Ba Lan: Từ bi kịch đến thắng lợi
Mitchell A. Orenstein | The Foreign Affairs Minh Trang dịch Bất cứ ai hiểu biết về lịch sử Ba Lan sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự trỗi dậy của đất nước này từ đống tro tàn của quá khứ đau buồn. Trong suốt 25 năm qua, sau nhiều thế kỷ chiến tranh và bị nô dịch, Ba Lan đã được ...
Mitchell A. Orenstein | The Foreign Affairs
Minh Trang dịch
Bất cứ ai hiểu biết về lịch sử Ba Lan sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự trỗi dậy của đất nước này từ đống tro tàn của quá khứ đau buồn. Trong suốt 25 năm qua, sau nhiều thế kỷ chiến tranh và bị nô dịch, Ba Lan đã được hưởng hòa bình với một nền kinh tế ổn định và bùng nổ, và hội nhập với phần còn lại của châu Âu.
Là một vương quốc độc lập 800 năm về trước, nhưng vào năm 1795, Ba Lan đã bị xóa sổ khỏi bản đồ châu Âu và bị sáp nhập vào ba cường quốc láng giềng khác – đế chế Phổ, Nga, và đế chế Áo-Hung, tình trạng này kéo dài cho đến tận năm 1918. Tái sinh sau Thế chiến thứ nhất, trong một vài năm ngắn ngủi, Ba Lan đã từng là một nền dân chủ trước khi chứng tỏ không thể cai trị̣, chịu lùi bước trước chế độ độc tài, và sau đó một lần nữa bị chinh phục và chia cắt bởi Đức Quốc xã cũng như Liên Xô vào năm 1939. Sáu năm tiếp theo, Ba Lan sẽ thấy nó biến thành trung tâm của những gì mà nhà sử học Tomothy Snyder đã từng gọi là “Miền đất đẫm máu” của Châu Âu; ước tính có khoảng năm triệu người Ba Lan bị thiệt mạng trong những năm từ 1939 đến 1945, hơn một nửa trong số đó là người Ba Lan gốc Do Thái. Đức quốc xã và Liên Xô cũng đã xóa sổ những gì tốt đẹp nhất thuộc về giới trí thức và giáo sĩ Ba Lan. Warsawa lúc đó chỉ còn là đống tro tàn và một mồ chôn tập thể mọc lên dọc khắp mảnh đất này. Tiếp đến là bốn thập kỷ tăm tối và đen đủi dưới ách thống trị cộng sản. Chỉ có Giáo hội Công giáo đã đem đến chút hy vọng cho người Ba Lan.
Tuy nhiên, kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ năm 1989, vận mệnh Ba Lan đã trải qua một sự đảo ngược đáng kể. Sau cuộc lãnh đạo phong trào phản kháng nhằm lật đổ chế độ cũ, Công đoàn Đoàn Kết đã giành chiến thắng cuộc bầu cử dân chủ và bắt đầu cuộc cải cách kinh tế mạnh mẽ theo định hướng thị trường. Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan chuyển thành Liên minh Dân chủ cánh tả, từng thắng cử năm 1993 và 1995, và đưa đất nước gia nhập NATO năm 1999. Năm 2004, Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu với tư cách thành viên chính thức, củng cố liên minh chặt chẽ với Đức, kẻ thù thưở trước của họ.
Nền kinh tế Ba Lan đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua – tăng trưởng hơn bốn phần trăm mỗi năm, đạt tốc độ nhanh nhất châu Âu – và thu hút được những khoản đầu tư ồ ạt vào các công ty và cơ sở hạ tầng của họ. Ba Lan trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu của EU. Chất lượng cuộc sống đã tăng gấp đôi kể từ năm 1989 đến 2012, bằng 62 phần trăm mức sống của các quốc gia thịnh vượng ở trung tâm Châu Âu. Tất cả những điều này khiến cho nhà kinh tế học Marcin Piatkowski trong bản báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới đưa ra kết luận rằng Ba Lan “có lẽ vừa trải qua 20 năm tốt nhất trong hơn một nghìn năm lịch sử của họ.”
Vậy Ba Lan đã quyết tâm quản lý đất nước như thế nào để vượt qua những bi kịch lặp đi lặp lại trong quá khứ? Câu hỏi này hiếm khi được đặt ra bởi các nhà phân tích thị trường, vì mối quan tâm của họ với Ba Lan dường như chỉ dành cho các cuộc cải tổ kinh tế của những năm 1990. Những cuộc cải tổ đó thực sự là một phần của câu chuyện – nhưng đã tách ra và tập trung hoàn toàn vào việc làm lu mờ những nguyên nhân sâu xa hơn cho sự hồi sinh của đất nước. Để giải thích được sự bùng nổ kinh tế Ba Lan – và tại sao nó có khả năng tồn tại – đòi hỏi một cái nhìn sâu hơn vào lịch sử khó khăn của họ.
HÃY TIẾP CẬN PHƯƠNG TÂY !
Trong nhiều thập kỷ, vị trí địa lý là một trong những bi kịch của Ba Lan. Nằm trên vùng đồng bằng bằng phẳng, trải rộng ở Bắc Âu, không có đường ranh giới tự nhiên nào chia cắt họ với Đức về phía Tây, hoặc với Nga về phía Đông, Ba Lan thường bị giằng xé giữa hai nước này. Từ năm 1569 đến năm 1795, Ba Lan đã từng là một đế chế chuyên hướng về phía Đông: Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuanian, bao gồm những phần đất rộng lớn thuộc Belarus, Estonia, Latvia, Lithuania, và Ukraine ngày nay. Tuy nhiên, hiện nay, Ba Lan kiên quyết liên kết với phương Tây – đến mức người Ba Lan cảm thấy căm ghét khi đất nước của họ bị xem như là một phần của Đông Âu, và nhấn mạnh rằng họ sống ở Trung Âu. Mặc dù một số người coi sự chuyển đổi này là sự đối xử ưu ái nồng hậu của khối EU, tác giả thực sự tạo ra sự chuyển đổi Ba Lan sang phương Tây không ai khác ngoài Joseph Stalin.
Sự đóng góp bất đắc dĩ của Stalin bắt nguồn từ việc các nhà lãnh đạo Liên Xô ép buộc xác định lại biên giới đất nước sau Thế chiến thứ hai. Ưu tiên hàng đầu của ông ta là mở rộng Liên Xô, và do đó, đã giữ lại tất cả các vùng đất ở phía Đông Ba Lan mà ông ta đã từng sát nhập vào năm 1939, và đền bù lại cho nước này một phần lớn các vùng lãnh thổ phía Đông Đức là Silesia, Pomerania, và Đông Phổ. Ngoài việc mở rộng quy mô cho đế chế, Stalin còn phải lo trừng phạt người Đức, và sự thực là, hàng triệu người đã bị trục xuất khỏi quê hương của họ trong các vùng lãnh thổ mới của Ba Lan. Rồi sau đó, hàng triệu người Ba Lan từ vùng đất bị sáp nhật ở phía Đông bị xua đuổi sang vùng đất trống hoàn toàn mới ở phía Tây.
Ngày nay, quyết định đẩy Ba Lan về phía Tây của Moscow phải bị coi là một sai lầm chiến lược lớn. Bởi vì hậu quả lâu dài là đã để cho Ba Lan di chuyển vào quỹ đạo của Đức một cách vững chắc. Thực vậy, Ba Lan ngày nay chủ yếu bao gồm lãnh thổ của Đức nhưng người Ba Lan sinh sống ở đó. Kể từ khi Đức chấp nhận tình trạng này thông qua ký kết hiệp ước hòa bình với Ba Lan vào năm 1990, họ đã tìm cách lôi kéo Ba Lan lại gần hơn. Và Warsawa tỏ ra là một đối tác có thiện chí.
Một phần của những điều khiến cho Ba Lan ngày nay trở thành một nơi đầu tư an toàn là mối ràng buộc sâu sắc với một nền kinh tế dẫn đầu Châu Âu. Mối quan hệ này có lợi cho cả hai quốc gia. Một lượng lớn máy móc xuất khẩu của Đức hiện nay được đặt ở Ba Lan. Ba Lan giành được các khoản đầu tư cũng như thị trường Đức cho hàng hóa của họ, còn Đức hưởng lợi từ Ba Lan nhờ cơ hội sử dụng cơ sở sản xuất sản phẩm giá rẻ, chất lượng cao để cạnh tranh với Đông Á. Quả thực, một vài ngành công nghiệp Đức có khả năng sản xuất hàng hóa ở Ba Lan với giá rẻ hơn ở Trung Quốc. Ba Lan cung cấp cho Đức môi trường kinh doanh thân thiện, nhiều lao động tay nghề cao, và, trên tất cả, là sự gần gũi.
Đức dựa rất nhiều vào người láng giềng phía Đông cho sự thành công trong ngành công nghiệp ô tô của họ. Tại nhà máy ở Poznan, Volkswagen tuyển dụng 6.900 công nhân để sản xuất các mô-đun ống dẫn, đầu xi lanh, thiết bị lái, cũng như 155.000 xe ô tô thương mại mỗi năm. Tập đoàn MAN tuyển dụng 4.000 công nhân ở Ba Lan để lắp ráp xe tải nặng, xe buýt thành phố và khung gầm xe buýt tại ba nhà máy khác nhau. Ô tô và linh kiện ô tô hiện đang là hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Ba Lan, mặc dù sự thật là nước này không có nhãn hiệu nào nổi tiếng tầm quốc tế; một sự đóng góp to lớn nhưng rốt cuộc vẫn là nhãn hiệu xe của Đức. Một điều tương tự cũng xảy ra trong các ngành công nghiệp khác như thiết bị gia dụng và quần áo; ví dụ, hãng thời trang Hugo Boss của Đức cho sản xuất giày tại một nhà máy ở thành phố Radom của Ba Lan.
Vì hiện nay Ba Lan là một phần then chốt trong chuỗi cung ứng của Đức, nước này đã trở thành nền kinh tế xuất khẩu lớn – xuất khẩu hiện nay chiếm 46 phần trăm GDP. Một báo cáo gần đây của Morgan Stanley ước tính rằng 30 đến 40 phần trăm hàng xuất khẩu của Ba Lan sang Đức bây giờ đã trở thành hàng xuất khẩu của Đức đến các nước trên thế giới. Sự phụ thuộc lẫn nhau này giải thích lý do tại sao Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan, mua bán đến 25 phần trăm hàng xuất khẩu và nhập khẩu của Ba Lan, tổng số chiếm khoảng 12 phần trăm nền kinh tế Ba Lan nói chung.
Không một lợi ích nào kể trên có thể xảy ra nếu mối quan hệ Đức – Ba Lan không được hội nhập vào Cộng đồng Châu Âu rộng lớn hơn. Kể từ khi Ba Lan gia nhập vào năm 2004, EU đã làm rất nhiều điều kì diệu cho họ và phần còn lại của Đông Âu, như đảm bảo quyền tự do dân chủ, cải cách hành chính và giúp tự do hóa thị trường. Trong thập kỷ qua, EU đã đầu tư gần 40 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng cho Ba Lan, xây dựng các xa lộ kiểu Đức mà Ba Lan chưa từng có; nâng cấp đường cao tốc hai làn xe đã lỗi thời, bị quá tải và thường gây tử vong; cải tạo các trạm xe lửa và đường ray nhỏ hẹp; làm sạch các con sông; và thiết lập cơ sở hạ tầng băng thông rộng. Quá trình này đã biến Ba Lan thành công trường xây dựng lớn nhất châu Âu. Từ năm 2000 đến năm 2013, tổng chiều dài đường cao tốc và xa lộ ở Ba Lan đã tăng gấp năm lần, làm giảm đáng kể chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa về phía Tây. Và những lợi ích sẽ vẫn tiếp diễn: từ năm 2014 đến năm 2020, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ bơm hơn 106 tỷ euro vào nước này. Việc bơm tiền này sẽ tương đương gần hai phần trăm GDP hàng năm của Ba Lan, mức độ tài trợ tương tự những gì Washington đã từng cung cấp cho Châu Âu theo kế hoạch Marshall.
QUẢN LÝ SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA BA LAN
Do bởi sự chú trọng đến đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Ba Lan (hầu hết các ngân hàng và doanh nghiệp lớn đều thuộc sở hữu nước ngoài), sự phụ thuộc vào ngoại thương, và sự thật là rất nhiều người Ba Lan làm việc bên ngoài đất nước, các nhà kinh tế chính trị thường mô tả Ba Lan là “một nền kinh tế thị trường phụ thuộc.” Sự phụ thuộc này tạo nên một tình thế khó xử thường thấy: để thu hút doanh nghiệp nước ngoài và duy trì khả năng cạnh tranh, Ba Lan phải hạ thấp mức lương, hiện nay bằng khoảng một phần ba mức lương của các nước phát triển hơn trong EU. Nhưng công nhân Ba Lan sống bên cạnh phần còn lại của Châu Âu, có số lượng lớn người đi lại và làm việc ở đó, và do đó mong muốn một mức sống cao hơn. Thực tế này sẽ gây khó khăn cho Ba Lan trong việc duy trì những lợi thế có sẵn với nhân công giá rẻ.
Ba Lan sẽ đặc biệt lo lắng về tình trạng khó xử này khi các nước khác cũng có mức lương thấp và có thể hoạt động như các cơ sở sản xuất trong các khu vực lân cận. Trong năm 2009, khi nhà sản xuất máy tính Dell di chuyển nhà máy chính của họ ở châu Âu, từ Limerick, Ireland, đến Lodz, Ba Lan, thị trưởng thành phố Limerick đã dự đoán một cách mỉa mai rằng “Dell có thể sẽ di chuyển sang Ukraine trong khoảng thời gian từ sáu đến tám năm nữa.” Người ta có thể nói về điều tương tự đối với rất nhiều cơ sở quan trọng vốn đã trở thành chỗ dựa nghề nghiệp cơ bản ở Ba Lan.
Để vượt qua thách thức này, Ba Lan phải làm tăng nấc thang giá trị gia tăng và bắt đầu sản xuất hàng xuất khẩu công nghệ cao và có chất xám nhiều hơn nữa. Hiện tại, Ba Lan không đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển như những nước láng giềng phát triển hơn – chỉ chiếm 0.7 phần trăm GDP so với khoảng 2.0 phần trăm của Châu Âu nói chung. Nhưng có lý do để tin rằng Ba Lan có thể thay đổi xu hướng này. Tài sản lớn nhất của đất nước chính là hệ thống giáo dục đại chúng của họ. Một trong rất ít lợi ích mà chế độ cộng sản để lại là một đất nước Ba Lan có tỷ lệ biết chữ vào hàng cao nhất thế giới. Kể từ năm 1989, người Ba Lan tiếp tục đầu tư mạnh vào giáo dục, học tiếng anh, xây dựng các trường đại học tư thục mới, và tham gia vào chương trình trao đổi sinh viên Erasmus giữa các trường đại học châu Âu. Ba Lan hiện có tỷ lệ tuyển sinh đại học cao thứ hai thế giới trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đồng thời, khi các công ty công nghệ nhỏ và sáng tạo của Ba Lan bùng nổ, con đường dẫn đến một tương lai công nghệ cao sẽ tự xuất hiện.
Tuy nhiên, nguy cơ lâu dài lớn nhất đối với Ba Lan vẫn là mức tiêu thụ và đồng lương của họ sẽ tăng quá nhanh, dẫn đến sự lấn át đầu tư trong nước và ngăn chặn hoạt động kinh doanh từ nước ngoài. Trong việc quản lý sự tăng trưởng đất nước, các chính trị gia Ba Lan phải khéo léo đạt được sự cân bằng giữa việc thỏa mãn mối quan tâm của cử tri và việc duy trì chi phí lao động giá rẻ của nước này.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong mối quan hệ phụ thuộc này cũng giải thích lý do tại sao Ba Lan không tham gia vào khu vực đồng euro, ít nhất là không phải trong bất cứ thời điểm nào sắp tới. Mặc dù chính phủ Ba Lan và giới tinh hoa Ba Lan lúc ban đầu đã kêu gọi mạnh mẽ và khăng khăng áp dụng đồng tiền chung, nhưng cuộc khủng hoảng nợ công và tài chính tầm quốc gia đã thay đổi suy nghĩ của họ. Một phần của lý do Ba Lan đã an toàn vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là do họ có khả năng làm giảm giá trị đồng zloty, giúp Warsawa duy trì xuất khẩu và giữ ổn định việc làm trong nước. Khi cuộc khủng hoảng nợ quốc gia xảy ra vào năm 2009, Ba Lan đã dựa vào sự mất giá tiền tệ và gói kích thích kinh tế của chính phủ để tránh một cuộc suy thoái, họ là quốc gia Châu Âu duy nhất đã làm như vậy. Warsawa biết rằng việc giữ lại đồng tiền của riêng họ có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ phải chi trả chi phí giao dịch, nhưng nó cũng sẽ giúp đất nước giảm thấp mức lương. Vì thế đừng mong đợi sự xuất hiện của đồng euro trên các đường phố ở Krakow hoặc Gdansk cho đến khi mức sống của khu vực châu Âu và Ba Lan xích lại gần hơn nữa.
TẠI SAO LẠI LÀ BA LAN?
Thách thức cuối cùng Ba Lan đang phải đối mặt, một điều mà nhà đầu tư tiềm năng nên ghi nhớ, giống như các quốc gia khác trong khu vực lân cận, đó là nỗ lực để xây dựng một bộ máy quan liêu hiệu quả. Ba Lan vẫn đang chỉ xếp thứ 41 và 45 về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Chỉ số Thuận lợi Hoạt động Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Mặc dù rủi ro chính trị để kinh doanh tại Ba Lan là rất thấp – đặc biệt là so với việc kinh doanh tại Nga – có thể mất vài tháng để thành lập một công ty ở đây. Một số doanh nghiệp phàn nàn rằng Warsawa ưu tiên các doanh nghiệp có vốn nhà nước, sử dụng các quy chế như một công cụ để lựa chọn kẻ thắng cuộc, hoặc chính phủ vẫn chưa làm việc một cách đủ tích cực để loại bỏ các rào cản hành chính cho tăng trưởng. Mặc dù cơ hội đầu tư là rất cao, chính phủ lại không có khả năng giúp đỡ.
Mặc dù một số nước Trung Âu và Đông Âu khác cũng đưa ra lời mời chào tương tự, Ba Lan vẫn là một sự lựa chọn hấp dẫn so với các nước láng giềng. Dân số của họ là 38 triệu người – gấp khoảng bốn lần so với dân số Cộng hòa Séc hay Hungary – có nghĩa là họ có một thị trường nội địa rộng lớn. Cộng hòa Séc và Hungary có nền kinh tế giàu có hơn và cởi mở hơn, nhưng Ba Lan lại có chi phí lao động thấp hơn nhiều và phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, cơ cấu quản trị của họ tuân thủ nhiều quy tắc ràng buộc hơn so với các đối thủ cạnh tranh có mức lương thấp, chẳng hạn như so với Bulgaria, Romania, hoặc những nước khác bên ngoài EU. Tất cả những nước này đều cần phải tiếp tục chuyển sang các ngành công nghiệp công nghệ cao hơn theo thời gian để công dân của họ khả năng nâng cao mức sinh hoạt.
Theo một cách nào đó, Ba Lan là khuôn mẫu mà Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng có thể tạo ra cho Châu Âu. Ba Lan đã tạo được một thị trường có lợi nhuận trong cỗ máy sản xuất của Đức, và có thể phát triển nhanh dựa trên một nền kinh tế định hướng xuất khẩu bằng một đồng tiền mạnh và nhu cầu nội địa vừa phải. Với mô hình này, Đức đã gây nên sự giận dữ ở miền Nam Châu Âu, nhưng đối với Ba Lan, nó lại thực sự hiệu quả.
Warsawa đôi khi được gọi là “thành phố chim phượng hoàng” bởi cách thức trỗi dậy của họ, như loài chim thần thoại từ đống tro tàn của Thế chiến thứ nhất. Ngày nay, nhiều dân thường Ba Lan và các nhà đầu tư thường tự hỏi làm thế nào con chim phượng hoàng này có thể bay cao đến thế. Dự báo kinh tế cho thấy nền kinh tế Ba Lan sẽ tăng trưởng khoảng 2,5 phần trăm mỗi năm cho đến năm 2030, trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới trước khi thực sự bước vào suy thoái vì suy giảm dân số. Nếu nước này có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiếu khách hơn, xây dựng được một nền kinh tế trên nền tảng tri thức, khuyến khích nhập cư và tỷ lệ sinh cao hơn, thì có lẽ họ sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa. Sau cùng, người Ba Lan có biệt tài vượt qua kỳ vọng.
Mitchel A. Orenstein là giáo sư và hiện đang làm chủ tịch của Khoa Khoa học chính trị tại Đại Học Northeastern, đồng thời là cộng tác viên ở cả Trung tâm Minda de Gunzburg nghiên cứu về Châu Âu và Trung tâm Davis nghiên cứu về Nga và Á – Âu tại Đại học Harvard. Cập nhật thông tin của ông tại Twitter @m_orenstein. –
[*] Hiệu chỉnh (24 tháng Một năm 2014)
Bài viết này đã được sửa đổi để đính chính lại một sai sót trong phiên bản gốc liên quan đến sự xếp hạng của Ba Lan trong Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cũng như các thủ tục để thành lập một công ty ở đây.
Nguồn: Mitchell A. Orenstein, Six Markets to Watch: Poland: From Tragedy to Triumph, Foreign Affairs, Số Tháng 1/2 năm 2014.
Bản Tiếng Việt : The Pacific Chronicle