Thủ pháp thể hiện
Không gian hợp lý Chậu cảnh non bộ là bức tranh lập thể, vì thế cần tạo không gian trong tranh hợp lý, có chiều sâu thì mới đưa lại hiệu quả nghệ thuật. Nghệ thuật viên lâm thì trong vườn người ta có thể ở và du ngoạn được, còn nghệ thuật chậu cảnh chỉ cho phép người ta du ngoạn bằng trí tưởng ...
Không gian hợp lý
Chậu cảnh non bộ là bức tranh lập thể, vì thế cần tạo không gian trong tranh hợp lý, có chiều sâu thì mới đưa lại hiệu quả nghệ thuật. Nghệ thuật viên lâm thì trong vườn người ta có thể ở và du ngoạn được, còn nghệ thuật chậu cảnh chỉ cho phép người ta du ngoạn bằng trí tưởng tượng, bằng tinh thần. Vì vậy khi chế tác cần tư duy kĩ để cho tiện một không gian nhỏ hẹp mà diễn tả được cảnh núi non hùng vĩ. Các cảnh sắc ở đây là núi non, sông suối, đình chùa v.v… thì phải rất hài hoà trước sau mới thành cảnh, mới đạt được ước muốn. Non bộ là bức tranh tự nhiên được thu gọn lại. Vì thế, tuy kích thước của nó có thể là nhỏ bé rất nhiều so với tự nhiên nhưng cảnh sắc thì lại không được thua kém mà phải cao hơn, phong phú hơn tự nhiên, mới đạt được ý nguyện:
“ Một vùng trời đất trong tay
Nước non thu lại vườn này mà chơi”
(Nhất Chi Mai)
Với cái không gian ấy phải tạo ra sao cho có tầng thứ, lớp lang hài hoà thuận mắt. Không những thế phải làm sao cho mọi sóc nhìn đều đẹp, đểu có ý nghĩa.
“Hoành khán thành lĩnh, trắc thành phong
Viễn, cận, cao, đê, các bất đồng “.
(Tô Đông Pha)
Tạm dịch:
Nhìn ngang thì là dòng núi, nhìn nghiêng là ngọn núi
Nhìn xa, gần, cao, thấp đều không giống nhau.
Tất nhiên, đấy là mong muốn, chắc ít ai có thể đắp non bộ được như vậy. Song ít ra cũng đạt được không gian tứ vi thuận mắt và có ý nghĩa, nhất là những non bộ đặt giữa sân, vườn. Để tạo không gian hợp lý, người ta thường vận dụng “tam viễn pháp ” trong hội họa là cao viễn, thâm viễn, bình viễn.
Cao viễn thường được áp dụng trong việc làm các non bộ độc phong (một ngọn) hoặc song phong (hai ngọn) nhưng ở thế hùng vĩ, hiểm trở, vách núi thường thẳng đứng, tạo ra thế cao vời vợi, Thâm viễn thường được áp dụng trong việc tạo các non bộ có khe núi, hang động, cũng biểu thị sự hiểm trở, cheo leo.
Bình viễn tả cảnh từ gần đến xa, thường được dùng trong non bộ để tả cảnh mênh mông, khoáng đạt của tự nhiên, sông ngòi, hồ biển. Để cho bức tranh có chiều sâu thì cảnh ở gần nên cao to, cảnh ở xa nên thấp bé.
“ Núi xa lúp xúp chân mây
Bờ sông khép lải hàng cây thấp dần “
(Trần Đăng Khoa)
Câu thơ đó đã lột tả được ý tứ của thủ pháp “ bình viễn” Cao viễn, thâm viễn, bình viễn
Tỷ lệ cân đối
Để tạo cảnh, trên non bộ người ta thường bố trí các phối kiện như đình, tháp, chùa chiền, cầu cống, động vật, cây cối, v.v… Nếu núi có nhiều ngọn thì tỷ lệ giữa các núi chủ và núi khách cũng cần hài hòa.
Núi cần tạo ra thế ổn định vững chắc, vì thế chân núi cần tối thiểu có cảm giác vững chắc. Sườn núi là phần chủ yếu, là nơi phô diễn vẻ đẹp của non bộ, cần có dường nét, dáng vẻ, tránh thô kệch. Ngọn núi cũng góp phần làm đẹp non bộ, thường thì không nên quá nhọn hoặc quá tù. Nếu tạo cảm giác núi trẻ hoặc nhấp nhô nhiều đỉnh thì các đỉnh đó không nên quá tù. Người Trung Quốc thường nói: núi mà không có đỉnh thì không đẹp, đỉnh mà đứng một mình thì không hùng tráng, dãy núi mà không nhấp nhô thì không chân thực.
Nếu trong chậu non bộ có núi chủ và núi khách thì cần giữ tỷ lệ thích hợp. Nếu mô tả cảnh gần (cận cảnh) thì theo kinh nghiệm nước ngoài, chiều cao núi khách không vượt quá 80% (tốt nhất là 60-70%) núi chủ. Nếu mô tả cảnh ở xa (viễn cảnh) thì chiều cao núi khách bằng 40% núi chủ. Giữa chậu và núi cũng cần có tỉ lệ hài hoà, thông thường chiều cao của núi chính bằng 65% chiều dài của chậu. Tuy vậy cũng tuỳ theo ý đồ thiết kế, chậu cảnh loại to hay loại nhỏ mà chiều cao núi chính có thể dao động từ 50-80% chiều dài chậu.
Cây cối, chùa tháp, người ngựa trên núi cũng phải có tỉ lệ nhất định. Tí lệ đó được rút gọn trong một câu là: “ Trượng sơn, xích thụ, thốn mã, phân nhân” nghĩa là núi một trượng, cây một thước, ngựa một tấc và người một phân. Ở tỉ lệ này, cái sau bằng 1/10 cái trước theo thứ tự giảm dần. Cái khó ở đây là việc trồng cây như thế nào trong khi núi thì thu nhỏ mà cây trên núi thì lại lớn làm cho toàn bộ cảnh không cân đối. Nói chung, ở đây cần nhỏ bé, ngọn cây tròn, cành nên gấp khúc để tỏ ra già lão và nên là các cây chịu hạn.
Trong non bộ, ngọn núi chính bao giờ cũng là bộ phận quan trọng, là hạt nhân của cảnh. Hình thái, màu sắc, vân đá hoặc nếp gấp của ngọn núi chính thường là đẹp nhất, cho nên khi trồng cây không nên che lấp những cái đó. Nếu có trồng thì phải trồng hai bên sườn hoặc phía sau núi, đây cũng là ứng dụng nguyên tắc giữa “lộ và tàng” trong nghệ thuật chậu cảnh. Góc có thể là: Măng leo, Bỏng nổ, Sơn liễu, Sam núi, Trắc dây, Trúc tăm, Cần thăng, Gừa, v.v…
Vận dụng thuật so sánh linh hoạt
Một bức tranh đẹp bao giờ cũng hàm chứa thuật tương tỉ (so sánh với nhau) như sáng tối (màu sắc thì là đậm nhạt), xa gần, động tĩnh, hư thực, cao thấp… Một cảnh được coi là đẹp thì cảnh đó phải sống động:
” Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha “
(Nguyễn Du)
Ở đây “cầu” là tĩnh, “nước chảy” là động, “tơ liễu”, “thướt tha” là động. Câu thơ này cùng có thể gợi ý cho một non bộ ra đời.
Trong non bộ thì núi là tĩnh, chùa tháp, cầu cống là tĩnh; ngược lại, người, ngựa, cây cối là động, Trong tranh cũng phải có “cương”, có “nhu”. Đá là tĩnh cũng là cương, nước là động cũng là nhu; đường thẳng là cương, đường cong là nhu. Cương nhu tương tế, uyển chuyển thì sẽ đẹp. Trong tranh cũng phải có hư, có thực. Thực là cái nhìn thấy được hoặc nhìn rõ ràng. Hư là cái không nhìn thấy được hoặc nhìn không rõ, mờ mờ, ảo ảo. Trên phương diện khái quát thì non bộ là hư, chỉ là khái quát hoá hiện thực. Suối trong non bộ không phải là suối thật, núi cũng không phải là thật, nhưng cảnh tạo ra trên non bộ lại bắt nguồn từ cảnh thật. Chùa, tháp trên non bộ là hư, nhưng không vì thế mà có thể đặt tuỳ tiện bất cứ chỗ nào trên non bộ cũng được, sẽ không đẹp, không hài hòa. Việc đặt chùa, tháp ở vị trí nào trên non bộ lại phải bắt nguồn từ thực tiễn. Cái hư trong non bộ phản ánh cái thực, bắt nguồn từ cái thực. Vì thế người Trung Quốc thường nói ” hư trung hữu thực, hư thực tương sinh”