Gamal Nasser và Phong trào Sĩ quan Tự do
Tổng thống Ai cập Nasser Mình Ên 1. Bối cảnh địa lý và lịch sử của Ai Cập (Egypt) Ai Cập là một quốc gia nằm ở góc Đông Bắc của Châu Phi với diện tích và dân số đều tương đương với Việt Nam; các phía Nam giáp Sudan, Tây giáp Lybia, Bắc giáp Địa Trung Hải, Đông giáp Hồng ...
Mình Ên
1. Bối cảnh địa lý và lịch sử của Ai Cập (Egypt)
Ai Cập là một quốc gia nằm ở góc Đông Bắc của Châu Phi với diện tích và dân số đều tương đương với Việt Nam; các phía Nam giáp Sudan, Tây giáp Lybia, Bắc giáp Địa Trung Hải, Đông giáp Hồng Hải và nước Israel (Do Thái); hai biển này thông với nhau bằng kênh Suez là thủy lộ nối liền hai châu Á và Âu.
Ai Cập có nền văn minh lâu đời từ khoảng 3000 BC, với những kỳ tích như Kim tự tháp và xác ướp trong thời gian ở vị thế đế quốc hùng mạnh vào khoảng 2000 BC đến 500 BC. Nhưng sau đó là một chuỗi liên tiếp bị chiếm đóng, đô hộ, cai trị bởi các đế quốc khác nhau như Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Á Rập, Thổ, Pháp và sau cùng là Anh. Với tình huống như vậy đời sống dân chúng rất thấp, chỉ một số ít thuộc giới giàu sang. Văn hóa và xã hội Ai Cập vẫn giữ nét văn minh Hồi giáo từ thời các đế quốc Á Rập và Thổ truyền lại.
Trước và trong Thế chiến II, Ai Cập và Sudan được triều Vua Farouk và Quốc hội bù nhìn cai trị, đầy tham nhũng, trên danh nghĩa là độc lập nhưng thật ra dưới sự bảo hộ của đế quốc Anh. Cho đến khi chiến tranh chấm dứt, Anh chỉ còn cai quản vùng kênh Suez trong vài năm.
2. Gamal Abdel Nasser
Nasser là người có công đưa đất nước Ai Cập ra khỏi thể chế quân chủ lỗi thời, mở ra kỷ nguyên độc lập, đặt nền tảng cho một xã hội mới. Ông cũng đã trở thành lãnh tụ tinh thần cho toàn khối Á Rập và là một trong các các lãnh đạo chủ yếu của Thế giới Thứ Ba và Phong trào phi Liên kết (không theo Mỹ lẫn Nga thời Chiến tranh Lạnh).
Nasser sinh năm 1918. Vì công việc làm ăn của người cha, gia đình thường phải di chuyển đến nhiều thành phố, hoặc ông được gởi cho lúc thì người chú, lúc thì bà ngoại nuôi nấng và đi học ở nhiều trường khác nhau. Vì thế ông có cơ hội thấy được sự phân chia giai cấp trong xã hội Ai Cập.
Vào năm 10 tuổi Nasser đã tham gia một cuộc biểu tình mà không biết mục đích của nó là gì. Năm 17 tuổi ông bị thương trong một cuộc biểu tình chống người Anh và đụng độ với cảnh sát; ông bị bắt giam cùng một số thành viên của đảng Xã hội Ai Cập. Thời gian ở bậc Trung học ông tham gia hoạt động chính trị thường xuyên và trong năm cuối cùng chỉ đến lớp có 45 ngày. Năm 19 tuổi tạm thời gác qua các hoạt động chính trị, Nasser nộp đơn xin vào Học viện Quân sự nhưng bị bác lần đầu và thành công ở lần thứ nhì nhờ một quan chức chính phủ bảo trợ. Chính ở Học viện ấy mà Nasser đã gặp được Abdel Amer và Anwar Sadat, sau này là hai vị phụ tá đắc lực.
Năm 1939 sau khi tốt nghiệp Nasser mang quân hàm Thiếu úy trong ngành Bộ binh và được bổ nhiệm đi Sudan vốn thuộc Ai Cập. Tuy lương bổng khá so với đa số dân chúng quá nghèo nhưng vẫn kém rất xa mức sống của giới thượng lưu. Thời gian này Thế chiến II vừa bùng nổ và Ai Cập ở vị thế trung lập, không tham chiến nhưng bị quân Anh và Đông minh chiếm đóng làm căn cứ cho các hoạt động quân sự trong vùng. Trong cuộc chiến Nasser và Sadat tiếp xúc các nhân viên người Ý của phe Trục (gồm Đức, Ý và Nhật), lập kế hoạch đảo chánh chính quyền Vua Farouk cùng lúc với một cuộc tấn công của Ý để đánh bật lực lượng Anh ra khỏi Ai Cập. Tuy nhiên kế hoạch ấy đã không được thực hiện; sau đó ông trở về dạy ở Học viện Quân sự.
Năm 1942 Thủ tướng Ai Cập Maher bị nghi ngờ có cảm tình với phe Trục khi Tướng Rommel của Đức đem đoàn quân xe tăng xâm nhập nhằm kiểm soát kênh Suez và nguồn dầu hỏa. Vị Đại sứ Anh ở Ai Cập, đi cùng một tiểu đoàn quân Anh xông vào Hoàng cung của Vua Farouk, ra lệnh nhà Vua bãi nhiệm Maher và đưa El-Nahhas thân Anh lên thay thế. Cũng như phần lớn dân chúng, Nasser cho đó là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Ai Cập. Ông nói “Tôi lấy làm tủi nhục vì quân đội của chúng ta đã không phản ứng gì trước cuộc tấn công ấy”. Ông nhận định việc phản ứng thụ động với đế quốc cũng là một vấn đề quan trọng không kém gì bản thân chủ nghĩa đế quốc.
Nasser bắt đầu tổ chức một nhóm gồm những sĩ quan trẻ, yêu nước và có xu hướng ủng hộ một cuộc cách mạng. Nasser tiếp xúc với họ chính yếu nhờ trung gian của Amer vốn đi tìm hiểu thêm những sĩ quan khác trong các ngành của quân đội và cung cấp cho Nasser hồ sơ về các sĩ quan ấy. Nhóm của Nasser hoạt động trong bí mật và hơn nữa trừ ông ta, mỗi người trong nhóm không hề biết gì về những thành viên khác, trừ liên lạc viên và vài người làm việc trực tiếp.
Đến năm 1948, người Israel lưu vong trở về lập quốc thuộc vùng Palestine giáp giới với Ai Cập. Nasser phục vụ trong đoàn quân gồm 5 nước Ả Rập cùng tiến đánh Israel từ nhiều hướng. Nhưng Israel toàn thắng, dẫn đến một thỏa ước mà Nasser cho là nhục nhã cho Ai Cập.
3. Phong trào Sĩ quan Tự do
Sau cuộc chiến với Israel, Nasser bị nghi ngờ đang lập một nhóm bí mật các sĩ quan bất mãn nên bị điều tra và thẩm vấn, nhưng ông khéo léo thuyết phục chối bỏ. Nasser vẫn tiếp tục công trình, lập một Ủy ban các Sĩ quan Tự do gồm 9 thành viên với chính kiến khác nhau, từ đảng Ai Cập Trẻ với khuynh hướng dân chủ, tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo, đến đảng Cộng sản, và cả giới thượng lưu. Rồi tin đồn cũng xì ra và dân chúng bàn tán về quân đội. Nasser đánh giá phong trào chưa đủ sức đối đầu với chính quyền dù con số thành viên đã lên đến 90 nên trong hai năm không làm gì hơn việc tiếp tục tuyển chọn các sĩ quan mới và phân phát bản tin mật nội bộ.
Những xáo trộn liên tiếp ở vùng Suez do người Anh kiểm soát dẫn đến một chuỗi các cuộc nổi dậy, dân phu đình công, du kích đánh phá đồn bót của quân Anh và tấn công giới thượng lưu đang cộng tác với Anh. Nhưng chính phủ Ai Cập cảnh cáo các phần tử yêu nước không được xen vào các lãnh vực liên hệ với thực dân Anh. Nasser đánh giá đó là thời điểm tốt để bắt đầu hành động và ông quyết định tung ra một “chiến dịch ám sát đại trà”. Nasser và một số sĩ quan thực hiện vụ ám sát vị tướng bảo hoàng Pasha bằng cách bắn vào xe ông này trên đường phố Cairo, thủ đô của Ai Cập. Nhưng vụ này không thành công, trái lại một phụ nữ qua đường bị trúng đạn và rên la thảm thiết. Về sau Nasser thố lộ rằng hình ảnh ấy đã ám ảnh và cảnh cáo ông ta về những hành động tương tự trong tương lai.
Nasser xác quyết phải tạo cho quân đội sự độc lập khỏi chế độ quân chủ và qua trung gian của Amer, họ chọn Tướng Muhammad Naguib vốn đã từng nộp đơn xin từ chức đến Vua Farouk và bị thương ba lần trong cuộc chiến Palestine làm người đứng đầu cho phong trào. Qua một nhật báo nổi tiếng, họ cho đăng những bài đề cao lòng yêu nước của quân đội và công trạng của Tướng Naguib, chuẩn bị dư luận cho một cuộc đảo chánh trong tương lai. Vào thời điểm này, các nhóm yêu nước Ai Cập bị chia rẽ và không được tổ chức chặt chẽ. Phong trào Sĩ quan Tự do là môi trường duy nhất phát khởi những hoạt động có tổ chức. Họ đăng báo về những nhu cầu cần cải cách và công bằng xã hội cũng như tổ chức biểu tình làm áp lực Vua Farouk phải thoái vị. Phong trào Sĩ quan Tự do hoạt động đáng kể khơi mào cho chủ nghĩa Quốc gia Ai Cập và nền độc lập khỏi sự chiếm đóng của Anh.
4. Cuộc cách mạng 1952
Năm 1952 hàng ngàn người dân tràn ra đường phố Cairo tấn công các trụ sở nước ngoài và thân Anh. Một thời gian ngắn sau Nasser được tin Vua Farouk đã biết tên các sĩ quan trong phong trào và ý định của nhà Vua ra lệnh bắt giữ họ. Vì vậy ông vội thảo kế hoạch chiếm chính quyền bằng các đơn vị quân đội trung thành với phong trào. Nasser không tin rằng với quân hàm Trung Tá mà ông được dân chúng chấp nhận như một nhà lãnh đạo nên ông chọn Tướng Naguib đứng chỉ huy cuộc đảo chính.
Cuộc đảo chính mơ ước từ lâu được phát động và được tuyên bố thành công ngày hôm sau. Phong trào Sĩ quan Tự do chiếm lĩnh các công thự, đài phát thanh, đồn cảnh sát và cơ quan đầu não quân đội. Trong khi các sĩ quan đang chỉ huy các đơn vị, Nasser với bộ quần áo dân sự nhằm tránh bị phe bảo hoàng phát hiện, đi khắp nơi trong thủ đô Cairo để xem xét tình hình. Để phòng ngừa sự xen lấn của nước ngoài, hai ngày trước khi khởi sự, Nasser đã thông báo cho Mỹ và Anh, cả hai đều đồng ý không trợ giúp Vua Farouk với điều kiện nhà Vua không bị làm hại và được phép rời khỏi Ai Cập trong danh dự.
Phong trào Sĩ quan Tự do không có ý định lên nắm quyền mà chỉ thiết lập nền dân chủ đại nghị. Khi đảo chánh thành công Nasser và phong trào đứng ở vị thế “bảo vệ cho quyền lợi nhân dân” chống lại thể chế quân chủ và dành trách nhiệm chính quyền cho giới dân sự. Vì vậy họ mời cựu Thủ Tướng Maher (người bị nhà Vua giải nhiệm do lệnh của Đại sứ Anh) trở lại làm Thủ Tướng và thành lập nội các toàn dân sự. Phong trào Sĩ quan Tự do được đổi tên thành Hội đồng Chỉ huy Cách mạng với Naguib làm Chủ tịch và Nasser Phó Chủ tịch.
Tuy nhiên liên hệ giữa Hội đồng Cách mạng và Thủ tướng Maher ngày càng căng thẳng vì Maher cho rằng những chương trình do Nasser đề ra vốn gồm có cải cách ruộng đất, giải thể quân chủ, và chính sách với các đảng chính trị đều mang tính cải cách tận gốc, cho nên Maher từ chức chỉ vài tháng sau đó. Tướng Naguib nhận lãnh chức vụ Thủ Tướng, Nasser làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ; và chính phủ mới bắt đầu thi hành Luật Cải cách Ruộng đất (xin xem thêm phần chót của bài này). Theo Nasser, chính cuộc cải cách này mà cuộc đảo chính mới được xem là cuộc cách mạng. Nasser cũng chỉ định Amer (quân hàm Trung Tá) là Tổng tư lệnh Quân đội khiến một số sĩ quan cao cấp từ chức để phản đối vì cho đấy là “chính trị hóa quân đội”.
5. Nasser trở thành Tổng Thống
Năm 1953, Tướng Naguib trở thành vị Tổng Thống đầu, còn Nasser được giữ chức Thủ tướng, chế độ quân chủ bị giải thể, và Cộng Hòa Ai Cập được tuyên bố ra đời. Đến năm 1954 tất cả quân Anh rút về nước qua một thoả ước với Ai Cập.
Naguib và Nasser bắt đầu tranh giành quyền lực, sau khi vượt qua được sự chống đối của Tổng thống Naguib thì Nasser cấm chỉ các đảng chính trị và thành lập “Tập hợp Giải phóng” như một phong trào toàn quốc để thay thế tất cả các đảng phái. Nasser bị một thành viên của nhóm “Huỵnh đệ Hồi giáo” tổ chức ám sát nhưng thất bại, và liền sau đó ông tung ra một cuộc đàn áp chính trị qui mô, bắt giữ khoảng 20 ngàn người, đa số là thành viên của Huynh đệ Hồi giáo và đảng Cộng sản. Tổng thống Naguib bị giải nhiệm và quản thúc tại gia suốt 18 năm cho đến khi được Sadat trả tự do. Một số sĩ quan của Hội đồng Cách mạng đòi hỏi dân chủ thật sự phải xa xứ sống lưu vong.
Để củng cố quyền hành cũng như tuyên truyền cho “Tập hợp Giải phóng” Nasser đi khắp nước đọc diễn văn và kiểm soát tất cả các cơ quan truyền thông. Năm 1955 Hội đồng Cách mạng chỉ định Nasser làm Tổng thống mà không do dân bầu lên. Năm 1956 bản Hiến pháp mới được soạn thảo, thiết lập thể chế độc đảng, theo đó Đảng Liên hiệp Quốc gia sẽ cử ra một ứng viên tổng thống cho dân chúng bầu. Nasser được đề cử chức Tổng thống và trong cuộc Trưng cầu Dân ý ông được đại đa số chấp thuận. Đồng thời Hội đồng Cách mạng cũng tự giải thể và các thành viên từ chức khỏi quân đội.
6. Cuộc khủng hoảng kênh Suez
Tai hội nghị “Các Quốc gia Á-Phi” (năm 1955 ở Bandung, Indonesia) Nasser được xem là nhà lãnh đạo của khối Á Rập trong “Phong trào phi Liên kết” cùng các vị khác như Nehru của Ấn Độ và Tito của Nam Tư. Tuy nhiên Ai Cập phải mua vũ khí từ khối Đông Âu đang theo Cộng sản để đương đầu với Israel và tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo trong vùng.
Các chính sách về nội trị và đối ngoại của Nasser như thế xung khắc với quyền lợi của Pháp, Anh và Mỹ. Những bằng cớ khác là Ai Cập đã trợ giúp phong trào giành độc khỏi Pháp của Algeria, công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, chống việc thành lập METO (Tổ chức Hiệp ước Trung Đông). Năm 1956, Anh và Mỹ làm áp lực bằng cách hủy bỏ ngân khoản giúp xây dựng các đập nước. Nasser bèn trả đũa sau khi cân nhắc khả năng người quân Anh quay trở lại cũng như bị Israel tấn công. Ông lên án việc Phương Tây xen lấn nội bộ Ai Cập, và tuyên bố quốc hữu hóa kênh Suez. Đây là một đòn ngoạn mục, không những dằn mặt các nước Phương Tây mà còn kích động tinh thần của toàn khối Á Rập, ngay cả những đối thủ của Nasser đang tranh giành vị trí lãnh đạo của khối.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc phải họp để xem xét vấn đề Suez và đưa ra nghị quyết công nhận Ai Cập được quyền kiểm soát con kênh với điều kiện phải cho phép tàu thuyền của mọi nước, dân sự lẫn quân sự, được sử dụng. Liền sau đó Anh, Pháp và Israel cùng nhau âm mưu với một mật ước nhằm chiếm đoạt kênh Suez.
Quân Israel vượt qua bán đảo Sinai, tiêu hủy các đồn bót Ai Cập và tiến đến mục tiêu, còn Anh và Pháp dội bom các phi trường trong vùng. Amer đang là Tổng tư lênh Quân đội hoảng hốt vội vả triệt thoái khỏi Sinai và đề nghị Nasser kêu gọi ngừng bắn. Nasser tuy xuống tinh thần nhưng vẫn chiếm lấy quyền, tự tay chỉ huy quân đội. Ông cho mang các máy bay sang những nước bạn để tránh bị tiêu hủy, rồi ông cho lệnh ngăn chận lưu thông qua kênh Suez bằng cách đánh chìm khoảng 50 chiếc tàu ở đó. Amer tiếp tục muốn đầu hàng nhưng bị Nasser bác đi “Không ai được đầu hàng”.
Trong lúc đó chính quyền Eisenhower ở Mỹ cảm thấy bị làm nhục vì cuộc tấn công vào Ai Cập của ba nước, bị che dấu trong ngoại giao, và cùng lúc với cuộc khủng hoảng ở Hungary. Eisenhower lên án cuộc tấn công và ủng hộ một nghị quyết của Liên hiệp quốc khiến ba nước gây chiến phải phải rút lui. Qua biến cố này uy tín của Nasser lên cao trong khối Á Rập.
7. Ảnh hưởng đến các nước trong vùng
Năm 1958 đảng Cộng sản hoạt động quá mạnh ở nước láng giềng Syria nên chính phủ nước này đề nghị cùng với Ai Cập thành lập một liên bang “Liên hiệp Cộng hòa Á Rập” dưới sự lãnh đạo của Nasser để chống lại Cộng sản. Nasser đồng ý và trở thành Tổng thống của liên bang, ông biến Syria thành một bang “cảnh sát trị”, bắt giam các phần tử Cộng sản và các địa chủ nào chống lại cuộc cải cách ruộng đất vốn theo khuôn mẫu của Ai Cập trước đây.
Theo gương Nasser, một nhóm sĩ quan trong quân đội nước Iraq cũng tổ chức Phong trào Sĩ quan Tự do Iraq để rồi đảo chính và sát hại Vua Faisal và vị Thủ Tướng. Họ cũng thành lập Hội đồng Chỉ huy Cách mạng Iraq, với nhiều thành viên muốn gia nhập “Liên hiệp Cộng hòa Á Rập”, nhưng các thành viên chống đối lại thắng thế. Do đó nhóm thân Nasser bắt đầu được ông trợ giúp để tổ chức đảo chính và rồi thất bại thê thảm. Về sau, Nasser không kiểm soát nổi Syria vì nhiều vấn đề, nội bộ rối loạn cũng như bị các nước Á Rập láng giềng quấy phá do sợ liên bang sẽ lớn mạnh, rồi quân đội Syria nổi lên đảo chính thành công, do đó liên bang tan rã năm 1961.
Đề phòng tình trạng tương tự như Syria sẽ xảy ra cho Ai Cập, Nasser chú tâm tăng cường những kế hoạch xã hội cho đất nước. Tin rằng hoàn toàn đi theo chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết vấn đề, năm 1961 ông thi hành một chương trình quốc hữu hóa lớn. “Hiến chương Hành động Quốc gia” được đưa ra, tổ chức các hội thanh niên, viện nghiên cứu xã hội, luật lệ về tài sản, và các hợp tác xã nông nghiệp. Việc này dẫn đến số lượng xí nghiệp quốc doanh chiếm trên 50% và gây ra nhiều cuộc đàn áp với hàng ngàn người bị bắt giam kể cả một số sĩ quan quân đội. Vì Nasser ngày càng thiên về một hệ thống theo kiểu Xô viêt, vài vị phụ tá đã từ chức để phản đối. Tuy cai trị nước như một nhà độc tài nhưng Nasser vẫn được dân chúng Ai Cập và toàn khối Á Rập ủng hộ.
Ghi chú:
Phần tiểu sử của Nasser còn dài nhưng thiết nghĩ như thế cũng tạm đủ vì thời gian về sau tình hình Trung Đông hết sức phức tạp với quá nhiều chi tiết. Vài điểm chính được tóm tắt sau đây:
– Algeria trở thành độc lập khỏi Pháp
– Nasser thực hiện những chương trình cho dân chúng: y tế, giáo dục, nhà ở, mở rộng nữ quyền, …
– Nasser đỡ đầu việc thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) dẫn đến một loạt các vụ cướp máy bay để làm áp lực chính trị với Phương Tây trong cuộc xung đột với Israel.
– Năm 1967 trận chiến 6 ngày bùng nổ giữa Israel có Mỹ giúp ngầm, còn bên kia gồm Ai Cập, Syria, Jordan và sự chi viện của khối Hồi giáo. Chỉ trong hai ngày đầu, hầu hết các máy bay của khối Á Rập đều bị tiêu hủy (trên 400 chiếc). Israel thắng thế, chiếm bán đảo Sinai cũng như vài vùng đất của Syria và Jordan. Nasser tuyên bố từ chức nhưng rồi phải tiếp tục chức vụ vì dân chúng biểu tình đòi hỏi ông ở nguyên vị trí.
– Amer có ý làm phản nên bị bắt bỏ tù và tự sát. Còn Sadat làm Phó Tổng Thống.
– Năm 1969, Muammar al-Gaddafi, một Đại Úy 27 tuổi trong quân đội Lybia (nước láng giềng phía Tây của Ai Cập) từng du học ở Anh cũng theo gương Nasser, cùng một số sĩ quan trẻ đảo chính Vua Idris thành công, thành lập Hội đồng Chỉ Huy Cách mạng và tuyên bố khai sinh nước Cộng hòa Á Rập Lybia. Ông này cai trị Lybia theo đường lối còn cứng rắn hơn Nasser và sẵn lòng trợ giúp những tổ chức khủng bố nào trên thế giới có khuynh hướng chống Phương Tây.
– Năm 1970 Nasser đột ngột qua đời ở tuổi 52 vì bịnh tim, cả khối Hồi giáo đều để tang cho ông.
8. Một nước Ai Cập hậu Nasser
Sau khi Nasser qua đời, Phó Tổng thống Anwar Sadat, vốn từng thuộc nhóm Sĩ quan Tự do, lên thay thế. Lúc đầu ai cũng tưởng ông nhu nhược vì đã từng là bù nhìn dưới thời Nasser. Không ngờ ông tung ra một cuộc “Cách mạng Sửa sai” loại bỏ những thành phần cốt cán thân Nasser trong chính quyền và quân đội (vốn chủ trương kinh chỉ huy, đề cao tinh thần Á Rập và không dựa vào Liên Xô).
Sadat ký một hiệp ước hữu nghị với Liên Xô và được nước này gởi sang một số chuyên gia làm cố vấn. Năm 1973 Ai Cập và Syria bất ngờ mở cuộc tấn công quân Israel vào ngày lễ tôn giáo của nước này. Quân Ai Cập vượt qua kênh Suez đánh vào bán đảo Sinai, lúc đầu thắng thế làm cả thế giới kinh ngạc nhưng sau cùng quân Ai Cập bị bao vây trong lúc Liên hiệp quốc ra nghị quyết kêu gọi ngừng bắn. Tuy cuộc chiến coi như huề, nhưng về mặt chính trị những thành công ban đầu đã giúp phục hồi lòng tự hào của dân chúng Ai Cập cũng như dẫn đến hòa đàm với Israel và về sau Ai Cập giành lại được bán đảo Sinai.
Sadat dựa vào sự ủng hộ của dân chúng vì đã chiến thắng để đẩy mạnh sâu rộng những cải cách chính trị và kinh tế. Về chính trị ông cải tổ tòa án và các luật lệ, từng bước tháo bỏ bộ máy chính trị và đưa ra tòa xử một số viên chức bị cho là đã lạm quyền trong thời Nasser.
Về kinh tế, chính sách “mở cửa” giảm bớt sự chỉ huy của chính phủ và khuyến khích đầu tư tư nhân, dẫn đến chấm dứt những kiểm soát kiểu xã hội chủ nghĩa của Nasser. Những cải cách ấy tạo ra một giai cấp giàu có nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đa số người dân trung bình vốn ngày càng bất mãn với chính quyền của Sadat. Năm 1977 khi chính phủ loan báo sẽ ngưng kiểm soát giá cả các thực phẩm thì hàng trăm ngàn người đã tự phát nổi loạn chống đối; các tụ điểm ăn chơi trên những đường phố nổi tiếng bị tấn công. Biến cố này làm chính phủ phải thu hồi lại quyết định ấy.
Cùng năm 1977 Sadat là vị lãnh đạo Á Rập đầu tiên sang viếng Israel, đi bước đầu dẫn đến những hội nghị hòa bình. Hoàn toàn khác với Nasser, ông Sadat theo đường lối thân thiện với Israel và đồng minh với Mỹ. Ông được dân chúng trong nước ủng hộ về đối ngoại nhưng bị khối Á Rập lên án ghét bỏ. Thỏa ước Hòa bình Ai Câp – Israel được ký năm 1979 qua sự trung gian của Tổng thống Mỹ Carter. Theo một phần của thỏa ước, Ai Cập giành lại toàn bán đảo Sinai. “Hiệp hội các nước Á Rập” trục xuất Ai Cập ra khỏi tổ chức vì cho rằng Sadat đã phản bội và phá hoại sự đoàn kết của khối Á Rập.
Năm 1981 nhiều cuộc nổi loạn xảy ra trong khi dư luận lên án Sadat và gia đình dính líu vào tham nhũng. Nhóm Hồi giáo Jihad tuyển mộ các sĩ quan quan đội và tích trữ vũ khí chờ cơ hội lật đổ chính quyền Sadat. Nhà chiến lược của nhóm là một Đại Tá trong ngành Quân báo thảo kế hoạch nhằm sát hại Sadat, chiếm các cơ quan đầu não của quân đội và công an. Họ cũng dự tính chiếm bưu điện, các đài phát thanh, phát hình và từ đây sẽ phát đi lời kêu gọi dân chúng tổng nổi dậy. Nhưng tin tức bị lộ, Sadat ra lệnh bố ráp quy mô, bắt giữ hàng ngàn người với các khuynh hướng chính trị khác nhau.
Tuy nhiên cuộc bố ráp bỏ sót một tổ Jihad trong quân đội do Thiếu Úy Khalid Islambouli dẫn đầu. Chỉ một tháng sau, trong cuộc diễn binh kỷ niệm ngày vượt kênh Suez, Islambouli và tổ của mình đã sát hại Sadat ngay trên khán đài dù có bốn vòng an ninh bảo vệ vây quanh chặt chẽ. Islambouli bị bắt, bị xử tội và lãnh án tử hình. Đám tang của Sadat được rất nhiều chính khách thế giới về dự kể cả ba vị cựu Tổng thống Mỹ. Trong 24 nước thuộc khối Á Rập chỉ có Tổng thống Sudan đến dự với tư cách nguyên thủ (ghi chú: Sudan từng là một phần của Ai Cập, về sau tách rời ra).
Hosni Mubarak vốn đang là Phó Tổng thống, lên nắm quyền Tổng thống, về đối ngoại ông tiếp tục đường lối của Sadat đối với Israel và Phương Tây, trong khi tìm cách hòa giải với khối Á Rập. Các chương trình cải cách kinh tế của Sadat vẫn được tiếp tục rộng lớn hơn. Về chính trị trị Mubarak theo chính sách độc tài cách tương đối, tuy theo đa đảng, Đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền do ông lãnh đạo chiếm đa số 90% trong Quốc hội do dân bầu. Các đảng đối lập, hội đoàn, phong trào khá yếu và tổ chức kém hơn nên rất dễ bị đàn áp. Hơn nữa Hồi giáo là lực lượng mạnh nhất trong xã hội lại không được quyền lập chính đảng dựa vào tôn giáo.
Vị đại biểu cầm đầu đảng đa số trong Quốc Hội được cử làm Thủ tướng, cùng với Tổng thống lo việc hành pháp. Chức Tổng thống được dân bầu qua Trưng cầu Dân Ý nhưng Mubarak là ứng viên duy nhất giống như các vị tiền nhiệm, tuy nhiên vì áp lực của thời thế luật bầu cử đã được cải tổ hạn hẹp, cho phép các đối lập tham dự tranh cử. Cuộc bầu cử 2005 có thêm ứng viên đối lập Ayman Nour cùng tranh với Mubarak vốn thắng khá xa, dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối vì cho rằng có gian lận trong bầu cử và sau đó Nour bị bắt giam.
Năm 2007 Hiến pháp được Quốc hội sửa đổi theo sự đề nghị của Mubarak, cho chính phủ nhiều quyền hạn như theo dõi và bắt bớ, Tổng thống có quyền giải thể Quốc hội, và bãi bỏ việc kiểm soát bầu cử do ngành Tư pháp. Hiến pháp mới phải được Quốc hội chấp thuận rồi đem ra Trưng cầu Dân Ý. Trong khi các đại biểu đối lập không tham gia, người ta tiên đoán dân chúng Ai Cập cũng sẽ tẩy chay để phản đối điều mà họ cho là vi phạm những thực thi dân chủ. Sau cùng theo báo cáo, chỉ dưới 30% cử tri đi bầu và rồi bản Hiến pháp mới cũng được phê chuẩn.
Sự nhũng nhiễu về chính trị do Bộ Nội vụ ngày càng tăng vì có thêm nhiều quyền hành vốn dẫn đến việc lập ra những trại giam bí mật, tình trạng thường xuyên bắt bớ giam cầm các nhân vật chính trị vả những người hoạt động trẻ mà không xét xử, loại bỏ các nhân viên trường học, báo chí, đền thờ dựa trên quan điểm chính trị của họ. Ở cấp thấp, mỗi người cảnh sát không dựa vào luật pháp mà sẵn sàng vi phạm nhân quyền trong khu vực của mình như bắt giữ vô cớ, tra tấn và lạm dụng quyền hành cách tàn nhẫn. Trong dân chúng người ta truyền nhau câu nói “Người cảnh sát còn nguy hiểm hơn tên tội phạm”.
Cho đến năm 2010 Mubarak vẫn đang giữ chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ năm trong khi dân chúng cáo buộc ông và hai người con trai về tham nhũng cũng như sở hữu nhiều công ty tư nhân. Mubarak cũng tìm cách nâng vị thế người con thứ của mình trong Đảng Dân chủ Quốc gia, và dân chúng đồn đãi cho rằng đây là kế hoạch chuẩn bị cho việc kế vị ở chức vụ Tổng thống.
9. Nói thêm về Cải cách Ruộng Đất Ai Cập 1952
Trước cuộc cách mạng 1952 do Phong trào Sĩ quan Tự do, 6% dân số sở hữu hơn 65% đất đai của Ai Cập. Các địa chủ có toàn quyền trên đất của mình và cho thuê với giá cắt cổ, trung bình là 75% lợi tức mà người thuê kiếm được. Cộng với tiền lời cao phải trả cho ngân hàng, giới tá điền thường lâm vào cảnh nợ nần. Còn những nông dân đi làm mướn cũng bị ép giá, kiếm được từ 8 đến 15 đồng một ngày (nêu ra đây để so sánh với sau cải cách).
Sử gia Anouar Malek gọi thời gian này ở trong cảnh “quần chúng bi bóc lột và vây quanh bởi đói, bệnh và cái chết”. Một sử gia khác Robert Stephens cho rằng tình trạng không khác gì các nông dân Pháp trước cuộc cách mạng Pháp.
Luật Cải cách Ruộng Đất số 178:
– Địa chủ không được sở hữu hơn 100 feddans đất (1 feddan = 4200 mét vuông, 100 feddans = 42 mẫu tây)
– Giới hạn tối đa tiền cho mướn đất là 7 lần tiền thuế.
– Tiền công tối thiểu cho người làm thuê là 18 đồng mỗi ngày.
– Chính phủ lập các hợp tác xã cho nông dân có dưới 5 feddans, để nhận các dịch vụ như mua phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống và chuyên chở nông phẩm.
Ngoài ra luật cũng định cách phân phối số đất dư mua lại từ các địa chủ và bồi thường cho họ:
– Tất cả đất do chính phủ mua sẽ được bán lại cho nông dân nhưng mỗi đầu người không được nhận quá 5 feddans (2 mẫu tây) từ chính phủ. Người mua phải trả lại 115% giá bán trong vòng 30 năm cho chính phủ.
– Mỗi địa chủ có đất dư phải bán cho chính phủ được bồi thường bằng công khố phiếu 10 lần giá trị cho thuê đất, trả trong 30 năm với tiền lời 3%.
Tham Khảo
http://en.wikipedia.org/wiki/Gamal_Abdel_Nasser#Revolution
http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_modern_Egypt
http://www.infoplease.com/ipa/A0107484.html
http://www.touregypt.net/ehistory.htm
http://en.wikipedia.org/wiki/Egyptian_land_reform
http://en.wikipedia.org/wiki/Elections_in_Egypt
http://en.wikipedia.org/wiki/Six_Day_War
http://en.wikipedia.org/wiki/Muammar_al-Gaddafi
http://en.wikipedia.org/wiki/Anwar_el-Sadat
http://en.wikipedia.org/wiki/Egypt
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/eg.html
Nguồn bài đăng