18/06/2018, 16:27

Mấy phát lộ mới về Đề Thám, khởi nghĩa Yên Thế và một vài kiến nghị

Thủ lĩnh Đề Thám. TS Khổng Đức Thiêm 1. MẤY PHÁT LỘ MỚI 1.1. Đề Thám sinh năm Bính Thân, Minh Mệnh thứ 17 (1836), nguyên gốc họ Đoàn nhưng lại được gọi là Trương Văn Nghĩa vì phụ thân Đoàn Danh Lại mang biệt danh là Trương [Văn] Thân – một thủ lĩnh của phong trào nông dân ...

de-tham-6

Thủ lĩnh Đề Thám.

 TS Khổng Đức Thiêm 

1. MẤY PHÁT LỘ MỚI

1.1. Đề Thám sinh năm Bính Thân, Minh Mệnh thứ 17 (1836), nguyên gốc họ Đoàn nhưng lại được gọi là Trương Văn Nghĩa vì phụ thân Đoàn Danh Lại mang biệt danh là Trương [Văn] Thân – một thủ lĩnh của phong trào nông dân chống lại nhà Nguyễn; chính quán Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên. Đề Thám có một anh trai là Trương Văn Lễ, sau đổi là Đoàn Văn Leo, sinh cơ lập nghiệp ở quê nhưng rất ít người biết về quan hệ máu thịt với người thủ lĩnh phong trào Yên Thế vì Trương Văn Nghĩa luân lạc lên vùng Sơn Tây từ khi chưa đầy một tuổi, sau đó lên vùng Yên Thế, lại thường gọi là Giai Thiêm, đến tuổi trưởng thành mang tên là Đề Dương, Đề Thám hoặc Hoàng Hoa Thám.

Những phát lộ mới kể trên được tác giả căn cứ vào Đại Nam thực lục. Chính biên (Đệ nhị kỷ, các quyển CII, CXXVIII, CLXII, CLXXIII, CLXXIV), Gia phả họ Bùi lưu tại từ đường Bùi Quang Dũng (thôn Đồng Thanh, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình) có kế thừa bài viết Về gốc tích của ông Đề Thám của Hoài Nam công bố trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (38-1962) và đúc kết từ Gia phả họ Đoàn (Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên).

Tác giả cho rằng, sở dĩ Hoài Nam khi đó xác nhận cha mẹ của Đề Thám là hai cụ Trương Văn Thận – Lương Thị Minh bị sát hại vào cuối năm Bính Ngọ, Thiệu Trị thứ 6 (1846) vì ông chưa phát hiện ra dấu nhà ấn định, khi ghi chép về thời điểm sinh thành hoặc qua đời của các thành viên trong dòng họ, phải đẩy lên trong khoảng trên dưới 10 năm (do đó về đời vua, có khi sai lạc đến 1 kỷ) để gây khó dễ cho việc triều đình mỗi khi truy lùng tung tích của họ. Chính vì vậy, Hoài Nam chủ trương Đề Thám sinh vào đầu năm 1846, được mấy tháng thì cha mẹ mất.

Đối với tài liệu do người Pháp viết, sau này nhiều người làm sử Việt Nam cũng tán đồng, chủ trương Đề Thám sinh vào những năm 50 của thế kỷ XIX, phổ biến là vào năm 1858, chủ yếu là dựa vào các văn bản do Đề Thám tự khai, ví như lý lịch gửi cho giới cầm quyền Pháp hoặc đoạn văn sau đây trong bản chúc văn tại Đền Thề (còn gọi là chùa Phồn Xương) tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng năm Mậu Thân – tức 26-2-1908: “Nhân dịp Đức ông ngũ tuần đại khánh, xin quan lớn cho phép chúng con dâng lên người tất cả tấm lòng thành. Người sinh ra ở làng Ngọc Cục, có ngôi sao Phúc xuất hiện báo tin người ra đời…”.

Rõ ràng, đây là buổi lễ mừng Đề Thám đại thọ, đã sống qua 6 giáp, từ Bính Thân đến Mậu Thân. Nếu căn cứ vào lời văn thì đây chỉ là buổi khao lão – khi một đinh nam bước vào tuổi 49, 50 theo tập quán, thường không bao giờ làm rùm beng như mừng thọ, đại thọ. Ở vào ngữ cảnh này, người ta lại thấy rằng, một lần nữa người Pháp lại bị lạc lối khi đi tìm tuổi thật, chính quán của người thủ lĩnh.

Đến đây có thể thấy rằng, dù còn nhầm lẫn về năm sinh và họ gốc của Đề Thám nhưng so với người Pháp và nhiều tác giả Việt Nam khác, Hoài Nam đã làm sáng tỏ được một số khuất lấp xưa nay vẫn bao trùm về quê hương; danh tính ông bà nội, cha mẹ, cô chú và bác ruột. Nhờ sự định hướng chân xác đó, tác giả mới đủ tự tin về nhân vật Đoàn Danh Lại tức Trương Thận trong Đại Nam thực lục và Gia phả họ Bùi là có thật và chính là cha đẻ của Đề Thám để từ đó mà làm phát lộ một cách chính xác về năm sinh, họ gốc và quê hương bản quán của ông.

1.2. Thân Văn Phức (1826-1902) nhiều năm là ngọn cờ tập hợp mọi lực lượng chống Pháp trên địa bàn hai huyện Yên Dũng và Yên Thế, trong lịch sử gọi là Quân thứ Song Yên hoặc Bắc Thứ. Sinh trưởng trong một gia đình giầu có ở tổng Ngọc Cục, nối đời làm Chánh tổng, có nhiều công lao trong việc dẹp trừ Thanh phỉ, Thân Văn Phức sớm tỏ rõ tài năng văn võ kiêm toàn. Khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai (4-1882), ông đã cùng Đề Thám chiến đấu trong hàng ngũ Cai Kinh. Cuối năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông trở lại quê hương mộ quân chiến đấu, được Đề đốc Tạ Hiện, Tán tương Nguyễn Cao khen ngợi là người hào hiệp, mẫn cán, am tường võ lược, từng gây cho giặc rất nhiều thiệt hại ở Quân thứ Song Yên. Căn cứ vào các võ công mà Thân Văn Phức đã lập, Hiệp thống Đại thần Tán tương Quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, thay mặt Hàm Nghi đã ban bằng sắc thưởng thụ cho ông là Viên ngoại lang sung chức Tham biện Tán tương Quân vụ Bắc Thứ. Kể từ đó, ông luôn kiên trì bảo thủ, một lòng tuân theo mệnh lệnh của Hàm Nghi, thời gian điều độ tiến lui thích nghi nên càng ngày càng có uy tín lớn lao trong vùng. Tại Đại hội Dĩnh Thép diễn ra vào ngày rằm tháng 7 năm Mậu Tý (22-8-1888), ông đã trở thành lãnh tụ tối cao của phong trào Yên Thế khi được cử giữ chức Chánh tướng Tổng thống Quân vụ.

Nhiều nhà sử học cho rằng cuộc khởi nghĩa Yên Thế không thuộc phạm trù phong trào Cần Vương vì nó bùng nổ sớm hơn và kết thúc muộn hơn; các thủ lĩnh đều xuất thân từ nông dân, hầu như không có ai là sĩ phu hoặc tầng lớp quan lại. Tác giả cho rằng, trên đại thể nhận định trên là đúng, nhưng ở một khía cạnh nào đó, hơi hướng của phong trào Cần Vương có vẻ khá đậm đà khi nhìn nhận, đánh giá vai trò chủ tướng mà Thân Văn Phức đảm nhận trong những danh xưng gắn liền với chức tước do triều đình ban tặng: Tham Phức, Tán Phức v.v..

Chính sự định danh đó, hay nói cách khác, nhờ tính chính danh đó của Thân Văn Phức mà phong trào Yên Thế quy tụ được các lực lượng của Đề Công – Đề Nguyên ở Tam Đảo; Cai Biều – Tổng Bưởi ở Bảo Lộc; Cai Bình – Từ Tôn Hậu ở Hữu Lũng; Lưu Kỳ – Hoàng Thái Nhân ở Lục Ngạn, Đông Triều và cả lực lượng Bãi Sậy do Đội Văn chỉ huy.

Mặc dù vua Hàm Nghi sa vào tay Pháp từ đầu tháng 11-1888 nhưng phong trào Yên Thế cũng như nhiều cuộc kháng Pháp khác vẫn nêu cao ngọn cờ Cần Vương. Cho đến đầu năm 1892, dưới sự lãnh đạo của Thân Văn Phức, nghĩa quân Yên Thế đã lập nên nhiều chiến công vang dội ở Cao Thượng, Dương Sặt, Thế Lộc, Luộc Hạ, Khê Hạ, đặc biệt là ở Hố Chuối và chiến tuyến sông Sỏi. Ngày 28-6 năm Nhâm Thìn, Hàm Nghi thứ 8 (21-7-1892) Hàn lâm Trực học sĩ Tán tương Quân vụ Tống Duy Tân lại ban bằng sắc cho Thân Văn Phức vẫn được giữ nguyên hàm chức Tán tương Quân vụ Bắc Thứ. Động thái trên của Tống Duy Tân không chỉ giúp cho Thân Văn Phức lấy lại vòng hào quang, cùng các ông Thống, ông Đề giúp nhau làm việc mà nó còn góp phần xốc lại tinh thần nghĩa quân sau khi thủ lĩnh Đề Nắm bị sát hại (4-1892), Đề Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế (12-1892).

Tuy nhiên trước sức tấn công dồn dập của quân Pháp trong năm 1893, nghĩa quân Yên Thế bị tan rã từng mảng lớn. Nguy cơ bị tiêu diệt như nhiều cuộc khởi nghĩa thuộc phạm trù Cần Vương khác đã trở thành hiện hữu nên từ tháng 1-1894, Đề Thám – Bá Phức buộc phải ngồi vào bàn hòa đàm với Lê Hoan ở Luộc Hạ với một loạt quyết sách:

– Cho vợ của Phùng Quý Phúc đến Cao Thượng xin cho qua tết Giáp Ngọ sẽ đưa thủ lĩnh Đề Thám, Bá Phức ra hàng phục.

– Cho cháu của Bá Phức là Quản Tảo đem nộp trước văn bằng Tán tương Quân vụ Bắc Thứ, một số súng để chứng tỏ việc đầu thú là có thật.

– Bản thân Đề Thám cũng có thư hẹn đến 20 tháng giêng Giáp Ngọ (25-2-1894) sẽ ra hàng nếu phía Pháp để ông cai quản vùng Yên Thế Thượng và thả hết các nghĩa quân đang bị giam giữ[1].

Căn cứ vào các hoạch định của hai bên, Bộ Chỉ huy nghĩa quân Yên Thế và giới cầm quyền Pháp lần lượt thi hành các công việc còn lại như sau:

– Ngày 10 tháng giêng năm Giáp Ngọ (15-2-1894), Đề Thám cho Thân Văn Phức đem theo 76 thủ hạ, 54 khẩu súng ra Cao Thượng, hành động mà Lịch sử quân sự Đông Dương gọi là, ông già Bá Phức từ lâu không còn sức tham gia chiến đấu, bằng lòng xin quy hàng một mình với vài người theo hầu và đòi được giữ chức quan thứ nhì ở Yên Thế, còn người thày học của ông ta [tức Thân Văn Uông] sẽ giữ chức Trưởng quan hoặc như Bouchet trong cuốn sách của mình đã cảm thán: “Thế là lão già Bá Phức ốm yếu và tỉnh ngộ, đầu năm 1894 cũng đem nộp dưới chân quan lớn 54 khẩu súng còn lại. Bá Phức cũng là một phần của Đề Thám đấy. Bá Phức! Ôi, thắng lợi xiết bao”[2].

– Sau khi củng cố và tái lập xong vùng căn cứ Hố Chuối, tập hợp được hàng trăm nghĩa binh, tổ chức được Bộ Chỉ huy mới gồm nhiều thủ lĩnh trẻ, cuối tháng 4-1894 Đề Thám chấm dứt các cuộc hòa đàm ở Luộc Hạ.

– Người Pháp lại rơi vào thế bị động vội vàng tung 1.200 quân lên Yên Thế nối lại các hoạt động quân sự đã ngừng lại từ đầu năm. Rạng sáng 19-5-1894 tiếng mìn Bá Phức phát nổ, tạo ra dư âm đến hàng trăm năm sau về thực hư của câu chuyện đầu hàng lập công hay trá hàng diệt giặc. Dù thế nào đi nữa thì câu chuyện đặt mìn, gài bom đã phủ bóng lên sự thật lịch sử, nhất là khi nó được viết lại bởi các nhà văn, nhà thơ, những người làm sân khấu vì đó luôn là câu chuyện có những nút mở thắt bất ngờ.

Đã đến lúc hóa giải những nghi án về Thân Văn Phức. Các nhà sử học Nguyễn Quang Trung Tiến, Nguyễn Quang Ân và bản thân tác giả trong tác phẩm Hoàng Hoa Thám (1836-1913) đã minh oan cho ông. Ông xứng đáng được trả lại những gì là vinh quang mà ông đã có và sẽ mãi sừng sững như một tượng đài trong thời đại của ông.

1.3. Các phát lộ về thầy trò người đồng chí ở làng Nội Duệ của Phan Bội Châu và sự hỗ trợ của Đề Thám với phái cách mạng Trung Hoa do Tôn Trung Sơn lãnh đạo cũng là một đóng góp quan trọng khi nghiên cứu và công bố những thành tựu của khởi nghĩa Yên Thế.

Người đồng chí ở làng Nội Duệ mà Phan Bội Châu nhắc tới trong Phan Bội Châu niên biểu chính là cử nhân Nguyễn Văn Đảng, sinh năm 1853, quê thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, đỗ cử nhân năm 1886, thi hội đỗ tứ trường nhưng xin xuất chính về nhà nuôi mẹ già, dạy học, nổi tiếng khắp vùng vì lòng yêu nước, không chịu luồn lọt để được bổ quan. Trong làng chí sĩ Bắc Kỳ ai ai cũng nể phục tên tuổi và uy danh của cụ. Năm 1906, trên đường lên Yên Thế, Phan Bội Châu đã ghé vào Đình Cả đàm đạo với cụ và 2 bên tỏ ra tâm đầu ý hợp. Cử nhân Nguyễn Văn Đảng – địa phương tôn kính gọi là cụ Cử Đưởng, đã cho học trò dẫn đường Phan Bội Châu lên tận Phồn Xương.

Tháng 12-1906, Phan Bội Châu cùng với Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thiện Kế triệu tập một số sĩ phu yêu nước ở Bắc Kỳ tổ chức một cuộc họp ở gia đình cụ Cử Đưởng. Tại đây các nhà yêu nước đã bàn về phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới, hợp nhất hai nhóm Ám Xã và Minh Xã – hình thức công khai về kinh tế và văn hóa của các sĩ phu. Chính chủ trương này đã khêu gợi cho sự xuất hiện Đông Kinh Nghĩa thục. Cụ Cử Đường đã hưởng ứng bằng cách mở phân hiệu của Đông Kinh Nghĩa thục tại Phù Ninh, tổng Hạ Dương huyện Tiên Du (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội) phối hợp với các nhà nho yêu nước như Đốc Nghi, Nguyễn Thiện Kế giảng dạy theo chương trình chung. Nguyễn Khắc Nhu (1882-1930), người học sinh xuất sắc của cụ Cử Đưởng, là người đã đưa Phan Bội Châu lên Phồn Xương để gặp Đề Thám và sau này trở thành một yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng – một tổ chức yêu nước của giới tư sản, trí thức Việt Nam hồi những năm 20-30.

Tháng 12-1907, nhà trường bị đóng cửa. Cụ Cử Đưởng bị thực dân Pháp bắt giam. Trong ngục tù, cụ đã có những lời thơ đầy khí tiết, nói lên ý chí kiên cường của mình:

“Anh hùng chí lớn khinh tù tội

Còng sắt, cùm lim há sợ chi…”.

Cử nhân Nguyễn Văn Đảng là một tấm gương yêu nước hồi đầu thế kỷ XX. Cụ mất năm 1918.

Về sự hỗ trợ đối với phái cách mạng Trung Hoa do Tôn Trung Sơn lãnh đạo thì như ta đã biết, vào cuối tháng 3-1907, Tôn Trung Sơn bị Chính phủ Nhật Bản trục xuất, đã tới Sài Gòn, sau đó ra Hà Nội để chỉ đạo việc thành lập các chi nhánh của Trung Quốc Cách mạng Đồng minh hội [từ đây xin viết gọn là Đồng minh hội] tại Hà Nội, Hải Phòng; quyết định rời cơ quan Tổng bộ Đồng minh hội từ Nhật Bản về đặt tại số nhà 61 phố Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo), coi đây là Tổng hành dinh chỉ huy việc thực hiện kế hoạch quân sự của ba tỉnh Việt, Quế, Điền, (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam).

Tháng 10-1907, theo kế hoạch tác chiến của Tổng bộ Đồng minh hội, các cánh quân do Hoàng Minh Đường, Quan Nhân Phổ tiến đánh trấn Nam Quan. Từ Hà Nội, Tôn Trung Sơn và Hoàng Khắc Cường đã đáp xe lửa lên Lạng Sơn xem xét tình hình. Do lực lượng quân Thanh đông tới 4.000 người liên tục phản công nên lực lượng Đồng minh hội phải lui quân vào địa phận Việt Nam, đóng quân ở dãy Yến Tử đại sơn (núi Con Én). Tôn Trung Sơn, Hoàng Khắc Cường trở lại Hà Nội vì quân cách mạng không thể theo ngả trấn Nam Quan đánh vào Quảng Tây để lập căn cứ. Trong suốt mấy tháng liền, kể từ tháng 11-1907, mấy ngàn quân của Đồng minh hội đã nương náu ở Bắc Kỳ, trong đó phần lớn theo Lương Tú Xuân đến khu vực Yên Thế do Hoàng Hoa Thám kiểm soát. Theo Phan Tất Tuân, nguyên Giáo sư Đông Kinh Nghĩa thục thì “Tôn Trung Sơn sau khi ở mặt trận trấn Nam Quan về có nhờ Đông Kinh Nghĩa thục nuôi giúp cho 2.000 quân. Đông Kinh Nghĩa thục không có khả năng nuôi nên đã giới thiệu lên Hoàng Hoa Thám và Hoàng Hoa Thám đã nhận nuôi”[3].

Để minh chứng thêm cho việc Hoàng Hoa Thám giúp đỡ cách mạng Trung Hoa, nuôi dưỡng quân đội của Tôn Trung Sơn, xin dẫn đoạn dưới đây được Đào Trinh Nhất ghi lại lời kể của Nguyễn Quyền nguyên Hiệu trưởng trong tác phẩm Đông Kinh Nghĩa thục của mình: “…Mấy hôm cùng nhau bút đàm [với Lương Tú Xuân], tôi vẫn vì chỗ thể diện chung cả đồng bào mà khoe về nhân tài và thực lực xứ mình một cách quá lố, nay họ cậy nhờ mình một chuyện cỏn con như thế mà mình lắc đầu từ chối, chẳng hóa ra tự phơi chỗ dở của mình ra sao? Nên chi tôi mạnh bạo trả lời:

– Mười lần bộ hạ đó chúng tôi nuôi cũng nổi, huống chi là chỉ có vài ba ngàn. Chừng nào tướng quân muốn chúng tôi giúp cũng được.

Tôi lại hỏi Lương, ví dụ chúng tôi cho đám lính của y nương náu quanh miệt rừng núi Lạng Sơn có được không. Lương tỏ vẻ đắc ý, chịu liền. Là vì từ Lạng Sơn lên trấn Nam Quan rất tiện đường cho họ.

Tức thời, Lương viết thư và lệnh tiễn mà giao cho tôi, để khi nào sắp đặt nơi ăn chốn ở xong thì báo tin cho bộ hạ của y biết mà xuống. Bởi rồi sau cuộc hội đàm này thì ông Tôn [Trung Sơn] và Hoàng Hưng đáp tàu đi Âu châu, còn Lương cũng do thủy đạo lén về Hương Cảng hoạt động.

Sau lúc từ biệt, tôi trở về Hà Nội nghĩ lại mà giật mình, vì là nghĩ mình đã nhận liều ừ bướng với người ta, chỉ vì sự thể diện bắt buộc.

Mình là anh nhà nho nghèo xác, cả bọn đồng chí cũng vậy. Nuôi mình hai bữa còn chưa xong, lấy gì nuôi giùm mấy ngàn thủ hạ cho người ta; vả lại nuôi chúng để làm gì chứ? Thủy chung chủ nghĩa của mình là hòa bình và giáo dục khai hóa, nhìn biết nước Pháp bảo hộ mình là cần, là nên, là hay cho mình, nào mình có ý tưởng gì về sự võ lực phấn đấu đâu! Nhất thời ngông cuồng ư bướng với anh chàng họ Lương kia, giờ biết làm sao đây?

Thời may có một đồng chí vui lòng trù liệu giùm tôi, tôi liền ủy thác một mình ông ta giải quyết vấn đề ấy sao cho châu toàn tự ý, tôi không cần biết đến nữa. Lúc này Hồng Tân Hưng đang buôn bán thịnh vượng, tôi ham về việc kinh tế lý tài hơn là quan tâm đến chuyện viển vông gì khác.

Mãi về sau, tôi mới nghe nói chuyện ông bạn trù liệu đại khái như vậy: cậy lại Đề Thám nuôi giùm.

Hồi đang nói chuyện đây, Đề Thám đã ra hàng phục Bảo hộ.

Lễ hàng phục này – nhiều người đi xem được thấy – cử hành tại đồn Nhã Nam một cách oai phong nghiêm chỉnh. Trước mắt các quan Toàn quyền, Thống sứ, Tuần phủ, Đại lý, các vị võ tướng nhà nước, Đề Thám dẫn các vị tướng và khiêng những phẩm vật và súng đạn, đứng tuyên thệ mấy lời tình nguyện quy hàng, an cư lạc nghiệp.

Rồi đó, Đề Thám trở về sào huyệt của mình ở miệt Yên Thế, mở mang nhiều đồn điền cho vợ con và thủ hạ cày cấy làm ăn, chưa ai biết lão chủ tâm trá hàng để dưỡng sức đãi thời[4].

Tự nhiên trong lúc Đề Thám đã hàng phục nhà nước, người ta đi lại ra vô đồn điền của lão không bị trở ngăn nghi hoặc gì hết. Lúc đó, ai vô chơi với Đề Thám cũng như vô chơi với Lương Tam Kỳ hay Đề Kiều kia vậy.

Thừa cơ hội ấy – đây vẫn cụ Huấn Quyền thuật chuyện – ông bạn tôi lần mò tới Đề Thám hỏi lão có bao dung được mấy ngàn thủ hạ của Lương Tú Xuân giùm không. Đề Thám nói:

– Nếu thật ông Huấn Quyền đã hứa lỡ với người ta, thì cứ bảo họ tới đây tôi nuôi giùm cho. Mấy muôn cũng dư sức, chứ mấy ngàn mà sá kể gì. Họ muốn ở mấy năm thì ở.

Thế rồi bọn lính của Lương Tú Xuân đi xuyên qua rừng từ biên giới Quảng Tây về ở nương náu ở phần đất của Đề Thám tại Yên Thế. Nghe nói Đề Thám nuôi họ tử tế lắm, chẳng những nuôi ăn, còn nuôi á phiện nữa. Về sau, hình như một phần trở về Tàu, còn lại ít nhiều ở lại phò tá Đề Thám trong lúc lão lại quật cường chống cự Bảo hộ. Người ta nói rằng lắm kẻ theo Đề Thám cho tới tàn cuộc”.

Những phát lộ về dữ liệu trên đây một lần nữa minh chứng rằng, Đề Thám đã thực sự mở rộng tầm nhìn, không hề thủ hiểm và trong một chừng mực nhất định, tinh thần đoàn kết quốc tế trong ông khá đậm đà, mật thiết.

1.4. Ngày 4-8-1909, Lê Hoan được tung vào chiến trường Vĩnh – Phúc Yên. Kể từ đây người Pháp mới thấy hết vai trò của ông đối với việc cố gắng giảm thiểu những tổn thất cho nghĩa quân Yên Thế và làm gia tăng sự thiệt hại đối với binh lính Pháp.

Ngay từ lúc nghe tin Lê Hoan được phái đến, Thiếu tá Chofflet đã có những phản ứng mạnh mẽ về những quyền hạn dân sự quá lớn mà viên đại thần này được hưởng (khám nhà, bắt người, lâm thời xử án tại chỗ, thu thập tin tức tình báo). Mâu thuẫn đã nảy sinh từ việc hai cơ quan tình báo của Chofflet và Lê Hoan luôn đưa ra những bằng cớ và kết luận trái ngược nhau, nhất là những nơ xuất hiện của Đề Thám thường chênh nhau rất lớn. Khi người Pháp căn cứ vào những tin tức do người của Lê Hoan cung cấp thì khi tới nơi, nghĩa quân đã cao chạy xa bay hoặc binh lĩnh bị phục kích, sa vào những trận địa đã được bố trí sẵn, nhất là trong trận đánh quyết định trên núi Sáng hồi đầu tháng 10-1909, quân Pháp bị tiêu diệt tới 32 sĩ quan và binh lĩnh vì Đề Thám được mật báo và có tới 2 tháng để chuẩn bị sẵn chiến trường.

Đến lúc này người Pháp mới nhớ lại, khi còn là Tuần phủ Hưng Hóa, vào tháng 8-1892 Lê Hoan qua trung gian là Cai tổng Trung Hà đã cung cấp tin cho Đốc Ngữ khiến cho đội quân của Đại tá Pennequin bị tổn thất nặng nề trong trận Niên Kỷ và chính ông đã gửi thư cho Đề Kiều với lời tâm tình. “Lúc này chống với quân Pháp phỏng có ích gì vì họ mạnh hơn. Chúng ta hãy làm như đã từ bỏ sự nghiệp của người nước Nam mà chỉ thân thiện với Pháp thôi. Chúng ta phải kiên trì, rồi một ngày kia chúng ta sẽ tập hợp chống lại chúng và tống chúng ra biển. Tốt hơn hết là hãy ru ngủ chúng bằng tình bạn giả vờ của chúng ta”.

Khi trở thành Tổng đốc Bắc Ninh, Lê Hoan đã khôn khéo sắp xếp trong vụ Bá Phức trá hàng hồi đầu năm 1894, tạo tiền đề cho Đề Thám đánh thắng ở Hố Chuối rạng sáng 19-5-1894 qua màn kịch Tiếng mìn Bá Phức.

Trước khi Lê Hoan được đưa vào chiến trường Vĩnh – Phúc Yên, từ tháng 3-1909, Công sứ Lạng Sơn đã tố cáo Lê Hoan có chân trong vụ Hà Thành đầu độc, còn trong trận núi Sáng, người Pháp đã thu được bức thư của Lê Hoan gửi cho Đề Thám và có đủ bằng chứng để kết luận những điệp viên của Lê Hoan đang sử dụng như Đỗ Văn Huỳnh, Vũ Nguyên Thụy chính là người do Đề Thám cài cắm.

Kể từ năm 1998 đến nay, nhiều nhà nghiên cứu trong ngoài nước bắt đầu tìm kiếm được nhiều bằng chứng cho rằng Lê Hoan không phải là kẻ bán nước. Bản thân cuộc đời làm quan của ông đã nhiều lần bị người Pháp hạ chức và cách chức, dù cuối cùng vẫn phải phục chức cho ông.

Rõ ràng, Lê Hoan phải ngày đêm suy tư để sao cho ẩn giấu càng kỹ càng tốt về tấm lòng yêu nước của mình vì ông biết rằng, dù khéo léo đến đâu ông cũng không chiếm được lòng tin của người Pháp, hồ sơ nghi vấn ông luôn là nhiều nhất trong tàng thư của Mật thám Đông Dương. Tất cả những việc làm của ông đến nay mới được phát lộ nhưng đủ để chứng tỏ rằng, đã từng có một Lê Hoan luôn đau đáu với vận mệnh của đất nước. Và hậu thế đã minh xác cho ông.

1.5. Xung quanh những bí ẩn về cái chết của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, tác giả lý giải như sau:

Cho tới mãi tháng 6-1912 người Pháp mới để tâm tới việc thực thi triệt để giải pháp ngừng hẳn các hoạt động quân sự để ru ngủ sự cảnh giác của Đề Thám. Nhờ đó họ đã phát hiện được quy luật, phương thức di chuyển và đường đi lối lại của ba thầy trò thủ lĩnh. Họ đã mượn tay Lương Tam Kỳ để đưa thủ hạ tiếp cận và thực thi việc sát hại, chấm dứt sự hiện diện của ông. Và mọi diễn tiến đã diễn ra gần được như một kịch bản đã được vạch sẵn.

Tác giả cho rằng tình huống Đề Thám bị sát hại vào sáng mồng 5 tháng giêng năm Quý Sửu (tức 10-2-1913) là có thật, như GS Đinh Xuân Lâm và Nguyễn Phan Quang trong bài viết Xung quanh cái chết của Đề Thám trên NCLS (2-1983) khẳng định: “Chúng ta đã có thể đi tới những kết luận chính xác về cái chết của Đề Thám: ngày tháng Đề Thám bị sát hại, lý lịch bọn tay sai sát hại Đề Thám, vai trò của Pháp và Lương Tam Kỳ trong việc giết hại Đề Thám, kế hoạch hành động của chúng”.

Điều khác biệt trong luận cứ của tác giả nằm ở chỗ: những việc xảy ra tiếp theo gắn liền với sự xuất hiện của Lý Bắc, còn gọi là Lý Ón – lý trưởng làng Dĩnh Thép. Nhờ sự dàn dựng và đạo diễn của viên lý trưởng, trong chốc lát thân xác của Đề Thám được chuyển đi. Một người có hình dạng giống với Đề Thám đã tự nguyện chết thế. Chính vì vậy cái đầu của người chết thế khi đem bêu ở Nhã Nam đã nhanh chóng không được những người đã từng gần gũi với Đề Thám thừa nhận vì nó không có những đặc điểm mà họ thường thấy (thiếu đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, thiếu râu ba chòm ở cằm, không có nốt ruồi to bằng đồng xu ở sau gáy, không có vết sẹo ở cằm v.v..).

Có lẽ, người Pháp cũng phát hiện bị lừa nhưng đành phải coi như một việc đã rồi, hủy luôn kế hoạch cho bêu đầu nhiều ngày ở nhiều nơi, vội cho đốt cái đầu đang bêu thành tro đổ xuống ao Chấn Ký trước phủ đường Yên Thế ở Nhã Nam. Các gương kính của mấy tay nhiếp ảnh chụp chiếc đầu đem bêu bị thu hồi và đến nay không hề xuất hiện, có lẽ đã bị thủ tiêu từ khi ấy.

Cũng về cái chết của ông, có người bảo rằng, Đề Thám chết từ sau trận Ngàn Ván cuối năm 1911 nhưng xem ra khó có sức thuyết phục vì năm 1912 vẫn có những hoạt động được cho là của Đề Thám trong vụ giết Đồng Thủy và Phó đội Liên.

Có người bảo Đề Thám mãi sau mới chết, lúc thì bảo ở Hiệp Hòa, Tam Đảo, Hòa Bình, Nghệ An,lúc thì bảo ở Cao Bằng và nhiều nhất là vào mùa hè những năm 30 của thế kỷ XX mới chết già ở nhà Thống Luận. Năm đó Thống Luận mở chợ, sửa đình rất lớn thực tế là làm ma cho chiến hữu – thông gia của mình.

Vậy thì, tại sao Thống Luận không cho chuyển ngày giỗ Đề Thám vào đúng thời điểm ông qua đời và vẫn để cho con gái của mình là Thân Thị Huệ, con dâu của Đề Thám giỗ bố chồng vẫn vào ngày 5 tháng giêng.

Nhiều người hỏi tác giả về việc tìm mộ hoặc nơi yên nghỉ cuối cùng của Đề Thám hiện nay ra sao. Thực tình tác giả rất mong mỏi thực hiện được điều này qua sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm. Tuy nhiên đã có những cuộc tìm kiếm ở Chũng và Hữu Lũng nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

2. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ

2.1. Bắc Giang trở thành một tỉnh mới hơn một thế kỷ nhưng là một bộ phận lớn và đáng kể của trấn Kinh Bắc xưa, nên có một bề dày về lịch sử và văn hóa. Đặc biệt, những vấn đề thuộc về lịch sử chống ngoại xâm, đánh giặc giữ nước, Bắc Giang là hiện thân cho ý chí quật cường và kiên định của dân tộc Việt Nam, trong đó có cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Đề Nắm – Đề Thám lãnh đạo vang vọng khắp nơi.

Lâu nay, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử đã được ngành văn hóa chú trọng nhưng vẫn chưa tương xứng với tầm vóc vốn có của những di sản để lại. Đối với cuộc khởi nghĩa Yên Thế, địa phương đã làm được nhiều việc. Mặc dù vậy, lòng mong mỏi của mọi người mỗi khi đặt chân đến vùng đất nổi tiếng này vẫn chưa được đáp ứng một cách đầy đủ.

Để tiến tới kỷ niệm trong những năm tới như 120 năm ngày thành lập tỉnh Bắc Giang (2015), 180 năm ngày sinh Đề Thám (2016), 125 năm ngày Đề Nắm hy sinh (2017)… tác giả đề xuất một số giải pháp về xuất bản phẩm và sản phẩm lưu niệm có giá trị về ý nghĩa lịch sử và kinh tế, đối với khách du lịch và tham quan mỗi khi qua lại Bắc Giang, Yên Thế.

Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao và Ủy ban nhân dân huyện Yên Thế nên nghiên cứu và bắt tay vào việc cho ra đời những xuất bản phẩm và một số sản phẩm mỹ thuật – mỹ nghệ để phục vụ mỗi dịp lễ hội Yên Thế được tổ chức và có thể dùng để bán quanh năm tại các khu di tích liên quan.

2.2. Về xuất bản phẩm

Đúng 40 năm trước (1974) tác giả được phân công biên tập, hiệu đính bản dịch của Hoàng Cầm từ lời kể viết bằng chữ tiếng Pháp của bà Hoàng Thị Thế để làm thành tập sách Kỷ niệm thời thơ ấu, được người đọc nồng nhiệt đón nhận và rất hoan nghênh.

Đây là một hồi ức của người con gái vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám kể về những ngày thơ bé trong căn cứ Phồn Xương cùng với cha mẹ, chú bác, anh chị và những người nghĩa quân bình dị. Từ cuộc sống êm ả ấy bà đã nếm trải những thử thách lớn lao của cuộc chiến do kẻ thù của dân tộc gây ra. Cha mẹ và các anh chị của bà lần lượt bị bắt, bị sát hại. Bà trở thành con nuôi của những người Pháp có quyền lực, do đó đã phải sống và trưởng thành ngay trong lòng đất nước của kẻ thù; lấy chồng và sinh con ở nơi đất khách quê người. Cuối cùng, bà trở về Tổ quốc, lại tiếp tục những ngày vất vả của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước rồi thanh thản ra đi trên mảnh đất quê hương.

Trong lần tái bản này, bên cạnh hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu của bà Hoàng Thị Thế nên bổ sung thêm một hồi ức khác của Hoàng Bùi Phồn kể từ năm 1935, được nhà văn Thạch Lam ghi lại trong phóng sự Bóng người Yên Thế, in trên báo Ngày Nay, sẽ cho ta thấy thêm một mảng cuộc đời nữa về người con trai út của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Tác giả trân trọng đề nghị Ban Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện Yên Thế cùng tác giả tiến hành việc tu chỉnh, bổ sung để hoàn thiện nội dung, hình thức cuốn Kỷ niệm thời thơ ấu của bà Hoàng Thị Thế + Hoàng Bùi Phồn. Những tư liệu mới và hình ảnh thu thập ở Pháp mới đây sẽ làm tăng giá trị của cuốn sách lên nhiều lần.

Việc xuất bản Kỷ niệm thời thơ ấu sẽ tạo ra một ấn phẩm có giá trị vì đây là loại sách độc đáo, hiếm có, có thể phát hành rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, sẽ được bạn đọc đón nhận và hoan nghênh.

Từ năm 2014 trở đi, ngoài xuất bản phẩm là tập Kỷ niệm thời thơ ấu đề nghị lưu tâm thêm tới một số công việc sau đây:

– Tổ chức khảo sát, sưu tầm và nghiên cứu một cách toàn diện để có đầy đủ tài liệu biên soạn cuốn Cuộc đời và sự nghiệp Đề Nắm và tổ chức thêm những hội thảo về vị thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

– Tổ chức xuất bản cuốn Hoàng Hoa Thám (1836-1913) dưới dạng phổ cập, có độ dầy chừng 200-300 trang hoặc cho sửa chữa và tái bản tác phẩm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) do tác giả và ông Nguyễn Xuân Cần biên soạn, đã xuất bản từ năm 1997.

– Chọn lọc trong các tác phẩm đã viết về Đề Thám, bà Ba Cẩn và khởi nghĩa Yên Thế dưới dạng tiểu thuyết, truyện lịch sử để tái bản lại như Chân tướng quân của Phan Bội Châu, Lịch sử Đề Thám của Ngô Tất Tố, Cầu Vồng Yên Thế của Trần Trung Viên, Vợ ba Đề Thám của Lê Tràng Thành, Truyện Đề Thám của Nhật Nham Thư quán, Tướng quân Hoàng Hoa Thám của Lê Minh Quốc, Nam quốc nữ lưu của Lê Dư, Cai Vàng truyện của Nguyễn Xuân Ngọc.

– Xuất bản các tập truyện kể dân gian vè và thơ ca về khởi nghĩa Yên Thế với sự tham gia của các ông: Nguyễn Đình Bưu, Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần, Trần Văn Lạng trong việc soạn thảo, tuyển chọn.

– Tổ chức biên soạn bộ sách Bắc Giang – 120 năm đấu tranh, phát triển và đổi mới (1895-2015). Bộ sách nên có 3 phần lớn:

+ Bắc Giang trong đại gia đình Vũ Ninh – Kinh Bắc

+ Bắc Giang ra đời, trưởng thành trong tranh đấu

+ Bắc Giang trong đổi mới

– Sau Hội thảo khoa học này, vào một thời điểm thích hợp Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao Bắc Giang căn cứ vào những chứng lý khoa học đã được thừa nhận, nên có tờ trình với Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Sử học Việt Nam thông báo kết luận về một số vấn đề quanh mốc sinh thành của Đề Thám, về việc minh oan cho những nhân vật lịch sử như Bá Phức, Lê Hoan để có những bổ sung điều chỉnh phù hợp về những nội dung thể hiện trên các văn bản chính thức hoặc trên các bệ tượng đài, mở đợt tuyên truyền nhằm đưa những kết quả nghiên cứu đến gần hơn với nhu cầu và cuộc sống thường ngày của nhân dân trong tỉnh và trong phạm vi toàn quốc.

2.3. Về sản phẩm lưu niệm

– Cho in danh thiếp của Hoàng Hoa Thám mà tác giả đã công bố trong Hoàng Hoa Thám (1836-1913) hiện còn bản gốc lưu lại với số lượng lớn, trên giấy đặc biệt hoặc khắc nổi, khắc chìm trên kim loại, nhựa theo nhiều hình thức khác nhau (chữ nhật, bầu dục, hộp vuông, hộp tròn).

– In hoặc khắc nổi trên các loại chất liệu và loại hình như trên ấn dấu của Hoàng Hoa Thám bằng chữ Hán.

– Làm các tập bưu ảnh gồm 12,24 hoặc 36 ảnh liên quan đến Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế. Bên cạnh đó, phát hành các loại tờ gấp (có bản đồ, ảnh, lời giới thiệu về Hoàng Hoa Thám, khởi nghĩa và vùng đất – con người Yên Thế) hoặc tập sách mỏng có kèm ảnh, bản đồ về khởi nghĩa Yên Thế.

– Làm tượng bán thân và phù điêu về Đề Nắm, Đề Thám bằng các loại chất liệu (thạch cao, gốm sứ, gỗ, kim loại) hoặc vẽ khắc chìm trên đồ gốm sứ, trên kim loại (lọ hoa, đĩa, bình phong, tranh cuộn) hoặc tượng Đề Thám cưỡi ngựa, các tướng lĩnh khác, các tượng hoặc búp bê về các cô gái quan họ, các nữ binh hoặc nghĩa binh của Đề Thám.

– Cờ khởi nghĩa Yên Thế có 3 chữ Hoàng Nghĩa Kỳ và mô hình chùa Phồn Xương thu nhỏ bằng vải màu, gốm, sứ hoặc nhựa, các loại mũ và áo phông có in hình hoặc chữ lưu niệm nhân ngày Hội.

– Làm huy hiệu chân dung Đề Nắm, Đề Thám đặt trong các khung nhựa hoặc hình bằng nhựa (tròn, vuông, chữ nhật, con thoi, lục lăng…).

– Về sản phẩm lưu niệm, tác giả đề nghị có thể mở rộng loại hình và đề tài để tạo thêm những mặt hàng độc đáo khác như tượng Thánh Gióng, tượng Thạch tướng quân, tượng Adiđà chùa Phật Tích, Cột đá chùa Dạm, tượng phật Thiên thủ thiên nhỡn ở chùa Bút Tháp, tháp chùa Dâu thu nhỏ… bằng chất liệu bột đá, gốm, sứ hoặc gỗ sơn son thiếp vàng. Ngoài ra, còn nhiều mảng chạm khắc bằng gỗ, đá ở các đình chùa đất Kinh Bắc xưa có thể tạo tác phiên bản bán cho du khách. Đặc biệt, câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước” có thể viết theo lối thư pháp bằng chữ Hán, chữ Việt trên những chất liệu khác nhau cũng là những sản phẩm độc đáo chỉ riêng Bắc Giang mới có.

Những sản phẩm trên đây sẽ góp phần làm phong phú thêm những hoạt động của địa phương đối với những sự kiện trọng đại của tỉnh, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch của địa phương.

Xin cảm ơn và gửi tới quý vị lời chào trân trọng.

Hà Nội, xuân Giáp Ngọ, 2014

K.Đ.T

Chú thích:

[1] Các quyết sách trên được căn cứ vào tờ bẩm ngày 21-1-1894 của Lê Hoan gửi Khâm sai Bắc Kỳ là Hoàng Cao Khải. Nguyên văn như sau:

“Tổng đốc Ninh – Thái tên là Lê Hoan trên đường hành thứ tại vùng Cao Thượng, kính trình lên: Quan lớn Phụ chính đại thần, Thái tử Thiếu bảo, Võ hiển định Đại học sĩ, Khâm sai Bắc Kỳ Kinh lược sứ, Diên mậu tử soi xét:

Căn cứ vào tình hình gần đây, tên Phùng Quý Phúc cho vợ hắn về bẩm bọn đảng chúng xin năm sau ra thú và việc chúng tôi cho phái viên cầm thư dụ hàng tìm tên Thám và đồng đảng về xuất thú. Tình hình trên tôi đã phụng trình Ngài xét. Nay tiếp theo việc tên Thân Văn Phức ủy giao cho một Quản cơ ngụy tên là Thân Văn Tảo, tên này là cháu của Phức đưa một lá thư về, đồng thời đem cả đạo bằng Tán tương Quân vụ của ngụy cấp cho Phức (do Tống Duy Tân khâm cấp và một chiếc ấn của ngụy bằng gỗ khắc bốn chữ Hán Tán tương Quân vụ và các loại súng gồm 20 cây súng Phúdi caladinh (Carbinne) 12 cái, và súng nạp hậu số 12 và 13 gồm 8 cái) tới chỗ tôi nộp trước làm tin. Tôi đã giao sức kiểm nhận, định ngày mai sẽ giải về nộp Tòa Công sứ tỉnh tôi.

Đọc trong những bức thư của ngụy Phức và ngụy Thám do các phái viên mang về với lời bẩm bạch của người đảng chứng kiến xin tới ngày 20 đầu xuân năm tới sẽ ra xuất thú. Trong đó có hai bức thư của ngụy Thám đều bẩm xin được ở Yên Thế, Hữu Thượng, Dĩnh Duyên, Lục Giới, xin các tổng xã đó đều để làm nơi chỉnh trang và kiểm điểm tướng hiệu, đảng viên, súng ống đợi đến mùa xuân năm sau cùng với Tán Phức tập hợp đồng đảng, nhất tề ra thú. Y lại xin tôi tư cho các quan đồn đóng quân tại chỗ không hoạt động. Việc này tôi đã ưng cho và làm theo bằng cách tư cho viên quan Ba ở đồn Nhã Nam nhờ đem việc trên chuyển tư cho quan binh tại các đồn ở Bố Hạ, Vụng Tròn đều biết hết.

Vả chăng Yên Thế và Hữu Thượng đều thuộc địa phận của các quan binh thuộc tỉnh Lạng Sơn. Vì vậy tôi đã thông tư riêng cho các Công sứ tỉnh nhờ thông tư cho các đồn binh biết và thi hành để khỏi sinh chuyện.

Tuy nhiên nếu căn cứ vào lời lẽ trong những bức thư của bọn chúng gửi về trước đây nhiều lần, vẫn mang nhiều ý nghĩa phải suy nghĩ. Ngoại trừ việc tên Phức nay đã phái người mang súng ống, văn bằng, ấn tín nộp trước để làm tin, tưởng cũng là một hành động thành thực, chỉ còn việc họ xin đợi đến trung tuần mùa xuân năm sau là còn chậm. Đã thế, Phức và Thám là hai tên giặc già chẳng phải là tay vừa chúng lại có hàng trăm mưu ma, chước quỷ. Vả chăng tình hình giặc giã là việc khó lường nhất, khó lòng mà biết được thật hay giả. Vậy xin hãy nộp chờ tới ngày hẹn chúng ra thú xem sao. Lúc bấy giờ chúng ta mới hết áy náy, lo nghĩ.

Vậy xin kính trình Ngài xét.

Còn bằng cấp, ấn tín của tên ngụy Phức và một số văn thư của bọn chúng do ý tứ trong thư lời lẽ quá nhiều, tôi xin sức y sao đệ trình ngài xét, áp sẵn ấn tín đệ trình đầy đủ.

Lại còn có việc trong thư tên ngụy Thám xin thêm một khoản là xin phóng thích cho bọn đồng đảng hiện bị ta bắt và cầm tù. Nhưng tôi đã hiểu thị cho chúng hay rằng, ngày nào các anh ra thú, tôi sẽ trình cấp trên phóng thích cho họ. Việc này tôi cũng xin phụng trình Ngài xét luôn”.
[2] Bouchet: Au Tonkin. Lavie avantureuse de Hoang Hoa Tham, chep pirate.
[3] Chương Thâu: Tôn Trung Sơn với Việt Nam, Xưa và Nay, số 247, tháng 11-2005.
[4] Đãi thời: Đợi thời.

0