Các thành phần chính của câu
Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG Bài này giúp các em tìm hiểu về các thành phần chính của câu. Do đó, các em cần nắm vững các nội dung sau: – Thế nào là thành phần chính của câu? – Thế nào là vị ngữ? – Thế nào là chủ ngữ? 1. Thế nào là thành phần chính của câu? ...
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Bài này giúp các em tìm hiểu về các thành phần chính của câu. Do đó, các em cần nắm vững các nội dung sau:
– Thế nào là thành phần chính của câu?
– Thế nào là vị ngữ?
– Thế nào là chủ ngữ?
1. Thế nào là thành phần chính của câu?
– Thành phần chính của câu có hai đặc điểm:
+ Về mặt cấu tạo ngữ pháp, là phần bắt buộc phải có mặt để câu có cấu tạo ngữ pháp hoàn chỉnh.
+ Về mặt nội dung, là phần giúp cho ý nghĩa của câu đảm bảo được sự trọn vẹn.
Ví dụ: Mùa xuân, chim chóc kéo về từng đàn.
(Nguyễn Thái Vận)
Trong câu này, nhờ thành phần chính chim chóc kéo về mà câu mới đúng ngữ pháp và người đọc mới có thể hiểu được nội dung thông báo.
– Bên cạnh thành phần chính, trong câu còn có thành phần phụ. Ở câu trên, mùa xuân và từng đàn là thành phần phụ. Thành phần phụ là thành phần không bắt buộc có mặt. Trong câu có thể chỉ có thành phần chính nhưng không thể chỉ có thành phần phụ.
Các em hãy so sánh:
+ Chỉ có thành phần chính: Chim chóc kéo về. (Câu đúng)
+ Chỉ có thành phần phụ: Mùa xuân từng đàn. (Câu sai)
2. Thế nào là vị ngữ?
a) Vị ngữ là một trong hai thành phần chính của câu
Vị ngữ có đặc điểm sau:
– Có khả năng kết hợp với các phó từ chỉ quan hệ thời gian. Ví dụ: Lan đang đọc sách.
Trong câu này, đọc là vị ngữ có khả năng kết hợp với đang là phó từ chỉ quan hệ thời gian.
– Thường dùng để trả lời cho các câu hỏi: Làm gì? Làm sao? Như thế nào?…
Ví dụ, với câu vừa dẫn trên, ta có thể đặt câu hỏi:
Lan đang làm gì? – (đang) đọc (sách)
b) Cấu tạo của vị ngữ
Về mặt cấu tạo, vị ngữ có thể là:
– Một động từ hoặc một tính từ. Ví dụ:
+ Gió thổi. (vị ngữ là động từ)
+ Đôi càng tôi mẫm bóng. (vị ngữ là tính từ)
– Một cụm động từ hoặc một cụm tính từ. Ví dụ:
+ Cây hồng bì đã cởi bỏ hết những cái áo lá già đen đủi. (vị ngữ là một cụm động từ)
+ Cánh Dế Choắt chỉ ngắn củn đến giữa lưng. (vị ngữ là một cụm tính từ)
c) Số lượng vị ngữ trong câu
Câu có thể có một hoặc nhiều vị ngữ. Ví dụ:
– Câu có một vị ngữ: Cho đến chiều tối, thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò. (Võ Quảng)
– Câu có nhiều vị ngữ: Tôi bước qua ghế dài và ngồi ngay xuống trước bàn mình. (An-phông-xơ Đô-đê)
3. Thế nào là chủ ngữ?
a) Chủ ngữ là một trong hai thành phần chính của câu
Chủ ngữ có đặc điểm sau:
– Nêu tên sự vật, hiện tượng có hoạt động, đặc điểm, trạng thái,… được miêu tả ở vị ngữ. Ví dụ: Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập.
(Đoàn Giỏi)
– Thường dùng để trả lời cho các câu hỏi: Ai? Con gì? Cái gì?... Ví dụ, với câu dẫn trên, các em có thể đặt câu hỏi:
Cái gì nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập?
Trả lời: Chợ Năm Căn.
b) Cấu tạo của chủ ngữ
Chủ ngữ thường là danh từ, đại từ hoặc cụm danh từ. Ví dụ:
+ Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam... (chủ ngữ là danh từ)
(Thép Mới)
+ Một buổi chiểu, tôi ra đứng cửa hang như mọi khi, xem hoàng hôn xuống. (chủ ngữ là đại từ)
(Tô Hoài)
+… những bức tranh của thí sinh treo kín bốn bức tường. (chủ ngữ là một cụm danh từ)
(Tạ Duy Anh)
c) Số lượng chủ ngữ trong câu
Câu có thể có một chủ ngữ hoặc nhiều chủ ngữ. Ví dụ:
Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm nghìn công việc khác nhau. (câu có nhiều chủ ngữ)
(Thép Mới)
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Bài tập này có hai yêu cầu:
– Tìm chủ ngữ và vị ngữ trong từng câu.
– Xác định cấu tạo của chủ ngữ và vị ngữ.
Để tìm chủ ngữ và vị ngữ trong câu, các em hãy dựa vào một số câu hỏi thường dùng sau:
– Để tìm chủ ngữ: Ai? Con gì? Cái gì?…
– Để tìm vị ngữ: Làm gì? Làm sao? Như thế nào?…
Khi đã tìm được chủ ngữ và vị ngữ, các em dựa vào đặc điểm của từ loại, vào thành phần tạo lập nên chúng để xác định rõ loại cấu tạo.
Trong đoạn văn, chủ ngữ được in đậm và vị ngữ được in nghiêng:
Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua.
Về cấu tạo, các em thấy:
– Chủ ngữ:
+ Là một đại từ: tôi
+ Là một cụm danh từ: Đôi càng tôi ; Những cái vuốt ở chân, ở khoeo ; Những ngọn cỏ
– Vị ngữ:
+ Là một tính từ: mẫm hóng
+ Là một động từ: gẫy rạp
+ Là một cụm động từ: co cẳng lên ; đạp phanh phách
+ Là một cụm tính từ: cứ cứng dần ; nhọn hoắt.
2. Các em tự đặt câu theo yêu cầu nêu ra trong bài tập.
Câu tham khảo:
a) Hôm qua em giải nhiều bài tập toán.
Hôm qua em làm gì? – giải nhiều bài tập toán.
b) Tính nết Lan thật dịu dàng.
Tính nết của Lan như thế nào? — thật dịu dàng.
c) Hải âu là một loài chim biển.
Hải âu là gì?– là một loài chim biển.
3. Các em hãy chỉ ra chủ ngữ ở các câu vừa-đặt trong bài tập 2.
Chủ ngữ của các câu trong bài tập 2 như sau:
a) em – ai?
b) tính nết Lan – cái gì?.
c) hải âu – con gì?
Mai Thu