại thân thảo, dạng cây leo. Từ thân và cành mọc ra các tua cuốn ở vị trí đối diện với lá. Tua cuốn có thể phân nhánh để bám vào giàn leo giữ cho cây được vững chắc.

Lá đơn, hình tim, xung quanh có nhiều khía nhỏ như răng cưa. Rễ thuộc loại rễ chùm, phần lớn ở độ sâu 30 – 60 cm và trải rộng quanh vùng tán cây.

Hoa lưỡng tính mọc thành chùm trên các đốt cành, kích thước nhỏ, màu xanh nhạt, một số loài nho (phần lớn nguồn gốc từ Mỹ) có những dạng hoa không hoàn toàn, chỉ mang tính cái hoặc tính đực, bao phấn mở nhiều vào khoảng 8 giờ sáng, trùng với thời gian hoa nở tối đa nên khả năng thụ phấn khá cao, có thể đạt 80 – 90%. Thời gian từ khi nảy chồi đến hình thành hoa trung bình 30 – 40 ngày.

Quả nho có kích thước nhỏ, hình tròn đường kính trung bình 1,5 – 3,0 cm, vỏ mỏng hơi dính vào thịt quả, khi chín có màu đỏ tím hoặc xanh nhạt tùy giống. Trong quả có một số hạt nhỏ, cũng có giống nho không hạt. Thời gian từ đậu quả đến quả chín hoàn toàn trung bình 50 – 60 ngày.

Yêu cầu các điều kiện sinh thái

Khí hậu

Cây nho thích hợp với khí hậu khô, ít mưa và nhiều nắng, nhiệt độ không cao lắm. Khí hậu âm u, nhiều mưa và ẩm độ không khí cao là trở ngại lớn nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của cây nho, sâu bệnh cũng phát sinh gây hại nhiều.

Thực tế các vùng trồng nho trên thế giới cho thấy cây nho có thể chịu được nhiệt độ lạnh tới – 20°C và nóng đến 45°C. Tuy nhiên trong mùa đông nhiệt độ thấp cây nho ở trạng thái ngủ nghỉ. Nhiệt độ cao vừa phải sẽ thuận lợi cho sự nở hoa và thụ phấn. Nhiệt độ cao khoảng 40°C trong vài ngày có thể làm hoa bị khô. Nho chín vào thời gian nhiệt độ cao cũng có màu không đẹp (gọi là nho cầm màu), chất lượng cũng kém.

Cây nho cũng là cây rất ưa ánh sáng và ưa nắng. Vì vậy những vùng sa mạc và nửa sa mạc như các vùng Tân Cương (Trung Quốc), California (Mỹ) và vùng Trung Á là những vùng trồng nho rất tốt.

Cây nho không thích hợp với khí hậu nhiều mưa, ẩm độ cao. Mưa nhiều làm bộ rễ nho phát triển kém, ảnh hưởng đến thụ phấn, làm tăng tỉ lệ rụng hoa, rụng quả, sâu bệnh cũng phát sinh gây hại nhiều. Có thể nói ẩm độ và lượng mưa cũng là yếu tố quyết định để xem một vùng có thể trồng nho được hay không. Những vùng có mùa khô từ 4 tháng rưỡi là có thể trồng nho được vì có thể đảm bảo cho ít nhất một lứa nho ra lá, ra hoa và chín trước mùa mưa.

Đất

Cây nho có thể trồng trên nhiều loại đất, từ đất cát thô, đất lẫn sỏi đá đến đất thịt nặng với nhiều mức độ phì nhiêu khác nhau nếu được đầu tư thích đáng, đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, không nên trồng trên các loại đất sét nặng, tầng canh tác nông, thoát nước kém, đất mặn và đất chua không được cải tạo.

Tốt nhất nên trồng trên loại đất nhẹ có kết cấu tốt, tơi xốp và điều quan trọng là phải thoát nước. Độ pH thích hợp là từ 6,5 – 7,5. Trồng các giống nho để ăn tươi thì cần phải chọn đất tốt. Đất kém phì nhiêu thích hợp trồng các giống nho làm rượu.

Vùng trồng nho chính ở nước ta là tỉnh Ninh Thuận, ở đây tuy có nhiệt độ khá cao (trung bình cả năm khoảng 27°C) nhưng tương đối ôn hòa, lượng mưa thấp (trung bình cả năm khoảng 900 mm), đặc biệt có mùa khô kéo dài tới 6 – 7 tháng, ánh sáng rất dồi dào. Đất nhẹ, thoát nước, tuy hơi chua và nghèo đất dinh dưỡng nhưng có khả năng cải tạo được nhờ bón thêm vôi và tăng cường phân bón. Ở miền Bắc, khó khăn lớn nhất cho việc trồng nho là ẩm độ không khí cao và mưa nhiều, không có mùa khô rõ rệt. Còn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là do mực nước ngầm cao, đất thường xuyên ẩm và bị lũ lụt nên không trồng nho được.

Có thể nói nho là loại cây ăn quả chịu ảnh hưởng nhiều nhất của điều kiện môi trường sinh sống. Vì vậy khi muốn trồng nho ở một vùng nào cần phải nghiên cứu kỹ điều kiện khí hậu thời tiết, thành phần đất, độ dày tầng đất mặt, khả năng thoát nước và nguồn nước tưới…

Yêu cầu dinh dưỡng của cây nho

Cây nho muốn có năng suất và chất lượng quả tốt cần được cung cấp đầy đủ các nguyên tố đa lượng như đạm, lân, kali, canxi, magiê… và cả các nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, mangan, bo, đồng. Thiếu hoặc thừa một trong những nguyên tố này đều ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển bình thường của cây nho.

Triệu chứng cây nho bị thiếu các nguyên tố dinh dưỡng thường thấy như sau:

Thiếu đạm (N): Lá chuyển màu xanh nhạt, số lá trên cành giảm, có nhiều mầm nứt ra trên đầu cành khi cắt chừa lại đầu cành hơi dài.

Thiếu kali (K): Các lá phía dưới chuyển màu xanh nhạt hoặc màu đồng bắt đầu từ mép lá, về sau có thể bị khô gây hiện tượng cháy xém lá. Nếu thiếu trầm trọng, chùm quả tụm chặt lại, chín chậm hoặc chín không đều.

Thiếu magiê (Mg): Trên phiến lá có các vệt màu đỏ hoặc vàng giữa các gân lá, những lá gốc chuyển màu trước. Thường thấy trên vùng đất cát, có lượng vôi hoặc natri cao.

Thiếu mangan (Mn): Gây ra hiện tượng mất màu giữa các gân lá già, thường thấy trên đất kém thoát nước và có độ pH cao (kiềm).

Thiếu kèm (Zn): Hiện tượng mất màu giữa các gân lá xảy ra ở các lá non, lá nhỏ lại (nên còn gọi là bệnh lá nhỏ), quả nhỏ và chín không hoàn toàn, thường xảy ra trên đất cát hoặc đất có độ pH cao.

Thiếu bo (B): Trên lá non xuất hiện những vùng có màu vàng bẩn giữa các gân lá, ngọn rụt lại. Thiếu bo nặng thì một số đọt và hoa bị chết khô, đậu quả ít, nhiều quả bị nứt khi chín. Thường xảy ra trên đất có cấu trúc kém, vùng có lượng mưa nhiều.

Thiếu sắt (Fe): Lá ngọn chuyển màu vàng kem và hơi nhỏ lại.

0