18/06/2018, 16:28

Lý lịch sự vụ của Nguyễn Đức Xuyên- tập hồi kí giai đoạn chiến tranh với Tây Sơn của chúa Nguyễn (bài 2)

BẢN DỊCH TẬP HỒI KÝ BIÊN NIÊN “LÝ LỊCH SỰ VỤ” CỦA NGUYỄN ĐỨC XUYÊN (Từ 1804 đến 1822) Trần Đại Vinh Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 (1804): Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 11, Bắc triều làm lễ tấn tôn xong. Ngày 22 phụng đại giá hồi loan về kinh Phú Xuân. Tháng Hai, ...

BẢN DỊCH TẬP HỒI KÝ BIÊN NIÊN “LÝ LỊCH SỰ VỤ” CỦA NGUYỄN ĐỨC XUYÊN
(Từ 1804 đến 1822)

li lich su vu.jpg

Trần Đại Vinh

Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 (1804): Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 11,
Bắc triều làm lễ tấn tôn xong. Ngày 22 phụng đại giá hồi loan về kinh Phú Xuân.
Tháng Hai, phụng xây dựng điện Cần Chánh. Sai thần tổng đốc công việc.
Quân số các vệ nội dinh của thần làm việc là một ngàn người. Được ban mỗi
người tiền 1 quan, gạo 1 phương từng tháng cấp cho để làm việc.

Ngày mồng 6 tháng Ba, ban mệnh cho thần lãnh 4 đạo quốc thư và Công
đồng truyền vâng ban cho tàu trưởng Đá Sót thành Lữ Tống, đem về cho viên
tổng trấn thành ấy chiếu hội. Trước đó viên tổng trấn thành ấy dâng biểu giao
phó cho Đá Sót đem tới dâng trình. Vua sai [các viên] Khâm sai thuộc nội
Chưởng cơ Chấn Thanh hầu, Thắng Toán hầu, Cai đội Thịnh Đức hầu(1) phiên
dịch đại lược quốc thư [của ta] cho họ biết.

[Nguyên văn quốc thư].

“Việt Nam quốc vương dụ thư cho Lữ Tống thành Tổng trấn A Cu La biết
rằng: Ngày tháng Ba năm nay tiếp được tàu trưởng Đá Sót vâng đem thư của
quý thành bẩm lên rằng: Năm ngoái, tàu chiến của bổn quốc bị gió trôi dạt đậu
tại quý thành không thấy tăm tích. Quý thành đã có lòng ban cấp cho, không
phải bố trí để gia ý dò xét. Thịnh tình như thế cũng rất cảm kích.

“Lại nói hiện nay quý thành chợt gặp hạn hán, lúa má không tốt, khẩn
xin lúa gạo để cứu giúp nạn đói của toàn thành; lại sợ đường biển gian nan cách
trở, qua lại khó khăn, xin ban cho cờ hiệu của bổn quốc và công văn để khi quay
về khỏi trở ngại. Các tình ấy đã được thấu rõ.

“Nghĩ rằng bổn quốc và quý quốc tuy núi biển cách trở xa xôi, nhưng đã
lấy tình đồng nhân đối đãi, nỡ nào ngồi yên nhìn hoạn nạn, nên chuẩn cho Đá
Sót vào thành Gia Định chở 5 ngàn tạ gạo, và cấp cờ hiệu, ban tờ phó làm tin
để trở về được ổn thỏa.

“Lại sức xuống cho Khâm sai trấn quan trấn Gia Định rằng phàm thuế
ngạch của tàu đó năm nay tất cả cho miễn. Còn như thuế lệ tàu buôn dâng trình
thành thì dân bổn quốc vốn không quen kinh doanh, không tranh chấp gì với
quý thành. Nếu như tàu buôn của quý thành tới bổn quốc mua bán thì thuế lệ của
bổn quốc cũng đã có, đã truyền xuống cho quan hữu ty sao lục cho Đá Sót đem
về xem rõ. Vì thế thanh minh cho hiểu thấu. Đặc dụ”. [Nguyên văn Hán Nôm].
Lại có Công đồng truyền về việc thay đổi quốc hiệu, báo cho biết:

“Nay bổn quốc nhờ ơn trời, khai thác bờ cõi, sơn hà Đại Việt đều quy về
bản đồ. Nên ngày 17 tháng Hai năm nay đã thành tâm cáo với Thái Miếu đổi 
1 Chấn Thanh hầu tức Nguyễn Văn Chấn, nguyên tên là Philippe Vanier (1762-1842). Thắng
Toán hầu tức Nguyễn Văn Thắng, nguyên tên là J. B. Chaigneau (1769-1832). Thịnh Đức
hầu tức Nguyễn Văn Thịnh, nguyên tên là Olivier de Puymanuel (1768-1793), đều là những sĩ
quan thủy quân được Bá Đa Lộc chiêu mộ giúp về thủy quân cho Nguyễn Ánh.
6 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (124) . 2015 – Lý lịch sự vụ của Nguyễn Đức Xuyên
lại quốc hiệu là Việt Nam để chính đại danh, làm sáng tỏ quốc thống. Vì thế
báo cho biết rằng: từ rày về sau, phàm có văn thư qua lại phải lấy Việt Nam
làm quốc hiệu của bổn quốc, không được dùng quốc hiệu cũ An Nam. Vì thế gởi
tờ công di. Nay công di”. [Nguyên văn Hán Nôm].
Lại có tờ truyền cho Gia Định:

“Công đồng truyền Gia Định trấn Khâm sai lưu trấn quan tuân tri: Nay
Lữ Tống quốc tàu trưởng Đá Sót tựu kinh bái yết, vâng ban cho y tàu vào Gia
Định mua gạo vượt hồi y quốc. Tưởng y tàu [tàu này] là người viễn quốc, hải
trình hoặc có trở đương, nên tờ sai nó có tả tự lãnh tải quan mễ [viết chữ cho
phép lãnh chở gạo công] về y quốc phát mại mà mãi các vật quan mãi [mua các
vật nhà nước cần mua]. Lai niên vượt tựu Phú Xuân kinh phụng nạp. Trong tờ
sai nó có tả thủ đẳng tự “Hải trình thông hành” cho tiện. Hễ y tàu vào đến Gia
Định nó mãi mễ [mua gạo] mà trong dân có thuận bán thời cho nó mua, dĩ ngũ
thiên tạ vi hạn. Còn như y tàu tư niên Giáp Tý phàm thượng tiến tam lễ dữ cai
tàu quan lễ cập cảng thuế lệ tư nghi chuẩn miễn. Bằng y tàu có mãi bổn địa quý
hóa nghi y thể chiếu thu hóa thuế.(1) Tư truyền”.

“Công đồng sai Nội viện tàu trưởng Đá Sót nghi thừa tàu nhất chích lãnh
tải quan mễ ngũ thiên tạ vượt tựu Lữ Tống quốc thương mại. Tái thái mãi quan
hóa hạng đẳng vật, lai niên thừa thuận phong thủy vượt tựu Phú Xuân kinh
tiến nạp. Tư sai”. [Công đồng sai Nội viện tàu tưởng Đà Sót đi một chiếc tàu
lãnh chở 5 ngàn tạ gạo nhà nước vượt đến nước Lữ Tống bán. Lại chọn mua
hàng hóa công, năm sau nhân thuận gió nước, vượt biển đến kinh Phú Xuân
dâng nạp. Nay sai].

Mùa thu tháng Tám, ngày mồng 1, thần nhân đến Long Châu miếu(2) tế
linh thần cầu an cho voi công, và phối cúng viên quân nội dinh tử trận, hoặc bị
bệnh chết, lấy 3 năm một kỳ tế lễ, một lễ cúng ca xướng, tâu lên, được vua ban
chỉ, mỗi khi đến kỳ, được ban 300 quan tiền để lo tế phẩm, về sau con voi đực
tên là Đô đốc Bích bị bệnh chết, thì lệ tiền này mới thôi.

Ngày 22, giờ Thìn được chỉ ban sắc tặng tam đại [tổ tiên ba đời] của thần,
sai quan kính đem tới phủ đệ của thần mà ban. Lúc đầu thần được vua tận mặt
ban chỉ dụ kê khai tam đại, có quan hàm không, họ tên, quê quán giao cho Bộ
Lễ. Đến nay được ban ơn sủng thịnh điển. Các quan nhất phẩm cùng với thần
đều được ơn huệ:

“Sắc cho Huấn đạo người làng Dương Nỗ, tổng Dương Nỗ, huyện Phú
Vang, phủ Triệu Phong là cố Huấn Đức nam Nguyễn Đức Ân mẫn đạt khâm
hoài, ôn lương đức độ. Yên cửa nhà, ở nhân hậu, sau đầy đủ nhiều mưu yến dực,
nhà cao tích chứa điều lành, truyền dòng dõi có cháu chắt hiền, ơn che chở thực
cho đức xưa. Hội gặp gỡ từ lâu phù hợp, nào hay hai trăm năm gặp thiên vận
gian nan. Cháu chắt phù trì thuở tiềm long nơi Vọng Các, bốn bảy giúp Vương
sư khắc phục quy mô. Ra công hãn mã nơi Đồ Bàn, công lao ấy đã nhiều năm
quyến cố, nào chẳng một ngày, nay trời đất tề chỉnh, luận công hành thưởng,
vinh danh rực rỡ cho cháu chắt. Ấy là thể tấm lòng trời đất vô tư, vốn nêu cao
ơn sủng. Nên đáng gia tặng làm Quang Tiến Hộ Quốc Vũ Lược Tướng quân
Cẩm Y vệ Huân Minh hầu, thụy là Hiệu Thuận. Nay vui một trời mưa móc tưới
nhuần, rực rỡ này ân sủng, nơi cửu tuyền ngào ngạt khói hương như vẫn còn
đây. Hãy nhận lấy. Nay sắc”.

“Sắc cho cố Nguyễn Đức Triêm làng Dương Nỗ, tổng Dương Nỗ, huyện
Phú Vang, phủ Triệu Phong: giữ vững trinh thành, phong lưu thuần hậu, rau
dưa giữ nghiệp trước, xử thế biết trồng cây đức, nên con cháu về sau mới được
tốt lành. Mưu lược là do tâm bồi đắp, há nào chỉ từ cửa tướng mà ra. Kể từ khi
rồng khô muốn nhảy [rồng ở đất cạn muốn bay nhảy], cháu ngươi đã ôm lòng
phù tá. Trải bao vận đổi, cháu ngươi xứng chức bình Tây; bay nhảy nào từ gian
hiểm, mở mang qua bước gian nan. Đến nay cõi bờ khôi phục yên hàn, thực
cũng nhờ công phò tá. Nước nhớ gió tưởng, việc đền công thực gấp nên suy
ân. Nhuần thấm nên thăng lên trật để sáng tỏ đức. Khá gia tặng Quang Tiến
Chiêu Nghị Tướng quân Thượng Hộ quân Cẩm Y vệ Cai cơ Mân Đạo hầu, thụy
Cương Chính.

“Nay vui một trời mưa móc tưới nhuần, nơi cửu tuyền rộng mở ơn tươi tốt,
phong quang thêm đổi cho một nhà, cũng để an ủi đức u linh, khiến tấm linh
thiêng nhận của ta ân sủng. Cố sắc”.

“Sắc cho Cai cơ người làng Dương Nỗ, tổng Dương Nỗ, huyện Phú Vang,
phủ Triệu Phong, là cố Khương Đức hầu Nguyễn Đức Quảng: khí vũ sâu dày,
ôm ấp sáng tươi, nếp nhà nhiều đời giữ âm công phước thiện. Vượt hẳn xóm
làng, sinh con ghi lời đình huấn, dẫu thế nào chẳng đổi gia thanh. Khi gặp
gỡ hài hòa ơn chúa, những ngày Vọng Các gập ghềnh, con ngươi vẫn nuôi tiết
sạch theo phò. Năm Phú Xuân yên hàn tĩnh lặng, con ngươi càng ngay chính
lòng trung phụ bật, xứng đáng ân điển đền công. Lại nghĩ đến vua là cương của
bầy tôi, nghĩa chúa cũng do đường ấy. Mà cha được quý là nhờ con, đền ơn phải
đến bậc sinh thành. Nên khá gia tặng Quang Tiến Trấn Quốc Đại tướng quân
Cẩm Y vệ chưởng vệ sự Chưởng cơ Khương Đức hầu thụy là Uy Dũng, để vui
một trời mưa móc tưới nhuần. Nơi cửu tuyền ân ưu đã mỏng, kéo thêm mây cho
bách thế còn mất vẫn sáng tươi. Khiến tấm linh thiêng nhận của ta ân sủng.
Cố sắc”. [Nguyên văn Hán Nôm].

1 Đoạn này đại ý: Trong năm Giáp Tý tàu này được miễn các lễ thượng tiến, quan lễ và các lệ
về thuế cảng. Nếu tàu có mua các vật quý của địa phương thì phải chiếu theo thể lệ mà thu
thuế các hàng hóa ấy.

2 Long Châu miếu: nơi thờ các con voi có công với triều Nguyễn, tên thường gọi là điện Voi Ré, nay thuộc phường Thủy Biều, thành phố Huế.

Tháng Chín ngày 21, nội dinh được chia theo làm tại các tòa Tả Vu, Hữu
Vu, Kim Hoa cộng 4 tòa. Việc xong được chỉ ban cho nội dinh số tiền 540 quan.
Mùa đông tháng Mười, ngày mồng 1, kính gặp tiết mạnh đông dâng lễ,
thần được chuẩn mặc đại triều làm lễ phân hiến tại án hữu nhị Thái Miếu. Bởi
vì thần có tang 3 năm, chưa dám tùy bái. Đến mồng 5 tháng này mãn phục,
nên có mệnh ấy.

Ngày mồng 6, tả hữu Thái Miếu hoàn thành làm lễ thăng an thánh vị
nhập tân miếu. Thần được chuẩn cho làm lễ phân hiến tại án tả tam, cùng văn
võ bá quan mặc quan phục đại triều tòng bái. Từ đó về sau, phàm gặp lễ cúng
bốn mùa và tết Đoan Ngọ, lễ chạp, thần được chuẩn dự vào hàng phân hiến.
Ất Sửu, Gia Long năm thứ 4 (1805): Mùa xuân, tháng Hai, các cung
điện làm xong. Bộ Lễ vâng soạn nghi chú, tâu chuẩn ngày 17 tháng này vào
giờ Mão thời phụng loan giá ngự về cung điện mới hoàn thành. Văn võ bá quan
và thần đã dâng biểu mừng lạy chầu.

Mùa hạ, tháng Tư, các mường ở đạo Cam Lộ dâng tuế cống 5 thớt voi đực.
Thần kính lãnh bổ vào 3 vệ Thị tượng chăn nuôi luyện tập.

Mùa thu, tháng Tám, ngày mồng 7 thần đem việc vâng chỉ dụ đã an táng
thân phụ tại địa phận làng Dương Nỗ, còn phần mộ thân mẫu và ông bà ở tại
Gia Định thành, làm tấu tâu lên. Xin ủy anh ruột thần là Khâm sai Cai cơ
Thái Đức hầu Nguyễn Đức Thái, em là Khâm sai Cai cơ Ngữ Thiện hầu Nguyễn
Đức Ngữ và Cai đội Phi Tường hầu Nguyễn Văn Phi cùng quân số 20 người vào
thành Gia Định dời hài cốt đem về hợp táng.

Kính được Công đồng truyền Khâm sai Gia Định thành lưu trấn quan
lượng bắt ghe công thừa gió thuận chở [hài cốt] về kinh, y như lời tâu. Trong
đó có tại hàng [có tại đơn vị] 2 viên Cai cơ, Cai đội 1 viên, quân 20 người và
chuẩn cho lãnh lương thực trong tháng chi dùng.

Tháng Chín, ngày 26, triều đình nghị xử kẻ phạm tội bị bắt sai dịch, đều
giao cho các vệ Thị tượng bắt cắt cỏ để nuôi voi công. Trong đó các viên cai
quản không được dung túng. Có văn truyền răn để chính pháp luật:

“Khâm sai Chưởng Tượng chính Cai tào vụ quận công truyền cho các viên
chánh phó Vệ úy 3 vệ 1, 2, 3 Thị trung Thị tượng chiếu tri: Vả như việc phu là
chúng nó tọa tội tại sở bất dung [mắc tội không thể dung tha] nên vâng án xử
cấp thủ thảo tượng [cắt cỏ nuôi voi] là phép gia hình để trừng lai giả [làm gương
cho những kẻ sau này]. Vậy nay hợp truyền hễ tự hậu việc phu thời bắt chúng
nó phục dịch thảo tượng sự, chẳng đặng cho chúng nó thế tá tha nhân [mượn
người khác thay thế] ứng dịch, bằng tên nào trọng tội mà có giang tỏa, ấy là
hình hiến sở gia, chẳng đặng huyễn tư nhưng giảm [mà có gông cùm, ấy là do
hình pháp tăng thêm, chẳng đặng riêng trộm tha giảm]. Bằng huyễn tư nhưng
giảm cũng là uổng pháp dung gian [làm sai phép nước dung túng cho kẻ gian].
Hoặc tên nào bị trọng bệnh thời tựu thân chẳng đặng riêng cho tên ấy về nhà
phục dược. Ấy vậy là hình gian dĩ trừng [gian dối trong khi áp dụng hình luật,
rất đáng trừng trị]. Nhược mổ viên vi truyền, tư cho thân tộc chúng nó lãnh mở
giang tỏa mà giải giang tỏa cho chúng nó, cũng cho chúng nó thế tá tha nhân
ứng dịch giả, tịnh hữu trọng luận. Tư truyền”.

Ngày 28, thần vì việc 5 vệ nội quân theo làm công sưu nhiều kẻ chia thuế
cùng viên phân suất và bổn quân cùng nhau bảo lãnh tiền nợ, sợ có tư tệ, bèn
truyền văn răn dạy để ngăn mối tệ:

“Khâm sai Chưởng Tượng chính Cai tào vụ quận công truyền cho các viên
chánh phó Vệ úy, Cai đội, Phó đội, Đội trưởng của nội quân rõ: “Vả như Ngũ
trưởng chí quân, phận là tốt ngũ,(1) dầu khi có sưu liễm việc chi, thời phải dữ
tương sai đẳng tính liễm mới đặng. Vậy phải hợp truyền hễ tự hậu có lâm khi
tính liễm viên quân đồng lệ thời phải sai đẳng tính liễm cùng nhau. Bằng việc
chi không lệ viên quân phân liễm thời Ngũ trưởng chí quân chúng nó phân tính
thọ liễm cùng nhau. Tự Đội trưởng hữu châu thị dĩ thượng thời không phân
liễm, còn Đội trưởng vô châu thị dĩ hạ thời có phân liễm cùng chúng nó dĩ minh
thượng hạ, dĩ chính phận danh. Bằng trong lính suất chúng nó có phóng trái,
lãnh trái sự chi thời mặc chúng nó phân sách cùng nhau. Phân suất viên chẳng
đặng khống thác danh hiệu phóng sách hào loạn khoan hư. Nhược mỗ viên vi

1 Ngũ trưởng chỉ huy một toán 5 người nhưng vẫn xếp vào hàng quân lính.

Từ Đội trưởng trở lên gọi là viên, từ Ngũ trưởng trở xuống gọi là quân.

truyền mà đồng dữ lính suất huyễn hành phóng sách khống thác trái tạm đẳng
tiền tịnh hữu trọng luận. Tư truyền”. [Nguyên văn Hán Nôm].

[Vả như từ Ngũ trưởng cho đến lính, phận là lính, mỗi khi có đóng góp việc
gì, thì phải theo thứ bậc khác nhau để đóng góp mới được. Vì thế phải truyền
chung rằng: từ nay về sau nếu có việc đóng góp của viên chức và quân lính, thì
theo lệ thứ bậc khác nhau để đóng góp với nhau. Nếu việc gì không có lệ viên
chức và lính chia nhau đóng góp thì Ngũ trưởng và lính chia đóng góp với nhau.
Còn từ Đội trưởng có tờ châu thị trở lên thì không đóng góp, Đội trưởng không
có tờ châu thị trở xuống thì chia ra đóng góp cùng với lính, để sáng tỏ trên dưới,
nhằm đúng danh phận. Nếu trong hàng lính có cho vay, nhận vay việc chi, thì
mặc chúng chia đòi cùng nhau. Viên phân suất chẳng được mượn khống danh
hiệu, đòi hỏi rối loạn nhẹ nặng. Nếu viên nào làm trái lời truyền mà cùng với
lính cho vay, hay vay mượn tiền thì bị tội nặng. Nay truyền].

Bính Dần, Gia Long năm thứ 5 (1806): Mùa xuân, tháng Giêng, ngày
23, Công đồng ban chỉ, định từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận, các dinh trấn
cứ theo đinh bạ, trừ số tiêu sai ra ngoài, hiện còn quân số và các hạng dân
đinh thì đều hòa đồng, cứ 3 đinh chọn 1 lính. Đến kỳ tháng 4, vâng chỉ đặt
làm tượng quân: vệ 1 Hùng Cự, quân số 502 người, vệ 2 Hùng Cự, quân số 499
người (đều quê ở phủ Quy Nhơn); 5 đội Hùng Sai, quân số 258 người (quê phủ
Quảng Bình 4 đội: 200 người, quê làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, phủ Triệu
Phong 58 người), cộng 1.259 người để làm thành số, trừ cho số trốn và chết,
cho quan Binh Bộ đường gởi phó thúc trấn quan sở tại giải thế, chia phiên đến
kinh làm công vụ. Còn nội dinh chiêu mộ 3 vệ Thị tượng 1, 2, 3. Đóng tại kinh
thành có Trung tượng cơ; đóng tại Bình Định có 2 cơ Định tượng, Kiên tượng;
đóng tại trấn Quảng Nghĩa là cơ An tượng; đóng tại dinh Quảng Nam là 3 cơ
Tiền tượng, Tả tượng, Hữu tượng. Đóng tại Bắc thành là 3 cơ Tiền hùng tượng,
Tả hùng tượng, Hữu hùng tượng; đóng tại trấn Thanh Hoa là cơ Thịnh tượng;
tại Nghệ An là 2 cơ Dũng tượng, Cường tượng; đóng tại dinh Quảng Trị có Trị
tượng cơ. Và 2 ty Lương y, Pháp lục; cùng 70 lính Bắc thành đóng tại trấn Sơn
Nam thượng, 3 cơ Trung kích, Tiền kích, Tả kích đóng tại đạo Thanh Bình,
2 cơ Hậu kích, Hữu kích đều theo bổn dinh điều khiển làm công vụ. Tổng số
viên quân nội dinh là 4.250 viên nhân.

Mùa hạ tháng Tư, ngày 18, thần vì việc chiêu mộ các vệ cơ tượng quân không
có lệ tam đinh, nên dâng tấu xin quy cả dân ngoài sổ bổ vào, và con đã trưởng
thành của các viên quân cỡi voi bổ vào tượng cơ. Được chỉ chuẩn y, từ đó thành lệ.
Tháng Năm, ngày mồng 5, gặp tiết Đoan Dương, thần được chuẩn mặc đại
triều phục làm lễ phân hiến tại án hữu tam Thái Miếu.

Ngày 12 Kỷ Mùi, bá quan dâng kim sách tấn tôn hoàng thượng lên ngôi
Hoàng đế. Bá quan đều được dự đại yến.

Ngày 15, có chiếu ban đại xá và chuẩn thuế tô, dung 10 phần chỉ lấy 5.
Ngày 26, được chuẩn mỗi tháng ngày sóc, ngày vọng thiết đại triều ở điện
Thái Hòa chầu bái, từ đó là đầu.

Tháng Sáu ngày mồng 8, Giáp Thân, kính dâng kim sách truy tôn các liệt
thánh đời trước [tức các chúa Nguyễn], tôn hiệu là Hoàng đế, các bà phi của
liệt thánh tôn hiệu là Hoàng hậu. Lúc đó thần vâng giản [tờ giản] sai hầu ở tả
nhị Thái Miếu.

Ngày mồng 9, kính dâng truy tôn hoàng khảo [tức Nguyễn Phúc Côn, cha
của vua Gia Long], tôn hiệu là Hoàng đế.

Mùa thu tháng Bảy, ngày mồng 3, Mậu Thân, dâng kim sách tấn tôn
vương thái hậu [Nguyễn Thị Hoàn] làm Hoàng thái hậu, ở cung Trường Thọ.
Ngày 14 Kỷ Mùi, kính ban kim sách lập vương hậu [Tống Thị Lan] làm
Hoàng hậu, ở cung Khôn Đức.

Mùa đông, tháng Mười, ngày mồng 1, gặp tiết mạnh đông cúng lễ, chuẩn
cho thần mặc đại triều phục làm lễ phân hiến tại án hữu nhị Thái Miếu.
Tháng Mười Hai, ngày mồng 1, gặp lễ thiết đại triều ban Chính sóc Vạn
Toàn lịch, thần vâng tùy bái. Hàng năm lấy ngày này làm thường lệ.
Ngày 18, gặp lễ Lạp tế. Ngày 29 làm lễ thượng nêu, ngày mồng 1 năm mới
làm lễ Chính đán, ngày mồng 3 làm lễ Đệ tiễn, chuẩn cho thần mặc đại triều
phục làm lễ phân hiến tại án hữu tam Thái Miếu.

Đinh Mão, Gia Long năm thứ 6 (1807): Mùa xuân tháng Giêng, ngày
mồng 8, gặp lễ hưởng tiết mạnh xuân, chuẩn thần mặc đại triều phục hầu lễ
phân hiến tại án hữu nhị Thái Miếu.

Tháng Hai, ngày 13, sai thần mặc đại triều phục hầu lễ phân hiến tại án
thần Tuế nguyệt nhân đại lễ tế Nam Giao. Thần được đem 2 thớt voi ngự, mỗi
thớt 10 viên quân, 8 thớt voi hầu, mỗi thớt 6 viên quân, voi xe 1 thớt, 10 viên
quân, 10 thớt voi tiền đạo, mỗi thớt 5 viên quân, voi theo sau 10 thớt, cũng
thế. Mặt tả đàn 20 thớt, mặt hữu đàn 20 thớt, mặt sau 16 thớt. Lưu giữ trong
Hoàng thành 10 thớt. Quan quản tri 1 viên, quân theo voi 50 người. Cộng số
voi 87 thớt để phụng hầu lễ Đại tự như lệ thường.

Thần vì việc 3 vệ Thị tượng, số đứng hầu không đủ nên tâu lên, được
Vương thượng chuẩn cho thần, hằng năm trước kỳ ra binh, có truyền văn gởi
cho 2 cơ Định tượng, Kiên tượng đóng tại trấn Bình Định đem 12 thớt voi đực,
2 thớt voi cái đến trấn Quảng Nghĩa giữ thay, rồi cho cơ An tượng, và 3 Tượng
cơ dinh Quảng Nam đem voi đực, cái khỏe mạnh đến kinh hầu lễ ra binh và
đứng hầu lễ Đại tự, lâu dài làm thành lệ.

Ngày 24, thần được khâm mạng mặc thường triều phục làm lễ Xuân tế tại
đàn Công thần tại xứ Hói Lỡ.

Tháng Ba, mường Lạc Hoàn và các mường thuộc đạo Cam Lộ tuế cống 6
thớt voi đực. Thần kính lãnh bổ vào 3 vệ Thị tượng chăn nuôi, luyện tập.
Mùa hạ, tháng Tư, ngày 12, giờ Thìn, thần tận mặt được hoàng thượng
ban chỉ chuẩn cho từ rày về sau, các thuyền buôn đến buôn bán ở các dinh trấn
của nước ta phải sức cho họ kê khai hàng hóa, một mặt dâng biểu về, một mặt
cho họ bán ra để kịp thời giá, thuyền nào có nhang liệu hỏa dược và mác thép
lưỡi dài từ 1 thước 8 tấc trở lên thì hãy lưu tại tàu để nhà nước mua. Nếu không
mua thì báo cho tàu trưởng biết để đem bán.

Lúc đó thần được chuẩn cho lãnh vật liệu gồm gỗ, sắt, đinh, ngói gạch các
thứ để làm dinh Tượng chính, tại phía tây bắc trong Hoàng thành, gồm nhà
chính, hai dực lang tả hữu, và nhà bếp, một thứ một tòa để ở.
Tháng Năm, ngày mồng 5, gặp tiết Đoan Dương thần mặc đại triều phục
hầu lễ phân hiến tại án hữu nhất Thái Miếu.

Mùa thu, tháng Bảy, ngày mồng 1, gặp lễ hưởng tiết mạnh thu, thần mặc
đại triều phục làm lề phân hiến tại án tả nhị Thái Miếu.

Ngày 19, gặp đại lễ mừng khánh đản thọ 70 tuổi của Hoàng thái hậu,
có dâng lễ phẩm. Công đồng bàn định tâu chuẩn cho quan viên nội dinh được
“nguyên lạp tam yến” [hưởng tiệc yến hạng ba “nguyên lạp”]. Tại kinh, từ tam
phẩm trở lên các quan văn võ đều được dự yến.

Lúc đó quân số các dinh quân đến kinh làm công vụ có người bị bệnh. Thần
được vua tận mặt ban chỉ sức các quan nha đem số lính bị bệnh về trại dựng
nơi phần đất cầu Già Đốc cũ trong Hoàng thành, ở phía trước dinh được ban của
thần, đốc thúc chánh ngự y Đản Hoàng Đức Nhuận(1) ở Viện Thái y đem thuốc
thang, và thầy thuốc ở viện ấy đến dinh của thần xem xét bào chế chẩn trị.
Ngày 27, thiết đại triều nghi ở điện Thái Hòa. Sứ thần cầu phong của
nước Cao Miên đến làm lễ lạy chầu.

Mùa đông tháng Mười, ngày mồng 1, gặp lễ hưởng tiết mạnh đông, thần
mặc đại triều phục hầu lễ phân hiến tại án tả nhị Thái Miếu.

Ngày mồng 9, thần lãnh bạc nhà nước 1.708 hốt 5 lạng 2 tiền 8 phân, và bạc
đầu quỷ(2) 621 phiến, đựng trong 35 hòm, ủy sai phó Vệ úy Đức Thái hầu Phan Đình
Đức thuộc vệ Phấn Oai nội quân quản suất, còn có 8 viên Cai đội, 1 viên Thủ hợp
Ty Lệnh sử tàu và 30 quân cầm khí giới lãnh đem số bạc ấy cùng tàu trưởng xứ
Hồng Mao [nước Anh] là Kê Lê Miên và đồng bọn Xuy Ni, Kim Bè Xa An, cả thảy
3 tên, bắt đài phu gánh đi đường bộ vào cửa Đà Nẵng dinh Quảng Nam. Lại
chiếu lãnh 5 con bò, 3 tạ đường cát, 2 tạ đường nước tại quan Công đồng, cùng
số bạc đem vào phụng ân ban cho bọn họ nhận lãnh đem xuống tàu chở về nước.
Nguyên trước bọn Kê Lê Miên vâng đem 1 phong biểu văn của Tổng trấn
Đông phương nước ấy [tức nước Anh] tâu lên, 1 phong biểu tấu của quan trấn
thành Ma Đa Đạt(3) là Binh Tinh, cỡi một chiếc tàu vào đậu tại Cửa Hàn, dinh
Quảng Nam. Quan công đường đem việc ấy tâu lên. Vua tuyên triệu các người
ấy đến kinh, cho ở tại phủ đệ của thần để khoản đãi, sai Hộ Bộ Tả Tham tri Lê
Viết Nghĩa, Giám thành sứ Khâm sai Chưởng cơ Học Thành hầu [tức Trần Văn
Học], Khâm sai Chưởng cơ quản tàu đồng Long Phi Thắng Toán hầu, Khâm sai
Chưởng cơ quản tàu đồng Phượng Phi Chấn Oai hầu, Khâm sai Chưởng cơ quản
tàu đồng Bằng Phi Lăng Đức hầu [tức De Forcant] đến tại phủ đệ của thần dịch
biểu văn. Đại lược tâu rằng: Năm trước hội buôn Áp Bột, Méc Lăng lãnh chỉ
chở binh khí tới cho nhà nước mua, khiến cho 2 tên ấy thất lợi nghèo khổ, xin
sao sổ bộ nhà nước mua để rõ đủ thiếu, và kê khai các vật nhà nước mua mà
xin tăng giá, tính lại sổ để thanh toán.

Kính vâng chỉ cho thần soạn phúc thư, sổ bộ, và đặc cách ban cho bọn nó
số tiền cùng vật hạng để trở về nước.

[Dưới đây là biểu văn của Tổng trấn Đông phương Ba Rư Lông]

1 Chánh ngự y Hoàng Đức Nhuận, còn có tên là Đản.
2 Có thể đây là đồng bạc Âu Mỹ có hình nổi bà đầm xòe.
3 Tức thành Madras ở Ấn Độ, trong biểu văn có khi viết Ma Đạt.

“Hồng Mao Tổng trấn Đông phương tên là Ba Rư Lông cúi tâu đức vua
An Nam đặng tỏ nhậm lời chúng tôi gởi tâu. Vả thuở trước hai nước có lòng
bằng hữu cùng nhau từ xưa đến nay. Lại có quan trấn Đông phương đã lo hết
sức cho đặng một ngày một thêm ràng nghĩa bền lâu dài, sự này đã rõ ràng.
Vì thuở trước có quan sứ chúng tôi qua xin lập việc buôn bán, đã hay đức vua
không nhậm cho chúng tôi, nhưng mà chúng tôi cũng không lòng năn nỉ. Vì bởi
có quan sứ chúng tôi qua nên hai nước càng thêm quen biết tin nhau. Vả nước
Hồng Mao chúng tôi đã có ơn việc ấy rõ ràng, vì nước chúng tôi đã cho phép 2
tên là Áp Bột, Méc Lăng là người buôn tại thành Ma Đạt chúng tôi, cho phép
lo việc ấy cho đức vua, cùng cho phép bán súng, khí giới cho đức vua. Đến năm
niên hiệu Hồng Mao 1803, bên An Nam là năm Quý Hợi, Áp Bột với Méc Lăng
thấy những điều các quan đức vua không lòng hậu đãi những kẻ tới giúp binh
khí ấy. Mà đã thực chịu giá với nhau thời ai ai đều hay. Lại Áp Bột, Méc Lăng
đã giao diêm tiêu trước. Nội năm ấy, kẻ làm tôi đức vua ăn ở khinh bạc với tàu
trưởng là Phủ Lý Phi. Vả Phủ Lý Phi là người thay mặc Áp Bột, Méc Lăng qua,
đặng mà tính toán các việc mà cấn trừ cho xong, thời còn bao nhiêu bạc thời
Phủ Lý Phi cất hóa hạng tại Cửa Hàn bán thời sẽ cho một cái tờ truyền cho
quan trấn Sài Gòn sẽ trả 2 muôn tấm bạc, cấn trả giá hàng hóa cất tại Cửa Hàn.

“Lại sau có tờ truyền đình phát số bạc, bởi có tờ ấy nên quan trấn không
chịu trả.

“Qua năm Sửu, tàu trưởng Phủ Lý Phi qua nước khác mà về, có ghé vào
Cửa Hàn lại xin trả nợ thiếu của Áp Bột, Méc Lăng số bạc 11 muôn tấm, với
xin sao sổ hội tính hai bên, mà tàu trưởng Phủ Lý Phi lo hết sức mà chẳng được
bạc với sổ. Cũng như năm trước lại Áp Bột, Méc Lăng có lo đem cho đức vua
số binh khí kỳ trước, cho nên không có lý nào mà chẳng thiếu của hai tên ấy.
Vậy hai tên ấy có thưa đến trấn Hồng Mao chúng tôi có chấp đơn thưa ấy, nên
chúng tôi buồn bực, việc chẳng đã chúng tôi phải gởi tâu lại cho đức vua đặng
tỏ việc ấy, như ăn ở công bằng rộng rãi mới đặng tiếng thơm trong thiên hạ.
Như đức vua công bằng rộng rãi, đức vua xét công hai tên ấy đem súng khí giới
giúp đức vua đánh đặng giặc, thời phải trả bạc thiếu cho hai tên ấy. Cùng kẻ
giữ việc cho đức vua thời phải soát sổ tại các quan đức vua. Lại xin sao sổ một
bản cho đặng xét lại ai phải ai chăng. Xin đức vua nghĩ lại nước Hồng Mao ăn
ở công bằng rộng rãi; vậy thuở trước có bắt đặng một chiếc tàu, tưởng là tàu
giặc, đến sau biết lại là tàu đức vua, thời có trả bù bộn bề lợi [vừa vốn vừa lời]
rộng rãi. Chúng tôi định đức vua bắt sửa việc phải cho đặng danh tiếng, xin
đức vua xem ngay các lời nói trong tờ, và nhờ hội [buôn] cho đặng thiết nghĩa,
ngày sau đặng nhờ. Nội nước Hồng Mao càng thêm hết lòng cung kính đức vua
cùng nước An Nam. Chúng tôi là kẻ bề tôi dưới khiêm nhường chiều lụy, cung
kính cúi xin đức vua nhậm lời gởi tâu.

“Niên hiệu Hồng Mao 1807, năm Mão, tháng Bảy ngày mồng 2.
“Ngày mồng 4 tháng 9 năm Đinh Mão đồng vâng dịch.
“Khâm sai Chưởng cơ Giám thành sứ thần Trần Văn Học.
“Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ thần Nguyễn Văn Thắng.
“Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ thần Nguyễn Văn Chấn.
“Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ thần Nguyễn Văn Lăng”.

[Biểu văn của quan trấn thành Ma Đa Đạt]

“Ma Đa Đạt thành trấn thành chúng tôi tên là Binh Tinh dám tâu đức
vua nước An Nam:

“Nay chúng tôi có kính gởi một phong tờ theo một lần cùng tờ quan Tổng
trấn nước chúng tôi, ngoài có nhãn đề dâng đức vua An Nam, xin đức vua có
nhậm tình xét lại vì sự sổ mua nợ bạc của hội thương tên là Áp Bột, Méc Lăng
ấy là thứ nhứt, một sự lãi lời [là] thứ hai. Như các việc ni thời đã thưa đủ lời rõ
ràng trong tờ quan trấn chúng tôi, nên chúng tôi không thưa lặp lại. Xin đức
vua hết tình cứu giúp cho hai tên là Áp Bột, Méc Lăng, như hai tên ấy vì lo cho
đặng binh khí đem qua giúp việc nước cho đức vua nay đặng bình trị; bởi vậy
nay hai tên ấy bị hao tốn lỗ lã đói nghèo cũng vì việc lo giúp cho đức vua, quả
thực làm vậy, chẳng phải hư ngôn.

“Vả bên nước chúng tôi thời đã nghe đồn đức vua nhân lớn nên chúng tôi
đủ lấy làm tin, song nỡ lòng nào đức vua chẳng thương hai tên ấy mà chẳng
cứu giúp.

“Lại lời thứ ba nay hai tên ấy có lòng trông muốn xin chúng tôi sai một
người qua nước An Nam tâu đức vua, xin đức vua sai quan nước An Nam hợp tính
cùng nhau việc ni, ngõ đoạn sự ấy cho rồi. Xin đức vua đoái thương hai tên ấy
mà xét lại cho công bằng minh bạch. Vả lòng chúng tôi khoan tin đức vua trong
nước đoán xử việc công bằng, mà hai tên ấy có kêu thưa với chúng tôi, vậy phải
tờ qua, xin đức vua lấy việc công bằng liệu xử cho hai tên ấy ngõ nhờ. Nay lạy.
“Niên hiệu Hồng Mao 1807, năm Mão, tháng Bảy ngày mồng 6.

“Ngày mồng 4 tháng Chín năm Đinh Mão đồng vâng dịch.
“Khâm sai Chưởng cơ Giám thành sứ thần Trần Văn Học.
“Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ thần Nguyễn Văn Thắng.
“Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ thần Nguyễn Văn Chấn.
“Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ thần Nguyễn Văn Lăng”.

[Văn bản giao nhận tiền]

“Như nội trong sổ đức vua An Nam thời Áp Bột, Méc Lăng là người buôn
tại thành Ma Đa Đạt còn thiếu bạc quan hai muôn ba ngàn hai trăm bốn mươi
tám [23.248] tấm. Nay chúng tôi vâng sai tính sổ cho rồi cùng theo ý quan
Hồng Mao Tổng trấn Đông phương chúng tôi xin tăng giá cao hơn, cho nên
thiếu của Áp Bột, Méc Lăng bạc một muôn hai ngàn tám trăm hai mươi lăm
[12.825] tấm. Chúng tôi lãnh tại Khâm sai Chưởng Tượng chính Cai tào vụ
quận công thêm một muôn hai ngàn [12.000] tấm đức bề trên ơn ban cho theo
sổ, do lãnh ngày mồng 7 tháng 11 Hồng Mao niên hiệu 1807. Khâm sai Chưởng
Tượng chính Cai tào vụ phát bạc đồng 621 tấm, bạc nén 1.708 nén 5 lạng 2 tiền
8 phân thế bạc đồng 2 muôn 4 ngàn 204 [24.204] tấm. Công bạc đồng 2 muôn 4
ngàn 825 [24.825] tấm. Lãnh trước mặt Kê Lê Miên chánh tàu với dưới thì niên
[dưới ghi ngày tháng năm]. Xong đồng ký tên là Kim Bè Xa An đồng lãnh ký.

“Ngày mồng 8 tháng Chín năm Đinh Mão đồng vâng dịch.

“Khâm sai Chưởng cơ Giám thành sứ thần Trần Văn Học.
“Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ thần Nguyễn Văn Thắng.
“Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ thần Nguyễn Văn Chấn.
“Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ thần Nguyễn Văn Lăng”.

[Phúc thư của Nguyễn Đức Xuyên gởi Ba Rư Lông]

“Việt Nam quốc Khâm sai Chưởng Tượng quân lãnh Tượng chánh Cai tào
vụ quận công túc thư vu Hồng Mao quốc Đông phương Tổng trấn Ba Rư Lông tri
hội: Nay tiếp thấy quý trấn ủy sai chánh tàu Kê Lê Miên, Xuy Ni, với Kim Bè
Xa An đệ chí biểu văn gởi tâu rằng người hội thương quý quốc tên là Áp Bột với
Méc Lăng có trình cùng quý trấn rằng các năm trước [nước tôi] sở đệ ký mãi [gởi
mua] các hạng súng khẩu đẳng vật qua bổn quốc giao cho Ba Ri Di phát mại. Nay
xin chiếu sổ hội tính cho tường túc khiếm [thiếu đủ]. Các lời trong biểu văn ấy,
bổn chức đã cụ sự trần tấu. Cúi vâng bổn quốc thánh chỉ dụ hạ rằng: vả bổn quốc
ở cùng quý quốc vốn lấy lòng thành kính mà tương đãi. Như các năm trước việc
gởi mua súng khẩu thời đã có thức dạng cùng tờ gởi qua quý quốc. Đến sau tàu
trưởng đệ súng khẩu cùng các vật qua bao nhiêu thời tàu trưởng giao tại Ba Ri Di,
như bổn quốc nhận mua y trị giá bao nhiêu với dĩ hoàn ngân phiến bao nhiêu tự
năm Ba Ri Di cố mạng [đã mất] rồi thời đã có người quý quốc là Phủ Ly Phi qua
tại Hàn hải môn [Cửa Hàn] xứng cân diêm tiêu cấn trừ hóa giá với bổn quốc sở
mãi súng khẩu xứng giá dĩ hoàn ngân phiến bao nhiêu đều đã thanh hoàn, thời
có tự tích Phủ Ly Phi biên lai lấy làm chiếu nghiệm. Nay tiếp thấy biểu văn cụ
lai nhân lại đề khởi sự các năm trước, nên ban hạ cho bổn chức soát thủ các niên
đơn bạ tự tích Ba Ri Di cùng Phủ Ly Phi mà hội tính cùng người chánh tàu quý
trấn sai qua ấy thời bổn quốc sở mãi bao nhiêu, dĩ hoàn bao nhiêu, tịnh chiếu
giá thanh trừ nguyên phi tích khiếm, mà Ba Ri Di tiền niên sở khiếm bổn quốc
quan ngân cũng hãy còn nhiều. Nay các đơn bạ ấy thời chánh tàu đều đã tường
nhận, hội tính minh bạch: Bổn quốc vốn không tích khiếm. Vậy chánh tàu có tờ,
thông dịch rằng: Vả Áp Bột, Méc Lăng các năm trước trang trải súng khẩu cùng
các vật qua bán mua, đến nay hai tên ấy tốn phí thất lợi vả nhiều. Hiềm vì súng
tải qua chẳng in thức [đúng mẫu] nên phát mại thấp giá mà thất lợi. Nay chánh
tàu xin tăng giá các hạng súng cùng bố phàm thiết đĩnh [vải buồm, neo sắt] các
hạng ấy, như hạng nào tăng giá bao nhiêu thời đã có chánh tàu kê khai tại bạ.
“Lại với sự chiếc tàu năm trước ở theo Ba Ri Di kinh nhật sở phí hỏa thực
[trải qua nhiều ngày tốn phí ăn uống], thời năm ấy bổn quốc đức hoàng thượng
đã ngự ban cho Ba Ri Di một chiếc ghe với tùy ghe binh khí [binh khí kèm theo
ghe]. Như ghe ấy, binh khí phỏng trị ngân giá hơn 6 ngàn phiến, để bổ làm phí
tổn. Vậy nay chánh tàu nói rằng sự chiếc tàu ấy ban rồi Ba Ri Di lấy làm tư vật
biệt mại nên hội thương cũng không đặng nhờ. Ngửa xin trông trên chu cấp.
“Như lời chánh tàu nói sự chiếc ghe làm vậy thời cũng chẳng biết đâu lấy
làm cứ, mà lời chánh tàu khai với cùng khẩu trình sự xin tăng giá, cùng xin chu
cấp cho Áp Bột, Méc Lăng ấy, bổn chức đều đã chuyển tấu. Khâm mông chỉ xét
tưởng Áp Bột, Méc Lăng là người hội thương quý quốc, như việc các năm trước
sở tải súng khí qua bổn quốc, tuy là việc thương mại, song hai tên ấy cũng có
lòng cùng bổn quốc. Nay nghe tin hai tên ấy thất lợi, khiếm thiếu, nghèo khổ
thời bổn quốc thánh chỉ suy tình chiếu cố, nên ban hạ y theo lời chánh tàu kê
khai dĩ lãnh quan ngân bao nhiêu, dĩ đối trừ Áp Bột, Méc Lăng tồn khiếm quan
ngân bao nhiêu, tư khất [nay xin] tăng giá bao nhiêu, khất cấp [xin cấp] bao
nhiêu, đều ban hạ y như bạ khai sở khất, chuẩn phát quan ngân giao cho chánh
tàu Kê Lê Miên, Xuy Ni, với Kim Bè Xa An đều đã phụng lãnh, kinh hữu ký tờ
minh bạch đệ hồi quý trấn tường chiếu, đặng phát giao ngân phiến ấy cho Áp
Bột với Méc Lăng ký lãnh. Ấy là sự thánh chỉ suy ân thời vậy.

“Như trong tờ Kê Lê Miên, Xuy Ni, với Kim Bè Xa An biên khai sở khất
đều có tự tích đoan đích đã tất đoạn việc các năm trước ấy, sự đã minh bạch.
Nay đã phát cho quan ngân cùng sổ y trong tờ sở khất ấy, lại giao tờ chánh tàu
khai biên sở khất ấy, với sao các niên hội tính đơn bạ, nhất thể giao cho chánh
tàu đệ hồi, quý trấn xem đó thời biết hư thực.

“Lại như trong biểu quý trấn nói rằng thấy các quan bổn quốc không lòng
hậu đãi các tên năm trước lai thương ấy. Vả bổn quốc thiết quan đều có sở ty
chức sự [trách nhiệm riêng], chẳng đặng xâm vượt. Như người viễn phương lai
thương thời có quan quản lãnh, dầu khi tính phát vật giá thời ai nấy đều có giữ
chức sự, có lý đâu mà nói rằng các quan không lòng khoan hậu.

“Lại trong biểu có nói rằng năm trước Phủ Ly Phi tựu Hàn hải môn, bổn
quốc trước bảo Phủ Ly Phi vào Gia Định trấn lãnh ngân hai muôn tấm, sau lại
[có] tờ truyền cho Gia Định trấn đình phát ngân ấy. Trong biểu thời vậy. Vả
năm ấy Phủ Ly Phi vào Hàn hải môn thanh toán việc bổn quốc biện mãi súng
khẩu, thời tính Ba Ri Di còn thắng lãnh [lãnh trội] bổn quốc quan ngân, nên
Phủ Ly Phi chịu xứng cân diêm tiêu, ô diên cấn hoàn mà chưa đủ số quan ngân,
thời Phủ Ly Phi xin tả tự tích [viết giấy nhận] rằng: Ba Ri Di sở khiếm quan
ngân ấy lại giao cho sở ty chức giữ, mà Phủ Ly Phi lại trình rằng: Trước ấy, Phủ
Ly Phi vốn không hay sự Ba Ri Di thắng lãnh quan ngân, bằng nay đã xứng
cân y tàu hóa hạng cấn trừ ắt Phủ Ly Phi không lấy chi buôn bán, hỏa thực dĩ
vi quy kế [không có lương thực để trở về]. Thời năm ấy, vâng bổn quốc thánh
chỉ chuẩn hạ phát tại kinh quan tiền 6 ngàn quan cho Phủ Ly Phi sở lãnh; với
truyền Gia Định trấn lưu trấn quan chuẩn phát quan mễ, quan tiền, súc bản,
hóa vật các hạng thành ngân phiến 5.203 phiến 3 tiền 4 phân dùng làm hỏa
thực, thương mại phản hồi quý quốc. Như việc lãnh tiền ấy đều có Phủ Ly Phi
biên lai tự tích. Ấy sự cớ thời vậy.

“Còn như trong biểu nói rằng khiếm ngân 11 muôn phiến, với xin sao bạ
mà chẳng cho, như sự ấy thời không, những các lời ấy đều là chẳng thực, quý
trấn kỳ thục tư chi, hạnh vô giới ý [nên nghĩ kỹ, mong đừng để ý]. Tư túc thư”.
[Phúc thư của Nguyễn Đức Xuyên gởi quan trấn thành Binh Tinh]

“Việt Nam quốc Khâm sai Chưởng Tượng quân lãnh Tượng chính Cai tào
vụ quận công túc thư vu Hồng Mao quốc Ma Đa Đạt thành trấn thành Binh
Tinh tri hội: Nay tiếp thấy quý trấn đệ chí biểu văn gởi tâu rằng người hội
thương quý quốc là Áp Bột với Méc Lăng việc bán mại súng khẩu các vật năm
trước, nay hai tên ấy thất lợi hao khiếm nghèo khổ xin suy ân tư trợ, cùng hội
tính đơn bạ các thượng niên lai cho đặng túc khiếm. Các việc ấy bổn chức đã cụ
sự trần tấu. Vâng bổn quốc đức hoàng thượng ban hạ cho bổn chức soạn thủ các

0