23/05/2018, 15:49

Kiểng Xương Rồng Bát Tiên

Viết về kiểng Xương rồng, nếu không viết về kiểng Xương rồng Bát Tiên, e rằng thiếu sót. Xương rồng Bát Tiên là giống kiểng mới được du nhập vào nước ta khoảng bốn năm năm nay, và đang là mặt hàng được giới chơi hoa kiểng trong nước nhiệt liệt hâm mộ, do cây kiểng vừa có dáng lạ lại vừa sai ...

Viết về kiểng Xương rồng, nếu không viết về kiểng Xương rồng Bát Tiên, e rằng thiếu sót.

Xương rồng Bát Tiên là giống kiểng mới được du nhập vào nước ta khoảng bốn năm năm nay, và đang là mặt hàng được giới chơi hoa kiểng trong nước nhiệt liệt hâm mộ, do cây kiểng vừa có dáng lạ lại vừa sai hoa, và hoa lại nhiều màu, lâu tàn … Trong vườn mà có sự hiện diện của năm ba chậu Xương rồng Bát Tiên thì suốt năm cơ hồ không thiếu hoa tươi để ngắm. Xương rồng Bát Tiên có xuất xứ từ MadagascarXương rồng Bát Tiên có xuất xứ từ Madagascar

Xương rồng Bát Tiên có xuất xứ từ Madagascar (Châu Phi) . Tuy gọi là Xương rồng nhưng giống này lại không thuộc họ Xương rồng (Cactaceae) mà là thuộc họ Euphobiaceae.

Nguyên thủy là giống cây mọc hoang dại, ít ai chịu trồng vì toàn thân cây có nhiều gai nhọn mọc lởm chởm, nếu lỡ bị đâm vào da thịt sẽ rất đau nhức. Nhưng vì nhận thấy đây là giống cây lạ, thân từa tựa như cây Xương rồng, Xương rắn, mà ra hoa lại có màu sắc đẹp, nên nhiều người mới đem về trồng làm kiểng. Từ đó “tiếng lành đồn xa” nhiều nước mới du nhập về trồng.

Thật ra, giống nguyên thủy rất ít hoa, mặc dầu hoa đẹp. Mỗi chùm hoa chỉ có từ 2 đến 4 hoa nhỏ mà thôi. Có điều hoa cũng lâu tàn nên nhiều người đều thích.

Giống Xương rồng Bát Tiên nguyên thủy này hơn nửa thế kỷ trước Việt Nam mình cũng có, cũng được trồng trong vườn kiểng, nhưng số lượng hiếm hoi, vì chỉ ít nhà trồng. Thân cây chỉ bằng ngón tay cái, nhiều gai mà còn thấp độ vài ba mươi phân thì cây mọc thẳng, nhưng khi vươn cao bốn, năm tấc thì thân dễ ngã đổ. Người mình gọi là cây Xương rắn, có nơi gọi là Xương rồng Tàu.

Giống Xương rồng Bát Tiên mà chúng ta nhập từ Thái Lan về ngày nay chính là cây Xương Rắn kể trên lai tạo ra, và cái công đầu trong việc lai tạo khéo léo và thành công đáng khen này chúng tôi nghĩ rằng chính do bản tay khéo léo và bộ óc sáng tạo của các nhà Thực Vật học Trung Quốc, sau đó mới đến người Thái Lan (?)…

Ngay cái tên mỹ miều và có vẽ trang trọng “Bát Tiên” cùng nói lên được điều đó. Bát Tiên là tên tám vị Tiên mà người Trung Hoa xưa nay rất trọng vọng, coi như tám vị Thánh, vị Thần thiêng liêng nhất, và có đại công đức giúp đỡ cho sự an sinh thịnh vượng của dân chúng. Tuy không thờ phượng nhưng mỗi khi nhắc đến tên tám Vị Tiên này, bất cứ người Trung Hoa nào cũng tỏ sự kính trọng và biết ơn. Tám vị Tiên đó là: Chung Ly Quyền, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quảy, Tào Quốc Cựu, Lữ Động Tân, Lâm Thái Hoà và Hà Tiên Cô.

Nhưng tại sao người ta lại đặt tên cho cây kiểng lai này với tên Xương rồng Bát Tiên?

Lý do là giống mới lai tạo có nhiều chùm hoa, mà mỗi chùm như vậy lại nảy ra được đến 8 hoa với màu sắc đa dạng và tươi đẹp. Vì vậy gán cho cái tên Bát Tiên cho giống hoa này quả là quá hợp, không có gì gọi là cường điệu.

Có lẽ do tên gọi là Bát Tiên, một phần nửa do cây kiểng này lại sai hoa, vừa ra hoa tứ mùa, hoa lại lâu tàn, nên nhiều nước ở phương Đông nói chung, càng ngày càng có đông đảo người trồng Xương rồng Bát Tiên, với niềm tin là hoa này sẽ đem đến sự vui tươi, niềm hạnh phúc và sự thịnh vượng cho mọi người, mọi nhà. Bát Tiên Tiên NữBát Tiên Tiên Nữ

Cũng xin được lưu ý quí vị, cây Xương rồng Bát Tiên hiện đã được tiếp tục lai tạo ra thêm nhiều giống mới nữa, mỗi chùm không những chỉ có tám hoa mà nhiều hoa hơn. Mỗi giống đều được mang một tên riêng, nghe rất hấp dẫn như: Bát Tiên Tiên Nữ, Bát Tiên Kim Cương, Bát Tiên Phát Tài, Bát Tiên Ngọc Thạch … Nhưng dù mang tên gì đi nữa, cái tên gốc của giống kiểng này vẫn là Bát Tiên…

0