18/06/2018, 16:27

Giải mã vấn đề Thân Thiệu Thái/ Vũ Tỉnh-Thân Cảnh Phúc/ Vũ Thành

Tượng Thân Cảnh Phúc tại đền Hả Khổng Đức Thiêm Trịnh Như Tấu, qua Bắc Giang địa chí (1937), đã trở thành người đầu tiên ghi nhận công lao đánh giặc phương Bắc (Bắc khấu) của Trung dũng hầu Đầu thượng Tướng quân Vũ Thành vào thời Trần khi ông công bố Thần tích xã Lại Thâm ...

thancanhphuc

Tượng Thân Cảnh Phúc tại đền Hả

  Khổng Đức Thiêm  

Trịnh Như Tấu, qua Bắc Giang địa chí (1937), đã trở thành người đầu tiên ghi nhận công lao đánh giặc phương Bắc (Bắc khấu) của Trung dũng hầu Đầu thượng Tướng quân Vũ Thành vào thời Trần khi ông công bố Thần tích xã Lại Thâm trong tác phẩm của mình và cho biết thêm: viên quan Tả bộc xạ Vũ Tỉnh và công chúa Thái Đường chính là người sinh ra vị Tướng quân đó. Và vị vua thứ 8 triều nhà Lý là ông ngoại của Vũ Thành.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, căn cứ vào chỉ dẫn của Bắc Giang địa chí và kết quả thu được bước đầu của đợt điền dã nhiều ngày tại Lục Ngạn, tôi đã công bố trong Địa chí Hà Bắc (1982) và Hội Từ Hả (1985), Vũ Thành là một thủ lĩnh vùng núi đông bắc có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285). Có thể coi đây là những công bố đầu tiên, lịch sử hóa truyền thuyết đầu tiên về nhân vật Vũ Thành. Sau những công trình này, tôi không có điều kiện trở lại điểm xuất phát để kiểm chứng sự đúng sai của một giả định về khoa học vì đã rời Bảo tàng Hà Bắc chuyển sang một lĩnh vực khác.

Bẵng đi khoảng chục năm, tôi được một số đồng nghiệp cũ thông báo về những phát hiện mới quanh nhân vật Vũ Thành và cho biết có thể đấy là hiện thân của Phò mã Thân Cảnh Phúc – thủ lĩnh có tiếng về thời Lý ở vùng Giáp Động – Lạng Châu. Để đi tới việc khẳng định, các đồng nghiệp của tôi cũng cho biết còn phải tiếp tục tìm thêm chứng lý hoặc kiếm cho bằng được chìa khóa của vấn đề.

Rồi lại 10 năm trôi đi. Các đồng nghiệp và tôi vẫn giữ quan điểm riêng của mình dù chưa đủ cơ sở khoa học, còn thiếu tính thuyết phục. Do vậy, khi bắt tay vào soạn thảo Địa chí Bắc Giang, hai bên đều bảo lưu ý kiến nên đã tạo ra độ vênh lớn về lịch sử, về các nhân vật Thân Thiệu Thái/ Vũ Tỉnh và Thân Cảnh Phúc/ Vũ Thành.

Điều này đã tạo ra mối nghi ngại không nhỏ cho độc giả. Bá Đạt – nguyên Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lục Ngạn đặt dấu hỏi: Người anh hùng được thờ ở đền Hả là ai? Bùi Văn Thái một bạn đọc của địa phương bày tỏ Một vài suy nghĩ về vị thần được thờ ở đền Hả còn Nguyễn Đình Bưu – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bắc Giang càng băn khoăn hơn khi đặt vấn đề Về đề tài Vũ Thành là Thân Cảnh Phúc.

Như vậy, sau gần 30 năm, kể từ khi đưa nhân vật Vũ Thành vào những trang sử chính thống của địa phương, tôi còn nợ một câu trả lời đối với quê hương và những người yêu quý truyền thống do bao đời cha ông để lại.

* * *

Trước hết, tôi xin khẳng định ngay rằng bằng việc lục tìm tư liệu và so sánh chứng lý, giả định mà tôi nêu ra: Vũ Thành là một danh tướng thời Trần có phần nào mang yếu tố võ đoán cũng như việc dịch chuyển nhân vật này về đúng vị trí của Thân Cảnh Phúc còn lúng túng trong cách lý giải một cách khoa học chính là nguyên nhân tạo ra những lỗ hổng làm nên sự ngờ vực về tính chân thực của sự kiện và nhân vật trong thời gian gần đây. Đó cũng là lỗi của giới nghiên cứu chúng tôi trong việc chậm trễ nhìn ra tác hại của vấn đề để cùng hợp lực trong nghiên cứu.

Chúng ta biết rằng, lịch sử chỉ xảy ra một lần nhưng việc biên soạn lịch sử có thể diễn ra nhiều lần. Mỗi lần biên soạn lại, những nhận thức sai nhiều sẽ được thay thế bởi những nhận thức sai ít hơn. Với tinh thần trên, tôi thừa nhận rằng, Vũ Thành không hề tồn tại trong lịch sử triều Trần; Vũ Thành chính là hiện thân của Thân Cảnh Phúc trước đó mấy trăm năm và là đặc hữu của triều đại nhà Lý.

Để trả lại đúng thời đại của các vị phò mã họ Thân và các công chúa thời Lý, người làm sử phải có một công đoạn tách bóc và khôi phục các mảng lịch sử vốn có độ dày hàng thế kỷ đã bị ép mỏng đến nỗi người đời sau cho đó là một mặt phẳng đồng đại – như trường hợp thần tích ở Lại Thâm, Từ Hả chẳng hạn. Thần tích được viết vào thời Tự Đức (1848-1884) – tức bị dãn cách chừng trên dưới 7 thế kỷ nhưng dấu vết các cung An Khánh, Bồng Lai trên vùng Tòng Lệnh, nơi vợ chồng Thái Đường công chúa cư ngụ và hàng loạt đình đền ở Từ Hả, Cầu Từ; các chùa Hưng Long, Hưng Vũ, Nhạn Tháp, Am Ni thờ phụng các phò mã họ Thân, nơi các công chúa Thụy Thiên, Bình Dương, Yên Hoa tu hành vẫn còn rõ nét. Người viết thần tích dựa vào di tích và huyền tích để dựng lại hay nói đúng hơn là tái tạo lại lịch sử nhưng đã không phân biệt đâu là thế hệ trước, đâu là thế hệ sau, tất cả đều đem quy nạp vào một mối: con gái, con rể và cháu ngoại của Lý Huệ Tông (1194-1226).

Vậy sự thực trong lịch sử, họ là những nhân vật thuộc thế thứ nào của các vua triều Lý.

Trước hết, tài liệu mà Trịnh Như Tấu dẫn cũng như thần tích hiện còn đã có những lầm lẫn đáng tiếc khi cho rằng người con gái thứ hai của Lý Huệ Tông là Thái Đường công chúa Lý Thị Cảnh (hoặc Kính – tùy theo cách đọc) lấy chồng về Na Ngạn. Chồng là quan Tả bộc xạ Quan sát Mật lệnh công Vũ Tỉnh. Ông bà sinh được một người con trai, đặt tên là Vũ Thành.

Thái đường không phải vương hiệu của công chúa Lý Thị Cảnh (Kính) mà là thế thứ. Bằng chứng là tại đền Hả (Hồng Giang – Lục Ngạn) một văn bản Hán – Nôm ghi lại như sau: Thánh mẫu: Quốc mẫu Thiên Thành, Thái đường Thái trưởng Lý Thị Cảnh công chúa thần vị (Công chúa Lý Thị Cảnh khi mất được gia tặng là Quốc mẫu Thiên Thành, Thái đường Thái trưởng công chúa).

Đoạn văn trên, mới giúp ta khôi phục một sự thật là Công chúa Lý Thị Cảnh (Kính) có duệ hiệu hoặc vương hiệu là Thiên Thành chứ không phải là Thái Đường nhưng lại chỉ dẫn sai khi cho rằng bà là công chúa trưởng được gả cho Vũ Tỉnh (tức Thân Thiệu Thái).

Thần tích và văn bản Hán – Hôm ở đền Hả tiếp tục sai khi chép rằng đời vua thứ 8 nhà Lý làm vua nước Nam Việt sinh được 5 người con gái. Người con gái cả là Chiêu Hoàng, thứ hai là Thái Đường công chúa Lý Thị Cảnh, thứ ba là Thụy Thiên công chúa, thứ tư là Bình Dương công chúa, thứ năm là An Hoa công chúa.

Vua thứ 8 nhà Lý tức Lý Huệ Tông, sinh năm 1194, bị Trần Thủ Độ sát hại năm 1226, hưởng dương 32 năm. Trong thực tế, Lý Huệ Tông chỉ có 2 công chúa: Thuận Thiên – công chúa trưởng đã gả cho Trần Liễu (phụ thân của Trần Quốc Tuấn), Chiêu Thánh – công chúa thứ, được nối ngôi, gọi là Lý Chiêu Hoàng, sau lấy Trần Cảnh (Trần Thái Tông) khi mới 7 tuổi như Khâm định Việt sử Thông giám cương mục đã ghi:

“Tháng 10, mùa đông, năm Giáp thân (2014)… nhà vua không khỏi bệnh, lại chưa có con trai thừa tự, trong cung duy có hai nàng công chúa: con lớn là Thuận Thiên, con bé là Chiêu Thánh, đều do Trần Thị sinh ra. Hiện tại Thuận Thiên đã lấy Trần Liễu nên nhà vua lập Chiêu Thánh làm Thái tử”.

Như vậy, trong văn bản lưu ở địa phương chỉ có Chiêu Hoàng đúng là công chúa con gái thứ hai của Lý Huệ Tông chứ không phải là công chúa con gái cả và càng không phải là chị gái của các công chúa còn lại. Đúng ra, Chiêu Hoàng chỉ là bậc cháu chắt của họ. Tại sao lại như vậy?

Sử cũ đã ghi, công chúa Bình Dương là con gái của Lý Thái Tông (1000-1054) và là mẫu thân của Thân Cảnh Phúc còn công chúa Thiên Thành là con gái của Lý Thánh Tông (1023-1072); công chúa Thụy Thiên là con gái Lý Anh Tông (1136-1175). Riêng công chúa An Hoa hiện chúng tôi chưa tra cứu được.

Cũng theo sử cũ, vào năm 1029, lúc công chúa Bình Dương vào khoảng trên dưới 10 tuổi, được vua cha gả cho Châu mục Lạng Châu Thân Thiệu Thái; năm 1066, con trai của bà là Thân Cảnh Phúc (Cảnh Nguyên, Đạo Nguyên, Cảnh Long) cưới công chúa Thiên Thành.

Rõ ràng, nếu đem hoán đổi Thân Thiệu Thái vào vị trí của Vũ Tỉnh, Thân Cảnh Phúc vào vị trí của Vũ Thành thì trong thần tích cũng như tài liệu Hán – Nôm ở đền Hả cũng phải hoán đổi: công chúa Bình Dương là bậc cô, bác của công chúa Thiên Thành chứ không phải là con công chúa Thiên Thành – nhân vật có mặt trên đời từ thế kỷ XI.

Theo mạch lập luận trên, công chúa Thụy Thiên chỉ là bậc cháu chắt của công chúa Bình Dương, Thiên Thành vì khoảng trên dưới một thế kỷ sau, tức là cuối năm 1147, Lý Anh Tông mới cho làm nhà cho nàng ở Lạng Châu và năm sau, Thụy Thiên mới về cư ngụ, tu hành ở đây.

Có thể kể thêm, vào năm 1167 Lý Anh Tông gả công chúa Thiên Cực cho Châu mục Lạng Châu mang tước hiệu Hòa Trung Hầu và năm 1172 lại kén Châu mục Lạng Châu Dương Cảnh Thông làm Phò mã lang.

Ta có thể nhân ra ngay rằng, người cách xa nhất so với các văn bản do địa phương ghi chép là hai thế kỷ còn gần nhất cũng hơn nửa thế kỷ, tức là cách xa nhau từ 3 đến 8 thế hệ. Việc ép mỏng các thế hệ vào một thế thứ đã vô tình tạo ra sự đồng đại miễn cưỡng khiến người đời sau khó khăn trong việc bóc tách.

Để lý giải việc liên tiếp các đời vua Lý gả các công chúa cho các châu mục nơi biên ải theo lối ràng buộc (Ky mi), Khâm định Việt sử Thông giám cương mục cho rằng: “Thời bấy giờ không đặt tiết trấn; các việc quân sự và dân sự ở các châu đều do châu mục coi quản. Các châu miền thượng du lại giao cho các tù trưởng địa phương quản lĩnh. Nhà vua sợ khó khống chế được họ, nên mới kết mối giao hảo bằng cuộc hôn nhân để ràng buộc họ”.

Phó Giáo sư Memoki Shiro dạy tại Đại học Osaka – Nhật Bản trong bài viết Gia đình của các vua nhà Lý và sự xuất hiện của vương triều phụ hệ ở Việt Nam đọc tại Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Việt Nam học tại Hà Nội (7-1998) khẳng định:

“Vai trò chính trị của các phụ nữ, kể cả các con gái nuôi, trong gia đình các vua Lý nhiều khi được coi là công cụ cho chính sách liên minh nhờ vào các cuộc cưới gả cho những nhân vật có thế lực ở địa phương (châu mục, thủ lĩnh v.v..). Qua việc này, vua có thể xây dựng và duy trì quan hệ đồng minh với các thế lực địa phương. Hiện tượng “đồng minh hôn nhân” với thế lực ở Lạng Châu (Bắc Giang và Lạng Sơn ngày nay), là thế lực khống chế đường bộ đi Quảng Tây, đã được các tài liệu ghi chép nhiều nhất […].

Phải chăng các công chúa này chỉ có vai trò bị động như “cầu nối” hoặc “công cụ” trong quan hệ hôn nhân? Trong thời Lý, việc người đứng đầu địa phương hoặc quan lại dâng cho vua những vật lạ được các tài liệu ghi chép rất nhiều lần, có lẽ vì người ta thích coi vật lạ đó là điểm tốt và khi đó quan hệ cống nạp giữa hoàng đế và thần dân còn chiếm ưu thế. Theo Việt sử lược, Thiên Thành công chúa (vợ của Thân Đạo Nguyên ở Lạng Châu) dâng cho Nhân Tông “một con rùa có sáu con ngươi, ba chân” vào năm 1079 và hai con voi trắng vào năm 1106. Thụy Thánh công chúa (vợ của Phụ Thiên đại vương ở Châu Đăng châu?) cũng dâng cho Nhân Tông một con rùa có sáu con ngươi vào năm 1125.

Một sự kiện đáng lưu ý khác, xảy ra vào tháng giêng (âm lịch) năm 1212, là ngôi nhà của Thiên Cực công chúa ở Lạng Châu bị một tướng thuộc lực lượng họ Trần cướp phá (Việt sử lược). Nếu Thiên Cực này chính là công chúa đã cưới Hoài Trung Hầu vào năm 1167 thì việc Việt sử lược đã dẫn không phải chỉ nói về người quả phụ vẫn sống ở nhà chồng đã chết, thì sự kiện này có thể bao hàm hai ý. Thứ nhất, nàng công chúa đã lấy chồng có thể vẫn có tài sản riêng (nhà ở). Thứ hai, mặc dù Thiên Cực có nhiều khả năng thường trú ở Lạng Châu, nhưng cặp vợ chồng này không nhất thiết phải sống ở nhà chồng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1013, Thái Tổ cho các vương hầu công chúa được quản lý các loại thuế theo thứ bậc khác nhau. Ít có khả năng rằng sắc lệnh này không bao gồm các công chúa đã lấy chồng. Có lẽ nàng công chúa đã xuống địa phương để cưới người đứng đầu địa phương đó đã không bị sáp nhập vào “gia sản” của chồng một cách đơn giản, mà công chúa ấy vẫn giữ tài sản và bộ máy quản lý tài sản riêng của mình.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng nhà của Thụy Thiên công chúa được xây ở Lạng Châu vào năm 1147 và Thụy Thiên “về” Lạng Châu vào năm 1148. Nhưng không biết Thụy Thiên có lấy chồng ở đấy hay không. Vào năm 1222, “chia trong nước làm 24 lộ, các lộ phần công chúa (công chúa được chia một lộ) ở đấy” (Đại Việt sử ký toàn thư). Vì vậy, có khả năng rằng các công chúa thời Lý đóng vai trò chủ động trong việc khống chế các địa phương, trong khi đó các người con trai của hoàng đế ít đóng vai trò này”.

Dọi vào lịch sử ta thấy, trong suốt hơn hai thế kỷ tồn tại của nhà Lý, Lạng Châu luôn luôn là mảnh đất phên dậu của Đại Việt. Nếu hồi thế kỷ XI, XII, các vua nhà Lý tới Lạng Châu để săn bắt voi (1032), đi săn ở vùng sông Nam Bình thuộc Lạng Châu nhân đó ngự đến nhà Phò mã Thân Cảnh Phúc (1059), ngự lên Na Ngạn xem các cung nữ lên dàn hỏa thiêu chết theo Đại Hành hoàng đế (1127) thì tới đầu thế kỷ XIII, trong tình thế loạn lạc, Lý Huệ Tông và Thái hậu luôn dời đến Lạng Châu, lúc thì ở nhà Nguyễn Thuận sai Thân Trường, Thân Cải đi đánh Nguyễn Nộn, khi thì tới nhà quan Nội hầu Vương Thượng, xa giá vào vùng Phượng Sơn thuộc đất Na Ngạn lưu tới hàng chục ngày trời.

Về việc đánh giá công lao của 3 vị Phò mã họ Thân đối với đất nước, để thực khách quan tôi xin chỉ đưa ra những ghi chép trong các sử sách cũ của Trung Hoa và Việt Nam.

Về sách của Trung Hoa, trước hết cuốn Mộng Khê bút đàm của Thẩm Quát viết từ thời Tống ghi nhận: “Giáp Động là một bộ lạc lớn. Chủ động là Giáp Thừa Quý, lấy con Lý Công Uẩn rồi đổi ra họ Thân. Con Thừa Quý là Thiệu Thái lại lấy con gái Đức Chính (Lý Thái Tông). Con Thiệu Thái là Cảnh Long lại lấy con của Nhật Tôn (Lý Thánh Tông)”.

Lê Tắc, người Việt, sống tại Trung Hoa, tác giả của An Nam chí lược viết vào năm 1306 đã ghi nhận một sự kiện xảy ra vào tháng 6-1028 rằng: “Chuyển vận sứ Quảng Tây tâu nói: – Công Uẩn tự tiện khiến con em và rể là bọn Thân Thừa Quý đem quân vào bản đạo, cướp bóc dân biên thùy. Chúng tôi nhiều lần cho theo tìm, đều không chịu thả về những người đã bị cướp đi, e lâu dần sẽ trở nên việc đáng lo cho biên cảnh. Nay chúng tôi muốn tăng thêm binh sĩ đã huấn luyện của bản lộ, cùng quân sĩ bộ tuần kiểm, hội họp với tráng đinh các khe động, lấy tiếng đi đòi các người bị cướp, thừa tiện kiểm tra trừ khử ác đảng. Nên hạ lệnh cho bản lộ thiết thực hợp sức đánh giặc, nếu bọn Thừa Quý ra mặt kháng cự, cố ý giữ những người đã cướp đi, không chịu trả lại, tức thì cùng với Ung Châu cũng đồng phái số binh như bản lộ hiệp binh tiễu trừ. Về các người bị cướp đi, chúng tôi cho bí mật dò xét trước, để sau này quân cướp khỏi khống chế. Nếu lời tâu bày được y, chúng tôi xin lập tức thi hành”.

Về Thân Thiệu Thái, các sử sách của Trung Hoa như Tục Tư trị thông giám trường biên hoặc Tống sử viết từ thời Nguyên cho biết, vào khoảng 1059, dân cư ở vùng biên giới chạy sang châu Tây Bình của nhà Tống khá nhiều, được Vi Huệ Chính che chở. Lý Thành Tông sai Phò mã Thân Thiệu Thái dẫn quân từ Giáp Động kéo vào huyện Như Ngao thuộc châu Tây Bình. Vua Tống sai Đô giám tuần kiểm là Tống Sĩ Nghiêu đem quân từ Ung Châu ngăn chặn rồi tiến sang Giáp Động nhưng bị thiệt hại nặng nề. Năm 1060, Thân Thiệu Thái lại từ Giáp Động tiến sang, giết được Tống Sĩ Nghiêu và các tướng Lý Đức Dụng, Tả Minh, Hà Nhuận, Trần Bật khiến vua Tống phải cử Tiêu Cố đem quân đến Ung Châu hợp với Tống Hàm, Lý Sư Trung cố thủ. Thân Thiệu Thái lướt qua châu Tây Bình, đánh vào trại Vĩnh Bình, bắt sống Dương Lữ Tài và đã khiến cho Tiêu Cố – viên quan coi Quế Châu và Tiêu Chú – viên quan coi Ung Châu bị bãi chức. Cuối cùng nhà Tống phải tìm cách điều đình.

Việt sử lược viết vào cuối thời Trần ghi nhận sự kiện này nhưng có phần sơ lược: Mùa hạ, tháng 6 [năm Canh tý – 1060] Châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái đem binh vào huyện Như Ngao thuộc châu Tây Bình nhà Tống để bắt bọn người bản châu bỏ trốn, bắt viên Chỉ huy sứ Dương Lữ Tài và trai, gái, trâu, ngựa nhiều vô kể. Nhà Tống sai Lại bộ Thị lang Dư Tĩnh đến Ung Châu bàn việc đó. Vua sai bọn Bùi Gia Hựu đến Ung Châu hội nghị. Tĩnh hối lộ Gia Hựu rất nhiều và đưa thư xin lại Lữ Tài, vua không bằng lòng trả”.

Đối với Thân Cảnh Phúc, khi nhà Tống sai Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân sang xâm lược Đại Việt, ông đang làm tri châu Quang Lang và chỉ huy đội tiền quân của nhà Lý ngăn địch tại ải Quyết Lý. Trước thế giặc mạnh, như sách Đại Việt sử ký tiền biên thời Tây Sơn dẫn sách Quế Hải ngu hành chí của Trung Hoa kể lại rằng: “Viên tri châu Quang Lang là Phò mã bị thua, bèn trốn vào trong bụi cỏ, thấy quân Tống đi lẻ loi thì ra giết chết hoặc bắt về chặt ra mã ăn. Người ta cho là một vị thiên thần”.

Cùng với các dấu tích về thư tịch, những di duệ còn lại trong lòng đất vùng Lục Ngạn, Lục Nam và Lạng Giang – địa bàn của Lạng Châu cũ càng củng cố vững chắc hơn những giả định của các nhà sử học. Nhiều móng trụ về kiến trúc đền, chùa, cung thất đã tìm ra ở Tòng Lệnh, Bồng Lai, Cầu Từ, Khám Lạng cùng với các phù điêu, tượng tròn, gạch trang trí hoa văn cúc dây, gạch lát nền hoa sen nổi, gạch xây mang dòng chữ Lý gia đệ tam Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo đã cho thấy sự tương đồng về chất liệu và niên đại với Hoàng thành Thăng Long. Đây chính là bệ đỡ cho những luận thuyết về việc tìm ra dấu tích của các Phò mã họ Thân và các công chúa nhà Lý cư ngụ trên vùng Lạng Châu hồi thế kỷ XI, XII.

Gần đây, Trần Duy Phương bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam về Truyền thuyết Vũ Thành và lễ hội đền Hả (Lục Ngạn Bắc Giang) tại trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, tuy chưa bóc tách được các lớp truyền tích nhưng với trên 100 trang khảo cứu cũng là một đóng góp quan trọng cho việc khẳng định về những con người có thật trong lớp phủ mờ mờ của huyền thoại trên mảnh đất Lục Ngạn có bề dày văn hiến hàng ngàn năm.

Và, việc khẳng định Vũ Tỉnh/ Thân Thiện Thái, Vũ Thành/ Thân Cảnh Phúc đã lấy lại niềm tự hào cho quê hương Lục Ngạn:

Lý triều huân nghiệp minh sơn nhạc

Lục địa anh linh quán cổ kim

(Huân nghiệp Lý triều ngời sông núi

Anh linh đất Lục thấu xa gần).

Hà Nội, đầu đông 2011

KĐT

0