18/06/2018, 16:28

Chính sách miền núi của các triều đại phong kiến và hệ quả đối với đời sống xã hội Sơn La

Khổng Đức Thiêm 1 . SƠN LA THỜI LÝ – TRẦN – LÊ Đại Việt thời Trần Năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên nhà Lý, dựng quốc đô ở Thăng Long để tạo lập một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của quốc gia Đại Việt. Ra đời ở khoảng cách về thời gian còn khá gần với thời kỳ ...

Mienbac11

Khổng Đức Thiêm

1 . SƠN LA THỜI LÝ – TRẦN – LÊ

LSQSVNT4-DaiVietthoiTran

Đại Việt thời Trần

Năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên nhà Lý, dựng quốc đô ở Thăng Long để tạo lập một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của quốc gia Đại Việt. Ra đời ở khoảng cách về thời gian còn khá gần với thời kỳ đất nước bị các triều đại phong kiến Trung Hoa đô hộ, do đó nguy cơ đất nước dễ bị ngoại xâm phương Bắc đe dọa trở thành mối quan tâm thường trực của nhà Lý. Việc xây dựng mối quan hệ đặc biệt với các khu vực tập trung đông đảo các cộng đồng dân tộc thiểu số ở phía Bắc và Đông Bắc Đại Việt trở thành yêu cầu khẩn thiết, vì vùng biên viễn này có vị trí chiến lược trọng yếu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Ở những nơi này, các thổ ty có thế lực rất lớn trong đời sống vật chất và tinh thần đối với các bộ tộc của họ. Chính sách Ky mi đã giúp cho mối ràng buộc bằng tình cảm thông qua các cuộc hôn nhân, trong đó các công chúa con gái các vua nhà Lý trở thành công cụ cho sách lược liên minh giữa nhà cầm quyền trung ương với các đại diện thế lực ở địa phương. Phương thức liên minh hôn nhân tỏ ra hữu hiệu khi nhiều thế hệ trong dòng họ Thân trên đất Châu Lang (nay là Bắc Giang) trở thành Phò mã lang như Thân Thừa Quý (con rể Lý Thái Tổ) Thân Thiệu Thái (chồng của công chú Bình Dương), Thân Cảnh Phúc (con trai của Thân Thiệu Thái,  chồng của công chúa Thiên Thành). Không chỉ có họ Thân, vua  Lý Anh Tông còn gả công chúa Thiên Cực cho Lạng Châu mục Hoài Trung hầu vào năm 1167, Khi Dương Cảnh Thông được cử làm Lạng Châu mục, ông cũng trở thành Phò mã lang.

Không chỉ có các con đẻ, một số em gái hoặc con gái nuôi của các vua nhà Lý cũng được tham gia vào các hoạt động chính trị này như trường hợp con gái nuôi của Lý Thánh Tông được gả cho họ Lê ở châu Chân Đặng, Kim Thành công chúa cưới Lê Tông Thuận là châu mục Phong Châu; Khâm Thánh công chúa, em gái vua Lý Nhân Tông cưới Hà Di Khánh, Hoa Dương công chúa cưới Hà Công Phụ đều là châu mục Vị Long, Quy Hoá; Trường Ninh công chúa cưới Hà Thiện Lãm là châu mục Thượng Oai,  Diệu Bình công chúa và Thiều Dung công chúa trở thành vợ của Dương Tự Minh, châu mục Phú Lương.

Khi ấy, khu vực Tây Bắc cũng có nhiều tộc người cư trú, tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó, các tù trưởng ở đây chưa đủ lớn để cuốn hút sự quan tâm của triều đình trung ương và mặt khác, quốc gia láng giềng của Đại Việt chưa đủ mạnh để trở thành mối đe doạ xâm lăng đối với Đại Việt. Nhiều bộ lạc ở phía Tây Bắc còn tỏ ra thần phục, thường xuyên triều cống, nộp lễ vật hoặc cầu cứu các vua nhà Lý ra tay can thiệp. Mối lo đối với láng giềng không trở thành thường trực.

Củng cố chế độ trung ương tập quyền cách tốt nhất là nắm chắc các khu vực cư dân. Chính vì lẽ đó mà nhà Lý chia khu vực đồng bằng thành 5 cấp (lộ, phủ, huyện, hương, giáp) còn miền núi thành 4 cấp (đạo, châu, trại, động).

Đây là thời kỳ mà Quắn Tố mương ghi nhận về sự có mặt của người Thái Đen ở Mường Lò với các thủ lĩnh tạo Xuông, tạo Ngần, tạo Lò, Ta Đúc.

Tồn tại và phát triển rực rỡ trong khoảng hơn một thế kỷ, nhà Lý đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu thoái hoá và suy vong. Thiên tai, đói kém liên tục xảy ra. Đến cuối thế kỷ XII đồng hành với các cuộc nổi dậy của nông dân là sự trỗi dậy của các thế lực cát cứ ở các địa phương. Cuối cùng, thế lực của họ Trần thông qua giải pháp hôn nhân Trần Cảnh – Lý Chiêu Hoàng đã giành được ngôi báu, lập ra nhà Trần kéo dài trên 170 năm (1226-1400).

Khác với nhà Lý, ngay sau khi thiết lập vương triều chưa được bao lâu, nhà Trần đã phải dồn công sức, binh tráng để tiến hành 3 cuộc kháng chiến chống lại giặc Nguyên-Mông. Những giải pháp về kinh tế-xã hội, do đó phải tới tận cuối thế kỷ XIII mới được thực thi. Chính sách đoàn kết dân tộc đã mở rộng hơn, không chỉ tập trung vào các tù trưởng ở miền biên viễn phía Bắc hay Đông Bắc mà đã lan tới khu vực Tây Bắc rộng lớn và xa xôi. Triều đình đã thường xuyên cử quý tộc, quan lại có năng lực hoặc có danh tiếng, am hiểu phong tục tập quán các dân tộc thiểu số để lên trấn trị, phủ dụ dân chúng. Nhiều ông vua nhà Trần đã tiến xa hơn Long Môn – Long Thủy để khẳng định sức mạnh của chính quyền trung ương cũng như cương giới của quốc gia Đại Việt đang trên đường hưng thịnh. Chiến tranh và  các cuộc binh đao giữa chính quyền trung ương với các bộ tộc ở trong khu vực hầu như đã giảm thiểu. Các cuốn cổ sử xác nhận điều này:

– Năm 1280 (Thiệu Bảo, năm thứ 2, mùa đông, tháng 10), Trịnh Giác Mật[1] [có thể hiểu là Chiềng Giác Mật- thủ phủ của một châu người Thái nay thuộc Sơn La] ở đạo Đà Giang bắt tuân phục. Vua sai Chiêu văn vương Trần Nhật Duật coi đạo Đà Giang, ngầm đem quân thuộc hạ đến.

Khi tới trại, nhiều người dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong. Nhật Duật đi thẳng vào, trèo lên trại. Mật mời ông ngồi. Nhật Duật thạo biết tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều nước, cùng ăn bốc, uống bằng mũi với Mật. Người dân thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang. Đến khi về Kinh sư, [Nhật Duật] đem Mật và vợ con vào chầu, vua rất khen ngợi. Sau đó, vua cho Mật về nhà, giữ con ở lại kinh đô. Nhật Duật mến nuôi hết lòng, xin triều đình ban tước thượng phẩm và cho vào trông ao cá, sau cũng cho về nhà[2].

– Năm 1329 (Khai Thái, năm thứ 6, mùa đông), Ngưu Hống bất tuân phục triều đình, Thượng hoàng đi tuần thú đạo Đà Giang, (nay hầu hết thuộc Sơn La, Hòa Bình) đích thân đi đánh Ngưu Hống, sai Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên soạn thực lục.

Thượng hoàng đến Mường Việt [tức Mường Vạt-Yên Châu], đóng quân lại, ban tên [cho đất ấy] là phủ Thái Bình; [ở đây] có suối Bác Tử, ban tên là suối Thanh Thủy. Trong chiến dịch này, Thượng hoàng đích thân chỉ huy, hiệu lệnh nghiêm minh, uy thanh vang dội (1).

– Năm 1337 (Khai Hựu, năm thứ 9, mùa thu, tháng 9), triều đình cử Hưng Hiếu vương tiến quân vào trại Trịnh Kỳ [Chiềng Kỳ], giết được tù trưởng Xa Phần của Ngưu Hống. Gia đồng là Phạm Ngải lập được chiến công, được cấp 5 phần suất ruộng.

– Năm 1399 (Kiến Tân, năm thứ 2, mùa thu, tháng 8), Nguyễn Nhữ Cái ở Đà Giang làm giấy bạc giả, chiêu dụ được hơn 1 vạn người nổi dậy ở vùng sông Đà, thế lực rất mạnh. Mãi đến tháng chạp năm ấy (1/1440), Hồ Quý Ly mới sai Nguyễn Bằng Cử đem quân đi đánh, mới dẹp yên.

Như một định mệnh, nhà Trần lại mất ngôi vào tay cha con Hồ Quý Ly trong hoàn cảnh thiên tai hoành hành, bão táp của các cuộc khởi nghĩa nổi lên dữ dội, giống như những gì đã xảy ra vào cuối thời Lý.

Hồ Quý Ly cướp ngôi vua lập nên nhà Hồ trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước lâm vào tình trạng suy tàn, lòng người ly tán. Ở phía nam, Chiêm Thành luôn luôn đe dọa còn ở phía bắc, nhà Minh đang xúc tiến một cuộc xâm lược Đại Việt, liên tiếp đòi hỏi cung cấp lương thực cho quân Minh đang đóng gần biên giới; đòi người bị thiếu, tăng nhân, đàn bà xoa bóp. Khi ý đồ xâm lược trở thành cấp thiết, nhà Minh lại sai Nguyễn Toán, Từ Cá, Nguyễn Tông Đạo, Ngô Tín sang sứ và thăm hỏi thân thuộc, dặn mật rằng, nếu có quân phương Bắc sang thì dựng cờ vàng, ghi là thân thuộc của viên nội quan họ tên là mỗ, tất sẽ không bị giết hại[3].

Đất nước đã lùi xa nạn đao binh với phương Bắc hơn một thế kỷ. Các vương hầu và con cháu các công thần có công trong các cuộc kháng chiến trước đây ngày càng sa đọa trong sự giàu sang phú quý, chỉ chăm lo củng cố địa vị và thâu tóm những thành quả đấu tranh, xây dựng của nhân dân. Mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên gay gắt. Nhân dân không còn động lực khi bị huy động vào lực lượng vũ trang, đi lao dịch, Vì vậy, cha con Hồ Quý Ly chỉ còn trông cậy vào thành cao, hào sâu và đã nhanh chóng thất bại trước kẻ thù xâm lược.

Chiếm được Đại Việt, tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5( 7-1407) Minh Thái Tông ra Sắc dụ cho lập ty Chỉ huy sứ Giao Chỉ, đổi tên hầu hết các phủ, huyện  châu- trong đó có việc chuyển trấn Giao Hưng  xuống thành châu Gia Hưng  lĩnh ba huyện Lung, Mông và Tứ Mang, xếp đặt bộ máy cai trị tuyển chọn từ người địa phương.

Tại huyện Tứ Mang [từ thời Lê đổi là Châu Mộc, nay là các huyện Mộc Châu, Vân Hồ và một phần huyện Đà Bắc] cựu Thổ quan Xa Miên được giao làm Tri huyện. Theo Minh Thực lục (Thái Tông, Q.179, tr.2a), vào ngày 20tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 16 ( 27-3-1418), con trai của Xa Miên là Xa Tam (tức Xa Khả Sâm) hoặc Xa Khả Tham trong sử Việt), sau khi giết chết Âu Dương Trí kẻ được nhà Minh cử đến làm Tri huyện Tứ Mang thay Xa Miên, đã dựng cờ khởi nghĩa khiến Tổng binh Lý Bân phải sai Đô đốc Phượng Chính đem nhiều binh tướng đi đánh dẹp. Nghĩa quân đã đẩy lyi được nhiều đợt tấn công của giặc Minh, giết chết Đô Chỉ  huy sứ Trần Nhữ Thạch, Thiên hộ Chu Đa Bổ nhưng chẳng may Xa ĐẠo- em trai của Xa Tam rơi vào tay địch, bị sát hại.

Diễn biến của cuộc khởi nghĩa được Minh Thực lục ghị nhận như sau:

“Trước đây viên cựu Thổ quan tri huyện Tứ Mang”, châu Gia Hưng là Xa Miên, có con Xa Tam làm phản, giết bọn Tri huyện được triều đình cử đến là Âu Dượng Trí. Quan Tổng  binh Phong  Thành hầu Lý Bân sai Đô đốc Đồng tri Phương Chính mang binh thảo phạt. Giặc cậy đông cự địch, các viên Thổ quan Đô Chỉ huy Trần Nhữ Thạch, Thiên hộ Chu Đa Bồ tử trận. Quan quân ra sức đánh bại giặc, bắt người em là Xa Đạo giết chết. Bọn Xa Tam trốn, nhưng núi rừng hiểm trở khí độc mới phát; quan quân lục soát không bắt được, bèn mang quân trở về và sai người chiêu dụ. Bân báo lên và xin thưởng tuất bọn Nhữ Thạch để khuyết khích quan sĩ. Được chấp nhận” [(Hồ Thạch Thảo (dịch và hiệu đính). Minh Thực lục. Quan hệ Trung Quốc- Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, tập 2, Nxb Hà Nội, tr.51-52)].

Cùng với các cuộc khởi nghĩa Thổ Hoàng (Hương Khê-Hà Tĩnh), Lam Sơn (Thanh Hóa) và Áo Đỏ (Gia Hưng, Tuyên Hóa), cuộc khởi nghĩa do Xa Tam lãnh đạo đã gây cho quân xâm lược Minh nhiều đòn chí mạng. Trong Sắc dụ gửi Tổng binh Lý Bân đề ngày 10-5 năm Vĩnh Lạc thứ 18 (6-1420), Minh Thái Tông phải kêu lên:

“Bọn phản loạn Phan Liêu, Lê Lợi, Xa Tam, Nông Văn Lịch đến nay vẫn chưa bắt được, không biết việc binh đến khi nào mới  hết, dân đến lúc nào mới được yên; nên ngày đêm hết lòng trù hoạch phương lược, sớm diệt bọn giặc này, để khỏi phụ sự ủy nhiệm của Trẫm” [(Hồ Thạch Thảo (dịch và hiệu đính). Minh Thực lục. Quan hệ Trung Quốc- Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, tập 2, Nxb Hà Nội, tr.81)].

Khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo bước vào giai đoạn toàn thắng thì tại Tứ Mang (Mường Xang), vào khoảng tháng 6/1427, thổ tù Xa Khả  Sâm đã đem lực lượng vũ trang của châu mường đến quy phụ. Lê Lợi đã trao cho Thổ tù Mường Xang chức Nhập nội tư không Đồng binh chương sự tri Đà Giang trấn thượng bạn, cho túi Kim ngư, tước Trụ Quốc Quan phục hầu, ban quốc tính họ Lê. Các con của ông như Xa Lộc được làm Kim ngô vệ Thượng tướng quân, tước Đại tri tự; Xa Khát, Xa Bàn, Xa Điển đều được làm Ngọc vệ Đại tướng quân, tước Ninh Tự.

Để bày tỏ lòng trung thành, Xa Khả Sâm đã dâng lên Lê Lợi 3 con voi cùng vòng vàng, vòng bạc, chiêng đồng. Lê Lợi cũng ban thưởng cho ông 20 tấm lụa, 10 con ngựa.

Sự kiện Xa Khả Sâm quy phục Lê Lợi đã tác động tới thổ tù châu Ninh Viễn là Đèo [Điêu] Cát Hãn- người đã đầu hàng nhà Minh khi quân xâm lược tràn đến vùng này. Tháng 10/1427, khi Chủ thư Thị sử được Lê Lợi phái đến tuyên dụ vỗ về châu Ninh Viễn, Đèo Cát Hãn đem quân trong châu đến hàng phục. Lê Lợi chấp nhận và cho tiếp tục cai quản công việc trong châu.

Mục tiêu đánh đổ ách thống trị của nhà Minh, giành lại độc lập và chủ quyền cho đất nước mà cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đề ra, đến cuối năm 1427 đã hoàn thành. Thủ lĩnh Lê Lợi trở thành Thái Tổ của nhà Lê, ngay từ đầu đã hướng tới mục tiêu là dùng hình luật để cai trị và bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ quốc gia.

Một trong những biện pháp quan trọng mà nhà Lê sử dụng trong buổi đầu là sắp xếp lại các đơn vị hành chính kể cả khu vực miền núi, sử dụng tầng lớp trên của các dân tộc, bổ nhiệm họ các chức như Đoàn luyện, Thủ ngự, Thổ tù người Thái là Xa Khả Tham (có sách viết là Sa Khả Sâm) được phong là Nhập nội tư không và các con ông được phong làm Đại tướng quân được ban quốc tính. Nhiều thổ tù khác có công trong kháng chiến hay chịu quy thuận, được phong những chức tước cao như Tư không, Bình chương sự, Thượng tướng quân. Đại tướng quân. Năm 1428, khi Lê Lợi chia nước làm 5 đạo và tổ chức lại bộ máy thống trị ở các châu, có đặt thêm các chức Tri châu, Đại tri châu dành riêng cho các thổ tù vùng biên viễn. Chính sách này tiếp tục được sử dụng trong các đời vua Lê về sau và tới thời Thánh Tông, nhiều thổ tù được phong đến tước Quận công.

Với bộ Luật Hồng Đức, vấn đề chính sách đối với các dân tộc thiểu số đã được xác định rõ ràng hơn. Qua những quy định của Luật Hồng Đức, nhà nước trung ương đã chú ý tới đặc điểm về phong tục tập quán, có cách ứng xử phù hợp. Điều 40 Luật Hồng Đức quy định: “Những người miền thượng du (vùng miền núi- dân tộc) cùng phạm tội với nhau thì theo phong tục xứ ấy mà định tội. Những người thượng du phạm tội với người trung châu thì theo luật mà định tội”. “Các quan tướng suý tại các phiên trấn đến những châu huyện ở trấn mình, sách nhiễu tiền tài của dân thì bị biếm ba bậc, phải bồi thường gấp đôi số tiền trả lại cho dân. Khi chiêu dụ dẹp yên dân Man Liêu mà tự tiện phá nhà cửa, lấy súc vật, tài sản của dân thì bị tội biếm hay bị đồ” (Điều 163). “Các quan quản giám các dân Man Liêu (tức các dân tộc thiểu số) tự ý giữ trông coi những vụ kiện trong hạt, riêng sai người nhà đem trát đi bắt người hoặc là ức hiếp người mà giam cầm, thì xử phạt 60 trượng và biếm 2 tư” (Điều 164).

Luật Hồng Đức cũng có những quy định cụ thể nhằm ngăn ngừa sự liên kết giữa quan hệ người Kinh và các thổ tù thiểu số, nhằm hạn chế sự gia tăng quyền lực của các thủ lĩnh ở khu vực này. điều 51 ghi: “Các quan ty mà cùng với những người tù trưởng ở nơi biên trấn kết làm thông gia, thì phải tội đồ hay lưu và phải ly dị. Nếu lấy trước rồi thì xử đoán khác”. So với thời Lý-Trần, nhà Lê đã với tay sâu hơn trong việc quản lý, chi phối khu vực này và quy định rõ trong Luật Hồng Đức: “Những người không phải ngành chính mà tranh bừa quyền phụ đạo, thủ lĩnh thì xử 70 trượng, biếm ba tư. Dòng chính phụ đạo thủ lĩnh, nếu không tâu xin mà tự tiện giữ quyền thì xử giảm một bậc” (Điều 340).

Nhiều quy định trong hình luật của nhà Lê ít nhiều có xem xét và giảm nhẹ hình phạt đối với người thuộc dân tộc thiểu số: “Người Man Liêu cướp bóc của nhau, giết nhau thì xử nhẹ hơn tội cướp, giết người một bậc; nếu hoà giải với nhau thì cũng cho” (Điều 451). Hay như quy định: “Đi thu thuế của dân Man Liêu mà không đến trình người quản giám thì xử biếm 1 tư” (Điều 595). “Ngục giám đi bắt người Man Liêu bị kiện, mà không trình quan quản giám người Man Liêu, thì xử biếm 1 tư, trong trường hợp ấy, kẻ phạm tội có đánh chửi ngục giám cũng không được xét. Nếu viên quản giám nói dối là dân Man Liêu chống cự, không sai bắt kẻ bị kiện thì cách chức quản giám” (Điều 703)[4].

Dưới triều Lê, đặc biệt từ thời Lê Thánh Tông, vai trò quyền lực của nhà nước trung ương đối với các địa phương rất to lớn. Bản đồ nước ta được hoàn thành thời Lê Thánh Tông đánh dấu bước tiến to lớn trong quản lý của nhà nước trung ương. Cả nước được chia thành 13 xứ thừa tuyên có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường. Các vùng xa như Thanh- Nghệ, Thuận Hoá, Yên Bang, Tuyên Quang, Hưng Hoá đều đặt ty và thủ ngự. Nhà nước trực tiếp quản lý các địa phương thông qua hệ thống quan lại[5].

Sử cũ còn ghi lại sự kiện: Năm 1428 vua “Hạ lệnh rằng hễ thấy người áo đỏ Mường Mộc chở mắm muối về thì không được ngăn cấm”. Nhiều tù trưởng dân tộc thiểu số có công trong kháng chiến chống Minh được trọng thưởng. Một số tù trưởng được ban đặc ân”[6].

Sau khi Lê Thái Tổ lên ngôi, tù trưởng các châu của người Thái đều phục tùng triều đình; duy chỉ có ba chúa mường luông – mường lớn là Pét Lạn (Đèo Cát Hãn), phạ Nhũ (Cương Nương) và Mứn Hắm (Quy Thang) là bất quy phục.

Về sự kiện đánh dẹp Đèo Cát Hãn, Đại Việt sử ký toàn thư chép rất vắn tắt như sau: “Nhâm Tý, Thuận Thiên năm thứ 5, mùa xuân, tháng giêng, sai Thân vương Tư Tề đem quân đi đánh châu Mường Lễ. Tù trưởng châu là Đèo Cát Hãn và con là Đèo Mạnh Vượng ra hàng. Cho ở Đông Kinh, lập Hãn làm Tư mã, rồi năm sau giết chết”[7].

Tháng 12/1432, Lê Thái Tổ lại thân đi đánh châu Phục Lễ. Tháng 2/1433, nhà vua từ Phục Lễ mang quân trở về Kinh.

Năm 1434, sau khi Đèo Cát Hãn chết, con trai là Đèo Mạnh Vượng đem mẹ về đất cũ, ngay sau đó bà rời châu Phục Lễ về Đông Đô đợi mệnh của triều đình, tâu xin cho con trai là Đèo Mạnh Vượng và Đạo Thu bận đánh nhau với Mường Lự xin về chầu sau khi đã xong việc. Tháng 1/1435, Đèo Mạnh Vượng về hàng, vua Lê sắc phong cho làm Tư mã Tri bản châu quân dân sự, tước Quan phụ hầu1. Trong tháng này, viên phụ đạo Mường Việt là Cầm Công được phép đội mũ, thắt đai vào chầu; cho Đạo Miên ở châu Mã Nam làm Đại tri châu Tri quân dân sự bản châu, tước Minh tự[8].

Tháng 2/1437 (Thiện Bình, năm thứ 4, mùa xuân, tháng giêng), thổ tù châu Thuận Mỗi phủ Gia Hưng là Đạo Quỹ, Đạo Thang dẫn người châu đó đến bắt viên thổ quan là Đại tri châu Đạo Lễ đem thắt cổ chết rồi giữ trại sách chống cự lại. Triều đình bèn phái Chiêu thảo sứ là Hà An Lược- người Mai Hạ, Mai Châu, đem quân đánh dẹp, bắt sống được Đạo Quỹ và nhiều người khác giải về Kinh. Sau chiến công ấy, Hà An Lược được làm Chiêu thảo Đại sứ; Đạo Xa – con của Đạo Quỹ được làm Hoài Viễn tướng quân kiêm Đồng tri châu bản châu, ban cho mũ đai, y phục[9].

 Tháng 1/1438, nhà vua cho phát lương ở quân doanh Gia Hưng và cho phép trấn quan Hưng Hoá cho dân vay ăn[10].

Tháng 1/1438. Lê Thái Tông thân cầm quân đi châu Phục Lễ để đánh Cầm Cương Nương vì bất phục triều đình.

Tháng 4/1440 (Đại Bảo, năm thứ nhất, mùa xuân, tháng 3), Lê Thái Tông thân chinh dẫn binh đánh dẹp viên thổ quan ở châu Thuận Mỗi vì tội chống lại triều đình. Trên đường trở về, Lê Thái Tông dừng chân tại động La (Thẩm Báo ké) cho khắc lên vách đá lời tuyên cáo:

“Bài thơ của Quế Lâm động chủ ngự chế.

Tù trưởng phản nghịch ở châu Thuận Mỗi là Thượng Nghiễm vong ân bội nghĩa[11], đem dân chúng theo người Ai Lao làm phản. Thân điều khiển 6 quân đến trị tội. Trong khoảnh khắc đã đốt trụi hai dãy núi lớn, chiếm lấy  nguồn nước. Thượng Nghiễm kế cùng lực tận, dâng voi xin hàng. Ta thương mà không nỡ chém; tha tội cho, đem quân trở về để lại bài thơ:

Nửa đêm không ngủ, thương kẻ xa

Tù trưởng kia sao dám phản ta

Thế gian còn lắm anh hùng đó

Thiên hạ ai dung kẻ nghịch tà

Đường sá gian truân không hiểm nữa

Hang tối xuân về, mướt cỏ hoa

Tẩy trừ nhơ nhớp, yên dân thiện

Không để biên thuỳ ngoài đức ta

Năm đầu, niên hiệu Đại Bảo (1440) ngày lành giữa tháng Ba”[12].

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Mùa thu, tháng 5, vua đem quân từ châu Thuận Mỗi trở về vì Thượng Nghiễm dâng trâu và voi xin hàng và trời đương mưa, nắng dữ”.

Tuy nhiên, Thượng Nghiễm vẫn tiếp tục bất tuân lệnh triều đình. Tháng 4/1441 “Vua lại đi đánh Thượng Nghiễm ở châu Thuận Mỗi, bắt sống viên tướng Ai Lao là Đạo Mông cùng với vợ con là động La, bắt con của  Thượng Nghiễm là Sinh Tương và Cháng Đồng. Thượng Nghiễm kế cùng phải ra hàng. Vua đem quân về dâng tù, báo thắng trận ở Thái Miếu”[13].

Tháng 8/1448 (Thái Hoà, năm thứ 6, mùa thu, tháng 7) dân vùng Tây Đạo bao gồm trấn Tuyên Quang, lộ Quy Hoá và lộ Gia Hưng của Hưng Hoá, lộ Đà Giang lâm vào đói kém. Tri Tây Đạo là Nguyễn Phú tâu về triều đình: “Các trấn lộ Tuyên Quang, Quy Hoá, Gia Hưng ở miền núi rừng hẻo lánh, ruộng đất sỏi đá xơ xác lại thêm liền năm bị hạn hán, dân chúng rất đói. Xin lấy thóc kho công cho dân vay, may ra dân được hồi sinh”.

Nhà vua y lời, xuống chiếu phát thóc trong kho cho dân vay, đợi khi được mùa thì trả lại cho nhà nước[14].

Tháng 6/1453 (Thái Hoà, năm thứ 11, mùa hạ, tháng 5) Tuyên uý châu Mường Mộc là Xa La, Kinh lược sứ châu Thuận Mỗi là Đạo Xa, Tri châu châu Mường Việt là Đạo La, Quan sát sứ châu Ngọc Ma [Thanh Hoá] là Cẩm Kha về Kinh dâng sản vật địa phương, đều được vua Lê ban tiền theo thứ bậc khác nhau cùng với nhiều đặc quyền, đặc lợi khác. Theo Chúc thư của dòng họ Xa, dòng họ Thổ tù- Phụ đạo động Đà Lý, huyện Mộc Châu, phủ Gia Hưng lập ngày 6-2 năm Hồng Đức thứ 2 (3-1471) được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trên lụa ta có thể thấy rõ điều đó. Nội dung bản Chúc thư như sau:

“Thổ từ Phụ đạo động Đà Lý, huyện Mộc Châu, Phủ Gia Hưng lập Chúc thư.

Tư đồ Tư mã Tư Thiếu sinh Xa Lê Miêu Xa Lê Miêu Sinh, Xa  Lê Thậm Lê Thậm Sinh, Xa Văn Phú Văn Sinh, Xa Thọ Thọ Sinh, Xa Ngọc Lan để lại ruộng đất, sản nghiệp nguyên vẹn gìn giữ cho đời sau, tránh tranh đoạt sở hữu ruộng đất, đầm ao của tổ nghiệp nên lạp Chúc thư để phân định rõ ruộng đất cùng các vật.

Nay giao cho Đạo trưởng Xa Ngọc Lan chiểu phép thường về ruộng đất để lại của tổ nghiệp, dư lập Chúc thư để đời đời truyền  con nối cháu, mãi mãi gìn giữ kỷ vật.

Như xưa nước có phép thường, nay lập Chúc thư.

Thổ tù Phụ đạo giao Đạo trưởng Xa ngọc Lan giữ một đạo, chiểu theo đúng Chúc thư thi hành.

  1. Đà Lý động binh: dân các quê xa gần thuộc quyền Quan Lang cai quản và các Quan Lang, Quan Khôn, Quan Trưởng quyền dịch quyền chán, Quan Giáo, Quan Trị, Quan Mấy, Quan Tỉnh cùng các người trong nhà Quan Lang như: Quan Lại, Quan Cốt, Quan Tiển và những người trong nhà Thổ tù, Phụ đạo động Đà Lý hàng năm cày cấy ruộng nương nước khôn quê nguồn [đất đai, xứ sở của Thổ tù, Phụ đạo].

Tháng 10: Ruộng quang do Quan Lang cày cấy.

Tháng 5: Ruộng ngọc do Quan Khôn cày cấy.

Tháng 5: Ruộng đồn do Quan trưởng cày cấy.

Tháng 5: Ruộng ban do các quan Quê cày cấy.

Còn ruộng lẻ ở tại các thôn khác thì quê nguồn thuộc các Quan Lang, Quan Khôn, Quan Mạc, Quan Công, Quan Tắt, Quan Tiên, Quan Vì, Quan Quảng, Quan Quyền, Quan Dõng và hai thôn thuộc Thổ tù, Phụ đạo kết hợp để cày cấy. Việc cày cấy phân theo nhà ở, mỗi cụm 5 nhà, những thôn rời rẽ thì mỗi cụm 3 nhà còn các thôn khác ở xã hơn thì mỗi cụn 2 nhà.

  1. Quan Khôn hễ giết trâu, bò, lợn, dê hoặc hươu nai phải nộp Thổ tù một chân và một mâm cỗ.

– Các quê của Quan Giáo, Quan Khôn hễ giết súc vật nói trên phải nộp Thổ tù một chân và một mâm cỗ, phải nộp cho Quan Khôn cũng đúng như thế.

– Quan Trưởng hễ giết các súc vật nói trên phải nộp Thổ tù một chân và một mâm cỗ.

– Các quê của Quan Trưởng , Quan Tỉnh, Quan Thông hễ giết các súc vật nói trên phải nộp  Thổ tù một chân và một mâm cỗ và phải nộp cho Quan Trưởng một bộ xương và một mâm cỗ.

– Quê của Quan Lang hễ giết các súc vật nói trên phải nộp Thổ tù một chân và một mâm cỗ, phải nộp  cho Quan Quyền và Quan Cốt một bộ xương và một mâm cỗ.

– Các thôn khác hễ giết các súc vật nói trên phải nộp Thổ tù một chân và một mâm cỗ.

– Quan Mạc hễ giết các súc vật nói trên phải nộp cho Thổ tù một chân và một mâm cỗ.

– Quan Công, Quan Tắt, Quan Liền, Quan Vĩ, Quan Quảng hễ giết các súc vật nói trên phải nộp cho Thổ tù một chân và một mâm cỗ.

  1. Các quê thuộc Quan Lang động Đà Ký phải đi tuần thú: ngày 3 người, đêm 5 người.
  2. Các quê thuộc Quan Lang bán ngựa phải nộp Thổ tù mỗi ngựa là một đại, nếu không thì Thổ tù bắt người vợ cả của kẻ bán ngựa. Khi đó Quan Lang của hai thôn (thôn Thổ tù và thôn người bán ngựa) phải tham dự lễ cướp vợ ấy. Khắp động Đà Lý này, các quê thuộc Quan Lang phải tuân theo đúng như Chúc thư của Thổ tù, Phụ đạo đã quy định.

Dưới đây liệt kê:

      1.Ruông, ao, đầm, đất và thanh bôn hoa quả 4 mùa thuộc núi rừng xa gần trong xác xú       quê Quan Lang tất cả đượcghi đúng như trong Chúc thư này:

Một thửa ruộng ngọc, ruộng binh đông giáp ruộng rừng, nam giáp suối nhỏ, tây giáp suối nhỏ, bắc giắp ruộng bản  điền.

  1. Một thửa ruộng ao, một đoạn đông giáp xứ ao, nam giáp ruộng rừng, tây giáp suối nhỏ, bắc giáp suối nhỏ.

3.Một thửa ruộng lộc, ruộng đống liền kề, một đoạn đông giáp suối nhỏ, nam giáp đống sam, tây giáp ruộng đón, bắc giáp ruộng rừng và dọi sâu.

  1. Một thửa ruộng đô năm mẫu hai đoạn: đông giáp xứ đô, nam giáp rừng, tây giáp rừng, bắc giáp xứ đô.
  2. Một thửa ruộng chằm sáu mẫu: đông giáp bản điền, nam giáp bản điền, tây giáp bản điền, bắc giáp hống.
  3. Một thửa ao rừng, một đoạn đông giáp bản diền, nam giáp bản điền, tây giáp ruộng binh thuế, bắc giáp hống.

      7.Một thửa nhược vương cung thực điền, bùi điền, đông giáp bản điền, nam giáp suối nhỏ, tây giáp hống, bắc giáp rừng.

  1. Một thửa ruộng bờ đầm: đông giáp rừng, nam giáp bản điền, tây giáp rừng, bắc giáp bản điền.
  2. Một thửa ruộng hòa hai đoạn: đông giáp bản điền, nam giáp suối nhỏ, tây giáp suối nhỏ, bắc giáp suối nhỏ.

Giao cho Đạo trưởng, Thổ tùi Xa Ngọc Lan giữ một đạo Chúc thư.

 Các thôn khác nếu nhận cày cấy thì một năm nộp: rượu hai chĩnh, xôi nếp một sâu, lợn một con và thóc gạo 1500 cân, mỗi cân 10 đấu. Dù cày cấy hay bỏ hóa đều phải tiến nộp đúng như vậy.

Ruộng đất, núi rừng, hoa quả các xứ xa gần ở động Đà  Lý: đông giáp Sùng Hưng, tây giáp Đầu Lộc Thạch Mệnh, nam giáp Chúng Bán Dương Đồn, bắc giáp Cối Cá Minh Thổ Kỵ làm bờ. Ruộng tư của họ Xa, ruộng rừng và đất đai, tất thảy điền địa thuộc  địa phận động Đà Ký đến địa ohận hai thôn gần Dương Hoàng Khu  Phiến Đồ và Bình Ban Mác Chính Thạch nay đều giao cho Thổ tù Xa Ngọc Lan quan lý.

Các Quan Quyền ở các quê thuộc địa phận cứ sau vụ đều phải tiến nạp lụa 30 thước và phải sức binh, dân cho trâu cày đất. Binh dân phải nộp liệt ngưu một đầu và lụa trắng 30 thước. Còn các thôn khác quê nguồn nước chỉ phải nộp liệt ngưu môtỵ đầu, lụa trắng hai bó 20 thước.

Địa giới động Đà Lý bốn mùa không suy xuyển, đúng như trong Chúc thư đã quy định rõ:

Đông giáp địa phận Thái Hòa (Suối Voi liền  đến Doi Cát, Quèn Lắm, Cấm Gà, Suối Lội). Tây giáp địa phận Hiệp Đưc]s (Suối Hồ, Suối Trắng, Quèn Tàng, Mỏ Đá, Đèo Vọng, Hang Mai). Nam giáp địa phận Hiền Lương (Doi Chông, Suối Động, Thạch Mừng, Quèn Hao). Bắc giáp địa phận Cường Nhuệ (từ Bờ Mèn liền đến Hang Ửng, Suối Hôi, Cửa Trai).

Vốn địa phận động Đà Lý giáp Thượng Thôn (từ Suối Nàn liền Đầm Canh, Dọi Chế, Ngọc Đương Sa, Suối Dụ Dương Linh, Hồng Đà Tản Tắc).

Ngày 6-2 năm Hồng Đức thứ 2 (3-1471).

Lập Chức thư: Thổ tù Xa Thọ ký

                    Trưởng Thổ tù, Phụ đạo Xa Ngọc Lan điểm chỉ

                    Xa Hiền, Xa An, Xa Mới, Xa Pháp, Xa Thiên, Xa ngọc Điểm chỉ” [Hà Kính. Bản Chúc thư lụa mang niên đại Hồng Đức (1471) mới được phát hiện ở Đà  Bắc. Tạp chí NCLS, số 1 (208)-1983. Phần dịch sang quốc ngữ từ văn bản Hán-Nôm được Cung Khắc Lược, Nguyễn Hữu Chế hiệu đính, chỉnh lý. Tuy nhiên, trong bài viết này còn để tồn nghi khá nhiều vấn đề như các chức quan, các hạng ruộng và đặc biệt là hàng loạt cụm từ vẫn giữ nguyên dạng phiên âm chưa giải thích được ý nghĩa hoặc so sánh với các địa danh sau này được thay thế (Đầu Lộc Thạch Mệnh, Chúng Bán Dương Đồn, Cối Cá Minh Thổ Kỵ, Dương Hoàng Khu Phiến Đồ, Bình Ban Mắc Chính Thạch, Suối Động Thạch Mừng, Dọi Chế Đương Sa, Suối  Du Đương Linh, Hống Đà Tản Tắc v.v…)

Điều đặc biệt là, trong văn bản này, chữ Quê được dùng đồng nghĩa với Làng, một từ thuần Việt được sử dụng phổ biến trong thế kỷ XV. Ngoài ra, còn nhiều từ Nôm thuần Việt khác như Tháng 5, Tháng 10 cũng xuất hiện trong văn bản].

  Tháng 5/1466 (Quang Thuận, năm thứ 7, mùa hạ, tháng 4) vua cho thay đổi xếp đặt lại quân ở 5 phủ và định quân hiệu – theo đó Quốc Oai và Hưng Hoá thuộc phủ Tây quân gồm 6 vệ (mỗi vệ có 5-6  sở, mỗi sở 400 quân), đặt chức Tả, Hữu Đô đốc, Đô đốc Đồng tri và Đô đốc Thiêm sự ở phủ; Tổng Tri, Đồng Tổng tri và Thiêm tổng tri ở vệ; Quản lãnh, Phó quản lãnh, Chánh võ uý và Phó võ uý  ở sở; Tổng kỳ ở ngũ.

Tháng 5/1467 (Quang Thuận, năm thứ 8, mùa xuân, tháng 4) vua Lê cho thu lại quân quyền và bãi chức của Tây quân Đô đốc Lê Thiệt vì có con là Bá Đạt đang giữa ban ngày phóng ngựa ra phố, dung túng gia nô đánh người; quân lính và chỉ huy của Lê Thiệt sai đi tuần tiễu biên giới đã doạ nạt lấy bạc của người châu Thoát. Đồng thời vua Lê cũng cho Tri phủ Quy Hoá là Nguyễn Thúc Thông làm Hưng Hoá Thừa tuyên sứ Tham nghị.

Tháng 8/1479 (Hồng Đức năm thứ 10, mùa thu, tháng 7), Lê Thánh Tông xuống chiếu thân hành đi đánh Ai Lao. Tuy là đi đánh nước ngoài nhưng nội dung của toàn bộ tờ chiếu lại là bản tổng kết về mối quan hệ qua lại giữa triều đình nhà Lê với các thổ tù các châu mường Tây Bắc hơn nửa thế kỷ (1427-1479), vừa dầy công vun đắp tuy lúc đậm, lúc nhạt, lúc thuận hoà, lúc đầy dông bão, vừa mang ý nghĩa chiến lược sống còn:

“Bậc đế vương đời xưa chế ngự di địch, phục tùng thì cưu mang bằng đức, phản lại thì sấm sét ra oai. Cốt để diệt bạo trừ hung, cho dứt mối lo cõi bờ bị xâm lấn; đổi lòng theo hoá, cho chọn lòng nhân của trời đất chở che.

Cho nên: Hiên Hoàng ra quân núi Trác Lộc, Chu Tuyên đi đánh rợ Hoài Di. Đó đều là thể theo lẽ đóng cửa của trời đất, bắt chước cơ khoan nhặt của âm dương. Đâu phải là thích lớn ham công, nhàm binh đánh bậy?

Tổ tông ta theo trời chịu mệnh, giữ cõi an dân, chăn nuôi bằng nhân, đánh dẹp bằng nghĩa, rạng rỡ đời trước, để phép đời sau.

Trẫm nay nối công tổ tông, giữ cơ nghiệp lớn. Vỗ yên trung châu cùng man mọi, văn trị Đại Thuấn khắp ban; phát huy mưu trí của đế vương, quy mô Chu Văn rộng mở.

Duy nước Lão Qua kia, giáp giới cõi Tây. Đương khi Thánh Tổ dẹp giặc Ngô cuồng bạo, đã nhòm sơ hở đánh úp quân ta, đến lúc Thần Vũ giết tên Thượng Nghiễm hung tàn, lại giúp kẻ gian dấy binh đánh chiếm. Chỉ vì kẻ thù của vua cha chưa diệt, mà di địch kia bạo ngược càng già. Kiêu ngạo muôn bề, lăng loàn trăm phách. Gọi Cao Hoàng là em, coi Dụ miếu là cháu lên mặt như ếch đáy giếng khác gì; sang cướp châu Lang Chánh, sang quấy phủ An Tây, nhả nọc còn độc hơn loài ong bọ. Vườn tược Sầm Thượng, Sầm Hạ, nó ăn lấn như tằm; nhân dân biên giới của ta, nó lấm lét cắn trộm. Thuận Bình, Sa Bôi do vậy rối ren; Lâm An, Quy Hợp bị chúng giày xéo. Thang Thượng, Thang Hạ là biên ấp của ta, nó cướp đoạt hoành hành; Đạo Luận, Đạo Xa, tên thổ tù phản ta, nó kêu gọi, chứa chấp. Sứ của nó sang thông, thì ta hậu đãi cho về, quan của ta giao thiệp, nó lại bắt giữ bỏ ngục.

Đến nước tên Cầm Công trong khi ẩn náu, nó đã giúp đỡ bao che và lúc tên Cầm Công trở mặt cắn càn, nó lại cho quân tiếp sức. Xâu xé bờ cõi ta, chiếm lấn đất đai ta. Khinh nhờn tự phụ, lừa dối làm càn. Đây đâu chỉ là mối lo một thời nơi cương giới, mà thực là mối thù muôn kiếp của nước nhà”[15].

Các sự kiện được Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại trên đây được coi là tương đồng với Quắm tố mương công bố trong phần Mướng Hằm làm chủ Mường Muổi, Khoa Ngấm lộng quyền, ải Têm Mương xây dựng Mường La. 

Giai đoạn lịch sử từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI, trước khi nhà Lê bị nhà Mạc cướp ngôi và những năm tiếp theo, các sự kiện xảy ra tại vùng Hưng Hoá không được sử Việt ghi lại nhiều lắm, ngoại trừ hai vấn đề dưới đây:

– Tháng 2/1499 (Cảnh Thống, năm thứ 2, mùa xuân, tháng giêng) quy định Nha môn Hưng Hoá trong thời hạn 1 tháng phải nộp xong tiền sai dư – tức là tiền sưu (thuế thân) trong kỳ đại  tập.

– Tháng 2/1512 (Hồng Thuận, năm thứ 4, mùa xuân, tháng giêng) triều đình sai võ tướng thống lĩnh binh tượng là Đỗ Nhạc làm Tán lý quân vụ đi các vùng Sơn Tây và Hưng Hoá đánh dẹp Nguyễn Nghiễm, một thủ lĩnh còn lại trong cuộc nổi dậy của Trần Tuân[16].

Quắm tố mương, ngược lại ghi chép về khoảng thời gian này khá chi tiết. Trong phần Bun Xung được vua Kinh đưa về làm chúa Mường Muổi, chúa Bầu điều chúa đất Thái diệt Mạc phò Lê, Mường La dần cướp quyền làm chủ vùng châu Thái đã đưa ra một bản tổng kê khá đầy đủ như sau[17]:

“Thời đó, vua Khánh Thống [Cảnh Thống, Lê Hiến Tông, 1497-1504] làm vua được 10 [8] năm đã mất; vua Thái Chinh [Thái Trinh, Lê Túc Tông, 6/1504-1/1505] trị vì được một [nửa] năm thì mất; vua Lạn Khánh [Đoan Khánh Lê Uy Mục 1/1504-1/1510] được 4 [7] năm đã mất; vua Hồng Xộn [Hồng Thuận Lê Tương Dực] đương trị vì.

Được tin anh em chúa Mường Muổi chém giết nhau, bun Xung tâu việc đó để vua rõ. Nhà vua bèn ban ấn sắc cho bun Xung về làm chúa Mường Muổi.

Bun Xung đã ở cạnh vua dưới Kinh cho đến khi tuổi già mới được về làm chúa Mường Muổi. Nay chúa lại đi chầu dưới vua, không may mất ở đó. Vì đường sá xa xôi, không đưa xác chúa về quê và an táng theo tục người Thái được, những người đi theo phải chôn chúa ở đất Kinh. Bản mường đưa phìa Bun lên thay.

Mường La, ải Têm Mường mất, Cầm Mựt lên làm chủ nhưng vì tham lam, trai gái, không thẳng thắn nên bô lão không phục, xin Cầm Nhân Hoà cho Cầm Kheo làm chủ. Tiếp theo đó là Cầm Pành, ún Mường, Tòng Mường làm chủ.

      Ở Mường Muổi: Hai anh em Cầm Nhân Hoà đi ăn cá đầu mùa ở bản Cuông Mường, Cầm Nhân Xơ xúi po Muối, po Tố làm lam Chiềng Pấc cầm nỏ phục bắn nhưng không trúng. Hoảng sợ, hai ông lam đánh cắp ngựa của Cầm Nhân Hoà chạy trốn. Cầm Nhân Hoà chạy về Chiềng Đi nổi cồng tập hợp dân mường. Mọi người đều đông đủ chỉ vắng có po Muổi, po Tố. Biết kẻ định giết mình, chúa cử binh đánh em ở Chiềng Pấc. Xơ sợ chạy sang Lào cùng gia quyến. Còn po Muổi, po Tố chạy về xuôi gặp tạo Nộc tức bun Xung. Lúc này ông đương làm quan Tư mã chính ngạch. Số là dưới thời vua Thái Chinh ở Mường Dôn, thao Tẩu có thư về trình vua. Không ai biết đọc thứ chữ đó. Vua phải triệu bun Xung ở đất Mọi, đất Mang về xem. Bun Xung đọc được. Vua thưởng sai thao Thay, thao Nha dựng nhà cho ông ở Cửa Đông, Cửa Hậu để ngày ngày được vua sai khiến.

Cầm Phúc tranh quyền phìa Bun. Phìa Bun sợ chết ẩn vào rừng đợi dịp lấy lại Mường Muổi. Ba năm sau khi Cầm Phúc chết, phìa Bun trở lại làm chủ Mường Muổi, lấy nàng Cầm Bua sinh ra Cầm Pành (còn gọi là Pành Mường[18].

Sau thời kỳ nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê và cuộc chiến tranh Lê – Mạc (Nam triều – Bắc triều) nổ ra, các châu Thái hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của anh em Vũ Văn Uyên – Vũ Văn Mật, nguyên quê quán ở Gia Lộc – Hải Dương, đều có tài trí và khoẻ mạnh, lánh nạn nhà Mạc ở xóm Khau Bàu, xã Đại Đồng, trấn Tuyên Quang. Vũ Văn Mật lấy vợ và tập hợp lực lượng tại đây. Sau khi giết chết thổ tù châu Thu, Vũ Văn Mật tự xưng làm Đô tướng còn Vũ Văn Uyên chiếm thành Nghị Lang chống nhau với nhà Mạc. Vũ Văn Uyên chết, Vũ Văn Mật chiếm cứ Đại Đồng, xưng là Gia quốc công, sai người đến hành tại Thanh Hoá xin quy thuận, vua Lê phong làm Yên Tây vương vì có công đánh Mạc, được lưu thủ Đại Đồng và nối đời quản trị. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục khen: “Lòng trung nghĩa của Văn Uyên ngang với Trương Quỹ đời Tấn và Lý Khắc Dụng đời Đường”

Vì lúc đầu anh em họ Vũ lập nghiệp từ Khau Bầu nên người đời gọi là chúa Bầu, những thành trì do họ xây dựng đều được gọi là thành nhà Bầu trong Quắm Tố mương thì gọi là “Kinh giữa hàng là Bầu” và còn nhiều tư liệu ghi nhận tình đoàn kết chiến đấu giữa Vũ Văn Mật với các chúa mường người Thái.

Thời kỳ này chỉ thấy Đại Việt sử ký toàn thư, ghi lại sự kiện là vào tháng 4/1560, Thái sư Trịnh Kiểm đã sai Định quận công trấn giữ Hưng Hoá, chiêu tập vỗ về cư dân 10 châu Yên Tây, tư cấp binh lương cho họ[19].

Kể từ đây cho tới cuối thế kỷ XVI, Đại Việt sử ký toàn thư và nhiều bộ sử khác hầu như không có một dòng nào ghi chép về các châu mường của người Thái. Quắm tố mương thì tập trung ghi chép về việc thay đổi, tranh đoạt, cướp quyền chủ mường ở Mường La, Mường Muổi; việc người Phẻ  quấy nhiễu bản mường và sau khi bun Phanh đánh thắng người Phẻ thì thế lực Mường La phát triển khắp vùng Tây Bắc từ cuối thế kỷ XVII trở đi.

Từ cuối thế kỷ XVII, Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng và Khâm định Việt sử thông giám cương mục bắt đầu lại để tâm đến sử liệu khu vực các châu mường của người Thái nhiều hơn. Dưới đây là một số sự kiện chính yếu nhất:

Cuộc khởi nghĩa Lê Duy Mật- Lê Duy Chúc (1738-1770, vì cùng là con trai của Lê Dụ Tông nên trong Quắm tố mương gọi là Hoàng Mật- Hoàng Hai), mở đầu bằng sự kiện cướp Kinh thành, tiêu diệt thế lực chúa Trịnh, lập lại chế độ độc tôn của nhà Lê của một nhóm tôn thất và quan lại bất thành xảy ra vào cuối năm 1738. Lê Duy Mật-Lê Duy Chúc chạy thoát về vùng Cẩm Thủy trấn Thanh Hoá tiếp tục tập hợp lực lượng, giương cao ngọn cờ Phù Lê diệt Trịnh. Trong những năm 1739-1766, nghĩa quân của ông hoạt động mạnh ở Sơn Tây, Thái Nguyên và Thanh Hoá, Nghệ An với danh xưng Thiên Nam Đế tử, lập ra được nội phủ và ngoại phủ, chia thành 16 đồn ải ở vùng Thanh-Nghệ, khống chế cả phía nam trấn Hưng Hoá, bí mật liên lạc với chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Năm 1767, nghĩa quân rút sang Trấn Ninh, chúa Trịnh tung hàng vạn quân truy kích, bao vây. Cuối năm 1769, triều đình huy động lực lượng từ các trấn Nghệ An, Thanh Hoá, Hưng Hoá tiến đánh. “Đạo quân của Nghệ An do Bùi Thế Đạt chỉ huy tiến đánh theo đường Trà Lân. Nguyễn Phan thống lãnh đạo Thanh Hoa, Hoàng Đình Thể thống lãnh đạo quân của Hưng Hoá. Đây là những tướng giỏi của họ Trịnh, đều đã có kinh nghiệm trong những trận giáp mặt với nghĩa binh của Lê Duy Mật. Hai đạo quân Thanh, Nghệ do Bùi Thế Đạt và Nguyễn Phan chỉ huy bám sát sườn núi tấn công vào căn cứ Tương Ban (Mai Sơn-Hưng Hoá) và căn cứ Bạn Xung (Trấn Ninh, Nghệ An). Nghĩa quân Lê Duy Mật dựa vào địa thế hiểm yếu, núi cao rừng sâu chống cự quyết liệt nhưng cũng không giữ được hai căn cứ này. Quân Trịnh tiến sâu vào sát căn cứ Trịnh Quang, chia đặt doanh trại bao vây lâu dài. Quân Duy Mật cố thủ, quân Trịnh không tiến hơn được. Lúc này Hoàng Ngũ Phúc phải giở thủ đoạn mua chuộc dụ hàng Thế Thiều – một viên tướng đồng thời là con rể Lê Duy Mật đang ở trong thành. Thế Thiều cùng đồng bọn manh tâm phản bội, mở cửa thành ngoài cho quân Trịnh tiến vào. Chúng bắc thang trèo lên bắn vào trong thành, tiếng súng suốt ngày đêm không ngớt. Bị tấn công bất ngờ và dồn dập, nghĩa quân lâm vào tình trạng rối loạn, không thể cầm cự được lâu dài. Trong thế thua phẫn uất và tuyệt vọng, thủ lĩnh Lê Duy Mật cùng vợ con tự sát. Quân Trịnh thu gom vô số tài sản, voi ngựa, vũ khí của nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa Lê Duy Mật kéo dài 32 năm bị quân Trịnh đàn áp dứt diểm trong trận tấn công dữ dội vào căn cứ Trịnh Quang”[20].

Khởi nghĩa Hoàng Công Chất (1739-1769): thủ lĩnh của phong trào vốn quê ở Thư Trì, trấn Sơn Nam Hạ (sau này thuộc tỉnh Thái Bình), năm 1739 là một bộ phận của cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Cừ lãnh đạo, nổ ra trên đất Hải Dương, sau rút về hoạt động ở Thanh Hoá cho đến năm 1751 thì rút lên vùng rừng núi Hưng Hoá.

Tại đây nghĩa quân đã liên kết với lực lượng của thủ lĩnh người Thái tên là Thành, dựa vào núi rừng hiểm trở để hoạt động với sự ủng hộ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tháng 6-1751, họ Trịnh cử Lê Đình Chân cùng Phan Cảnh lấy thêm quân ở vùng Tuyên Quang bao vây nghĩa quân. Thủ lĩnh Thành bị bắt và giết, Hoàng Công Chất rút lui lên châu Ninh Biên, đóng ở đông Mãnh Thiên (Lai Châu). Hoàng Công Chất chiếm cứ thành Tam Vạn và còn xây thêm một toà thành khác kiên cố hơn gọi là thành Chiềng Lê (nay thường gọi là Bản Phủ) ở xã Noọng Hẹt. Thành hiện nay vẫn còn di tích. Lực lượng nghĩa quân được bổ sung rất nhiều người thuộc thành phần dân tộc thiểu số như: người Lự, người Thái, người Lào[21].

Trong khoảng từ 1754 đến 1766, Hoàng Công Chất một mặt củng cố căn cứ ở Mường Thanh, một mặt mở rộng địa bàn hoạt động ra toàn vùng Tây Bắc và một phần Thượng Lào, uy hiếp miền sông Thao và miền trung du.

“Cuối năm 1767, nghĩa quân Hoàng Công Chất từ các căn cứ ở Tây Bắc tiến xuống chiếm châu Mộc, châu Mai rồi chia quân tiến sâu vào vùng thượng du và trung du Thanh Hoá. Lúc này lực lượng nghĩa quân đã có tới 2 vạn người, nghĩa quân chiếm các sách, động Quan Gia, Cổ Luỹ, Thiết úng, ái Chử và Bất Một thuộc Thanh Hoá; sau đó đánh úp huyện Phụng Hoá, châu Lang Chánh và chuẩn bị kế hoạch tấn công An Trường. Trước thế mạnh như vũ bão của quân khởi nghĩa, chính quyền họ Trịnh phải điều quân đội từ trung ương cùng quân bản bộ các vùng Hưng Hoá, Thanh Hoá hợp lực chống đỡ. Nghĩa quân Công Chất lại rút lui.

Mùa xuân năm 1768, chúa Trịnh Sâm giao cho Nguyễn Đình Huấn thống lãnh các đạo Thanh Hoa, Sơn Tây và Hưng Hoá, đem quân đánh Mường Thanh. Quân của Đình Huấn cùng hội với quân của Trấn thủ Hải Dương Phạm Ngô Cầu, Phan Lê Phiên và Nguyễn Xuân Huyên để hiệp đồng tác chiến. Đình Huấn trên đường đi, đóng quân ở Việt Sơn để chuẩn bị cho đủ lương thực, khí giới. Dân trong vùng tỏ rõ thái độ “bất hợp tác” bằng cách bỏ trốn, không chịu cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân Trịnh. Đình Huấn thấy tình hình khó khăn, báo về phủ Chúa, Chúa Trịnh liền bổ Đoàn Nguyễn Thục lên thay. Cuối năm 1768, Hoàng Công Chất bị bệnh qua đời, con là Hoàng Công Toản tiếp tục chỉ huy nghĩa quân. Sau khi chuẩn bị đầy đủ lực lượng, lương thực, khí giới, đầu năm 1769, Đoàn Nguyễn Thục cùng Vũ Huy Đình, Nguyễn Trọng Hoành đốc thúc đại quân tiến vào đất Mường Thanh. Công Toản cố thủ ở Thẩm Cô và bố trí nghĩa quân mai phục những nơi hiểm yếu. Trước sức tấn công quá mạnh của quân Trịnh, các căn cứ của nghĩa quân lần lượt bị đánh tan. Công Toản chạy thoát, thành trì bị san phẳng. Quân Trịnh đã dập tắt được cuộc khởi nghĩa Hoàng Công Chất trên vùng đất biên cương vào năm Kỷ Sửu (1769)[22].

Quắm tố mương ghi chép về Lê Duy Mật với cách gọi Hoàng Mật- Hoàng Hai, về Hoàng Công Chất với cách gọi là Kinh Thiên Chất, Keo Chất, cho ta một cách nhìn khác như sau trong phần viết về Lê Duy Mật, Hoàng Công Chất chiếm Tây Bắc, bun Hiềng chiếm lại Mường Lò trong tay người Hỏ và người  Giằng.

Cùng với Quắm tố mương, Khâm định Việt sử thông giám cương mục  đã ghi lại nhiều sự kiện và diễn biến liên quan đến phong trào Lê Duy Mật – Hoàng Công Chất ở khu vực các châu mường Thái như sau:

– Năm 1752 (Cảnh Hưng, năm thứ 13), Xa Văn Ba ở châu Mộc tụ tập lực lượng nổi dậy cướp đồn Vạn Chan.

– Tháng 2/1768 (Cảnh Hưng, năm thứ 29, mùa xuân, tháng giêng), triều đình cử tướng Nguyễn Đình Huấn thống lĩnh các đạo Thanh Hoa, Sơn Tây, Hưng Hóa đánh Hoàng Công Chất ở vùng thập châu. Tháng 9 năm ấy, khởi phục cho Đoàn Nguyễn Thục giữ chức Giám quân các đạo Thanh Hoa, Sơn Tây và Hưng Hoá[23].

– Tháng 2/1769 (Cảnh Hưng, năm thứ 30, mùa xuân, tháng giêng). Thống lãnh Đoàn Nguyễn Thục mang quân đi đánh Thanh Châu, bình định được động Mãnh Thiên.

Trước đây, Nguyễn Đình Huấn vâng lệnh đi đánh Hoàng Công Chất, khi kéo quân đến Cổ Pháp, chần chừ không tiến quân, nhiều lần Trịnh Sâm sai người thúc giục, Đình Huấn bèn tiến quân đóng ở Việt Châu bắt dân cung cấp lương thực, dân đều trốn tránh, lùng bắt không được người nào, ngờ có quân mai phục, trong bụng càng sợ hãi, bèn bàn kế rút quân về. Bọn Phạm Ngô Cầu cũng phụ hoạ với lời bàn của Đình Huấn, Tán lý Vũ Huy Đĩnh không sao quyết đoán được, chỉ có Giám quân Đoàn Nguyễn Thục cố tranh cãi, cho là không nên rút quân.

Bọn Đình Huấn liền cho người phi ngựa đệ tờ khải nói: “Trong quân lương ăn không được kế tiếp, tiến thoái đều khó. Vả lại quân sĩ nhiều người mắc bệnh, xin cho thuốc thang cứu chữa”. Lúc ấy, Nguyễn Thục cũng làm tờ khải trình bày theo, nói rõ là Đình Huấn hiệu lệnh không thống nhất;

0