23/05/2018, 15:55

Đặc tính thực vật học khoai môn, sọ

Cây Môn, Sọ ( Colocasia esculenta ) là loại cây thân thảo, thường cao từ 0,5 đến 2,0m. Cây Môn, Sọ gồm có một củ cái ở giữa thường nằm dưới đất, từ đó lá phát triển lên trên, rễ phát triển xuống dưới, trong khi đó củ con (cormels), củ nách (daughter corms) và các dải bò (stolons) lại phát triển ...

Cây Môn, Sọ (Colocasia esculenta) là loại cây thân thảo, thường cao từ 0,5 đến 2,0m. Cây Môn, Sọ gồm có một củ cái ở giữa thường nằm dưới đất, từ đó lá phát triển lên trên, rễ phát triển xuống dưới, trong khi đó củ con (cormels), củ nách (daughter corms) và các dải bò (stolons) lại phát triển ngang sang các bên.

Rễ

Rễ của loài Môn, Sọ là rễ chùm mọc từ đốt mầm xung quanh thân củ. Rễ ngắn, hướng ăn ngang và mọc thành từng lớp theo hướng đi lên thuận với sự phát triển của đốt, thân củ. Rễ thường có màu trắng và có chứa anthocianin. Một số kiểu gen có cùng lúc hai loại rễ; rễ có sắc tố và không có sắc tố. Rễ phát triển thành nhiều tầng, phụ thuộc vào số lá của cây, số lượng rễ và chiều dài rễ phụ thuộc vào từng giống và đất trồng. Một lớp rễ trung bình có từ 25 – 30 rễ (Tổ nghiên cứu cây có củ, 1969).

Thân củ (củ)

Ở cả 2 dạng và khoai Sọ đều có phần gốc phình thành củ hoặc thân củ chứa tinh bột. Củ cái chính được coi là cấu trúc thân chính của cây, nằm trong đất. Trên thân củ có nhiều đốt, mỗi đốt có mầm phát triển thành nhánh. Sau khi dọc lá lụi đi thì trên thân củ thêm một đốt và thân củ dài ra. Bề mặt củ được đánh dấu bởi vòng tròn gọi là chân dọc củ. Đó là điểm nối của những lá vảy hoặc lá già. Nhiều mầm bên phân bố trên những đốt củ. Đỉnh của củ cái chính là điểm sinh trưởng của cây. Sự mọc lên của cây đều bắt đầu từ đỉnh củ cái. Toàn bộ phần dọc lá trên mặt đất tạo nên thân giả của cây Môn, Sọ.

Củ khoai Môn, Sọ rất khác nhau về kích thước và hình dạng, tùy thuộc vào kiểu gen, loại củ giống và các yếu tố sinh thái, đặc biệt là các yêu tố có ảnh hưởng đến thân củ như cấu trúc và kết cấu của đất, sự có mặt của sỏi đá. Củ cái của những giống đại diện trồng trên đất cao thường tròn hoặc hơi dài, còn những giống có củ cực dài thường là của những giống trồng ở ruộng nước và đầm lầy (bờ mương, ao). Tất cả củ cái, củ con và củ nách có cấu tạo bên ngoài gần như nhau, đều có một mầm ở đỉnh và nhiều mầm ở nách của vô số các lá vẩy trên thân củ.

Ở các giống thuộc nhóm khoai Môn, củ có thể đạt tới chiều dài khoảng 30cm và có đường kính khoảng 15cm, nhưng củ cái của các giống khoai Sọ thường nhỏ hơn. Cả củ cái và củ con đều gồm 3 phần: vỏ ngoài, vỏ áo và lõi củ (thịt củ). Vỏ ngoài có thể nhẵn, sần sùi hoặc được phủ bằng những lớp vảy thường có màu nâu đậm. Lớp vỏ áo nằm giữa vỏ ngoài và lõi củ. Vỏ áo và lõi củ bao gồm chủ yếu là các nhu mô (parenchyma). Trong lõi củ ngoài tế bào chứa nhiều hạt tinh bột còn có xơ củ. Lượng xơ củ rất khác nhau giữa các kiểu gen và chịu ảnh hưởng lớn của môi trường. Sắc tố trong củ biến động từ trắng, vàng nhạt, vàng đậm, da cam đến hồng, đỏ và tím đỏ. Ngoài ra, ở một số giống thịt củ có màu xen kẻ giữa trắng và tím đỏ hoặc tím hoặc như mô trắng cùng với xơ có màu đậm hơn. Thỉnh thoảng trên đồng ruộng quan sát thấy ở một số giống có dải bò, phát triển ngang trên bề mặt đất. Từ mắt của dải bò sẽ phát rễ và mọc chồi phát triển thành cây con mới.

la khoai mon

Lá chính là phần duy nhất nhìn thấy trên mặt đất, lá quyết định chiều cao của cây khoai. Lá của cây Môn, Sọ có diện tích tương đối lớn. Mỗi lá được cấu tạo bởi một cuống lá thẳng và một phiến lá.

Phiến lá của hầu hết các kiểu gen có hình khiên, gốc hình tim, có rốn ở gần giữa, là điểm nối giữa cuống và phiến lá. Phiến lá nhẵn, chiều dài có thể biến động từ 20 đến 70cm và bề rộng từ 15cm đến 70cm. Kích thước của lá chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện ngoại cảnh. Lá khoai Môn, Sọ đạt cỡ lớn nhất ở giai đoạn sắp ra hoa. Màu phiến lá biến động từ màu xanh nhạt đến tím thẫm phụ thuộc vào kiểu gen. Lá có thể chỉ một màu hoặc thêm đốm hay vệt của màu khác. Lá khoai Môn, Sọ cũng có thể bị đổi màu khi bị bệnh, đặc biệt là khi bị nhiễm virus. Trên phiến lá có 3 tia gân chính, một gân chạy thẳng từ điểm nối dọc lá với phiến lá tới đỉnh phiến lá. Hai gân còn lại chạy ngang về hai đỉnh của thuỳ lá. Từ 3 gân chính có nhiều gân nhỏ nổi phát ra tạo thành hình mắt lưới.

Cuống lá: Cuống lá ở cây khoai Môn, Sọ thường được gọi là dọc lá. Trong nhu mô của dọc lá có nhiều khoảng trông nên dọc lá khoai Môn, Sọ thường xốp. Dọc lá mập có bẹ ôm chặt ở phía gốc tạo nên thân già. Chiều dài dọc lá biến động phụ thuộc vào kiểu gen từ 25cm đến 160cm. Màu dọc lá biến động từ xanh vàng tới tím đậm, đôi khi có Sọc màu tím hoặc Xanh đậm. Dọc và lá không phải khi nào cũng cùng màu. Bẹ của dọc thường là dạng ôm có chiều dài khoảng 1/3 chiều dài của dọc. Gần lúc thu hoạch củ, dọc lá càng ngày càng ngắn lại và phiến lá cũng nhỏ đi.

Hoa, quả và hạt

Hoa của cây Môn, Sọ thuộc hoa đơn tính đồng chu, hoa đực và hoa cái cùng trên một trục. Cụm hoa có dạng bông mo, mọc từ thân củ, ngắn hơn cuống lá. Mỗi cây có thể có từ 1 cụm hoa trở lên. Cụm hoa cấu tạo bởi một cuống ngắn, một trục hoa và một bao mo. Cuống hoa có màu xanh vàng hoặc tím tuỳ thuộc vào giống. Cấu tạo của cuống hoa cũng giống cấu tạo của dọc lá. Bao mo có hai phần, phần trên có màu vàng, phần dưới màu xanh, chiều dài khoảng 20cm ôm lấy trục hoa. Trục hoa ngắn hơn mo, có 4 phần : phần hoa cái dưới cùng, tiếp đến là một phần không sinh sản, trên nữa là phần hoa đực, cuối cùng là phần phụ không sinh sản, hình nhọn. Hoa không có bao. Hoa đực màu vàng có nhị tụ nhiều cạnh, hạt phấn tròn, bao phấn nứt rãnh. Hoa cái có bầu 1 ô, vòi rất ngắn.

Quả mọng có đường kính khoảng 3 – 5cm và chứa nhiều hạt. Mỗi hạt ngoài phôi còn có nội nhũ.

Loài khoai Môn, Sọ là loài có biến dị cao. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến (Ivancic and Lebot 1999). Cho đến nay vẫn chưa thể mô tả được hết các kiểu biến dị về hình thái của nó. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà khoa học chỉ mô tả những tính trạng quan trọng nhất và ổn định về mật di truyền Cũng như các khác, ở cây khoai Môn, Sọ, các biến dị di truyền mới thường xuyên xuất hiện do kết quả của các đột biến tự nhiên và tái tổ hợp.

Phân loại

Cây khoai Môn, khoai Sọ thuộc chi Colocasia là một trong những chi quan trọng nhất trong họ ráy (Araceae). Do có lịch sử dài lâu nhân giống vô tính nên hiện nay vấn đề phân loại thực vật của chi này còn có nhiều điểm chưa rõ ràng. Các giống khoai Môn, Sọ trồng được phân loại như loài Colocasia esculenta, một loài đa hình. Các loài trong chi này được sử dụng làm nguồn lương thực, thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc. Chi Colocasia được xác định bởi Schott năm 1832 trên cơ sở hai loài đã được Linnaeus mô tả lần đầu tiên vào năm 1753 là Arum colacasiaArum esculentum (Hill, 1952). Schott cũng đã đặt lại tên của hai loài này là Colocasia esculentaColocasia antiquorum. Hiện nay trong nghiên cứu phân loại chí Colocasia vẫn còn nhiều tranh cãi chưa ngã ngũ. Một số nhà phân loại thực vật học cho rằng có một loài đa hình là C. esculenta và ở mức độ dưới loài biết đến có C. esculenta var. esculentaC. esculenta var. antiquorum (Ghani.1984), Một số khác lại cho rằng chi Colocasia có một loài đa hình là C. antiquorum và ở mức độ dưới loài là C. antiquorum var. ty pica, C.antiquorum var. euchlora, C. autiquorum var. esculenta… (Kumazawa et al.1956). Tuy nhiên có trường phái lại cho rằng, chắc chắn có hai loài C. esculentaC. antiquorum được phân biệt dựa vào những đặc điểm hình thái hoa (Purseglove 1972). Theo quan điểm này thì loài Colocasia esculenta có phần phụ vô tính ở đỉnh bông mo thò ra khỏi mo hoa, ngắn hơn cụm hoa đực. Còn loài Colocasia antiquorum có phần phụ vô tính ở đỉnh bông mo không thò ra khỏi mo hoa, dài hơn cụm hoa đực.

Hiện nay, trên thế giới có vô số các giống Môn, Sọ với nhiều biến dạng thực vật. Tuy nhiên, hầu hết các giống đều thuộc vào 2 nhóm chính:

– Loài phụ C. esculenta (L.) Schott var. esculenta dược mô tả chính xác là cây có một củ cái chính to hình trụ và rất ít củ con, thường được gọi là dạng dasheen. Theo phân loại dưới loài cho thấy có hai nhóm cây là nhóm khoai nước (chịu ngập úng) và nhóm khoai Môn (sử dụng củ cái và trồng trên đất cao). Hai nhóm này sử dụng củ cái để ăn, củ con để làm giống và dọc lá dùng để chăn nuôi. Hoa có phần phụ vô tính ngắn hơn so với phần cụm hoa đực. Hầu hết các giống thuộc loài phụ này đều có bộ nhiễm sắc thể 2n- 28, thường được gọi là dạng nhị bội hay lưỡng bội.

– Loài phụ C. esculenta (L,) Schott var. antiquorum được phân biệt là có một củ cái nhỏ hình cầu với nhiều củ con có kích thước to mọc ra từ củ cái, thường được gọi là dạng eddoe. Thuộc loài phụ này chủ yếu là nhóm cây khoai Sọ. Nhóm khoai Sọ phân bố rộng có thể trồng trên đất ruộng lúa nước hoặc trên đất phẳng có tưới, thậm chí trên đất dốc sử dụng nước trời. Hoa có phần phụ vô tính dài hơn phần cụm hoa đực. Hầu hết các giống thuộc loài phụ này đểu có bộ nhiễm sắc thể 2n = 42, thường được gọi là dạng tam bội.

Ngoài ra còn một nhóm trung gian mang nhiều đặc tính trung gian giữa 2 nhóm kể trên.

Chính vì vậy theo chúng tôi nên gọi nhóm cây Môn, Sọ là chính xác nhất, kể cả khi cho rằng có một loài đa hình là C. antiquorum và ở mức độ dưới loài là C. antiquorum var. tvpica, C.antiquorum var. euchloraC. autiquorum var. esculenta.

Hiện nay có hàng nghìn giống khoai Môn, Sọ đang được trồng trên toàn thế giới. Các giống được phân biệt chủ yếu nhờ vào các đặc điểm của củ cái, củ con hoặc các đặc điểm của chổi hoặc trên cơ sở các đặc điểm nông học hoặc chất lượng ăn nấu.

0