18/06/2018, 16:28

Mấy nét phác thảo về đội ngũ danh nhân văn hóa vùng đất Phủ Lạng Thương

TS. Khổng Đức Thiêm Nhìn chung, khái niệm về vùng đất Phủ Lạng Thương trong những năm cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX (1895 – 1945) chỉ bao hàm không gian của hai làng Thọ Xương (làng Thương) và Châu Xuyên (làng Dền) dồn lại, tức là chỉ rộng chừng 180 ha, bằng 1/37 diện tích ...

SOng ngoi bac giang(1).gif

TS. Khổng Đức Thiêm  

Nhìn chung, khái niệm về vùng đất Phủ Lạng Thương trong những năm cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX (1895 – 1945) chỉ bao hàm không gian của hai làng Thọ Xương (làng Thương) và Châu Xuyên (làng Dền) dồn lại, tức là chỉ rộng chừng 180 ha, bằng 1/37 diện tích thành phố Bắc Giang hiện tại. Mặc dù có phần nhỏ bé và khiêm nhường nhưng vùng đất ấy lại có vị thế trọng yếu về quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa của toàn bộ khu vực Bắc Kỳ. Với nhiều dãy phố mang dáng dấp kiến trúc theo lối Tây phương, có nhà ga xe lửa và giang cảng tấp nhập tàu thuyền, Phủ Lạng Thương trở thành miền đất hứa cuốn hút nhiều sĩ tử văn nhân và là cái nôi khai nở cho không ít tài năng trác việt cho đất nước sau này.

Đội ngũ danh nhân văn hóa được sinh ra và hội tụ đồng đại với quá trình hình thành và phát triển của Phủ Lạng Thương, một thực thể song song tồn tại với đội ngũ các nhà cách mạng của Việt Nam Cách mạng Thanh niên như Nguyễn Hữu Căn, Nguyễn Văn Mẫn, Trịnh Văn Chiêm, Trịnh Thị Uyển, Trịnh Thị Nhu, Khổng Văn Quỳ, Lê Văn Thư, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Yến, Tạ Thị Viên, Tạ Thị Duy hoặc của Việt Nam Quốc dân Đảng như Phó Đức Chính, Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang. Dưới đây, là một số kết quả sưu tập, nghiên cứu ban đầu:

A. ĐỘI NGŨ DANH NHÂN TRONG LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI

  1. Phạm Thành Tính, thường gọi là Nghị Tính (1892 – 1930), anh trai nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (Phạm Thành Tích), nguyên quán Do Nha (Thanh Chương, Nghệ An), bị đày tới vùng núi Lạng Sơn từ nhỏ do cụ nội, ông nội và phụ thân đều tham gia phong trào Văn thân. Sau khi hết hạn tù đày, năm 1918 ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Ngần chuyển cả gia đình về định cư tại Phủ Lạng Thương buôn bán thóc gạo, trở thành một thương gia có hạng, là Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ khóa đầu tiên vào năm 1926.

Năm 1927, ông đã xuất cảng thẳng từ Phủ Lạng Thương sang Hồng Công 5.000 tấn gạo. Trong số các con cái, luật sư Phạm Thành Vinh và Phạm Thành Chính có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Luật sư Phạm Thành Vinh từng là Ủy viên Hội Luật gia quốc tế.

Luật sư Phạm Thành Chính, tức Trung tướng Phạm Hồng Sơn (1923 – 2013), từng theo học tại trường Bưởi và trường Luật Hà Nội, tham gia Tổng hội sinh viên. Sau khi cách mạng thành công, ông vào trường Quân chính rồi về Trung đoàn Bắc Bắc – tiền thân của Trung đoàn 36 – Đại đoàn Quân Tiên Phong; trải qua các chức vụ Tham mưu trưởng Quân khu Hữu ngạn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự.

  1. Đỗ Thúc Phách, còn gọi là Cử Phách (1895 – 1957), nguyên quán Đại Mão (Thuận Thành – Bắc Ninh), đậu cử nhân khoa Ất Mão – 1915. Sau khi bỏ nghề giáo học tại trường Pháp – Việt Phủ Lạng Thương, ông định cư tại đây và chuyển sang kinh doanh thực nghiệp. Với 820ha đồn điền, ông dành tới 563ha trồng lúa, còn lại trồng cỏ để chăn nuôi, trải khắp Hiệp Hòa (Bái Thượng, Đăng Ngoại, Vụ Nông, Ngọc Thành, Sơn Giao), Lạng Giang (Song Khê, Yên Khê, Mỹ Thái, Hoành Mô, Lễ Nhượng, Phi Mô, Phú Xuyên, Quảng Mô), Lục Ngạn (Từ Xuyên, Vô Tranh), Yên Thế (Đại Hóa, Giản Ngoại, Lan Thượng, Ngọc Lý). Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ngoài việc đưa toàn bộ khu biệt thự ở Phủ Lạng Thương để Ủy ban Nhân dân cách mạng thị xã làm trụ sở, ông còn hiến toàn bộ các đồn điền để Nhà nước chia cho dân cày.

Ông lần lượt được giao các trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã Phủ Lạng Thương, Hội trưởng Hội Việt – Hoa thân thiện, Ủy viên Trung ương kiêm Hội trưởng Hội Liên Việt Liên khu Việt Bắc. Do những đóng góp và công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, tháng 3 – 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư động viên rằng, Cụ và các cháu thật xứng đáng toàn gia kháng chiến, phụ tử giới binh.

Con trai trưởng của ông là Đỗ Ngọc Châu, sinh năm 1918, một nhân sĩ yêu nước, đậu Tú tài Văn chương, từng giữ chức vụ Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền Liên khu Việt Bắc, biên tập viên Tạp chí Học tập, Chủ nhiệm khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

  1. Ngô Tiến Cảnh (1896 – 1991), quê quán Đáp Cầu (Bắc Ninh), ngụ tại phố Á Lữ, Phủ Lạng Thương. Ông là thầu khoán và kỹ nghệ gia có tên tuổi, người đầu tiên khai thác và đặt tên cho mỏ phốt phát Vĩnh Thịnh (Hữu Lũng). Vào năm 1929 ông đã cùng các ông Nguyễn Văn Ninh – Nghị viên khu Tân Ninh, Nguyễn Văn Sĩ – Chánh tổng Dĩnh Kế, Nguyễn Đức Tiến – Chánh tổng Phi Mô tham gia Ban Trị sự Nông phố Ngân hàng tỉnh Bắc Giang; năm 1931 với tư cách Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nông phố Ngân hàng, ông được mời tham gia Hội đồng tư vấn trồng lúa Bắc Kỳ – Trung Kỳ; năm 1938 là Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ. Ông đã từng hợp sức với các Nghị viên Bắc Ninh đưa các đơn thỉnh cầu bãi bỏ sự độc quyền nấu và phân phối rượu của hãng Fontaine, đã cho phép các tiểu nông được nấu rượu lúc nông nhàn; giảm thuế xuất cảng gạo, định lại giá đồng bạc Đông Dương, gia hạn đổi tiền cũ lấy tiền mới.

Trong năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông xuất hiện với tư cách Hội phó Hội Cứu tế Bắc Bộ (cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng) do Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức chuyên lo việc vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc để chống nạn đói đang hoành hành. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, khi đang là Giám đốc Á Tế Á dân thuyền, ông được Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính mời ra làm Cố vấn đặc trách chăm lo việc tiếp tục chuyên chở thóc gạo như trước, được toàn quyền trong việc huy động xe lửa cùng các phương tiện vận tải khác để thực thi nhiệm vụ trọng đại trên. Ngoài ra, ông còn được giao việc đưa lương thực, chăn màn quần áo, vũ khí tiếp tế cho bộ đội đang chiến đấu trên chiến trường Nam Trung Bộ. Tiếp theo đó, ông được giao giữ chức Chủ tịch Cuộc vận động Mùa đông binh sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp, nói chuyện thân mật và nhận chiếc áo trấn thủ từ tay ông tại nơi làm việc của Người. Hiện, tro cốt của ông đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh.

  1. Phạm Văn Lạng (1900 – 1981), chính quán Phủ Lạng Thương, thuở nhỏ theo nho học, rồi học trường Tây tại Hà Nội. Năm 1920, ông đỗ ngạch Cán sự công chính, làm việc tại Sở Đạc điền thành phố nhưng chỉ một năm sau, ông chuyển sang làm ở Phnôm pênh (Campuchia). Những năm 30 của thế kỷ XX, sau khi lập gia đình với bà Đào Thị Ngọc Thư, ông vừa học để có bằng Trắc địa sư vừa tham gia vào tổ chức yêu nước của Việt kiều, do đó năm 1941 gia đình bị trục xuất về Sài Gòn. Đến nơi ở mới, bà Đào Thị Ngọc Thư mở cửa hàng ca nhạc mang tên Aristo còn ông lập Văn phòng Trắc đạc tại 18 Tạ Thu Thâu (nay là Lưu Văn Lang). Cả hai địa điểm nhanh chóng trở thành nơi tụ họp của giới văn nghệ sĩ yêu nước.

Khi cuộc kháng chiến Nam Bộ trở nên dữ dội, ông bà đem gia đình lên bưng biền, cho cả 2 con trai vào bộ đội – một trong số đó sau là nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu nổi tiếng.

Sau năm 1954, gia đình ông ở lại Sài Gòn, tiếp tục là nơi nuôi dấu cán bộ, địa điểm liên lạc của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Ông là một thành viên tích cực vận động phong trào đấu tranh, tiến tới thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tìm bắt ông không được, chính quyền Sài Gòn đã bắt bà đem giam hết nhà tù Thủ Đức, Phú Lợi lại đến Côn Đảo. Sau khi bà được tự do một thời gian, chúng lại bắt cả ông bà giam cầm tại trại giam của Tổng nha Cảnh sát và nhà giam Tân Hiệp (Biên Hòa). Tháng 3-1974, ông bà được trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Lộc Ninh nhưng ông đấu tranh đòi bắt ở đâu phải trả ở đấy. Chúng đưa ông về Sài Gòn tiếp tục giam giữ đến tận cuối năm 1974.

Ông mất năm 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh.

  1. Trịnh Quang Chấn, bút danh Đào Dương (1909 – 1978), chính quán Hải Dương, sinh tại Phủ Lạng Thương trong một gia đình trung lưu theo đạo Tin Lành.

Trịnh Quang Chấn có nhiều thơ, truyện ngắn in trên các tờ Ích Hữu, Đông Phương, Ngày Nay, Tiểu thuyết Thứ năm, Bạn Đường từ những năm 30 của thế kỷ trước; dạy học tại trường tiểu học sơ đẳng tư thục Tinh Hoa do Lã Hữu Quỳnh sáng lập và làm Hiệu trưởng đặt ở phố Nghĩa Long; tham gia Salông thơ Sông Thương; cùng Trần Kim Xuyến hoạt động tích cực trong phong trào truyền bá quốc ngữ. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban Cách mạng thị xã. Từ năm 1952, phụ trách Ty Tuyên truyền Văn nghệ tỉnh Bắc Giang; cùng Tú Mỡ, Anh Thơ sáng tác thơ, kịch và xúc tiến thành lập Chi hội Văn nghệ đầu tiên ở địa phương.

Hòa bình lập lại, ông tiếp tục công tác trong ngành văn hóa Bắc Giang, xuất bản 2 tập truyện thơ lịch sử Cành hoa bến Ngọc (1957), Thạch tướng quân (1958) tại Nhà xuất bản Phổ thông.

Người bạn trăm năm của ông là bà Nguyễn Thị Quý, em gái của các bà Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang – các đảng viên trọng yếu của Việt Nam Quốc dân Đảng.

  1. Lã Hữu Quỳnh (1911 – 1977), nguyên quán Bình Lục (Hà Nam), gia đình lên làm ăn tại Phủ Lạng Thương từ hồi đầu thế kỷ XX. Do có năng khiếu bẩm sinh ông được theo học chương trình của École Universelle de Paris, trở thành người chơi violon có hạng. Năm 1937, ông là Hiệu trưởng trường tiểu học sơ đẳng tư thục Tinh Hoa đặt tại phố Nghĩa Long và mở Salông thơ Sông Thương thu hút nhiều văn nghệ sĩ như Trịnh Quang Chấn (Đào Dương), Trần Minh Tước (Xích Điểu), Bàng Bá Lân, Anh Thơ.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Trưởng ty Giáo dục Bắc Giang rồi về Khu Giáo dục Việt Bắc. Nguyễn Đăng Mạnh nhớ lại:

“Ở Sở Giáo dục Việt Bắc, tôi thích trò chuyện nhất với anh Lã Hữu Quỳnh. Anh có bằng Tú tài bản xứ. Tiếng Pháp giỏi. Anh lại là một nhạc sĩ, một cây violon. Anh có vẻ thích triết học. Tôi kém anh nhiều tuổi, được anh coi là bạn vong niên. Có lần anh định làm mối cho tôi một cô cháu gái của anh nhưng việc không thành. Một hôm tôi đưa ra nhận xét: – Những cái vòi của cây bí, cây bầu cứ vừa bò vừa dò dẫm để bắt lấy, quấn lấy những thanh tre bắc trên giàn, dường như cũng là một thứ sinh vật có cảm giác, có linh hồn vậy! Anh Quỳnh nói: – Anh có khuynh hướng về triết học đấy!

Anh Quỳnh tỏ ý khâm phục chúng tôi chỉ vì chúng tôi thuộc thế hệ trẻ, thế hệ của tương lai. Anh cho tôi mượn nhiều cuốn sách rất quý, thường là sách tiếng Pháp”.

Năm 1955 ông cùng với các nhạc sĩ Tạ Phước, Tô Vũ, Lê Yên, Doãn Mẫn, Thái Thị Liên tham gia thành lập trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1958 ông là Ủy viên Thư ký Thường trực phụ trách công tác Đảng tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam và là một trong những hội viên đầu tiên của tổ chức này.

  1. Trần Minh Tước (1910 – 2003), tên thật là Nguyễn Minh Tước với nhiều bút danh Xích Điểu, Thương Biền, nguyên quán Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội), theo gia đình sống ở Phủ Lạng Thương từ nhỏ. Sau khi có bằng Tú tài, ông bắt đầu làm báo, viết văn, cộng tác với Thời báo Nông Công thương, Phụ nữ thời đàm, cho ra mắt tiểu thuyết Cô lái đò sông Thương và truyện khoa học viễn tưởng Hy sinh, dạy học tại trường tiểu học sơ đẳng tư thục Tinh Hoa và có chân trong Salông thơ Sông Thương do Lã Hữu Quýnh tổ chức; tiếp tục viết bài cho tờ Le Travail (Lao động), L’Esser Indochinois (Đông Dương cất cánh); tham gia tích cực phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Năm 1938, ông vào Sài Gòn dạy học, viết bài cho Tờ Le Peuple (Dân chúng) và Báo Mới. Năm 1939, ông bị bắt và đưa đi lưu đày ở nhà tù Sơn La. Tại đây, ông cùng nhiều bạn tù làm tờ Suối Reo, viết kịch, dựng kịch, sáng tác thơ ca. Thoát khỏi nhà tù, ông tham gia giành chính quyền và trở thành Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lạng Sơn rồi tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực báo chí ở Liên khu Việt Bắc trong thời gian kháng chiến chống Pháp.

Hòa bình lập lại, ông giữ chức Vụ trưởng Vụ Báo chí, Giám đốc Sở Báo chí Trung ương, Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Thống Nhất. Ông là cây bút trào phúng có bản lĩnh, đánh địch giỏi và phê phán tiêu cực thần tình. Các văn phẩm châm biếm, đả kích của ông nổi trội hơn cả.

  1. Trịnh Như Tấu (1915 – 1947), bút danh Nhật Nham, chính quán làng Thương, Phủ Lạng Thương. Sau khi có bằng Tú tài toàn phần tại trường Bưởi, ông được nhận làm Tham tá Tòa sứ các tỉnh Bắc Giang, Hà Nam, Lào Cai, Hưng Yên. Mặc dù bận rộn trong công việc của nhân viên cao cấp nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian sáng tác, khảo cứu, lần lượt cho ra đời Vị tiền, Trịnh gia thế phả (1933), Hưng Yên địa chí, Gương luân lý (1934), Phật giáo với thuyết luân hồi, Hoa xưa ong cũ (1936), Bắc Giang địa chí (1937) cùng hàng trăm phóng sự, bài viết công bố trên táp chí Tri Tân.

Thời kỳ 1941 – 1945, ông là nhân viên Phòng kiểm duyệt báo chí Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, là một yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng. Sau cách mạng tháng 8, ông là đại biểu Quốc hội khóa 1 và giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Ông mất năm 1947 tại Yên Thế khi đang trên đường lên Việt Bắc.

Em trai ông, nhà giáo Trịnh Như Nghê (1921 – 2003) cũng có nhiều bài viết giá trị được công bố trên tạp chí Tri Tân ngay từ khi còn là học trò trường Bưởi như Đọc triết học Nietzche của Nguyễn Đình Thi (Trị Tâm, 3-1943), Tết Đà Lạt (Tri Tân, 3-1945).

  1. Đỗ Chỉ (1916 – 1995), chính quán Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) theo gia đình lên Phủ Lạng Thương từ nhỏ, là giáo học dạy môn thể dục và tiếng Pháp, người duy trì trò chơi đá cầu dân gian và đã cùng Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn – bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nuôi dưỡng thành môn thể thao đá cầu Việt Nam.

Sau khi các cuốn Em tập đá cầu (Nhà xuất bản Thể dục thể thao), Đá cầu trong trường phổ thông (Nhà xuất bản Giáo dục) của ông ra mắt, môn Đá cầu ông Chỉ phát triển ngày càng rộng rãi trong tất cả bậc học toàn quốc.

Anh trai ông, bác sĩ Đỗ Văn tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, từng là lãnh đạo ngành y tế tỉnh Bắc Giang.

  1. Vũ Dung (1917 – 1983), chính quán thành phố Bắc Ninh, đã qua trường Võ bị thời Pháp thuộc, có nhiều đóng góp vào việc xây dựng và giảng dạy tại trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, sau đó là Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Lào (1949 – 1950), Trưởng ty Giáo dục tỉnh Thái Nguyên.

Hòa bình lập lại, ông là giáo viên sử trường cấp 2 – 3 Ngô Sĩ Liên cho đến khi nghỉ hưu (1955 – 1980). Do say mê nghiên cứu, ông đã cho ra đời các công trình Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục), Từ điển ca dao Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin), Từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa.

  1. Trần Kim Xuyến (1921 – 1947), chính quán Hương Sơn (Hà Tĩnh). Sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Vinh, ông thi đỗ ngạch Thông phán, được bổ việc ở Tòa sứ tỉnh Bắc Giang (1939). Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, ông được Đảng phân công tham gia Ban trị sự của Chi nhánh Hội truyền bá Quốc ngữ tỉnh Bắc Giang, trụ sở đặt tại trường con gái Phủ Lạng Thương (Ecole des jeures filles PLT); đứng ra thành lập Đoàn Hướng đạo sinh Sông Thương, trực tiếp phụ trách đội Sói Con với biệt hiệu Con Sóc. Năm 1944 ông được thuyên chuyển về Hà Nội, làm việc tại Sở Cung cấp ngũ cốc, do lộ nên bị bắt giam ở Hỏa Lò. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông cùng một số bạn tù vượt ngục, tiếp tục hoạt động và tham gia giành chính quyền ở Hà Nội, được giao nhiệm vụ tiếp quản và vận hành các cơ quan thông tấn, các cơ sở kỹ thuật thông tin của chính quyền cũ, chuẩn bị cho lễ Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình, nhận trách nhiệm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, là đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang khóa 1.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lo việc di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật thông tin viễn thông và nhiều tài liệu quan trọng của Nha Thông tin lên chiến khu. Ông hy sinh anh dũng trong trận càn của quân Pháp tại Sơn Tây. Ngày 23-4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho những công trạng và đóng góp của ông.

  1. Nguyễn Xuân Oánh (1921 – 2003), quê gốc Đa Ngưu (Văn Giang, Hưng Yên), phụ thân là bác sĩ Nguyễn Xuân Bái lên Phủ Lạng Thương định cư và lập nghiệp từ đầu thế kỷ XX, do đó ông sinh trưởng và gắn bó những năm tuổi thơ với phố Đào Ký mà bạn bè cùng trang lứa như Nguyễn Thương, Trịnh Như Tấu vẫn còn ghi nhớ.

Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế Đại học Harvard năm 1954, trở thành nhân viên của Ngân hàng Thế giới, Tổ hợp Tài chính quốc tế. Năm 1963, ông trở về miền Nam, một thời gian sau được cử làm Thống đốc Ngân hàng rồi Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn tướng Nguyễn Khánh nắm quyền (1964 – 1965).

Trong khi một số người chọn con đường ra nước ngoài vào thời điểm chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ thì với ý nghĩ ở lại đất nước sẽ giúp được nhiều cho nhân dân hơn là đi Mỹ, ông quyết định không rời khỏi Sài Gòn và đã được Nhà nước trọng dụng, đặc biệt từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Nhiều ý kiến của ông về việc cải cách các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư nước ngoài được tiếp nhận. Với tư cách là cố vấn kinh tế cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những đóng góp của ông càng trở nên vô giá đối với sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ông là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty dịch vụ đầu tư thành phố Hồ Chí Minh.

  1. Đào Tùng (1925 – 1990) tên thật là Đỗ Trung Thành, nguyên quán Châu Xuyên, Phủ Lạng Thương, được Nhà nước cử đi học tập dài hạn ở Liên Xô, khi trở về liên tục giữ chức Phó Tổng giám đốc rồi Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ.

Với Thông tấn xã Việt Nam, ông là người có công xây dựng đơn vị thành trung tâm thông tin chiến lược quốc gia, tiên phong trong lĩnh vực vi tính hóa, điện tử hóa công nghệ truyền phát, khởi xướng ấn hành ba ấn phẩm trở thành thương hiệu của Thông tấn xã Việt Nam: Tuần tin tức, Thể thao và Văn hóa, Khoa học kỹ thuật và kinh tế thế giới.

  1. Thái Duy sinh năm 1926, chính quán Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội), do việc phụ thân được bổ làm Thừa phái tại dinh Tuần phủ Bắc Giang, nên gia đình ông lập nghiệp và sinh sống ở Phủ Lạng Thương từ hồi đầu thế kỷ XX. Năm 1948 ông là phóng viên báo Cứu quốc (tiền thân của báo Đại đoàn kết) và công tác ở đó cho đến lúc nghỉ hưu, tuy có một thời gian vào công tác tại chiến trường miền Nam, làm việc tại Hội Văn nghệ Giải phóng, có tác phẩm Sống như anh với bút danh Trần Đình Vân làm sôi động một thời.

Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, viết không nhiều nhưng các tác phẩm của ông đều gắn với các giai đoạn lịch sử cách mạng của dân tộc như Hải Phòng anh dũng (1960), Người tử tù Khám lớn (1980), Đổi mới ở Việt Nam – nhớ lại và suy ngẫm (2008), Khoán chui hay là chết (2013).

Ông là nhà báo, nhà văn, nhà xã hội tâm huyết với nghề, không né tránh những vấn đề gay cấn và sự thật.

B . ĐỘI NGŨ DANH NHÂN TRONG LĨNH VỰC VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT

  1. Nguyễn Giang (1904 – 1969), con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh, quê gốc Thường Tín (Hà Nội), sinh tại Phủ Lạng Thương khi phụ thân là Đổng lý Văn phòng Tòa sứ Bắc Giang, mẫu thân là Đinh Thị Tính mở cửa hàng buôn bán nhỏ ở đây trong các năm từ 1902 đến 1906. Ông từng du học hơn 10 năm (1923 – 1934) tại Pháp, thông thạo 4 ngữ Pháp, Anh, Trung, Nhật và tuy có bằng Cử nhân luật nhưng ông hoạt động nhiều trên lĩnh vực báo chí (chủ trương ra các tờ Âu Tây tư tưởng, Đông Dương tạp chí, Bình Minh), viết kịch và truyện ngắn, hội họa và làm thơ (tập thơ Trời xanh thẳm in năm 1935) và thành tựu lớn hơn cả là dịch thuật (Danh văn Âu Mỹ – 1936, Macbet – 1938, Hămlét – 1939, Hecnani, Sôphô, Chuyện Grim – 1950).

Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đánh giá: “Nguyễn Giang là một họa sĩ, một nghệ sĩ, ông có tài ở thơ nhiều hơn là dịch. Thơ ông, tuy lời cổ nhưng ý mới; còn văn dịch của ông ngay ở những chỗ đúng nghĩa và hay nhất, vẫn có vẻ thật thà”.

  1. Lê Văn Trương (1906 – 1964), chính quán Hà Đông nhưng gia đình lên lập nghiệp và định cư ở phố Nghĩa Long, Phủ Lạng Thương từ hồi đầu thế kỷ XX. Khi đang theo học tại trường Bưởi, ông bị đuổi học vì cầm đầu vụ phản đối viên Hiệu trưởng nhục mạ học sinh. Năm 1926, ông thi đậu vào Sở Bưu điện Đông Dương, được cử sang Campuchia làm việc. Năm 1930, ông bỏ việc đi khai khẩn đồn điền rồi đi buôn bán tận Thái Lan, Trung Quốc. Trở lại Phủ Lạng Thương, ông cộng tác với các tờ Trung Bắc tân văn, Tiểu thuyết thứ Bẩy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Truyền bá, Việt Nam hồn.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt tham gia Ủy ban đãi vàng Bắc Bộ, Tiểu ban Văn nghệ Liên khu III, tham gia các trận đánh ở Nam Định, Hòa Bình. Năm 1953 ông xin phép về Hà Nội rồi vào Sài Gòn làm thầu khoán, tái bản sách, nhân viên Đài Phát thanh.

Ông có đến 200 tác phẩm, trong đó có 96 cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản. Năm 2006, Nhà xuất bản Văn học đã cho ra đời bộ sách 2 tập Lê Văn Trượng – tác phẩm chọn lọc.

  1. Bàng Bá Lân (1912 – 1988) chính quán Bình Lục, Hà Nam nhưng ông sinh tại phố Tân Ninh, Phủ Lạng Thương, nguyên dòng Nguyễn Xuân, mới đổi họ Bàng được ba đời. Khi ngoài 20 tuổi, ông đã xuất bản tập thơ riêng Tiếng thông reo (1934), hoạt động rất sôi động trong Salông thơ Sông Thương. Năm 1941, ông xuất bản chung với Anh Thơ tập Xưa, hoàn thành tập Tiếng sáo diều.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông vào Sài Gòn, sống bằng nghề dạy học tư, viết báo, chụp ảnh và có thêm các thi phẩm Thơ Bàng Bá Lân, Tiếng võng đưa, Vào thu và các tập Người vợ câm, Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại.

Bàng bá Lân luôn tái hiện trong thi phẩm của mình một chốn quê mùa tỉnh Bắc hồn hậu, ân tình, lặn sâu vào kỷ niệm và tâm khảm của biết bao thế hệ. Ông là thi nhân lớn của quê nhà.

  1. Trịnh Hữu Ngọc (1912 – 1997) chính quán làng Thọ Xương, năm 1931 theo học lớp dự bị và năm sau đỗ chính thức vào khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1937, ông ra trường nhưng không nhận chức Thanh tra mỹ thuật học vụ, tự mở xưởng trang trí nội thất, thiết kế và đồ gỗ ở phố Hàng Đậu và rong ruổi khắp nơi ký họa về người và cảnh. Năm 1939 mở xưởng lớn hơn ở 78 Hàng Bông Nhuộm.

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông hoàn thành toàn bộ nội thất đồ gỗ tại 48 Hàng Ngang cho thân chủ Trịnh Văn Bô, vừa lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về đó khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập. Theo đề nghị của Nguyễn Hữu Đang và Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, ông đóng góp toàn bộ gỗ và công thợ cho lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng gia đình tản cư một thời gian rồi trở về Hà Nội, dựng phòng thử nghiệm sơn mài. Hòa bình lập lại, nhiều tranh của ông được Phủ Chủ tịch chọn mua, chuyên cơ AN24 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông trang trí nội thất. Rồi suốt mấy chục năm tiếp theo, ông lặng lẽ vẽ và nghiên cứu Kinh dịch. Năm 1991, ông đưa gần 300 tranh phong cảnh và tĩnh vật sang trưng bài ở Paris. Tết năm 1993 ông về Bắc Giang lần cuối, dự chạp họ với tư cách Trưởng dòng họ Trịnh ở Thọ Xương.

Tài sản hội họa của Trịnh Hữu Ngọc để lại vô cùng lớn với dăm, bẩy trăm bức sơn dầu, sơn mài và phấn màu có giá trị. Nhưng tài sản đáng giá nhất là lớp con cháu ông với những nghệ sĩ piano nổi tiếng Trịnh Thị Ánh, Trịnh Thị Nhân, Trịnh Thị Nhàn; các họa sĩ Trịnh Hữu Trí, Trịnh Thị Nhã, Trịnh Tú và nhà dịch thuật nổi tiếng Trịnh Lữ – một tài hoa trong một gia đình trí thức – nghệ sĩ có nhiều người tài hoa.

  1. Anh Thơ (1918 – 2005) tên thật là Vương Kiều Ân, chính quán làng Thọ Xương, Phủ Lạng Thương, khi nhỏ phải theo phụ thân làm viên chức thuyên chuyển nhiều nơi (Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang).

Bà làm thơ rất sớm, 17 tuổi đã có tập Bức tranh quê được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn. Về sau bà thường xuyên viết bài cho các tờ Đông Tây và một vài báo khác. Tham gia Việt Minh, bà lần lượt là Bí thư Hội Phụ nữ các huyện Việt Yên, Lục Ngạn, Bắc Sơn, Hữu Lũng và Ủy viên Thường vụ Hội Phụ nữ Bắc Giang, Lạng Sơn; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; Biên tập viên tạp chí Tác phẩm mới và Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2007 bà được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tác phẩm của bà chủ yếu là thơ. Bên cạnh Bức tranh quê, Xưa (1942) còn có Hương xuân (1944), Kể chuyện Vũ Lăng (1957), Theo cánh chim câu (1960), Đảo Ngọc (1964), Quê chồng (1979), Lệ sương (1995). Ngoài ra còn có tiểu thuyết (Răng đen – 1943) và hồi ký (Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng sông chia cắt – 2002).

Em trai bà, Vương Đan Hoàn – bút danh Thạch Đăng, nhà biên kịch, khá nổi tiếng với kịch bản phim Người thủ lĩnh áo nâu.

  1. Hoàng Như Mai (1919 – 2013), sinh tại Phủ Lạng Thương trong một gia đình quan lại cao cấp (phụ thân là Tuần phủ tỉnh Bắc Giang Hoàng Thọ Cảnh), quê gốc Nội Am (Thanh Trì, Hà Nội). Học xong trường Bưởi, ông đậu Đại học Y khoa và Đại học Luật Đông Dương tại Hà Nội, là giáo học trường Trung học tư thục Đông Hải (Hải Dương) ngay từ khi còn là sinh viên. Năm 1948, Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình mời làm Hiệu trưởng trường trung học Phan Thạnh, sau đó lần lượt giữ các chức vụ trên tại trường Sư phạm Việt Bắc, trường Sư phạm trung cấp Trung ương.

Từ hòa bình lập lại cho đến khi qua đời, ông là cán bộ giảng dạy tại Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trương Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh. Ông được phong Giáo sư năm 1982, Nhà giáo Nhân dân năm 1990.

Trước cách mạng, ông được Nhà xuất bản Hàn Thuyên in và phát hành hàng loạt tác phẩm như Thặng dư giá trị, Đời sống thợ thuyền trong đời sống tư bản, Lênin và Cách mạng tháng Mười. Ngoài ra ông còn có nhiều tác phẩm sáng tác và nghiên cứu như Tiếng trống Hà Hồi (kịch, 1948), Dòng sông biên giới (kịch, 1957), Văn học Việt Nam hiện đại (1961), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, 1982), Trần Hữu Tráng – soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986), Nhận định về cải lương (1986), Trao cho nhau cuộc đời (thơ, 1993), Hoàng Như Mai tuyển tập (2005).

  1. Hoàng Hữu Đản (1922 – 2012), quê gốc Quảng Bình nhưng sống với gia đình và gắn bó với Phủ Lạng Thương từ trước năm 1945. Tốt nghiệp tú tài nhưng ông khá thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hy Lạp và La tinh, được nhận vào làm thư ký Tòa sứ Bắc Giang. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông làm Chủ bút tờ Công lý của Mặt trận Liên Việt, giáo viên ngoại ngữ và văn học ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ (Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh).

Từ năm 1954 ông về dạy văn, sử tại trường phổ thông cấp III Ngô Sĩ Liên – Bắc Giang rồi chuyển sang nghiên cứu, sáng tác, dịch thuật. Ngoài một số vở kịch (Bí mật vườn Lệ Chi, Người con gái Nguyễn Du, Gặp gỡ tất yếu, Mất mát và đền bù, Đứa con hư) ông còn dịch cổ văn học Hy Lạp (Trường ca Homère, Những bi kịch, Hài kịch và một số tác phẩm sử học), kịch thơ Pháp (Le Cid), thơ Việt sang tiếng Pháp (Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính, Thơ điên – Hàn Mặc Tử), tiểu thuyết Việt sang tiếng Anh (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh).

Ông được Nhà nước Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm hạng ba (2000) và hạng nhì (2008).

  1. Tô Vũ (1923 – 2014), tên thật là Hoàng Phú, sinh tại phố Tân Ninh, Phủ Lạng Thương. Do sớm được tiếp xúc với tân nhạc, ông đã lập ra nhóm Đồng Vọng tập hợp các nhạc sĩ trẻ để sáng tác những bài ca động viên lòng tự tôn dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Ban Văn nghệ tuyên truyền tỉnh Kiến An và cho ra đời nhạc phẩm Em đến thăm anh một chiều mưa nổi tiếng. Năm 1950, ông đầu quân cho Ban Nghiên cứu âm nhạc do Văn Cao phụ trách, lần lượt cho ra đời các ca khúc Cấy chiêm, Nhớ ơn Hồ Chí Minh, Như hoa hướng dương.

Sau năm 1975, ông là Viện phó Viện Nghiên cứu âm nhạc, phụ trách bộ phận phía Nam và được tặng Giải thưởng Nhà nước về vặn nghệ thuật (2001).

  1. Ngô Vĩnh Viễn (1924 – 1994), quê gốc Hà Nội, sinh trưởng tại Phủ Lạng Thương. Ông từng là Thường vụ Tỉnh đoàn Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Bắc Giang. Năm 1948, ông chuyển về Văn phòng Hội đồng Quốc phòng tối cao (Văn phòng Thường trực Hội đồng Chính phủ) rồi nhập ngũ, là Chính trị viên Đội Vũ trang tuyên truyền P50 Lào Bắc. Trong khoảng thời gian 1950 – 1955, ông là Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, phụ trách Ban Tuyên truyền Liên lạc quốc tế. Từ 1955 – 1963 ông là Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong rồi chuyển sang làm biên tập viên Nhà xuất bản Văn học, báo Văn nghệ, tham gia Hội đồng dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam.

Các dịch phẩm của ông gồm Chuông nguyện hồn ai, Kỹ sư Lôbanốp, Truyện ngắn của O. Henry, Nữ thánh Gian, Ký sự những mối tình nghèo, Lửa và hủi, Hồng Kông thuở ấy.

  1. Bành Bảo (1926 – 1997) sinh tại Phủ Lạng Thương khi phụ thân làm viên chức còn phụ mẫu – cô ruột doanh nhân Ngô Tiến Cảnh, lên buôn bán lập nghiệp ở đây. Năm 1940, gia đình chuyển lên Bố Hạ. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông thoát ly gia đình, hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền báo chí và công tác dân vận trong vùng địch hậu Bắc Ninh rồi sau đó, cùng em trai về công tác ở Xưởng phim Việt Nam, được giao viết lời giới thiệu cho phim tài liệu nghệ thuật Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Năm 1964, trở về từ Đại học Điện ảnh Matxcơva, ông làm việc tại Xưởng phim truyện và giảng dạy tại trường Điện ảnh Việt Nam. Năm 1967, ông cùng Trần Vũ, Nguyễn Thụ viết kịch bản phim Khói, tiếp theo đó là các kịch bản phim truyện nổi tiếng Đến hẹn lại lên, Chuyến xe bão táp, Người chưa biết nói, Những người đã gặp, Ngọn tháp Hà Nội… Giành được 2 giải Bông sen vàng, 1 giải Bông sen bạc, giải thưởng chính tại Liên hoan phim Karlory Vary (Tiệp Khắc), giải đặc biệt của Ban Giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Đamát (Xiry), 3 giải nhất tặng riêng tác giả kịch bản điện ảnh. Ngoài việc tham gia làm các phim tài liệu Qua cầu Công lý, Hồ Chí Minh – chân dung một con người, với tư cách Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghệ thuật, ông đã tham gia soạn nhiều giáo trình cho trường Đại học Sân khấu điện ảnh, viết lý luận và phê bình và xây dựng bộ Sơ thảo Lịch sử điện ảnh Việt Nam.

  1. Lê Đạt (1929 – 2008) nguyên quán làng Á Lữ (làng Bè), Phủ Lạng Thương, nhưng do phụ thân là nhân viên Sở Hỏa xa Hải Phòng – Vân Nam, làm việc tại Yên Bái nên ông được sinh ra tại xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên với tên khai sinh là Đào Công Đạt. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông tiếp tục theo học ở trường Bưởi. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông trở lại Phủ Lạng Thương tiếp tục theo học tại trường Trung học Hoàng Hoa Thám. Năm 1949, ông về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương làm Thư ký riêng cho Tổng Bí thư Trường Chinh rồi được biệt phái Hội Văn hóa Cứu quốc, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Được coi là trụ cột của Nhân văn – Giai phẩm, ông bị kỷ luật rất nặng. Trong suốt hơn 30 năm im lặng, ông vẫn âm thầm sáng tác và trở thành nhà thơ cách tân hàng đầu của nền thơ hiện đại nửa sau thế kỷ XX.

Ông có các thi phẩm nổi tiếng như Cha tôi, Bài thơ trên ghế đá, Ông bình vôi. Năm 1988, ông được phục hồi Hội tịch và sau đó cùng với ba nhà thơ khác cùng liên can tới Nhân văn – Giai phẩm là Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

  1. Bành Châu, sinh năm 1930, em trai Bành Bảo. Trong kháng chiến chống Pháp, tham gia công tác tuyên truyền ở Yên Thế rồi về Ty Thông tin tỉnh Bắc Giang. Năm 1950, theo học Khóa Phát động tại trường Văn nghệ nhân dân Trung ương, kết thúc khóa học, tình nguyện tham gia Đoàn Cán bộ tuyên truyền gây cơ sở địch hậu vùng trắng Sơn La – Lai Châu, tham gia làm tờ Lai Châu kháng chiến rồi về Xưởng phim Việt Nam trở thành biên tập viên, người viết thuyết minh cho phim tài liệu – thời sự.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Điện ảnh Matxcơva, ông có nhiều kịch bản và lời bình cho thể loại phim tài liệu và truyền hình: Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Tiếng trống trường, Làng nhỏ ven sông Trà, Đầu sóng ngọn gió, Lũy thép Vĩnh Linh, Một ngày trực chiến với nhiều giải thưởng Bồ câu vàng, Bông sen vàng. Nhiều kịch bản của ông được dựng thành phim: Đường về quê mẹ (Bông sen vàng, giải nhất Simponium Á – Phi – Mỹ Latinh tại Karlory Vary, giải nhất Liên hoan phim Quốc tế Ấn Độ, giải kịch bản Hội Điện ảnh Việt Nam), Hoa thiên lý, Nắng mới, Đêm Bến Tre, Ai giận ai thương, Thằng Bờm, Thằng Cuội…

Ông còn là nhà báo, dịch thuật, nghiên cứu và với tư cách Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghệ thuật có nhiều đóng góp cho công tác đào tạo, là một trong số không nhiều người làm điện ảnh thông thạo các ngoại ngữ Nga, Anh, Pháp. Tạp chí Điện ảnh – Kịch trường do ông làm Tổng Biên tập để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Ông là nhà biên kịch tiêu biểu, có nhiều cống hiến thuộc loại hàng đầu ở Việt Nam.

  1. Phạm Trọng Cầu (1935 – 1998), con trai nhà yêu nước Phạm Văn Lạng, tham gia quân đội tại Tiểu đoàn 308 rồi chuyển sang Trung đoàn Cửu Long. Do bị thương và bị mất một chân, ông được mẫu thân đưa về Sài Gòn cứu chữa. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông cho ra đời nhạc phẩm Trường làng tôi nổi tiếng đến tận ngày nay.

Năm 1953, ông theo học tại Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Năm 1962, ông thi đậu vào Nhạc viện Paris, lại có nhạc phẩm Mùa thu không trở lại sống mãi trong lòng mọi người. Năm 1969, ông trở về Sài Gòn giảng dạy tại trường cũ, bí mật hoạt động cách mạng nên bị chính quyền Sài Gòn giam giữ trong nhiều năm (1972-1975).

Khi đất nước thống nhất, ông làm việc tại Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Ông để lại nhiều ca khúc cho thiếu nhi trong giai đoạn này như Nhịp cầu tre, Em nhớ mãi ngày này và đặc biệt là nhạc phẩm Cho con.

  1. Tạ Xuyên tên đầy đủ là Tạ Ngọc Xuyên, sinh năm 1943, chính quán làng Thọ Xương, Phủ Lạng Thương. Năm 1961 trúng tuyển lớp diễn viên Đoàn Kịch nói Quân đội. Năm 1968 chuyển sang làm chiến sĩ văn nghệ trong Đoàn Nghệ thuật Quân đội hoạt động tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị.

Năm 1972, ông được cử đi học Khoa Đạo diễn trường Đại học Sân khấu Điện ảnh quốc gia Lêningrát. Tốt nghiệp loại ưu với vở dựng theo kịch bản Những con hươu xanh của A.Kôlômiát. Năm 1978 ông về nước làm Đạo diễn Đoàn Kịch nói Quân đội. Năm 1983, là Chủ nhiệm Khoa Diễn viên trường Nghệ thuật Quân đội.

Từ năm 1991, Tạ Xuyên là Trưởng đoàn Kịch nói Quân đội, có các tác phẩm và làm đạo diễn chính các vở kịch: Những con hươu xanh (Đoàn Kịch nói Quân đội), Cuộc đời và năm tháng, Người đàn bà sau tấm cửa xanh (Đoàn Kịch Hà Nội), Những khuôn mặt tôi yêu, Thành phố lặng gió (Đoàn Kịch nói Quân đội), Âm thanh kỳ diệu, Huyền thoại biển (Đoàn Kịch nói Quân đội), Quán vắng (Đoàn Kịch nói Quân đội).

  1. Trịnh Lữ, sinh năm 1948, con trai của danh họa Trịnh Hữu Ngọc, tên thật là Trịnh Hữu Tuấn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ – Địa chất, ông không theo nghiệp được đào tạo mà về làm việc tại Ban tiếng Anh thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi làm phóng viên tác nghiệp nhiều nơi trên thế giới, ông chuyển sang làm biên tập các bản tin thế giới. Năm 1987, ông chuyển cả gia đình sang Mỹ sinh sống vì lúc này ông làm việc cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Năm 1990, ông được học bổng theo học chuyên ngành truyền thông Đại học Cornell. Năm 2002, vợ chồng ông trở lại Hà Nội.

Ông là người dịch và thuyết minh cho bộ phim tài liệu 13 tập Một thiên lịch sử bằng truyền hình và dịch giả các cuốn Cuộc đời của Pi, Con nhân mã trong vườn, Truyện ngắn Úc, Hội họa Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa, Bí mật chôn vùi sự thật tàn bạo, Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ đương đại, Rừng Nauy và dự định viết cuốn tiểu thuyết đầu tay bằng tiếng Anh.

Trịnh Lữ còn là một thi sĩ, và hơn nữa là một họa sĩ. Đầu tháng 3-2015, ông tổ chức mở phòng tranh Đi vẽ phong cảnh Mỹ được đánh giá rất cao của giới mỹ thuật Hà Nội.

C . NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ

Văn hóa là một phạm trù có biên độ lớn, vì thế khái niệm về danh nhân văn hóa cũng có độ mở khá khoáng đạt. Trong bài viết này, căn cứ vào hạn định về không gian, thời gian cũng như thực trạng lượng và chất của các phần tử ưu tú có mối liên hệ hữu cơ với khái niệm địa lý Phủ Lạng Thương, nghĩa là thế hệ ấy được sinh ra và nuôi dưỡng trong một giới hạn co dãn về thời gian – từ những năm 90 của thế kỷ XIX đến những năm 40 của thế kỷ XX – tác giả đã sàng lọc được gần 30 cá thể – đó là chưa kể một số con em của họ cũng xuất sắc trong cùng một lĩnh vực hoặc ngoài lĩnh vực. Căn cứ vào thành tựu mỗi danh nhân đã đóng góp cho đất nước và dân tộc, tác giả chia thành 2 dạng danh nhân hoạt động xã hội và văn học nghệ thuật mang nhiều nét tương đồng và bất tương đồng nhưng hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí của danh nhân văn hóa:

Dạng thứ nhất, các danh nhân khá đông đảo, xuất thân từ nhiều hoàn cảnh và môi trường khác nhau như thương gia, kỹ nghệ gia, nhà thầu khoán như Phạm Thành Tính, Đỗ Thúc Phách, Ngô Tiến Cảnh; công chức, viên chức, giáo học như Phạm Văn Lạng, Trịnh Quang Chấn, Lã Hữu Quỳnh, Trịnh Như Tấu, Đỗ Chỉ, Vũ Dung, Trần Kim Xuyến, Nguyễn Xuân Oánh; nhà báo như Trần Minh Tước, Đào Tùng, Thái Duy.

Điều này có nghĩa là, nghề nghiệp vững trãi đã trở thành nền tảng và xuất phát điểm, bệ phóng để họ trở thành danh nhân. Ở một khía cạnh nào đó, chung cuộc của cuộc đời mỗi danh nhân đi tới thành công là nhờ mang màu sắc và hơi hướng của những nhà hoạt động chính trị. Những gì họ gặt hái được là từ tiếng tăm do giá trị trí tuệ tạo ra hoặc do sự đầu tư công sức trong khoảng thời gian đáng kể. Nhìn một cách khái lược, các danh nhân hầu như đều xuất thân từ những dòng họ có truyền thống hiếu học, giầu lòng yêu nước.

Ở dạng thứ hai, tuy truyền thống dòng họ và gia đình vẫn còn vai trò nhất định nhưng không mang tính quyết định. Những gì mà họ đạt tới đều nhờ vào thiên tính và năng khiếu bẩm sinh, mà cả cuộc đời của họ đều gắn bó với một sự nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên những Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Lê Đạt; danh họa như Trịnh Như Ngọc; nhạc sư như Tô Vũ, Phạm Trọng Cầu; các nhà ngôn ngữ uyên thâm như Nguyễn Giang, Ngô Vĩnh Viễn, Hoàng Hữu Đản, Trịnh Lữ, nhà khoa học Hoàng Như Mai, nhà biên kịch Bành Bảo, Bành Châu.

Những danh nhân chính quán Phủ Lạng Thương như Phạm Văn Lạng – Phạm Trọng Cầu, Trịnh Hữu Ngọc – Trịnh Lữ, Anh Thơ, Trịnh Như Tấu, Đào Tùng, Lê Đạt… tuy chiếm tỷ lệ khá lớn trong số các danh nhân nhưng chính các danh nhân xuất hiện trong quá trình cộng cư mới tạo ra tính đa dạng và đa diện cho đội ngũ danh nhân Phủ Lạng Thương. Bằng sự gia nhập vào đại gia đình các danh nhân Phủ Lạng Thương đông đảo nhất vẫn là những danh nhân quê quán thuộc nội, ngoại thành Hà Nội (Trần Minh Tước, Đỗ Chỉ, Thái Duy, Nguyễn Giang, Lê Văn Trương, Hoàng Như Mai, Ngô Vĩnh Viễn) rồi Bắc Ninh (Đỗ Thúc Phách, Ngô Tiến Cảnh, Vũ Dung, Bành Châu, Bành Bảo), Hà Nam (Bàng Bá Lân, Lã Hữu Quỳnh), Nghệ An (Phạm Thành Tính), Hà Tĩnh (Trần Kim Xuyến), Quảng Bình (Hoàng Hữu Đản), Hải Dương (Trịnh Quang Chấn), Hải Phòng (Tô Vũ), Hưng Yên (Nguyễn Xuân Oánh). Đội ngũ danh nhân văn hóa đông đảo này của Phủ Lạng Thương đa số có tầm cỡ quốc gia.

Nhân đây, tác giả thấy cũng nên nhấn mạnh thêm mấy đặc trưng sau:

– Trong số những danh nhân chính quán Phủ Lạng Thương thì số người sinh ra ở làng Thọ Xương – tục gọi là làng Thương đông đảo hơn cả. Đây là địa phương bán nông – bán thương từ rất sớm. Có một câu ca còn truyền tụng trong dân làng xác nhận điều này: Làng Thương vốn thực quê nhà / Ngoài là thành thị, trong là nông thôn. Nhờ sớm buôn bán nên đời sống nhiều gia đình khấm khá, có điều kiện cho con cái đeo đuổi nghiệp bút nghiên, học hành; tiêu biểu nhất là các gia đình họ Trịnh, họ Vương, họ Tạ. Chính bởi lẽ đó, đối với họ Trịnh, ngoài những danh nhân cách mạng như Trịnh Văn Chiêm, Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển còn có Trịnh Như Tấu – Trịnh Như Nghê, Trịnh Hữu Ngọc – Trịnh Lữ. Ở phía họ Vương, ngoài cặp Anh Thơ – Vương Đan Hoàn còn có các vị khác như Vương Đình Châu – Vương Đình Kha chẳng hạn. Rõ ràng, làng Thương là một lò đào tạo nhân tài không chỉ cho thành phố mà còn tiêu biểu trong phạm vi và phương diện quốc gia.

– Ở phương diện cộng cư, ta cũng thấy nhiều làng quê nổi tiếng đã cung cấp cho Phủ Lạng Thương không ít người tài, ví như làng Đa Ngưu – một làng bán nông, bán thương ở Văn Giang, Hưng Yên đã cống hiến cho Phủ Lạng Thương danh nhân ở cả ba phương diện:Nguyễn Hữu Căn – tức Phi Vân (chiến sĩ cộng sản), Phó Đức Chính (yếu nhân Việt Nam Quốc dân Đảng), Nguyễn Xuân Oánh (nhà kinh tế); làng Do Nha (Thanh Chương, Nghệ An) với ba cha con Phạm Thành Tính (doanh nhân), Phạm Thành Vinh (nhà hoạt động xã hội), Phạm Hồng Sơn (tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam); làng Đại Mão (Thuận Thành, Bắc Ninh) với Đỗ Thúc Phách (doanh nhân), Đỗ Ngọc Châu (nhà khoa học)…

Nhìn vào danh sách các danh nhân kể trên, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Hình như đối với những người chính quán Phủ Lạng Thương cũng như những người chuyển cư đến vùng đất này, sự nghiệp của họ nở hoa và đạt đến độ được gọi là danh nhân đều không kết trái tại địa phương. Điều đó đúng và không phải lỗi tại địa phương bởi lẽ, để đạt tới tầm danh nhân, những kết quả của lao động trí tuệ phải có nguồn tiêu thụ – tức là nguồn cầu. Muốn làm được điều này, ngoài những đáp ứng về cơ sở vật chất còn phải có nhiều điều kiện khách quan và nhu cầu của xã hội. Địa bàn và môi trường của một đơn vị địa lý cấp huyện, dù được gọi là thị xã hay thành phố còn quá thưa nhặt và chật hẹp đối với khả năng đóng góp của những bộ óc có phần trác việt ấy.

Trong bài viết này, có một số trường hợp tác giả đã đắn đo chưa dám đưa vào danh sách danh nhân của Phủ Lạng Thương, ví như thi sĩ Hoàng Cầm, vốn quê ở Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) nhưng phụ thân là thày lang Lạc Sinh Đường lên Phủ Lạng Thương lập nghiệp rất sớm; bản thân ông cũng dạy học tại trường tiểu học tư thục La Clarté (Ánh sáng) do thầy Hoàng Hữu Chi sáng lập, tập hợp được nhiều giáo học nổi tiếng như Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Lược, Phạm Bang Cơ. Hơn nữa các con ông như Hoàng Kỳ, Hoàng Yến người thì sống chết với mảnh đất này, người thì theo học cả một thời phổ thông. Sở dĩ tác giả ngại vì sợ rằng sẽ bị thiên hạ cho là thấy người sang bắt quàng làm họ.

Tương tự như vậy, tác giả cũng không dám đưa nhạc sĩ Đặng Thế Phong (quê Nam Định) vào danh sách, dù cho ông có thời gian sống ở phố Nghĩa Long, nhiều buổi chiều tà ngồi trên đê sông Thương thơ mộng, phác thảo nhạc phẩm Con thuyền không bến[1] hoặc như văn sĩ Lê Bầu (quê Hưng Yên), vợ con đều sống ở Phủ Lạng Thương.

– Và cũng đáng tiếc cho Phủ Lạng Thương, có những con người thuộc dạng danh nhân, nhưng vì thời cuộc mà họ đứng ở bên kia trận tuyến. Đó là Nguyễn Mạnh Bảo – quê mẹ ở Á Lữ, một luật gia có tài, từng là Tổng trưởng Bộ Xã hội thời Tổng thống Ngô Đình Diệm; Vương Văn Bắc, quê gốc Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), theo gia đình lên sinh sống ở phố Nghĩa Long từ nhỏ, một luật gia đã từng làm đến Tổng trưởng Ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa những năm cuối cùng. Ở Paris, ông vẫn nhớ: “Tôi đã chập chững làm thơ ngay từ những năm còn ngồi trên ghế trường tiểu học Phủ Lạng Thương (Bắc Giang)… Tôi làm thơ từ thuở bé, có lẽ chỉ vì hoàn cảnh là đứa con trai độc nhất trong nhà, thân thể lại gày gò yếu đuối, tôi được cha mẹ chăm sóc quá mức, không cho rong chơi ngoài đường với bạn bè, không cho tham gia hoạt động ngoài trời, nên ở trường về chỉ còn có thể loanh quanh giữa bốn bức tường”. Và, những ngày cuối đời trên đất Pháp, ông đã có những câu thơ: Ai hát câu thơ mật ngọt/ Gửi người góc bể chân trời/ Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương ai người không nhớ/ Bình minh thắm nhuộm sông Hồng/ Man mác hồi chuông Thiên Mụ/ Bóng dừa in nước Cửu Long/ Càng xa càng dài tiếc nuối/ Tuổi cao cao mãi ngậm ngùi/ Cây cỏ nhòa như sương khói/ Chút gì chát đắng trên môi/ Nhớ thương thôi đành thương nhớ/ Làm con, trước hãy làm người (Nhớ quê).

– Cộng cư là đặc trưng chủ yếu của quá trình đô thị hóa. Đối với một thành phố, dân chính cư bao giờ cũng tạo ra cốt lõi mang tính bản địa nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phải bảo tồn hoặc gìn giữ bằng được bản sắc văn hóa địa phương. Phần vì kết cấu vững chắc về lệ tục đã bị phá vỡ trong quá trình chuyển hóa từ làng xóm lên phố thị, phố phường, phong cách sống nặng về nội giao, tình làng nghĩa xóm dần dần nhường chỗ cho lối sống ngoại giao, đèn nhà ai nhà nấy rạng. Phần vì nhiều dân chính quán cũng rời quê đi làm ăn ở những trung tâm đô thị lớn hơn hoặc ra nước ngoài. Trong khi đó một lượng lớn cư dân từ các xã, huyện trong và ngoài tỉnh chuyển cư đến đô thị ngày một đông và ồ ạt hơn. Thành thử, dân chính cư không chỉ trở thành thiểu số, mà còn mờ nhạt dần những ràng buộc vốn có, kể cả những cố kết về dòng họ và dễ dàng chấp nhận lối sống cộng cư, hình thành dần lối sống đa phong cách, đa bản sắc.

Chính vì lẽ đó, chúng ta đừng bao giờ và không nên nghĩ tới việc phải bảo tồn một bản sắc Phủ Lạng Thương trong lối sống hiện tại. Chỉ có thể có một truyền thống tốt đẹp nào đó cần được phát huy và làm nền tảng cho việc xây dựng lối sống văn minh, hiện đại và ngày càng tốt đẹp hơn mà thôi.

Từ những suy nghĩ và kết quả nghiên cứu trên đây, tác giả kiến

0