Giáo dục và nỗi sợ hãi
Lê Văn Tích Đã có rất nhiều ý kiến, diễn đàn đề cập đến những bất cập về nội dung, phương pháp giáo dục của chúng ta hiện nay. Quả thật, nếu đem chương trình, phương pháp của ta so sánh với các nước phát triển thì không những là rất hạn chế mà có nhiều vấn đề đối với người trong cuộc ...
Lê Văn Tích
Đã có rất nhiều ý kiến, diễn đàn đề cập đến những bất cập về nội dung, phương pháp giáo dục của chúng ta hiện nay. Quả thật, nếu đem chương trình, phương pháp của ta so sánh với các nước phát triển thì không những là rất hạn chế mà có nhiều vấn đề đối với người trong cuộc đã trở thành nỗi sợ hãi, đặc biệt là học sinh. Là người trực tiếp tham gia dạy học ở bậc phổ thông, đang chứng kiến từng ngày, từng giờ, từng diễn biến của HS, nhà trường mới thấy lời nhận xét của nhà giáo Phạm Toàn trên các trang mạng là không ngoa ngoắt.
Trước hết, xin đề cập đến thời lượng của chương trình và thời gian học tập của học sinh THCS. Thời gian học của HS lớp 6 (12 tuổi) ở một trường THCS vùng đồng bằng duyên hải: Một tuần có 6 buổi học, trừ ngày thứ 3 là 4 tiết còn lại các buổi khác là 5 tiết. 5 tiết x 45 phút = 225 phút. Giữa các tiết ra chơi 5 phút. Để có thể kịp thời gian trong buổi học, nhà trường tổ chức học cho ca buổi chiều từ 1315p đến 1740p. Thời gian này bao gồm cả sinh hoạt 15 phút đầu giờ và hoạt động ngoài giờ lên lớp vào giữa buổi(chủ yếu là tập thể dục). Một HS 12 tuổi mà ngồi học có thể nói là từ trưa nhưng đến trời mờ tối mới tan tầm(mùa đông chúng tôi dạy xong tiết 5 đi xe máy về phải đỏ đèn) thử hỏi rằng các em có đủ sức ngồi một cách chán nản chứ đừng nói là để tiếp thu bài? Đối với người lớn khi đi học chuyên đề hay học hàm thụ, căng lắm cũng chỉ ngồi được từ 3-4 tiết, hay với giáo viên lên lớp nếu nhiều lắm cũng chỉ 3 tiết trên buổi thế mà chúng ta bắt đứa trẻ con ngồi suốt 5 tiết học. Đây là một sự vô lý đến mức khó hiểu. Tôi đang hết sức lo lắng cho đứa con sắp tuổi đến trường của mình! Nếu bây giờ bắt tôi ngồi học giống như HS của mình thì đó thật sự là nỗi kinh hoàng và tôi sẽ bỏ học.
Số lượng tiết học phụ thuộc vào nội dung chương trình. Hai môn văn toán là 5 tiết trên tuần, các môn còn lại kể cả môn tự chọn là từ 1 – 2 tiết, tổng cộng 29 tiết. So với độ tuổi mà tôi đang đề cập mà phải “hấp thụ” với thời lượng và nội dung như thế, đó quả là một sự khủng khiếp.
Nếu học nhiều như thế mà các em khá lên thì không nói làm gì, điều cay đắng là trong khi học rất nhiều nhưng kết quả thảm hại. Trong đợt thi khảo sát chất lượng cho toàn cấp THCS đầu năm do 1 Phòng Giáo dục ở huyện đồng bằng tổ chức với 3 môn thì số em đạt từ điểm 5 trở lên như sau: Văn(51%); Toán (5,2%); Tiếng anh(3,7%). Tôi chưa có điều kiện để điều tra về mức độ hứng thú của các em đối với 2 môn Toán và tiếng anh, song với những con số có thật ở trên cho thấy việc ngồi học của đa số học sinh trên lớp là một nỗi kinh hoàng cho dù các em không nói ra. Hầu hết giáo viên dạy 2 môn toán và tiếng anh đều khẳng định: “một lớp học như vậy chỉ có khoảng từ 3 – 5 em là học bài và hiểu bài, số còn lại không biết gì”. Đối với môn toán, một tuần 5 tiết theo phân phối chương trình và mỗi lớp học thêm ít nhất là hai buổi, vị chi là hơn 10 tiết trên tuần nhưng đa số các em lại không “thu lượm” được gì từ 10 tiết học ấy?
Vì học yếu, không tiếp thu được cho nên lớp học trở thành nỗi kinh hoàng với nhiều học sinh. Ở lớp thì sợ thầy cô gọi bài, thậm chí bị thầy cô sĩ nhục do học kém, sợ bạn bè coi thường, về nhà bị bố mẹ la mắng thậm chí đánh đập. Chính vì những áp lực đó đã làm cho nhiều em ngồi học thiếu tự tin, thay vì nhìn lên bảng, nhìn vào giáo viên để theo dõi bài thì các em lại tìm cách nhìn đi chỗ khác một cách khổ sở. Mất hết tự tin khi đối diện với giáo viên, với bạn bè trong lớp, các em trở thành những đứa trẻ tự kỷ, trầm cảm, ngày ngày đến trường để chứng kiến một tương lai vô vọng, mịt mù. Điều này đã làm cho nhiều em chán nãn, quậy phá, trở thành HS cá biệt và rồi bỏ học lúc nào không biết.
Từ lớp 6 đến lớp 12, theo cách tính của tôi thì các em phải học hơn 1000 tiết toán(chưa kể học thêm còn nhiều hơn học chính). Trong khi đó, công việc thực tế, không phải việc gì cũng cần đến trình độ toán học từ lớp 6 đến lớp 12, chỉ một bộ phận lao động rất nhỏ là cần kiến thức này, còn đại đa số là vô dụng. Tôi là một giáo viên dạy môn lịch sử, tôi cũng đã học đại học, cũng đi dạy trên chục năm… nhưng trong hàng chục năm học tập và làm việc đó chưa khi nào tôi cần áp dụng 7 hằng đẳng thức, phương trình 1,2,3; hay tích phân, đạo hàm… làm gì cả, không có 1 quy luật nào để tôi áp dụng vào công việc cũng như sinh hoạt, nó cũng chẳng bồi bổ cho tôi về tư tưởng, tâm hồn, tôi chỉ cần kiến thức toán ở bậc tiểu học là quá đủ. Vậy mà tôi đã phải khổ sở, học thêm học bớt đến hàng nghìn tiết toán ở bậc phổ thông? Đây là sự lảng phí vô lý.
Thực trạng này đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Chính môn toán và một số môn khác nữa đang là nỗi kinh hoàng của học sinh. Nói rằng các em dốt không theo kịp nhưng trên thực tế học như thế cũng chẳng làm gì. Và chính cái đã không giúp gì cho cuộc sống các em sau này lại đang làm các em khổ sở. Sự hồn nhiên vui chơi của tuổi thơ đã bị môn toán đánh mất ngay ở nơi mà đáng ra chúng phải được thụ hưởng một cách vô tư thỏa thích.
Thiết nghĩ ngành giáo dục nên làm một cuộc điều tra xã hội học về mức độ mong muốn học môn toán của học sinh để có những điều chỉnh về thời lượng cho phù hợp, không nên để tình trạng lãng phí cứ kéo dài mãi.
Theo nhận định của tôi, chương trình học phổ thông của Việt Nam hiện nay quá chú trọng các vấn đề về lý thuyết mà xem nhẹ đến những kiến thức thực tế, những cái phục vụ sát sườn cho cuộc sống. Chúng ta bố trí quá ít các buổi hoạt động tập thể để rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh, và dường như là các trường không tổ chức được nội dung ra trò trống cho hoạt động này. Chúng ta bố trí hàng nghìn tiết toán, nhưng quá ít tiết cho tiếng anh và tin học. Trong khi hai môn học này đang đáp ứng một nhu cầu tối thiểu của thời kỹ nghệ thông tin, của thời đại toàn cầu hóa.
Hội nhập đang trở thành mệnh lệnh tất yếu để mọi quốc gia, cá nhân có thể tồn tại và phát triển. Chúng ta đang kêu gọi nông dân mua và sử dụng máy tính, intenet trong khi đó người nông dân và nhiều tầng lớp xã hội khác chẳng biết một tí gì về tiếng anh và tin học? Chúng ta ký hết công ước này, nghị quyết nọ về quyền trẻ em về quyền con người nhưng chúng ta lại không tạo ra được môi trường, điều kiện tối thiểu nào cho trẻ em thực hiện trong khi đó chúng ta lại ra sức nhồi nhét không biết bao nhiêu là lý thuyết, định luật vào những bộ não còn rất non nớt của trẻ con?
Trên đây là những chứng kiến đang diễn ra hàng ngày ở trường phổ thông của một người đang trực tiếp đứng lớp ghi lại. Thiển nghĩ, nhà nước cần phải làm một cuộc cách mạng trong giáo dục để có thể giải phóng nỗi sợ hãi không đáng có cho những đứa trẻ thơ ngây đáng tội nghiệp, những đứa trẻ mà đáng lý ra đến trường là được vui chơi, học hành đúng nghĩa chứ không phải bị gò ép như một kẻ tội phạm hiện nay.