23/05/2018, 15:30

Biện pháp an toàn sinh học nuôi gà Ai Cập

Đặc điểm, tính năng sản xuất của gà Ai Cập Gà Ai Cập là giống gà thả vườn của Ai Cập có năng suất trứng đạt 200 – 220 quả/năm, tỷ lệ lòng đỏ cao, chất lượng trứng thơm ngon, được nhập vào nước ta tháng 4 năm 1997. Gà Ai Cập có tầm vóc nhỏ, nhanh nhẹn, thịt chắc, chân cao, tiết diện hình nêm ...

Đặc điểm, tính năng sản xuất của gà Ai Cập

Gà Ai Cập là giống gà thả vườn của Ai Cập có năng suất trứng đạt 200 – 220 quả/năm, tỷ lệ lòng đỏ cao, chất lượng trứng thơm ngon, được nhập vào nước ta tháng 4 năm 1997.

ga ai cap

Gà Ai Cập có tầm vóc nhỏ, nhanh nhẹn, thịt chắc, chân cao, tiết diện hình nêm thể hiện rõ hướng chuyên dụng trứng. Gà có khả năng chịu đựng tốt, thích hợp với nhiều phương thức chăn nuôi. Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương- Viện Chăn nuôi đã tiến hành chọn lọc, nhân thuần qua 8 thế hệ và đàn gà ổn định, cho năng suất cao. Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đây là dòng gà thuần theo quyết định số 953QĐ/ BNN- KHCN ngày 16 tháng 4 năm 2004. Một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuậtMột số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật

Thực hiện biện pháp an toàn sinh học

Điều kiện chuồng trại

Xây dựng chuồng trại đảm bảo thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông đối với chuồng nuôi hở hoặc tốt nhất là xây dựng chuồng nuôi khép kín nuôi sàn hoặc nuôi nền vì hạn chế được sự tiếp xúc giữa con người và gia cầm cũng như giữa gia cầm và các loài khác. Tuy nhiên, với kiểu chuồng này thì cần có sự đầu tư ban đầu lớn và thích hợp với phương thức nuôi trang trại hoặc tập trung. Nền chuồng nên láng phẳng bằng xi măng, mỗi chuồng cần có hiên rộng từ 1 – 1,5m để tránh mưa gió hắt vào. Chuồng nuôi và sân chơi đảm bảo khô ráo và đặc biệt phải có ánh nắng chiếu vào…

Khu vực chăn nuôi

Khu vực chăn nuôi phải tách riêng với các khu vực phục vụ chăn nuôi khác như kho thức ăn, trạm , kho đựng chất độn chuồng. Đặc biệt là khu vực chứa phân phải có mái che, cách xa khu chăn nuôi và phải ở cuối hướng gió. Nếu chăn nuôi với số lượng lớn thì xây hệ thống Biogas. Xây dựng hệ thống đường đi và thoát nước theo hệ thống chuồng nuôi. Xây dựng chuồng cách chuồng từ 20 – 30m. Nêu là chăn nuôi trong nông hộ thì chuồng nuôi phải cách xa nơi ở ít nhất là 30m. Phải có khu vực xử lý xác gia cầm ốm, chết, tốt nhất là xây lò thiêu xác gia cầm thủ công. Khu vực này phải phun sát trùng thường xuyên.

Biện pháp cách ly mầm bệnh

Có hàng rào hoặc tường bao chắn xung quanh khu vực chăn nuôi cũng như có hệ thống cổng ra vào, hệ thống hố sát trùng, tắm gội thay quần áo bảo hộ trước khi vào khu vực chăn nuôi. Nếu chăn nuôi hộ gia đình thì phải có quần áo ở khu chăn nuôi và phải có bảo hộ lao động như ủng, khẩu trang… Phun sát trùng toàn bộ phương tiện khi ra vào khu vực chăn nuôi, có thể là hệ thống phun tự động hoặc có người trực để phun khử trùng. Hạn chế sự tham quan ra vào khu vực chăn nuôi, hạn chế các thành viên không chăn nuôi vào khu vực chăn nuôi, không nên nuôi các khác như chó mèo… trong khu vực chăn nuôi (nếu nuôi phải nhốt lại).

Chuẩn bị điều kiện nuôi

Chuẩn bị chuồng trại phù hợp với từng đối tượng gia cầm. Trước khi nuôi gia cầm phải tẩy rửa vệ sinh, phun thuốc sát trùng có thể dùng: Biocid 0,3%, formol 2%, Virkon 0,5%, BKA 0,3%, dung dịch hoạt hoá điện hoá Anolít nguyên chất… quét vôi trắng nền chuồng, tường và hành lang chuồng nuôi, để khô và phun lại lần cuối trước khi thả gia cầm vào nuôi 1 ngày. Nếu khu đã chăn nuôi thì phải có thời gian để trống chuồng ít nhất là 2 tuần (sau khi đã dọn rửa phun khử trùng và quét vôi) thì mới đưa gia cầm vào nuôi. Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, cót quây gia cầm… phải được tẩy rửa, phun thuốc sát trùng và phơi nắng cho khô. Phơi khô phun hoặc xông bằng thuốc tím và formol chất độn chuồng. Độ dày của chất độn chuồng tuỳ thuộc vào loại gia cầm và mùa vụ. Các thiết bị chăn nuôi như chụp sưởi, máng ăn, máng uống phải được sắp đặt sẩn ở trong quây và phải bật chụp sưởi cho ấm trước khi thả gia cầm mới nở vào. Xung quanh chuồng phải chuẩn bị hệ thống bạt che, các bạt này cũng phải được phun khử trùng hoặc xông formol trước khi đưa vào sử dụng. Xác định diện tích nền chuồng để quây gia cầm cho thích hợp, thường 350 đến 400 gà/quây có đường kính 3m chiều cao 40 – 50cm. Diện tích quây được nới rộng theo lứa tuổi của gia cầm. Lối ra vào chuồng nuôi phải có hố sát trùng hoặc phải có khay đựng thuốc sát trùng (Crezin 3%, formol 2% hoặc vôi bột) để sát trùng ủng và xe cải tiến trước khi vào chuồng nuôi.

Vệ sinh thú y trong quá trình chăn nuôi

Vệ sinh thức ăn, nước uống

Máng ăn, máng uống phải được rửa sạch và phun sát trùng hoặc ngâm formol 2% định kỳ 1 tháng 1 lần. Hàng ngày thay nước uống và rửa lại máng sạch sẽ.

Nước cho gia cầm uống phải là nước sạch, đạt các tiêu chuẩn về vi sinh vật và kim loại nặng… có thể bổ sung dung dịch hoá điện hoá (5% – 10%) cho gà uống từ lúc 1 ngày tuổi đến khi giết thịt để giúp phòng bệnh tiêu hoá.

Không được cho gia cầm ăn những loại thức ăn không đạt tiêu chuẩn về vi sinh vật, nấm mốc, kim loại nặng… Làm sạch máng ăn trước khi cho gia cầm ăn.

Vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh

Định kỳ phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi bằng các dung dịch thuốc sát trùng như Virkon 0,25%,Biocid 0,1%, dung dịch hoạt hoá điện hoá nguyên chất… ít nhất tuần 1 lần.

Phun sát trùng các khu vực xung quanh chuồng nuôi bằng Biocid 0,3%, formol 2%, Virkon 0,5%, BKA 0,3%, dung dịch hoạt hoá điện hoá Anolít nguyên chất thay đổi nhau tuần 1 lần.

Thường xuyên quét mạng nhện, bụi bẩn bám vào chuồng nuôi.

Cuốc đất, phun sát trùng, rắc vôi các khu vực xung quanh trại định kỳ 2 – 3 tháng 1 lần.

Thường xuyên diệt chuột và côn trùng ở khu vực chăn nuôi, làm cỏ, phát quang cây cối quanh khu vực chuồng nuôi để tránh những con vật mang mầm bệnh vào cho gia cầm.

Đảm bảo mật độ gia cầm trong chuồng nuôi và phải đảm bảo đủ máng ăn, máng uống cho gà.

Định kỳ dọn phân cho gia cầm, nếu chuồng trại ẩm ướt thì phải dọn phân ngay, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo.

Vệ sinh khu vực trạm ấp

Trước khi vào khu vực ấp phải có hố sát trùng.

Hạn chế đến mức thấp nhất khách ra vào tham quan.

Phải có phòng tắm thay quần áo giầy dép cho người làm trực tiếp tại trạm ấp.

Tất cả các loại trứng trước khi đưa vào ấp hoặc bảo quản phải xông khử trùng bằng thuốc tím và formol (17,5g thuốc tím + 35ml formol).

Khử trùng hàng ngày khu vực ấp. Các dụng cụ ấp nở phải được thường xuyên cọ rửa và phun khử trùng trước khi đem vào sử dụng. Định kỳ vệ sinh khu vực nhà ấp và xung quanh.

Diệt chuột và các loại côn trùng khác.

Phải có khu xử lý chất thải (vỏ trứng, trứng không nở) Có thể chôn sâu và rắc vôi bột lên trên hoặc đốt các vỏ trứng.

Kiểm tra sức khoẻ đàn gia cầm. Xử lý gia cầm ốm, chết

Kiểm tra sức khoẻ đàn gia cầm

Thường kiểm tra vào đầu giờ sáng hàng ngày.

Kiểm tra tình trạng thái chung như dáng đi, các biểu hiện bất thường của gia cầm như liệt chân, ủ rũ, chảy nước mắt, nước mũi, ho khó thở… Kiểm tra phân dưới nền chuồng.

Kiểm tra tình trạng ăn uống, xem đàn gia cầm có ăn uống như ngày thường hay có 1 số con hoặc cả đàn bỏ ăn…

Thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, cho ăn thức ăn phù hợp với từng giống và lứa tuổi gia cầm.

Thực hiện nghiêm túc lịch phòng vacxin và thuốc định kì cho đàn gia cầm.

Phải có sể ghi chép đầy đủ chính xác về các loại thuốc và vacxin sử dụng cho đàn gia cầm, thời gian ngày giờ cho uống tiêm vacxin

Nếu gặp những bệnh thông thường mà qua triệu chứng lâm sàng có thể chẩn đoán bệnh (cầu trùng, CRD) thì nên điều trị càng sớm càng tốt, trước khi giết thịt phải đảm bảo đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc kháng sinh.

Xử lý gia cầm ốm, chết

Không được giết mổ bừa bãi. Nếu gia cầm bị ốm, chết không được bán hoặc ăn thịt. Phải có khu mổ khám và đốt hoặc chôn xác gia cầm. Khi chôn phải chôn sâu, trước khi lấp phải rắc vôi bột lên trên. Thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực này. Không được sử dụng lại thức ăn thừa của những đàn gia cầm bị bệnh cho đàn khác.

Trong qua trình thực hiện những công việc trên người chăn nuôi đặc biệt chú ý phải chú ý bảo vệ mình bằng cách mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đi ủng, đeo kính bảo hộ, đội mũ, đi găng tay, sau khi thực hiện công việc xong phải tắm rửa và vệ sinh cá nhân cẩn thận.

0