Sơ lược về thần thoại Bắc Âu
“The ride to Asgard” by Peter Nicolai Arbo. 1872 Thần thoại Bắc Âu bao gồm tôn giáo thời kỳ tiền Ki-tô giáo, tín ngưỡng và truyền thuyết của những cư dân vùng Scandinavia, kể cả những người định cư trên đảo Iceland – nơi tìm thấy nhiều tư liệu viết của thần thoại Bắc Âu. Dị bản ...
Thần thoại Bắc Âu bao gồm tôn giáo thời kỳ tiền Ki-tô giáo, tín ngưỡng và truyền thuyết của những cư dân vùng Scandinavia, kể cả những người định cư trên đảo Iceland – nơi tìm thấy nhiều tư liệu viết của thần thoại Bắc Âu. Dị bản nổi tiếng của thần thoại Bắc Âu là thần thoại các dân tộc gốc Đức vốn hình thành từ thần thoại các dân tộc Ấn-Âu tồn tại trước đó.
Tôn giáo các dân tộc Bắc Âu không dựa trên một “sự thật” được truyền trực tiếp từ thần thánh đến con người (tuy cũng có những câu chuyện người trần được thần thánh viếng thăm) và không có những văn bản chính quy như Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo hay kinh Qur’an của Hồi giáo. Thần thoại Bắc Âu được truyền miệng dưới dạng những bài thơ dài. Việc lưu truyền tôn giáo Bắc Âu diễn ra mạnh nhất vào thời Viking. Người ta tìm hiểu về thần thoại Bắc Âu chủ yếu qua các sử thi Edda và các văn bản ghi chép trong thời đạo Thiên chúa mở rộng về khu vực Scandinavia. Thần thoại Bắc Âu có ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Nguồn
Thần thoại Bắc Âu tồn tại chủ yếu bằng con đường truyền miệng, do đó nó bị thất truyền một phần lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả đều bị mất đi nhờ vào các ghi chép của các học giả Ki-tô giáo, đặc biệt là các Edda và tác phẩm Heimskringla của Snorri Sturluson – người tin rằng các vị thần thời kỳ tiền Ki-tô giáo không phải là quỷ dữ. Một tác phẩm đáng chú ý khác là Gesta Danorum của Saxo Grammaticus. Tuy nhiên các vị thần Bắc Âu trong tác phẩm này bị sửa đổi nhiều để thích hợp với các sự kiện tự nhiên và lịch sử.
Edda bằng văn xuôi được viết vào đầu thế kỷ 13 bởi Snorri Sturluson, một nhà thơ, nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao ở Iceland. Nó chủ yếu được coi là sổ tay cho các nhà thơ mới vào nghề. Edda bằng văn xuôi bao gồm những chú giải về các hình tượng truyền thống thường được dùng trong thơ ca. Nhờ tác phẩm này, những mẫu chuyện rời rạc trong thần thoại Bắc Âu được kể lại một cách hệ thống và liên tục.
Edda bằng thơ được cho là xuất hiện 50 năm sau Edda bằng văn xuôi. Nó gồm 29 bài thơ dài, trong đó 11 bài nói về các vị thần, số còn lại là về các anh hùng trong thần thoại như Sigurd của dòng họ Volsung (Sigfield trong trường ca Nibelungenlied của Đức). Dù các học giả thường cho rằng nó được sáng tác sau Edda bằng văn xuôi, văn phong và thể thơ của tác phẩm chứng tỏ các bài thơ trong đó đã được sáng tác khá lâu trước khi bản viết tay của chúng ra đời.
Ngoài các tài liệu trên còn có các bản khắc chữ Rune như các bản khắc trên bảng đá ở Rök và tấm bùa Kvinneby cũng là nguồn khảo cứu quý giá. Ngoài ra còn có các bản khắc và hình vẽ thể hiện các cảnh trong thần thoại Bắc Âu như chuyến đi câu của Thor, các cảnh từ trường ca Volsunga, Odin và Sleipnir, Odin bị Fenrir nuốt chửng, Hyrrokkin đến dự đám tang của Baldr.
Vũ trụ trong thần thoại Bắc Âu
Trong thần thoại Bắc Âu, Trái Đất là một dĩa dẹt đặt trên cành của cây thế giới Yggdrasil. Asgard, nơi các vị thần sinh sống, nằm ở trung tâm đĩa. Con đường duy nhất dẫn đến Asgard là cầu vồng (hay cầu Bifröst). Các người khổng lồ sống ở Jotunheimr (nghĩa là “vùng đất của người khổng lồ”). Người chết đến một nơi lạnh lẽo và tối tăm gọi là Niflheim do Hel, con gái của Loki, cai trị. Đâu đó ở phương nam là vùng Muspelheim rực lửa, nơi các người khổng lồ lửa sinh sống. Các vùng đất siêu nhiên khác là Álfheim – vương quốc của người elf trắng, Svartálfaheim – vương quốc của người elf đen, Nidavellir – vương quốc của người lùn. Giữa Asgard và Niflheim là Midgard (hay Middle-earth), nơi con người sinh sống.
Tính đối lập là một thành phần quan trọng trong quan điểm về vũ trụ của thần thoại Bắc Âu. Ví dụ thế giới được hình thành từ băng và lửa.
Các thế lực siêu nhiên
Có ba “thị tộc” thần thánh trong thần thoại Bắc Âu là Aesir (Æsir), Vanir và Jotun (trong bài viết này gọi là người khổng lồ). Sự khác biệt giữa hai thị tộc Aesir và Vanir (được gọi chung là thần) chỉ là tương đối. Giữa hai thị tộc thần thánh này từng xảy ra chiến tranh mà phần thắng thuộc về phe Aesir. Nhưng họ đã chấp nhận dàn hòa để cùng nhau cai trị thế giới và để giữ hòa bình, hai bên trao đổi con tin và đã có những cuộc hôn nhân giữa các thành viên của hai thị tộc. Một số vị thần thuộc về cả hai nơi. Một số học giả suy đoán rằng câu chuyện này phản ánh quá trình các thần linh của người Ấn-Âu xâm lăng chiếm ưu thế so với các thần linh của người bản địa. Tuy nhiên đây chỉ là một giả thuyết. Có những người cho rằng sự phân biệt Aesir/Vanir chỉ là phiên bản Bắc Âu của hệ thống thần thánh của các dân tộc Ấn-Âu, giống như sự phân biệt giữa các vị thần trên đỉnh Olympus với các Titan trong thần thoại Hy Lạp.
Các Aesir và Vanir thường trong tình trạng thù địch với bộ tộc Iotnar (số ít là Iotunn hay Jotuns, trong tiếng Anh cổ là Eotenas hay Entas). Bộ tộc này giống như các Titan và Gigantos trong thần thoại Hy Lạp và thường được gọi là người khổng lồ tuy cũng có người gọi họ là quỷ. Tuy nhiên, các Aesir có tổ tiên là người của Iotnar và có thành viên của cả Aesir lẫn Vanir kết hôn với họ. Tên một số người khổng lồ được nhắc đến trong sử thi Edda. Người khổng lồ thường được coi như hiện thân của các sức mạnh tự nhiên. Có hai loại người khổng lồ là người khổng lồ băng và người khổng lồ lửa. Ngoài ra còn có người Elf và người lùn. Vai trò của họ trong thần thoại Bắc Âu không rõ. Họ thường được cho là đồng minh của các vị thần Aesir-Vanir.
Những sinh vật siêu nhiên khác gồm có con chó sói khổng lồ Fenrir và con rắn biển Jörmungandr cuộn vòng quanh Trái Đất. Hai con quái vật này là con của vị thần lừa đảo Loki và một nữ khổng lồ. Ngoài ra còn có hai con quạ Hugin và Munin (nghĩa là “suy nghĩ” và “ký ức”) chuyên giúp Odin – thủ lĩnh của các vị thần – nắm được tình hình thế giới và con sóc Ratatosk chạy trên các cành của cây thế giới Yggdrasil ở trung tâm vũ trụ
Giống như các tôn giáo đa thần khác, trong thần thoại Bắc Âu không có sự đối đầu thiện-ác như trong tín ngưỡng vùng Trung Đông. Những người khổng lồ trong thần thoại Bắc Âu về bản chất không phải là độc ác. Họ thô lỗ, ồn ào và kém văn minh thì chính xác hơn. Chủ đề chính trong thần thoại Bắc Âu là sự đối lập giữa trật tự và hỗn loạn. Các vị thần đại diện cho trật tự còn người khổng lồ và quái vật tượng trưng cho sự hỗn độn.
Voluspa: khởi nguyên và kết thúc của thế giới
Số phận của toàn vũ trụ được mô tả trong Völuspá (“Lời tiên tri”) – một trong những bài thơ đáng chú ý nhất trong Edda bằng thơ. Trong Völuspá, Odin – thủ lĩnh của các vị thần gọi hồn của một Volva (“nữ tiên tri”) để hỏi về quá khứ và tương lai của thế giới. Vị nữ tiên tri hỏi lại Odin liệu ông có thật sự muốn biết điều đó không. Odin nhấn mạnh rằng với vai trò vua của các vị thần, ông cần có những hiểu biết đó. Cuối cùng, vị nữ tiên tri cho Odin biết những bí mật của quá khứ và tương lai rồi chìm trở lại vào bóng tối.
Quá trình hình thành thế giới
Ban đầu thế giới chỉ có gồm vùng đất băng giá Niflheim và vùng đất rực lửa Muspelheim. Giữa hai vùng đất này là Ginnungagap – khoảng trống nơi không có gì sinh sống. Ở Ginnungagap, lửa của Muspelheim đã làm băng của Niflheim thành người khổng lồ đầu tiên Ymir và con bò khổng lồ Auðumbla. Ymir sống nhờ sữa của con bò này. Con bò Audumbla liếm băng tạo thành vị thần đầu tiên Búri cha của Borr, và Borr là cha của ba Aesir đầu tiên: Odin, Vili và Ve. Ymir là người cả nam và cả nữ, từ Ymir tộc người khổng lồ được sinh ra. Sau đó các con của Borr là Odin, Vili và Ve giết Ymir và dùng xác Ymir xây dựng thế giới.
Các vị thần quy định sự tuần hoàn của ngày và đêm cũng như của các mùa. Sol, con gái của Mundilfari và vợ của Glen, là nữ thần Mặt Trời. Hằng ngày thần đi qua bầu trời trên cỗ xe do hai con ngựa Alsvid và Arvak kéo. Đường đi của Mặt Trời vẫn thường được biết tới dưới cái tên Alfrodull (“Vinh quang của người Elf”). Sol thường xuyên bị Skoll (tên khác của Fenrir) thường xuyên truy đuổi. Nhật thực là dấu hiệu Skoll gần bắt được Sol. Theo lời tiên tri, cuối cùng thần Mặt Trời Sol sẽ bị Skoll bắt kịp và ăn thịt. Tuy nhiên thần sẽ được thay thế bởi con gái của mình. Anh của Sol là thần Mặt Trăng Mani cũng bị đuổi bởi một con sói khác tên là Hati. Trái Đất được bảo vệ khỏi toàn bộ sức nóng của Mặt Trời nhờ Svalin đứng chắn giữa Sol và mặt đất. Trong tín ngưỡng Bắc Âu, ánh sáng không tỏa ra từ thần Mặt Trời mà từ bờm hai con ngựa kéo xe Alsvid và Arvak của thần.
Những con người đầu tiên là Ask và Embla được các vị thần Odin, Hoenir (Vili) và Lodurr (Ve) tạc ra từ gỗ và ban cho sự sống.
Vị nữ tiên tri còn miêu tả cây thế giới Yggdrasil và các nữ thần số mệnh (còn gọi là norn) tên là Urd, Verdandi và Skuld (chỉ quá khứ, hiện tại và tương lai) ngồi xe những sợi chỉ số phận dưới bóng của nó. Ngoài ra, Odin còn được kể về cuộc chiến giữa các Aesir và Vanir và cái chết của Baldr.
Ngày tận thế
Tương lai trong tín ngưỡng Bắc Âu khá u tối. Lực lượng bóng tối và hỗn loạn sẽ vượt qua các vị thần đại diện cho trật tự. Loki và các con sẽ vượt ra khỏi xiềng xích. Người chết từ Niflheim trở lại dương thế tấn công người sống. Heimdall, vị thần đứng gác ở cổng Asgard sẽ triệu tập lực lượng nhà trời bằng một hồi tù và. Sau đó nổ ra cuộc chiến giữa hỗn độn và trật tự (vẫn được biết tới với cái tên Ragnarök). Định mệnh của các vị thần là thất bại trong trận chiến này. Họ biết rõ điều đó nên sẽ tập hợp những chiến binh giỏi nhất, các Einherjar, để chiến đấu bên cạnh mình. Nhưng cuối cùng họ cũng phải bất lực nhìn thế giới chìm trở lại vào bóng tối. Các vị thần và trật tự do họ tạo ra sẽ bị tiêu diệt. Bản thân Odin sẽ bị Fenrir nuốt chửng.
Tuy nhiên, sẽ còn một vài vị thần và con người sống sót để xây dựng một thế giới mới. Các học giả vẫn đang tranh cãi xem đây có phải là dấu hiệu của những ảnh hưởng từ Ki-tô giáo hay không. Nếu không, quan điểm ngày tận thế của Voluspa có thể phản ánh thế giới quan Ấn-Âu cổ.
Vua chúa và các vị anh hùng
Bên cạnh những câu chuyện về các vị thần linh, thần thoại Bắc Âu cũng kể về các vị vua và anh hùng người trần thế. Những câu chuyện này phản ánh quá trình hình thành các bộ tộc và quốc gia Bắc Âu. Một số học giả cho rằng những câu chuyện này dựa trên những sự kiện có thật và có thể coi chúng như một nguồn nghiên cứu lịch sử vùng Scandinavia.
Danh sách tên 1 số vị thần và nhân vật
Các vị thần Aesir
Baldr – thần ánh sáng, nghệ thuật và cái đẹp
Bragi – thần thơ ca và hùng biện, nhà thơ và ca sĩ của Asgard (skald)
Forseti – thần công lý
Freyja (con tin từ tộc Vanir) – nữ thần của tình yêu và sắc đẹp
Freyr (con tin từ tộc Vanir) – thần của sự sung túc
Frigg – nữ thần tối cao, vợ của Odin
Heimdall – thần gác cầu Bifrost và bảo vệ Asgard
Höðr – vị thần mù của mùa đông và bóng tối
Hœnir – vị thần hay do dự
Iðunn – nữ thần tuổi trẻ
Loki – thần của lửa, kẻ lừa đảo
Meili – thần của giao thông
Nanna – vợ của Baldr
Njörðr (con tin từ tộc Vanir) – thần của gió và nghề đi biển
Odin – thủ lĩnh của các vị thần, thần của sự khôn ngoan và chiến tranh
Sif- vợ của Thor
Þórr (Thor)- thần sấm sét và chiến trận
Týr – vị thần chỉ có một tay, người chiến binh quả cảm
Ullr – thần săn bắn
Váli – người trả thù
Vé – anh của Odin, vị thần ban cho loài người tiếng nói
Viðarr – thần của sự im lặng và sự báo thù
Vili – anh của Odin, vị thần ban cho loài người suy nghĩ và tình cảm
Danh sách các vị thần Vanir
Freyja: nữ thần sắc đẹp, tình yêu, chiến tranh và cái chết, sau này sang Asgard
Freyr: thần của ánh sáng, mưa và sự sung túc, sau này sang Asgard
Gerðr
Gullveig, việc các Æsir (Aesir) ngược đãi nữ thần này đã gây chiến tranh giữa hai thị tộc
Hœnir: con tin từ thị tộc Æsir
Mímir: con tin từ thị tộc Æsir
Kvasir: vị thần của sự khôn ngoan
Lýtir
Njord (Njǫrðr): thần gió và cũng là thủ lĩnh các Vanir, sau này sang Asgard làm con tin của các Aesir
Skaði: nữ thần săn bắn, thường được thể hiện với đôi giày trượt tuyết, vợ của Njord
TẠO LẬP TRỜI ĐẤT RỒI LOÀI NGƯỜI
Ngày xửa ngày xưa, thuở đó chưa có trời ở trên mà cũng chưa có đất dưới. Tất cả chỉ là một hố sâu bất tận, một thế giới sương mù trong đó có một nguồn nước chảy. Có mười hai con sông bắt nguồn từ đấy, chảy thật xa, đóng băng lại, rồi cứ lớp băng nọ chồng chất lên lớp băng kia cho đến khi cái hố sâu đó được lấp đầy dần.
Về phía Nam thế giới sương mù này là thế giới ánh sáng. Một luồng gió ấm tự nơi đó thổi qua làm lớp băng tan. Hơi nước bốc lên không trung thành mây. Từ đám mây này xuất hiện một chàng Khổng Lồ Băng Giá tên là Ymir cùng đám hậu duệ, và cả con bò Audhumbla cung cấp sữa làm thức ăn cho người khổng lồ đó. Con bò này đã ăn sương và muối trên băng để có sữa. Một hôm nó đang liếm tảng đá có muối thì thấy xuất hiện mớ tóc của một người. Đến ngày thứ hai, thì cả cái đầu xuất hiện. Sang ngày thứ ba, toàn thân người xuất hiện, một người đẹp, nhanh nhẹn, dũng mãnh. Sinh vật mới này là một vị thần. Vị thần này lấy một nàng khổng lồ, rồi sinh ra được ba người con tên là Odin, Vili và Ve. Ba anh em hợp lực lại giết người khổng lồ Ymir. Xác của Ymir thành trái đất, máu thành biển, xương thành núi, tóc thành cây, xương sọ là bầu trời và óc là những đám mây đem lại mưa đá và tuyết.
Odin mới chia giờ khắc, phân định ngày đêm cùng các mùa bằng cách đặt mặt trời mặt trăng và chỉ định quỹ đạo cho cả hai.
Vừa khi mặt trời chiếu sáng trái đất, cả thế giới thảo mộc đâm chồi nẩy lộc. Sau khi các thần đã tạo ra thế giới bèn đi dạo trên bờ biển mới nhận thấy còn một điều thiếu sót: chưa có loài người. Thế là các thần mới đục cây trần bì thành một người đàn ông, đục cây trăn thành một người đàn bà rồi đặt tên cho hai người là Aske và Embla. Thần Odin mới ban cho hai người sự sống và linh hồn; thần Vili cho họ lý trí và cảm xúc. Thần Ve cho họ ngũ quan, dáng vẻ bề ngoài và tiếng nói. Họ sống trên mặt đất. Chính là những bậc tiền bối của nhân loại vậy.
Cây trần bì vĩ đại Ygdrasill được dùng để chống đỡ toàn vũ trụ. Cây này mọc từ thân thể của Ymir và đâm ra ba rễ lớn; một rễ vươn tới Asgard (thế giới của chư thần), rễ thứ hai ăn tới Jotunheim (thế giới của những người khổng lồ); rễ thứ ba ăn tới Niffleheim (miền tối tăm và lạnh lẽo). Có suối chảy bên cạnh mỗi rễ cây. Rễ ăn tới Asgard được chăm chút cẩn thận bởi ba nữ thần Norns. Đây là ba nữ thần định mệnh, nữ thần thứ nhất tên là Urdur (quá khứ), nữ thần thứ hai là Verdandi (hiện tại) và nữ thần thứ ba là Skuld (tương lai). Dòng suối ở Jotunheim chính là nguồn nước của Ymir. Nơi đó tiềm ẩn sự khôn ngoan, minh trí. Nhưng còn dòng suối dọc theo rễ cây đưa tới Niffleheim đã nuôi dưỡng con rắn lục Nidhogge (nghĩa là bóng tối). Con rắn này ngày đêm gặm nhấm rễ cây. Có bốn con hươu đực trèo lên cây ăn nụ. Bốn con hươu này tượng trưng cho bốn ngọn gió. Xác Ymir nằm dưới đất ngay dưới cây. Khi Ymir cựa mình muốn hất cây đi thì mặt đất rung chuyển.
Asgard là tên chỗ ở của các vị thần, muốn tới nơi này phải đi qua cầu Bifrost (cầu vồng). Asgard gồm có những toà lâu đài bằng vàng và bạc, nhưng toà nhà đẹp nhứt mang tên là Valhalla, nơi cư ngụ của vị thần trưởng thượng Odin. Ngồi trên ngai, thần Odin có thể nhìn thấy trời và đất. Có hai con quạ đen Hugin (tư tưởng) và Munin (trí nhớ) luôn luôn đậu trên vai thần. Hàng ngày hai con quạ này bay khắp nơi rồi trở về kể hết cho thần những gì mắt thấy tai nghe. Nằm dưới chân thần Odin là hai con sói Geri và Freki. Hai con chó này được thần cho ăn hết phần thịt dâng lên biếu thần vì thần sống không cần thức ăn mà chỉ cần uống rượu mật ong. Thần phát minh ra chữ viết Runic, và công việc của ba nữ thần Norns là khắc những hàng chữ định mệnh trên một tấm kim khí. Tên thần Odin đọc là Woden và chữ Wednesday, ngày thứ tư, phát xuất từ tên Woden này.
NHỮNG CUỘC VUI Ở VALHALLA
Valhalla là lâu đài của thần Odin, nơi đây thần thường mở tiệc thết các vị anh hùng đã chết oanh liệt ngoài chiến trường. Những người chết bình thường không bao giờ được mời cả. Thần Odin cho xả thịt con lợn rừng Schrimnir để đãi tiệc. Con lợn rừng này có đặc điểm là mỗi sáng bị làm thịt ăn hết, nhưng tối đến nó trở lại nguyên hình. Các anh hùng được mời uống rượu mật lấy từ con dê cái Heidrum. Tiệc tùng xong, các anh hùng giải trí bằng cách đánh nhau. Ngày nào họ cũng đem nhau ra cánh đồng giao chiến cho đến khi họ xẻ nhau ra từng mảnh. Đó chỉ là cách giải trí của họ thôi. Khi tới bữa các vết thương lại lành hẳn và họ vui vẻ kéo nhau về Valhalla ăn uống.
NGƯỜI VALKYRIOR
Người Valkyrio là những thanh niên hiếu chiến cưỡi ngựa, đội mũ sắt và mang giáo. Thần Odin thích thâu thập các bậc dũng sĩ anh hùng về Valhalla nên mới sai những người Valkyrio này tới chiến trường lựa những anh hùng tử trận (Valkyrio có nghĩa là người đi lựa chọn những người tử trận). Khi họ đi thi hành sứ mạng, áo giáp của họ chiếu sáng lung linh, rọi tới phía trời miền Bắc. Người ta gọi đó là “Aurora Borealis” (Ánh sáng miền Bắc).
NGƯỜI ELVES
Giống Elves tuy kém các thần, nhưng cũng có nhiều quyền phép. Giống Elves Ánh Sáng còn gọi là những Thiên Thần Trắng hay là Thiên Thần Ánh Sáng, rất đẹp, sáng hơn mặt trời, mặc đồ bằng những thứ hàng mịn, trong suốt và xuất hiện dưới mắt mọi người thành những đứa trẻ xinh đẹp đáng yêu. Họ ở xứ Alfhem, trong lãnh thổ của Frey, thần Mặt Trời, họ thường chơi đùa dưới ánh mặt trời.
Còn giống Elves Đen hay giống Elves Đêm Tối thì trái ngược hẳn, lùn, xấu xí, mũi dài, da màu nâu bẩn thỉu. Họ sống trong hang hốc và chỉ xuất hiện ban đêm. Họ rất sợ mặt trời vì chỉ một tia nắng chiếu sẽ biến ngay họ thành đá. Tiếng nói của họ là tiếng vang của cô quạnh. Giống này nảy sinh từ khối thịt rữa nát của người khổng lồ Ymir. Họ được các vị thần cho đội lốt người và ban cho tầm hiểu biết sâu rộng để rồi có biệt tài biết những dấu hiệu kỳ bí và những quyền lực huyền bí của thiên nhiên. Họ là những thợ rất khéo chuyên làm đồ kim loại và gỗ. Một trong những kỳ công của họ là cái búa Miollnir của thần Thor và chiếc thuyền Skidbladnir mà họ đã tặng thần Frey. Thuyền này lớn đến nỗi có thể chở hết các thần cùng với những chiến cụ và cả đồ dùng trong nhà. Vậy mà khi đem gấp chiếc thuyền ấy lại, ta có thể để gọn trong túi. Còn về cái búa Miollnir thì sự tích như sau.
SỰ TÍCH CHIẾC BÚA CỦA THẦN THOR
Chư thần trên thiên đình Asgard vẫn bị bực mình nhiều về thái độ đùa cợt vô kỷ luật cùng tính tình xảo quyệt nham hiểm của Loki. Nhưng chính nhờ sự lầm lỗi của Loki mà Thor có được chiếc búa đã làm thần trở thành vị thần dũng mãnh bậc nhì trên thiên đình, sau Odin. Câu chuyện như sau:
Thor có người vợ đẹp tên là Sif. Tóc nàng dài và ónh ánh vàng dưới ánh mặt trời. Vào một ngày kia, nàng ngủ thiếp dưới gốc cây táo của nàng Iduna, Loki bèn tinh nghịch xén mất mái tóc đẹp của nàng. Sif thức giấc thấy mình bị xén mất mái tóc bèn tìm Thor khóc lóc.
Thor gầm lên: “Đúng lại hành vi của thằng Loki đểu giả đây. Để ta sẽ dần nát xương thằng khốn đó!”
Khi bị Thor giận dữ tóm được, Loki van lạy : “Xin đại huynh đừng quá nặng tay trừng phạt tiểu đệ bởi tiểu đệ cam đoan có thể đi làm được một mái tóc bằng vàng thật, sợi rất mảnh, rất mịn, rất đẹp, và cũng tự mọc dài được như tóc thật.”
Thor hỏi : “Mi làm sao có được loại tóc đó?”
Loki đáp: “Thưa đại huynh, tiểu đệ sẽ đi tới miền giống Elves Đêm Tối ở, nhờ chúng làm cho bộ tóc vàng y như của Sif. Chúng đều là những tay thợ kỳ diệu siêu đẳng mà”.
Nghe vậy Thor ưng để cho Loki đi, nhưng không quên lắc mạnh Loki một lần cuối và hét lên: “Nếu mi không mang về được loại tóc vàng dài và mịn như hệt tóc của Sif thì ta dần nát xương mi, nghe!”.
Loki vội rời ngay thiên đình, đi xa lắm và theo đường hẻm chui vào lòng núi nơi giống Elves Đêm Tối ở. Nghe Loki ngỏ ý, họ nhận lời ngay. Không những họ làm bộ tóc vàng để Loki mang về cho Sif, họ còn làm tặng thêm ngọn giáo Gungnir (sau đây thành một thứ khí giới của Thor) và chiếc thuyền thần Skidblanir.
Loki vui mừng lắm. Trên đường về, lại gặp một tên lùn đen khác tên là Brock. Đương lúc khoái chí, vui miệng Loki thách Brock: “Này Brock, ta hiện đang có ba tặng vật quý giá như thế này này. Ta dám đem đầu ta mà cuộc với ngươi, nếu Sindri, anh ngươi, cũng làm được ba tặng vật khác quý ngang như thế.
Brock vốn biết tài khéo léo kỳ diệu siêu đẳng của anh mình, Sindri, bèn đáp: “Tôi nhận lời đánh cuộc đó! Xin ông hãy theo tôi đến xưởng rèn của Sindri xem anh tôi sẽ làm được cái gì nào.”
Tới xưởng rèn, Brock kể lại cuộc thách đố với anh, Sindri bèn thổi bễ cho lửa bốc lên. Khi lửa lò đã thực nóng, Sindri thả lên trên một bộ da lợn rồi trao bễ cho Brock và bảo em tiếp tục thổi bễ giữ ngọn lửa hồng đều cho đến khi mình trở lại. Rồi Sindri đi ra khỏi hang (chắc là để niệm chú).
Sindri vừa đi khỏi, Loki bèn hoá thành con ruồi cực lớn, đậu xuống tay Brock và đốt cực mạnh. Brock nghiến răng chịu đựng, bễ vẫn thổi, lửa vẫn đều ngọn. Khi Sindri trở vào thì miếng da lợn trong lò đã thành một con lợn rừng lông và bờm màu vàng óng.
Sindri đổ vàng vào lò, bảo em tiếp tục thổi bễ rồi đi ra. Lần này Loki vẫn hoá thành con ruồi lớn đậu trên gáy Brock và đốt hai lần cực mạnh. Nhưng cũng như lần trước, Brock vẫn chịu đựng được và giữ cho bễ thổi đều. Khi Sindri trở lại, lấy ra tự lò lửa một chiếc vòng vàng đặt tên là Drauphir.
Để chuẩn bị cho tặng vật thứ ba, Sindri lần này đổ thép vào lò, vẫn bảo em tiếp tục thổi bễ, rồi đi ra. Lần này “con ruồi” Loki độc ác đậu giữa hai con mắt Brock đốt mạnh đến nỗi máu chảy ròng ròng. Brock cắn răng chịu đựng, cho đến khi máu chảy chan hoà làm mờ cả mắt. Brock mới đành chịu ngừng một tay thổi bễ để đuổi ruồi. Do đó lửa trong lò tắt ngay. Vừa lúc đó Sindri trở lại xem xét giây lâu rồi bảo là bảo vật trong lò lửa không sao, chỉ suýt bị hỏng. Thì ra đó là cái búa. Sindri đưa ba thứ cho Brock bảo em hãy mang lên thiên đình biếu các thần để xem ba tặng vật đó có quý giá hơn ba tặng vật của Loki không.
Brock và Loki tới Asgard. Chư thần hay tin bèn họp mặt đông đủ tại điện chính Gledsheim. Chư thần đều đồng ý nhường quyền quyết định cho Odin, Thor và Frey.
Loki trình ba tặng vật trước. Bộ tóc vàng vừa đặt lên đầu Sif, tức thì tóc mọc dài và óng ả, đẹp ơi là đẹp. Ngọn giáo Gungnir tặng Thor, khi phóng ra không bao giờ hụt đích. Con tàu Skidbladmir tặng Frey đi về hướng nào cũng tìm được chiều gió thuận. Con tầu lớn là vậy mà khi gấp lại thì có thể bỏ gọn trong túi.
Đến lượt Brock trình tặng vật. Brock tặng Odin chiếc vòng vàng Draupnir. Cứ sau chín đêm thì lại có tám cái vòng khác y như thế từ vòng Draupnir rơi ra. Brock tặng con lợn rừng bờm vàng cho Frey. Không có thứ ngựa quý nào có thể lướt trong không khí, lướt trên mặt nước nhanh bằng con lợn rừng bờm vàng này. Đặc biệt là lông và bờm vàng của con lợn rừng luôn luôn phát ra ánh sáng nên dù có phóng đi trong đêm dày đặc cũng vẫn nhìn thấy rõ đường đi. Brock tặng Thor chiếc búa thần Miollnir có đặc tính một khi tung ra thì bổ xuống mạnh như ý mình muốn, và dù đích có xa đến mấy, khi đã trúng rồi, búa lại tự quay về tay chủ nhân. Chiếc búa cũng có thể trở thành bé gọn để cho vào trong túi. Thực ra chiếc búa chỉ có một điều không được vừa ý (điều này Brock dấu không nói) là cái cán hơi ngắn, chính vì lúc Brock bị “ruồi Loki” đốt chảy máu mắt phải sớm rời một tay bễ để đuổi ruồi. Phải nói thêm là Thor còn có chiếc dây lưng thần, và đôi bao tay sắt; khi thắt dây lưng đó vào người, thần lực của Thor tăng gấp đôi; khi mang đôi bao tay sắt Thor tung khí giới rất trúng đích. (Do tên thần Thor mà ra chữ Thursday = ngày thứ năm).
Cả ba thần Odin, Thor, và Frey cùng thẩm định giá trị tặng vật và đều đồng thanh công nhận ba tặng vật của Brock quý giá hơn ba tặng vật của Loki. Riêng thần Thor từ nay làm chủ chiếc búa thần Miollnir càng khiến đám Khổng Lồ Băng Giá phải hoảng kinh *
(*) Trong thần thoại Bắc Âu thường nói đến đám khổng lồ Băng Giá tựa như có ý báo động rồi đây thế giới sẽ bị hủy diệt khi tới thời băng giá, điều xét ra cũng có lý lắm.
Odin đứng lên tuyên bố Brock thắng cuộc. Brock lập tức đòi đầu của Loki. Loki bảo Brock là lấy đầu mình làm gì vô ích, Loki cho Brock vàng thay thế vào chẳng tốt hơn sao? Thật ra giống người lùn này vốn thích vàng hơn cả, nhưng không hiểu sao lần này Brock lại cứ cương quyết đòi đầu Loki. Loki chạy biến. Thor cưỡi con lợn rừng bờm vàng đuổi theo tóm được kéo về. Loki bèn nói: “Được rồi, ngươi cứ việc lấy đầu ta, nhưng cấm không được động đến một li cổ ta. Ta chỉ hứa cho đầu chứ không hứa cho cổ ”. Brock làm sao lấy được đầu Loki mà không động đến cổ cho được! Chú lùn ngẩn ngơ không biết hành động ra sao bèn nói: “Giá như tôi có được cái dùi nhọn của anh tôi ở đây, tôi sẽ khâu miệng Loki lại.” Brock vừa dứt lời thì cái dùi xuất hiện. Brock liền dùng dùi và lấy dây da khâu miệng Loki rồi từ biệt chư thần, rời khỏi Asgard. Brock vừa đi khuất, Loki tháo tuột được liền chiếc dây da. Loki thua cuộc, bị một trừng phạt nhỏ, nhưng ba vị thần trên thiên đình Asgard đã có được những khí giới tuyệt vời để chống nhau với giống người khổng lồ thù địch sau này.
Thần Thor là thần sấm sét, con trai lớn của thần Odin. Thần này có sức mạnh phi thường. Như chúng ta đã biết, thần Thor có ba vật quý. Vật thứ nhất là cái búa mà tất cả người Khổng Lồ ở vùng Băng Giá và vùng núi đều biết vì chính cái búa đó đã xẻ đầu ông cha họ cùng anh em bà con họ. Sau khi thần Thor tung búa, nó lại tự trở về tay thần. Vật hiếm thứ hai của thần là cái “dây lưng sức mạnh”. Khi thần dùng dây lưng đó quấn vào người, sức mạnh của thần sẽ tăng gấp đôi. Vật quý thứ ba là đôi bao tay bằng sắt. Thần mang bao tay này mỗi khi thần muốn xử dụng búa cho thật chính xác.
Thần Frey cũng là một trong những thần nổi tiếng. Thần này cai quản mưa nắng. Em gái của thần Frey là Freya, một trong những nữ thần được yêu mến nhất. Nữ thần này thích âm nhạc, thích mùa xuân hoa nở, thích những bản tình ca nho nhỏ, và đặc biệt những cặp tình nhân rất hay cầu khẩn đến nữ thần.
Bragi là thần của thơ phú. Bài ca của thần ghi lại những chiến công oai hùng của các chiến sĩ. Vợ thần là Iduna luôn luôn giữ trong hộp những trái táo. Hễ như thần nào cảm thấy sắp già yếu, chỉ cần nếm một trái táo là trẻ lại ngay.
Heimdall giữ nhiệm vụ canh gác cho chư thần. Thần luôn luôn trấn ở biên giới để ngăn không cho người khổng lồ tràn qua cầu vồng. Thần ngủ rất ít vì phải nhìn ra xa hàng trăm dặm, ngày cũng như đêm. Tai thần thính đến nỗi thần nghe được hết cả tiếng động, kể cả tiếng cỏ mọc, cùng tiếng bộ lông mọc trên lưng con cừu.
THẦN THOR TRẢ LƯƠNG NGƯỜI KHỔNG LỒ TRÊN NÚI NHƯ THẾ NÀO
Trong thời gian mà các thần đang xây cất nơi ở và đã hoàn thành được miền nhân thế Midgard và lâu đài Valhalla thì có một người thợ khéo tới xin xây cho chư thần một chỗ ở thật kiên cố, và bảo đảm các thần không sợ các Khổng Lồ miền Băng Giá, cũng như ở miền núi tới xâm lấn. Nhưng người này đòi trả công bằng nữ thần Freya cùng với mặt trời và mặt trăng. Chư thần bằng lòng nhưng với điều kiện là người đó phải một mình hoàn tất việc đó trong thời gian một mùa đông thôi. Hễ công việc trễ sang tới mùa hạ, người đó sẽ mất hết những gì đã đòi hỏi. Nghe thế, người thợ chỉ xin phép được sử dụng con ngựa Svadifari của y. Chư thần bằng lòng (theo lời khuyên của Loki). Người thợ bắt đầu xây cất vào ngày đầu của mùa đông. Ban đêm cho ngựa kéo đá về để xây. Những tảng đá lớn quá khiến chư thần phải ngạc nhiên và nhận thấy ngay rằng con ngựa đã giúp hơn nửa công việc. Nhưng chư thần đã trót hứa rồi. Khi mùa đông gần hết, tòa nhà xây gần xong, bờ lũy cao vòi vọi và có thể chống lại mọi cuộc tấn công. Còn ba ngày nữa là hết mùa đông và công việc cũng chỉ còn cái cổng chưa xây. Bấy giờ chư thần mới hội họp lại bàn nhau xem ai có thể đem Freya trốn đi, hoặc làm cách nào đem dấu mặt trời và mặt trăng đi nơi khác cho trời đất tối mò.
Nhưng rồi các thần quyết định bắt buộc Loki (kẻ đã cho lời khuyên tai hại) phải làm sao ngăn tên thợ kia không cho hoàn tất công việc đúng hạn kỳ, nếu không Loki sẽ bị giết chết thảm hại. Loki sợ quá, vội hứa ngăn chặn việc đó. Ngay đêm hôm đó, khi người thợ cùng con ngựa đi kéo đá , thì bỗng có con ngựa cái ra khỏi rừng hí lên . Con ngựa Svadilfari lập tức dứt cương chạy theo con ngựa cái , người thợ vội đuổi theo mà không kịp . Thế là công việc không hoàn thành đúng hẹn. Người thợ biết rằng mất thưởng rồi , mới hiện nguyên hình là tên khổng lồ ở núi . Bấy giờ thần Thor mới ra tay , thần tung cái búa lên đập vỡ đầu tên khổng lồ rồi ném hắn xuống miền Niffleheim .
LẤY LẠI BÚA
Đã có lần cái búa của thần Thor rơi vào tay tên khổng lồ Thrym . Tên này đem chôn búa sâu tám sào dưới tảng đá ở Jotunheim . Thần Thor sai Loki đi điều đình với Thrym . Tên này bằng lòng đổi búa lấy nữ thần Freya. Nhưng nữ thần Freya không chịu làm vợ tên khổng Thrym. Thấy vậy thần Loki mới khuyên thần Thor hãy cải trang mặc quần áo của nữ thần Freya rồi cùng đi tới Jotunheim. Thrym tiếp đón cô dâu, nhưng hắn ngạc nhiên khi thấy nàng Freya ăn hết cả tám con cá hồi , hết cả con bò cùng bao nhiêu món khác , rồi lại uống hết ba thùng rượu mật ong . Loki biết ý mới nói với Thrym là nàng ăn nhiều vì nàng đã nhịn tám ngày liền . Nàng vẫn mong mỏi được gặp chàng , người mà nàng biết là một vị cai trị nổi tiếng ở xứ Jotunheim . Sau cùng Thrym mới tò mò nhìn qua tấm màn che mắt cô dâu Freya , giật mình kinh hoảng hỏi Loki sao mắt nàng như tóe lửa . Loki lại vội khéo tìm lời trấn an Thrym . Tên khổng lồ yên tâm sai đem chiếc búa tới rồi tự tay trao cho nàng Freya . Bấy giờ thần Thor mới lột bỏ lớp hóa trang. Cầm lấy búa giết chết Thrym cùng bộ hạ của hắn .
ODIN ĐI TỚI SUỐI NGUỒN MIMIR
Odin chính là đấng toàn năng đứng đầu các vị thần. Odin là thần khôn ngoan, thần hiểu biết, thần thi ca, và cũng là thần chiến tranh và thần chết nữa.
Lần đó hai con quạ đen Hugin (tư tưởng) và Munin (trí nhớ) đã bay lượn quan sát khắp nơi để trở về đậu trên vai Odin, kể lại cho thần nghe rằng chỉ thấy toàn những bóng đen và những triệu chứng bất thường.
Odin linh cảm thấy mình cần khôn ngoan hơn để kịp thời đối phó những gì đen tối sắp tới. Thần từ giã vợ là nữ thần Frigga để đi tới suối nguồn của Mimir đổi sự hiểu biết thành trí khôn ngoan. Suối nguồn của Mimir ở gần Jotunheim, thế giới của giống khổng lồ.
Trên đường đi, Odin biến hóa như người thường khi qua Midgard, thế giới của loài người, lại biến hóa như người khổng lồ khi tới khu vực khổng lồ và tự đổi tên là Chàng Lang Thang Vegtam.
Gặp một người khổng lồ cưỡi con nai đực, Odin dập dìu đi bên hắn rồi lân la làm quen :
–
Chào ông bạn, ông bạn tên chi?
– Tôi tên Vafthrudner, người khôn ngoan lanh trí nhất trong đám khổng lồ.
Odin nhận ra Vafthrudner ngay, và biết đã có nhiều kẻ cả gan dám tới thi đua khôn ngoan lanh trí với y. Những kẻ đó phải trả lời ba câu hỏi, nếu thua là bị Vafthrudner vặn cụt đầu liền. Odin bèn lên tiếng:
– Thưa ông bạn, tôi tên là Chàng Lang Thang Vegtam. Ông bạn nghĩ sao, tôi muốn thi đua khôn ngoan lanh trí với ông bạn!
– Hô, hô, được lắm! Ông bạn biết luật chơi của tôi rồi chứ gì? Nếu tôi thua, đầu tôi sẽ về bạn; nếu bạn thua, đầu bạn sẽ về tôi. Nào, để tôi bắt đầu trước, chịu không?
– Xin ông bạn cứ tự nhiên đặt câu hỏi trước đi cho!
Vafthrudner gật gù hỏi:
– Xin ông bạn cho biết tên con sông chảy phân ranh giới giữa chốn thiên đình Asgard với Jotunheim, thế giới khổng lồ.
– Ifling, thưa ông bạn! Tên con sông đó là Ifling! Đó là con sông nước lạnh thấu xương, nước lạnh cắt da thịt, nhưng không bao giờ đông đặc thành giá băng!
– Được lắm, còn hai câu hỏi nữa. Bạn cho hay tên hai con ngựa mà Thần Ngày và Thần Đêm vẫn cưỡi để vượt qua vòm trời.
– Skinfaxe và Hrimfaxe!
Vafthrudner giật mình vì không ngờ địch thủ lại giỏi thế. Tên hai con ngựa này chỉ các vị thần và những người khổng lồ khôn ngoan nhất mới biết mà thôi. Y lên tiếng:
– Được lắm, còn câu hỏi cuối cùng. Xin ông bạn cho biết tên cánh đồng sẽ dùng làm bãi chiến trường cho cuộc tận diệt cuối cùng.
– Cánh đồng Vigard, thưa ông bạn! Cánh đồng này ngang dọc đều một trăm dặm!
Thế là đến lượt Odin đặt câu hỏi:
– Xin ông bạn cho biết lời nói cuối cùng của thần Odin thì thầm bên tai đứa con quý của Người là Baldur!
Nghe hỏi vậy, tên khổng lồ vội nhảy từ lưng nai xuống, chăm chú nhìn Odin và nói:
– Chỉ có thần Odin mới có thể trả lời câu đó. Làm sao tôi có thể trả lời nổi? Phải chăng chính ông là Odin?
Odin cười ngất:
– Ha ha, vậy là ông bạn thua rồi. Nếu ông bạn muốn giữ lấy đầu cho mình, hãy cho tôi biết Mimir đòi đổi lấy gì nếu tôi muốn uống nước suối nguồn của ông ta.
– Mimir sẽ đòi lấy con mắt bên phải!
– Cha cha! Sao đòi ác vậy? Có cách gì khác không?
– Chẳng có cách gì khác đâu. Bao giờ và luôn luôn Mimir cũng cương quyết đòi bằng được như vậy. Thôi tôi đã nói rõ cho thần hay rồi đấy, thần đừng đòi đầu tôi nữa nhé.
– Được lắm, xin ông bạn cứ đi đi!
Vafthrudner vội vã nhảy lên lưng nai đi liền. Odin còn đứng đó, loay hoay suy nghĩ: “Đòi móc mắt phải của ta? Sao mà giá uống nước suối nguồn khôn ngoan đắt quá vậy! Có lẽ thôi, chả cần khôn ngoan nữa.”
Vừa nghĩ thầm vậy, Odin vừa theo đường về hướng Nam, bắt gặp khuôn mặt dữ dằn của tên Surtur với thanh trường kiếm Flaming của y. Rồi đây kẻ địch thủ vô cùng lợi hại đó sẽ gia nhập phe Khổng Lồ mà tử chiến với các thiên thần. Odin lãng đãng đổi hướng đi về phương Bắc lúc nào không hay. Nơi đây thần lắng nghe tiếng nước ào ào thoát khỏi miền tối tăm lạnh lẽo Niffleheim. Odin chợt nhận thấy rằng thần không thể để cho thế giới bị Surtur thiêu rụi trong biển lửa, hoặc phó mặc cho tan thành cát bụi mà đổ về chốn hư vô tối tăm, lạnh lẽo Niffleheim. Đã là vị thần tối cao, Odin phải lãnh trách nhiệm cứu thế giới khỏi hủy diệt. Muốn vậy phải thụ lãnh trí khôn ngoan bằng cách uống nước suối nguồn ở ngay dưới gốc cây trần bì vĩ đại Ygdrasill.
Odin tiến thẳng tới suối nguồn khôn ngoan.
Mimir luôn luôn đứng đó đôi mắt chăm chăm nhìn xuống canh giữ. Ngày nào Mimir cũng uống nước suối nguồn khôn ngoan một lần, nên thoáng nhìn đã nhận ra Odin ngay và cất lời chào:
– Hỡi Odin, vị thần cao cả nhất của thiên thần, người tới đây làm gì?
– Ta muốn uống nước suối nguồn khôn ngoan.
– Nhưng muốn vậy thần phải trả giá khá đắt!
– Ta không ngại điều đó hỡi Mimir!
– Vậy xin mời thần hãy tới mà uống!
Hai tay Odin cầm chiếc sừng, cúi xuống vục nước bắt đầu ngửa cổ uống. Trong khi thần uống như vậy, tương lai như mở ra cho Thần nhìn thấy rõ tất cả. Thần trông thấy trước những gian nan thống khổ mà cả thần và người sẽ phải chịu. Nhưng Thần cũng biết rằng chính những gian nan thống khổ đó sẽ giúp cho cả thần và người trưởng thành, đủ tài lực mà đạt tới một ngày kia – tuy còn xa xôi lắm – đè bẹp được con quỷ đã mang điêu linh thống khổ đến thế giới này.
Thần uống trọn cả một sừng đầy nước khôn ngoan. Thần tự tay móc mắt bên phải của mình, đau đớn biết chừng nào, nhưng thần cắn răng chịu đựng được, không thốt một tiếng kêu than. Mimir nhận lấy con mắt đó, thả xuống mặt nước, nó chìm dần…chìm dần xuống đáy và sáng lấp lánh ở dưới đó.
Đó là giá mà chính vị thần trưởng thượng của thiên đình cũng phải trả để đổi lấy khôn ngoan.
NÓI VỀ THẦN LOKI VÀ CON CHÁU
Thần Loki như chúng ta đã biết tính khí bất thường, tâm địa xấu xa. Thần này giòng giõi khổng lồ nhưng cố chen vào xã hội thần thánh, và lấy làm thích thú mỗi khi gây được khó khăn, nguy hiểm cho chư thần bằng những mưu cơ xảo quyệt của mình. Thần Loki có ba người con: đứa thứ nhất là con chó sói Fenris, đứa thứ nhì là con rắn Midgard(Jörmungandr), đứa thứ ba là Hela (Thần Chết). Chư thần thừa biết rằng những con quái vật này đang lớn lên và một ngày kia, chúng sẽ reo rắc tai họa cho thần thánh và loài người. Vì thế thần Odin mới cho đem chúng tới. Rồi thần Odin ném con Midgard xuống vùng đại dương bao quanh địa cầu. Con rắn đó lớn đến nỗi chiều dài của nó đủ quấn quanh trái đất. Thần Odin cho thần chết Hela cai quản chín vùng Niffleheim. Nhà ở của Hela là Elvidner. Nàng dùng thần Đói làm bàn, thần Chết Đói là dao, thần Trì Hoãn làm người hầu, thần Chậm Trễ làm nữ tì, thần Vách Núi làm ngưỡng cửa, thần Thận Trọng làm giường và thần Thống Khổ làm màn treo. Nàng rất dễ nhận ra vì người nàng nửa hồng nửa xanh và nàng có một bộ mặt nghiêm khắc lạnh lùng đáng sợ.
Duy con chó sói Fenris đã gây biết bao bối rối cho chư thần trước khi xích được nó. Nó bẻ gãy những dây xích lớn dễ như thể quơ mạng nhện. Sau cùng các thần phải sai người đi cầu cứu các Sơn thần làm cho một sợi xích tên là Gleipnir. Sợi xích này được đúc bằng sáu thứ : 1) tiếng chân mèo đi; 2) râu đàn bà; 3) rễ đá; 4) hơi thở của cá; 5) thần kinh của gấu; 6) nước miếng của chim. Đúc xong, sợi xích nhẵn và mềm như một giải lụa. Khi đem con sói ra để cột thì nó ngờ ngay rằng sợi xích này là một thứ bùa. Nó bèn ra điều kiện phải có một vị thần để tay vào mõm nó và hứa rằng sẽ có ngày cởi sợi xích đó ra, như vậy nó mới chịu buộc. Chỉ có thần Tyr (thần Chiến Trận) dám để tay vào mõm chó nhưng khi con chó biết nó không tài nào dứt được sợi xích, mà các thần cũng không bao giờ thả nó ra, nó mới ngoạm đứt luôn bàn tay thần Tyr.
TRUYỆN THẦN FREY VỚI NGƯỜI ĐẸP KHỔNG LỒ GERDA
Thần Frey nhớ chị là nữ thần Freya đi vắng khỏi thiên đình Asgard đã từ lâu (nữ thần đi kiếm chồng bị thất lạc là thần Odur.) Thần Frey bèn theo đường lên tháp cao để ngồi vào chiếc ngai của thần Odin (lúc đó đi vắng)
Ngồi vào chiếc ngai này trong tháp, Frey có thể nhìn thấy chị mình lúc đó đang lang thang nơi nào. Hai con chó sói Geri và Freki nằm nép dưới chân ngai yên lặng. Frey nhìn hết miền Midgard, thế giới của loài người với nhà cửa đường phố, trang trại; lại nhìn đến miền Jotunheim, thế giới của người khổng lồ núi cao vòi vọi, tuyết băng trắng xóa đây đó. Sau cùng, Frey thấy chị đương trên đường về Asgard thì yên chí. Vô tình thần chú ý đến một ngôi nhà giữa vùng băng tuyết của thế giới Jotunheim, cánh cửa vừa mở, và thần thấy một cô gái khổng lồ khuôn mặt đẹp ơi là đẹp. Rời khỏi tháp, thần đi lang thang, rồi suốt đêm đó không chớp mắt được. Thần tương tư mỹ nhân xứ khổng lồ! Sớm hôm sau, thần lại tới tháp nhưng lần này hai con sói Geri và Freki nhe răng gừ, không cho thần tới. Thần về hỏi ý kiến cha là thần Niord, được cha cho hay người con gái đẹp đó là nàng Gerda, con gái người khổng lồ Gymer, và khuyên Frey nên từ bỏ ý định lấy khổng lồ Gymer làm vợ bởi vào trường hợp đó, Frey tất phải đánh đổi mất một vật quý nhất của mình. Vật quý nhất của Frey là thanh kiếm báu, tự nó đi chinh phạt bất kỳ lúc nào chủ nó muốn. Frey tự nhận là thần không thể nào không kết hôn với Gerda cho bớt cô đơn, dù phải hy sinh thanh kiếm báu cũng được.
Nghe vậy thần Niord bèn hỏi:
“Thế rồi đây tới ngày Ragnarok, ngày hoàng hôn của chư thần, khi những người khổng lồ tới tử chiến với các thần một lần cuối cùng, con lấy khí giới đâu mà giao chiến?”
Thần Frey nghĩ rằng ngày đó còn xa vời lắm nên đáp :
“Con không thể nào sống không có Gerda!”
Frey thổ lộ tâm sự với Skirnir, một thần tính tình liều lĩnh và vô tâm, là Frey muốn đi gặp Gerda lắm, ngặt vì bổn phận của thần phải cai quản những chốn lâm tuyền không thể bỏ được.
Skirnir nghe xong trợn tròn đôi mắt xanh, ngóac mồm rộng cười hô hố và nói là có thể giúp Frey đưa thư hay trao lời tới Gerda, nhưng với điều kiện Frey phải thưởng cho thanh kiếm báu. Frey thoạt ngần ngại, nhớ lời cha nhắc rồi đây tới ngày các thần phải tử chiến một lần cuối cùng với đám khổng lồ, mình không có khí giới sao được. Nhưng rồi lại nghĩ ngày đó còn xa lắm, Frey bèn bằng lòng trao kiếm báu cho Skirnir. Frey còn nhờ Skirnir mang theo một số kim ngân châu báu để trao tới tay Gerda làm đồ sính lễ.
Skirnir nhảy lên con thiên lý mã rất quý của thần, phóng như bay theo đường cầu vồng Bifrost qua Midgard, thế giới loài người, qua con sông ngăn cách giữa thế giới này với thế giới khổng lồ Jotunheim, qua khu rừng sắt thép, vung gươm bén khiến lũ sói dữ (có nhiệm vụ canh gác thế giới khổng lồ) phải dạt sang hai bên, vượt qua bức thành lửa, sau cùng thần tới thung lũng có nhà cửa người khổng lồ Gymer, cha đẻ ra người đẹp Gerda. Skirnir cho ngựa chổng mông vào đá hậu lên cánh cửa thình thình.
Gymer lúc đó đương uống rượu say bí tỉ với bè bạn; Gerda đương dệt cửi với các nàng hầu, nghiêng tai lắng nghe rồi cất tiếng hỏi:
“Không hiểu có ai tới gõ cổng nhà ta thế”
Một nữ tì chạy ra ngó rồi thưa:
“Dạ, đó là một chiến sĩ cưỡi một con ngựa cực khỏe.”
Gerda nói:
“Dù người đó có là kẻ thù của chúng ta thì cũng cứ mở cửa cho vào và hãy rót mời chén rượu mật của gia đình Gymer”.
Cửa mở, Skirnir được mời vào. Thần bầy ngay những kim ngân châu báu trước mặt Gerda mà nói phăng:
“Hỡi nàng Gerda xinh đẹp tuyệt vời, đây là đồ sính lễ của thần Frey nhờ ta gởi tới nàng”.
Gerda nói:
“Ông hãy mang vàng bạc châu báu này ra mà khoe với đám thị tì của tôi. Không bao giờ vàng bạc châu báu mua được tình yêu của tôi”.
Skirnir bèn rút thanh gươm báu ra mà nói toạc móng heo rằng:
“ Nàng hãy trao tình yêu cho Frey là thần đã tặng ta thanh kiếm báu này, nếu không nàng sẽ chết vì lưỡi kiếm đó”.
G
erda cười bảo Skirnir rằng dùng kiếm dọa người thường thì được, dọa con gái người khổng lồ sao được!
Skirnir bèn khiến cho kiếm từ múa loang loáng trước mặt Gerda, đồng thời cao giọng đọc lời nguyền:
Ta nguyền rủa ngươi
Như lá cây xanh
Gặp cơn gió lạnh
Lá phải lìa cành
Nghe lời nguyền ác độc với ánh gươm thần loang loáng với tiếng rít ghê rợn trên đầu, Gerda vội quỳ xuống đất xin hãy khoan thứ cho nàng. Skirnir còn đọc tiếp:
Ta nguyền rủa ngươi
Suốt đời ở vậy
Thần, người đều chê
Chẳng ai thèm lấy
Gerda khóc sướt mướt vật nài Skirnir hãy ngừng niệm chú và tra gươm vào vỏ, nàng xin tuân lời. Skirnir hỏi bao giờ Frey được gặp nàng và ở đâu? Gerda nói chín hôm nữa cả hai sẽ gặp nhau ở khu rừng Barri.
Skirnir hài lòng, tra gươm vào vỏ, uống một ly rượu mật rồi nhảy phóc lên mình ngựa phóng về Asgard.
Frey bồn chồn ngóng đợi, thấy Skirnir về vội hỏi ngay kết quả chuyến đi và được Skirnir cho hay chín ngày nữa cả hai sẽ tới gặp nhau ở rừng Barri.
Skirnir ngoác mõm cười và trợn tròn đôi mắt xanh vẻ khoái chí vô cùng vì thanh gươm báu như vậy là hoàn toàn thuộc về Skirnir.
Trong khi đó Frey quay đi thở dài tự nhủ:
Ngày dài lê thê
Dài gớm dài ghê
Đợi chín ngày nữa
Thì ai mới về
Nhưng rồi chín ngày cũng qua đi. Và Frey và Gerda cùng y hẹn gặp nhau ở rừng Barri. Frey thấy Gerda đẹp chim sa cá lặn, y hệt như ngày nào thần nhìn thấy nàng tự trên tháp cao nơi thần Odin ngự. Gerda thấy Frey cao đẹp uy nghi lòng cũng mừng thầm. Đôi bên trao nhẫn hứa hôn, sau đó Gerda theo chồng về thiên đình.
Phụ chú:
Truyện thần Frey và cô gái khổng lồ Gerda nhiễm tính chất ngụ từ nhất trong mọi truyện thần thoại Bắc Âu. Frey là thần của mùa xuân mưa nắng. Frey yêu nàng Gerda cũng như mùa xuân tới thì cây cỏ bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Nhưng mùa xuân có tới cũng phải đợi cơn gió nồm nam ấm áp – Skirnir- thổi tới trợ lực thì cây cỏ mới có cơ phồn thịnh được.
NHỮNG TRÁI TÁO CỦA NÀNG IDUNA