23/05/2018, 15:19

Cách sinh đẻ của cừu

Nếu biết rõ cừu cái phối giống vào ngày tháng nào ta dễ dàng tính được ngày nó sẽ sinh con, dù không chính xác. Nhờ biết trước như vậy nên ta mới có những bước chuẩn bị giúp cừu sinh nở được “mẹ tròn con vuông” nhờ vào việc chăm sóc chu đáo và nuôi dưỡng cẩn thận… Ngược lại, ...

Nếu biết rõ cừu cái phối giống vào ngày tháng nào ta dễ dàng tính được ngày nó sẽ sinh con, dù không chính xác. Nhờ biết trước như vậy nên ta mới có những bước chuẩn bị giúp cừu sinh nở được “mẹ tròn con vuông” nhờ vào việc chăm sóc chu đáo và nuôi dưỡng cẩn thận…

Ngược lại, nếu không nắm rõ ngày cừu phối giống thì chỉ còn cách… chờ đợi những dấu hiệu sắp đẻ ở cừu lộ ra để định liệu mà thôi…

Như quí vị đã biết, còn độ một tuần nữa sinh con, bụng của cừu căng rất to và có dấu hiệu sụt xuống, khiến nó đi đứng khó khăn, trông nặng nề chậm chạp. Còn vài ba ngày nữa sinh con, bầu vú cừu căng cứng và núm vú bắt đầu có sữa non; âm hộ cung sưng to… Đó là những dấu hiệu báo cho ta biết cừu sắp đẻ và ta cần chuẩn bị gấp những bước sau đây:

– Dắt cừu vào một ngăn chuồng rộng rãi, sạch sẽ và yên tĩnh. Dưới nền chuồng đã lót sẵn một lớp rơm khô và sạch để cừu nằm được êm ái và ấm áp. Đây chính là nơi dành cho cừu đẻ.

– Chuẩn bị sẵn những dụng cụ như kéo (dùng cắt rốn), chỉ (buộc cuống rốn), thuốc đỏ, bông gòn, khăn khô sạch.

– Người có nhiệm vụ chăm sóc cừu đẻ nên cắt ngắn các móng tay, và sau đó rửa tay thật sạch bằng xà bông.

cuu de 2 con

Trong thời gian chờ sinh con, nếu cừu mẹ tỏ dấu hiệu đòi ăn uống, ta nên để mặc cho nó ăn uống thỏa thích.

Thông thường cừu đẻ rất dễ, và chúng tự đẻ, không cần đến sự trợ giúp của người. Trước giờ sinh, cừu mẹ cũng có một khoảng thời gian chuyển bụng; nó thường đứng lên nằm xuống trên ổ rơm nhiều lần. Có con còn dùng chân trước cào chuồng như cách… lót ổ cho con nằm. Và khi sắp đẻ, nó bắt đầu rặn…

Cừu thường đẻ ở thế nằm nghiêng, nhưng cũng có trường hợp đẻ đứng. Khi đẻ đứng, hai chân sau nó hơi dạng ra và khuỵu thấp xuống một chút, nhờ đó cừu con vừa lọt lòng mẹ rơi xuống đất cũng không hại gì đến sức khỏe. Và cũng chính vì lo ngại cừu sơ sinh bị tổn thương nên nơi cừu đẻ người ta thường lót trước một lớp rơm khô khá dày…

Mỗi lứa cừu đẻ hai con, cũng có trường hợp chỉ sinh một con, nhưng ít có trường hợp sinh ba. Nếu sinh một, trọng lượng của cừu sơ sinh khá lớn, còn sinh hai, sinh ba, do thai nhỏ nên cừu mẹ chỉ rặn một vài hơi là ra.

Cũng xin nói thêm, cừu đẻ lứa so thời gian chuyển bụng thường lâu hơn và có vẻ đau đớn hơn cừu đẻ lứa rạ. Vì vậy, cừu đẻ lứa so cần đến sự trợ giúp của ta hơn.

Cừu sơ sinh vừa lọt lòng mẹ, nhiều con còn nằm trong bọc. Nếu mạnh khỏe, tự nó sẽ giẫy đạp cho rách bọc để chui ra. Có khi cừu mẹ trợ lực bằng cách dùng răng xé bọc cho con,..

Gặp trường hợp này, ta nên kịp thời can thiệp bằng cách dùng tay xé rách bọc để giúp cừu sơ sinh ra ngoài càng nhanh càng tốt, nếu chậm trễ cừu sơ sinh dễ bị chết ngộp.

Khi cừu sơ sinh vừa lọt lòng mẹ, ta bồng lên tay rồi dùng khăn khỏ, sạch và mềm mại lau mũi miệng cho sạch nhớt giúp nó dễ thở. Sau đó, dùng đoạn chỉ ngắn buộc cuống rốn, dùng kéo bén (đã khử trùng) cắt rốn rồi bôi thuốc đỏ sát trùng. Việc này với người thạo việc chỉ làm trong vài phút. Để làm khô nhớt trên mình cừu con nên giao cho cừu mẹ liếm láp. Nhờ sự liếm láp này mà về sau cừu mẹ dễ nhận ra hơi hướm của con nó.

Cừu đẻ từng con mọt, con thứ hai đẻ sau con thứ nhất nếu nhanh thì năm mười phút còn chậm cũng đủ thời gian để nó liếm khô lông con cừu vừa sinh, sau đó mới nằm xuống để sinh tiếp. Nhưng gặp ca đẻ khó, do phải gồng mình cố rặn đẻ từng hơi dài nên khi đẻ xong cừu mẹ mệt nhoài nằm lăn ra gần như cất đầu lên không nổi…

Đỏ là chưa nói nếu gặp ca đẻ ngược, có khi mạng vong cả mẹ lẫn con.

Có nhiều nguyên nhân khiến cừu đẻ khó; có thể do thai quá to mà cửa mình lại hẹp; có thể do thai nằm trong thế nghịch chiều nên không thể tống ra ngoài; cũng có trường hợp đáng lẽ đẻ bình thường được, nhưng do con mẹ không đủ sức rặn…

Đẻ khó thì cừu mẹ vừa đau đớn nhiều, vừa quá mệt nên dẫn đến kiệt sức, rất cần có sự trợ giúp kịp thời của bác sĩ thú y, hay người có kinh nghiệm đỡ đẻ,..

Cũng như trâu bò, cừu cũng có hai cách đẻ: thuận và ngược.

Đẻ thuận

Đẻ thuận là nhờ thai cừu nằm thuận chiều nên cừu mẹ chỉ cần rặn mạnh vài lần là đủ sức “tống” cừu con ra ngoài. Có hai trường hợp đẻ thuận:

– Một là, hai chân trước của cừu con song song duỗi thẳng về phía cửa mình cừu mẹ, kèm theo cái mõm của nó nằm ép sát trên hai chân nên dễ dàng ló hết ra ngoài sau những hơi rặn mạnh của cừu mẹ. Một khi đầu xuôi thì đuôi dỗ lọt. Cừu mẹ rặn vài hơi nữa sẽ đẩy được phần vai ra luôn, và sau đó phần thân cừu con còn lại sẽ… trôi tuột ra dễ dàng. Gặp trường hợp cừu con còn nằm trong bọc nước ối, cái thai sẽ dễ “trôi” ra nữa. Nhưng, nếu bọc nước ối vỡ khá lâu khiến cái thai mất độ trơn thì ta nên can thiệp bằng cách bôi trơn bàn tay mình bằng dầu ăn rồi nắm chặt hai chân trước của cái thai, nương theo đà rặn của cừu mẹ mà kéo cừu con ra ngoài.

– Hai là, hai chân sau của thai ra trước. Nếu bọc nước ối chưa vỡ, thai sẽ được “tống” ra dễ dàng sau vài hơi rặn của cừu mẹ. Ngược lại nếu bọc nước ối đã vỡ, cừu mẹ phải rặn lâu hơn, rặn dài hơi hơn thai mới chịu ra. Để tránh cừu con bị ngộp, ta cũng bôi trơn tay với chút dầu ăn, rồi bôi trơn cửa mình cừu, sau đó theo đà rặn của cừu mẹ mà từ từ “kéo” cái thai ra ngoài.

Đẻ ngược

Đẻ ngược là thai cừu cũng nằm xuôi như hai cách trên, nhưng do có một hay vài bộ phận nào đó không xuôi theo chiều thuận nên mới… cản trở không cho cái thai ra ngoài. Có hai trường hợp đẻ ngược thường xảy ra sau đây:

Một là thấy hai chân trước của thai vẫn song song duỗi thẳng về phía cửa mình cừu mẹ, nhưng cái đầu lại không xuôi theo mà ở thế ngửa cổ lộn ra phía sau, nên cái thai không thể lọt qua cổ tử cung được. Nếu không can thiệp kịp thời thì cả cừu mẹ lẫn cừu con đều chết cả. Cừu mẹ chết do rặn mất đến kiệt sức, còn cái thai do kẹt trong bụng quá lâu nên bị chết ngộp.

Cách can thiệp là bôi dầu trơn tay rồi luồn tay vào tìm cách sửa phần đầu cái thai nằm cho thuận chiều. Sau đó, nương theo đà rặn của cừu mẹ mà đưa dần thai ra. Nếu thai mới ngộp, nên dùng phương pháp hô hấp nhân tạo để cứu…

Hai là thấy cừu mẹ rặn mãi mà chỉ thấy một chân sau của thai ló ra mà thôi. Cho tay vào trong thăm dò (sau khi dùng dầu ăn bôi trơn) thì thấy cái chân sau còn lại nằm gấp ra phía trước bụng. Lại có trường hợp cừu mẹ rặn mãi nhưng không thấy tăm hơi cái thai đâu cả. Khi cho tay vào thăm dò, chỉ thấy nguyên cái móng to tướng của cái thai tòi ra ngoài, còn hai chân sau đều gấp về phía trước bụng.

Cả hai trường hợp đẻ ngược này, nếu ta can thiệp bằng cách lừa thế đẩy cái thai lọt sâu vào trong một chút. Sau đó, nhẹ tay sửa cái chân (hoặc cả hai chân) sau nằm xuôi theo chiều thuận. Công việc kế tiếp là chờ cừu mẹ rặn, theo đà đó ta lôi dần cái thai ra ngoài…

Như vậy đẻ thuận là cách đẻ dễ dàng, chỉ cần cái thai không quá to so với chiều rộng của xương chậu, và cừu mẹ đủ sức để rặn đẻ. Còn đẻ ngược thì chỉ có cách trợ giúp của người, cả cừu mẹ và con nó mới sống được thôi.

Cừu mẹ đẻ xong con nào cũng khát nước. Ta nên để sẵn thau nước ấm pha cám cho cừu uống thỏa thích. Có con thích nằm nghĩ ngơi, hoặc liếm khô lông của con nó, nhiều cừu mẹ còn đòi ăn. Ta nên chuẩn bị sẵn cỏ tươi, lá tre để cừu mẹ ăn ngon miệng hơn.

0