18/06/2018, 16:00

Dân chủ, Tự do và Bánh táo không phải là chính sách ngoại giao

Căng thẳng leo thang tại Ukraine. (Ảnh: Internet) Stephen M. Walt | Foreign Policy Minh Trang dịch Điều gì đã dẫn đến sai lầm? Iraq đã bị mất kiểm soát. ISIS (Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria) vừa công bố việc thành lập một vương quốc Hồi giáo mới. Cuộc bầu cử tổng thống ở ...

khunghoangukraina_2

Căng thẳng leo thang tại Ukraine. (Ảnh: Internet)

Stephen M. Walt  |  Foreign Policy

Minh Trang dịch

Điều gì đã dẫn đến sai lầm? Iraq đã bị mất kiểm soát. ISIS (Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria) vừa công bố việc thành lập một vương quốc Hồi giáo mới. Cuộc bầu cử tổng thống ở Afghanistan vẫn đang gây tranh cãi và tạo nên một hình ảnh xấu. Các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran đang diễn ra chậm chạp, bao gồm cả những kẻ chống đối tung ra những thủ đoạn mới để phá hoại chúng một cách toàn diện. Ukraine là một bãi chiến trường với một lệnh ngừng bắn tạm thời đang bị huỷ hoại. Trung Quốc tiếp tục có thái độ cứng rắn. Nhật Bản lại đang dính dáng đến quân sự một lần nữa. Và Anh đang tiến gần hơn đến việc rời khỏi Liên minh châu Âu. Tôi có thể tiếp tục liệt kê, nhưng bạn có thể không có đủ thuốc chống trầm cảm.

Đã quá nhiều lời cho “trật tự thế giới mới” mà Tổng thống George H.W. Bush đã từng tuyên bố trong những ngày nhạy cảm sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Đã quá nhiều lời cho sự qua đời của những gì bị cáo buộc là “chính trị nước lớn”, một thời được ca ngợi bởi những tên tuổi như Bill Clinton hay Thomas Friedman. Liệu đó có phải là kết thúc của lịch sử? Kể cả Francis Fukuyama cũng không còn tin vào điều đó nữa. Về tổng thể, mức độ bạo lực của con người có thể đang suy giảm (mặc dù một cuộc chiến đơn phương của một cường quốc có thể bác bỏ kết quả nghiên cứu đó), nhưng chính trị thế giới có vẻ đang ngày một xoay tròn vượt khỏi tầm kiểm soát với mỗi tuần qua đi.

Trong thế giới đa đảng phái của chính trị Mỹ đương đại, Đảng Dân chủ đổ lỗi cho ông George W. Bush vì những tai họa hiện tại, trong khi Đảng Cộng hòa truy nguyên là do ông Barack Obama hoặc nhắm tới bà Hillary Clinton trong tương lai. Và cả hai bên đều có thể tìm thấy nhiều bằng chứng cho các cáo trạng mang động cơ chính trị này.

Nhưng trách nhiệm thực sự nằm ở chỗ khác. Cả ba tổng thống sau thời kỳ Chiến tranh lạnh đều có trách nhiệm như nhau trước những sai lầm, nhưng có một gốc rễ chung cho rất nhiều thất bại của họ. Gốc rễ đó chính là tầm ảnh hưởng lan rộng của chủ nghĩa lý tưởng tự do trong thực thi chính sách ngoại giao của Mỹ, một ảnh hưởng vượt ra khỏi ranh giới đảng phái và hợp nhất những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do thuộc Đảng Dân chủ với những người thuộc phe tân bảo thủ của Đảng Cộng hòa lại với nhau. Mong muốn mở rộng chủ nghĩa tự do vào Đông Âu ẩn đằng sau sự mở rộng NATO, và đó là một lý do chính để những kẻ thuộc về cái gọi là đám diều hâu tự do đã bám càng phe tân bảo thủ đến Iraq. Nó giải thích lý do tại sao Hoa Kỳ đã cố gắng để xuất khẩu nền dân chủ vào Afghanistan và khắp Trung Đông, thay vì chỉ tập trung mũi nhọn vào tổ chức Al Qaeda sau vụ tấn công ngày 11/9. Đó là nền tảng của chiến lược “can dự và mở rộng” của Bill Clinton, “học thuyết tự do” của George W. Bush, và sự chào đón ban đầu dành cho Mùa xuân Ả Rập cũng như là quyết định can thiệp vào Libya của ông Barack Obama. Nói một cách ngắn gọn, đó là sợi chỉ chính trong tấm thảm phức tạp của chính sách ngoại giao của Mỹ gần đây.

Chủ nghĩa tự do dựa trên một tập hợp các ước nguyện đạo đức và chính trị rõ ràng. Nó đặt cá nhân ở vào vị trí trung tâm của đời sống chính trị và xem mỗi con người đều sở hữu những quyền bất khả xâm phạm nhất định. Chủ nghĩa tự do nhấn mạnh một cách đúng đắn về tự do cá nhân và rất thận trọng với quyền lực không được kiểm soát, và họ tin rằng những nguyên tắc này áp dụng cho tất cả mọi người. Theo đó, chủ nghĩa tự do tin rằng dân chủ là hình thức chính quyền tốt nhất và ủng hộ cho nhà nước pháp quyền, tự do ngôn luận, và nền kinh tế thị trường. Họ cũng tin rằng – phần nào có căn cứ vững chắc – hầu hết nhân loại sẽ tiến bộ hơn nếu lối sống này có tính phổ quát.

Các đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa tự do là cực kỳ hấp dẫn, và tôi nghĩ tôi biết ơn sâu sắc rằng tôi đã sống gần như cả cuộc đời tôi (chủ yếu) trong một nước Mỹ tự do. Nhưng sự hấp dẫn về mặt đạo đức của những nguyên tắc tự do cơ bản này không có nghĩa chúng là sự chỉ dẫn đúng đắn cho việc thực thi chính sách đối ngoại. Trên thực tế, hai thập kỉ qua cho thấy chính sách đối ngoại của một cường quốc dựa chủ yếu vào những lý tưởng tự do thì hầu như là một công thức cho những thất bại tốn kém.

Vấn đề trọng tâm ở đây là chủ nghĩa tự do không nói cho chúng ta biết phải làm thế nào để biến những mệnh lệnh đạo đức tuyệt đối của nó trở thành những chiến lược rõ ràng và hiệu quả để thực hiện. Chủ nghĩa tự do xác định một loạt các mục tiêu đạo đức – một kế hoạch chi tiết mà tất cả các xã hội cần phải làm theo – nhưng cho biết rất ít về những gì một nhà nước tự do nên làm nếu một số quốc gia hoặc lãnh đạo nước ngoài từ chối “làm những điều đúng đắn.”

Để bắt đầu, hãy nhìn xem những gì sẽ xảy ra mỗi khi một số chính phủ nước ngoài quyết tâm hành động theo kiểu phi tự do hoặc phản đối những nỗ lực mở rộng nhân quyền, dân chủ, hoặc bất kì nguyên tắc tự do đáng quý nào khác của Mỹ hoặc phương Tây. Cách phản ứng gần như tự động của các nhà lãnh đạo của Mỹ là nổi cơn giận dữ và sau đó, ở mức nhẹ nhất, tố cáo rằng nhà lãnh đạo nước ngoài đó là một kẻ phản động lầm đường lạc lối, hoặc ở mức nặng nhất, là hiện thân của cái ác.

Ví dụ, trong những tháng gần đây, Ngọai trưởng John Kerry đã phản ứng trước vụ sát nhập Crimea của Nga bằng cách lên án tổng thống Nga Vladimir Putin bị chi phối bởi những luật lệ của “thế kỷ 19”. Tương tự, ông Bill Clinton và George W. Bush đã tố cáo các đối thủ độc tài của họ (Slobodan Milosevic, Ali Khamenei, Kim Jong Il, Muammar al-Qaddafi, …) bằng những từ ngữ khắc nghiệt nhất. Thật không may, gọi ai đó là một phần của “trục ma quỷ” không phải là một chính sách và chỉ ra rằng nhà lãnh đạo nước ngoài là một tên độc tài đáng khinh bỉ chẳng thay đổi được bất cứ điều gì, đặc biệt là khi những lời buộc tội này là xác đáng. Không cần phải nói, những kẻ độc tài thực sự không hề thấy bị xúc phạm với kiểu chỉ trích này.

Khi sự lên án đạo đức thất bại – vẫn như mọi khi – chủ nghĩa tự do không có sự thay thế nào tốt hơn. Biện pháp trừng phạt kinh tế là một công cụ yếu kém và thường kết thúc bằng sự tăng cường hơn là làm xói mòn quyền cai trị của kẻ độc tài. Hơn nữa, nó gây ra sự đau khổ rộng lớn lên toàn bộ dân chúng trong khi giới cầm quyền phần lớn vô sự, điều đáng ra phải gây cho bất cứ ai quan tâm đến điều kiện nhân quyền thực sự ít nhất là một khoảng lặng để suy nghĩ. Kể cả khi nó thành công – như ai đó có thể tranh luận về trường hợp phân biệt chủng tộc ở Nam Phi – thì nó cũng phải mất nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, cố gắng để truyền bá lý tưởng tự do với khẩu súng kề bên thì còn tệ hơn nhiều. Như chúng ta đã thấy, ở Iraq, Afghanistan, Libya, và nhiều nơi khác, “sự thay đổi chế độ” bằng bạo lực theo định nghĩa là cách phá hủy thể chế chính trị và xã hội đương thời. Thật không may, sự sụp đổ của trật tự cũ và sự chiếm đóng của nước ngoài sau đó khiến thậm chí càng có ít khả năng hơn để một chế độ dân chủ hiệu quả có thể xuất hiện. Tình trạng hỗn loạn tiếp đó truyền sức mạnh cho những người ưa thích và có năng khiếu về bạo lực, và nó buộc người dân địa phương tìm đến những nguồn lực cổ xưa mang đậm tính bản sắc địa phương (ví dụ như các bộ lạc, dòng họ, hoặc giáo phái) để được bảo vệ. Thật khó có thể nghĩ ra một cách nào tốt hơn để phá hủy lòng khoan dung và chủ nghĩa cá nhân vốn là những giá trị cốt lõi của triết lý tự do.

Hơn nữa, các chính phủ tự do tìm cách phát động cuộc thập tự chinh mang tính duy tâm thường kết thúc bằng cách nói dối chính người dân của họ để duy trì sự ủng hộ rộng rãi, cũng như phải duy trì những bộ máy an ninh quốc gia khổng lồ trong vòng bí mật. Nghịch lý thay, một xã hội tự do càng cố gắng bao nhiêu để phổ biến niềm tin của họ cho người khác, càng nhiều khả năng họ thỏa hiệp ngược lại với những giá trị đó tại quê nhà. Chỉ cần nhìn vào sự phát triển của nền chính trị Mỹ trong 20 năm qua để thấy được xu hướng này ở mức cực đại.

Cuối cùng, bởi vì hầu hết những người theo chủ nghĩa tự do tin tưởng rằng tín điều mà họ ấp ủ vượt khỏi mọi tầm tranh luận, họ không nhận ra rằng các xã hội không tự do có thể không hoan nghênh những món quà tuyệt vời đó từ nước ngoài. Ngược lại, những sự can thiệp ngoại giao đầy thiện chí vào nước ngoài – dù là thông qua chiếm đóng quân sự, biện pháp trừng phạt, hoặc thậm chí cả các tổ chức phi chính phủ như Quỹ Quốc gia vì Dân chủ – ngày càng có khả năng tạo ra phản ứng gây ác cảm lớn hơn. Các nhà độc tài nước ngoài sẽ tăng thêm đàn áp và nhóm dân chúng được cho là sẽ chào đón quân giải phóng của họ bằng hoa sẽ thay thế bằng các vũ khí tự chế. Các dự án xây dựng nhà nước đồ sộ kết thúc vì làm méo mó nền kinh tế trong nước và thúc đẩy tham nhũng, đặc biệt là khi những kẻ chiếm đóng của chủ nghĩa duy tâm tự do không hề biết đến cách thức vận hành xã hội trong nước như thế nào.

Kết luận đã rõ ràng. Hoa Kỳ và các quốc gia cấp tiến khác sẽ có thể làm tốt hơn nhiều trong việc thúc đẩy các giá trị chính trị mà họ đã ấp ủ nhất nếu tập trung vào việc hoàn thiện lối sống đó ở trong nước thay vì cố gắng xuất khẩu nó ra nước ngoài. Đúng vậy, nếu các xã hội phương Tây tạo ra sự thịnh vượng, công bằng, tài năng, và sống theo lý tưởng công khai của họ, người dân ở các xã hội khác sẽ muốn bắt chước một số hoặc mọi khía cạnh và sẽ dần điều chỉnh một cách phù hợp với điều kiện trong nước.

Ở một số quốc gia, quá trình này có thể xảy ra nhanh chóng, ở những nước khác thì chỉ sau những cuộc chiến khó khăn, và ở một vài nơi thì diễn ra trong không quá vài thập kỷ. Thực tế này có thể là điều khá đáng tiếc, nhưng cũng vẫn là thực tế. Cố gắng để tăng tốc một quá trình đã phải trải qua nhiều thế kỷ ở phương Tây, như Hoa Kỳ đã cố gắng làm từ năm 1992, có nhiều khả năng sẽ làm chậm lại sự tiến bộ của các giá trị tự do hơn là thúc đẩy chúng.

 

[*] Stephen M. Walt là Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.

Nguồn Stephen M. Walt, “Democracy, Freedom, and Apple Pie Aren’t a Foreign Policy“, Foreign Policy, ngày 1 Tháng Bảy năm 2014.

Bản Tiếng Việt © 2014 The Pacific Chronicle

0