18/06/2018, 16:00

Chính sách của Mỹ đối với các cường quốc Châu Âu trong việc mở rộng lãnh thổ (1787 – 1861)

Lê Thành Nam Trích Luận án Tiến sĩ lịch sử 1. Chính sách của Mỹ đối với Pháp ở lãnh thổ Louisiana Louisiana là vùng lãnh thổ rộng lớn, được giới hạn từ phía tây sông Mississippi đến dãy núi Rocky, phía bắc giáp Canada, phía nam chạy đến vịnh Mexico, có hải cảng New ...

american territory expand 1787 – 1861

Lê Thành Nam

Trích Luận án Tiến sĩ lịch sử

1. Chính sách của Mỹ đối với Pháp ở lãnh thổ Louisiana

Louisiana là vùng lãnh thổ rộng lớn, được giới hạn từ phía tây sông Mississippi đến dãy núi Rocky, phía bắc giáp Canada, phía nam chạy đến vịnh Mexico, có hải cảng New Orleans, điểm “yết hầu” cho việc vận chuyển sản phẩm, hàng hóa của miền Tây bằng đường thủy từ vùng thung lũng sông Ohio và Mississippi đến các tiểu bang miền Đông nước Mỹ.

Trong quá trình xâm chiếm lục địa Bắc Mỹ của thực dân châu Âu kể từ thế kỷ XVI, Louisiana đã nhiều lần thay đổi chủ. Đầu tiên Louisiana là khu vực chiếm đóng của Pháp. Do thất bại trong cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756- 1763) với Anh, Pháp phải chấp nhận ký hiệp ước Paris (1763), trong đó Anh buộc Pháp chuyển nhượng Louisiana cho Tây Ban Nha. Bắt đầu từ thời điểm này, Louisiana nằm dưới sự cai quản của Vương triều Madrid.

Kể từ khi để Louisiana rơi vào vòng kiểm soát của Tây Ban Nha, chính giới Pháp vẫn nuôi hy vọng giành lại lãnh thổ đã mất. Cụ thể là, trong thời gian đảm nhiệm cương vị công sứ Pháp tại Mỹ (1787 – 1789), Eléanore Francois Élie Moustier gửi tập tài liệu có độ dài 330 trang lên Cơ quan đối ngoại triều đình Verssaille, phác thảo những giá trị lợi nhuận dành cho nước Pháp một khi tái chiếm vùng đất này. Tập tài liệu này chỉ rõ Louisiana, tuy ít giá trị đối với Tây Ban Nha song đáp ứng một cách hữu ích đối với Pháp bằng việc cung cấp cho các “quần đảo đường” thuộc Pháp (quần đảo Antilles –TG) nguồn thực phẩm và gỗ, những thứ mà tại thời điểm này phải nhập khẩu từ Mỹ [111, tr. 89]. Sau đó, năm 1790, Công sứ đầu tiên của nước Pháp cách mạng đến Mỹ, Edmund Genet, lôi kéo một binh đoàn cư dân Mỹ vùng biên cương xuôi dòng sông Mississippi, tấn công tập hậu vào lãnh thổ Louisiana, chiếm New Orleans của Tây Ban Nha, lúc bấy giờ là kẻ thù của Pháp, song ý định này bất thành. Dưới thời Đốc chính (1794 – 1799), Tổng trưởng Ngoại giao Pháp, Talleyrand, cũng nhận thấy Louisiana là lãnh thổ có giá trị chiến lược, là “vựa lúa tương lai” cung cấp lương thực cho các thuộc địa Pháp ở vùng biển Caribbean. Mặt khác, do lo sợ trước sự bành trướng mạnh mẽ của cư dân Mỹ sinh sống ở vùng biên cương, nơi giáp ranh với Louisiana, nên Talleyrand muốn thúc ép vương triều Madrid nhượng lại Louisiana cho Pháp.

Dưới nhãn quan của Talleyrand, trong trường hợp “Tây Ban Nha nhượng cho Pháp lãnh thổ Louisiana và Floridas thì sức mạnh của Pháp sẽ là bức tường bằng đồng thau vĩnh cửu không thể đâm thủng trước những nỗ lực kết hợp của Anh và Mỹ” [111, tr. 89]; đồng thời các thuộc địa của Tây Ban Nha ở khu vực này, trước hết là Mexico và California sẽ được giữ vững. Do vậy, Talleyrand nhiều lần chỉ thị cho công sứ Pháp ở Madrid thuyết phục chính giới Tây Ban Nha chấp nhận quan điểm nói trên.

Trong khi đó, kể từ năm 1795 trở đi, vương triều Madrid nhận thấy Louisiana là “lãnh thổ không an toàn và mang lại giá trị lợi nhuận thấp” [111, tr. 89]. Lãnh thổ này luôn nằm trong tình trạng lộn xộn, được bảo vệ bởi hệ thống thành lũy kém kiên cố và đại bác lạc hậu. Hơn nữa, giá trị quản lý lãnh thổ Louisiana luôn bội chi. Theo ước tính năm 1797, số tiền mà Tây Ban Nha dành cho việc quản lý nó là 795.000 $, trong khi đó nguồn thu nhập ở đây chỉ đạt 257.000 $ [111, tr. 89]. Khó khăn trong việc phòng thủ và tốn kém trong quản lý khiến cho Louisiana trở thành gánh nặng đối với vương triều Madrid. Điều này được tổng trưởng Ngoại giao vương quốc Tây Ban Nha, Urquijo, thừa nhận: “Đối với Tây Ban Nha, Louisiana làm tiêu tốn của chúng ta hơn giá trị đích thực của nó” [83, tr. 69].

Nắm bắt được sự suy yếu trong việc cai quản Louisiana, đồng thời lợi dụng bản chất nhu nhược của Vương triều Madrid, ngay sau khi lên cầm quyền thông qua cuộc đảo chính tháng Sương mù (9-11-1799), Napoleon Bonaparte ép buộc chính phủ Tây Ban Nha kí hiệp ước bí mật San Ildefonso vào ngày 1-10-1800. Bản hiệp ước “cho phép Pháp khôi phục lại quyền kiểm soát Louisiana mà quốc gia này bị mất vào tay Tây Ban Nha năm 1763” [59, tr. 249], song Tây Ban Nha vẫn giữ được quyền kiểm soát con sông Mississippi và hải cảng New Orleans 

Chiếm đóng trở lại Louisiana trong ý đồ của Napoléon là muốn biến vùng đất này thành một đế quốc thuộc địa rộng lớn tại Tây bán cầu, nhằm ngăn chặn sự phát triển nền thương mại của tất cả các đô thị bờ đông nước Mỹ, tạo ra một “vành đai” cản trở sự mở rộng lãnh thổ của cư dân vùng biên cương sang phía tây, mặt khác chặn đứng sự bành trướng của thế lực Anh ở khu vực này.

Trên thực tế, để chuẩn bị chiếm đóng trở lại lãnh thổ Louisisana, tháng 11-1801, Napoleon Bonaparte phái tướng Charles Leclerc thực hiện cuộc viễn chinh quân sự nhằm dập tắt cuộc khởi nghĩa nô lệ da đen do Toussaint L’Ouverture – thủ lĩnh được coi là “Napoleon của quần đảo Antilles”, lãnh đạo ở Santo Domingo 14, một hòn đảo vốn trước đây là thuộc địa của Pháp ở vùng biển Caribbean, “cửa ngõ” đi vào Tân thế giới. Tiếp đến, để viện binh cho Santo Domingo và chiếm đóng New Orleans, vào thu đông 1802-1803, Napoleon Bonaparte huy động một đội quân tinh nhuệ đóng quân ở hải cảng Helvoet Sluys, gần Rotterdam (Hà Lan) do tướng Claude Victor làm tổng tư lệnh, chờ động binh.

Về phía nước Mỹ, thực hiện Sắc lệnh Tây Bắc (1787), cư dân vùng biên cương đã vượt dãy Appalachians sang định cư dọc theo thung lũng Mississippi. Theo dòng thời gian, số lượng người Mỹ định cư ở đây ngày càng tăng. Chỉ trong vòng 10 năm, số lượng cư dân Mỹ ở các tiểu bang, như sau: ở Georgia tăng từ 82.548 người (1790) lên 161.414 người (1800); ở Kentucky với các con số tương ứng là 73.677 và 220.995; ở Tennessee là 35.691 và 105.602. Riêng ở tiểu bang Ohio là 45.365 (1800) [89, tr. 101]. Những người định cư chủ yếu sử dụng đường thủy. Hàng năm có trên 150 thuyền buôn quốc tịch Mỹ xuôi ngược dòng sông Mississippi vận chuyển hơn 20.000 tấn hàng hóa như: bột mì, bông vải, đường, quặng sắt, thừng chảo, chì, thuốc lá và lông thú. Chỉ riêng năm 1801, giá trị hàng hóa luân chuyển trên sông Mississippi ước tính 1.095.412 $. New Orleans dần trở thành địa điểm xuất nhập khẩu hàng hóa đi khắp mọi nơi trên thế giới. Thời gian sau đó, theo sử gia Mỹ -Arthur P. Whitaker, cư dân nước Mỹ dần hình thành về “tư tưởng
Mississippi” [130, tr. 150].

Những tin tức về việc chính giới Pháp đang vận động Tây Ban Nha chuyển nhượng lãnh thổ Louisiana đã tác động đến nước Mỹ trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1796 giữa các đảng phái diễn ra hết sức quyết liệt. Các nghị sĩ thuộc đảng Liên bang nhanh chóng lợi dụng tin tức này buộc tội các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đang câu kết với nước Pháp không chỉ để giành lấy Louisiana mà còn có ý định chia cắt lãnh thổ Liên bang thành nhiều quốc gia nhỏ. Ngoại trưởng Timothy Pickering, diễn tả quan điểm của phái Liên bang như sau: “Chúng ta nhận được thông tin rằng chính phủ Pháp dự định tái chiếm Louisiana, theo phỏng đoán rằng trong các cuộc đàm phán với Tây Ban Nha về việc nhượng Louisiana Floridas 15 có thể đạt được sự nhất trí. Các bạn sẽ thấy tất cả mối nguy từ sự kiện này. Tây Ban Nha vẫn chắc chắn là người hàng xóm an toàn, trầm lắng và hữu ích” [83, tr. 68] hơn so với nước Pháp.

Nỗi lo lắng của T. Pickering nhanh chóng trở thành hiện thực. Một thời gian ngắn sau khi nhậm chức tổng thống, tháng 11-1801, Thomas Jefferson thông qua Công sứ Mỹ ở London, Rufus King, nhận được tin tức về bản hiệp ước San Ildefonso. Mặc dù có tư tưởng thân Pháp, song T. Jefferson vẫn cảnh báo sự lo ngại về số phận đồng bằng Mississippi. Ông viết: “Có lý do đáng xem xét để lo ngại rằng việc Tây Ban Nha nhượng Louisiana và Floridas cho Pháp. Đó là chính sách không tốt lành cho cả hai bên (Tây Ban Nha và Pháp – TG), báo hiệu điềm xấu đối với chúng ta” [83, tr. 70]. Bởi dưới quan điểm của T. Jefferson, “Pháp không chỉ là một nước có sức mạnh kinh khủng mà còn có Napoleon, một con người đầy tham vọng bành trướng” [78, tr. 40]. Là một người từng trải trên chính trường, T. Jefferson nhận định rằng: “Chỉ cần có một cường quốc châu Âu khống chế cửa sông Mississippi, thì nước Mỹ có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh châu Âu” [28, tr. 46].

Phản ứng đầu tiên của chính giới Mỹ trước việc Pháp dự định tái chiếm Louisiana và New Orleans, trong công hàm gửi Robert Livingston (18-4- 1802), Công sứ Mỹ ở Paris, người đứng đầu cơ quan hành pháp Mỹ cho rằng:

“Trên quả địa cầu, có điểm duy nhất mà người sở hữu nó là kẻ thù tự nhiên và quen thuộc của chúng ta. Đó là New Orleans, nơi mà 3/8 sản phẩm trên toàn lãnh thổ chúng ta phải thông qua để ra thị trường, và từ sự màu mỡ của nó, New Orleans sẽ mang lại cho chúng ta hơn một nửa sản phẩm trên cả nước và là nơi cư ngụ hơn một nửa dân số chúng ta…[Do đó], ngày mà nước Pháp chiếm giữ New Orleans… từ tình thế này chúng ta (nước Mỹ) phải liên minh hạm đội Anh và dân tộc Anh” [77,tr. 189].

Đồng thời với việc gửi công hàm cho công sứ Mỹ, ngày 25-4-1802, T. Jefferson còn gửi một lá thư riêng đến Pierre Samuel du Pont de Nemours, một chính khách Pháp với tư tưởng tiến bộ, nhờ nhân vật này thuyết phục giới cầm quyền Pháp mà trước hết là Napoleon, từ bỏ ý định tái chiếm Louisiana.

Bức thư viết:

“Tôi công khai với bạn, tôi tin rằng bạn sẽ có bức thư này, trong giới hạn quyền lực của bạn để áp đặt chính phủ đó (Pháp) xem xét, trong phạm vi chống lại việc sở hữu Louisiana là không trở thành hiện thực…. Việc Pháp sở hữu Louisiana không tạo ra thêm bất cứ thứ gì, mà chỉ là một đối trọng bù lấp vào khoảng trống trong việc giải quyết vấn đề một cách thông thường – vết đốm nhỏ (tức việc nước Pháp chiếm Louisiana – TG) bây giờ xuất hiện như là một điểm vô hình cuối đường chân trời, là sự phôi thai của một cơn bão mà sẽ tàn phá các quốc gia nằm hai bên bờ Đại Tây Dương và kéo theo nhiều tác động đối với vận mệnh của các quốc gia này. Tuy nhiên, điều này có thể tránh được là bằng lời khẩn nguyện chân thành của tôi; và trong trường hợp bạn sử dụng các biện pháp nhằm thông báo đến sự từng trải […] của Napoleon về tất cả hậu quả của nó, bạn sẽ có công lớn đối với hai dân tộc. Hòa bình và tách khỏi sự can thiệp của châu Âu là mục tiêu của chúng tôi và sẽ tiếp tục trong khi trật tự hiện tại ở châu Mỹ vẫn còn chưa bị xáo động” [89, tr. 103].

Đồng thời với các sự kiện nêu trên, dưới sự ủy nhiệm của người đứng đầu Nhà Trắng, ngày 1-5-1802, Ngoại trưởng Mỹ, James Madison, chỉ thị cho Robert Livingston thăm dò chính giới Pháp về khả năng mua New Orleans và Floridas.

Thời gian trôi đi, những động thái của Pháp trong việc chiếm lại Louisiana trở nên rõ ràng hơn. Ngày 16-10-1802, tức một ngày trước khi hoàng đế Charles IV ban hành chiếu chỉ cuối cùng về việc chuyển giao chính thức Louisiana cho nước Pháp, dưới sức ép của Napoleon, toàn quyền Tây Ban Nha ở New Orleans, Morales, ra lệnh thủ tiêu “quyền kí gửi” – một đặc quyền cho phép cư dân Mỹ lưu giữ hàng hóa ở hải cảng New Orleans để chờ thương thuyền vận chuyển ra nước ngoài. Đối với Mỹ, hành động này là trái với các điều khoản mà Chính phủ hoàng gia Tây Ban Nha đã kí với Mỹ trong Hiệp ước Pinckney (1795) 16. Theo suy tính của cư dân miền Tây nước Mỹ, một khi Napoleon hoàn thành việc chiếm đóng Louisiana thì sẽ “đóng cửa” dòng sông Mississippi. Điều này được xem là một đòn giáng mạnh vào lợi ích kinh tế Mỹ, trước hết là cư dân miền Tây và gây ra những phản ứng dữ dội.

Một cư dân tiểu bang Kentucky bày tỏ thái độ giận dữ rằng: “Toàn thể dân chúng Kentucky mong ước có cơ hội đánh chiếm New Orleans và ngày đó sẽ không xa” [64, tr. 103]. Một người Anh đương thời, bình luận về sự kiện này như sau: “Hiếm có sự kiện nào kể từ sau cách mạng mà kích động sự chống đối mãnh liệt của cư dân Mỹ như sắc lệnh này” [83, tr. 71].

Sự giận dữ của công luận Mỹ lan nhanh đến Quốc hội Liên bang. Tại đây, các nghị sĩ thuộc các tiểu bang miền Tây nhận thức rõ vai trò và sự cần thiết phải hành động của họ trước “sự kiện New Orleans”. Trong khi đó, các nghị sĩ thuộc đảng Liên bang tận dụng “sự kiện này” như là cơ hội đóng vai trò người bảo vệ quyền lợi cư dân miền Tây nhằm tranh thủ số phiếu của họ để tranh đoạt quyền lực với đảng Cộng hòa. Alexander Halmilton, người đứng đầu đảng Liên bang, cho rằng chính quyền nên chiếm giữ New Orleans và Floridas, sau đó mới đàm phán với Pháp [111, tr. 93]. Đảng Liên bang còn kích động Quốc hội thông qua đạo luật cung cấp ngân quỹ 5.000.000 $ và huy động 50.000 dân quân du kích để chiếm giữ New Orleans, đuổi người Tây Ban Nha, Pháp và tất cả người ngoại quốc, rời khỏi biên giới nước Mỹ [89, tr. 106].

Chính quyền thuộc đảng Cộng hòa do Tổng thống T. Jefferson đứng đầu, đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan. Vấn đề đặt ra là, nếu T. Jefferson không hành động ngay lập tức và có những bước đi hiệu quả nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của cư dân miền Tây thì sẽ dẫn đến tình trạng sụp đổ Liên bang hoặc nếu Jefferson sử dụng biện pháp bạo lực, tức tiến hành chiến tranh với ngoại quốc thì điều này dẫn đến thảm họa đối với đất nước, trái với ước muốn của Tổng thống.

Để trấn an dư luận trong nước, ngày 11-1-1803, T. Jefferson gửi đến Thượng viện bản dự luật đề cử James Monroe với tư cách đại diện ngoại giao đặc biệt của chính phủ Mỹ đến Paris nhằm mục đích “mở rộng và giành lấy tính hiệu quả hơn cho quyền và lợi ích của Mỹ ở dòng sông Mississippi và những vùng lãnh thổ bờ Đông”. Ngay lập tức, Thượng viện nhanh chóng phê chuẩn yêu cầu của Tổng thống và Ủy ban Hạ viện thông qua khoản ngân sách 2.000.000 $ dành cho việc đàm phán. Dưới nhãn quan của hai viện này: “Việc giành lấy New Orleans và Floridas sẽ không chỉ tạo thuận lợi đối với nước Mỹ mà còn được xem là nhu cầu cần thiết khẩn cấp của cư dân nước Mỹ…

Chúng ta mong muốn được sử dụng tự do con sông Mississippi, Mobile, Apalachicola và các dòng sông khác ở miền Tây, bằng chính bản thân và sự thịnh vượng của chúng ta, New Orleans và Floridas phải trở thành một phần của nước Mỹ, cả bằng con đường mua bán hoặc chinh phục” [111, tr. 94]. 

Trong các chỉ thị đối với J. Monroe, Tổng thống T. Jefferson dự tính những “kịch bản” mà phái đoàn Mỹ có thể vấp phải trong quá trình đàm phán về lãnh thổ Louisiana. Thứ nhất, nếu Napoleon sẵn sàng bán New Orleans và Floridas thì J. Monroe và R. Livingston được ủy quyền đề nghị với mức giá 10.000.000 $; thứ hai, nếu nước Pháp từ chối bán bất cứ vùng lãnh thổ nào thì các đại diện Mỹ phải dùng mọi biện pháp có thể nhằm thuyết phục chính giới Pháp cải thiện “quyền kí gửi” hàng hóa cho cư dân Mỹ ở hải cảng New Orleans, điều này vốn được đảm bảo bằng Hiệp ước Pinckney (1795); thứ ba, nếu nước Pháp có động thái thù địch chống lại Mỹ hoặc đóng cửa dòng sông Mississippi đối với nền thương mại Mỹ thì họ được quyền vượt biển Manche tới London mời nước Anh tham gia liên minh với Mỹ.

Trong khi đó, tại Paris, trước khi J. Monroe đến, R. Livingston đã tiến hành đàm phán với đại diện ngoại giao Pháp một thời gian, Công sứ Mỹ đề xuất mua New Orleans và Floridas với giá 10.000.000 $, còn với Louisiana thì không quá 25.000.000 $ [78, tr. 41], nhưng không đem lại kết quả. 

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó tình hình châu Âu đã có những thay đổi, Anh kí với Pháp Hòa ước Amiens (3-1802), hòa bình lập lại ở châu Âu, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Bởi theo hòa ước này, Pháp chiếm Bỉ và Hà Lan. Sự chiếm đóng của Pháp tại đây được ví như “một khẩu súng lục chĩa vào trái tim nước Anh” [41, tr. 33]. Mâu thuẫn giữa Anh và Pháp không hề giảm đi mà trái lại ngày càng gia tăng. Theo suy tính của Napoleon, chiến tranh giữa Anh và Pháp sẽ xảy ra là điều không tránh khỏi 17 và khi chiến tranh diễn ra, khả năng nước Mỹ sẽ đứng về phía Anh chống lại Pháp. Cùng với đó, tình hình chiến trường diễn ra trái với mong muốn của Napoleon. Tại châu Mỹ, “cuộc khởi nghĩa của những người nô lệ da đen ở Santo Domingo đã làm tan vỡ giấc mơ của Napoleon. Bệnh sốt vàng da và những cuộc tấn công của nghĩa quân đã dẫn đến sự thất bại thảm hại của đội quân Napoleon gửi đến đàn áp cuộc khởi nghĩa” [78, tr. 41]; tại châu Âu, đạo quân do tướng Claude Victor thống lĩnh không thể động binh để giải vây cho đội quân Charles Leclerc ở “chiến trường Caribbean” do tình trạng đóng băng xảy ra tại các hải cảng Hà Lan.

Trước tình thế trên đây, Napoleon quyết định một cách bất ngờ rút khỏi vùng đất Louisiana, nhưng không nhường lại cho Tây Ban Nha như hiệp ước đã kí kết vào tháng 10-1800 giữa hai nước 18, mà quyết định bán vùng đất này cho Mỹ, dẫu rằng trong cách nhìn của Napoleon, Louisiana là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, một “vựa lúa” cung cấp cho quân đội Pháp tại châu Mỹ. Chính Napoleon đã nói rõ ý đồ này trước bề tôi của mình: “Ta biết giá trị đích thực vùng đất (Louisiana) mà ta bán và cảm thấy hối tiếc vì phải từ bỏ nó. Nhưng ta không có đủ thực lực để nắm giữ nó. Nước Anh sẽ chiếm lấy vùng đất này. Hãy bán toàn bộ vùng Louisiana. Thực hiện công việc này ngay lập tức” [93, tr. 326].

Đối với Napoleon Bonaparte, việc bán vùng đất Louisiana cho Mỹ nhằm các mục đích sau: thứ nhất, tách Mỹ ra khỏi Anh và kết thân với Mỹ để tập trung đánh Anh; thứ hai, thu được một khoản tiền lớn để bổ sung vào ngân khố quốc gia nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh với nước Anh sắp tới; thứ ba, tăng thêm sức mạnh cho Mỹ nhằm tạo ra cho nước Anh một đối thủ cạnh tranh mặt biển trong tương lai mà sớm muộn sẽ hạ thấp uy thế của đế quốc Anh; thứ tư, sự gia nhập của Louisiana, cuối cùng sẽ gây nên sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ.

Nắm bắt được ý định của Napoleon, ngày 11-4-1803, R. Livingston gặp Talleyrand, Tổng trưởng Ngoại giao Pháp. Khi R. Livingston chuẩn bị đề xuất ý định mua New Orleans và Louisiana như lần trước, thì Talleyrand hỏi ngay: 

“Đối với toàn bộ Louisiana, các ông muốn trả bao nhiêu tiền ?” [28, tr.46]. Động thái đó thực sự làm cho đại diện ngoại giao Mỹ hết sức bất ngờ. Cuộc đàm phán “Thương vụ Louisiana” tiếp tục và nhanh chóng đi đến kết quả. Ngày 30-4-1803, tại Paris, đại diện chính quyền Mỹ – J. Monroe và R. Livingston kí với chính phủ Pháp một bản thương ước về “vấn đề Louisiana”. 

Theo thương ước này, Pháp bán Louisiana cho Mỹ với giá 15.000.000 $. Ngoài khoản tiền nước Pháp nhận từ Mỹ, thương ước còn ghi rõ:

“… Cư dân định cư trong lãnh thổ Louisiana sẽ trở thành công dân Mỹ và được thừa nhận theo quy chế Hiến pháp liên bang nhằm thỏa mãn các quyền lợi, cơ hội và được bảo vệ như công dân Mỹ; họ cũng được duy trì và được bảo vệ quyền tự do, tài sản và tín ngưỡng” (Điều 3) …“Ngay sau khi thương ước có hiệu lực, Cộng hòa Pháp sẽ rút bỏ các đồn bốt quân sự tại New Orleans và các vùng đất khác nằm trong phạm vi Louisiana mà Tổng tài (Pháp) tuyên bố sở hữu (Điều 5) …” [70, tr.19-20].

Với thương ước trên, giấc mơ thiết lập một đế chế Pháp của Napoleon ở Bắc Mỹ bị sụp đổ. Pháp mất đi địa bàn chiến lược quan trọng ở Tây bán cầu và nguồn cung cấp lương thực quan trọng từ vùng đất trù phú này. Talleyrand phải chua chát thừa nhận: “Nước Mỹ tạo nên một thương vụ quý tộc. Tôi nghĩ rằng, nước Mỹ hưởng được nhiều đắc lợi trong thương vụ này” [78, tr. 42].

Sở hữu được vùng đất Louisiana, nước Mỹ đã gạt bỏ chướng ngại của phong trào Tây tiến. Con sông Mississippi, “Cha của các dòng sông”, hoàn toàn trở thành con sông nội địa của Mỹ, đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho đất nước phát triển. Các vấn đề quyền hàng hải, quyền gửi kho v.v… lâu nay gặp nhiều rắc rối cũng được giải quyết nhanh chóng. Ngoài ra, do ranh giới của Louisiana không rõ ràng đã giúp cho Mỹ có cơ sở để giải thích một cách tùy tiện về biên giới của họ trong việc bành trướng về phía Tây. Andrew H. Berding cho rằng: “Đây là bước tiến quan trọng trong việc mở rộng tân quốc gia và có tính chất chiến lược vì đã ngăn chặn quyền hành chính trị của Âu châu trỗi dậy tại miền Tây nước Mỹ” [67, tr. 52].

“Thương vụ Louisiana”, mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nghị sĩ Liên bang, vì dưới quan điểm của họ, hành động mua bán lãnh thổ của Tổng thống là vi hiến song T. Jefferson lập luận rằng: “Quyền mua bán lãnh thổ là nội dung đã được đề cập một cách tự nhiên trong quyền lập hiệp ước” và “lương tri của đất nước chúng ta (Mỹ – TG) sẽ xóa đi tội lỗi từ một lập luận thiếu chặt chẽ nếu như lập luận ấy đưa lại những kết quả mỹ mãn”[25, tr. 91]. Điều quan trọng trên hết đối với T. Jefferson là xuất phát từ lợi ích của dân tộc, bởi: “Lãnh thổ có được, bao gồm vùng sông Missouri và Mississippi, làm tăng gấp đôi diện tích đất nước; một lãnh thổ hiện ra với đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành, sản phẩm nông nghiệp trù phú và thông tin liên lạc quan trọng” [95, tr. 317].

“Thương vụ Louisiana” được xem như là mốc mở đầu quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Tây của nước Mỹ. Tầm vóc của nó trong tiến trình lịch sử Mỹ thật lớn lao. Khi nước Mỹ nắm giữ được Louisiana thì trục Đông – Tây chiếm ưu thế so với trục Bắc – Nam.

“Thương vụ Louisiana” đã đẩy mạnh quá trình “Tây tiến” trong lịch sử nước Mỹ. Đến nửa thế kỷ XIX, bằng nhiều con đường khác nhau, cương giới lãnh thổ Mỹ kéo dài đến bờ biển Thái Bình Dương. Về ý nghĩa này, sử gia Bemiss cho rằng: “Tầm quan trọng của nó đối với nước Mỹ, đánh giá như thế nào vẫn còn thấp, … nó cho đất nước này một trong những kho lương thực, nhiên liệu và động lực dồi dào bậc nhất thế giới … Louisiana đã trở thành một hành lang để nước Mỹ mở rộng sang Floridas, Texas, New Mexico, California, Oregon và Alaska” [28, tr. 48].

Như vậy, khoảng một phần tư thế kỷ sau khi lập quốc, các nhà lãnh đạo Mỹ đã lập nên kỳ tích trong chính sách ngoại giao “mở nước”. Điều đáng chú ý là đường lối ngoại giao “mở nước” của Mỹ ở buổi đầu đã diễn ra bằng con đường hòa bình. Nước Mỹ đã tránh được một cuộc chiến tranh với Pháp về “vấn đề Louisiana”. Cha đẻ của “Thương vụ Louisiana” – Tổng thống T. Jefferson cho rằng “Thương vụ Louisiana” đã “xóa tan mọi cuộc tranh cãi với các cường quốc (châu Âu – TG) mà nước Mỹ tin rằng sẽ đẩy họ vào cuộc chiến tranh với Pháp” [95, tr. 317].

Có được những thành quả như trên là nhờ các nhà lãnh đạo Mỹ lúc bấy giờ, đứng đầu là T. Jefferson, với tầm nhìn chiến lược, đã biết “tranh thủ” những khó khăn của Pháp đang gặp phải ở cả hai lục địa Âu – Mỹ; đặc biệt là đã biết triệt để khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ các nước châu Âu, trước hết là Anh và Pháp. Chính Napoleon Bonaparte đã chua chát thú nhận: “Nước Mỹ là quốc gia may mắn, lớn mạnh nhờ sự điên cuồng của các quốc gia Âu châu chúng ta” [67, tr. 53]. Đây chính là một minh chứng cho tính thực dụng trong nền ngoại giao Mỹ và đặc điểm này tiếp tục duy trì cho đến tận ngày nay.

2. Chính sách của Mỹ đối với Tây Ban Nha ở khu vực Tây Nam và lãnh thổ Floridas

2.1. Vấn đề khu vực Tây Nam

Khu vực Tây Nam 19 của Mỹ giáp với hai vùng lãnh thổ rộng lớn mà tại thời điểm này thuộc quyền kiểm soát của Vương quốc Tây Ban Nha, Floridas ở phía Nam và Louisiana ở phía Tây qua con sông Mississippi. Khu vực này có nhiều dòng sông (Tennessee, Yazoo) đổ vào “Cha các dòng sông” trước khi chảy ra đại dương nên thuận tiện cho giao thông đường thủy. Chủ nhânđầu tiên của địa bàn này là các bộ lạc da đỏ (Chickasaws, Choctaws, Creek và Cherokee). Trong thời kỳ các thuộc địa Bắc Mỹ nằm dưới sự cai trị của đế quốc Anh, người da trắng men theo các triền sông đến đây thiết lập khu định cư. Lâu dần, số lượng người đến sinh sống ngày càng đông, đa phần là người Mỹ gốc Anh. Đến khi nước Mỹ ra đời (1783), nhiều thị trấn lần lượt mọc lên ven sông, như Nasville (ngày nay thuộc Tennessee), Boonesborough, Harrodsburg và Lexington (Kentucky).

Về phía Tây Ban Nha, chứng kiến cuộc đấu tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ, mặc dù có sự giúp đỡ về tài chính 20 song triều đình phong kiến Madrid không mấy thiện cảm trước thắng lợi của nền cộng hòa vừa mới xác lập. Bởi theo suy tính của họ, “viện trợ cho quân khởi nghĩa (các thuộc địa Bắc Mỹ – TG) giống như một mối họa và không nên ảo tưởng trông chờ vào sự trả ơn của nước cộng hòa vừa mới sinh ra này. Họ sẽ quên ơn huệ nhận được và chỉ nghĩ tới chuyện bành trướng” [42, tr. 308]. Mặt khác, sự thắng lợi của các thuộc địa Anh sẽ cổ vũ nhân dân “châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha” đứng dậy đấu tranh cởi bỏ “xiềng xích” thống trị của mẫu quốc ở Tây bán cầu.

Điều này đe dọa trực tiếp đến lợi ích thực dân của Vương triều Madrid. Xuất phát từ nguy cơ nói trên, do không phải là một bên tham gia đàm phán nên Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố không chịu sự ràng buộc bởi hiệp định giữa Anh và Mỹ (3-9-1783). Theo đó, Tây Ban Nha từ chối công nhận đường ranh giới giữa Mỹ với khu vực Tây Florida (thuộc lãnh thổ Floridas). Họ cho rằng đường ranh giới đó phải nằm tại vĩ tuyến 32028’ Bắc, nơi con sông Tennesse chảy qua, cách vĩ tuyến 310 Bắc khoảng 100 dặm về phía Bắc. Điều này xuất phát từ lý do, khi khu vực Tây Florida còn nằm dưới sự quản chế của nước Anh, đường phân giới chính thức của nó với các thuộc địa Bắc Mỹ khác nằm tại vĩ tuyến 32028’ Bắc. Nằm trong phạm vi tuyên bố có chủ quyền, Tây Ban Nha tiến hành xây dựng hàng loạt các đồn bốt quân sự ở Alabama, Mississippi và Tennesse. Từ địa bàn “đứng chân”, người Tây Ban Nha phát triển uy lực ra toàn bộ khu vực Tây Nam bằng chính sách liên minh với các bộ lạc da đỏ. Năm 1784, tại Pensacola (Floridas), triều đình Madrid ký một loạt hiệp ước riêng rẽ với từng bộ tộc Creek, Choctaw và Chickasaw. Theo đó, Vương triều Madrid trang bị khí giới và đạn dược cho người da đỏ nhằm thực hiện tấn công vào các khu định cư của người Mỹ da trắng. Thực chất, Tây Ban Nha muốn thiết lập “khu đệm” nhằm ngăn cản sự bành trướng của người Mỹ, đồng thời kiềm tỏa sức mạnh của nền cộng hòa non trẻ – nước Mỹ.

Một thực tế lịch sử cần lưu ý là cư dân miền Tây từ lâu sinh sống dựa vào việc sản xuất các mặt hàng thiết yếu (ngũ cốc, lông thú, gỗ, gia súc) cung cấp cho thị trường miền Đông và giao thương với các thuộc địa của Anh và Pháp ở vùng biển Caribbean. Việc vận chuyển thương phẩm bằng đường bộ sẽ mang lại chi phí lớn do phải vượt qua dãy núi cao Appalachians, đồng thời khiến sức lực của con người nhanh chóng kiệt quệ. Để giảm sự tốn kém, cư dân miền Tây tận dụng đường thủy, nhất là con sông Mississippi và các phụ lưu của nó, cho hoạt động vận chuyển. Con sông Mississippi dần trở thành cầu nối tự nhiên giữa người miền Tây với thế giới bên ngoài. Họ chất đầy hàng hóa lên thuyền, xuôi dòng sông đến hải cảng New Orleans. Từ đây hàng hóa được đưa sang con tàu khác để vận chuyển đến vùng duyên hải thuộc các tiểu bang miền Đông và vùng biển Caribbean. Theo Hiệp ước Paris, “việc lưu thông trên dòng sông Mississippi, từ thượng nguồn đến đại dương, sẽ mãi mãi tự do và mở ra đối với công dân Mỹ và Anh” [91, tr. 15]. Thế nhưng, như là hệ quả việc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Tây Nam, Vương triều Madrid tước đi đặc quyền vận chuyển hàng hóa trên sông Mississippi của cư dân Mỹ. Năm 1784, tức một năm sau khi Hiệp ước Paris có hiệu lực, Tây Ban Nha ra sắc lệnh “đóng cửa” hoàn toàn dòng sông. Hành động này được xem như một đòn chí tử đánh vào lợi ích kinh tế của cư dân sinh sống ven sông.

Phản ứng trước động thái trên, cư dân miền Tây phẫn nộ. Họ đòi Chính phủ tiến hành thương lượng với Tây Ban Nha. Năm 1786, chính phủ Mỹ dưới thời “Điều khoản hợp bang”, cử John Jay làm đại diện tiến hành đàm phán với Diego de Gardoqui, công sứ Tây Ban Nha tại Mỹ. Trong các cuộc đàm phán, J.Jay yêu cầu Tây Ban Nha hủy bỏ sắc lệnh nói trên, chấp nhận đường ranh giới nằm tại vĩ tuyến 310 Bắc, đồng thời rút bỏ những đồn bốt quân sự ở Tây Nam, song Gardoqui khước từ. Trong một thời gian dài, quan hệ Mỹ –Tây Ban Nha luôn trong tình trạng căng thẳng.

Do Tây Ban Nha đóng cửa dòng sông Mississippi nên hoạt động vận chuyển các sản phẩm, nhất là ngũ cốc, của cư dân miền Tây ra bên ngoài bị đình trệ. Họ không thể vươn đến những thị trường xa hơn nên lợi nhuận suy giảm. Để có thể vận chuyển dễ dàng đồng thời tạo ra nguồn thu nhập, họ trưng cất ngũ cốc thành những thùng rượu whiskey mang ra thị trường tiêu thụ. Năm 1791, chính phủ Liên bang đánh thuế đối với các loại rượu trưng cất để tăng ngân sách tài chính quốc gia. Cư dân miền Tây không những không tuân theo mà còn đe dọa sử dụng vũ lực đối với nhân viên thu thuế. Năm 1794, nông dân miền Tây Pennsylvania kháng cự bằng hành động nổi loạn. Họ tấn côngvào đội quân bảo vệ những nhân viên thu thuế của chính quyền Liên bang.

Lịch sử nước Mỹ gọi đây là “Cuộc nổi loạn Whiskey”. Cuộc nổi loạn tuy bị chính quyền G. Washington sớm dập tắt song sự kiện này chứng tỏ cư dân miền Tây nước Mỹ tỏ ra bất mãn với chính sách của Liên bang. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ xuất hiện đấu tranh đòi ly khai dẫn tới nguy cơ tan vỡ Liên bang. Vấn đề đặt ra là, Chính phủ phải có biện pháp như thế nào nhằm xoa dịu mâu thuẫn với cư dân miền Tây, mà trước hết là việc Tây Ban Nha từ chối việc lưu thông thương thuyền Mỹ trên sông Missississippi và không cho chuyển hàng tại New Orleans.

Để tránh nguy cơ sụp đổ Liên bang, vào cuối năm 1794, Tổng thống G.Washington cử Thomas Pinckney làm đại diện ngoại giao đến Madrid tiến hành đàm phán với chính phủ Tây Ban Nha. Trong khi hai bên đang thương lượng thì tình hình quốc tế diễn ra bất lợi cho vương triều Madrid. Tại châu Âu, do bất đồng về vấn đề thuộc địa ở Tân thế giới nên liên minh Anh – Tây Ban Nha sụp đổ. Sự kiện này diễn ra đồng thời với việc nước Mỹ ký với Anh bản Hiệp ước Jay (11-1794) 22 khiến cho Thủ tướng Tây Ban Nha, Godoy, lo ngại khả năng hình thành liên minh giữa Anh và Mỹ. Một khi điều này xảy ra sẽ dẫn tới nguy cơ các thuộc địa của Tây Ban Nha tại Tân thế giới bị tấn công. 

Mặt khác, tại Mỹ, các bộ lạc da đỏ với tư cách đồng minh Tây Ban Nha tỏ ra bất lực trước sự bành trướng của người Mỹ da trắng. Bằng chứng là, trong những năm 1793 – 1794, các ngôi làng định cư của người da đỏ tại Tây Nam bị khuất phục bởi hai cuộc viễn chinh do John Sevier và James Robertson chỉ huy. Thắng lợi này buộc người da đỏ cam kết không quấy phá các khu định cư, nhường lại đất đai cho người Mỹ da trắng.

Trong bối cảnh đó, để duy trì sự an toàn cho các thuộc địa phía Nam ở Tây bán cầu, đồng thời tách nước Mỹ ra khỏi liên minh với Anh, chính phủ Tây Ban Nha buộc phải nhượng bộ. Ngày 27-10-1795, tại cung điện San Lorenzo, đại diện chính phủ Mỹ, T. Pinckney ký với chính phủ Tây Ban Nha một bản hiệp ước. Theo đó, Tây Ban Nha chấp nhận:

“Đường ranh giới phía Nam của nước Mỹ, mà phân chia lãnh thổ Mỹ với các thuộc địa Đông và Tây Florida của Tây Ban Nha nằm tại vĩ tuyến 310 Bắc” (điều 2); “Việc lưu thông trên con sông Mississippi, từ thượng nguồn đến đại dương, sẽ được tự do cho công dân Mỹ” (điều 4); “công dân Mỹ được phép cất giữ hàng hóa và tài sản của họ tại hải cảng New Orleans để chờ xuất khẩu mà không phải trả bất cứ khoản phí nào cao hơn mức giá tương đương dành cho việc thuê kho hàng với thời hạn 3 năm và hứa sẽ tiếp tục gia hạn giấy phép này” (điều 22)…[91, tr. 31-32].

Bản hiệp ước này về sau được gọi là Hiệp ước San Lorenzo hoặc Pinckney, đã buộc Tây Ban Nha tôn trọng đường ranh giới theo quy định của Hiệp ước Paris giữa Anh và Mỹ (1783). Nó góp phần xoa dịu sự bất mãn của cư dân miền Tây bằng việc cho phép sự tự do lưu thông trên sông Mississippi, tránh nguy cơ ly khai của cư dân miền Tây, đồng thời kiềm chế sự quấy rối của thổ dân da đỏ. Điều quan trọng là Hiệp ước Pinckney giúp Mỹ tránh bị lôi cuốn vào cuộc phân tranh bên kia đại dương của các cường quốc châu Âu, tạo điều kiện hòa bình cho sự phát triển của đất nước. Đối với Tây Ban Nha, hiệp ước này là một bước thụt lùi đầu tiên trong chính sách duy trì “khu đệm” nhằm chống lại sự mở rộng lãnh thổ của cư dân Mỹ vùng biên cương, mở ra cơ hội mới cho sự bành trướng của Mỹ vào đồng bằng Mississippi trong giai đoạn lịch sử tiếp theo.

Những thành quả ngoại giao ngoạn mục nêu trên bắt nguồn từ những chính sách khôn khéo của chính phủ Mỹ, đứng đầu là G. Washington. Chính phủ Washington đã biết tận dụng mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế đương thời, trước hết là sự xung đột lợi ích giữa Anh với Tây Ban Nha về vấn đề thuộc địa, để đem lại ưu thế cho mình trong cuộc đấu tranh giành quyền lợi giữa các cường quốc, kết hợp với việc sử dụng biện pháp bạo lực cần thiết đối với người da đỏ. Mặt khác, áp lực của cư dân miền Tây khiến chính phủ phải có những quyết sách hiệu quả nhằm đáp ứng nguyện vọng của họ, nếu không muốn tình trạng Liên bang rơi vào bất ổn.

2.2. Vấn đề lãnh thổ Floridas

Floridas 23 là lãnh thổ nằm phía Đông Nam nước Mỹ, tiếp giáp các tiểu bang miền Nam, thông với lãnh thổ Louisiana ở phía Tây bằng con sông Mississippi. Floridas được xem như “nòng súng lục ép chặt cửa sông Mississippi” [78, tr. 59], là nơi kiểm soát lối ra vào đối với tàu thuyền xuất phát từ phía Nam nước Mỹ, như vùng Pearl, Perdido và Chattahoochee. Bán đảo Đông Florida kéo dài tới vùng biển Caribbean, án ngữ con đường thuỷ huyết mạch từ hải cảng New Orleans ra vịnh Mexico phía Đông Nam Liên bang Mỹ.

Sau “thời kỳ của những khám phá lớn”, các cường quốc châu Âu bắt đầu quá trình thuộc địa hóa châu Mỹ. Trong số các cường quốc này, Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong đặt chân lên vùng đất Tân thế giới. Năm 1492, theo gót chân nhà thám hiểm C. Columbus, người Tây Ban Nha đến định cư trên các hòn đảo thuộc vùng biển Caribbean. Họ từng bước chinh phục người da đỏ, biến các vùng đất chiếm được thành “khu vườn riêng” để khai thác thương mại. Sang thế kỷ XVI, bằng các cuộc thám hiểm do quốc vương bảo trợ, thực dân Tây Ban Nha đẩy mạnh quá trình xâm chiếm đại lục châu Mỹ.

Trong thời gian 1539 – 1541, đoàn thám hiểm do Hernando de Soto dẫn đầu, đặt chân lên bán đảo Floridas và vượt qua miền Đông Nam nước Mỹ ngày nay tới tận vùng Mississippi để tìm kiếm kho báu. Từ thời điểm này trở đi, vùng đất Floridas nằm dưới sự kiểm soát của Vương triều Madrid.

Trong cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 – 1763), Anh đánh bại Pháp, buộc Pháp ký kết hòa ước Paris (1763). Do là đồng minh với Pháp trong cuộc chiến nên Tây Ban Nha phải chấp nhận tổn thất. Theo đó, vùng đất Floridas được nhượng lại cho Anh. Dưới sự cai quản của chính quyền London, năm 1764, Floridas được phân chia thành Tây Florida và Đông Florida với mốc phân giới là Apalachicola. Đến năm 1783, tận dụng việc thực dân Anh bận tập trung đối phó với Cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân thuộc địa Bắc Mỹ, Tây Ban Nha dùng vũ lực tái chiếm lãnh thổ Floridas.

Về phía Mỹ, những thập niên đầu của nền cộng hòa, giới cầm quyền Mỹ đã “để mắt” tới lãnh thổ Floridas. Năm 1800, trước tin đồn nước Pháp vận động hành lang buộc Tây Ban Nha nhượng lãnh thổ Louisiana, điều mà lúc bấy giờ công luận Mỹ tin rằng Floridas là một bộ phận nằm trong lãnh thổ Louisiana nên giới cầm quyền Mỹ đặt ra vấn đề mua Floridas. Năm 1803, trong quá trình đàm phán “Thương vụ Louisiana”, Tổng thống Mỹ – T. Jefferson cố gắng đạt thoả thuận mua Floridas hơn là Louisiana, song bất thành. “Thương vụ Louisiana” kết thúc, Floridas nằm ngoài biên giới nước Mỹ.

Điều cần chú ý là kể từ sau “Thương vụ quý tộc”, nước Mỹ ngày càng bành trướng mạnh mẽ. Tình hình này gây nên mối lo ngại đối với chính quyền Tây Ban Nha ở Floridas. Do vậy, Toàn quyền Tây Ban Nha, Vincente Folch, kêu gọi mẫu quốc gia tăng sức mạnh ở lãnh thổ Floridas để vừa kiềm tỏa nền thương mại nước Mỹ vừa tạo ra “bức tường” an toàn bảo vệ “châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha” ở phía Nam. Dưới nhãn quan của Vincente Folch:

“Sự hiện diện của cường quốc ở Floridas, Tây Ban Nha ngăn chặn nước Mỹ tham gia vào việc lưu thông hàng hải, thương mại và liên lạc trên bờ biển phía bắc của vịnh Mexico. Floridas cũng tước đi nhiều dòng sông lớn mà chảy xuyên qua những khu định cư của kiều dân Mỹ và bắt buộc nền thương mại của cư dân Mỹ phụ thuộc vào ý chí của Tây Ban Nha. Với vị trí này, Floridas sẽ có uy lực lớn đối với các bộ lạc da đỏ hùng mạnh đang sinh sống trên phần lãnh thổ Liên bang Mỹ. Việc chiếm giữ Baton Rouge ở vùng lãnh thổ Mississippi sẽ là một trở ngại lớn đối với chính phủ Mỹ ở vùng lãnh thổ này; thêm vào đó, việc chiếm khu vực này sẽ tạo điều kiện theo dõi, nắm quyền kiểm soát và ngăn chặn tất cả chiến dịch quân sự của Mỹ chống lại các tỉnh Nueva Espana (Tây Ban Nha mới)” [130, tr. 254].

Hơn nữa, vị trí Floridas đối với “toàn bộ vùng biên giới phía Nam của nước Mỹ từ Đại Tây Dương đến sông Mississippi là cửa ngõ để tiến hành những cuộc tấn công đối với các quốc gia bên ngoài” [130, tr. 254]. Do bận tham chiến với tư cách là đồng minh của Pháp 24 nên những ý định của Toàn quyền Tây Ban Nha tại Floridas không được mẫu quốc đáp ứng. Hệ quả là sự cai trị của Tây Ban Nha ở vùng lãnh thổ Floridas suy yếu. Tình trạng đó dẫn đến việc các nô lệ trong các đồn điền phía Nam của Liên bang trốn sang Floridas để định cư. Các nô lệ trốn thoát phối hợp với những băng cướp người da đỏ thường xuyên đột kích vào vùng lãnh thổ phía Nam để quấy nhiễu cướp bóc tài sản của người Mỹ da trắng. Sự quấy nhiễu của người da đỏ làm cho tình hình an ninh vùng Đông Nam nước Mỹ trở nên bất ổn. 

Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược an ninh đối với quốc gia cũng như nắm bắt sự suy yếu của chính quyền Tây Ban Nha tại Floridas, chính quyền Mỹ đẩy mạnh các hoạt động nhằm giành lấy Floridas. Ngày 24-2-1804, được sự hậu thuẫn của Quốc hội, Tổng thống T. Jefferson thông qua Đạo luật Di động (Mobile Act). Đạo luật này cho phép người đứng đầu cơ quan hành pháp Mỹ thôn tính và thiết lập quận mới, bao gồm cả “bờ biển, con sông và kênh của vịnh và sông của Mobile” [111, tr. 102], nằm trong quyền pháp lý của Tây Ban Nha. Song, đạo luật này vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía Công sứ Tây Ban Nha ở Washington nên T. Jefferson từ bỏ ý định. Thay vào đó, người đứng đầu Nhà Trắng thiết lập hải cảng dành cho quận mới ở đồn Stoddert, nằm trên sông Mobile thuộc địa phận nước Mỹ.

Tiếp theo Đạo luật Mobile, tháng 4-1804, Nhà Trắng cử J. Monroe với tư cách là đại diện ngoại giao đặc biệt của Chính phủ Mỹ đến Madrid nhằm hỗ trợ Charles Pinckney, Công sứ Mỹ tại đây, để đàm phán với chính phủ Tây Ban Nha về lãnh thổ Floridas. Trong quá trình đàm phán, các đại diện Chính phủ Mỹ luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với lãnh thổ Tây Florida, tính từ phía Tây Perdido, như là bộ phận nằm trong ranh giới lãnh thổ Louisiana. Họ cũng cố gắng mua phần còn lại của lãnh thổ Floridas, tức Đông Florida. Thế nhưng, mọi nỗ lực của phái đoàn Mỹ trở nên vô hiệu, bởi Tây Ban Nha tại thời điểm này được sự “trợ lực” của Napoleon, khước từ bất cứ nhượng bộ nào.

Có một thực tế lịch sử là, tại châu Âu, từ tháng 5-1803 trở đi, cuộcchiến tranh giữa Anh và Pháp tái diễn trở lại. Để huy động kinh phí phục vụ chiến tranh chống Anh, ngay sau khi đăng quang ngôi vị Hoàng đế (12-1804), Napoleon I dùng sức mạnh để ép buộc chư hầu, Tây Ban Nha, bán lãnh thổ Floridas. Với tư cách trung gian, Hoàng đế nước Pháp đề nghị Vương triều Madrid nhượng Floridas, chấp nhận đường ranh giới thỏa hiệp ở Texas đối với Mỹ, đổi lại Tây Ban Nha sẽ nhận được 7.000.000 $ [111, tr. 103]. Trước ý định này của Pháp và Tây Ban Nha, Tổng thống Mỹ đề nghị Quốc hội thông qua ngân khoản 2.000.000 $ để tiến hành đàm phán. Khi các cuộc thương lượng chưa đi đến hồi kết thì tình hình châu Âu thay đổi. Những thắng lợi của quân đội Pháp trước Áo trong trận Ulm và Austerlitz (12-1805) khiến áp lực về tài chính đối với Napoleon I suy giảm. Điều này làm cho đại diện ngoại giao nước Pháp cắt đứt các cuộc thương lượng với Mỹ vào tháng 7-1806. 

Trong một diễn biến lịch sử khác, với sự thảm bại của hải quân Pháp trong trận thủy chiến Trafalgar (10-1805), nhất là khi không thể đổ bộ lên đất Anh, Napoleon I sử dụng biện pháp mới trong cuộc chiến chống Anh. Ngày 21-11-1806, Hoàng đế nước Pháp ban hành Sắc lệnh Berlin nhằm thiết lập “hệ thống lục địa”. Mục đích của hệ thống này là cô lập nước Anh về mặt kinh tế.

Thông qua “hệ thống lục địa”, Napoleon I muốn nước Mỹ là “vật bổ sung hữu ích”. Với quan điểm như vậy, tháng 1-1808, Hoàng đế nước Pháp gửi công hàm cho chính phủ Mỹ với lời hứa hẹn: “Trong trường hợp nước Mỹ tham gia liên minh với Pháp và tuyên bố chiến tranh chống Anh, Napoleon sẵn sàng “can thiệp vào triều đình Tây Ban Nha nhượng lãnh thổ Floridas cho nước Mỹ” [111, tr. 103].

Thế nhưng, tình thế xoay chuyển nhanh chóng,vào cuối năm đó, do vua Charles IV từ chối tiếp tục tham gia “hệ thống lục địa” nên hoàng đến Napoleon I quyết định xâm chiếm Tây Ban Nha, phế truất ngôi vua, sau đó đưa người anh cả của mình, Joseph Bonaparte lên ngai vàng, đồng thời chống lại việc trao trả Floridas cho Mỹ. Phản ứng trước sự kiện này, giới cầm quyền Mỹ cắt đứt quan hệ với bất cứ chính phủ nào đại diện cho Tây Ban Nha. Do đó, những kế hoạch giành lấy Floridas của Tổng thống T.Jefferson trước khi rời khỏi nhiệm sở (3-1809) bị phá sản.

Điều cần chú ý là, trong thập niên đầu của thế kỷ XIX, giới chức Tây Ban Nha ở Floridas khuyến khích cư dân Mỹ nhập cư vào Tây Florida. Bị hấp dẫn bởi đất đai màu mỡ và giá rẻ, một lượng lớn người Mỹ di cư đến Tây Florida với kỳ vọng giành lại tài sản đã mất do các băng cướp người da đỏ gây nên hoặc bắt đầu tái xây dựng cơ nghiệp sau khi bị phá sản ở Mỹ. Họ định cư trên dải đất rộng với nhiều thành phần khác nhau. Cư dân Mỹ ở Tây Florida mua hàng hóa từ bên ngoài và sản xuất các mặt hàng cung ứng cho thị trường nội địa bằng việc vận chuyển trên những con sông như: Chattahoochee, Pearl, Perdido, Tombighee, chảy qua địa phận Floridas để ra đại dương. Giới chức Tây Ban Nha đánh thuế cao đối với các mặt hàng vận chuyển trên sông và ngăn cấm kiều dân Mỹ trung chuyển vũ khí và đạn dược. Điều này làm nảy sinh mâu thuẫn giữa kiều dân Mỹ và nhà cầm quyền địa phương.

Nắm bắt mâu thuẫn trên đây, ngay khi vừa mới kế nhiệm chức vụ tổng thống của T. Jefferson (3-1809), J. Madison chỉ thị cho Ngoại trưởng, Robert Smith, gửi các đại diện ngoại giao đến Tây Florida nhằm đẩy mạnh hoạt động khơi sâu sự rạn nứt của hai bên, đồng thời tuyên truyền trong kiều dân Mỹ rằng: “Trong trường hợp có sự chia cắt chính trị khỏi mẫu quốc (Tây Ban Nha – TG) thì sự gia nhập của cư dân Tây Florida [vào Liên bang] sẽ phù hợp với những tình cảm và chính sách của nước Mỹ” [83, tr. 111]. Tháng 9-1810, khi các cuộc cách mạng đang làm rung chuyển “châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha”, dưới sự kích động của các đại diện ngoại giao của Mỹ, tại Tây Floridas, một cuộc nổi dậy do cư dân Mỹ tiến hành chống lại nhà cầm quyền địa phương nổ ra. Những người nổi dậy chiếm lấy hải cảng Baton Rouge, tuyên bố Tây Florida là quốc gia cộng hòa độc lập và yêu cầu Nhà Trắng sáp nhập vùng lãnh thổ này. Phản ứng trước “sự kiện Tây Florida”, ngày 27-10-1810, người đứng đầu Nhà Trắng, một mặt tái khẳng định chủ quyền của Mỹ đối với Floridas, tính từ phía Tây Perdido như là một phần nằm trong lãnh thổ Louisiana; mặt khác, chỉ thị cho Thống đốc lãnh thổ Louisiana, W.C. Claiborne, nắm lấy lãnh thổ Tây Florida trên danh nghĩa là chủ quyền của Mỹ mà không sử dụng vũ lực chống lại quân đội Tây Ban Nha. Tháng 12 cùng năm, quân đội Mỹ đánh chiếm lấy lãnh thổ này ở phía đông con sông Pearl.

Hành động chiếm đóng lãnh thổ Tây Florida của giới cầm quyền Washington gây nên phản ứng khác nhau trong Quốc hội Liên bang. Thượng nghị sĩ Outerbridge Horsey (tiểu bang Delaware) nhìn nhận biện pháp của Tổng thống như là một âm mưu đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến tranh chống Anh. Trái với quan điểm của nghị sĩ tiểu bang Delaware, Henry Clay (tiểu bang Kentucky) dựa vào tình hình Tây Florida, cho rằng: “Tình trạng lộn xộn xuất phát từ sự bất lực của chính quyền Tây Ban Nha trong việc duy trì quyền lực của nó và trước nguy cơ lãnh thổ này chuyển sang chủ quyền của cường quốc khác nên chúng ta (nước Mỹ – TG) phải có quyền đối với những nguyên tắc tự bảo vệ mang tính bất biến để nắm lấy Tây Florida. Nguyên tắc duy nhất này, độc lập dưới bất kì danh nghĩa nào, sẽ đảm bảo sự chiếm đóng của chúng ta đối với Tây Florida” [130, tr. 261]. 

Trong khi sự chiếm đóng Tây Floridas gây ra tranh cãi dẫn đến bất hòa trong nội bộ chính giới Mỹ thì động thái này cũng vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía các cường quốc châu Âu, nhất là Anh. Trong công hàm gửi đến Ngoại trưởng Mỹ, Công sứ Anh ở Washington bày tỏ thái độ rằng:

0