06/02/2018, 10:26

Tìm hiểu chung về phép lập luận giải thích

Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Giải thích là một nhu cầu to lớn trong đời sống, làm cho người khác hiểu rõ những điều chỉ ta biết. 2. Giải thích một sự vật, hiện tượng nào đó cần chỉ ra nguyên nhân, lí do, quy luật của nó. Trong văn nghị luận, giải thích là làm ...

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Giải thích là một nhu cầu to lớn trong đời sống, làm cho người khác hiểu rõ những điều chỉ ta biết.

2. Giải thích một sự vật, hiện tượng nào đó cần chỉ ra nguyên nhân, lí do, quy luật của nó. Trong văn nghị luận, giải thích là làm sáng tỏ một từ, một câu, một nhận định,…

II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

1. Trong đời sống, khi chưa rõ một điều gì đó, người ta cần được giải thích.

2. Trong văn nghị luận, người ta thường yêu cầu giải thích các vấn đề tư tưởng, đạo lí, các chuẩn mực hành vi của con người. Ví dụ:

– "Thế nào là hạnh phúc"? Có nhiều quan niệm về hạnh phúc: "Hạnh phúc là đấu tranh" (Mác); hạnh phúc là đạt được mục đích chân chính,…

– "Trung thực là gì"? Là không gian dối, là dám nói những ý nghĩ, sẵn sàng trình bày quan điểm của mình,…

– "Có chí thì nên": Người có chí là người dám vượt lên mọi khó khăn gian khổ, bền bỉ rèn luyện, học tập và phấn đấu,…

3. Trong bài văn Lòng khiêm tốn:

a) Vấn đề giải thích là lòng khiêm tốn. Để giải thích về điều này, tác giả đã dùng lập luận và lí lẽ làm sáng tỏ khái niệm và những biểu hiện của lòng khiêm tốn, phân tích lí do tại sao phải khiêm tốn và cần khiêm tốn như thế nào.

b) Những câu định nghĩa:

– Lòng khiêm tốn có thể coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật

– Khiêm tốn là biểu hiện của con người đứng đắn, biết sống theo thời và biết nhìn xa.

– Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng về phía tiến bộ, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng không ngừng học hỏi,…

c) Cách liệt kê các biểu hiện của khiêm tốn, cách đối lập người khiêm tốn và kẻ không khiêm tốn chính là những cách giải thích có hiệu quả.

d) Việc chỉ ra cái lợi của khiêm tốn, cái hại của không khiêm tốn và nguyên nhân của thói không khiêm tốn cũng là nội dung của giải thích.

Qua những điểm trên, có thể hiểu: Giải thích là làm cho người đọc hiểu rõ các vấn đề cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, tình cảm cho người đọc.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Trong bài Lòng nhân đạo:

– Vấn đề được giải thích là lòng nhân đạo.

– Phương pháp giải thích trong bài: Tác giả đi từ khái niệm "lòng nhân đạo" đến việc đưa ra những cảnh khổ khiến mọi người xót thương để làm ví dụ về lòng nhân đạo, rồi khái quát sự cần thiết phải có lòng nhân đạo: "Điều kiện duy nhất để tạo sự kính yêu và mến phục đối với quần chúng, tốt nhất là phải làm sao phát huy lòng nhân đạo đến cùng và tột độ vậy".

Mai Thu

0