Bài 27 – Lao xao
Bài 27 – Lao xao Hướng dẫn 1. Bài văn kể về các loài chim ở làng quê theo trình tự nào không hay hoàn toàn tự do? a) Các loài chim được nói đến: chim bồ các, sáo sậu, sáo đen, tu hú, chim ngói, bìm bịp, diều hâu, chèo bẻo, quạ, chim cắt. b) Qua việc thống kê các loài chim được ...
Bài 27 – Lao xao
Hướng dẫn
1. Bài văn kể về các loài chim ở làng quê theo trình tự nào không hay hoàn toàn tự do?
a) Các loài chim được nói đến: chim bồ các, sáo sậu, sáo đen, tu hú, chim ngói, bìm bịp, diều hâu, chèo bẻo, quạ, chim cắt.
b) Qua việc thống kê các loài chim được miêu tả trong văn bản này, ta thấy tác giả tả các loài chim theo trình tự: tả các loài chim hiền lành trước rồi sau mới nói đến những loài chim dữ.
c) Tìm hiểu cách dẫn dắt lời kể và tả, cách xâu chuỗi hình ảnh, chi tiết.
– Tác giả đang nói về hoa, ong, bướm thì chuyển sang nói về chim. Để chuyển ý như thế tác giả cho tiếng chim bồ các vang lên. Chính tiếng chim này đã kéo sự suy tưởng hướng về các loài chim. Đây là một sự dẫn dắt rất khéo trong cách kể chuyện.
Tác giả lại dựa vào một câu hát quen thuộc mà chị Điệp vừa nhắc tới để chuyển từ chim bồ các sang các loài sáo, rồi sang loài chim tu hú. Sau đó lại từ tiếng kêu của bìm bịp mà chuyển sang tả các loài chim ác như diều hâu, chèo bẻo, quạ, cắt.
2. Nghệ thuật miêu tả các loài chim
a) Chúng được miêu tả chủ yếu là tiếng kêu: mỗi loài chim có tiếng kêu khác biệt:
Bồ các kêu váng lên như bị ai đuổi đánh.
Sáo sậu sáo đen thì tiếng hót nghe thật vui. Sáo còn có thể học nói tiếng người.
Chim tu hú kêu "tu hú".
Chim nhạn kêu "chéc chéc".
Bìm bịp kêu "bịp bịp".
Diều hâu thì vừa bay vừa rú lên.
Chèo bẻo thì kêu "chè choe chét".
Ngoài ra chúng còn được miêu tả qua hình dáng: "con tu hú to nhất họ", "con diều hâu có cái mũi khoằm", "chim cắt cánh nhọn như dao bầu chọc tiết lợn". Hoặc chúng được miêu tả qua màu sắc: sáo đen, bìm bịp khoác bộ cánh nâu, quạ đen, quạ khoang, cắt là loài quỷ đen. Hoặc chúng được miêu tả qua hoạt động: bồ các vừa bay vừa kêu; sáo sậu sáo đen hay đậu lên lưng trâu; tu hú chỉ xuất hiện vào mùa quả tu hú chín; chim ngói thì luôn vội vã; nhạn thích bay cao tít; bìm bịp kêu vào lúc đã quá nửa buổi và lúc này cũng là lúc các loài chim ác xuất hiện; diều hâu bay cao nhưng đánh hơi rất tinh, khi bắt mồi, diều hâu lao xuống như mũi tên, bắt được mồi lại lao vụt lên mây; chèo bẻo bay nhanh lao lên như những mũi tên; quạ thì lia lia láu láu; cắt thì rất nhanh và chỉ xỉa kẻ thù bằng cánh nhọn.
b) Trong bài văn, tác giả luôn kết hợp nghệ thuật miêu tả và nghệ thuật kể chuyện. Hai yếu tố nghệ thuật này thường đan xen vào nhau làm cho lời văn thêm hấp dẫn. Ví dụ đoạn mở đầu:
Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm (kể).
Cây hoa lan nở trắng xóa. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên (tả).
Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn như để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi (kể).
– Các loài chim được tả trong môi trường sinh sống, hoạt động của chúng. Ví dụ:
Chim tu hú chỉ xuất hiện vào mùa quả tu hú chín để ăn quả. Quả hết nó bay đi đâu biệt. Nhạn tha hồ vùng vẫy tít mây xanh "chéc chéc".
Các loài chim được tả trong mối quan hệ giữa các loài. Ví dụ:
Cùng họ với diều hâu là quạ: quạ đen, quạ khoang. Lia lia láu láu như quạ dòm chuồng lợn. Không bắt được con gà, không ăn trộm được trứng; nó vào chuồng lợn… Quạ vừa bay lên, chèo bẻo vây tứ phía, dành. Có con quạ chết đến rũ xương…
Chèo bẻo ơi, chèo bẻo!
Chèo bẻo chỉ sợ mỗi chim cắt. Chim cắt cánh nhọn như dao bầu chọc tiết lợn. Bao nhiêu con bồ câu của nhà chú Chàng đã bị chim cắt xỉa chết.
c) Nhận xét về tài quan sát của tác giả và tình cảm của tác giả đối với thiên nhiên, làng quê qua việc miêu tả các loài chim:
– Phải là người rất yêu các loài chim, phải được nghe kể nhiều về chúng, đặc biệt là phải để tâm theo dõi và quan sát chúng, tác giả mới có thể viết về chúng tỉ mỉ và chân xác đến như vậy. Tài quan sát của tác giả thể hiện ở chỗ tác giả không chỉ biết về cái bề ngoài (hình dáng, màu lông…) mà còn biết rõ các đặc tính của chúng, cách chúng kiếm ăn, cách chúng chiến đấu với kẻ thù…
– Qua việc miêu tả cây lá, hoa trái và các loài chim chóc của miền quê, ta thấy tác giả vô cùng yêu mến làng xóm, ruộng vườn. Tác giả đã hòa nhập vào cuộc sống yên ả thanh bình mà sôi động tươi đẹp đó.
3. – Trong bài có sử dụng nhiều chất liệu văn hóa dân gian như thành ngữ: "Kẻ cắp gặp bà già"; đồng dao: "Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú là chú bồ các…"; và những chuyện kể về sự tích chim như: "Nghe đâu trước đây có một ông sư dữ như hổ mang. Lúc ông ta chết, giời bắt hóa thân làm bìm bịp".
– Cách cảm nhận đậm chất dân gian về các loài chim làm cho bài văn tả chim thêm sinh động, thêm hấp dẫn, giúp người đọc thêm nhiều hiểu biết. Tuy nhiên cách cảm nhận này cũng có điều chưa xác đáng. Ví dụ như: việc phân chia ra loài chim hiền, chim ác cũng chưa hẳn đúng. Hiền hay ác là cách nghĩ của con người còn các loài chim chỉ biết sống theo bản năng của chúng: có loài chim chỉ ăn ngũ cốc; có loài chỉ ăn sâu bọ; nhưng cũng có loài ăn thịt thì phải tìm cách săn bắt chuột, gà, thỏ để sinh tồn.
4. Bài văn cho em những hiểu biết rất mới về các loài chim. Em không ngờ các loài chim ở miền quê lại phong phú đến như thế và mỗi loài có mỗi vẻ, mỗi cách sống riêng.
Qua hình ảnh các loài chim, em càng thấy miền quê của đất nước mình thật tươi đẹp. Ngoài sự trù phú về hóa thơm quả ngọt, cây trái xanh tươi, đồng lúa chín vàng, miền quê của chúng ta còn là một thế giới ríu rít tiếng chim hót, và sôi động một cuộc sống muôn màu muôn vẻ của chim muông.
Tóm tắt:
Bằng sự quan sát tinh tường, vốn hiểu biết phong phú và tình yêu mến cảnh sắc quê hương, tác giả bài văn đã vẽ nên những bức tranh cụ thể, sinh động, nhiều màu sắc về thế giới các loài chim ở đổng quê.
LUYỆN TẬP
Em hãy quan sát và miêu tả một loài chim quen thuộc ở quê em.
Bài tham khảo
Ở quê em, em thấy xuất hiện nhiều loài chim như én, cò, sáo, chào mào, bói cá… nhưng nhiều nhất và quen thuộc nhất vẫn là những chú chim sẻ. Chim sẻ chỉ bé bằng quả trứng gà nhưng rất nhanh nhẹn. Chim sẻ khoác bộ cánh nâu màu đất. Chúng thường bay rất nhanh từ nơi này sang nơi khác và khi sà xuống đất chúng chỉ nhảy chứ không bước đi như cò. Chim sẻ cũng là loài chim siêng năng, cần mẫn. Từ sáng sớm tinh mơ, khi đằng đông mới chỉ hừng lên một màu hồng còn mặt trời thì chưa ló dạng, em đã nghe tiếng chim sẻ kêu liếp chiếp ở đầu tường. Chim sẻ tìm ăn sâu bọ ở trên cây và cũng rất thích ăn các loại hạt, vì thế khi mẹ em đổ thóc ra sân phơi, chim sẻ lại từng đàn mươi, mười lăm con "đổ bộ" xuống thi nhau mổ thóc. Chúng là loài chim hiền lành dù hơi "lắm lời". Tuy nhiên, thỉnh thoảng em cũng thấy có hai chú chim đánh nhau chí tử. Có khi mê mải đánh nhau mà cả hai chú đều rơi từ trên cao xuống đất. Chim sẻ thường làm tổ ở trên cây hoặc trong các hốc tường cao. Tổ của chúng kết bằng rơm, rạ, cỏ khô. Chim mái đẻ vào tổ vài cái trứng rồi ấp cho trứng nở. Những chú chim con trụi lông luôn hé cái miệng rất lớn có viền mép màu vàng ra đòi ăn khiến bố mẹ chúng phải tất bật cả ngày để kiếm mồi về nuôi chúng lớn.
Mai Thu