23/05/2018, 15:28

Cấu tạo, dinh dưỡng sinh trưởng và sinh sản của cua xanh trưởng thành

Để nuôi cua mẹ cho đẻ, cua mẹ ôm trứng đạt hiệu quả, việc hiểu biết đặc điểm về cấu tạo, dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản của cua xanh là rất cần thiết. Kiến thức về đặc điểm cấu tạo, dinh dưỡng, sinh sản và môi trường sống của cua xanh sẽ giúp người sản xuất cua giống có những quyết định đúng ...

Để nuôi cua mẹ cho đẻ, cua mẹ ôm trứng đạt hiệu quả, việc hiểu biết đặc điểm về cấu tạo, dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản của cua xanh là rất cần thiết. Kiến thức về đặc điểm cấu tạo, dinh dưỡng, sinh sản và môi trường sống của cua xanh sẽ giúp người sản xuất cua giống có những quyết định đúng đắn khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào quá trình sản xuất.

Mô tả các bộ phận ngoài và nội tạng của cua xanh

Mô tả các bộ phận ngoài

còn có tên gọi là cua sú, cua xanh, cua bùn là một trong những loài cua biển có kích thước lớn, có thể đạt khối lượng đến 2kg. Toàn bộ cơ thể được bao bọc trong lớp vỏ kitin dầy và có màu xanh lục hay vàng sẫm, mặt bụng thường sáng hơn mặt lưng. Cơ thể cua có dạng dẹp theo hướng lưng bụng, được chia thành hai phần là phần đầu ngực và phần bụng.

– Phần đầu ngực Hình dạng (mặt lưng) của cua xanh trưởng thànhHình dạng (mặt lưng) của cua xanh trưởng thành

Phần đầu ngực lớn, phía trên được che trong giáp đầu ngực (mai cua).

Mai cua rộng, phía trên không bằng phẳng mà lồi thành nhiều vùng, mỗi vùng là vị trí của mỗi cơ quan của phần đầu ngực ở trong mai cua, gồm: 1: Vùng trán; 2: Vùng dạ dày; 3: Vùng tim; 4: Vùng ruột; 5: Vùng gan tụy; 6: Vùng mang; Các vùng lồi lên ở mặt lưng của giáp đầu ngực (mai) cuaCác vùng lồi lên ở mặt lưng của giáp đầu ngực (mai) cua Mặt trong mai cuaMặt trong mai cua

Phía trước mai có nhiều gai, hai hốc mắt chứa mắt có cuống, 2 cặp râu có chức năng xúc giác và vị giác. Dưới hốc mắt là các phụ bộ miệng như hàm, chân hàm để nhận và nghiền thức ăn. Các phụ bộ ở phía trước mai cuaCác phụ bộ ở phía trước mai cua

Mặt dưới của phần đầu ngực có các tấm bụng và lõm ở giữa để chứa phần bụng (yếm) gập vào. Mặt dưới của phần đầu ngựcMặt dưới của phần đầu ngực

Ở cua cái có 2 lỗ thoát trứng nằm ở tấm bụng thứ 3 được phần bụng gập lại che khuất. Lỗ thoát trứng ở mặt dưới phần đầu ngực cua cáiLỗ thoát trứng ở mặt dưới phần đầu ngực cua cái

– Phần bụng:

Phần bụng (yếm) của cua gấp lại ở mặt dưới phần đầu ngực, giúp cua thu ngắn chiều dài, thân hình gọn để dễ bò ngang.

Phần bụng gồm 7 đốt với các đốt bụng 1, 2 khớp động nhau, các đốt còn lại tùy theo cua đực hay cái mà có thể khớp động hay bất động.

Phần bụng dính vào phần đầu ngực bằng 2 khuy lõm ở mặt trong của đốt 1, móc vào 2 nút lồi bằng kitin nằm trên ức cua.

Hình dạng phần bụng cua khác nhau tùy theo giới tính, mức độ trưởng thành. Cua đực có yếm hẹp hình chữ V, các đốt 1,2 và 6 rõ còn các đốt 3, 4, 5 liên kết với nhau. Yếm cua đựcYếm cua đực

Con cái chưa trưởng thành sinh dục (trước thời kỳ lột xác tiền giao vĩ) phần bụng có hình hơi vuông (gọi là cua yếm vuông, cua cái so) Yếm cua cái trước thành thụcYếm cua cái trước thành thục

Khi cua cái thành thục (sau khi lột xác tiền giao vĩ), yếm tròn (yếm bầu) và rộng, che phủ gần hết mặt dưới phần đầu ngực.

Hậu môn ở cuối đốt 7.

Yếm cua cái thành thụcYếm cua cái thành thục

– Chân ngực

Có 5 đôi chân ngực nằm ở 2 bên phần đầu ngực, gồm:

Chân ngực 1: lớn nhất, còn gọi là càng. Đốt ngoài cùng mang kẹp dùng để bắt mồi, gắp thức ăn và tự vệ. Cua đực có 2 càng không đều nhau.

Chân ngực 2,3,4: kích thước tương đối đều nhau. Đốt ngoài cùng dạng vuốt nhọn. Các chân ngực giúp cua bò.

Chân ngực 5: đốt ngoài cùng có dạng bản như bơi chèo, là động lực chính giúp cua bơi trong nước. Cua đực có 2 lỗ thoát tinh nằm ở gốc chân. Chân ngực cuaChân ngực cua

– Chân bụng

Các chân bụng nằm ở phần bụng của cua, giữa phần bụng và đầu ngực. Tùy theo cua đực hay cái mà chân bụng có dạng và số lượng khác nhau.

Cua đực có đôi chân bụng 1 và 2 tiêu giảm thành chân giao vĩ. Chân giao vĩ (chân bụng 1 và 2 của cua đực)Chân giao vĩ (chân bụng 1 và 2 của cua đực)

Cua cái có 4 đôi chân bụng có lông tơ để làm nhiệm vụ giữ trứng khi cua ôm trứng Chân bụng cua cáiChân bụng cua cái

Cấu tạo trong

Hầu hết các cơ quan nội tạng đều nằm ở phần đầu ngực, trong mai cua. Nằm trên trục giữa phía trước là dạ dày, tim, ruột. Hai bên dạ dày là khối gan tụy có màu vàng. Buồng trứng có màu từ trắng kem, vàng nhạt đến đỏ cam (gạch son, gạch điều) tùy theo mức độ thành thục và chiếm phần lớn diện tích mai, kéo dài đến phía sau của mai tiếp giáp với yếm cua cái. Buồng tinh màu trắng nhạt nằm trên khối gan tụy của cua đực. Các cơ quan trong phần đầu ngực (mai cua đã được tách ra)Các cơ quan trong phần đầu ngực (mai cua đã được tách ra)

Nằm 2 bên phần đầu ngực, dưới tuyến gan tụy, có 8 đôi mang với một đầu gắn vào gốc phụ bộ, đầu còn lại tự do. Khi nước chảy qua hệ thống mang, oxy trong nước được hấp thu vào cơ thể và CO2 được thải vào nước. Khi cua lên cạn, nước chứa trong vùng mang đủ để cua hô hấp trong thời gian dài. Mang cuaMang cua

Đặc điểm dinh dưỡng

Cơ quan tiêu hóa

Bên ngoài là các phụ bộ miệng như hàm trên, hàm dưới, chân hàm để giữ và nghiền thức ăn từ kẹp (càng cua) đưa vào. Thức ăn qua miệng vào thực quản rồi được nghiền nhỏ bởi dạ dày. Thức ăn tiếp tục vào ruột chạy về phía sau phần đầu ngực, đi vào giữa của phần bụng. Phần chất thải không tiêu hóa được đưa ra ngoài qua hậu môn nằm ở cuối bụng. Bụng và phân cuaBụng và phân cua

Tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn còn có khối gan tụy, manh tràng tiết các dịch phân giải thức ăn. Khối gan tụy (được gọi là gạch vàng) gồm nhiều thùy hình sợi có màu vàng rất phát triển, lấp kín cả phần phía trước phần đầu ngực.

Tính ăn

Cua biển là loài ăn tạp, thường kiếm ăn vào ban đêm ở đáy biển, ao hoặc có khi bơi trên mặt nước. Cua bắt mồi tích cực, thời gian bắt mồi nhiều hơn thời gian vùi mình ở đáy hay trong hang. Từ giai đoạn cua bột, cua ăn rong, tảo, giáp xác, thân mềm (ốc, trai,  hến…), cá hay xác động vật hay những thức ăn có tính di động không cao và kể cả đồng loại. Thức ăn tự nhiên trong ống tiêu hóa của cua có 50% thân mềm, 21% tôm, cua, còng, phần còn lại là cá và mảnh thực vật. Cua dùng càng đưa cá vào miệngCua dùng càng đưa cá vào miệng

Các loại thức ăn tự chế biến dùng để nuôi cua thịt gồm cá, tôm, thân mềm, tảo sợi và các loại phế phẩm từ nhà bếp, lò mổ, xưởng đông lạnh thủy hải sản. Có thể sử dụng thức ăn là mồi chết nhưng phải còn tươi để cho cua ăn.

Đặc điểm sinh trưởng

Các giai đoạn của vòng đời cua xanh

Vòng đời cua xanhVòng đời cua xanh

Trứng nở thành ấu trùng Zoea sau khi được cua mẹ ấp 10 – 11 ngày ở 28 – 29ºC. Sau khi nở, ấu trùng cua xanh trải qua 2 hai đoạn là Zoea trong khoảng 16 – 18 ngày và Megalop trong khoảng 8 – 10 ngày thì lột xác thành cua bột. Cua có chiều rộng mai 15 – 60mm, khối lượng 3 – 20g, mỗi tháng gia tăng chiều rộng mai khoảng 7 – 12mm, tăng khối lượng 3 – 13g. Giai đoạn ấu niên (juvenile) có chiều rộng mai 61 – 80mm, khối lượng 25 – 70g, mỗi tháng gia tăng chiều rộng mai khoảng 1 – 12mm, tăng khối lượng 45 – 97g. Giai đoạn sắp trưởng thành và trưởng thành, tăng trưởng hàng tháng theo kích thước chiều rộng mai là 8 – 10mm, tăng khối lượng 100 – 130g. Trong tự nhiên, cua có chiều rộng mai 160mm có thể nặng đến 1kg.

Lột xác

Toàn thân cua được che chở bởi lớp vỏ cứng. Tuy nhiên, lớp vỏ này cũng ngăn cản sự gia tăng kích thước của cua nên trong quá trình sống, khi khối lượng cơ thể tăng đến một giới hạn nào đó, sự tương ứng giữa khối lượng và kích thước không còn nữa, cua loại bỏ lớp vỏ cũ để thay bằng lớp vỏ mới. Trong khi lớp vỏ mới còn mềm, cua hút nước vào cơ thể, gia tăng kích thước rất nhanh cho đến khi lớp vỏ mới cứng lại hoàn toàn. Quá trình thay vỏ này gọi là sự lột xác. Trước khi lột xác, cua hình thành lớp vỏ mới màu nâu, mềm bên trong lớp vỏ cũ, cứng ở bên ngoài (cua 2 da, cua cốm). Cua tìm chỗ kín để trú ẩn. Lớp vỏ mềm dần dần tách ra khỏi vỏ cứng ở bên ngoài. Sau đó, tại chỗ tiếp giáp giữa phần mai và yếm xuất hiện một vết nứt, hai bên của miệng cũng lần lượt xuất hiện vết nứt. Trước tiên, phần đầu ngực nâng lên, vết nứt lớn ra, phần đầu ngực lộ ra ngoài. Tiếp theo, chân bơi thoát ra, vỏ cũ của dạ dày, mang, ruột cũng được lột đi. Sau đó, bụng, càng được lột ra. Thời gian cua lột từ 30 – 60 phút. Cua lột xácCua lột xác

Cua mới lột xác, lớp vỏ trong thành lớp vỏ ngoài, nhăn nheo . Sau đó, vỏ dần dần căng ra và cứng lại.

Đặc điểm sinh sản

Cơ quan sinh sản

– Ở cua đực:

Buồng tinh màu trắng nhạt nằm trong phần đầu ngực của cua đực, sản sinh ra tinh trùng. Hai ống dẫn tinh dài, cuộn lại nối với 2 nhánh của buồng tinh. Ống thoát tinh là phần ống dẫn tinh nối với lỗ thoát tinh. Trong ống thoát tinh chứa tinh nang. Lỗ thoát tinh nằm ở gốc đôi chân ngực 5 để tinh nang thoát ra khỏi cơ thể cua đực. Bên trong tinh nang chứa tinh trùng được tạo thành từ buồng tinh. Chân giao vĩ là chân bụng 1 và 2 tiêu biến thành dạng que cứng, tham gia vào quá trình chuyển tinh nang từ cua đực vào khu chứa tinh của cua cái. Sơ đồ cơ quan sinh sản của cua đựcSơ đồ cơ quan sinh sản của cua đực

– Ở cua cái:

Buồng trứng nằm ở phần đầu ngực, sản xuất ra các tế bào (hạt) trứng. Ống dẫn trứng ngắn, nối với lỗ thoát trứng. Có 1 đoạn ống phình to tạo thành khu chứa tinh nang từ cua đực chuyển sang. Hai lỗ thoát trứng nằm ở mặt dưới phần đầu ngực, được phần bụng gập lại che khuất. Bên ngoài có 4 đôi chân bụng có nhiều lông tơ để trứng bám vào sau khi được đẻ ra. Sơ đồ cơ quan sinh sản của cua cáiSơ đồ cơ quan sinh sản của cua cái

Tập tính sinh sản

Mùa vụ di cư đi đẻ

Cua sống, phát triển ở các vùng rừng ngập mặn. Đến độ tuổi 1 – 1,5 năm, chiều rộng mai từ 120 – 180 mm, cua thành thục và tham gia sinh sản. Trước mùa sinh sản, cua di cư ra vùng biển ven bờ để lột xác tiền giao vĩ và tiến hành giao vĩ. Sau khi giao vĩ, buồng trứng cua cái tiếp tục phát triển cho đến khi trứng chín, cua đẻ và . Trứng nở, ấu trùng rời khỏi cua mẹ để sống tự do. Ở vùng biển phía Nam, cua thường di cư từ tháng 7,8 và mùa sinh sản chính bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 1, 2 năm sau. Tuy nhiên, có thể có cua ôm trứng vào tháng 7, 8. Ở vùng biển phía Bắc, thường có cua ôm trứng vào tháng 4 – 7.

Lột xác giao vĩ

Trước khi lột xác giao vĩ khoảng 2 – 10 ngày, cua đực và cái sẽ ghép đôi với nhau. Cua đực ôm chặt lấy cua cái ở mặt lưng bằng càng và chân bò, kể cả khi di chuyển. Khi cua cái chuẩn bị lột xác (sau khoảng 3 – 4 ngày), cua đực buông cua cái ra và ở cạnh. Cua đực ôm cua cái trước lột xácCua đực ôm cua cái trước lột xác

Cua cái vừa lột xác xong, cua đực liền ôm cua cái, áp sát mặt bụng vào nhau và gỡ yếm cua cái ra để giao vĩ. Khi giao vĩ, tinh nang của cua đực được chuyển vào khu nhận tinh của cua cái nhờ hoạt động của chân giao vĩ. Cua cái và đực áp bụng vào nhauCua cái và đực áp bụng vào nhau

Thời gian giao vĩ kéo dài từ 5 giờ đến cả ngày. Sau khi giao vĩ, cua đực buông cua cái ra nhưng vẫn ở cạnh để bảo vệ cua cái còn yếu, vỏ mềm. Tinh nang được giữ trong cơ thể cua cái với thời gian dài để thụ tinh cho trứng khi cua đẻ. Cua giao vĩ (cua đực ở trên cua cái)Cua giao vĩ (cua đực ở trên cua cái)

Sự phát triển buồng trứng

Giai đoạn I: Buồng trứng chưa thành thục, dạng dải mỏng và trắng mờ. Đường kính hạt trứng khoảng 0.035 – 0,050mm Buồng trứng cua giai đoạn IBuồng trứng cua giai đoạn I  O: Buồng trứng D: Tuyến gan tụy

Giai đoạn II: Buồng trứng đang phát triển, có màu trắng nhạt hay trắng kem, dày 2 – 3mm, chiếm 1 – 2% diện tích của khoang đầu ngực. Trứng có đường kính 0,045 – 0,1mm. Buồng trứng cua giai đoạn IIBuồng trứng cua giai đoạn II O: Buồng trứng D: Tuyến gan tụy Cs: Tim-dạ dày

Giai đoạn III; Buồng trứng tiền trưởng thành, có màu vàng nhạt hoặc vàng sáng, dày 3 – 7 mm và chiếm 10 – 20% diện tích của khoang đầu ngực. Trứng có đường kính 80 – 150μm. Buồng trứng cua giai đoạn IIIBuồng trứng cua giai đoạn III O: Buồng trứng D: Tuyến gan tụy Cs: Tim-dạ dày

Giai đoạn IV: Buồng trứng sắp trưởng thành, có màu vàng đến cam, nở rộng, dày 7 – 12 mm và chiếm 20 – 75% diện tích khoang đầu ngực. Trứng có đường kính 0,12 – 0,2mm. Buồng trứng cua giai đoạn IVBuồng trứng cua giai đoạn IV O: Buồng trứng D: Tuyến gan tụy

Giai đoạn V: Buồng trứng thành thục, có màu vàng cam đến cam đỏ, dày 10 – 20mm và chiếm hơn 75% diện tích của khoang đầu ngực. Trứng có đường kính 0,15 – 0,25mm và có thể nhìn thấy hạt trứng. Có thể nhìn thấy màu vàng từ phía sau giữa mai và yếm. Cua sẵn sàng đẻ trứng. Buồng trứng cua giai đoạn VBuồng trứng cua giai đoạn V O: Buồng trứng

Đẻ trứng

Khi trứng chín, cua cái tìm đến vùng nền đáy cát, cát bùn để đẻ. Trước khi đẻ khoảng 1 ngày, cua vệ sinh vùng ấp trứng bằng cách mở yếm và dùng các chân bò lấy các vật bẩn ra ngoài. Cua thường đẻ khoảng 17 – 24 giờ tùy theo nhiệt độ nước.

Khi đẻ, cua vùi mình vào cát, nâng phần đầu ngực, mở yếm, các chân bụng dựng đứng lên. Trứng qua ống dẫn trứng, thụ tinh với tinh trùng và được đẻ vào cát.

Thời gian đẻ khoảng 30 – 120 phút. Sau đó, cua cử động yếm, thu trứng vào bám trên các lông tơ của chân bụng. Trứng mới đẻ có kích thước khoảng 0,3mm, bám vào lông tơ, liên hệ với cơ thể mẹ qua cuống trứng nên trứng tự do và không dính vào nhau. Cua đẻCua đẻ

Trứng không thụ tinh thường không bám vào lông tơ mà nằm ở đáy. Cua cái 300g có thể đẻ và  mang hơn 1 triệu trứng. Trong mùa sinh sản, một cua mẹ có thể đẻ đến 3 lần, cách nhau khoảng 30 – 40 ngày.

Cua mẹ ôm trứng thường ở gần bờ, có độ mặn và nhiệt độ nước tương đối ổn định.

Sự phát triển của phôi

Sau khi hoàn tất quá trình đẻ khoảng 15’, trứng được cua mẹ thu vào mặt trong của yếm, bám vào lông tơ của các đôi chân bụng để ấp.

Có thể đánh giá chất lượng trứng qua quan sát màu sắc trứng mới đẻ. Trứng có màu đỏ gạch, kích thước lớn là trứng được hấp thu, chuyển hóa dinh dưỡng tốt.

Trứng có màu vàng do mức độ hấp thu, chuyển hóa dinh dưỡng trung bình. Trứng có màu vàng nhạt là do cua mẹ đẻ lần 2,3.

Trong khoảng 3 – 5 ngày đầu, có sự phân chia tế bào của trứng. Trứng cua sắp xếp lại thành múi trong yếm. Theo sự phát triển của phôi, trứng chuyển từ màu vàng sang màu cam, xám, về sau chuyển thành màu đen và một thời gian ngắn sau ấu trùng sẽ nở.

Khi trứng ngả sang màu xám thì bắt đầu xuất hiện mầm chân và mắt. Trứng màu vàng Trứng màu cam xếp thành múi (sau đẻ 5 – 7 ngày) (sau đẻ 3 – 5 ngày)

Lúc đầu mắt có dạng mảnh dài màu sáng, đối xứng 2 bên, sau đó to dần và màu cũng đậm hơn.

Cuối cùng hình thành đôi mắt kép màu đen. Lúc này trứng có màu đen. Trứng tốt sẽ có màu đen bóng. Tim bắt đầu hoạt động, nhịp đập yếu và thưa. Về sau nhịp đập mạnh và tăng số lần đập lên. Vỏ đầu ngực, chân hàm phát triển, đốt bụng hình thành, cơ bắt đầu co bóp.

Ấu trùng phá màng vỏ chui ra ngoài bước vào thời kỳ Zoea. Điều kiện thuận lợi, cua ấp trứng tốt, phôi phát triển đồng đều, ấu trùng nở đồng loạt, khoảng 3 – 6 giờ thì xong.

 

Sau khi giải phóng hết ấu trùng, cua dùng các chân bò nâng yếm lên gẩy bỏ những vỏ trứng, trứng hỏng đi và đóng yếm lại.

Trong quá trình ấp, cua mẹ thường xuyên dùng các chân bò cho vào khối trứng để gẩy bỏ các trứng chết.

0