Hội Lim- Hồn nước gọi ta về
Khổng Đức Th i êm I. TỰA Đ Ề Đột khởi giữa đồng quê mượt óng vùng đất Tiên Du là núi Lim thanh lặng, lô xô đất đá xen nhau, tuy chưa thật ảo huyền thơ mộng nhưng lớp lớp lăng tẩm, chùa quán triền miên chạy khắp đồi gò, cũng đủ tạo nên sự thâm u, tịch mịch. Chảy men ...
Khổng Đức Thiêm
I. TỰA ĐỀ
Đột khởi giữa đồng quê mượt óng vùng đất Tiên Du là núi Lim thanh lặng, lô xô đất đá xen nhau, tuy chưa thật ảo huyền thơ mộng nhưng lớp lớp lăng tẩm, chùa quán triền miên chạy khắp đồi gò, cũng đủ tạo nên sự thâm u, tịch mịch. Chảy men dưới chân núi là con sông Tiêu Tương mơ màng như những thiên tình sử diễm lệ. Hình bóng chàng Trương Chi lái đò trên sông mê đắm người đẹp Mỵ Nương mãi mãi lùi xa vào dĩ vãng chỉ để lại trong dòng chảy cuộc đời mai hậu những lời sầu bi, thương cảm:
“… Cô Mỵ Nương vốn ở lầu tây
Con quan thừa tướng ngày ngày cấm cung
Anh Trương Chi với chiếc thuyền bồng
Chèo thuyền ngang dọc đêm đông dãi dầu
Canh trường anh mới hát một câu…”
Dòng Tiêu Tương như nén lại nỗi khắc khoải đến dằn dữ những gì là éo le, oan trái. Nó như ướp giữ tình cảm hồn hậu của Trương Chi, và dù sao đi nữa, cả tình cảm nửa vời của cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương.
Núi Lim và sông Tiêu Tương còn ướp biết bao cái nao nức, lộng lẫy của hội Lim, biết bao cái xanh tươi của những lời ca Quan họ trong veo giữa một hoàng hôn GIÃ BẠN còn chạng vạng cuối vạt tre làng.
Hội Lim như hồn nước gọi ta về. Cứ âm vang mãi lời của núi sông đằm thắm. Như tơ vương đầy xao xuyến, nhớ mong và đợi chờ mùa xuân đến sớm để về với hội Lim nồng nàn, dịu ngọt. Trong sâu thẳm của cõi lòng ta, hội Lim mộc mạc như chính sự chân quê của mấy câu ca đầy xa vắng:
“Ba năm hai cái hội chùa,
Nào ai có nỡ bỏ bùa cho ai
Già già, trẻ trẻ, gái trai,
Đua nhau ăn mặc hán hài đi xem.
Hội Lim ai thấy chẳng thèm,
Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì.
Đồn rằng có dệt cửi thi,
Cao lâu trăm thức thiếu gì thức ngon.
Trâu bò giết đủ năm con,
Bó lại cho tròn vừa chẵn hai mươi…”
Về với hội Lim là ta được về với quê hương tài đảm của những người con gái Nội Duệ – Cầu Lim. Không bao giờ có thể mờ phai ở trong ta lòng ngưỡng vọng, tin yêu:
“Bấy lâu con gái làng nhà,
Nổi danh nức tiếng tài hoa giữa vùng.
Đã thạo dệt cửi, lại giỏi nữ công
Ngược xuôi Nam – Bắc gánh gồng bán buôn”.
Đã có một lúc nào đấy, hòa trong dòng đời chảy đến hội Lim lòng ta bỗng xao động như chính nơi ấy là chốn chôn rau cắt rốn của mình, là vành nôi êm ả của một quãng ấu thơ. Và dẫu chưa phải là con dân Nội Duệ – Cầu Lim nhưng một vùng xóm mạc có tiếng là trù phú, các phố chợ thuyền bè tụ họp, người buôn bán qua lại như đô hội cũng khiến trái tim ta, tâm hồn ta ngờm ngợp niềm kiêu hãnh, tự hào. Nơi đây tập tục văn vẻ mà cần kiệm, phong tục chuộng ưa văn nhã ít quê kệch, noi theo thô phác, gần vớt thuần hậu khiến cho các câu ca dao nơi xóm làng có quan hệ với phong hóa cũng có thể gần với các câu trong Kinh thi.
Hội Lim là quê hương của trai thanh gái lịch, quê hương của khát vọng cháy bỏng tình yêu đôi lứa và điểm tựa cho những ước mơ cất cánh bay vào không gian trí tuệ:
“Ở trong trống đánh rập rình,
Ở ngoài trai gái có tình với nhau.
Têm trầu thì nhớ bổ cau,
Têm cho đầy túi cho nhau ăn cùng.
Túi vóc cho lẫn túi hồng,
Trầu têm cánh quế cho chồng đi thi.
Ba năm chàng đỗ vinh quy,
Võng anh đi trước nàng thì theo sau.
Cờ quạt mở ra che đầu,
Ba bốn nàng hầu đứng gốc cây đa…”
Nội Duệ – Cầu Lim vì vậy mà trở thành quê hương của các thi nhân mặc khách, là vùng đất đã đào luyện nên nhân tài của quốc gia. Nơi đây, nguyên khí của đất nước được phối phát khiến cho đạo trị của nước nhà tiến triển mạnh mẽ hơn nhiều. Những tài năng tuấn kiệt như Nguyễn Thiên Tích (đỗ tiến sĩ năm 1431) đã đem cái học lực dồi dào, rộng rãi để cùng triều chính đến cõi bờ của sự phồn vinh. Rồi Nguyễn Kim Giao – con trai vị tiến sĩ khoa Hoành từ (đỗ năm 1475), Nguyễn Vô Cữu (1484), Nguyễn Hanh Phu (1487), Bùi Đức Lương (1508), Nguyễn Quang (1511), Nguyễn Hữu Du (1520), Nguyễn Thế Lộc (thám hoa, 1541), Bạch Hồng Nho (1541), Nguyễn Đoan Lượng (1547), Nguyễn Bỉnh Quân (1553), Nguyễn Đạo Thế (1556), Nguyễn Nhân Chiêu (1577), Nguyễn Đán (1580), Nguyễn Hy Tái (1616), Nguyễn Nho (1673). Đó là chưa kể Nguyễn Củng (thám hoa, 1571), Nguyễn Kiều Nhạc (1631), Nguyễn Đăng Cảo (thám hoa, 1646), Nguyễn Đăng Minh (1616), Nguyễn Đăng Tuân (1673), Nguyễn Đăng Đạo (trạng nguyên, 1683), Nguyễn Gia Vân (1787)… thuộc Hoài Bão, sau này cũng nằm trong tổng Nội Duệ.
Nội Duệ – Cầu Lim thực sự là một lò hun đúc đã tạo nên một hiện thực nhân tài như thể bách hoa. Ở đây ta cũng thấy vời vợi khung cảnh em quay tơ, chàng ngâm thơ và man mác một tấm lòng quyến luyến như hồi Nguyễn Thiên Tích ở nơi viễn xứ quê người:
“Đêm lặng, trăng như vẽ
Trời lạnh, tuyết thành hoa
Thuyền cô, khách ngàn dặm
Mười mơ, chín về nhà”.
Chỉ một lần về với hội Lim, ở trong lòng Nội Duệ tâm hồn ta mới khỏa khuây vì như như được hồn nước êm đềm ru, êm đềm đu đưa vành trăng thơ ấu sáng dần.
II. NHẬP HỘI
Hội Lim là hội chùa, hội chạ, chỉ diễn ra vào ngày 13 tháng giêng và ba năm mới mở một lần. Nhưng vì nó nằm ở trung điểm của hội đình – hội hàng tổng Nộ Duệ, tưng bừng suốt 7 ngày – từ mồng 9 đến 16 tháng giêng, nên ngày nay người ta cứ ngỡ năm nào hội Lim cũng mở, duy có năm nhỏ năm lớn mà thôi.
Hội đình – hội hàng tổng Nội Duệ vốn là lễ hội tế thần có phường hát cửa đình diễn xướng suốt mấy ngày liền. Vào đầu thế kỷ XVIII, Nội Duệ là một tổng trải dài đôi bờ sông Tiêu Tương, do 6 xã phường hợp lại: xã Nội Duệ (Đình Cả, Lộ Bao), xã Nội Duệ Khánh, xã Nội Duệ Nam, xã Lũng Giang, xã Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du. Cho đến trước năm 1734, việc tổ chức lễ hội vẫn chưa đi vào lễ thức, do đó viên Quận công Đỗ Nguyễn Thụy đã dành ra chừng 40 mẫu ruộng (tương đương hai chục héc-ta bây giờ) và hàng ngàn quan cổ tiền để đầu tư, khai mở ra một tập quán chung dần dà trở thành cổ lệ cho hàng tổng. Trong sự phân chia và ban cấp, viên Quận công đã giành ra và ban cấp cho hai thôn Đình Cả, Lộ Bao nhiều tiền ruộng hơn với ước muốn cùng Nội Duệ Khánh và các xã thôn khác nhân dịp lễ nhập tịch cầu phúc và ca hát nhân tết trung thu mà theo kịp để nối dài quốc mạch (lưu hứa nhị thôn đổng dữ Nội Duệ Khánh cập các xã thôn nhập tịch ca sướng trung thu tiết như đệ niên bản quán hữu nhập tịch kỳ phúc diệc khả tòng nghi dĩ thọ quốc mạch). Với mong mỏi này, viên Quận công người Đình Cả đã tạo tiền đề duy trì và phát triển lối hát giữa các làng xã trong tổng trong dịp lễ tế thần – một lễ hội vui nhất và lớn nhất trong địa hạt Tiên Du.
Các vị thần được tôn thờ ở đền Cổ Lũng thuộc thôn Đình Cả là vợ chồng Phạm Văn Ban – U Nhàn công chúa chết trận ở địa phương trong cuộc chiến tranh giữ nước. Lễ hội tế thần – ca hát ở đình Đình Cả và đền Cổ Lũng khi ấy được tổ chức vào giữa tháng 8 âm lịch, tương đồng với các lễ hội khác về dân ca, trong đó có tục hát Trống quân ở Đình Cả. Trong những ngày ấy Giáo phường Tiên Du – tức phường hát cửa đình Tiên Du khi đó đặt trên đất tổng Nội Duệ, đã tham gia một cách tích cực tạo thêm sự nghiêm cẩn, trang trọng, thành kính cho việc tế lễ thành hoàng.
Quận công Đỗ Nguyễn Thụy đã xúc tiến công việc chuyển đổi từ lễ hội riêng ở Đình Cả thành hội hàng tổng Nội Duệ. Trong Lệ phụng sự ghi ở bia Thọ phúc thần hiến điền, ông đã quy định đại để như sau:
– Ngày rằm tháng 8 hàng năm, cả 5 xã, thôn trong tổng biện cỗ bàn (xôi, gà), trầu cau, hương nến đem đến đền Cổ Lũng làm lễ nghênh thần. Giáo phường Tiên Du cũng đóng góp như trên. Đêm hôm ấy, thôn Đình Cả lại sửa xôi gà như trên để tế thần rồi đứng ra lo tổ chức những canh hát thâu đêm suốt sáng. Giữa khói hương nghi ngút và đèn lửa bập bùng, các đào kép của giáo phường Tiên Du lần lượt giáo trống, giáo hương, dâng hương thiết nhạc, hát giai, đọc phú, đọc thơ, lại thực… để cúng tế, cùng với múa bài bông, múa bỏ bộ, múa tứ linh, múa tiên, múa chàng.
– Sáng 16-8, thôn Đình Cả dâng hai mâm xôi, trầu cau, hương nến rồi tổ chức hát tiếp một trù, thưởng 2 quan 500 đồng cổ tiền cho quản giáp, ả đào, kép đàn của giáo phường Tiên Du.
– Ngày và đêm 16 tháng 8 thôn Lộ Bao và ngày đêm 17 tháng 8 xã Nội Duệ Khánh chăm lo việc tổ chức ca hát cửa đình. Trong mấy ngày này, mọi người còn được thưởng thức thêm các áng thơ ca qua các giọng mưỡu, huê tình, thiên thai và các giọng vặt.
– Đặc biệt trong hai ngày và đêm 18, 19 tháng 8 xã Lũng Giang vừa có bổn phận ca hát, lại vừa phải sắm sửa lễ vật tế thần như lệ của thôn Đình Cả.
Lũng Giang còn gọi là làng Cầu Lim là một cái nôi đã tiếp thu được tất cả các lối hát chèo, hát tuồng để sáng tạo ra một lối hát mới gọi là QUAN HỌ với đủ lời ca và nhạc điệu. Do tiếp thu được những tinh hoa của cách nhả hơi nảy tiếng trong lối hát cửa đình của giáo phường Tiên Du, các nghệ sĩ Quan họ Lũng Giang đã tạo ra hẳn một phong cách mặc dù vẫn còn đá hơi chèo, đá hơi tuồng, đá hơi ca trù nhưng lối chơi thì đặc biệt phong phú, phóng khoáng và có lề luật hơn các lối hát khác trong một thế giới âm thanh đa dạng như thế. Như vậy là Lũng Giang đã đẩy lối hát Quan họ lên cao hơn. Nét nhạc ở đây vẫn bám theo lời thơ, vẫn là lối đặt câu bắt giọng để hát thơ – cái gốc vốn có trong hát cửa đình mà nó đã chịu ảnh hưởng. So với các làng xã khác trong tổng trừ Đình Cả, rõ ràng Lũng Giang đã giữ trọng trách lớn trong lễ hội tế thần và ca hát. Vì vậy Lũng Giang được gọi là hội Cả. Các trùm họ ca hát ở đây còn chịu trách nhiệm đón bạn hát ở các nơi đến ca hát trong dịp lễ hội từ rằm tháng 8 đến tận 20 tháng 8. Ngoài cơm nước, tiếp đón họ còn phải lo trọn vẹn các canh hát về đêm. Suốt mấy ngày liền, sinh hoạt ca hát đã cuốn hút người quanh vùng đến xem, nghe và vui chơi.
– Ngày và đêm 20, cả năm xã, thôn trong tổng Nội Duệ đều mang theo một mâm xôi gà, rượu đến đình Đình Cả làm lễ. Riêng giáo phường Tiên Du phải sửa 3 mâm xôi, một vò rượu, trầu cau và hương nến tới đình Đình Cả. Sau khi làm lễ, tổ chức hát cửa đình một trù, treo giải 2 quan 500 đồng cổ tiền.
– Ngày 21 tháng 8, cả 5 xã thôn và giáo phường Tiên Du đem theo xôi gà, rượu tới đình Đình Cả rước linh vị về đền Cổ Lũng, làm lễ ở đây hai mâm xôi gà và rượu giống như lễ nghênh.
Quận công Đỗ Nguyễn Thụy còn quy định, vào dịp lễ hội tháng 8, nếu năm nào hai thôn Đình Cả, Lộ Bao không tổ chức việc ca hát được thì cũng phải cùng các xã thôn khác trong tổng, từng ngày sửa lễ vật theo đúng lệ phụng sự. Đồng thời, ông cũng quy định rõ lệ nhập tịch cầu phúc và ca hát vào dịp tháng giêng hàng năm. Vào thời điểm ấy hai thôn Đình Cả, Lộ Bao và xã Xuân Ổ đến đền Cổ Lũng làm lễ nghênh thần về đình Đình Cả, đem theo mỗi thôn, xã một mâm xôi, trầu cau, hương nến để cúng tế. Khi rước về đến đình, bày linh vị hai bên đình, phối tế theo lịch biểu rồi ca hát cho đến hôm làm lễ tống thần. Ở lễ tống cũng phải sửa xôi gà và rượu. Năm nào vào dịp tháng giêng không mở được lễ nhập tịch cầu phúc và ca hát thì cả 3 xã thôn trên sửa 10 mâm xôi, 1 thủ lợn, rượu, trầu cau (trị giá 3 quan cổ tiền) đem đến đền Cổ Lũng làm lễ. Việc ca hát để dành vào dịp trung thu.
Như vậy, thoạt kỳ thủy, lễ hội ở Nội Duệ là lễ hội hàng tổng – lễ hội tế thần cầu phúc kết hợp với ca hát được tổ chức chính vào dịp tháng 8. Giống như nhiều nơi khác, nhân dân Nội Duệ được hưởng thêm một mùa xuân, một mùa hội hè tưng bừng náo nhiệt.
Lệ phụng sự do Đỗ Nguyễn Thụy đề ra, thực hiện được gần bốn chục năm. Khi ấy, có Nguyễn Đình Diễn tuy mới bước vào tuổi 29 nhưng đã xuất thân từ quan Thái giám trong phủ chúa Trịnh Sâm rồi Trấn thủ Thanh Hóa kiêm Đốc đồng, tước Hiệt trung hầu, quê cũng ở thôn Đình Cả, đã cấp ruộng và tiền cho 5 xã thôn trong tổng Nội Duệ và giáo phường Tiên Du, chuyển hội đình – hội hàng tổng sang hẳn tháng giêng. Kế đó là bà Mụ Ả, người xã Nội Duệ Nam lại bỏ tiền ra mua hương hỏa nửa núi Lim để mở mang chùa Hồng Ân và buộc ba năm tổng Nội Duệ mở hội chùa, hội chạ một lần ở núi Lim. Sách Bắc Ninh phong thổ tạp ký cho biết:
“Hội núi Hồng Vân (tức núi Lim) ngày 13 tháng giêng cả 6 xã (giáo phường Tiên Du lúc này trở thành xã Nội Duệ Đông) trong tổng Nội Duệ, áo mũ cờ trống chỉnh tề hội họp ở đình Đình Cả. Các xã cử trai gái ra làm con cờ, mỗi xã một bộ, luân thứ bày hàng, người nào thắng cuộc được hậu thưởng. Tương truyền xưa có Hiệt trung hầu họ Nguyễn làm trấn thủ Thanh Hóa có thực ấp giầu vạn cư. Về hưu đưa vài chục mẫu ruộng tốt hiến vào đền (Cổ Lũng) để lưu thưởng kẻ sĩ và hương hỏa về sau. Lại mua nửa núi Hồng Vân để dựng lăng đá, trong lăng có tượng đá, thú bằng đá và tượng võ sĩ đá. Khi chết an táng ở đó, sáu xã trong tổng thờ cúng.
Lại có Bồ đề ni lục gọi là Mụ Ả, họ Nguyễn người xã Nội Duệ Nam không lấy chồng, xuất gia thụ giới ở chùa Hồng Vân. Lộc chùa hơi khá bèn mua lấy một nửa núi Hồng Vân. Năm ngoài 80 tuổi có đặt tiền giao cho sáu xã làm hương hỏa về sau rồi dựng dàn hỏa thiêu. Người đời sau tô tượng, dựng tháp và thờ tự bà”.
Trong hội Lim, cảnh đấu cờ người là ngoạn mục và sôi động hơn cả. Những cô gái vùng quê Nội Duệ – Cầu Lim xinh đẹp nhất, mặc những bộ quần áo rực rỡ nhất ngồi theo vị trí của mình. Người người nô nức đổ về sân đấu cờ, thưởng thức vẻ lộng lẫy của các kim đồng, ngọc nữ. Họ phải luyện tập công phu vất vả;
“Tiếng đồn đã khắp phố phường
Cờ đi khỏa khuyến thập phương cũng nhiều
Thưởng công tích, thiếu bao nhiêu
Tổng ta dàn bổ ít nhiều xem sao
Quân cờ tập như thế nào
Già già trẻ trẻ biết bao nhiêu người
Tập xong đưa đến tận nơi
Kẻo rồi mang tiếng những người trông nom
Trăm rưởi bánh dầy con con
Năm chục bánh mật vừa tròn hai trăm”
Dần dần, tục hát Quan họ cuốn hút được hầu hết khách xa gần. Trên sườn non, bên cạnh khu lăng Nguyễn Đình Diễn phủ mầu phong sương là các cặp nam nữ. Chập chùng ô nón, áo mớ bẩy mớ ba, quần lĩnh. Chập chùng những tiếng hát tươi xanh nhớ về xa vắng:
“Đầu kia đàn anh có một giải
Trước sướng thờ đức thượng đẳng đại vương
Sau sướng thờ cụ hậu
Sau sướng thờ quan đám, quan trong ngồi trên giám khảo
Sau xướng thờ ba chạ một đình vui thay
Nhờ nghĩa này từ xưa truyền lại
Dạ sắt son vạn đại cương thường
Tháng giêng, tháng tám vẫn thường lễ xuân
Tiệc tháng ba mới là di tích
Náo nức cùng trai lịch gái xinh
Thỉnh phụng nghinh trống rong cờ mở
Rõ ràng thay tán tía sắc vàng
Kiệu vàng có bộ đỉnh đang
Long đình mặt nguyệt rỡ ràng uy nghi
Cờ đại chí kéo lên phấp phới
Tế thần rồi bước tới đình chung
Nơi trống rong kèn loa nhã nhạc
Tế thần rồi sướng hát vui thay
Ngồi sánh bày phượng loan cẩm tú”
Những Gọi đò, Con sáo sang sông. Những Mười nhớ, Con nhện giăng mùng. Cả một bầu trời núi Lim lúng liếng say đắm trong những lời ca Quan họ.
III. DIỄN TRÌNH
Dưới thời Nguyễn, hội Lim đã định hình trong lòng hội hàng tổng ở Nội Duệ. Ăn tết nguyên đán xong, vào ngày mồng 6 tháng giêng, các cụ cai đám năm trước bàn giao công việc cho cai đám mới để chuẩn bị cho lễ hội.
Bắt đầu từ ngày mồng 9 tháng giêng, lễ hội hàng tổng – hội đình chính thức khởi động. Các thôn xã sửa sang đường ngõ, phát cỏ, dọn cây. Làng xóm trở nên phong quang thanh tịnh. Đâu đâu cũng bừng lên dáng vẻ tinh khôi, tươi trẻ.
Nếu ngày mồng 9 rãy đường thì mồng 10 niềm áo. Đây là một thuật ngữ chỉ chung cho sự tập luyện, chuẩn bị. Hai bộ kiệu ông, kiệu bà để ở đình Đình Cả và hai bộ kiệu ở nhà thờ họ Đỗ, họ Nguyễn được dỡ xuống để lau chùi rồi lắp ráp vào nhau. Ba mươi hai trai tráng khênh kiệu mặc thử các áo nậu đỏ cùng bốn vị chấp kiệu mặc áo the đoạn tập rước ở sân đình. Các vị cầm bát bửu, trong các áo nâu có tay cùng những chàng trai kéo ngựa hồng, ngựa đỏ cũng phải tập rất công phu trong từng động tác đi đứng của mình. Sân đình Đình Cả ngày hôm ấy thật sôi động với cờ quạt, tàn tán rỡ ràng.
Ngày 11 tháng giêng tổ chức lễ nhập tịch ở đền Cổ Lũng. Kiệu, đòn, bát bửu, cờ quạt rời đình Đình Cả hướng về phía đền. Làm lễ xong, các kiệu thỉnh nồi hương để đến giếng công Nội Duệ Khánh:
“Thỉnh kinh chùa Nội rước ra
Lấy nước giếng Khánh đưa ra để thờ”.
Trong ngày hôm ấy, trong cái bao la của vũ trụ, sự vần vụ của không gian, đồng ruộng và bầu trời Nội Duệ như ướp đầy hương khói và ăm ắp tiếng hò reo. Đám rước đi trong sự trang trọng và rực rỡ vàng son. Bao nụ cười ấm sáng tỏa nắng dưới bóng những vuông lụa đen huyền. Ai cũng thấy lòng dạ bập bùng theo từng hồi chiêng trống.
Ngày 12 tháng giêng đám rước rời đình Đình Cả sang đền. Màu đỏ, màu xanh của trai đinh khênh kiệu của quan viên tư văn làm ấm sáng đến từng nếp nhà tranh và lướt đi trong nhịp trầm hùng gọi mùa xuân thức tỉnh. Các đồ bát bửu tua tủa vươn trên nền trời. Những chàng trai cương nghị mê mải kéo ngựa trắng, ngựa hồng giữa muôn vàn tiếng vọng và reo hò sảng khoái.
Ngày 13 tháng giêng đám rước lại xuất phát từ Đình Cả tiến sang Lộ Bao đổi sắc. Năm nào hội Lim mở lớn thì đám rước mới trở thành rước chạ lên núi Lim, tạo nên một không khí náo nức, vui tươi khác thường Xung quanh núi hàng quán mọc lên bán đủ món ăn ngon miệng với chất chồng các loại bánh trái hương hoa. Các cụ bà vào chùa lễ bái trong làn khói hương nghi ngút. Các thôn nữ tài sắc đương thì đang nhịp nhàng thoăn thoắt dệt cửi thi. Tổ tôm, bài điếm người quây quần chật ních. Trên bãi rộng, các thiếu nữ trong bộ áo quần thắm sắc của quân cờ, phô bày tất cả các vẻ đẹp chân chất nơi thôn dã. Sườn non, sân chùa những cặp đôi đang ca những lời Quan họ tình tứ, ấm áp tình người và tình đời. Ngày xưa, hội mở vào tháng 8 còn có thả diều thi.
Cả một khu vực núi đồi rực rỡ sắc mầu, chật ních tiếng người nói cười sảng khoái. Những giọng hát mượt mà len lỏi vào tận trái tim tâm khảm những người về dự hội. Khi chiều buông rồi đêm xuống, núi Lim vẫn rỡ ràng trong ánh sáng của đèn đuốc và những cuộc bịn rịn chia tay . Đã thấy từng tốp, từng tốp trai thanh gái lịch, những ông già bà cả tỏa ra bốn phía để trở về những Hiên Ngang, Hoài Bão, Xuân Ổ, Bò Sơn, Tam Sơn, Tiêu Viềng.
Ngày 14 tháng giêng trên núi Lim người đến hội vẫn còn đông đúc. Ở Đình Cả, đám rước lại náo nức tàn lọng và kiệu đòn quanh hai nhà thờ họ Đỗ, họ Nguyễn. Ngày hôm sau, làm lễ tế trâu và đến 16 tháng giêng thì dã đám. Kiệu đòn, bát bửu được đưa về nơi cất giữ để chờ mùa xuân năm sau.
Hồi Pháp mới sang, hội Lim vẫn mở như thường lệ. Có một năm vào cuối thế kỷ XIX hai vợ chồng viên Công sứ Pháp ở Bắc Ninh về thăm, vì mua pho tượng Thích ca bằng đồng để chơi nên ít lâu sau cô vợ bị ốm. Thế là, tuy chưa đến lịch, hội Lim lại phải mở để làm dịp rước phật trở lại chỗ cũ. Đến giờ nhân dân địa phương vẫn còn ghi nhớ sự kiện này qua một bài vè:
“Hội từ công sứ mà ra
Bỗng đâu rước phật Thích ca về thờ
Ông sư thấy bạc liền vơ
Bà đầm xem bói thật là thương thay
Ngồi rồi kể tích hội này…”
Cái vui, cái đẹp của hội Lim vang xa. Người các thị thành, người từ Hà Nội về dự rất đông. Vẻ thơ đẹp, hồn hậu cứ bị mất dần vì bị đan xen bởi đám tài tử giai nhân tâm thời nơi đô hội:
“Hội Lim được dịp ôm bồng
Lăn xe hội Kích, núi Hồng dạo chơi
Dập dìu cậu bột cô vôi
Vai long đình với đường ngôi tân thời
Phất phơ quần trắng áo mùi
Vênh vang mũ lệch chen người đi xem”.
Mấy năm kháng chiến trường kỳ, hội Lim không có điều kiện mở lại. Năm 1957, hội chùa Lim được khôi phục với đủ cả rước sách, cờ người, đánh đu, hát Quan họ. Rồi có nhiều ý kiến về cách tổ chức hội và từ đấy hội Lim, chỉ còn như kỷ niệm. Đến ngày 13 tháng giêng người người vẫn đổ về đây để chờ, để đợi một hội Lim, để chờ để đợi hồn nước gọi về.
Những năm gần đây, hội Lim đã đi vào quy củ, lại mang một đáng vẻ trẻ trung và cách tân, đổi mới hơn. Hội Lim – một sắc màu dân tộc Việt Nam sẽ tươi trong mãi mãi nơi tâm hồn của mọi thế hệ chúng ta.
K.Đ.T