Chích Chòe Lửa với giọng hót hay của rừng rú
Giọng hót của chim rừng nào khác thi sắc đẹp của các loài hoa. Đã là hoa thì hoa nào cũng đẹp, dù đó là kỳ hoa dị thảo mà người đời nâng niu trồng trọt ở trong vườn, hay là cành hoa đại Trinh Nữ e ấp ở ven đường. Mỗi giống hoa đều có một hương sắc riêng, nhưng đẹp đến mức độ nào là còn tùy ờ ý ...
Giọng hót của chim rừng nào khác thi sắc đẹp của các loài hoa. Đã là hoa thì hoa nào cũng đẹp, dù đó là kỳ hoa dị thảo mà người đời nâng niu trồng trọt ở trong vườn, hay là cành hoa đại Trinh Nữ e ấp ở ven đường.
Mỗi giống hoa đều có một hương sắc riêng, nhưng đẹp đến mức độ nào là còn tùy ờ ý thích riêng của người thưởng ngoạn nó.
Giọng hót của chim cũng vậy, mỗi giống mỗi khác. Và mỗi giọng hót có cái hay đặc biệt riêng của nó. Thế nhưng, cũng tùy vào ý thích riêng, cảm nhận riêng của mỗi người mà khen giong con chim này hay, hoặc giọng con chim khác hay…
Ở đời mỗi người mỗi ý, vì vậy mới có câu: “Bá nhân bá khẩu”, có nghĩa là trăm người trăm miệng, trăm người tất nhiên có trăm ý kiến khác nhau, chưa chắc ai đã chịu đồng tình với ai.
Vì vậy cho nên trong việc nuôi chim, mới có cảnh người thích nuôi giống chim này, người lại thích nuôi giống chim khác. Đó là ý thích riêng của mỗi người, ta không nên thắc mắc…
Thế nhưng, với con Chích Chòe Lửa thì hình như nghệ nhân nào cũng thích nuôi cả. Ngoài cái dáng đẹp của nó ra, con chim này còn có một giọng hót mang dư âm của rừng rú, khác hẳn với nhiều giống chim khác. Trong giọng hót của Chích Chòe Lửa, quí vị sẽ nghe được tiếng gió hú, tiếng mưa rào, lẫn lộn có tiếng suối reo, tiếng thác đổ… Giọng hót có lúc khoan, lúc nhặt, lúc bổng lúc trầm; có khi rất khoan thai, lại có khi rất gấp gáp… khiến người nghe không hề biết chán.
Hãy lắng nghe vào lúc ban trưa, hay khi ngoài trời đang chuyển cơn mưa, Chích Chòe Lửa bắt đầu “đi chuyện”, giọng chim như thầm thì, như chỉ hót riêng nho nhỏ cho một người nghe; nó có đặc tài chuyển đổi giọng hót, với nhiều giọng khác nhau, cơ hồ như không một lần lặp lại.
Sự tài tình đó là do trời phú cho con chim bắt chước được giọng hót của các loài chim khác, vày mượn được những âm thanh khác lạ xảy ra trong mồi trường sống hằng ngày: đó là tiếng suối reo, tiếng thác ầm ầm tuôn đổ, tiếng gió hú giữa rừng già mỗi khi trời đổ cơn giống thịnh nộ… Và nếu quí vị nuôi con Lửa năm ba tháng hay một vài mùa, quí vị nghe nhận ra trong giọng chim hót có cả tiếng chó sủa, tiếng mèo kêu, tiếng gà mái nhảy ổ hoặc tiếng gà con kêu chíp chíp mỗi khi lạc mẹ…
Nhiều người nghe mãi nên ghiền, đến nỗi trên đầu giường treo sẵn một vài lồng Chích Chòe Lửa để nghe chim ri rả đi chuyện ru hồn mình vào giấc ngủ trưa được êm ái hơn.
Và từ trước đến nay cũng không hiếm thấy những nghệ nhân, trong đời chỉ thích nuôi mỗi một giống Chích Chòe Lửa chứ không nuôi một giống chim hót nào khác! Có người nuôi đến ba bốn chục con, tuyển lần những con nào hay thì giữ lại, còn nài nỉ giá nào cũng không chịu bán!
Về giọng hót của chim, trong giới nuôi chim có nhiều người ngộ nhận, cho rằng chim có thân mình to thì giọng hót sẽ to, chim có thân mình nhỏ, do yếu sức nên giọng hót của nó sẽ nhỏ.
Mà ý thích người đời cũng khác lạ: có người chỉ thích chim có giọng hót thật to, ngược lại có người chỉ thích chọn chim có giọng hót vừa phải
Không phải chim có thân hình to là giọng nó sẽ to, và chim có thân mình nhỏ nó sẽ nhỏ! Giọng chim thường có ba âm chính sau đây:
Âm Thổ: chim có giọng này thì tiếng to mà trầm (không có nghĩa là khàn) ngân vàng như tiếng chiêng, tiếng trống.
Âm Bồng: Tiếng to mà thanh, cũng ngân vàng xa.
Âm Kim: Chim hót giọng này tiếng nhỏ, nhưng rất thanh, nghe nhẹ nhàng thanh thoát, êm tai.
Đó là ba âm chính. Ngoài ra còn có những âm phụ như Thổ pha Đồng, Thổ pha Kim, Đồng pha Thổ, Đồng pha Kim, Kim pha Thổ…
Như vậy, con chim giọng to hay nhỏ, trầm hay thanh là do ở âm giọng mà trời đã phú cho nó. Ta không thể sửa âm cho con chim, mà chỉ có thể sửa giọng khàn sang giọng thanh mà thôi. Khàn ở đây là do bệnh về đường hô hấp, hoặc có thể do suy yếu.
Mặt khác, con chim hót hay hoặc hót dở có thể là do cách nuôi của mình, mà cũng có thể do bản tính trời sinh như vậy. Chích Chòe Lửa đẹp
Do cách nuôi: Nếu cho ăn không bổ dưỡng, chăm sóc không đúng phương pháp thì con chim dễ suy. Mà chim đã suy thì biếng hót. Mặt khác, nuôi chim mà chỉ nuôi một vài con trong nhà, lại không đưa chim đi tập dượt ở các tụ điểm chơi chim, thì nó đâu có cờ hội học hỏi những giọng chim khác lạ để làm vốn riêng cho mình!
Giống chim hót, bất kẻ giống nào cũng có tài bắt chước hay nhái giọng những con chim khác mà nó được nghe nhiều lần. Và khi nó nhập tâm được giọng mới lại rồi, nó sẽ làm phong phú hóa cái giọng đặc thù của nó. Tiếng gà mái cục tác mà con chim Họa Mi hay Khướu bắt chước được, nó sẽ nhớ mãi đến ba bốn năm sau, có khi còn hơn nữa. Có điều vào những năm sau, thỉnh thoảng ta mới nghe chim lặp lại trong khi đi chuyện mà thôi, nhưng giọng thì vẫn rõ ràng…
Vì vậy, nhưng con chim bổi bẫy được ở rừng nào thì giọng hót của nó mang âm vàng vọng của khu rừng vùng ấy. Con Chích Chòe Lửa bẫy được ở Trị An có giọng hót hơi khác với chim bẫy được ở Bù Đăng, hay Chơn Thành.
Một vùng có thác, có suối, một vùng quạnh que chỉ cỏ rừng già… Đó là điều ai ai cũng biết.
Do bản tính trời sinh: Chim cũng có con khôn con dại, cũng như người có kẻ khôn người ngu. Người khôn thì học đâu nhớ đó, nghe gì nhớ nấy, lại mau mồm mau miệng. Còn người ngu thì đọc mười cuốn sách cũng không nhớ dược một dòng. Nói chuyện với ai thì miệng cứ lắp bắp không nói được một câu suôn sẽ ra hồn.
Chim mà khôn thì bắt chước giọng chim khác một cách tài tình, vày mượn âm thanh khác lạ bên ngoài làm vốn liếng riêng tư của chính mình, khiến giọng hót càng ngày càng khởi sắc hơn, giàu âm điệu hơn. Còn con chim đã dại thì dù có tập dượt cho lắm, tài nghệ của nó vũng không tiến bộ được bao nhiêu, vì trí óc đần độn của nó không cho phép tiếp thu nhanh những âm thanh hay lạ xảy ra chung quanh.
Vì vậy, khi gặp con chim hót dở, lúc nào cũng chỉ có bấy nhiêu giọng điệu, mặc dù đã được chủ nuôi khổ công tập luyện (bằng cách cho chim dượt ở các tụ điểm chơi chim, bằng cách cho nghe băng cassetie, bằng cách có chim bậc thầy kềm cặp…), thì tốt hơn hết ta nên thả chúng vào rừng để lưu truyền nòi giống, nuôi thêm chỉ tốn hao công của mà thôi!
Cũng như các loài chim muông khác, giọng hót của Chích Chòe Lửa cũng nhằm biểu tỏ sức mạnh của mình, ở nơi hoang dã, mỗi con chim trống mạnh khỏe được coi như là một vị lãnh chúa có quyền uy tự mình cai quản một thung rừng, rộng hẹp tùy nơi, do nó phải khổ công đấu sức đến kỳ cùng để giành giựt lãnh địa của con chim cùng giống của nó. Luật rừng mạnh được yếu thua muôn đời là vậy. Một ngày nào đó do già nua sức yếu, nó cũng phải sống tha phương cầu thực, “sống vô gia cư, thác vô địa táng”, khi không còn đủ sức giữ được vùng đất đang chiếm đóng của mình.
Vì vậy, khi còn oai, còn sức, chim trống dùng giọng hót của mình để thị oai vói những chim lạ dám cả gan léo hánh đến vùng cương thu của nó để ăn cắp con sâu, con bọ. Quí vị hãy nghe giọng hót con Chích Chòe Lửa trong thời kỳ căng lửa: trong làn điệu du dương bỗng nổi lên giọng “sổng” (hót như hét) có khác gì tiếng nạt nộ ra oai với kẻ thù đâu! Giọng “sổng” là giọng của con chim căng lửa: ai nghe cũng thích. Chim mà sáng cũng như trưa chỉ đi chuyện là chim chưa căng lửa.
Tóm lại, nếu nuôi được con chim hay (chim khôn), lại nuôi đúng phương pháp, tập dượt đúng kỹ thuật thì chim sẽ cho ta giọng hót hay hớn, đúng với ý muốn của mình. Trong khi đó, dù nuôi một con chim rừng (chim bổi) cho đến lúc thuần thục (chim thuộc) đi nữa mà không cho tập dượt thường xuyên, giọng của nó cũng chỉ là một điệp khúc cứ lặp đi lặp lại nghe hoài cũng phải nhàm tai, dù vẫn biết đó là giọng rừng thật sự. Như vậy, con chim hót hay hay dở một phần cũng do ở người nuôi, có chịu góp nhiều công sức để nuôi nấng và tập luyện hay không… Đổ lỗi hoàn toàn cho con chim, nhiều trường hợp đó là một lầm lẫn đáng tiếc.