06/02/2018, 15:31

Cảm nghĩ về truyện ngắn Hai đứa trẻ

Đề bài: Nêu lên cảm nghĩ của mình về truyện ngắn Hai đứa trẻ Bài làm Thạch Lam một nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Việt, ông có một tâm hồn thanh khiết lại đa sầu đa cảm cuộc đời nên ông đã dành trọn tình yêu cho văn chương, viết lách. Hầu hết các sáng tác ông để lại ...

Đề bài: Nêu lên cảm nghĩ của mình về truyện ngắn Hai đứa trẻ

Bài làm

Thạch Lam một nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Việt, ông có một tâm hồn thanh khiết lại đa sầu đa cảm cuộc đời nên ông đã dành trọn tình yêu cho văn chương, viết lách. Hầu hết các sáng tác ông để lại cho đời đều được ghi nhận, đón đọc, truyện ngắn Hai đứa trẻ là một trong số đó, một tác phẩm văn xuôi đầy sự nhẹ nhàng, tâm tưởng chủ đạo là sự xót thương đối với những kỷ niệm và ước mơ bình dị, cảm động của những em bé nơi phố huyện nghèo ngày xưa.

Tác phẩm nằm trong cuốn truyện Nắng trong vườn được tác giả rất tâm đắc, đầu tư có bố cục hợp lý, dễ dàng chia làm hai phần để ta cảm nhận về nó được sâu sắc hơn. Phần một: chính là miêu tả về phố huyện nghèo, còn phần thứ hai tác giả chủ yêu tập trung miêu tả hai chị em Liên.  Bối cảnh của toàn bộ câu truyện  là một phong cảnh rộng lớn, cùng những hoạt động rất bình yên nơi phố huyện nghèo, tầm thường giản dị, dễ khiến lòng người cảm giác heo hút và xót thương. Cũng là cho ta một dịp trở về với tuổi thơ, trở về với những phút tĩnh lặng của những ngày tháng xưa, phố huyện là một nơi đã gắn bó với nhiều người, đi sâu vào tiềm thức chính là giống với phố huyện trong tác phẩm của tác giả: "Phố huyện là một thị trấn nhỏ và nghèo. Xung quanh là cánh đồng và xóm làng. Gần bờ sông. Có đường sắt chạy qua, có một ga tàu. Chiều hè tiếng ếch nhái râm ran. Đêm xuống, phố vắng, tối im lìm. Rất ít đèn". Nhưng tác giả chưa dừng lại ở cái cách miêu tả cảnh vật, còn điều gì làm cảnh vật ấy bừng sáng, đáng để ta chăm chú chính là sự xuất hiện của các nhân vật, truyền lại sức sống cho chúng ta, đó không gì khác chính là nhờ có con người. 

Những con người ấy tuy chỉ là sống âm thầm, lặng lẽ, chăm chỉ với những công việc thường nhật, dưới ngòi bút của tác giả góp phần khắc họa thêm rõ nét một phố nghèo, yên tĩnh và đầy bóng tối. Ta cảm nhận thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua loạt cảnh và con người này được miêu tả tỉ mỉ. Qua đây ta thầm nghĩ, liên tưởng đặt câu hỏi: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ?". Ta cảm nhận tình cảm nhân đạo tràn trề của Thạch Lam đã được thể hiện qua cách viết nhẹ nhàng, nhưng đầy xót thương, thấm một nỗi buồn lớn.

Hai đứa trẻ 

Thời gian càng về khuya dường như không khí càng ảm đạm, nhưng điều bất ngờ bước vào làm thay đổi cảm xúc của câu truyện khiến ta phải xao động không ngớt trong tâm hồn chính là lúc hai chị em Liên lọt vào mắt tác giả, đó cũng là lúc tác giả trào dâng dòng cảm xúc mà phóng bút viết.  Hai chị em Liên và An cũng  chính là trùng với tên tiêu đề hai đứa trẻ. Tác giả nhấn mạnh vào miêu tả nhân vật chính của truyện là "chị khoảng mười ba, mười bốn,  em độ lên chín lên mười.Vì gia cảnh sa sút nghèo. Cha mất việc. Cả nhà bỏ Hà Nội về quê, Mẹ làm hàng sáo nên chị em Liên được mẹ cho trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu", họ tìm được một niềm vui mỗi đêm là vừa thức để trông hàng, cũng là thức để đợi chuyến tàu đêm lướt ngang qua cuộc đời, mang đến nhiều hy vọng, sự thích thú cho hai đứa.

Bóng tối vây quanh, đâu đâu cũng chỉ là tiếng muỗi vo ve, không gian hiu quạnh vì chỉ có lay lắt một chút ít thứ ánh sáng đối lập, hiện lên giữa không gian như chỉ đủ làm việc, mọi thứ im lìm, dường như lúc này tập trung miêu tả có hai con người nhỏ bé, đêm nào cũng ngồi dưới gốc bàng dọn hàng và bán hàng và chờ đợi. Tác giả đã phác họa cho ta đậm nét, đúng về tính cách, cũng như suy nghĩ của những đứa trẻ làm ta không cảm thấy nhàm chán khi đọc tiếp. Cô chị cả Liên khác với em trai nhiều, Liên thì tự cảm thấy mình là thiếu nữ đã lớn, đảm đang, kiêu hãnh vì cái "dây xà tích bạc ở thắt lưng vì "nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang” còn bé An thì được miêu tả ngược lại ngây thơ, vẫn cần được sự bao bọc của chị và mẹ.

An trước lúc ngủ còn dặn chị đánh thức khi tàu đến, con tàu từ Hà Nội về mang theo kỷ niệm đẹp của tuổi thơ của hai chị em, ngày bố còn đi làm, mẹ nhiều tiền được hưởng "những thức quà ngon lạ, được đi chơi bờ hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ".Những kí ức đẹp của hai đứa trẻ làm chúng thêm tội nghiệp, nó không quá xa xỉ, đáng nhẽ chúng đều nên được hưởng những điều đó. Khi nhìn lại vào hiện thực, quá khứ dù đẹp mấy cũng khiến người ta phải suy nghĩ, làm sao để thoát khỏi cảnh nghèo đói hiện tại, bóng tối của sự túng thiếu đè nén.

Chị em Liên đợi tàu như đợi những mơ tưởng chính đáng, Với Liên, trong ký ức và hiện tại “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Tàu đến như sa xỉ mang đủ thứ cho vùng đất này. Tàu đi, chiếc đèn xanh ở toa sau cùng xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre, như một ảo ảnh, một hi vọng le lói".Hình ảnh đoàn tàu dù sao cũng đã xuất hiện trong giấc ngủ của Liên, lúc đầu mờ dần đi “giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết…” về sau “mặt chị nặng dần”, chìm dần vào “ngập vào giấc ngủ yên tĩnh,… tĩnh mịch và đầy bóng tối”. Như chính là nói lên ước mơ đơn giản của người nghèo đã nhen nhóm khi nhìn thấy một điều mới đến để thay đổi cuộc đời họ, dù chỉ tạo một thoáng vui cho những cảnh đời bóng tối, những số phận bóng tối đã nói ở trên, nhưng cho họ phút chốc quên nỗi khổ, tìm đến với giấc ngủ sau một ngày nhọc nhằn, vất vả.

Có thể nói, ngòi bút của Thạch Lam thật xuất sắc tả ít mà gợi nhiều, nhỏ nhẹ, làm xúc động người đọc trước những số phận, những cảnh đời vui ít buồn nhiều, âm thầm, lặng lẽ và đầy bóng tối. Vừa có cả mơ ước nhỏ nhoi, bình dị trước một cái gì vừa thuộc về quá vãng, nhưng lại biết hướng tới tương lai.

Câu truyện đã khép lại, nhưng trong ta vẫn vẹn nguyên cảm xúc, tăng thêm tình yêu về quê hương chân thành mà sâu kín, êm ái, thông qua đó còn cho ta ngẫm nghĩ về cảnh đợi tàu thật xúc động không thể nào quên, và với ngòi bút tinh tế, đầy tính nhân đạo của tác giả đã góp phần đưa ước mơ của những người nghèo ra thế giới để chúng ta cùng cảm nhận, cũng thấy cảm thông cho họ, để giúp họ tin tưởng, hành động để mau chóng đưa ước vọng thành sự thật.

 

Từ khóa tìm kiếm

0