Bệnh tụ huyết trùng (Pasteurellosis)
là bệnh truyền nhiễm xảy ra ở lợn sau cai sữa, đặc biệt là lợn vỗ béo do vi khuẩn Pasteurella multocida (typ A và B) và P. haemolytica gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, khắp nơi; gây tỷ lệ chết cao. Triệu chứng Thòi gian ủ bệnh kéo dài từ vài giờ đến 2 – 3 ngày hoặc dài hơn. Bệnh có thể xảy ...
là bệnh truyền nhiễm xảy ra ở lợn sau cai sữa, đặc biệt là lợn vỗ béo do vi khuẩn Pasteurella multocida (typ A và B) và P. haemolytica gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, khắp nơi; gây tỷ lệ chết cao.
Triệu chứng
Thòi gian ủ bệnh kéo dài từ vài giờ đến 2 – 3 ngày hoặc dài hơn. Bệnh có thể xảy ra với thể quá cấp, cấp tính, á cấp tính hoặc mãn tính.
Trong thể quá cấp lợn bệnh biểu hiện sốt cao (trên 41°C), tiêu chảy và chết rất nhanh (đột tử), biểu hiện đang bình thường đột nhiên lợn hét lên rồi lăn ra chết, sau khi chết xác lợn tím bầm, mồm sùi bọt mép. Trường hợp này xảy ra khi mầm bệnh đã có sẵn trong cơ sở chăn nuôi.
Trong thể cấp tính đặc trưng của lợn bệnh sốt cao, gương mũi khô, rét run, yếu, bỏ ăn, thở nhanh, viêm phổi dạng màng giả, nằm một chỗ và bụng trướng. Trong trường hợp này lợn bệnh thở dốc, ho, chảy dịch mũi lẫn mủ, tím niêm mạc gương mũi và tím tai, về cuối tím da cả phần bụng dưới. Vùng hầu sưng có màu tím, sờ nắn thấy cứng. Khi nắn khám lồng ngực lợn bệnh bị đau. Lợn bệnh thở thể bụng, nhiều con yếu 2 chân sau nên ngồi tư thế “chó ngồi”, 2 chân trước dạng ra để dẻ thở. Niêm mạc mắt đỏ. Đôi con bị viêm kết mạc (mắt có dữ), xuất huyết dưới da và tiêu chảy. Qua 3 – 8 ngày lợn bệnh có thể chết hoặc chuyển qua thể mãn tính. Nếu đàn chưa được tiêm vacxin phòng bệnh trong vòng vài ngày nhiều cá thể sẽ bị bệnh. Do bệnh xảy ra nhanh, nhiều con bị ốm, chọn phác đồ chưa phù hợp bệnh thuyên giảm chậm nên nhiều chủ chăn nuôi vội vàng bán chạy lợn gây thiệt hại kinh tế lớn.
Trong thể mãn tính lợn bệnh ho ngắt quãng, ho khan, hiện tượng viêm phổi xảy ra nhẹ hoặc không rõ ràng diễn ra trong một vài tháng. Một số khớp chân sưng có mủ, lợn đi khập khiễng và trên da xuất hiện triệu chứng eczema tróc vẩy, tím vùng da dọc hầu. Phần lớn lợn ốm gầy nhanh, yếu và sau 1 – 2 tháng sẽ bị chết. Một số ít con sống sót nhưng khi giết mổ thấy nhiều ổ viêm bị bao bọc ở phổi, màng tim, bao khớp.
Các chủng P. multocida có độc lực yếu không gây chết lợn nhưng tạo điều kiện cho các bệnh Dịch tả, Giả dại, Đóng dấu và Lepto nổ ra. Mặt khác, bệnh Tụ huyết trùng có thể xảy ra ở dạng nguyên phát hoặc thứ phát trên nền của các bệnh khác như bệnh Dịch tả lợn, Phó thương hàn, Tai xanh. Trong trường hợp thứ phát triệu chứng chính của lợn bệnh là viêm phổi kèm theo triệu chứng của bệnh nguyên phát.
Bệnh tích
Thể quá cấp: Khó phát hiện bệnh tích vì lợn chết quá nhanh. Mổ khám có thể thấy thịt lợn đỏ hơn bình thường.
Thể cấp tính: Bị nhiễm trùng cấp tính kèm xuất huyết ở thanh mạc, niêm mạc và các cơ quan nội tạng, xuất huyết nhiều điểm trên da. Phù thũng thanh dịch đặc trưng ở vùng cổ và vùng ngực nên ở lợn chết thấy cổ sưng, tụ máu màu tím ở da dọc hầu và bụng. Tích tụ thẩm thấu thanh dịch thể thứ cấp hoặc mãn tính fibrin trong khoang ngực và khoang bụng. Có hiện tượng ứ máu ở lợn chết và trong khí quản chứa bọt lẫn máu.
Thể á cấp hoặc mãn tính: Đặc trưng quá trình viêm tạo fibrin ở trong mô phổi, gan hoá từng vùng phổi. Dịch fibrin và dịch xuất huyết tích tụ trong khoang ngực và bao tim (bao tim tích dịch), mỡ vành tim xuất huyết, đôi khi thấy viêm dính màng phổi với thành ngực, thậm chí với cả màng ngoài tim. Xuất huyết điểm ở các cơ quan nội tạng và niêm mạc bàng quang. Dạ dày ruột viêm cata, niêm mạc ruột có thể viêm xuất huyết điểm và phủ màng giả. Gan sưng to. Tím da vùng dọc hầu.
Chẩn đoán
Dựa trên kết quả nghiên cứu dịch tễ bệnh, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích mổ khám và kết quả chẩn đoán của các cơ quan chuyên ngành. Một điểm cần lưu ý bệnh Tụ huyết trùng hay xảy ra do ảnh hưởng của các yếu tố stress như vận chuyển, thay đổi nhiệt độ đột ngột cho nên sau khi mưa rào xong trời trở nên nắng gắt một vài con lợn vỗ béo, đặc biệt con to béo đột ngột chết cần nghĩ ngay đến bệnh Tụ huyết trùng và có biện pháp đối phó thích hợp. Do bị sung huyết nên da của lợn bị bệnh Tụ huyết trùng đỏ lên, ấn tay vào thì biến mất, bỏ tay ra một lúc sau da lại đỏ ửng trở lại. Còn trong một số bệnh khác như Dịch tả, Phó thương hàn do xuất huyết dưới da nên ấn tay vào và bỏ tay ra đám xuất huyết không mất đi, da vẫn đỏ như cũ. Mặt khác lợn chết do bệnh Tụ huyết trùng bao tim thường tích nước, mỡ vành tim xuất huyết, phổi viêm tràn lan, gan sưng.
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh Tụ huyết trùng lợn với các bệnh Haemophilus parasuis, Viêm phổi truyền nhiễm, Viêm phổi – màng phổi, Nhiễm trùng máu do Salmonella bệnh do Toxoplasma, cảm nóng, tràn dịch màng phổi… Ngoài ra, khi bị bệnh Tụ huyết trùng lợn có thể bị sưng vùng dưới hầu và ức cho nên phải để ý đến bệnh Nhiệt thán. Khi mắc bệnh Nhiệt thán lợn không viêm phổi, từ các lỗ tự nhiên của lợn chết chảy máu không đông.
Haemophilus parasuis còn gọi là bệnh tim thũng, Glasser’s disease xuất hiện lác đác ở lợn con 3 – 8 tuần tuổi và giới hạn trong một trang trại với tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết không cố định. Lợn bệnh ủ rũ, sốt vừa hoặc cao, nôn, có biểu hiện thần kinh và viêm khớp. Mổ khám bệnh tích phát hiện viêm màng não có mủ, lẫn fibrin và dịch đục; viêm dính màng phổi, viêm màng phổi và tràn dịch màng phổi; viêm phúc mạc và tích dịch khoang bụng, trường hợp nặng viêm dính toàn bộ ruột thành một khối, bệnh tích này không gặp trong bệnh Tụ huyết trùng; tăng fibrin trên màng hoạt dịch và dịch khớp đục.
Viêm phổi truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh Suyễn và Nhiễm trùng máu do Salmonella được mô tả kỹ ở trong quyển sách này.
Bệnh viêm phổi – màng phổi (Pleuropneumonia) thường xảy ra ở lợn 2 – 6 tuần tuổi có mật độ nuôi đông đúc, điều kiện thông thoáng kém, trong lúc bệnh Tụ huyết trùng thường xảy ra ở lợn lứa tuổi lớn hơn. Thể quá cấp gây chết đột ngột. Thể cấp tính gây sốt cao (41°C, lợn bệnh ho ướt (ho có đờm), khó thở. Lợn chết ộc máu mồm và máu mũi lẫn bọt. Mổ khám thấy màng phổi viêm dính fibrin kèm chảy máu và dịch; phổi viêm có màu sẫm, cứng lại; khoang ngực tích dịch màu đỏ; khí quản và phế nang có dịch nhầy lẫn máu và bọt.
Bệnh do Toxoplasma là một bệnh ký sinh trùng gây viêm phổi và sốt cao ở lợn con; lợn lớn yếu, ho, run rẫy nhưng không sốt; nái chửa sẩy thai, đẻ thai gỗ và đẻ non, những triệu chứng này không gặp trong bệnh Tụ huyết trùng. Mổ khám thấy khoang ngực tích dịch, viêm bao tim và hạch lâm ba sưng to.
Cảm nóng có thể xảy ra ở lợn vỗ béo trong điều kiện thời tiết oi bức nhưng thông thoáng kém. Lợn bệnh có thể trướng bụng, khó thở, nằm một chỗ, bỏ ăn, bỏ uống, vãi phân ra chuồng, khó thở. Trong đàn có thể một vài con bị nhưng số còn lại vẫn ăn uống bình thường. Bệnh không lây.
Tràn dịch màng phổi có thể là biến chứng của nhiều bệnh. Trong trường hợp này lợn bệnh cũng ho nhưng ho khô. Đặc biệt lợn hay ho khi thay đổi tư thế nằm. Lợn hay sốt về buổi chiều.
Điều trị (3 – 5 ngày)
Cách 1:
– Tiêm bắp kháng sinh Enroseptyl – L.A, 1ml/20 kgP, 1 lần/ngày để diệt mầm bệnh.
– Tiêm bắp Phar – nalgin c, 5ml/con, 1 lần/ngày để hạ sốt.
Cách 2:
– Tiêm bắp kháng sinh Bocinvet – L.A hoặc Bocin – pharm, 1ml/10kgP, 1 lần/ngày, liên tục 3 mũi.
– Tiêm bắp Phamagin hoặc Pharti – P.A.I, 5ml/con, 1 lần/ngày để hạ sốt. Tiêm 2 – 3 ngày.
Chú ý:
– Có thể tiêm bắp một trong các loại kháng sinh Pharthiocin, Doxyvet – L.A, Doxytyl – F, Pharcolapi hoặc Supermotic (1 ml/10kgP/lần); Combi – pharm hoặc Phargentylo – F (1ml/15kgP/lần), 1 lần/ngày.
– Trong thể cấp tính khi lợn biểu hiện khó thở cần tiêm ngay Furo – pharm (1 – 2ml/50kgP/lần) để giảm phù phổi và Phar – pulmovet (1 ml/50kgP/lần), 1 – 2 lần/ngày để thông thở.
– Nếu lợn bệnh có biểu hiện trướng hơi cho uống Pharmalox, 10 – 20g/con/lần, 1 – 2 lần/ngày.
– Nếu đàn có số lượng lớn, trước hết cho toàn đàn ăn/uống một trong các loại kháng sinh: Pharamox hoặc CRD – pharm (1g/10kgP/ngày hoặc 2g/kg thức ăn) hoặc D.T.C vit (2g/10kgp/ngày hoặc 4g/kg thức ăn) liên tục 4 – 5 ngày, những cá thể có triệu chứng lâm sàng dùng cách tiêm.
– Phun sát trùng chuồng trại (Cloramin T).
– Sau khi điều trị khỏi tiêm vacxin phòng bệnh Tụ huyết trùng cho đàn lợn. Lưu ý chỉ tiêm vacxin cho lợn sau khi điều trị khỏi, nếu không dịch bệnh xảy ra nặng hơn.
– 7 ngày trưóc và 7 ngày sau khi dùng sản phẩm chứa Tiamulin như CRD – pharm không được dùng sản phẩm chứa kháng sinh Salinomycin, monemin, maduramicin, norasin.
Phòng bệnh
Phòng bệnh bằng vacxin
– Tiêm vacxin cho lợn từ 2 tháng tuổi trở lên, mỗi năm tiêm đại trà cho toàn đàn được 3 – 4 đạt là tốt nhất. Trong đó lưu ý 2 đợt tháng 3 – 4 và tháng 9 – 10.
– Sau khi bắt lợn từ nơi khác về nếu chưa rõ lợn đã được tiêm phòng hay chưa cần tiêm ngay 2 loại vacxin dịch tả lợn và tụ huyết trùng (hoặc tụ dấu).
Phòng bệnh bằng việc thực hiện tốt vệ sinh thú y
– Giữ chuồng sạch sẽ, định kỳ phun sát trùng. Khi xảy ra dịch không được xuất nhập lợn để hạn chế lây lan. Lợn ốm phải cách ly điều trị. Lợn chết phải tiêu hủy đúng qui định.
– Nâng cao thể trạng và sức đề kháng của lợn bằng cách chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật. Định kỳ tiêm phòng đầy đủ vacxin cho đàn lợn.
– Vào mùa hay xảy ra dịch bệnh, đặc biệt sau đợt mưa rào trời chuẩn bị nắng gắt cho toàn đàn lợn uống/ăn một trong các loại kháng sinh nêu trên sẽ cho hiệu quả phòng bệnh tốt.