18/06/2018, 16:00

Đông Nam Á cận-hiện đại

PGS TS Văn Ngọc Thành A. MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á THỜI KỲ CẬN ĐẠI 1/PHILIPPIN THỜI KỲ CẬN ĐẠI I- Philíppin trước khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược Trước khi bị người ...

dong nam a

PGS TS Văn Ngọc Thành

A. MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á THỜI KỲ CẬN ĐẠI 

1/PHILIPPIN THỜI KỲ CẬN ĐẠI                                                                     

       I- Philíppin trước khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược 

         Trước khi bị người Tây Ban Nha xâm chiếm, Philíppin chưa đạt tới trình độ phát triển chế độ phong kiến tập quyền như ở các nước phương Đông khác. Ngoài một số vùng chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong kiến Ấn Độ và Inđônêxia, còn hầu hết những vùng còn lại đều trong tình trạng lạc hậu. Xã hội Philíppin mới bước vào sự phân hoá giai cấp và hình thành nhà nước. 

       Xã hội chia làm 3 đẳng cấp: thủ lĩnh, dân tự do và nô lệ, nhưng ranh giới giữa thủ lĩnh và dân tự do không cách biệt lắm. Thậm chí người dân công xã bình thường vẫn có thể trở thành thủ lĩnh thông qua bầu cử dân chủ. Điều này chứng tỏ tàn tích của chế độ thị tộc tồn tại khá nặng nề.

       Theo nhiều nhà nghiên cứu thì quan hệ phong kiến ở quần đảo này phát triển cùng lúc với sự có mặt của người châu Âu ở đây, có nghĩa là vào đầu thế kỷ XVI. Do tình trạng chia cắt về địa lý trên quần đảo chưa từng có một ông vua chuyên chế kiểu phương Đông. Tầng lớp quí tộc phong kiến có nhiều đặc quyền còn người nông dân công xã là người sở hữu trên thực tế ruộng đất công xã và không phải nộp thuế cho nhà nước. Họ chỉ có nghĩa vụ đi lính cho vua. Người nô lệ vốn là tù binh hay con nợ và không đóng vai trò quan trọng trong sản xuất. Họ chủ yếu phục vụ trong gia đình quí tộc.

       Tình trạng kinh tế của Philíppin không đồng đều giữa các vùng. Ở những vùng ven biển do có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài nên kinh tế phát triển hơn, còn vùng sâu trong nội địa, trình độ kỹ thuật rất thấp kém, thậm chí đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ (mặc vỏ cây, chưa biết làm nhà, vũ khí bằng cung, tên).

       Như vậy, trước khi người Tây Ban Nha xâm chiếm Philíppin, ở đây đang tồn tại chế độ chính trị và kinh tế lạc hậu, tàn dư xã hội nguyên thuỷ còn hết sức nặng nề. Đó là điều kiện thuận lợi để thực dân Tây Ban Nha dễ dàng xâm lược và đặt ách đô hộ của mình.

       II- Sự xâm lược và chính sách thống trị của Tây Ban Nha

       1- Sự xâm lược của Tây Ban Nha

       Vào đầu thế kỷ XVI, Tây Ban Nha là nước phát triển nhất là ở châu Âu và nắm quyền thống trị trên biển Đại Tây Dương. Các thương nhân Tây Ban Nha có mặt ở khắp nơi trên thế giới.

       Ngày 16/3/1521, Magienlăng đến Philíppin. Tại đây ông ta đã gây chiến với tù trưởng Lapu Lapu ở đảo Mắctan và bị bắn chết. Lapu trở thành người anh hùng đầu tiên của Philíppin chống quân xâm lược(1). Sự giàu có của quần đảo Philíppin qua chuyện kể của những thuỷ thủ còn sống sót đã thúc dục chính phủ Tây Ban Nha tìm cách chiếm vùng đất này.

       Năm 1565, chính phủ Tây Ban Nha phái Lơgátspi chỉ huy đạo quân xâm lược Philíppin. Cuộc chiến đấu chống quân xâm lược của nhân dân Philíppin diễn ra anh dũng, nhưng tình trạng biệt lập về lãnh thổ, thiếu thống nhất trong hành động đã làm cho phong trào chống xâm lược lần lượt thất bại. Vùng chiếm đóng của Tây Ban Nha dần dần mở rộng. Đến năm 1572, về cơ bản cuộc chiến tranh xâm lược đã hoàn thành và ách thống trị của Tây Ban Nha ở Philíppin đã được thiết lập.

       2- Ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha ở Philíppin.

       Để cai trị Philíppin, Tây Ban Nha áp dụng chế độ thác quản (Encommiendas) đặt nhân dân Philíppin dưới quyền thống trị trực tiếp của bọn thực dân. Thực chất đây là chế độ nông nô tàn khốc. Người nông dân chịu sự bóc lột trực tiếp của địa chủ Tây Ban Nha. Đàn ông Philíppin từ 16 tuổi đến 60 tuổi hàng năm phải đóng thuế như sau: 10 rêan cho nhà nước, 1 rêan cho nhà thờ, 1 rêan cho ngân khố của huyện. Thuế này có thể trả bằng tiền hay hiện vật. Ngoài tô nộp cho địa chủ, nông dân còn phải thực hiện nghĩa vụ lao dịch với ít nhất 52 ngày trong 1 năm. Bởi vậy, đời sống nhân dân rất khó khăn. Nạn bắt người bán sang châu Mỹ làm nô lệ thường xuyên xẩy ra. Những người chống đối chính quyền thực dân bị bắt cũng bị biến thành nô lệ.

        Chính quyền Tây Ban Nha sử dụng đạo Thiên chúa làm công cụ thống trị  tinh thần. Trong quá trình bành trướng của đạo Thiên chúa có sự xung đột gay gắt với đạo Ixlam ở các đảo phía nam. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của chính quyền, đạo Thiên chúa ngày càng mở rộng, đẩy lùi và đánh bại đạo Ixlam vào giữa thế kỷ XIX. Thủ đoạn mà các giáo sĩ đạo Thiên chúa thường dùng là cưỡng bức, bắt các tù trưởng buộc cả bộ tộc theo đạo. Nếu thuyết phục mãi không được sẽ dùng lưỡi gươm để cưỡng bức. Bởi vậy Philíppin là nước châu Á có tỷ lệ dân số theo đạo Thiên chúa đông nhất (80% dân số). Nhà thờ và các tu viện chiếm nhiều vùng đất đai rộng lớn. Chúng bóc lột nông dân cả phần hồn lẫn phần xác.

       Chế độ thống trị của Tây Ban Nha đã loại bỏ tầng lớp thống trị bản xứ, người Tây Ban Nha trực tiếp cai trị các địa phận. Các tù trưởng, quí tộc phong kiến mặc dù được miễn các thứ thuế và các nghĩa vụ tạp dịch nhưng lại chẳng có quyền hành gì. Họ trở  thành người thu thuế và chịu trách nhiệm về hành vi của nhân dân vùng mình ở. Họ và vợ con thường bị bọn thực dân đánh đập, sỉ nhục. Bởi vậy, các tù trưởng và quý tộc người Philíppin rất phẫn uất và thường nổi dậy đấu tranh.

       Để xoa dịu tinh thần của quần chúng, cuối thế kỷ XVII, chính quyền Tây Ban Nha tiến hành một số cải cách:

       – Chia Philíppin thành 16 tỉnh (đến đầu thế kỷ XIX, lại chia thành 34 tỉnh) đứng đầu là người Tây Ban Nha. Bộ máy hành chính do người Philíppin quản lý nhưng dưới sự giám sát của người Tây Ban Nha.                                                                                                                                                                                                                                        

       – Mở trường học theo kiểu phương Tây cho tầng lớp trên của người Philíppin học tập nhằm đào tạo đội ngũ tay sai người bản xứ.

       Với cải cách này, chính quyền thực dân đã tạo ra một bộ máy tay sai người bản xứ để làm cơ sở cho chế độ thực dân. Giai cấp phong kiến Philíppin trở thành tầng lớp quan lại phục vụ cho chính quyền thực dân. Chúng được phép bóc lột nông dân nhưng về hình thức không được quyền sở hữu ruộng đất. Tuy nhiên trên thực tế, chúng vẫn cướp đoạt được ruộng đất của nông dân bằng nhiều thủ đoạn, nhất là qua con đường cho vay nặng lãi. Người nông dân ngày càng bị mất đất, bị bần cùng hoá.

       Cho đến cuối thế kỷ XVIII, chính quyền Tây Ban Nha vẫn thực hiện chính sách đóng cửa Philíppin để độc quyền bóc lột nhân dân nước này. Vì thế, kinh tế Philíppin không phát triển được. Nhưng chính sách này chỉ có thể làm chậm sự bành trướng kinh tế của các nước tư bản vào Philíppin mà không thể ngăn chặn được quá trình này. Trước sự xâm nhập ngày càng tăng của hàng hoá các nước khác vào Philíppin, năm 1785, chính quyền Tây Ban Nha lập “Công ty Hoàng gia Philíppin” để dành độc quyền ngoại thương ở nước này và cạnh tranh với các công ty của các nước khác trên thị trường châu Á. Về khách quan, Công ty Hoàng gia Philíppin góp phần làm suy yếu tình trạng biệt lập, mở rộng khả năng giao lưu với bên ngoài, từ đó tạo điều kiện cho kinh tế Philíppin phát triển.

       Dưới sức ép của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha buộc phải mở cửa Philíppin cho các nước này vào tự do buôn bán. Mỹ là nước đầu tiên được phép tự do buôn bán trong các hải cảng của Philíppin. Philíppin bị cuốn vào quĩ đạo kinh tế tư bản chủ nghĩa với tư cách là nơi cung cấp hàng nông nghiệp và tiêu thụ hàng hoá công nghiệp.

       Sự xâm nhập của hàng hoá từ bên ngoài ngày càng tăng đã góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hoá ở Philíppin phát triển và tạo điều kiện cho giai cấp tư sản dân tộc ra đời. Nhiều đồn điền của tư sản và địa chủ Philíppin xuất hiện, thuê nhân công làm việc. Mặt khác đầu thế kỷ XIX, các công ty nước ngoài tăng cường đầu tư vào Philíppin lập nhà ngân hàng, nhà máy, công xưởng. Điều này để góp phần thúc đẩy quan hệ sản xuất TBCN ở Philíppin phát triển.

       III – Cuộc cách mạng tư  sản  cuối thế kỷ  XIX        1- Sự thức tỉnh của dân tộc Philíppin

       Đầu thế kỷ XIX, dưới ảnh hưởng của cách mạng tư sản lần thứ nhất ở Tây Ban Nha (1801-1814) và phong trào giải phóng dân tộc ở Mỹ latinh, phong trào giải phóng dân tộc ở Philíppin phát triển mạnh.

       Năm 1823, sĩ quân và binh lính người Philíppin do Nôvalét lãnh đạo đã khởi nghĩa chiếm thành phố Manila và dinh Toàn quyền nhưng sau đó bị đàn áp.

       Năm 1824, nông dân ở đảo Xêbu và năm 1844, nông dân Nêgôcốt khởi nghĩa. Đáng chú ý là khởi nghĩa nông dân do Kơrútxơ lãnh đạo.

       Trong các cuộc khởi nghĩa nửa đầu thế kỷ XIX, giai cấp phong kiến đã tham gia, nhưng lực lượng đông đảo nhất vẫn là nông dân. Các cuộc khởi nghĩa này trước hết nhằm giải quyết mâu thuẫn dân tộc và sau đó giải quyết mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ (địa chủ Tây Ban Nha và Philíppin).

       Khởi nghĩa Kavíttơ: nguyên nhân trực tiếp để cuộc khởi nghĩa nổ ra là do quyết định của chính quyền thực dân bắt công nhân công binh xưởng Kavíttơ  đóng thuế. Điều đó đã gây nên sự bất mãn trong công nhân và binh lính. Ngày 21/1/1872, công nhân và binh lính Kavíttơ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 3 ngày thì bị đàn áp.

       Cuộc khởi nghĩa Kavíttơ được coi mở đầu cho giai đoạn đấu tranh quyết liệt của phong trào giải phóng dân tộc ở Philíppin.

       2- Hôxê Ridan và tổ chức Liên minh Philíppin.

       Hôxê Ridan sinh năm 1861, trong một gia đình thương nhân gốc Hoa, vì có tư tưởng không phục tùng Tây Ban Nha nên gia đình ông bị quản thúc, mẹ ông bị bắt giam khi ông mới 10 tuổi. Gia đình đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tư tưởng của Ridan. Ngay từ khi là học sinh trung học, Ridan đã nhận được giải nhất về thơ ca với bài thơ “Gửi thanh niên Philíppin”, trong đó ông kêu gọi thanh niên:

               “Hỡi hy vọng của Tổ quốc

                        Hãy đấu tranh cho tương lai tươi sáng của Philíppin

       Ông học ngành y tại đại học tổng hợp Mađrít, nhưng ông còn theo học nhiều bộ môn khác như triết học, văn học, hội hoạ, điêu khắc và các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý. Sau này ông đã sử dụng được 22 ngôn ngữ khác nhau. Những cuốn tiểu thuyết “Đừng đụng đến tôi” và “Cách mạng” cùng với những vần thơ ca ngợi tự do, lòng yêu tổ quốc của ông thực sự đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Philíppin. Ông đã bóc trần cảnh sống khổ nhục của người nông dân và dân tộc Philíppin. Nhưng H. Ridan không tìm ra phương pháp đấu tranh và con đường cứu nước cho dân tộc. Ông cho rằng, chính quyền Tây Ban Nha sẽ trả tự do độc lập cho Philíppin. Tư tưởng của Ridan phản ánh tư tưởng của giai cấp tư sản Philíppin yếu đuối, ôn hoà. Cùng với những đồng chí của mình, Ridan đấu tranh đòi:

       – Quyền bình đẳng giữa người Philíppin và Tây Ban Nha

       –  Người Philíppin được cử đại biểu vào nghị viện.

       –  Bảo vệ quyền tư hữu tài sản.

       –  Tự do buôn bán.

       Năm 1892, Hôxê Ridan thành lập tổ chức “Liên minh Philíppin” tổ chức này gồm nhiều tầng lớp tham gia: địa chủ, tư sản, tiểu tư sản và cả một số nông dân. Liên minh đề ra nhiệm vụ:

       – Thống nhất cả quần đảo thành một quốc gia lớn mạnh.

       – Chống bạo lực và bất công.

       – Phát triển giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và buôn bán.

       – Thi hành cải cách.

       Những nhiệm vụ trên thể hiện nguyện vọng của giai cấp tư sản Philíppin và của Hôxê Ridan, phản đối đấu tranh bạo lực, không tin vào lực lượng của nhân dân. Ông chỉ chú trọng hoạt động trong giới trí thức. Ông cho rằng chỉ cần biện pháp giáo dục cũng sẽ cải thiện đời sống nhân dân và chỉ có bằng con đường cải cách mới dành độc lập, tự do cho Philíppin.

       Những hoạt động của H. Ridan làm kẻ thù lo sợ và chúng đã xử tử ông  vào ngày 30/12/1896. Ông đã không hề biện hộ cho mình, không run sợ trước cái chết và hiên ngang bước ra pháp trường. Lòng yêu nước và khí phách của người anh hùng vang vọng mãi trong bài thơ “Lời vĩnh biệt cuối cùng của tôi” viết đêm 29/12/1896, trước khi ra pháp trường.

       3- Bônêphaxiô và tổ chức Liên hiệp những người con yêu quí của nhân dân.

       Bônêphaxiô sinh ngày 30/11/1863, ở Manila, trong một gia đình lao động. Lúc đầu Bônêphaxiô tham gia vào Liên minh Philíppin với tư cách là đại diện cho tầng lớp bình dân, nhưng ông không đồng tình với tư tưởng cải lương của tổ chức này nên đã thành lập tổ chức bí mật: “Những người con yêu quý của  nhân dân” (viết tắt là Katipunan) vào năm 1892. Tham gia tổ chức là những người bình dân và trí thức tiểu tư sản. Lần đầu tiên trong lịch sử Philíppin có một tổ chức là Katipunan đã đặt vấn đề giành độc lập dân tộc cho Philíppin. Tuy nhiên Katipunan không có cương lĩnh rõ ràng. Trong “Mười lời răn người con nhân dân” do Bônêphaxiô viết, mang đầy màu sắc tôn giáo phản ánh lòng tin ngây thơ vào sự bình đẳng tuyệt đối, vào sự thắng lợi của lòng từ thiện.

       Năm 1896 là năm phát triển mạnh nhất của Katipunan về số lượng. Liên minh có chi hội ở nhiều nơi và trở thành một tổ chức quần chúng.

       4- Cách mạng Philíppin (1896-1898).

  1. a) Giai đoạn I của cuộc cách mạng.

       Ngày 23/8/1896, Ban lãnh đạo Katipunan quyết định khởi nghĩa. Với khẩu hiệu “Chiến thắng hay là chết”, mọi người tham gia hội nghị xé thẻ thuế thân để biểu thị sự quyết tâm.

       Ngày 28/8/1896, Bônêphaxiô phát động khởi nghĩa. Hàng vạn quần chúng nổi dậy. Binh lính người bản xứ trong quân đội thực dân cũng ngả về phía cách mạng. Chính quyền cách mạng thành lập ở nhiều vùng. Sự đàn áp của kẻ thù, thắng lợi bước đầu của cách mạng đã làm cho một bộ phận tư sản và địa chủ do Emilio Aghinanđô đứng đầu tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Aghinanđô xuất thân từ giai cấp địa chủ và đã từng giữ chức thị trưởng thành phố Cavíttơ. Ông tham gia vào Katipunan, phát động khởi nghĩa và giành được chính quyền tại Cavíttơ. Để cướp đoạt thành quả cách mạng, Aghinanđô đã quyết định thủ tiêu Katipunan và giết người lãnh đạo của nó là Bônêphaxiô. Tại hội nghị ngày 23/3/1897, phái ủng hộ Aghinanđô giành thắng lợi, Katipunan bị thủ tiêu, nước cộng hoà Philíppin được thành lập do Aghinanđô làm tổng thống. Ngày 10/5/1897, Bônêphaxi ô bị xử bắn. Như vậy, quyền lãnh đạo cách mạng hoàn toàn rơi vào tay giai cấp tư sản, địa chủ.

       Toàn quyền Tây Ban Nha Rive tìm mọi cách tiêu diệt cách mạng. Y tiến hành đàm phán với Aghinanđô và hứa sẽ cải cách nền chính trị ở Philíppin nếu Aghinanđô giải tán chính phủ cộng hoà. Ngày 18/11/1897, hai bên ngừng bắn và kí hiệp ước. Theo hiệp ước thì chính quyền Tây Ban Nha đồng ý tiến hành cải cách ở Philíppin nhưng lại có thêm điều khoản rằng cải cách như thế nào sẽ phụ thuộc chính phủ Tây ban nha. Biện pháp thực thi hiệp ước gồm:

       – Quân đội Aghinanđô phải đầu hàng.

       – Aghinanđô và các thành viên chính phủ phải tị nạn tại Hồng Công.

       – Tây Ban Nha trả cho Aghinanđô và quân du kích 80 vạn pêsô.

       Ngày 27/12/97, Aghinanđô rời Philíppin, phó mặc tương lai Philíppin vào “lòng thương” của bọn cướp nước. Bản chất nửa vời, sợ cách mạng của giai cấp tư sản, địa chủ đã không cho phép họ cùng nhân dân lao động tiến hành cách mạng đến cùng. Hy vọng của Aghinanđô vào sự cải cách của Tây Ban Nha chỉ là ảo vọng.

  1. b) Giai đoạn II (1898) của cuộc cách mạng.

       Tuy Aghinanđô đầu hàng nhưng ngọn lửa chiến tranh cách mạng vẫn tiếp tục bùng nổ ở nhiều nơi. Để không bị gạt khỏi vai trò lãnh đạo cách mạng, ở Hồng Công, Aghinanđô lập “Hội đồng ái quốc” và bắt liên lạc với phong trào trong nước. Tháng 4/1898, chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha bùng nổ. Nhằm nhanh chóng chiếm Philíppin, Mỹ đã bắt liên lạc với Aghinanđô, yêu cầu phát động chiến tranh chống Tây Ban Nha và hứa bảo đảm độc lập cho Philíppin sau giải phóng.

       Ngày 2/5/1898, hạm đội Mỹ do Điuây chỉ huy đánh tan hạm đội Tây Ban Nha ở vịnh Manila. Cuối tháng 5, Aghinanđô về nước. Aghinanđô vẫn ngây thơ cho rằng Mỹ là người cứu tinh cho nền độc lập của Philíppin.

       Ngày 12/6/1898, ở Kavíttơ, Aghinanđô tuyên bố nền độc lập của Philíppin. Tuyên ngôn độc lập mang tính chất chống đế quốc và phong kiến  nên đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quần chúng. Nhiều tỉnh được giải phóng, thủ đô Manila bị quân cách mạng bao vây. Nhưng ngày 13/8/1898, quân Mỹ đổ bộ lên Philíppin, tấn công và chiếm Manila. Mỹ ngăn cấm không cho lực lượng cách mạng tiến vào Manila với mục đích biến Manila thành bàn đạp để tấn công nước Cộng hoà Philíppin.

       Tháng 11/1898, Hiến pháp mới của nước cộng hoà được ban bố (gọi là Hiến pháp Malôlốt, vì được thông qua tại thành phố Malôlốt – thủ đô của cách mạng). Trong Chương 1 của Hiến pháp đã tuyên bố “chủ quyền thuộc về nhân dân”,  quyền tự do dân chủ của nhân dân được ghi nhận, quyền lập pháp nằm trong tay Quốc hội. Đây là một trong những bản hiến pháp tiến bộ nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

       Ngày 10/12/1898, Mỹ và Tây Ban Nha ký hiệp định Pari, theo đó Tây Ban Nha nhượng lại quần đảo Philíppin cho Mỹ với giá 20 triệu USD. Cuộc cách mạng của nhân dân Philíppin đã góp phần quyết định sự diệt vong của chế độ thực dân Tây Ban Nha ở Philíppin và đã bị Mỹ cướp thành quả tại bàn hội nghị.

        Ngày 4/2/1899, chiến tranh Philíppin – Mỹ bùng nổ. Quân cách mạng trang bị lạc hậu đã bị thất bại  trước đội quân xâm lược Mỹ. Tháng 3/1901, Aghinanđô và các thành viên của chính phủ cộng hoà bị bắt. Ông ta đã kêu gọi nhân dân hạ vũ khí đầu hàng quân xâm lược Mỹ. Từ đây, Philíppin trở thành thuộc địa của Mỹ.

       Cách mạng Philíppin thất bại do những nguyên nhân sau:

       Cuộc cách mạng Philíppin do giai cấp tư sản lãnh đạo. Phần lớn tư sản Philíppin gắn chặt với kinh doanh ruộng đất, chỉ có một số ít kinh doanh công thương nghiệp. Họ có mối ràng buộc với chính quyền thuộc địa nên dễ dao động thoả hiệp với chúng. Bởi vậy, họ sẵn sàng đầu hàng kẻ thù, bán rẻ quyền lợi dân tộc khi cách mạng gặp khó khăn.

        Cách mạng Philíppin bùng nổ trong lúc chủ nghĩa đế quốc đang phát triển, bởi vậy tương quan lực lượng bất lợi  cho cách mạng.

        Lực lượng lãnh đạo thiếu cương lĩnh ruộng đất đúng đắn do đó không động viên được tuyệt đại đa số nông dân tham gia. Trong quá trình diễn biến của cách mạng có lúc vì áp lực của phong trào quần chúng, chính quyền Aghinanđô đã đưa ra chính sách ruộng đất rất hạn chế như tịch thu ruộng đất của nhà thờ và địa chủ phản bội dân tộc nhưng thực ra số ruộng đất này lại lọt vào tay giai cấp tư sản còn nông dân không được hưởng quyền lợi gì. 

(1) Đoàn thám hiểm của Magienlăng ra đi từ Tây Ban Nha  ngày 20/9/1519 , với 5 thuyền và 265 người, nhưng đến ngày  6/9/1922 chỉ còn 1 thuyền với 18 người trở về với vàng và hương liệu đủ để trang trải cho chuyến đi.

2/ CAMPUCHIA THỜI CẬN ĐẠI                                                                                

       I – Sự xâm nhập của thực dân Pháp vào Cămpuchia

       1- Tình hình Cămpuchia trước khi thực dân Pháp xâm lược

       Sau một thời kỳ phát triển cực thịnh (từ thế kỷ IX- thế kỷ XV) với nền văn minh Ăngco huy hoàng, từ thế kỷ XVI, vương quốc Cămpuchia rơi vào tình trạng suy thoái. Năm 1594, tướng Xiêm Pranaút cầm đầu đạo quân 10 vạn người chiếm kinh đô Lôvéc của Cămpuchia. Hoàng thân em trai vua cùng 10 vạn dân bị bắt làm nô lệ. Vua Satha và hoàng tộc phải trốn sang Lào. Từ đây bắt đầu thời kỳ Cămpuchia thường xuyên không ổn định bởi chiến tranh của các tập đoàn phong kiến trong nước và nước ngoài.

       Từ cuối thế kỷ XVI, ở Cămpuchia tồn tại chính quyền phong kiến không tập trung. Về danh nghĩa, vua là người có quyền tối thượng nhưng trên thực tế quyền lực còn bị phân chia thành 3 nhánh với 3 vương phủ:

       – Vương phủ của phó vương được quyền cai quản và thu thuế 7 tỉnh.

       – Vương phủ thái tử được quyền cai quản và thu thuế 5 tỉnh.

       – Vương phủ của Hoàng thái hậu cai quản và thu thuế 3 tỉnh.

       Đạo Phật là quốc giáo ở Cămpuchia. Các nhà chùa cũng bao chiếm nhiều ruộng đất và có nhiều nông dân lệ thuộc.

       Vào thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha đặt chân đến Cămpuchia, tiếp đó các thương nhân Tây Ban Nha, Hà Lan cũng có mặt ở nước này.

       2- Thực dân Pháp biến Cămpuchia thành thuộc địa

       Ngay từ năm 1662, linh mục Lui Sơvơrơi là người Pháp đầu tiên trong “Hội truyền bá niềm tin” đã có mặt ở Uđôn (Cămpuchia) trong 3 năm để truyền đạo. Tuy nhiên, vì Cămpuchia là quốc gia Phật giáo nên việc truyền bá đạo Thiên chúa không có kết quả.

       Năm 1845, khi Ang Dương lên làm vua ở Cămpuchia, tình hình nước này ngày càng khó khăn do sức ép của thế lực phong kiến Xiêm. Lợi dụng cơ hội đó, các giáo sĩ Pháp tìm cách lôi kéo vua Ang Dương. Vào năm 1853, chúng thuyết phục vua Ang Dương cầu cứu Pháp, gửi thư và tặng phẩm cho hoàng đế Napôlêông III. Năm 1856, giám mục Milơ với cương vị là thầy dạy của thái tử và thầy thuốc của vua Ang Dương đã bố trí để triều đình Pháp cử sang Cămpuchia đoàn sứ thần do Môngtinhi cầm đầu. Đoàn này về bề ngoài là để đáp lễ nhưng thực chất chuẩn bị ký với Cămpuchia một hiệp ước. Xiêm biết được tin này đã tìm mọi cách ngăn cản, nên âm mưu ký hiệp ước của Pháp bị thất bại.

       Năm 1859, thái tử Angvôlay Chơrêlang nối ngôi vua Cămpuchia với danh hiệu là Nôrôđôm. Giám mục Milơ vốn là thầy của vua nên càng có ảnh hưởng ở Cămpuchia. Tháng 3/1861, theo đề nghị của Milơ, đô đốc Sácne từ Sài gòn đến Cămpuchia đưa thư và tặng phẩm mừng Nôrôđôm. Nhưng nhân dân Cămpuchia dưới sự lãnh đạo của hoàng thân Xivôtha đã tấn công chiếm kinh đô Uđôn buộc Nôrôđôm phải chạy sang Băngcốc cầu cứu. Sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Xivôtha, Nôrôđôm ngày càng lệ thuộc Xiêm, mọi việc trong nước đều do tên công sứ Xiêm Panhirắt quyết định.

       Sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ (tháng 6/1862), Pháp chuẩn bị lực lượng để chiếm Cămpuchia. Tháng 4/1863, Đơ Lagrê chỉ huy đoàn tàu chiến ngược dòng Mê Công tiến vào Uđôn. Mặc dù Xiêm tìm cách ngăn cản nhưng bất chấp sự có mặt của viên công sứ Xiêm, thống đốc Nam kỳ, đô đốc Đơ Lagơrăngđie đã trực tiếp gặp Nôrôđôm và bắt vua Nôrôđôm ký bản Hiệp ước bảo hộ vào ngày 11/8/1863 với nội dung:

  1. Pháp nhận bảo hộ Cămpuchia và được cử Khâm sứ bên cạnhnhà vua Cămpuchia. Ngược lại,  Cămpuchia cũng có đại diện ở Sài Gòn (điều 1, 4).
  2. Người Pháp được tự do cư trú ở Cămpuchia và khi phạm tội chỉ bị toà án Pháp xử(điều 6, 9).
  3. Hàng hoá của Pháp vào Cămpuchia khi có giấy phép của Thống đốc Nam kỳ thì không phải chịu thuế. Hàng hoá của Cămpuchia vào Nam kỳ khi có giấy phép của vua Nôrôđôm thì không phải chịu thuế (điều 10, 11).
  4. Hạm đội Pháp, các nhà bác học, các nhà thám hiểm đến Cămpuchia được cả hai bên giúp đỡ và bảo vệ (điều 12, 14). Pháp được tự do truyền đạo ở Cămpuchia (điều 15).
  5. Vì nhu cầu quân sự, Cămpuchia nhường cho Pháp đất đóng đồn và dựng kho ở Chơrui Changva (sát thủ đô Phnôm Pênh), cho Pháp được đẵn gỗ để đóng tàu (điều 16, 18).
  6. Pháp cam kết giúp vua Cămpuchia chống ngoại xâm và nội phản. Chính phủ Pháp công nhận Nôrôđôm là quốc vương Cămpuchia và tặng vua 1 tàu thuỷ có binh lính, sĩ quan do Pháp đài thọ, huấn luyện (điều 19, 20).

       Bản hiệp ước này gây nên sự phản đối mạnh mẽ của  nhân dân Cămpuchia cũng như  của Xiêm và Anh. Sứ thần Xiêm Panhirắt dùng áp lực doạ nạt vua Nôrôđôm, còn Anh đòi Pháp phải huỷ bỏ hiệp ước. Kết quả ngày 1/12/1863, Nôrôđôm lại bị ép  ký với  Xiêm bản hiệp ước “bảo hộ” với nội dung chủ yếu như sau:

  1. Xiêm coi Cămpuchia là một nước chư hầu và Nôrôđôm là phó vương Cămpuchia. Hàng năm Cămpuchia phải cử sứ thần sang Băngcốc triều cống và báo cáo tình hình.
  2. Xiêm sẽ bổ nhiệm các tỉnh trưởng của Cămpuchia. Khi Cămpuchia có loạn, phó vương Cămpuchia phải báo cho Xiêm biết, Xiêm sẽ cử quân bảo vệ phó vương.
  3. Hai tỉnh Báttambăng và Ăngco thuộc về Xiêm.
  4. Xiêm sẽ chuyển lại cho vua Nôrôđôm mũ, ấn, kiếm và cử phái viên đến Cămpuchia tổ chức lễ đăng quang.

       Pháp kịch liệt phản đối hiệp ước này và đe doạ sử dụng lực lượng quân sự.  Xiêm buộc phải nhượng bộ Pháp do không được Anh ủng hộ. Để dàn hoà mâu thuẫn giữa Pháp – Xiêm, hai bên ký Hiệp ước Băngcốc vào ngày 15/7/1867 với nội dung sau:

  1. Xiêm thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Cămpuchia, còn Pháp cắt cho Xiêm các tỉnh Báttambăng và Ăng Co.
  2. Huỷ bỏ bản hiệp ước giữa Xiêm và Cămpuchia tháng 12/1863.

       Hiệp ước này là sự thỏa thuận chia phần giữa hai kẻ cướp trên mảnh đất Cămpuchia.

       Sau khi gạt Xiêm ra khỏi Cămpuchia, Pháp buộc vua Nôrôđôm ký thêm hiệp ước nô dịch mới vào đêm 17/6/1884, với nội dung chủ yếu sau: 

  1. Vua Cămpuchia chấp nhận mọi cải cách về hành chính, tư pháp, tài chính, thương nghiệp do chính phủ Pháp tiến hành.
  2. Các quan chức bản xứ ở các tỉnh được giữ nguyênnhưng phải chịu sự điều khiển và kiểm soát của Pháp
  3. Các ngành thuế khoá, thương chính, giao thông thành những ngành riêng do người Pháp nắm giữ.
  4. Chính phủ bổ nhiệm các viên công sứ người Pháp đứng đầu các tỉnh của Cămpuchia. Công sứ có quyền duy trì trật tự trị an và kiểm soát các nhà chức trách địa phương.

       Ngoài ra hiệp ước qui định rõ vua Cămpuchia được hưởng lương của Pháp và viên khâm sứ Pháp có quyền gặp vua bất cứ lúc nào. Với hiệp ước này, Cămpuchia thực sự trở thành một nước thuộc địa của Pháp.

       II- Phong trào đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Cămpuchia

       Trước nguy cơ mất nước, nhân dân Cămpuchia đã đứng dậy cầm vũ khí chống xâm lược, đặc biệt từ khi giai cấp phong kiến hoàn toàn đầu hàng quân xâm lược phong  trào đấu tranh phát triển với qui mô mới.

       1 – Khởi nghĩa của hoàng thân Xivôtha (1861-1892).

       Thái độ nhu nhược sẵn sàng bán rẻ quyền lợi dân tộc cho ngoại bang của Nôrôđôm đã làm cho một bộ phận trong giai cấp phong kiến căm phẫn. Họ đã lãnh đạo nhân dân đứng dậy khởi nghĩa với người đứng đầu là hoàng thân Xivôtha.

       Phong trào nổ ra đầu tiên ở Công Pông Xoài và Bắc Biển Hồ vào năm 1861. Nghĩa quân đánh chiếm dinh tổng đốc tỉnh Ba Phnôm. Phong trào phát triển nhanh chóng khắp các tỉnh phía đông sông Mê Công. Triều đình phong kiến cầu cứu Pháp và Xiêm. Trước sự chênh lệch về lực lượng, phong trào tạm lắng vào cuối năm 1862.

       Cuối năm 1876, Xivôtha lại phát động khởi nghĩa ở Công Pông Xoài. Nghĩa quân áp dụng chiến thuật du kích khiến cho kẻ địch với số lượng áp đảo nhưng không thể nào tiêu diệt được. Cuộc khởi nghĩa tồn tại đến tháng 10/1892, sau khi Xivôtha ốm và từ trần thì mới bị dập tắt.

       2 – Khởi nghĩa của Acha Xoa (1863-1865).

       Acha Xoa xây dựng căn cứ  ở vùng Tơrêang Takeo (Đông Nam Cămpuchia). Năm 1864, nghĩa quân chiếm được tỉnh Cam Pốt và áp sát Phnôm Pênh. Từ năm 1865, Acha Xoa lấy tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên làm căn cứ đồng thời liên kết với khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Huân để chống Pháp. Trong trận chiến đấu ngày 19/8/1866, Acha Xoa bị thương và sa vào tay giặc, khởi nghĩa thất bại.

       3 –  Khởi nghĩa Pucômbô (1866-1867).

       Vốn là nhà sư có tinh thần yêu nước, Pucômbô đã từng bị giam lỏng ở Sài Gòn nhưng sau đó trốn thoát. Ông đến vùng biên giới Cămpuchia-Việt Nam tập hợp nhân dân các dân tộc Việt, Khơ me, Chăm… đứng lên chống Pháp.

       Ngày 7/6/1866, nghĩa quân tấn công đồn Pháp ở Tây Ninh tiêu diệt phần lớn số lính Pháp trong đồn.

       Ngày 14/6/1866, nghĩa quân tập kích đánh tan đội quân Pháp gồm 150 tên do tên trung tá Mácsedơ  chỉ huy, giết chết tên trung tá cùng nhiều lính địch.

       Nghĩa quân đã phối hợp hoạt động với nghĩa quân Trương Quyền, Võ Duy Dương ở vùng An Giang gây cho địch nhiều thiệt hại.

       Từ tháng 8/1866, nghĩa quân chuyển sang hoạt động ở vùng Đông Bắc Cămpuchia. Trong tháng 8 và tháng 10/1866, nghĩa quân đánh tan đạo quân đàn áp  của triều đình Cămpuchia.

       Việc triều đình nhà Nguyễn để mất 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã gây khó khăn cho nghĩa quân Pucômbô. Nghĩa quân mất một khu vực căn cứ, nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc chiến đấu. Cuối năm 1867, địch tập trung lực lượng bao vây căn cứ của nghĩa quân ở Côngpông Thom. Tương quan lực lượng bất lợi cho nghĩa quân. Pucômbô bị thương, bị bắt và bị giết. Cuộc khởi nghĩa thất bại.

       4-  Hoạt động của thái tử Yucăngtơ (1900).

       Là con trai của Nôrôđôm nhưng Yucăngtơ  bất bình với chính sách đầu hàng của vua cha nên đã tìm cách tố cáo tội ác của chế  độ thực dân. Tại Pháp, ông đã viết báo tố cáo tội ác của thực dân Pháp, vạch trần sự dã man của chúng. Hoạt động của thái tử Yucăngtơ  có  tiếng vang lớn ở Pari.

       5  –  Khởi nghĩa của nhà sư Ăng Snuôn (1905).

       Nhân dân tỉnh Stungtreng (Bắc Cămpuchia) nổi dậy khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của nhà sư Ăng Snuôn. Khởi nghĩa tồn tại trong một thời gian ngắn thì bị thất bại.

       Ngoài ra, đầu thế kỷ XX,  ở Cămpuchia còn nổ ra các cuộc đấu tranh của nhân dân Bátđomboong do Kathatoóc và Vixe Nhu lãnh đạo (1907-1908) và cuộc khởi nghĩa của các dân tộc thiểu số do Pa Trangluông lãnh đạo.

       Như vậy từ nửa sau thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhân dân Cămpuchia liên tiếp đứng dậy chống xâm lược. Điều đó chứng tỏ tinh thần bất khuất kiên cường của nhân dân Cămpuchia. Tuy nhiên do tính chất phân tán, trình độ tổ chức và nhất là do sự chênh lệch về lực lượng nên các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị thất bại.

3/ XIÊM THỜI CẬN ĐẠI 

       I- Nước Xiêm trước khi CNTB phương Tây xâm nhập

       1- Thống nhất đất nước và chính sách bành trướng của các vua Xiêm

       Đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Xiêm trở thành một trong những nước phong kiến lớn ở bán đảo Trung ấn và chế độ phong kiến đạt đến đỉnh cao nhất. Nhưng sau đó, sự tranh giành quyền lợi trong giai cấp thống trị  đã làm cho Xiêm bị suy yếu và đến năm 1767 bị Miến Điện chinh phục. Dưới sự lãnh đạo của Tắc Xin nền độc lập của Xiêm được khôi phục vào năm 1768. Tắc Xin lên ngôi vua, tiêu diệt các tập đoàn phong kiến cát cứ và thống nhất đất nước. Nhưng đến năm 1782, lợi dụng  sự thất bại của Tắc Xin trước cuộc khởi nghĩa do Bun Nắc đứng đầu, tướng Chao Paia Tracơri đã cướp ngôi vua và tự phong là Rama I (1782-1809), bắt đầu triều đại Rama tồn tại đến ngày nay ở Thái Lan.

       Rama I tiến hành xâm lược các nước láng giềng. Các tiểu quốc ở Lào, Mã Lai lần lượt phải nhận sự bảo hộ của Xiêm. Xiêm còn can thiệp vào Việt Nam, giúp Nguyễn ánh đánh Tây Sơn vào năm 1785 (Hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 5 vạn quân và 300 chiến thuyền sang xâm lược Việt Nam đã bị Nguyễn Huệ đánh bại tại Rạch Gầm-Xoài Mút  thuộc Mỹ Tho). Năm 1833, quân Xiêm lại tiến hành xâm lược Việt Nam một lần nữa và cũng bị thất bại.

       2- Chính trị -xã hội.

       Cũng giống như các quốc gia phong kiến khác, ở Xiêm vua là người đứng đầu nhà nước. Giúp việc cho vua có 3 hội đồng:

       –  Hội đồng các hoàng thân (Chao pha).

       –  Hội đồng các quan đứng đầu các bộ (Cờ rôm).

       –  Hội đồng các quan tư pháp (Brắc nan).

       Hai bộ có vai trò quan trọng nhất là bộ nội vụ và bộ chiến tranh. Khi có chiến tranh,  thượng thư hai bộ này đều trở thành tướng chỉ huy quân đội. Toàn quốc chia thành nhiều tỉnh, có nội và ngoại tỉnh tuỳ vị trí địa lý và tính chất phụ thuộc.

       Hệ thống đẳng cấp phong kiến ở Xiêm khá phức tạp. Dưới vua có các chức quanđó là Chao pha và Chao thường cai trị ở tỉnh lớn nhất; Chao pai-a đứng đầu các bộ hoặc các tỉnh lớn; Pai-a là quan trong các bộ, cai trị tỉnh nhỏ; dưới đó còn có các chức như Phơra, Lu ăng, Cum, Mươn…; Các chức quan thấp nhất ở thôn xã là Nai-pan, Nai-rốt, Nai-xíp. Tất cả các chức tước này đều cha truyền con nối. Trên danh nghĩa nhàvua là người sở hữu tối cao về ruộng đất, nhưng trên thực tế nhà vua tiến hành phân cấp ruộng đất tuỳ theo chức tước. Như Chao pha được 5 vạn khoảnh, Chao pai-a: 1 vạn, Nai pan 25- 400 khoảnh.

       Nông dân gồm có 2 loại: Pơraiban là dân tự do và Kha bị tước quyền tự do (nô lệ). Nông dân Pơraiban có ruộng đất nhưng phải thực hiện nghĩa vụ lao dịch cho nhà nước mỗi năm 3-4 tháng, phải nộp 1/10 thu nhập của mình cho nhà nước. Kha (nô lệ) có mấy loại, có loại là con nợ bị nô dịch, phải bán vợ con cho chủ. Họ có thể chuộc mình để trở thành người tự do. Còn Pơrailuăng vốn là tù binh bị bắt trong chiến tranh và con cháu của họ. Đến giữa thế kỷ XIX họ có khoảng 12 vạn người. Họ cũng có thể tự chuộc mình để trở thành người tự do. Nô lệ: Vốn là tù binh, do mua bán, con nợ, phạm nhân. Họ không có quyền chuộc mình và suốt đời chịu sự lệ thuộc hoàn toàn vào giai cấp phong kiến. Nhìn chung, đến thế kỷ XIX phần lớn Kha đã trở thành nông dân lệ thuộc, tuy nhiên thân phận của họ vẫn còn hết sức nặng nề.

       Từ nửa đầu thế kỷ XIX,  ở Xiêm xuất hiện mầm mống kinh tế TBCN. Nhiều công trường thủ công ra đời. Nó thuộc sở hữu tư nhân và nhà nước. Công nhân phần lớn là người Hoa. Tuy nhiên, những mầm mống này không phát triển được vì bị xã hội phong kiến kìm hãm.

       II- Xiêm bị biến thành một nước nửa thuộc địa (1855-1896).

       Ngay từ thế kỷ XV, các thương nhân châu Âu đã đến Xiêm buôn bán và ý đồ chiếm nước này ngày càng bộc lộ rõ. Trước tình hình đó, triều đình Xiêm ra lệnh đóng cửa, không cho thương nhân nước ngoài buôn bán. Mãi đến những năm 20 của thế kỷ XIX, trước áp lực ngày càng tăng của các nước phương Tây, Xiêm phải thực hiện chính sách mở cửa.

       Sau khi hoàn thành xâm chiếm Ấn Độ, một phần Mã Lai và Miến Điện Anh bắt đầu nhòm ngó Xiêm. Do điều kiện xâm lược Xiêm chưa chín muồi nên Anh dùng áp lực ngoại giao để gây ảnh hưởng ở đây. Tháng 4/1855, toàn quyền Anh ở Hồng Công là Baoninh đến Băng Cốc ép vua Xiêm là Môngcút (Rama IV 1851-1868 ) phải ký hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên với nội dung sau:

       –  Người Anh được quyền lãnh sự tài phán ở Xiêm.

       –  Người Anh được tự do buôn bán ở Xiêm, hàng Anh nhập vào Xiêm chỉ chịu 3% thuế.

       –  Người Anh được tự do khai mỏ, buôn bán thuốc phiện mà không bị đánh thuế.

       –  Tàu chiến của Anh có thể tự do ra vào các cửa sông.

     Tiếp theo Anh, các nước khác cũng bắt Xiêm ký các hiệp ước tương tự: năm 1856 với Mỹ,  Pháp, năm 1858  với Đan Mạch, tiếp đó với Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Thuỵ Điển, Na Uy, ý, Bỉ, Nga. Chính quyền Xiêm muốn lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước tư bản để chúng kìm chế lẫn nhau, tránh cho Xiêm không bị biến thành thuộc địa của một nước nào đó. Nhưng điều đó để lại hậu quả tai hại đối với xã hội Xiêm. Đây là màn đầu để biến Xiêm thành một nước nửa thuộc địa.

       Xiêm trở thành nơi cung cấp lương thực, nguyên liệu và là thị trường cho các nước tư bản. Hàng loạt ngành thủ công truyền thống và công trường thủ công bị phá sản do hàng công nghiệp tràn vào Xiêm ngày càng tăng. Tuy nhiên, về khách quan, sự xâm nhập của các nước phương Tây đã đẩy nhanh sự tan rã của nền kinh tế tự nhiên, mở rộng sự phát triển của kinh tế uất hàng hoá. Một số nhà máy mới được xây dựng và tầng lớp tư sản xuất hiện ở Xiêm.

       Từ đầu những năm 90, sau khi chiếm xong Miến Điện, Anh muốn biến Xiêm thành thuộc địa của mình. Còn Pháp sau khi chiếm xong Việt Nam, Cămpuchia và Lào cũng muốn tiến tới độc chiếm Xiêm. Quan hệ Pháp – Anh trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề Xiêm. Để tránh một cuộc chiến tranh bất lợi cho cả hai bên, Pháp đã đề nghị Anh trung lập hoá Xiêm, biến Xiêm thành vùng đệm nằm giữa 2 hệ thống thuộc địa của Anh và Pháp.

       Ngày 15/1/1896, Hiệp ước Luân Đôn đã được ký giữa Anh và Pháp mà không có sự tham gia của Xiêm. Theo đó, phía Tây sông Mê Nam thuộc ảnh hưởng của Anh, phía Đông thuộc Pháp, thung lũng sông Mê Nam có thủ đô Băng Cốc thuộc quyền quản lý của vua Xiêm và được tự chủ. Hiệp ước cũng cấm Anh, Pháp ký hiệp ước tay đôi với nước thứ 3 nhằm can thiệp vào khu vực này. Với hiệp ước này, Xiêm trở thành một nước nửa thuộc địa của Anh và Pháp.

       III- Sự phát triển quan hệ TBCN ở Xiêm đầu thế kỷ XX

       1- Cải cách của Rama V và Rama VI.

       Khi lên cầm quyền vào năm 1868, Chulaloongcon (Rama V) mới 16 tuổi. Ngay từ nhỏ, ông đã được các gia sư người Anh dạy dỗ nên ông giỏi ngoại ngữ (Bà Lêonôuen – người Anh là gia sư đầu tiên, tiếp đó là ông Morent). Từ năm 1868-1873, quyền hành đất nước nằm trong tay hội đồng nhiếp chính, bởi vậy Chulaloongcon đã nhân dịp cơ hội này đi thăm  và học tập tại Inđônêxia và Ấn Độ. Các chuyến đi này đã củng cố nhận thức của nhà vua về sự cần thiết phải canh tân đất nước. Cuối thế kỷ XIX đầu  thế kỷ XX, Rama V đã tiến hành cải cách với mục tiêu nhằm canh tân đất nước theo con đường TBCN đồng thời vẫn duy trì quyền lực của giai cấp phong kiến Xiêm. Cuộc cải cách này diễn ra trong một thời gian dài từ năm 1874 đến đầu thế kỷ XX.

        Năm 1874,  Rama V tuyên bố xoá bỏ chế độ nô lệ tồn tại lâu đời ở Xiêm, quy định từ nay sẽ không ai còn bị nô lệ và việc bán mình chuộc nợ là bất hợp pháp. Thật ra, trước đó, Rama IV cũng đã ban bố sắc lệnh liên quan đến chế độ nô lệ. Theo sắc lệnh này, cấm đàn ông bán vợ để trả nợ, không được bán thanh niên trên 15 tuổi làm nô lệ. Nhưng Rama V đã đi xa hơn cha mình. Đến năm 1905,  chế  độ nô lệ dưới mọi hình thức bị thủ tiêu ở Xiêm.

        Rama V tuyên bố xoá bỏ chế độ lao dịch cho nhà nước. Hàng năm, nông dân thoát cảnh đi lao dịch với thời gian 3 tháng, nhưng họ phải nộp một khoản tiền cho chính quyền địa phương.

       Năm 1892, Rama V ban hành cải cách bộ máy hành chính theo mô hình của Đức. Với cải cách này vua vẫn là người có quyền lực tối cao, nhưng bên cạnh vua có hội đồng nhà nước đóng vai trò cơ quan tư vấn, thảo luật pháp, hoạt động giống như nghị viện. Bộ máy hành pháp là hội đồng chính phủ gồm 12 bộ  trưởng. Các bộ trưởng đều được đào tạo ở các nước Anh, Pháp, Đức. Toàn quốc chia làm 18 tỉnh, dưới tỉnh là huyện, xã, thôn.

        Năm 1892, RamaV ban hành cải cách tài chính, xoá bỏ chế độ thầu thuế nhằm tránh sự tuỳ tiện của chính quyền địa phương. Việc thu thuế do nhân viên nhà nước trực tiếp tiến hành. Chế độ phạt tù vì thiếu nợ bị bãi bỏ. Trước kia người ta ước tính bọn thầu thuế đã thu 5-6 triệu  stécling và chỉ nộp cho nhà nước 1- 2 triệu stécling (cách làm phổ biến là thu thuế không có biên lai và do vậy có thể thu đi thu lại nhiều lần). Cải cách này đã làm tăng ngân sách nhà nước và giảm bớt sự sách nhiễu của bọn thầu thuế.

        Rama V cũng khuyến khích xuất khẩu gạo bằng cách giảm nhẹ thuế ruộng đất cho nông dân miền Trung là nơi sản xuất 95% sản lượng lúa gạo của đất nước. Bởi vậy, sản lượng gạo xuất khẩu nhanh chóng tăng lên. Nếu năm 1885, Xiêm xuất khẩu 225.000 tấn gạo thì đến năm 1900 tăng  gấp 2 lần (500.000 tấn). Nền kinh tế Xiêm có chuyển biến quan trọng. Vào năm 1893, tỷ trọng giữa xuất và nhập khẩu hàng hoá là 5/1. Các nhà máy nhất là nhà máy xay xát gạo ra đời ngày càng nhiều. Năm 1890, riêng Băng Cốc có 25 nhà máy xay được trang bị máy móc trong đó có nơi thuê tới 400 công nhân. Nhà máy cưa lớn đầu tiên ra đời năm 1894. Công ty xe điện thành lập năm 1867, sớm nhất ở Đông nam á.

       Sau khi  Rama V chết, Vatriravut  lên  ngôi  vua  với  danh  hiệu   là       Rama VI (1910-1925). Ông đã tiếp tục sự nghiệp cải cách  của  cha    mình. Rama VI tiếp tục ban bố các sắc lệnh mới. Tháng 1/1911, ông ban b

0