18/06/2018, 16:00

Quân Mông Cổ chinh Tây

Bản Đồ ghi lại cuộc hành quân của Jebe và Subutai. Nơi có hình ngôi sao là các trận đánh nảy lửa. Hiệp Võ I. Đánh Nga lần thứ nhất : Cuộc hành quân của Jebe và Subutai A-Đánh Georgia. Năm 1221 Jebe và Sabutai sau khi truy lùng Muhammad, đã tiếp tục tiến quân vào vùng ...

Bản Đồ ghi lại cuộc hành quân của Jebe và Subutai. Nơi có hình ngôi sao là các trận đánh nảy lửa.

Bản Đồ ghi lại cuộc hành quân của Jebe và Subutai. Nơi có hình ngôi sao là các trận đánh nảy lửa.

Hiệp Võ

I. Đánh Nga lần thứ nhất : Cuộc hành quân của Jebe và Subutai

A-Đánh Georgia.

Năm 1221 Jebe và Sabutai sau khi truy lùng Muhammad, đã tiếp tục tiến quân vào vùng đồi núi Caucasus với 20000 quân và để lại sau lưng Iraq-I Ajam tan nát. Theo “Mongol: A Country Study” Federal Research Division Library of Congress, edited by Rober L Worden và Andrea Matles Savada thì số quân là 25000 người. Quân đội hai tướng này cướp phá các thành phố Rayy, Zanjan và Qazvin. Khi nghe tin ấy thành phố Hamadan đầu hàng vô điều kiện còn Ozbeg, người thủ lãnh nước Azerbaizain, cũng chịu đưa các phẩm vật để Mông Cổ không tàn phá kinh đô Tabbriz.

Cuối cùng, Thành Cát Tư Hãn đã cho phép hai tay tướng lỗi lạc của ông được phép đánh lên lãnh thổ Nga. Thiệt hại một số trong các trận đánh, nhưng ngược lại Mông Cổ được tăng cường thêm quân của hai đám cứơp cạn là Kurdish và Turcoman.

Tại vùng núi non trùng điệp Caucasus, Mông Cổ có trận đánh dữ dội với vương quốc Georgia.

Trước khi tiếp tục về các trận đánh ta hãy xem qua về địa lý và lịch sử nước này, dựa vào quyển “Georgia- A Sovereign Country of Caucasus” của tác giả Roger Rosen.

Georgia là một tiểu quốc; diện tích từ xưa đến nay không thay đổi bao nhiêu. So sánh với Đại Việt đời Trần thì quốc gia này và Đại Việt thì diện tích xấp sỉ bằng nhau. Dân nước này không phải gốc Slavs[1], có tiếng nói riêng. Căn bản dân theo đạo Thiên Chúa từ thế kỷ thứ IV. Georgia là một quốc gia nằm giữa hai dãy núi chính của vùng: phía bắc là dãy Caucasus với ngọn Ushba cao 4700m và dãy Lesser Caucasus ở phía nam với ngọn Samsari cao 3284m. Hai dãy núi này chiếm hơn 2/3 lãnh thổ. Giữa hai dãy núi này là một giải bình nguyên hẹp tao bởi hai con con sông. Sông chính Mtkvari (Kura) đổ vào biển hồ Caspian và con sông thứ hai Rioni đổ vào biển Hắc Hải. Thành phố chính là Tbilisi (ngày nay vẫn là kinh đô) nằm trên sông Mtkvari.

Về lịch sử, vì nước là một tiểu quốc, nên nước này đã trải qua rất chiều cuộc xâm lăng hay đô hộ từ bốn phía. Bắt đầu các cuộc đô hộ, xăm lăng là Alexander the Great (A lếch xăng đại đế) đến các cuộc chinh phục của các đế quốc Hy Lạp, Thổ, Hồi giáo, Ottoman, và Byzantine…

Thời kỳ vàng son của quốc gia này vào năm 1089, lúc David the Builder nối nghiệp bố đánh bại quân đội Thổ, mở rộng nước đến phần đất thuộc vào nước Armenia ngày nay. Thời vàng son này kéo dài cho đến thế kỷ XIII, là khi Mông Cổ vào, mà ta sẽ xem dưới đây.

Tháng giêng, năm 1221, quân Mông Cổ cho quân Kurdish và Turcoman làm tiên phong tiến về sông Kura (Mtkvari). Vua của Georgia, Giorgi IV Lasha dẫn một đạo quân đông gấp 3 lực lượng Mông Cổ với 70,000 quân. (Theo  Georgia A Sovereign Country of Caucasus thì số quân là 90000.) Đạo quân này đẩy lùi quân Mông Cổ về lại phía sau Tbilisi. Quân Mông Cổ phải tháo lui, nhưng luôn đánh trả làm thiệt hại quân của Georgia. Về đến phương nam quân Mông cổ đánh chiếm Baghdad, kinh đô của giáo chủ Hồi giáo.

Sau đó, Mông Cổ lại tiến về hướng bắc. Vua Georgia dàn quân tại Tbilisi chờ đợi. Subutai đem tjumen của ông tiến lên để nghênh chiến. Đánh một thời gian, Subutai giả thua cho quân tháo lui. Quân Georgia đuổi theo thì rơi vào nơi phục kích của Jebe. Quân Georgia bị đánh tan và vua Georgia IV Lasha bị tử thương.

Mùa đông năm ấy 1241, Mông Cổ vượt các dãy núi cao Caucasus trong vùng để sang thảo nguyên nam Nga, một thảo nguyên lớn nhất thế giới, đã bị một trận bão tuyết giết chết một số đông quân Mông Cổ và phải vứt bỏ các súng công thành.

Mùa xuân 1242, khi Mông Cổ tiến đến thảo nguyên thì gặp một lực lượng 50000 liên quân của Cumans, Lezgians, Atlans, Cherkesses, cùng Volga Bulgars và Khazaz. Trong liên quân này thì quân của Cumans là mạnh nhất. Cumans là một giống dân du mục, gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống rải rác từ hồ Balkhash đến vùng phía bắc biển Hắc Hải. Trong lúc Mông Cổ bành trướng đế quốc, thì giống người này dưới quyền lãnh đạo của chúa Koten.

Dưới con mắt của các dân tộc Slavs ở Đông Âu thì Cuman (còn gọi là Polovtsy) là một đám mọi rợ. Cumans trước kia cũng đã từng cướp phá các vùng các lãnh chúa ở Nga. Sau này lãnh chúaMstislav the Bold của Galich (hay còn gọi là Hallych- Gallych) cưới con gái thủ lãnh Koten để có một cuộc sống hòa bình. Volga Bulgars là giống người Nga định cư hai bên sông Volga và sông Don.

Koten chia quân của ông làm hai đạo; một đạo cho em trai tên Yuri cầm đầu và đạo thứ hai do con trai tên Daniel lãnh đạo.

Trong trận đánh đầu tiên quân Mông Cổ bị thua. Mông Cổ liền cử một phái đoàn sang trại của Cumans điều đình. Phái đoàn này thuyết phục Cumans hãy bỏ liên minh và nhắc lại tình anh em du mục giữa người Thổ và Mông. Phái đòan còn cam kết chia tất cả những chiến lợi phẩm thu hoạch được từ vùng Caucasus lại cho các bộ lạc Cumans. Nghe bùi tai, Cumans cho rút quân. Mông Cổ lập tức tấn công các cánh quân khác và tiêu diệt họ. Sau đó, Mông Cổ đuổi theo quân Cuman, lúc ấy đã chia làm hai cánh kéo về vùng đất của chúng. Vì bất ngờ và đã bị chia thành nhóm nhỏ, nên hai cánh này cũng bị đánh tan tành.

Koten bỏ chạy về nơi con rể của ông ta- Mstislav Mstilavich có biệt danh là Mstislav the Bold[1] báo tin. Mstislav Mstilavich là lãnh chúa vùng Galich[2]

[1] Bold: tiếng Anh có nghĩa là dũng cảm. Ông này là con Mstislav the Brave và nổi danh khắp vùng đông Âu khi ông lãnh dạo các cuộc chinh chiến với dân du mục Cuman. Năm 1212 đến 1215, ông liên tiếp đụng độ với Kiev. Cuối cùng loại được lãnh chúa Vsevolod IV, rồi đưa chú của ông là Mstislav Romanovich lên ngôi.

[2]  Còn được gọi dưới nhiều tên khác nhau như: Galicia, Hallych- Gallych, nằm ở phía tây nam Kiev.

 

B-    Liên minh các thành trì của Nga.

  1. Tình trạng xã hội và địa lý Nga-Kiev trước 1223. 

Trước nhất ta hãy nhìn qua địa thế, lịch sử và tình trạng vùng đất Nga và Kiev hồi ấy. Thời gian này, Nga chưa thống nhất thành một quốc gia như ngày nay, mà phân chia thành cả trăm lãnh địa, mỗi lãnh địa là một tiểu quốc, có vài tòa thành cổ, cai quản bởi một lãnh chúa tự xưng là prince – lãnh chúa. Tất cả dân vùng này đều là gốc Slave và Viking.

Các lãnh chúa thường đóng quân trong tòa thành cổ, rồi thu lợi tức từ các nông dân trong vùng. Họ đem quân đi đánh dẹp nếu các đám du mục nào vào cướp phá. Khi đuổi quân cướp đi, họ lại đem quân về thành. Chuyện đánh đuổi mới nhất là chính chuyện dẹp đám người Cumans.

Các lãnh chúa này thường va chạm nhau vì quyền lợi lãnh thổ, tài sản hay vì người đẹp, do đó chẳng ai ưa ai. Quân đội của các vị lãnh chúa gồm một thiểu số lính chính quy, là kị binh với giáp trụ nặng nề, vững chắc bằng kim loại. Các bộ áo giáp của các hiệp sĩ Âu Châu nặng đến nỗi khi ngã xuống đứng dạy không nổi.

Vũ khí của họ là búa, trùy, kiếm to bản, hay thương (lance). Vũ khí này mà đánh trúng một kị binh Mông Cổ thì người này chết lập tức. Tuy nhiên, vì nặng nề nên di chuyển chậm chạp. Họ thường tổ chức các cuộc đọ sức bằng cách đấu thương. Nói tóm lại đây gọi là các hiệp sĩ thời trung cổ (knight).

Ngoài toán lính chuyên nghiệp trên, các lãnh chúa còn một số đông bộ binh, được tuyển từ các nông dân trong phần đất mà họ cai quản. Trong lối luyện quân cho đám bộ binh này là thường là bắn nỏ. 

Mãi tới cuối thể kỉ thứ X thì vùng này mới có thay đổi. Lãnh địa lớn nhất ở quanh vùng nước Nga ngày ấy là Kiev trên bờ tây sông Dnieper. Kiev đã trở thành hùng cường từ đó, nhờ con sông Dnieper. Vào các mùa xuân hạ thu, khi nước tan băng, các tàu buôn từ các nước ven Địa Trung Hải đem hàng hóa gồm áo lông thú, mật ong và sáp ong vào Hắc Hải rồi theo con sông này đến thành phố Kiev thủ phủ của lãnh địa Kiev. Từ đây, hàng hóa mới chuyển lên các địa phương khác. Còn hàng hóa địa phương cũng được đem về thành phố này, theo sông mà ra biển theo hành trình ngược lại.

Năm 980, một lãnh chúa Kiev tên là Vladimir the Great đã đánh dẹp nhiều lãnh chúa nhở để làm nên một vương quốc rộng lớn mà người ta thường gọi là Kiev Rus’. Vì ông là lãnh chúa Kiev, nên thủ đô đương nhiên là Kiev[1]. Ông này cũng là người đầu tiên chấp nhận đạo Thiên Chúa ngành Orthodox. Một lý do chính mà ông không chấp nhận đạo Hồi là vì đạo này cấm uống rượu. Trước thời gian này dân slave thờ đa thần, tùy theo hiện tượng thiên nhiên.

Vị lãnh chúa kế là Yaroslav the Wise cũng đã làm Kiev thêm ổn định mở mang.

Bản đồ Nga ở thế kỉ XIII. (Sửa chữa lại từ bản đồ từ quyển “Russia and the USSR” Peter Neville)

Bản đồ Nga ở thế kỉ XIII. (Sửa chữa lại từ bản đồ từ quyển “Russia and the USSR” Peter Neville)

Bản đồ này cho ta thấy lãnh thổ của Kiev từ Galich ở miền nam lên đến bắc của nước Nga bây giờ và bao trùm luôn Belarus, Moscow, Suzdal và Novgorod. 

Đến thế kỉ XI, vì nạn cướp bóc của đám Cumans, nhiều dân rời Kiev lên định cư ở phần đất phía bắc thuộc Novgorod và Suzdal. Đồng thời dân nơi dây lại khám phá ra con sông Volga có thể chuyển hàng từ biển Baltic đến biển hồ Caspian, nên Kiev bắt đầu suy thoái. Một động cơ thúc đẩy khác là các cộng đồng của các thị tộc càng ngày càng đông. Họ không thích bị chi phối bởi một thủ lãnh ở xa và phức tạp. Đến thế kỉ XII, Kiev tuy còn mạnh nhưng so với trước thì thua xa. Kiev lúc này đã chia ra làm 64 lãnh địa mà hai lãnh địa mạnh nhất ngoài Kiev là Suzdal và Novgorod. Các lãnh địa này cũng rơi vào tình trạng cũ là lục đục, cãi cọ và đánh nhau túi bụi.

  1. Chuẩn bị cho trận Kalka.

Khi Mstislav the Bold, lãnh chúa của Galich, được tin từ bố vợ về quân Mông Cổ ông vẫn dửng dưng. Ông con rể này không tin và vì còn bực bội chuyện cũ là dân Cumans, mà người Nga gọi là Polovtsian, đã từng cướp phá đất ông ta.

Mãi một năm sau, năm 1223, Mstislav the Bold nghe tin quân Mông Cổ đã đến sát bờ sông Dnieper, ngay cạnh biên giới của Galich. Lúc ấy, vị lãnh chúa này liền báo tin cho các lãnh chúa khác trong vùng gồm cả các lãnh địa thuộc Kiev (Ukrain ngày nay), Belarussia, tổng cộng 19 người. Khi nghe tin, họ cũng tập trung quân đội đến hợp với Mstislav the Bold, mặc dù họ không ưa đám cướp phá Cumans, cũng như thù hằn giữa các lãnh chúa với nhau. Tất cả hẹn gặp tại hòn đảo Khortitsa (tiếng Ukrain: Хортиця, và thiếng Nga là: Хортица) trên sông Dnieper (nay thuộc thành phốZaporizhia và gần hồ chứa nước Kakhovka của Ukrain).

Về số quân tham chiến, cũng như hầu hết lịch sử thời ấy còn rất mơ hồ, mỗi nguồn nói một cách khác nhau.

Mông Cổ:

Theo Leo de Hartog viết trong quyển: “Genghis Khan conqueror of the World” thì số quân Mông Cổ là 20000 người. Nhưng theo Richard Gabriel trong quyển: “Subutai The Valiant: Genghis Khan’s Greatest General” thì nói 23000 người. Con số này còn lớn hơn nữa nếu theo trang Russia the Great với 30000 ngàn quân.

Liên minh Nga:

Theo Hector Hugh Munro trong quyển “The Rise of the Russian Empire”, “Mongol: ACountry Study” xuất bản bởi Federal Research Division Library of Congress, edited by Rober L Worden và Andrea Matles Savada và Richard Gabriel trong quyển: “Subutai The Valiant: Genghis Khan’s Greatest General” thì nói 80000 người. Trong khi ấy, Leo de Hartog cũng viết trong quyển: “Genghis Khan  conqueror of the World” thì số quân của liên minh Nga-Kiev 30000 người.

Liên minh Nga gồm có các lực lượng và người chỉ huy sau:

  1. Quân Galich – Mstislav Mstilavich (Mstislav the Bold).
  2. Quân Kiev – Mstislav III- Romanovich (chú của Mstislav the Bold).
  3. Quân Cumen (Polovtsian) – Koten.
  4. Quân Chernigov – Mstislav.
  5. Quân Volhynian – Daniil Romanovich.
  6. Quân Kursk do lãnh chúa của họ đem tới.
  7. Ngoài ra còn khoảng 13 lãnh chúa với số quân tương đối nhỏ họ tham dự.[1][2]

Nhưng dù con số nào thì số quân thiện chiến của lực lượng này là kị binh chỉ khoảng 20000 lính mà thôi và đám lính này cũng chỉ có kinh nghiệm giao chiến kiểu Âu Châu chứ chưa bao giờ đánh trận toàn kị binh và vài chục ngàn quân một lượt. Đám lính có kinh nghiệm nhất đối với Mông Cổ là đám Cuman của Koten.

 [1] Kiev là thủ đô nước Ukrain. Mãi đến năm 1922 mới nhập vào Liên Xô. Sau năm 1991 lại tách khỏi Liên Xô.

[2] Theo quyển “A History of Russia” của Jesse D. Clakson thì xứ Zudal cũng cho quân tới giúp Mstislav Mstilavich, nhưng bản thân ông thì không đi.

 

Ngay khi nghe tin liên hiệp Nga đang chuẩn bị tấn công thì Mông Cổ cho quân tiến sang hướng đông để tránh. Đó là đường đi duy nhất mà họ có thể thi hành lúc ấy và cũng là đường họ về với đại quân của Thành Cát Tư Hãn. Họ đang mong đợi viện binh do người con cả của Thành Cát Tư Hãn đang ở vùng Kazakstan. Tuy nhiên, Jochi lúc ấy đã li khai với hoàng tộc và đang bị bệnh (Ông này chết năm 1227 trước Thành Cát Tư Hãn vài tháng, và người ta ngờ rằng Thành cát Tư Hãn hay Chagatai âm mưu hạ độc ). Vì vậy viện quân Mông Cổ không bao giờ tới với Jebe và Subutai.

Khi hội họp để bàn cách bao vây quân Mông Cổ, đang đóng gần sông Kalka, thì mỗi lãnh chúa bàn một cách, chẳng ai nghe ai, vì không có một thủ lãnh thật sự. Cuối cùng cũng có một thỏa hiệp, quân Galich, và Volhynian cùng vài lãnh chúa khác đi về phương nam, trong khi quân Kiev, Chernigov và một hai lãnh chúa nữa thì tiến về phía bắc. Vì Cuman đã có kinh nghiệm giao chiến với Mông Cổ rồi nên có nhiệm vụ tấn công thẳng từ hướng tây sang.

Sông Kalka hiện nay không còn vết tích, nhưng người ta đoán đó chính là sông Kalchik chảy trên địa phận Donetsk Oblast, của Ukrain ngày nay; sông này đổ vào biển Azov[1].

Khi nghe tin này Jebe cử một đoàn gồm 10 sứ giả sang thương thuyết với Mstislav Romanovich III chỉ huy cánh quân Kiev. Họ báo rằng Mông Cổ không có thù oán gì với người Nga mà chỉ muốn đánh Cuman. Họ còn thêm rằng Mông Cổ đang đi về hướng đông tránh xa các thành phố của người Nga. Mstislav của Kiev, đem hành quyết đám sứ giả này. Jebe lại cho một toán Mông Cổ thứ hai sang trại quân Kiev và tuyên chiến với họ.

Bản đồ hành quân của lien hiệp Nga

Bản đồ hành quân của lien hiệp Nga

Lúc tiến về phương đông, cánh quân Galich của Mstislav the Bold gặp một toán Mông Cổ độ 1000 quân do thiên phu trưởng Gemyabeck chỉ huy. Theo một số tài liệu nói đó là quân Mông Cổ bị lạc, trong khi một số khác nói đó là đám quân đoạn hậu. Lính Galich không ngờ quân Mông Cổ chỉ trang bị với cung tên cùng dây thừng để bắt thú. Quân Galich đã đánh đám này bỏ chạy dễ dàng, nên càng ngày càng tỏ ý kinh thường địch quân. Riêng Gemyabeck (Hamabek) thì bị bắt sống, rồi cũng bị hành quyết.

Trong khi đó Daniil Romanovich cũng dẫn một toán thám sát đụng độ với một toán quân Mông Cổ khác và cũng đánh bại toán này.

Khi quân các cánh khép chặt vòng vây để chuẩn bị tấn công, thì các lãnh chúa lại cãi vả nhau về vấn đề chiến thuật. Kết quả lại tự ý hành động không theo cùng thời gian hoạt động, nên đến sông Kalka không nhịp nhàng. Koten dẫn đoàn quân Cuman và Daniil dẫn lính Volhynia đến sông Kalka đầu tiên. Quân Galich do Mstislav the bold chỉ huy cùng Chernigov do Mstislav điều kiển đến kế tiếp. Quân đội Kiev thì thụt lui mãi tận phía sau.

Đội nỏ của Cuman và Volhynia, được hỗ trợ  bởi kị binh nặng tỏ ra rất hiệu nghiệm làm quân Mông Cổ thất thế. Nhưng đại quân chưa tới, nên quân của Cuman và Volhynia  không thanh toán được chiến trường. Lập tức Sabutai cho áp dụng chiến thuật giả thua. Ông ta cho lệnh kị binh Mông Cổ cứ chạy về phía đông. Liên quân Nga thấy thắng thế đuổi theo, nhưng dĩ nhiên cũng rời rạc, không liên kết thành một toán để yểm trợ nhau.

Sau 9 ngày đuổi bắt, toán khinh binh của đám người Polovtsian (Cumans) và Volhynian đã bỏ xa toán vũ khí nặng yểm trợ. Quân Mông Cổ rút qua cầu để sang bờ đông; đám khinh binh của liên quân vẫn đuổi theo. Đây là giờ phút của Subutai, ông ta cho toán quân bài chủ yếu trong trận xung công. Đến lúc ấy, toán binh Cumans thấy phía trước có sương khói che phủ, rồi đám lính Mông Cổ với cung tên biến mất sau màn khói ấy. Khi vừa đến nơi toán lính Cumans thấy lù lù trong khói toán Mông Cổ trở lại. Nhưng không phải toán kị nhẹ mà là toán kị nặng. Toán kị nặng này tấn công toán khinh binh của Cuman chưa sắp đội ngũ, và quá gần nên cung tên hết hiệu nghiệm. Đám này chống không lại, bị chết rất nhiều.

Đám còn lại phải bỏ chạy ngược về thì gặp quân khinh binh của Volhynian và Kursk. Hai đoàn quân này phải tránh đường cho quân Cuman tháo lui. Jebe và Subutai ra lệnh cho hai tướng Tsusyr và Teshy đem khinh binh đánh vào sườn đám quân vô trật tự trên. Thế rồi cả ba đám của liên quân cùng tháo lui về phía cầu. Lúc gần đến cầu, thì đụng ngay đoàn quân của Ghernigov và Galich đang trong tiến trình qua sông và không biết trận đánh đã khởi động mà bên thượng phong là Mông Cổ. Liên quân lại càng trong tình trạng hỗn loạn kẻ tới người lùi, trong khi ba mặt bị giáp công.

Trận đánh này làm thủ lãnh Mstislav của Chernigov tử trận rồi cả đoàn quân không chủ này bỏ chạy về hướng tây. Quân Galich cố duy trì trận đánh, nhưng quân Mông Cổ bắn ngựa của đoàn quân này, ngựa chết thì các hiệp sĩ của Galich trở thành bộ binh, mà phải đeo các vũ khí nặng nên chống không nổi với kị binh Mông Cổ. Mastislav the bold đành dẫn quân chạy về sông Dnieper. Quân Mông Cổ đuổi theo tấn công từng đợt rồi biến mất cho đến cả trăm km. Khi Mstislav the Bold vượt được sông Dnieper, ông cho lệnh phá hủy tất cả thuyền bè mà ông tìm thấy. Tuy nhiên người hùng “Can Đảm” này nhận ra rằng ông là người duy nhất bỏ chạy qua con sông ấy. Tuy vậy, Mông Cổ không qua con sông mà quay lại phương đông.

Khi cánh quân 10000 người của Kiev, tiến đến gần cầu thì chứng kiến cảnh Chenigov tháo chạy. Mstislav Romanovich ra lệnh cho quân rút lui về trại quân lúc mới khởi hành ven sông Dnieper và dùng xe vây quanh làm thành hàng phòng tuyến. Quân Kiev đánh nhau 3 ngày thì hết nước uống. Chuyện phải đến cuối cùng cũng đến, Mstislav Romanovich cùng các nhà quý phái Kiev bàn nhau xin hàng và xin Mông Cổ cho họ rút lui an toàn. Mông Cổ hứa nếu Kiev hàng thì một giọt máu của các nhà quí phái Kiev sẽ không đổ. Nhưng sau khi quân Kiev hàng, Mông Cổ tàn sát tất cả đoàn lính này, còn Mstislav III- Romanovich cùng các nhà quí phái bị bắt, nhốt xuống một hố sâu, lót ván bên trên. Chiều tối hôm ấy, Mông Cổ mở tiệc ăn mừng chiến thắng, các tướng Mông Cổ ngồi trên các tấm ván che hầm. Mstislav III cùng các nhà quí phái Kiev từ từ chết ngạt. Đây là cuộc trả thù giết sứ giả và cũng giữ đúng lời hứa là không một giọt máu của giới quý tộc Kiev sẽ đổ.

Trah mô tả quân Mông Cổ đánh bại quân Nga ở trận sông Kalka

Trah mô tả quân Mông Cổ đánh bại quân Nga ở trận sông Kalka

[1] Quyển “A History of Russia” của Jesse D. Clakson thì ghi lại đây là một phụ lưu của sông Don.

 

  1. Kết quả

Trận đánh này, 6 lãnh chúa và bẩy mươi nhà quí tộc liên quân Nga đã thiệt mạng. Về số quân tử trận thì cũng có nhiều nguồn tin khác nhau. Theo Nikonian Chronicle và Richard Gabriel trong quyển: “Subutai The Valiant: Genghis Khan’s Greatest General” thì nói liên quân Nga bị thiệt hại 60000 người. Nhưng theo The Primary Chronicle thì con số ấy là 10000 người.[1]

Theo nhà sử học John Fennell chuyên về Nga thời phôi thai thì nói con số về lính tham chiến cũng như thương vong quá mù mờ. Nhưng với con số nào thì con số thiệt hại của liên quân ít nhất là 50%.

Sau trận đánh lịch sử này, quân Mông Cổ tiếp tục quay về đại quân của Thành Cát Tư Hãn. Khi vượt sông Volga thì bị phục kích bởi các quân Volga Bulgaria, quân của iltäbär (vua) Ghabdulla Chelbir của xứ Bulgar, cộng thêm quân của inäzors (hoàng tử)MordvinPureshPurgaz gần Samara Bend làm thiệt hại quân Mông. Tuy nhiên, Mông cổ không đánh trả và chỉ lo rút lui.

Theo “Mongol: A Country Study” thì Jebe bị bệnh chết đường về ở phía bắc biển Caspian. Sau ba năm vượt trên 4000 miles (6,500 km- có sách nói trên 5000 mile hay trên 8000 km), Subutai đã đem 2 tjumen về họp với đại quân. Nhưng theo “Subutai The Valiant: Genghis Khan’s Greatest General” Jebe chết sau khi gặp được đại quân.

Russia chronicler viết: Chúng tôi chẳng biết đám đó từ đâu tới, hay chúng lại trốn nơi nao; Chúa biết nơi nào tìm ra họ để trừ những tội của chúng tôi. [We know not whence they come, nor where they hid themselves again; God knows whence he fetched them against us for our sins.][2] Theo sử gia Robert Marshall thì cuộc hành quân của Subutai đã đi vào lịch sử như là một cuộc hành quân vĩ đại nhất trong lịch sử kị binh của thế giới.  Còn sử gia Charles Halperin thì cho rằng sự tàn phá của bộ máy chiến tranh Mông Cổ đã làm lu mờ tất cả những gì mà người Nga đã thấy từ trước.            

[1] Theo quyển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của ông Hà Văn Tấn và bà Phạm Thị Tâm, trang 318, có ghi lại cuộc viễn chinh của Jebe và Subutai như sau:

“Khi quân MC từ trung Á tiến đánh châu Âu, liên quân các công quốc Nga, Xu-dơ-đan, Xmo-len, Ki-ép, Tréc-ni-nốp đã chặn giặc ở sông Kan-la, Nhưng ngay trong giờ phút nguy cấp, các công vương đã bất hòa nhau và chiến đấu đơn độc….” 

[2] Trich ở trang 49, quyển “A History of Russia” của Jesse D. Clarkson.

 

II. Đánh Nga lần thứ hai : Cuộc hành quân của Batu và Subutai

Bản đồ cuộc hành quân của Batu và Subutai

Bản đồ cuộc hành quân của Batu và Subutai

A- Thời kỳ tiến chiến

Sau khi Mông Cổ đi khỏi, các lãnh chúa Nga lại tiếp tục cãi vã tranh giành nhau trong 15 năm.

Năm 1232 Mông Cổ đem quân chinh phục bộ tộcBashkiria[1] ở đông nam dãy núi Ural, đây là một phần của Volga Bulgaria. Sau trận thắng ở Samara Bend, người Volga Bulgaria xây xựng tuyến phòng thủ Bilär là kinh đô của họ để chống lại Mông Cổ.

Năm 1236, Batu Khan- con của Jochi, cháu nội Thành Cát Tư Hãn- đem quân sang đánh Âu Châu. Lúc này Subutai đã hoàn tất việc diệt Tây Hạ, Kim nên lại được phái sang điều kiển cánh quân ấy, dù là ông đã gần 70 tuổi và rất béo.

Về con số tham dự cuộc viễn chinh này cũng có nhiều mơ hồ. Phần đông các tài liệu đều viết con số là 35000 kị binh. Trong quyển “Russia and the USSR” của Peter Neville, trang 16 thì viết: “…Subudei cho 120000 chiến sĩ vượt qua sông Volga đóng băng, sau đó họ âm thầm tiến qua khu rừng dày trên bờ sông.” [… Subedei who sent a vast of army of 120,000 warriors across the frozen Volga, after which they advanced unobserved throught the thick the tick forest on its western bank.”]. Con số này được ủng hộ bởi Leo de Hartog trong “Genghis Khan conqueror of the World”. Quyển “A History of Russia” của Jesse D. Clakson thì ghi lại con số trên 100000. Đối với trang Russia the Great trên net, con số lên đến 140000. Trong khi quyển sử của Đại Học Cambridge về Trung Quốc do tác giả Patricia Buckley Ebrey viết ở trang 170 thì nói con số này là 150000 gồm cả gốc người MC, Thổ Nhĩ Kì và Ba Tư.

Riêng ở trang 20 trong quyển “Mongolia: A Country Study” có viết đoạn sau: Trên danh nghĩa người điều khiển là Batu, vì đó là người thừa hưởng từ Thành Cát Tư Hãn, nhưng trên thực tế vị chỉ huy là Subetei (Subutai) già cả, vẫn rất sáng suốt. Ông ta có lẽ là vị tướng tài năng nhất sau Thành Cát Tư Hãn, và đã từng là một trong các vị chỉ huy của cuộc hành quân trinh sát vào vùng nam Nga, mười lăm năm trước.

Người Bulgar bị bại năm 1236, và vào tháng chạp 1237, Subetei cùng Batu dẫn một đạo quân gồm 600000 (sáu trăm ngàn) người vượt qua dòng sông Volga đóng băng…[Nominal command was to be exercised by Batu, because this was the part of the world he had inherited from Chinggis. The actual commander was the aging, but still brilliant, Subetei. He was properly the most gifted of all Mongol generals, after Chinggis himself, and he had been one of the commanders of the momentours reconnaissance that had been though southern Russia fifteen years earlier. The Bulgars were defeated in 1236, and in December 1237 Subetei and Batu led an army of 600,000 across the frozen Volga River]

Trang www.republicanchina.org cũng công nhận con số 600000 quân này.

Không hiểu tai sao lại có một con số quá chênh lệch như vậy? Vì sách viết lại có dấu “,” để ngăn cách đơn vị ngàn, nếu không ta có thể nghĩ người đánh máy sai là chỉ 60000 mà thôi. Cũng có thể sách ghi lại con số của cả gia đình mà đoàn quân đem theo chăng? Nhưng nếu là cả gia đình, vợ con… của lính Mông Cổ được đếm vào thì con số này vẫn quá cao. Giả sử số quân là 35000 với gia đình thì mỗi gia đình trung bình là phải 17 người. Còn nếu là 120000 quân cộng thêm người trong gia đình thì có thể chấp nhận được.

B- Đánh Volga Bulgars.

Đoàn quân này tiến sang phương tây, bao vây kinh thànhBilär của Volga Bulgaria. Đây là trận phục thù của Mông Cổ sau khi bị bại trong cuộc phục khích ở Samara Bend, năm 1223. Quân của Subutai vây thành này trong 45 ngày. Cuối cùng Bilär cũng thất thủ trước vó ngựa của Batu, cháu nội Thành Cát Tư Hãn. Nhiều thành phố của nước này cũng bị rơi vào tay của Batu và Sutubai nhưBolghar, Suar, Cükätaw…Theo “Russia and the USSR” của Peter Neville thì Mông Cổ đã giết 50000 ngàn dân nơi đây. Trận đánh này làm cho rất nhiều dân nơi đây đổ xô về Riazan và Vladimir. Thật ra các làn sóng dân tị nạn nơi đây phải là các dấu hiệu để lãnh chúa Yuri II xứ Vladimir biết mà đề phòng. Tuy nhiên, vị lãnh chúa này vẫn thờ ơ.

C- Đánh Riazan.

Mùa đông năm 1237 đến, sau khi kiểm soát được Volga Bulgars, quân Mông Cổ, lợi dụng sông Volga đóng băng, vượt qua rồi tiến đến sông Nukhla thì hạ trại dừng quân.

Vì Mstislav the Bold đã chết năm 1228 sau nhiều ngày tháng long đong. Riêng về Kiev, sau thời gian huy hoàng từ thế kỷ thứ X đến XI thì đã xuống. Đến lúc Mstislav III của Kiev tử trận năm 1223 ở sông Kalka thì Kiev xuống dốc luôn, nên tình trạng Nga đã thay đổi. Subutai biết rằng trong các thủ lãnh mới của Nga thì Quận Công Yuri II trong thành Vladimir của lãnh địa Zudalia và lãnh chúa của địa phận Novgorod là mạnh nhất. Còn các anh em vừa họ vừa ruột của Yuri II cai trị các thành phố của lãnh địa Suzdalia và lãnh địa Riazan(Ryazan), sát cạnh ở phía nam. Người Nga gọi các chúa tể cai quản này là “knyazes” (lãnh tụ).

Theo quyển “Russia” của Derek C Maus dịch từ“Novogorod Chronicle” thì Subutai gửi sứ đoàn gồm ba người một mụ phù thủy cùng hai người đàn ông đến gặp các knyazes của các địa phận thuộc Riazan và của các thành phố khác là Pronsk, Murom. Điều kiện của Mông Cổ là Riazan và Suzdalia phải nộp đàn ông, ngựa với con số là 1/10 của tổng số người cũng như ngựa. Cũng từ quyển đó thì trước lúc ấy không lâu Yuri cùng các anh em ruột cũng như họ là Roman Ingorevich, Oleg và Yaroslav đang cãi nhau ầm ĩ[1]. Lúc nhận được điều kiện thì ba người Roman Ingorovich, Oleg và Yaroslav cử người lên cầu viện thủ lãnh Yuri II. Yuri không muốn cứu viện mà muốn tự ông trực diện với Mông Cổ. Ông trả lời với sứ giả Mông Cổ là “Chỉ khi nào anh em chúng tôi không còn ai thì tất cả đều thuộc về các ông” [Only when none of us remain then all will be yours.]

Theo quyển “Russia and the USSR” hai tuần sau Mông Cổ đến vây các thành phố của Riazan. Tuy nhiên ba knyazes cũng đã đánh thắng quân Mông Cổ trong một vài trận nhỏ. Nhưng sau đó họ đều bị bao vây trong lâu đài cổ của họ ở thủ phủ cũng có tên Riazan. Quân Mông Cổ đã lấy cọc gỗ làm một hàng rào quanh lâu đài, để cắt hết tiếp viện từ bên ngoài. Sau 5 ngày công hãm, quân Mông Cổ đã tràn ngập cổ thành. Họ bắt tất cả những người trong dòng họ quý phái đem giết hết, rất nhiều dân chúng bị họ lột da đem treo lên cây. Tất cả phụ nữ đẹp kể cả các bà tu sĩ đều bị lần lượt hãm hiếp. Đến lúc ấy, người Nga mới hiểu được cái man rợ của Mông Cổ là gì.

Theo Novgorod Chronicle thì khi Mông Cổ mở cuộc tấn công thì knyazes Yuri (em của Yuri II) của thành Riazan đem quyến thuộc vào lâu đài rồi đóng cửa lại. Trong khi ấy, knyazesRoman Ingorovich đem quân chống cự. Yuri II ở Vladimir gởi tướng Yeremei (trên mạng thì nói là con) đến giúp Roman Ingorovich. Nhưng cuối cùng, dù đã chống cự mãnh liệt, quân Mông Cổ đã bao vây hai người này ở thành phố Kolomno (Kolomna) rồi họ bị giết chết vào ngày 21 tháng 12. Thủ lãnh thành Moscow đã bỏ chạy, dù là quân giặc chưa tới. Trong trận này, Voskresensk Chronicle viết một bài liên quan đến chiến thuật của Subutai và Batu. Stephen Turnbull  viết lại bài ấy như sau: Batu thay thường xuyên đổi lực lượng tấn công bởi các lính khẻo mạnh, đã được nghỉ ngơi, trong khi dân thành Riazan chiến đấu mà không có tiếp viện. (Batu changed his regiments frequently, replacing them with fresh troops, while the citizens of Razan fought with relief…)[2]

[1] Vì nhiều sách nói người này là em ruột, sách kia lại nói ngược lại, nên tôi không biết chính xác ai là em ruột của Yuri III.

[2] Trích trang 45, Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400.

 

D- Đánh Vladimir- Suzdalia- Novgorod.

Bây giờ đến mục tiêu kế tiếp là lãnh địa của Yuri II.

Trang 66 quyển The History of Nations Russia đã thuật lại theo Novgorod Chronicle phần sau. Những kẻ tà giáo vô thần Tartars lại tiến đến Volodimir    (Vladimir) để lột da, lấy máu những người theo Cơ Đốc giáo. Yuri II bỏ thành Volodimir chạy lên Yaroslavl, trong lúc con trai của ông là Vsevolod cùng mẹ và tất cả hoàng tộc cùng các “vladyka” (người quý tộc), đóng cửa thành chống cự.

Một buổi sáng, Vsevolod và vladyka Mitrofan nhận ra rằng họ không còn tia hi vọng nào, nên đành rút vào nhà thờ Holy Mother of God (Mẹ Thiêng Liêng của Chúa). Thành phố bấy giờ đã ngập trong khói lửa, nhiều thường dân cũng chạy vào nhà thờ trú ẩn nơi chứa các dụng cụ hành lễ. Những kẻ sống ngoài vòng pháp luật chất củi đốt cháy rụi ngôi nhà thờ cùng những kẻ trốn bên trong.

Cùng khi ấy một đoàn quân Mông Cổ khác đuổi theo Yuri II. Tại Yaroslavl, Yuri II cho Dorozh đem 3000 quân ra ngoài trinh sát. Chỉ một thời gian sau, Dorozh chạy về báo: Thưa Lãnh Chúa; chúng nó đã bao vây chúng ta. (They have already surrounded us, knayaz.) [1]Yuri II cho lệnh tập trung quân đội, nhưng quá trễ. Quân Mông Cổ đã xuất hiện! Vị lãnh chúa này chỉ còn cách phóng lên ngựa chạy. Đến bờ sông Sit[2] thì quân Mông Cổ bắt kịp và kết liễu mạng ông ta.

Số mạng các thành phố khác: Rostov, Suzdale cũng cùng kết quả. Quân Mông Cổ quay về  tàn phá Moscow, Preeyaslasl, Yurev, Dmitrov, Volok và Tver. Hai lãnh địa Riazan và Suzdalia hoàn toàn dưới sự khống chế của Mông Cổ. Họ quay sang phần lãnh địa của Novgorod.

Dân chúng nơi này quá khiếp hãi sự tàn ác, hung hăng của Mông Cổ. Thành đầu tiên chúng nhắm tới ngay cạnh biên giới. Đó là thành phố Torzhok. Tất cả mọi người từ già trẻ trai gái đều nỗ lực chống lại quân xâm lược. Mông Cổ cũng dùng chiến thuật chất củi, cây vây quanh thành tấn công liên tiếp hai tuần lễ. Dân nơi đây đã kiệt lực và chán nản vì không có quân tiếp viện từ thành phố Novgorod. Cuối cùng Mông Cổ cũng hạ đựơc thành vào dịp lễ Phục Sinh, rồi tàn sát tất cả đàn ông cùng một số đàn bà. Đội quân tàn ác này tiếp tục, chém giết người như cắt cỏ, trên con đường đánh chiếm dài đến 100 versts (khoảng 100 km).

Quyển History of Nations Russia, trang 67, thuật lại Novgorod Chronicle không nói tiếp chiến cuộc ra sao, nhưng viết tiếp: Sự trừng phạt của Thượng Đế trên toàn thể đất Nga mà không thương xót sao? Thượng Đế để cho kẻ vô thần dày vò trên tội lỗi của chúng ta. Thượng Đế đem kẻ ngoại bang vào đất nước ta trong sự bực tức của ngài và rồi chúng ta bị nghiền nát bởi các kẻ ấy. Họ sẽ nhắc nhở nhớ đến Thượng Đế… (God’s infliction on the whole Russian Land, does not lament? God let the pagans on us for our sins. God brings foreigners on to the land in his wrath and thus crushed by them, they will be reminded of God…)

Trong quyển “Russia and the USSR” thì đưa ra một kết luận bớt thảm khốc hơn.

Trong hai tuần vây hãm Torzhok nhưng thành vẫn không bị hạ. Bây giờ mùa xuân đã tới, nước băng tan dần, đất đai ướt sũng bùn lày khắp nơi. Kị binh Mông Cổ không còn hiệu nghiệm. Batu và Subutai đành cho quân quay về phương nam tàn phá lãnh địa Chernigov, nhưng cố tránh các thành trì kiên cố. Một chuyện bất ngờ, đạo quân của thành Kozelsk đem quân chặn đánh đội tiền đạo Mông Cổ và làm tổn thất cho đạo quân này. Quân Mông Cổ liền bao vây thành  Kozelsk. Theo Wikipedia thì vị hoàng tử trẻ tuổi can đảm Visily chống cự trong 7 tuần lễ và giết 4000 quân xâm lược, nhưng thành phố đã bị quân Mông Cổ gán cho thành phố một  cái tên không mấy đẹp; ấy là “City of Sorrow” (Thành phố của buồn thảm).

Có lẽ đã chán ngấy với máu và chiến đấu. Quân Mông Cổ lui về thảo nguyên phương nam vào mùa hè 1239 để cho quân sĩ nghỉ ngơi trên các cánh đồng xanh mát.

Theo Russia.com và Indopedia thì dù Novgorod thoát khỏi cuộc xâm lăng của Mông Cổ, nhưng xứ này vẫn phải nộp cống để tránh cuộc xâm lăng khác.

E- Đánh Kiev.

Mùa hè năm sau, Batu và Sabutai lại cho tiến quân về hướng Kiev. Sau khi đánh phá các thành trì trên đường thì mùa đông cũng đến, lợi dụng sông Dnieper đóng băng quân Mông Cổ lại vượt sông tấn công Kiev.

Mông Cổ lại cho sứ giả vào thành gọi đầu hàng.

Kiev lúc này nằm trong sự kiểm soát của xứ Gallich và người quản lý thành phố là do Daniel của Gallich chỉ định. Khi các sứ giả Mông Cổ tới, lãnh chúa Daniel ra lệnh giết các sứ giả. Việc này làm cho Batu quyết chí tiêu diệt Kiev.

Khi quân Mông đến bao vây thành phố, dân thành phố không còn đường trốn chạy. Stephen Turnbull đã dựa vào các cổ sử ghi lại ở trang 48, quyển “Genghis Khan & the Mongol Conquests 1190-1400”, đọan sau: Quân Thát Đát đã bao vây thành phố. Không một ai có thể ra hay vào thành. Tiếng kẽo kẹt của xe kéo, tiếng rống của lạc đà, tiếng kèn, trống, tiếng hí của ngựa và tiếng than khóc của những đám đông không đếm nổi làm cho không còn thể nghe được ngừơi này gọi người kia trong thành. (The Tartar force besieged it and it was impossible either to leave ir to enter it. Squeaking of wagons, bellowing of camels, sound of trumpets and organs, neighing of horses, and cries and sobs of an innumerable multitude of people made it impossible to hear one another in the city.)

Sau vài đợt công hãm, tường thành sụp đổ và quân Mông tràn vào. Cuộc chiến tiếp tục trong các đường phố, trên các đống gạch vụn. Dân chúng xây các tuyến phòng thủ mới quanh nhà thờ Virgin Mary. Quân Mông tàn sát dân chúng làm họ càng hoảng sợ, tranh nhau vào nhà thờ. Số người vào nhà thờ càng lúc càng đông; họ tranh nhau leo lên tháp chuông. Cuối cùng nhà thờ sụp đổ vì sức nặng của giáo dân.

Chiếm xong, quân Mông Cổ tàn phá cướp bóc làm thành phố trở nên kiệt quệ, và không bao giờ phục hồi lại địa vị của thế kỉ X và XI nữa.

Stephen Turnbull đã ghi lại trong quyển sử trên đọan sau:

“Sáu năm sau (1246), Giovanni di Piano Carpini được lệnh Giáo Hoàng đi qua đây đã viết lại: Trên đường đi qua đây, chúng tôi thấy vô số sọ, xương người nằm ngổn ngang trên đất. Kiev đã là một nơi đô hội, đông người, nhưng giờ đây đã trở thành hoang phế. Bây giờ chỉ khoảng 200 ngôi nhà và dân cư hoàn toàn là nô lệ.”

III/ Đánh Hung- Ba Lan 1241

Bản đồ Hung Nguồn: Hugaria- Geography Department

Bản đồ Hung Nguồn: Hugaria- Geography Department

Hung Gia Lợi là phần đất mà chúa Attila cũng gốc Mông-Thổ tới chiếm năm 430’s[1], rồi làm tan nát Đông Âu một thời. Khi quân Mông Cổ tới Hung, thì đất nước này đang ở trong tình trạng xáo trộn chính trị. Sự xáo trộn này bắt nguồn từ khoảng 60 năm trước khi quân Mông tới, ấy là thời vua Béla III.

Hậu bán thế kỉ thứ XII, nước Hung là một vương quốc rộng lớn, nằm dưới thời vua Béla III. Vua Béla III là một người hay gửi quân theo đoàn thập tự trong cuộc thánh chiến (Crusader[2]) của giáo hội La Mã. Ông có hai hoàng tử: Emeric và Andrew. Vì là em nên Andrew vô phương có thể thay cha làm vua xứ Hung Gia Lợi.

Năm 1188, lãnh chúa Volodymyr II của xứ Halych (hay Galych, Gallich, Galicia), ở ven sông Dniester phía tây Ukrainengày nay, bị các người dưới quyền lật đổ phải chạy đến Hung, xin vua Béla III cho lánh nạn. Vua Béla bắt vị lãnh chúa giam lại, rồi cho hoàng tử Andrew, 11 tuổi, lên làm lãnh chúa xứ Halych. Tuy nhiên Andrew chỉ làm lãnh chúa trên danh nghĩa mà thôi; ông không bao giờ về lãnh thổ Halych cả. Mặc dù vậy, quân lính của vị lãnh chúa tí hon này vẫn về kiểm soát phần đất ấy.

Không lâu sau đó, Volodymyr II, trốn klhỏi tù trở về Halych đánh đuổi quân Hung trở về nứơc.

Năm 1196 vua Béla III băng hà. Emeric lên ngôi, nhưng đa số tiền tài lại trao cho Andrew để ông tiếp tục theo ý cha đem quân theo đoàn Thập Tự. Andrew dùng tiền của mua chuộc các quận công, nam tước trong xứ cũng như tìm sự ủng hộ từ công tước Leopold V của Austria (Áo). Năm sau, ông đem quân đánh bại vua anh Emeric, ở trận Macsek. Ông vua anh phải cắt đất Croatia, Dlamatia[3] cho Andrew.

Năm 1198, Giáo Hoàng Innocent III, yêu cầu Andrew đem quân theo đoàn thập tự đánh Holy Land, đất thánh nay là vùngJerusalem. Ông đem quân đi, nhưng thay vì đi sang phương đông, thì ông lại đem quân đánh các nước láng giềng và cuối cùng lập chương trình đánh vua anh. Emeric nghe tin, liền bắt giam hồng y Boleszlo, người đứng đầu trong đám ủng hộ Andrew, đồng thời cách chức các người ủng hộ ông em. Năm 1199 vua Emeric đánh bại Andrew trong trận Rád; ông này phải bỏ chạy sang Áo. Cuối cùng Giáo Hoàng Legate Gregory làm trung gian hòa giải cho hai anh em. Ông anh lại nhường đất Croatia và Dalmatia cho em cai trị.

Sau năm 1200, Andrew lại chiêu mộ binh mã theo lời vợ, rồi tiến quân định đánh anh lần nữa. Emeric nghe tin binh lính của Andrew đông hơn quân của ông nhiều. Ông đầu đội vương niệm, tay cầm vương trượng (gậy có cẩn ngọc cho nhà vua mà thôi), rồi đơn thân, độc mã sang trại binh của ông em. Ông em cảm phục cái hào hùng của anh và xin đầu hàng.

Chẳng bao lâu sau, Emeric bị bệnh nặng, mà con là Ladislaus còn nhỏ. Ông cho vời Andrew vào và nhờ cậu em làm phụ chính giúp hoàng tử lên ngôi sau này. Năm 1204, vua Emeric băng hà. Andrew giúp Ladislaus lên ngôi và làm phụ chính, nhưng lấy hết tiền của anh cho vào quỹ trên danh nghĩa Ladislaus. Hoàng hậu, vợ vua Emeric sợ cho số mệnh của ấu quân, nên đem ấu quân chạy trốn sang Áo lánh nạn ở lâu đài công tước Leopold VI. Andrew liền chuẩn bị binh mã đánh Áo, nhưng chỉ vài tháng sau thì Ladislaus cũng từ trần. Andrew chính thức lên ngôi.

Ngay sau khi ấy, Andrew rất cởi mở, việc đầu tiên là tặng không các bất động sản của hoàng gia cho các người ủng hộ ông. Ông đặt tên cho công việc này là chính sách novæ institutiones(chính sách mới). Người ta không giải thích tại sao ông lại hành động như vậy, nhưng rất có thể là ông biết nhiều người trong đám nam tước, bá tước không ưa nên đã ban hành chính sách ấy để làm thỏa mãn đối tượng.

Ngoài chính sách cho không trên, ông còn chịu ban hành luật Golden Bull, mà trong đó có nhiều điều kiện nhún nhường giới quý phái. Chẳng hạn như các nam, bá tước, đại diện giáo hội hay cố vấn có quyền ngồi gần nhà vua. Các người này còn có quyền không tuân lệnh vua, nếu nhà vua làm không đúng với các thỏa thuận từ trước. Tất cả các việc trên đều làm suy yếu quyền năng của nhà vua cũng như đất nước.

Năm 1213, khi Andrew đang dẫn quân sang Halych thì vợ ông bị ám sát. Lúc về ông cho hành hình người chủ mưu nhưng tha tất cả tòng phạm. Điều này làm con ông, hoàng tử Béla, phẫn uất. Tuy nhiên, năm sau ông vẫn phong cho cho Béla làm tiểu vương cai quản vùng Croatia, Dlamatia.

Khoảng năm 1216, ông lãnh đạo thập tự quân sang Trung Đông, với sự tham dự của nhiều tiểu quốc, nhưng không có kết quả vì súng công thành không tới đúng hẹn. Trên đường về, ông ghé lại đế quốc Nicaea thăm hoàng đế Theodore I LaskarisTsar (vua)Ivan Asen II của Bulgaria. Nhân đó, ông dàn xếp vài cuộc hôn nhân cho các con của ông và đặc biệt cho Béla.

Nhưng  In 1220, Béla đã cưới Maria Laskarina, công chúa con vua Theodore I Laskaris của xứ Nicaea

0