18/06/2018, 16:29

Nhìn nhận xung quanh việc “trả đất” và quỳ gối” của Mạc Thái Tổ

Mạc Đăng Dung chào sứ thần triều Minh tại trấn Nam Quan năm 1540 (tranh trong cuốn An Nam lai uy đồ sách) Hoa Anh Đào Nói về vương triều Mạc, một vương triều luôn bị các sử gia phong kiến cũng như nhiều sử gia hiện nay không đánh giá cao và bị xem là “ngụy quyền’. Bởi ...

An_Nan_Lai_Wei_Tu_Ce

Mạc Đăng Dung chào sứ thần triều Minh tại trấn Nam Quan năm 1540 (tranh trong cuốn An Nam lai uy đồ sách)

Hoa Anh Đào

Nói về vương triều Mạc, một vương triều luôn bị các sử gia phong kiến cũng như nhiều sử gia hiện nay không đánh giá cao và bị xem là “ngụy quyền’. Bởi lẽ, theo sử sách ghi nhận lại thì Mạc Thái Tổ đã dâng đất cho giặc, đặc lợi ích dòng họ lên trên lợi ích của dân tộc. Cùng với đó là hành động cởi trần, việc tự trói mình quỳ trước tướng giặc nhà Minh là Mao Bá Ôn của vị vua này làm nhục quốc thể. Những hành động này bị giới trí thức Nho giáo đánh giá là hèn hạ và vô liêm sĩ. Bản thân chúng tôi, khi còn ở trong ghế nhà trường phổ thông, khi được thầy cô kể nghe về những sự kiện này của Mạc Thái Tổ cũng lấy làm uất ức và khinh bỉ. Tuy nhiên, sau này khi tìm hiểu khá kỹ về triều đại này, chúng tôi nhận ra nhiều điều mới mẻ đằng sau những lớp kí tự bị cắt xén. Bằng những gì đã tìm hiểu được chúng tôi có đôi điều suy nghĩ về Mạc Thái Tổ và vương triều này:

Thứ nhất, về tính chính danh của nhà Mạc trong lịch sử dân tộc

Nhà Mạc cũng như nhà Hồ bị các sử gia phong kiến xem là “ngụy triều’. Bởi nhà Mạc đã cướp ngôi của nhà Lê vào năm 1527. Việc cướp ngôi đó bị những người theo học thuyết Nho giáo lên án hết sực kịch liệt. Tuy nhiên, đặt bối cảnh lịch sử nước ta lúc bấy giờ, vua Lê ăn chơi sa đọa, đặc biệt là dưới 2 triều vua Lê Uy Mục (Vua Qủy) và vua Lê Tương Dực (vua Lợn). Đời sống nhân dân hết sức lầm than, hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra. Đặc vào bối cảnh lịch sử trên, nhà Lê mất ngôi là chuyện một sớm một chiều. Và Mạc Đăng Dung là người gánh sứ mệnh lịch sử trên. Ông phế truất nhà Lê, lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Mạc. lúc đó nhà Mạc đứng trước những khó khăn rất lớn và hiểm nguy, kinh tế kiệt quệ tiêu điều, tình hình chính trị xã hội bất ổn, đói kém loạn lạc diễn ra khắp nơi, nhân dân phiêu tán, tan cửa nát nhà. Đây là hậu quả của quá trình vua quan nhà Lê dần dần suy thoái. Trong bối cảnh rồi ren đó, nhà Mạc đã có những chính sách đúng đắn để bình ổn tình hình trong nước, chính trị xã hội được ổn định. Chỉ trong vòng 10 năm, nền kinh tế nước ta được khôi phục đến 8 phần. Nguyễn Bỉnh Khiêm một cựu thần của nhà Lê, thấy cảnh thiên hạ thái bình, đã khuyên các sĩ phu đương thời “nên lâu khô hai dòng lệ tiếc thương nhà Lê mà hãy hướng về phía trước, giúp nhà Mạc xây dựng đất nước”.

Ta có thể thấy rằng, nhà Mạc lên ngôi hợp với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ và trong quá trình xây dựng đất nước tuy chỉ tồn tại từ năm 1527 đến 1592, sau đó chạy lên Cao Bằng, tiếp tục thêm 80 năm nhưng nhà Mạc đã có công xây dựng một nền kinh tế, văn hóa, giáo dục khá phát triển, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Thời kỳ nhà Mạc mới nổi, sản xuất nông nghiệp phát triển tốt, đời sống nhân dân được ấm no. Sử sách chép những năm đầu thời Mạc “được mùa, nhà nhà no đủ, mọi người gọi là thời thái bình thịnh trị, giá thóc rẻ hơn, thuế nhẹ dịch ít, tư pháp nghiêm minh, trộm cướp mất tăm”…. [12, tr 467]

Nhà Mạc quan tâm củng cố hệ thống đê điều chống lũ lụt, đào kênh mương dẫn nước tưới tiêu hoặc quai đê lấn biển, khai phá các bãi bồi ven biển. Các đoạn đê Chân Kim, đê Kinh Điền (Hải Phòng) hay đê Hà Nam (Hưng Yên, Quảng Ninh) vẫn được dân gian lưu truyền gọi là “đê nhà Mạc”. Ngày nay vẫn còn dấu vết của các dòng kênh như kênh Voi ở An Lão, kênh Cái Riếc ở Vĩnh Bảo được khai đào từ thời Mạc.

Với chính sách kinh tế cởi mở, nhà Mạc chủ trương không “ức thương” hay “bế quan tỏa cảng” như nhà Hậu Lê. Điều đó khiến ngoại thương nước Đại Việt có những bước chuyển biến tích cực [12, tr483] cấm tư thương kinh doanh gốm sứ của nhà Minh ở Trung Quốc trong gần 2 thế kỷ (1371 – 1567) là cơ hội thuận lợi cho gốm sứ Đại Việt mở rộng thị trường tới vùng Đông Nam Á mà không gặp phải nhiều sự cạnh tranh. Các làng gốm sứ nổi tiếng như Bát Tràng, Chu Đậu, Hợp Lễ và một số trung tâm khác như Nam Sách, Bình Giang, Chí Linh (Hải Dương) ngoài việc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và đồ cống phẩm còn có số lượng lớn để xuất khẩu. Trung tâm gốm Bát Tràng được thuận lợi nằm giữa kinh kỳ Thăng Long và phố Hiến, dọc sông Hồng – đường thủy nối hai đô thị này với cửa ngõ thông thương ra thế giới bên ngoài. Đồ gốm sứ Chu Đậu từ nơi sản xuất ngược sông Thái Bình đến Nấu Khê, xuôi theo sông Kinh Thầy ra cảng Vân Đồn hoặc xuôi sông Thái Bình sang sông Luộc đến phố Hiến. Từ phố Hiến, đồ gốm Chu Đậu theo thuyền buôn sang Trung Quốc và Nhật Bản hay các nước phương Tây. Vùng gốm Hợp Lễ nằm trên hệ thống sông Đò Đáy – Kẻ Sặt, cũng là một tuyến đường thủy quan trọng đi ra nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á.

Nhà nghiên cứu Nhật Bản Hasebe Gakuji cho rằng: Sự có mặt của đồ gốm Đại Việt ở Nhật Bản có ảnh hưởng lớn đến một số lò gốm của quốc gia này, tạo ra phong cách mô phỏng theo gốm Việt Nam mà người Nhật gọi là gốm Kochi (Giao Chỉ) như lò gốm Onuke ở Seto[12, tr484].

Kết quả khai quật tháng 2 năm 1990 ở các quần đảo Đông Nam Á cho thấy, có gốm cổ Đại Việt gồm bát, đĩa, chậu cảnh, hũ nhỏ, bình nước, gốm da lươn… thuộc niên đại thời kỳ này đã đến Malaysia, Brunei, Philippines, Indonesia. Các nhà nghiên cứu khẳng định đây là những bằng chứng về việc thông thương mạnh mẽ giữa nhà Mạc với các quốc gia xung quanh.

           Trong sự phát triển và ổn định chung của đất nước đầu thời Mạc, thì một số cựu thần nhà Lê, trong đó có Nguyễn Kim tìm mọi cách chống đối nhà Mạc. Năm 1533, Nguyễn Kim tôn phò một người con út của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lập nên làm vua lấy hiệu là Lê Trang Tông. Nhà Lê được Trung Hưng, đóng đô ở Thanh Hóa, không ngừng xây dựng lực lượng chống đối với nhà Mạc tạo nên cục diện Nam – Bắc Triều. Đất nước lại một lần nữa rơi vào cảnh chiến tranh, phân ly, loạn lạc. Đây là những điều nằm ngoài ý muốn của nhà Mạc. Cảnh nồi da xáo thiệt này đem đến nhiêu hậu quả tai hại. Cùng với đó là thời kỳ đất nước rơi vào tình cảnh hơn 3 thế kỷ chiến tranh và chia cắt. Nhà Mạc không có nhiều thời gian hòa bình để tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ hai, đối với việc nhà Mạc trả đất cho nhà Minh. Chúng tôi có suy nghĩ sau:

Đứng trước cục diện Nam – Bắc triều, nhà Minh thấy cơ hội để xâm lược nước ta nên vua Minh sai tướng Mao Bá Ôn mang theo 20 vạn quân tiến sát biên giới nước ta. Âm ưu của chúng là nhân tình hình trong nước bất ổn, có nội chiến, mượn cớ “phù Lê diệt Mạc” như đã làm dưới thời Hồ để chiếm nước ta lần nữa. Đứng trước tình hình đó, Mạc Đăng Dung phải trá hàng với quân Minh để tránh nạn tai ương, chấp nhận triều cống hằng năm, công nhận 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm và Liễu Cát thuộc về lại nhà Minh. Việc trá hàng và trả đất đó bị lịch sử lên án hết sức nặng nề. Vậy thì cụ thể sự thật như thế nào. Chúng tôi may mắn là thế hệ sau, được các nhà sử học đi trước đã mở đường khai phá và cung cấp những kiến thức đúng đắn và rõ ràng về sự kiện này.

Qua tìm hiểu, thì việc trả lại đất mà thường được gọi là “việc cắt đất của nhà Mạc cho nhà Minh” từng bị nhiều nhà sử học trong nước phê phán gay gắt và Mạc Đăng Dung được coi là “chủ mưu” trong việc này bị lên án là người “không biết liêm sĩ” là kẻ phản quốc như trong cuốn Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim đã viết như sau: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là một nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi; lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cỡi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lại ở trước của một tướng quân địch để cầu lấy cáu phú quý một cho thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sĩ”. Cuối cùng tác giả kết luận: “Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người, là không có nhân phẩm; một người như thế mà ai kính phục…”[11: tr 145]. Đánh giá ấy của học giả Trần Trọng Kim bị nhà sử học miền Nam Lê Văn Hòe, năm 1951 phê phán là người đã “giáng một quả búa quá nặng lên đầu Mạc Đăng Dung”. Trong những năm cuối của thế kỷ XX, giới sử học Việt Nam đã có những cách nhìn nhận lại về Mạc Đăng Dung và vai trò của dòng họ này trong lịch sử dân tộc mà tiêu biểu là hội thảo khoa học “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử” được tổ chức năm 1994 ở Hải Phòng. Đã có những đánh giá khách quan, đúng đắn và công bằng hơn. Theo như sự tìm hiểu của chúng tôi qua một số tư liệu thì đúng là nhà Mạc đã có hành động đầu hàng nhà Minh ở biên giới phía Bắc vào năm 1540. Tuy nhiên đây chỉ là nghi thức đầu hàng không ngoài mục đích làm hài lòng nhà Minh. Với sự đầu hàng này, nhà Mạc đã chấp nhận những điều kiện do nước lớn láng giềng định ra, như chấp nhận phụ thuộc dưới quyền bá chủ của nhà Minh và phải nộp cống hằng năm cho họ. Để đổi lại, nhà Mạc tránh được nguy cơ bị chinh phạt và đất nước được độc lập. Về sự kiện trả đất, theo sử liệu cho biết, Mạc Đăng Dung đã có ít nhất hai lần “cắt đất” cho nhà Minh. Đó là vào năm 1528, cắt hai châu Quy Thuận và năm 1540 cắt một số động sát nhập vào Khâm Châu.

      Về sự kiện được gọi là cắt đất năm 1528, chỉ duy nhất được nêu trong Đại Việt sử kí toàn thư, rằng: “sợ nhà Minh hỏi tội, Đăng Dung bèn lập mưu cắt đất, dâng nhân dân hai châu Quy Thuận và hai hình người bằng vàng bạc, cùng là châu báu, của lạ, vật lạ…”[10: tr 606]. Thực tế đã không có sự kiện trả lại hai châu này. Ở trong phần trình bày cương giới phía Bắc Đại Việt dưới thời Lý thì chúng tôi đã trình bày hai châu Quy Thuận là châu Quy Hóa và châu Thuận An mà trước đó là hai động Vật Dương và Vật Ác bị nhà các tù trưởng nộp cho nhà Tống khi chúng xâm lược Đại Việt năm 1076. Như vậy, sự ghi chép trong Toàn Thư về việc nhà Mạc trả hai châu Quy Thuận cho nhà Minh là sự nhầm lẫn hết sức đáng tiếc.

          Về sự kiện năm 1540, thì số lượng cũng như tên gọi của các động mà nhà Mạc trả lại cho nhà Minh được ghi chép rất khác nhau. Vùng biên giới phía bắc thời bấy giờ có ba “đô”  là Như Tích, Thời La và Chiêm Lãng với 7 động là Chiêm Lãng, Thời La, Tư Lẫm, Liễu Cát, Cổ Sâm, Kim Lặc và La Phù. Trong đó các động Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát và Kim Lặc thuộc đô Như Tích, còn các động Cổ Sâm, Chiêm Lãng thuộc đô Chiêm Lãng, động Thời La thuộc đô Thời La. Mỗi động có một Động chủ đứng đầu. Như vậy, từ thời Tống đến thời Minh, xuất hiện ba loại đơn vị hành chính: đô, động và thôn. Mỗi đô gồm từ một đến bốn động, mỗi động có trên dưới bảy thôn. Cả thảy ba đô, bảy động kia thuộc vào Khâm Châu (Trung Quốc). Nhưng năm 1427 khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi thì bốn Trưởng động Tư Lẫm,  Kim Lặc, Liểu Cát thuộc đô Như Tích và động Cổ Sâm thuộc đô Chiêm Lãng quy phục nhà Lê, nhà Minh đã nhiều lần cho người kêu gọi các Động trưởng này quay trở về nhưng đều thất bại vì vậy từ đó bốn động này sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Nhưng vào năm 1540 khi nhà Minh đe dọa quân sự ở phía Bắc, con cháu của các Động trưởng đã thuần phục Đại Việt liền bỏ về quy phục lại nhà Minh. Rõ ràng nhà Minh đã lấy lại bốn động này trước sự kiện Mạc Đăng Dung đầu hàng. Tình thế hết sức căng thẳng đã buộc nhà Mạc phải chấp nhận một việc đã rồi, và kết cục trong tờ giải trình của Mạc Đăng Dung: “Thủ thần Khâm Châu tâu xưng là 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm và Liễu Cát của 2 đô Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu. Nếu quả như vậy, thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận mà có. Nay hạ thần xin dâng đất ấy lệ vào Khâm Châu”[5: tr 126].

           Vậy là Mạc Đăng Dung chưa hề cắt đất cho nhà Minh, nhưng ông đã phải quàng cổ và chấp nhận sự kiện các Động trưởng của bốn động ở sát biên giới Đông Bắc trở lại với nhà Minh. Với những vùng đất này, nhà Mạc cũng không thể tránh khỏi đối mặt với lời viện cớ từ thời Tống rằng: “Những đất mà nhà Tống chiếm đóng, thì sẽ trả lại cho Giao Chỉ, nhưng đất mà thủ lĩnh của nó tự theo về thì không thể trả lại được”[9: tr 289]. Tương tự như vậy, thì nhà Mạc làm sao có thể giữ lại bốn động trong khi các động trưởng đã theo nhà Minh? Nhà Mạc đã rất khôn khéo trong cách ứng xử này, không bị mất mát gì mà làm cho nhà Minh rất hài lòng trong việc thu phục lại đất cũ của họ, tránh được mối họa ngoại xâm kề cận.

Hành động “làm nhục quốc thể” này của Mạc Thái Tổ đáng được ca ngợi hơn là chịu sự gièm pha của người đời. Ông đã dám can đảm hi sinh danh dự của bậc đế vương để cứu cho dân tộc ta một đại họa. Giúp hàng vạn người tránh được đại họa chết chóc, chia ly. Chiến tranh đâu phải trò chơi, khi bùng nổ, máu và nước mắt sẽ nhấn chìm hàng vạn gia đình. Mạc Thái Tổ đã đặt lợi ích dân tộc lên trên danh tiếng của cá nhân. Đó là một sự nhẫn nhục vĩ đại, sự hạ mình vì nước, vì dân. Thử hỏi trong thiên hạ cổ kim có mấy ai làm được điều trên. Điều này rất đáng được trân trọng. Phải chăng, với truyền thống giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, không cần suy xét thiệt hơn của dân tộc đã phải hi sinh của hàng triệu triệu người vô ích. Trong cuộc giằng co với thế lực ngoài bang hùng mạnh, chúng ta không nhất thiết phải đổ máu. Hãy dùng lí trí để suy xét thiệt hơn. Trong lịch sử dân tộc, Mạc Đăng Dung chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của “bầu nhiệt huyết” phải đổ máu của dân tộc ta. Rất nhiều người trong số họ đã nhìn nhận ra được sự thiệt hơn trong quan hệ bang giao. Tác giả bài viết không có ý định cổ súy sự nhún nhường, sợ hãi sức mạnh từ các thế lực ngoại bang. Tác giả chỉ muốn dựa vào các việc làm của các bậc tiền nhân để người đời nay trong phương sách chiến lược ngoại giao ngoài tấm lòng yêu nước hãy dùng lí trí để suy xét lợi ích của dân tộc, tránh những cuộc đổ máu vô ích.

Như vậy, dù chỉ tồn tại không dài trong lịch sử dân tộc. Nhưng những hành động thiết thực của vương triều Mạc đáng được thế hệ sau biết ơn và khắc ghi. Thay vì, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo nặng nề khi đánh giá về vương triều này. Lịch sử cần được trả về với sự thật của nó.

Một số tài liệu tham khảo:

  1. Đào Duy Anh (2010), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  2. Huỳnh Công Bá (2011), Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
  3. Phan Huy Chú (2009), Lịch triều hiến chương loại chí, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2007), Các triều đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Đinh Khắc Thuân (2002), Lịch sử vương triều Mạc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội
  6. Viện Sử học (1996), Vương triều Mạc (1527 -1592), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
  7. Trần Thị Vinh, Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc, hơn 20 năm nghiên cứu và nhận thức, Nxb Khoa học xã hội.
  8. Hội sử học (1996), “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Nxb Khoa học xã hội, HN.
  9. Hoàng Xuân Hãn (2003), Lý Thường Kiệt (lịch sử ngoại giao và tông giáo Triều Lý), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội.
  10. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt Sử ký toàn thư, bản dịch, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  11. Trần Trọng Kim (2006), Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
  12. Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. HN
0